Luận Đại Trí Độ

Giải thích Phẩm Bốn Đế thứ 84



(Có bản ghi: Phẩm Sai Biệt; kinh Đại Bát nhã hội hai ghi: Phẩm Phật Pháp thứ 82)

Kinh: Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp ấy là pháp Bồ Tát, thời thế nào là pháp Phật?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như lời ông hỏi, các pháp ấy là pháp Bồ Tát, vậy thế nào là pháp Phật? Này Tu Bồ Đề, pháp Bồ Tát cũng là pháp Phật. Nếu biết hết thảy chủng là được trí Nhất thiết chủng, dứt hết thảy phiền não tập khí, Bồ Tát sẽ được pháp ấy. Phật do một niệm tương ưng với tuệ, biết hết thảy pháp rồi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; ấy là sai khác giữa Bồ Tát và Phật. Thí như người đắc quả và người hướng đạo khác nhau, hai người ấy đều là thánh nhân mà có đắc có hướng sai khác. Như vậy, Bồ Tát hành trong đạo vô ngại gọi là đại Bồ Tát, hành trong đạo giải thoát không có hết thảy hắc ám che lấp; ấy gọi là Phật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu hết thảy pháp tự tướng không, thời trong pháp tự tướng không vì sao có sai khác là địa ngục, là ngạ quỷ, súc sinh, người, trời? Là người Tánh địa, là người Bát địa, là người Tu Bồ Đề cho đến là Bồ Tát? Là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri? Bạch đức Thế Tôn, những người như vậy không thể có được, nghiệp nhân duyên của những người ấy cũng không thể có được, quả báo của các người ấy cũng không thể có được.

Phật dạy: Như vậy, như vậy, như lời ông nói, trong pháp tự tướng không, không có chúng sinh, không có nghiệp nhân duyên, không có quả báo. Chúng sinh không biết các pháp tự tướng không ấy, nên nghiệp nhân duyên hoặc lành hoặc dữ, hoặc nghiệp bất động; vì nhân duyên tội nghiệp nên đọa trong ba đường ác, vì nhân duyên phước nghiệp nên sinh cõi trời, cõi người; vì nhân duyên nghiệp bất động nên sinh cõi sắc, cõi vô sắc. Bồ Tát khi hành Thí Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung là nhận hành tất cả pháp trợ đạo. Như tam muội kim cương được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; được rồi lợi ích chúng sinh, cái lợi ấy thường không mất nên không đọa vào sáu đường sinh tử.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Phật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi có được sáu đường sinh tử chăng?

Phật dạy: Không được.

Bạch đức Thế Tôn, Phật có nghiệp hoặc đen hoặc trắng, hoặc đen trắng, hoặc chẳng đen chẳng trắng chăng?

Phật dạy: không được.

Bạch đức Thế Tôn, nếu không có được thời vì sao Phật nói đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, Tu đà hoàn cho đến Bồ Tát, chư Phật?

