Luận Đại Trí Độ

Giải thích Phẩm Biến Học thứ 74



Kinh: Bấy giờ Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Bồ Tát thành tựu đại trí tuệ hành pháp sâu xa ấy cũng không thọ quả báo.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như vậy, như vậy, Bồ Tát thành tựu đại trí tuệ, hành Bồ Tát sâu xa ấy, cũng không thọ quả báo, vì sao? Vì Bồ Tát ấy dối với các pháp chẳng động.

Bạch Đức Thế Tôn, đối với các pháp gì chẳng động?

Phật dạy: Đối với pháp tính không có sở hữu bất động.

*Lại nữa, Bồ Tát đối với tính sắc bất động, đối với tính thọ, tưởng, hành, thức bất động, đối với tính Thí Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật tính bất động; đối với tính bốn thiền bất động, tính bốn tâm vô lượng bất động, tính bốn định vô sắc bất động, tính bốn niệm xứ bất động cho đến tính tám phần thánh đạo bất động, đối với Không tam muội, Vô tướng, Vô tác tam muội cho đến tính đại từ đại bi bất động, vì sao? Vì tính các pháp ấy chính là không có sở hữu, vì pháp không có sở hữu không thể được pháp có sở hữu.

Tu Bồ Đề thưa: Pháp có sở hữu có thể được pháp có sở hữu chăng?

Phật dạy: Không.

Bạch Đức Thế Tôn, pháp có sở hữu có thể được pháp không có sở hữu chăng?

Phật dạy: Không.

Bạch Đức Thế Tôn, pháp không có sở hữu có thể được pháp không có sở hữu chăng?

Phật dạy: Không.

Bạch Đức Thế Tôn, nếu không có sở hữu, không thể được pháp có sở hữu, pháp có sở hữu không thể được pháp không có sở hữu, pháp có sở hữu không thể được pháp không có sở hữu, pháp không có sở hữu không thể được pháp không có sở hữu, vậy sẽ không có Thế Tôn, không được đạo ư?

Phật dạy: Có được, nhưng không do bốn câu được.

Bạch Thế Tôn, thế nào là được?

Phật dạy: Chẳng phải có sở hữu, chẳng phải không có sở hữu, không có các hí luận ấy, ấy gọi là đắc đạo.

Bạch Đức Thế Tôn, những gì là pháp hí luận của Bồ Tát?