Này Tu Bồ Đề, nếu chúng sinh biết các pháp tự tính không, thời Bồ Tát không cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không cứu chúng sinh ra khỏi ba đường ác, cho đến không qua lại trong sáu đường sinh tử. Song vì chúng sinh thật không biết các pháp tự tính không, nên không được thoát khỏi sáu đường sinh tử. Vì vậy nên Bồ Tát theo Phật nghe pháp tự tính không, phát tâm cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này Tu Bồ Đề, các pháp không như vậy không như chỗ phàm phu chấp trước, chúng sinh đối với pháp không có sở hữu, mà điên đảo vọng tưởng phân biệt thủ đắc pháp, không có chúng sinh lại tưởng có chúng sinh, không có sắc lại tưởng có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức lại tưởng có thọ, tưởng, hành, thức, cho đến hết thảy pháp hữu vi không có sở hữu lại dùng tâm điên đảo vọng tưởng khởi lên nghiệp thân, miệng, ý, nên phải qua lại sáu đường sinh tử không được thoát khỏi. Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật, hết thảy pháp lành đều vào trong Bát nhã nên hành đạo Bồ Tát được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi vì chúng sinh thuyết bốn thánh đế: Khổ, khổ tập, khổ diệt và khổ diệt đạo. Hết thảy pháp lành trợ đạo khai thị phân biệt đều vào trong bốn thánh đế; dùng pháp lành trợ đạo ấy phân biệt có Tam bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo; vì trái nghịch không tin Tam bảo nên không được lìa khỏi sáu đường sinh tử.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, dùng khổ thánh đế được qua khỏi hay dùng khổ trí được qua khỏi? Do tập thánh đế được qua khỏi hay do tập trí được qua khỏi? Do diệt thánh đế được qua khỏi hay do diệt trí được qua khỏi? Do đạo thánh đế được qua khỏi hay do đạo trí được qua khỏi?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Chẳng phải do khổ thánh đế được qua khỏi, cũng chẳng phải do khổ trí được qua khỏi, cho đến chẳng phải do đạo thánh đế được qua khỏi, cũng chẳng phải do đạo trí được qua khỏi. Vì bốn thánh đế ấy bình đẳng nên Ta nói tức là Niết bàn, không do khổ thánh đế, không do tập, diệt, đạo thánh thế; cũng không do khổ trí, không do tập, diệt, đạo trí được Niết bàn.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, thế nào là tướng bốn thánh đế bình đẳng?

Này Tu Bồ Đề, nếu không có khổ, không có khổ trí, không có tập, không có tập trí, không có diệt, không có diệt trí, không có đạo, không có đạo trí, ấy gọi là bốn thánh đế bình đẳng.

*Lại nữa, bốn thánh đế ấy là như, chẳng khác; là pháp tướng, pháp tính, pháp trụ, pháp vị, thật tế dù có Phật hay không có Phật thì pháp tính vẫn thường trú, vì không dối không mất. Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật do thông đạt thật đế nên hành Bát nhã ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, thế nào là Bồ Tát do thông đạt thật đế nên khi hành Bát nhã ba la mật, như thông đạt thật đế, chứ không đọa vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật mà thẳng vào Bồ Tát vị?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu Bồ Tát như thật thấy các pháp, thấy rồi ngộ được pháp không có sở hữu, ngộ được pháp không có sở hữu rồi thấy hết thảy pháp không, pháp nhiếp thuộc vào bốn thánh đế, pháp không nhiếp thuộc vào bốn thánh đế đều không. Nếu quán như vậy liền vào Bồ Tát vị; ấy là Bồ Tát trú trong tánh địa không từ đảnh địa bị thoái đọa. Vì đảnh địa bị thoái đọa nên đọa vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật. Bồ Tát trú trong Tánh địa có thể phát sinh bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc. Bồ Tát trú trong địa của định ban đầu ấy phân biệt hết thảy pháp mà thông đạt bốn thánh đế: Biết khổ không sinh tâm duyên khổ, cho đến biết đạo không sinh tâm điên đảo, chỉ thuận theo tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà quán tưởng như thật của các pháp.

Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào quán tướng như thật của các pháp?

Phật dạy: Quán các pháp tính không.

Bạch đức Thế Tôn, là pháp không nào?

Phật dạy: Là tự tướng không. Bồ Tát dùng trí tuệ như pháp quán hết thảy pháp không, không có tính có thể thấy. Trú trong tính ấy được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì tướng vô tính là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chẳng phải chư Phật làm, chẳng phải Bích chi Phật làm, cũng chẳng A la hán làm, cũng chẳng phải người đắc quả làm, cũng chẳng phải Bồ Tát làm, chỉ vì chúng sinh không thấy không biết tướng như thật của các pháp nên Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, dùng sức phương tiện vì chúng sinh ấy mà thuyết pháp.

Luận. Hỏi: Pháp Phật và pháp Bồ Tát rất có sai khác. Phật là bậc Nhất thiết trí, Bồ Tát chưa phải là bậc Nhất thiết trí, Tu Bồ Đề vì cớ gì sinh nghi mà hỏi Phật: Thế nào là pháp Bồ Tát, thế nào là pháp Phật?