Phật dạy: Bồ Tát quán sắc hoặc thường hoặc vô thường, ấy là hí luận; quán thọ, tưởng, hành thức hoặc thường hoặc vô thường, ấy là hí luận; quán sắc hoặc khổ hoặc vui, thọ, tưởng, hành, thức hoặc khổ hoặc vui, ấy là hí luận; quán sắc hoặc ngã hoặc phi ngã, thọ, tưởng, hành, thức hoặc ngã hoặc phi ngã; sắc hoặc tịch diệt hặc chẳng tịch diệt, thọ, tưởng, hành, thức hoặc tịch diệt hoặc chẳng tịch diệt, ấy là hí luận. Quán khổ Thánh đế ta nên thấy, tập thánh đế ta nên đoạn, diệt thánh đế ta nên chứng, đạo thánh đế ta nên tu, ấy là hí luận; ta nên tu bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, ấy là hí luận; ta nên tu bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám phần thánh đạo, ấy là hí luận; ta nên tu môn giải thoát không, môn giải thoát vô tướng, môn giải thoát Vô tác, ấy là hí luận; ta nên tu tám bội xả, định chín thứ lớp, ấy là hí luận; ta nên vượt qua quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, đạo Bích Chi Phật, ấy là hí luận; ta nên đầy đủ mười địa của Bồ Tát, ấy là hí luận; ta nên vào Bồ Tát vị, ấy là hí luận; ta nên nghiêm tịnh cõi Phật, , ấy là hí luận; ta nên thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, , ấy là hí luận; ta nên sinh mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, , ấy là hí luận; ta nên được trí Nhất thiết chủng, , ấy là hí luận; ta nên dứt hết thảy phiền não tập khí, ấy là hí luận. Này Tu bồ đề, Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật sắc hoặc thường hoặc vô thường không thể hí luận nên không nên hí luận; thọ, tưởng, hành thức, hoặc thường hoặc vô thường không thể hí luận nên không nên hí luận, cho đến trí Nhất thiết chủng không thể hí luận nên không nên hí luận, vì sao? Vì tính không thể hí luận tính, vô tính không thể hí luận vô tính; tính lìa, tính không có, lại không có pháp có thể nắm bắt được. Hí luận là hí luận pháp, hí luận chỗ, vì thế nên sắc không có hí luận, thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí Nhất thiết chủng không có hí luận. Như vậy, Bồ Tát nên hành Bát nhã ba la mật không có hí luận.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, vì sao? Sắc không thể hí luận cho đến trí Nhất thiết chủng không thể hí luận?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Vì tính sác không có cho đến trí Nhất thiết chủng tính không có, như tính pháp không có tức là không có hí luận, vì thế nên sắc không thể hí luận. Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát hành Bát nhã không hí luận được như thế, khi ấy được vào Bồ Tát vị.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, nếu tính các pháp không có, thì Bồ Tát hành đạo gì được vào Bồ Tát vị? Hành đạo Thanh văn, hành đạo Bích Chi Phật hay hành Phật đạo?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Không do đạo Thanh văn, không do đạo Bích chi Phật, không do Phật đạo được vào Bồ Tát vị; mà Bồ Tát học khắp các đạo được vào Bồ Tát vị. Thí như hàng Bát nhân trước học các đạo sau đó mới vào chính vị, chưa được quả mà trước sinh đạo quả; Bồ Tát cũng như vậy, trước học khắp các đạo tiếp sau vào Bồ Tát vị, cũng chưa được trí Nhất thiết chủng mà trước được sinh tam muội Kim cang, bấy giờ do một niệm tương ưng với trí tuệ, được trí Nhất thiết chủng.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, nếu Bồ Tát học khắp các đạo mà vào Bồ Tát vị, thời hạng người Bát nhân hướng đến Tu đà hoàn, được Tu đà hoàn, hướng đến Tư đà hàm, được Tư đà hàm, hướng đến A na hàm, được A na hàm, hướng đến A la hán, được A la hán, Bích chi Phật đạo, Phật đạo, mà các đạo ấy mỗi mỗi khác nhau? Nếu Bồ Tát học khắp các đạo ấy sau vào Bồ Tát vị thì Bồ Tát ấy nếu sinh Bát đạo thời lên làm hạng Bát nhân, nếu phát sinh Kiến đạo thời làm Tu đà hoàn, nếu phát sinh Tư duy đạo thời nên làm Tu đà hàm, A na hàm, A la hán; nếu phát sinh Bích chi Phật đạo thời làm Bích Chi Phật? Bạch Đức Thế Tôn, nếu Bồ Tát làm hạng Bát nhân sau đó mới vào Bồ Tát vị, thì lẽ ấy không thể có? Không vào Bồ Tát vị mà được trí Nhất thiết chủng cũng không thể có? Làm Tu đà hoàn cho đến Bích chi Phật, vậy sau mới vào Bồ Tát vị cũng không có lẽ ấy? Không vào Bồ Tát vị mà được trí Nhất thiết chủng cũng không có lẽ ấy? Bạch Đức Thế Tôn, con làm sao biết Bồ Tát học khắp các đạo được vào Bồ Tát vị?