Trong đây Phật dạy chỗ hành của Bồ Tát như Phật là hành sáu Ba la mật như vậy, cho đến trí Nhất thiết chủng. Thế nên Tu Bồ Đề hỏi: Nếu hành như Phật thời với Phật khác gì? Phật hứa khả ý ấy nên nói như vậy: Chỗ hành của sắc pháp là đồng nhưng trí tuệ lợi độn có khác nhau. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ Tát tuy như thật hành sáu Ba la mật mà chưa thể cùng khắp, chưa thể vào tất cả các môn, thế nên không gọi là Phật. Nếu Bồ Tát đã vào trong hết thảy môn, vào trong thật tướng các pháp, do một niệm tương ưng với trí tuệ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, dứt hết thảy phiền não tập khí, được tự tại đối với các pháp, lúc bấy giờ gọi là Phật. Như mặt trăng ngày 14 và ngày rằm, tuy đồng là trăng, nhưng ngày 14 không thể làm cho nước biển dâng lớn. Bồ Tát cũng như vậy, tuy có trí tuệ thanh tịnh thật, song vì chưa đầy đủ Phật pháp nên không thể làm chấn động mười phương chúng sinh. Ánh sáng của trăng ngày rằm sung mãn, có thể làm cho nước biển dâng lớn. Khi Bồ Tát thành Phật cũng như vậy, phóng hào quang lớn, làm chấn động mười phương các cõi nước chúng sinh. Trong đây Phật tự nói: Như người hướng đạo và người đắc quả, tuy đồng là bậc thánh mà có sai khác. Bồ Tát cũng như vậy, hành giả gọi là Bồ Tát, là từ khi mới phát tâm cho đến khi được tam muội Kim cang; còn Phật đã được quả, dứt hết nghi hoặc, đối với các pháp không có pháp gì không rõ, nên gọi là Phật.

Tu Bồ Đề hỏi: Trong pháp tự tướng không, sự sai biệt không thể có được, rằng đó là địa ngục cho đến trời, đó là Tánh nhân, Bát nhân, Tu đà hoàn cho đến Phật. Bạch đức Thế Tôn, như chúng sinh địa ngục… không thể có được, nghiệp nhân duyên cũng phải không thể có được, vì sao? Vì người tạo nghiệp không thể có được. Nghiệp đã không thể có được thời quả báo cũng không thể có được, cớ sao Phật nói Phật với Bồ Tát có sai khác?

Phật hứa khà ý Tu Bồ Đề lại dùng câu hỏi mà đáp lại Tu Bồ Đề: Vì chúng sinh không biết tự tính không nên khởi lên nghiệp lành dữ, như trong Kinh đây nói rộng. Chúng sinh là kẻ phàm phu chưa vào chính vị. người ấy có tâm điên đảo chấp ngã, nhân phiền não mà khởi lên các nghiệp.

Nghiệp có ba thứ là thân, miệng và ý. Ba nghiệp ấy có hai là hoặc lành, hoặc dữ, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu. Vì nghiệp dữ nên đọa vào ba đường ác; vì nghiệp lành nên sinh vào cõi người cõi trời. Nghiệp lành lại có hai: Một là ràng buộc vào cõi dục, hai là ràng buộc vào cõi sắc và cõi vô sắc. Nghiệp ràng buộc sinh vào cõi sắc và cõi vô sắc gọi là nghiệp bất động; vì nghiệp bất động nên sinh vào cõi sắc, cõi vô sắc. Như chúng sinh tự biết các pháp tính không tức thời không sinh tâm chấp trước; tâm chấp trước không sinh nên không khởi nghiệp, cho đến không sinh vào cõi sắc, cõi vô sắc. Song vì thật không biết cho nên sinh, do việc ấy mà Bồ Tát suốt đời hành bố thí cho đến mười tám pháp không chung không mất không thiếu, cho đến dùng tam muội như kim cương được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, làm lợi ích chúng sinh. Chúng sinh được lợi ích ấy nên không còn qua lại trong năm đường sinh tử.