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như vậy, như vậy, nếu Bồ Tát làm hạng Bát nhân được quả Tu đà hoàn cho đến được quả A la hán, được đạo Bích chi Phật, sau đó vào Bồ Tát vị, thì không thể có lẽ ấy, không vào Bồ Tát vị mà được trí Nhất thiết chủng, thì không có lẽ ấy. Này Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát từ khi mới phát tâm, tu sáu Ba la mật, nhờ trí quán sát mà vượt qua tám địa là Càn huệ đĩa, Tánh địa, Bát nhân địa, Kiến địa, Bạt địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Bích chi Phật địa, nương Đạo chủng trí mà vào Bồ Tát vị. Vào Bồ Tát vị rồi nhờ trí Nhất thiết chủng mà dứt hết thảy phiền não và tập khí. Ở Bát nhân địa hoặc trí, hoặc đoạn là Bồ Tát vô sinh pháp nhẫn; ở Tu đà hoàn hoặc trí (trí biết khổ đế – ND) hoặc đoạn (đoạn trừ tập đế – ND); Tư đà hàm hoặc trí hoặc đoạn, A na hàm trí hoặc đoạn, A la hán hoặc trí hoặc đoạn, Bích chi Phật trí hoặc đoạn đều là Bồ Tát nhẫn. Bồ Tát học Thanh văn, Bích chi Phật. Như vậy, nương đạo chủng trí mà vào Bồ Tát vị; vào Bồ Tát vị rồi nương trí Nhất thiết chủng mà dứt hết thảy phiền não và tập khí, được Phật đạo. Như vậy, Bồ Tát học khắp các đạo đầy đủ nên được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi đem kết quả lợi ích chúng sinh.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn nói đạo: Đạo Thanh văn, đạo Bích chi Phật, Phật đạo, thế nào là đạo chủng trí của Bồ Tát?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát nên sinh trí thanh tịnh về hết thảy đạo chủng. Thế nào là trí thanh tịnh về hết thảy đạo chủng? Là nếu các pháp có tướng mạo có thể hiển bày, thì Bồ Tát nên biết đúng đắn; biết đúng đắn rồi, vì người khác diễn nói, khai thị khiến được hiểu rõ. Bồ Tát nên hiểu hết thảy âm thanh, ngôn ngữ; dùng âm thanh, ngôn ngữ ấy thuyết pháp lan khắp thế giới đại thiên ba ngàn như tiếng vang. Vì thế nên Bồ Tát nên trước hết học đầy đủ hết thảy đạo. Đạo trí đầy đủ rồi thì nên phân biệt tâm sâu xa của chúng sinh: Hoặc chúng sinh địa ngục, đường địa ngục, nhân địa ngục, quả địa ngục, nên biết, nên ngăn trừ; phân biệt biết súc sinh, nhân súc sinh, quả súc sinh, nhân ngạ quỉ, quả ngạ quỷ, đường ngạ quỉ, nên biết, nên ngăn trừ; các rồng, quỷ thần, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhân và quả A tu la đạo nên biết, nên ngăn trừ; nhân và quả của nhân đạo nên biết; nhân và quả của tiên đạo nên biết; nhân và quả của trời Ba mươi ba, trời Dạ ma, trời Đâu suất đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm thiên, trời Quang Âm, trời Biến tịnh, trời Quảng quả, trời Vô tường, trời A bà la ha, trời Vô nhiệt, trời Dị kiến, trời Hỷ kiến, trời A ca nị sắc nên biết; nhân và quả của Vô biên hư không xứ, vô biên thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng Phi vô tường xứ đạo nên biết; nhân và quả của bốn niệm xứ, bốn chánh càn, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám phần thánh đạo nên biết; nhân và quả của Không giải thoát môn, Vô tướng, Vô tác giải thoát môn, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi nên biết. Bồ Tát do các đạo ấy khiến chúng sinh vào đạo Tu đà hoàn cho đến đạo Bích chi Phật, đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ấy gọi là đạo chủng trí thanh tịnh của Bồ Tát. Bồ Tát học đạo chủng trí ấy rồi vào tâm sâu xa của chúng sinh; vào rồi theo tâm sâu xa của chúng sinh mà thuyết pháp thích hợp, lời nói không hư dối, vì sao? Vì Bồ Tát ấy khéo biết căn tính của chúng sinh, biết tâm tâm số pháp của chúng sinh trong đường sinh tử. Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên hành đạo Bát nhã ba la mật như vậy, vì sao? Vì hết thảy thiện pháp trợ đạo đều vào trong Bát nhã. Các Bồ Tát, Thanh văn, Bích chi Phật nên thực hành.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, nếu bốn niệm xứ cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác là hết thảy pháp đều không hợp không tán, không sắc, không hình, không đối, chỉ là một tướng tức vô tướng, thì làm sao do pháp trợ đạo ấy có thể thủ chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác? Bạch Đức Thế Tôn, pháp một tướng, không tướng, không hợp, không tán, không sắc, không hình, không đối ấy không có gì lấy, không gì bỏ, như hư không không lấy không bỏ.