Tu Bồ Đề hỏi: Khi Phật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác thật có được sáu đường ấy chăng?

Phật dạy: Không được.

Hỏi: Trước Phật nói vì lợi ích lớn nên không đọa vào sáu đường, sao nay nói không được?

Đáp: Vì tà kiến quyết định thủ tướng nên rơi vào tà kiến, chứ sáu nẻo sinh tử không có được, chỉ vì người phàm phu do điên đảo mà khởi nghiệp nên giả danh có sáu đường sinh tử, chứ kỳ thật như huyễn, như mộng.

Hỏi: Phật có được bốn thứ nghiệp là đen, trắng, đen trắng và chẳng đen chẳng trắng chăng?

Đáp: Chẳng được. Nghiệp đen là nghiệp chẳng lành, quả báo của nó là đọa địa ngục, nơi chịu khổ não; chúng sinh trong ấy vì khổ não làm mê muội cùng cực nên gọi là đen. Chỗ thọ quả báo của nghiệp lành là cõi trời, vì thọ vui theo ý tự tại sáng suốt, nên gọi là nghiệp trắng; nghiệp ấy là nghiệp của các cõi trời trong ba cõi. Chỗ thọ quả báo của nghiệp lành và chẳng lành là cõi người, cõi A tu la… nơi đó cũng thọ vui, cũng thọ khổ nên gọi là nghiệp trắng đen. Nghiệp vô lậu có thể phá nghiệp hữu lậu chẳng lành, có thể cứu chúng sinh ra khỏi quả báo lành, dữ nên gọi là nghiệp chẳng phải trắng chẳng phải đen.

Hỏi: Nghiệp vô lậu cớ sao chẳng phải trắng chẳng phải đen?

Đáp: pháp vô lậu tuy trong sạch không nhơ bẩn, song vì là không, vô tướng, vô tác nên không có phân biệt; không có phân biệt nên không được nói là trắng. Vì đen đối đãi với trắng, mà trong đây không có tướng đen đối đãi nên không được nói trắng.

*Lại nữa, nghiệp vô lậu có thể dứt hết các quán niệm. Trong quán niệm vì phân biệt cho nên có đen trắng, trong vô lậu nghiệp không có quán niệm nên không có đen trắng.

Tu Bồ Đề hỏi: Nếu không có được bốn nghiệp ấy thời vì sao phân biệt đây là địa ngục cho đến đây là A la hán? Nếu không có nghiệp đen thời vì sao nói đây là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ? Nếu không có nghiệp trắng thời vì sao nói đây là trời, là người? Nếu không có nghiệp đen trắng thời vì sao nói đây là A tu la? Nếu không có nghiệp chẳng đen chẳng trắng thời vì sao nói đây là Tu đà hoàn cho đến A la hán?

Phật dạy: Nếu hết thảy chúng sinh tự biết các pháp tự tính không, thời Bồ Tát không cần phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không ở trong sáu đường kép chúng sinh ra, vì sao? Vì chúng sinh tự biết các pháp tính không thời không có gì phải độ; thí như không có bệnh thời không cần thuốc, không có bóng tối thời không cần đèn sáng. Nay vì chúng sinh thật không biết pháp tự tính không, cứ theo tâm sinh mà chấp trước thủ tướng. Vì chấp trước nên ô nhiễm; vì ô nhiễm nên theo nam dục; vì theo năm dục nên bị lòng tham che lấp; vì lòng tham nên xan lẫn, hư dối, ganh ghét, sân giận, đấu tranh; vì sân giận nên khởi các nghiệp tội mà không hay biết. Thế nên khi mệnh chung theo nghiệp duyên mà sinh vào chỗ dữ, tiếp tục tạo nghiệp sinh tử, thường qua lại trong sáu đường không biết lúc nào cùng. Do vậy mà Bồ Tát ở chỗ chư Phật và đệ tử nghe nói các pháp tính không, vì thương xót chúng sinh, thấy chúng sinh do ngu cuồng điên đảo mà sinh tâm chấp trước, nên nguyện rằng: Ta sẽ làm Phật phá điên đảo cho chúng sinh, khiến được hiểu rõ các pháp tính không, vì sao? Vì các pháp không như chỗ phàm phu chấp trước vậy. Chúng sinh chắc chắn không có thật, chỉ từ trong chỗ không có sở hữu ức tưởng phân biệt mà vọng có sở đắc. Trong không có chúng sinh khởi lên tưởng chúng sinh; trong không có sắc khởi lên tưởng sắc; trong không có thọ, tưởng, hành, thức, khởi lên tưởng thức, song vì si cuồng điên đảo nên khởi lên nghiệp thân, miệng, ý, phải qua lại sáu đường sinh tử, không thể thoát khỏi. Nếu chỉ khởi lên tưởng chúng sinh thời kiết phược còn nhẹ, có thể dễ độ. Nếu khởi lên tham dục, sân giận, tạo các nghiệp nặng, đó là kiết phược nặng, chịu quả báo của nghiệp ấy thời khó có thể độ được; thí như nhóm vi trần làm thành núi, khó có thể di động. Bồ tát vì chúng sinh ấy nên muốn phá nghiệp nhân duyên quả báo cho chúng sinh mà đối với Bát nhã tuy biết hết thảy thiện pháp, hành Bồ Tát đạo, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì chúng sinh nên nói bốn thánh đế là khổ, khổ tập, khổ diệt, khổ diệt đạo, dùng mỗi mỗi nhân duyên chỉ bày diễn nói.

Hỏi: Phật từ vô lượng vô số kiếp lại đây thực hành pháp vi diệu là mười tám pháp không chung cho đến vô ngã, giải thoát, đủ các nghiệp sâu xa, cớ sao chỉ nói cho chúng sinh khổ, tập, diệt, đạo?

Đáp: Điều chúng sinh sợ hãi cấp bách không gì hơn thống khổ. Vì thế nên trước trù khổ rồi sau mới chỉ bày Phật đạo; như có người bị bệnh nặng, trước phải lấy việc trị bệnh làm gấp vậy sau mới lấy báu vật, y phục trang nghiêm thân họ.

Khổ là thọ thân năm thọ uẩn, là gốc của hết thảy khổ, vì tính của nó chính là khổ. Khổ ấy nói lược là sinh, già, bệnh chết… như trong các Kinh nói rộng.

Khổ tập là các phiền não tham ái… Ái là pháp cũ ở trong tâm, vì vậy mà Phật nói ái có thể làm sinh ra thân sau, nên nói ái là nguyên nhân của khổ. Nhân của khổ là tập. Nếu người muốn bỏ khổ thì trước tiên phải dứt ái. Ái dứt thì khổ dứt; dứt ái tức là dứt khổ, mà khổ diệt tức là đạo. Quán mỗi mỗi nhân duyên của năm uẩn thấy tội lỗi của khổ và khổ tập là vô thường, khổ, không và vô ngã; như bệnh, như ung, như oán, như giặc, đây là chánh kiến ở trong tám phần thánh đạo; bảy thánh đạo khác giúp phát khởi thành chánh kiến, có thể dứt ái đối với hết thảy pháp; như dùng rượu dẫn thuốc. Người ấy đối với hết thảy thế gian không còn tham, được lìa khỏi lửa khổ vậy sau mới chỉ bày cho họ diệu pháp.

*Lại nữa, trong đây Phật tự nói nhân duyên: Trong bốn thánh đế đã thu nhiếp hết thảy pháp lành. Vì có người nói rằng, cớ gì Phật chỉ nói bốn thánh đế? Thế nên Phật nói hết thảy pháp lành trợ đạo đều thu nhiếp vào trong bốn thánh đế. Do nhân duyên của pháp lành trợ đạo nên phân biệt có ba ngôi báu, chỉ vì chúng sinh không tin Tam bảo nên không được lìa khỏi sáu đường sinh tử.

Hỏi: Cớ gì Tu Bồ Đề hỏi một cách thô thiển rằng: Do khổ thánh đế diệt hay do khổ trí diệt; do tập thánh đế diệt hay do tập trí diệt?