Phật dạy: Như vậy, như vậy, các pháp tự tính không, không có gì lấy, không có gì bỏ; vì chúng sinh không biết tự tính các pháp không, nên vì họ mà khai thị pháp trợ đạo, có thể thủ chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

*Lại nữa, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, Thí Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, nội không, ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không, sơ thiền cho đến Phi hữu tưởng Phi vô tưởng xứ, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, ba môn giải thoát, tám bội xả, định chín thứ lớp, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi, trí Nhất thiết chủng, các pháp ấy ở trong Thánh pháp đều không hợp, không tán, không sắc, không hình, không đối, chỉ là một tướng tức vô tướng. Vì theo pháp thế tục nên vì chúng sinh giảng nói, làm cho hiểu rõ, chứ chẳng phải theo đệ nhất nghĩa. Này Tu Bồ Đề, đối với hết thảy pháp ấy, Bồ Tát nên dùng trí thấy pháp như thật mà học; học xong phân biệt các pháp nên dùng hay không nên dùng.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn, Bồ Tát phân biệt những pháp gì rồi nên dùng, hay không nên dùng?

Phật dạy: Pháp Thanh văn, Bích chi Phật phân biệt biết không nên dùng, trí Nhất thiết chủng phân biệt biết nên dùng. Như vậy, Bồ Tát đối với Thánh pháp nên học Bát nhã ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là Thánh pháp, Thánh pháp gồm những gì?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Pháp Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ Tát và Phật với tham dục, sân giận, ngu si không hợp, không tán, dục nhiễm, sân giận không hợp, không tán; sắc nhiễm, vô sắc nhiễm, trạo cử, kiêu mạn, vô minh không hợp, không tán; sơ thiền cho đến đệ tứ thiền không hợp, không tán, từ bi hỷ xả, hư không xứ cho đến Phi hữu tưởng Phi vô tưởng xứ không hợp, không tán; bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo không hợp, không tán; nội không cho đến đại bi, tánh hữu vi, tánh vô vi không hợp, không tán, vì sao? Vì hết thảy pháp đều không sắc, không hình, không đối, vì là một tướng tức vô tướng. Pháp không sắc với pháp không sắc không hợp không tán; pháp không hình với pháp không hình không hợp không tán; pháp không đối với pháp không đối, không hợp không tán; pháp một tướng với pháp một tướng không hợp, không tán; pháp vô tướng với pháp vô tướng không hợp, không tán. Này Tu Bồ Đề, Bát nhã ba la mật nhất tướng vô tướng, không sắc, không hình, không đối ấy, các Bồ Tát nên học; học rồi không thủ đắc các pháp tướng.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Bồ Tát không học tướng sắc ư? Không học tướng thọ, tưởng, hành, thức chăng? Không học tướng mắt cho đến tướng ý? Không học tướng sắc cho đến tướng pháp? Không học tướng địa chủng cho đến tướng thức chủng? Không học Thí Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật? Không học tướng nội không cho đến tướng vô pháp hữu pháp không? Không học tướng sơ thiền cho đến tướng đệ tứ thiền? Không học tướng từ bi hỷ xả? Không học tướng vô biên không, cho đến tướng Phi hữu tưởng Phi vô tưởng? Không học tướng bốn niệm xứ, cho đến tướng tám phần thánh đạo? Không học tướng Không tam muội, Vô tướng Vô tác tam muội? Không học tướng tám bội xả, định chín thứ lớp? Không học tướng mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi? Không học tướng Khổ thánh đế, Tập, Diệt đạo thánh đế? Không học tướng thuận quán, nghịch quán mười hai nhân duyên? Không học tướng hữu tính, vô vi tính? Bạch Đức Thế Tôn, nếu không học tướng các pháp ấy, Bồ Tát làm sao học tướng các pháp hoặc hữu vi hoặc vô vi; học xong vượt qua địa vị Thanh văn, Bích chi Phật? Nếu không học quá địa vị Thanh văn, Bích chi Phật làm sao vào địa vị Bồ Tát? Nếu không vào địa vị Bồ Tát, làm sao được trí Nhất thiết chủng? Nếu không được trí Nhất thiết chủng làm sao Chuyển pháp luân? Nếu không Chuyển pháp luân, làm sao đem đạo ba thừa độ chúng sinh?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu tướng các pháp thật có thời Bồ Tát nên học tướng ấy; song vì tướng các pháp thật không, không sắc, không hình, không đối, chỉ là một tướng tức vô tướng; vì thế nên Bồ Tát không học tướng, không học vô tướng, vì sao? Vì có Phật hay không có Phật, một tướng của các pháp, tính vẫn thường trú.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, nếu hết thảy các pháp chẳng có tướng chẳng phải không có tướng thời Bồ Tát làm sao tu Bát nhã ba la mật? Nếu không tu Bồ Tát thời không thể vượt quá địa vị Thanh văn, Bích chi Phật? Nếu không vượt quá địa vị Thanh văn, Bích chi Phật thời không thể vào địa vị Bồ Tát? Nếu không vào địa vị Bồ Tát thời không được vô sinh pháp nhẫn? Nếu không được vô sinh pháp nhẫn thời không thể được Bồ Tát thần thông? Nếu không được Bồ Tát thần thông thời không thể nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh? Nếu không nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh thời không thể được trí Nhất thiết chủng? Nếu không được trí Nhất thiết chủng thời không thể chuyển pháp luân? Nếu không chuyền pháp luân thời không thể làm cho chúng sinh được Tu đà hoàn quả cho đến đạo Bích chi Phật, Bồ Tát; cũng không thể làm cho chúng sinh được phước bố thí, được phước trì giới, tu định?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như vậy, như vậy, các pháp vô tướng chẳng phải một tướng, chẳng phải hai tướng, nếu tu vô tướng là tu Bát nhã ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch: Làm sao tu vô tướng là tu Bát nhã ba la mật?