Đáp: Đây chằng phải là câu hỏi thô, mà ý hỏi rằng: Do thấy thể tính bốn thánh đế mà diệt hay do trí diệt được? Vì các phiền não ái… diệt nên gọi là hữu vi Niết bàn. Nếu do khổ thánh đế được đạo thời hết thảy chúng sinh trâu, ngựa cũng lẽ đáng được đạo? Nếu do khổ trí được đạo thời lìa khổ không có trí; mà trí lìa khổ thời không gọi là khổ đế, chỉ gọi là khổ? Do khổ trí, khổ đế hòa hợp phát sinh nên không được nói chỉ do khổ đế diệt hay chỉ do trí diệt; cho đến đạo đế cũng như vậy.

Phật đáp: không do khổ đế diệt, cũng không do khổ trí diệt, cho đến không do đạo đế diệt, cũng không do đạo trí diệt cũng như vậy. Ta nói bốn đế ấy bình đẳng tức là diệt, không do khổ đế diệt cho đến đạo đế diệt, vì sao? Vì khổ, tập… đều từ nhân duyên sinh, hư dối không thật, không có tự tính nên không gọi là thật. Vì không thật nên làm sao có thể diệt?

Hỏi: Hai đế khổ và tập thuộc pháp hữu lậu, là pháp của phàm phu hành nên có thể là hư dối không thật, còn đạo đế là pháp vô lậu, không có dính mắc, tuy từ nhân duyên hòa hợp sinh mà không hư dối? Lại, diệt đế là pháp vô vi, vô lậu, không từ nhân duyên mà có, làm sao nói bốn đế đều là hư dối?

Đáp: Người mới đắc đạo biết hai đế là hư dối; sắp vào Vô dư Niết bàn cũng biết đạo đế hư dối, vì không. Không tam muội lìa bỏ đạo đế; như bỏ chiếc bè. Diệt đế cũng không có pháp nhất định, như trong kinh đây nói: Lìa pháp hữu vi không có pháp vô vi; nhân pháp hữu vi nên nói pháp vô vi; khổ diệt như đèn tắt, không nên hý luận tìm chỗ đèn tắt ở đâu. Thế nên Phật nói không do khổ đế cho đến không do đạo đế diệt được.

Tu Bồ Đề hỏi: Thế nào là bốn thánh đế bình đẳng?

Phật dạy: Như không có tám pháp và bốn đế và trí biết bốn đế thời là bình đẳng.

*Lại nữa, bốn đế như thật không dối, không khác. Như như, pháp tính, pháp tướng, pháp vị, thật tế hoặc có Phật hay không có Phật thời pháp tính vẫn thường trú, không do tâm tâm số pháp và các quán niệm, chỉ vì không dối chúng sinh nên thường trụ. Còn hết thảy pháp khác đều điên đạo, hư vọng, do chấp trước quả báo điên đảo mà phát sinh nên tuy có thể cùng với người vui mừng lớn mà lâu ngày đều đổi khác, hư dối. Chỉ có một pháp đó là thật tướng các pháp, vì không hư dối nên thường trú bất diệt.

Như vậy, Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật thông đạt thật đế của các pháp.

Tu Bồ đề hỏi: Bồ Tát làm thế nào thông đạt được thật đế, vượt quá địa vị Thanh Văn, Bích chi Phật mà vào Bồ Tát vị?

Phật dạy: Nếu Bồ Tát tư duy, trù lượng, suy tìm các pháp thời không có một pháp nào có thể có được định tướng, mà thấy hết thảy pháp hoặc ở trong bốn đế, hoặc không ở trong bốn đế đều không. Pháp không ở trong bốn đế là hư không, và phi trạch diệt vô vi, ngoài ra đều ở trong bốn đế. Nếu quán pháp không như vậy, liền vào Bồ Tát vị.

Hỏi: Cớ gì không nói không cũng không quán không, vào Bồ Tát vị?

Đáp: Không cần nói, vì sao? Vì nếu nói các pháp không tức là không, không cũng không; nếu không ấy chẳng không thời không gọi là hết thảy không; vì thế nên hành trong ấy được vào Bồ Tát vị. Bồ Tát trú trong Tánh địa không đọa vào Đảnh địa. Tánh địa là pháp vị của Bồ Tát. Như trong pháp Thanh văn, noãn pháp, đảnh pháp, nhẫn pháp, thế đệ nhất pháp gọi là Tánh địa; vì pháp ấy tùy thuận đạo vô lậu nên gọi là tánh, trú ở trong ấy hy vọng chắc chắn được đạo. Bồ Tát cũng như vậy, trú trong Tánh địa hy vọng chắc chắn được làm Phật, có thể phát sinh bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc. Bồ Tát nhiếp tâm ở trong thiền định, phân biệt, tư duy, trù lượng mà phân biệt các pháp, thông đạt bốn đế. Nghĩa là thấy biết khổ cũng chẳng phải duyên khổ sinh tâm; biết khổ là biết thọ thân của phàm phu, do chấp trước khổ nên chịu các ưu não. Người ấy đều như giặc, như oán, vô thường, không. Thấy được như vậy rồi khi ấy liền xả bỏ, không chấp thủ tướng khổ, cũng không duyên khổ đế; do sức pháp vị của Bồ Tát, cho đến đạo đế cũng như vậy, chỉ nhất tâm hổi hướng đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Biết bốn đế ấy như thuốc và bệnh đối đãi nhau, nên cũng không chấp trước bốn đế ấy, chỉ quán tướng như thật của các pháp, không khởi bốn thứ quán phân biệt.

Tu Bồ Đề hỏi: Làm thế nào như thật quán các pháp?

Phật dạy: Quán không. Nếu Bồ Tát quán hết thảy pháp hoặc lớn hoặc nhỏ đều không, ấy gọi là như thật quán.

Lại hỏi: Dùng không gì. Phật dạy: Dùng tự tướng không.

Hỏi: Trong mười tám không cớ gì chỉ dùng tự tướng không?

Đáp: Vì đó là Không trung đạo. Nội không, ngoại không… là tiểu không; rốt ráo không, vô sở đắc không là Không sâu xa; tự tướng không là Không bậc trung, vì tự tướng có lý phá mà tâm không thối mất, thời có thể vào trong Không sâu xa. Bồ Tát được pháp như vậy thời quán hết thảy pháp đều không, cho đến không thấy một pháp có tính, có thể trú trong đó mà được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quán các pháp như Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Vô thượng chánh đẳng chánh giác tự tính cũng không; chẳng phải Phật làm, chẳng phải Bồ Tát làm; chẳng phải Bồ Tát, A la hán, Bích chi Phật làm; tướng nó thường vắng lặng, không có ngôn ngữ hý luận. Do chúng sinh không thấy biết tướng như thật ấy nên Bồ Tát hành Bát nhã, dùng sức phương tiện vì chúng sinh thuyết pháp. Sức phương tiện là Bồ Tát biết pháp vô sinh nhẫn, vào Bồ Tát vị, thông đạt đệ nhất nghĩa đế. Quán tướng đạo ấy rất sâu xa, vi diệu, không được, không bỏ, thời dùng trí tuệ vi diệu còn không thể biết được huống gì miệng có thể nói!

Tâm đại bi thương xót chúng sinh là vì “việc không” nên đọa vào ba đường ác, chịu khổ cực lớn. Nếu ta chỉ nói thẳng pháp không ấy, thời chúng sinh không tin, không chịu, mắc tội phá pháp mà đọa vào địa ngục. Ta nay sẽ thành tựu hết thảy pháp lành, trang nghiêm thân với 32 tướng mà dẫn đường cho chúng sinh, khởi lên vô lượng vô số thần thông, được thành Phật đạo, làm chủ giữa hết thảy hội chúng, tự tại đối với hết thảy pháp. Nếu tán thán pháp ác, chúng sinh còn lãnh thọ huống nữa là nói pháp thật! Vì thế Bồ Tát hành theo dư duy như sở nguyện mà vì chúng sinh thuyết pháp khiến đều được độ thoát.

***

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.