Phật dạy: Tu các pháp hư hoại là tu Bát nhã ba la mật.

Bạch Đức Thế Tôn, làm sao tu các pháp hư hoại là tu Bát nhã ba la mật?

Phật dạy: Tu sắc hư hoại là tu Bát nhã ba la mật, tu thọ, tưởng, hành, thức hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ý Ba la mật hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu quán bất tịnh hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền h hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu từ bi hỷ xả hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu bốn định vô sắc hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí xả, niệm thiên, niệm diệt, niệm hơi thở hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu tướng vô thường, tướng khổ, tướng vô ngã, tướng không, tướng tập, tướng nhân, tướng sinh, tướng duyên, tướng đóng, tướng diệt, tướng diệu, tướng xuất, tướng đạo, tướng trắng, tướng dấu tích, tướng lìa hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu mười hai nhân duyên hư hoại, tướng ngã, tướng chúng sinh, thọ giả, cho đến tướng kẻ biết kẻ thấy hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu tướng thường, tướng vui, tướng tịnh, tướng ngã hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu Không, Vô tác, Vô tướng tam muội là tu Bát nhã ba la mật; tu tám bội xả, định chín thứ lớp hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu tam muội có giác có quán, tam muội không giác có quán, tam muội không giác không quán hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu khổ thánh đế, tập thánh đế, diệt thánh đế, đạo thánh đế hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu tận trí, vô sinh trí là tu Bát nhã ba la mật; tu pháp trí, tỷ trí, thế trí, tha tâm trí hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu Thí Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cảnh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, chư háp không, tự tướng không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, đạo Bích Chi Phật hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu Nhất thiết trí hư hoại là tu Bát nhã ba la mật; tu dứt hết thảy phiền não tập khí hư hoại là tu Bát nhã ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, sao gọi là tu sắc hư hoại cho đến tu đoạn hết thảy phiền não tập khí hư hoại là tu Bát nhã ba la mật?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật không nghĩ đến có sắc pháp, ấy là tu Bát nhã ba la mật; không nghĩ đến có thọ, tưởng, hành, thức cho đến không nghĩ đến có dứt hết thảy phiền não tập khí, ấy là tu Bát nhã ba la mật, vì sao? Vì có pháp để nghĩ tới, là không tu Bát nhã ba la mật. Này Tu Bồ Đề, có pháp để nghĩ tới là không tu Thí Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, vì sao? Vì người ấy chấp trước pháp, không hành Thí Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật. Chấp trước như vậy là không có giải thoát, không có đạo, không có Niết bàn; có pháp để nghĩ tới là không tu bốn niệm xứ, cho đến tám phần thánh đạo, không tu Không tam muội cho đến trí Nhất thiết chủng, vì sao? Vì người ấy chấp trước pháp.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là có pháp? Thế nào là không có pháp?

Phật ba Tu Bồ Đề: Hai là có pháp, chẳng hai là không có pháp.

Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là hai?

Phật dạy: Tướng sắc là hai, tướng thọ, tưởng, hành, thức là hai, tướng mắt cho đến tướng ý là hai; tướng sắc cho đến tướng pháp là hai, tướng Thí Ba la mật cho đến tướng Phật, tướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác; tướng hữu vi, vô vi là hai. Này Tu Bồ Đề, hết thảy tướng đều là hai, hết thảy hai đều là có pháp; thích ứng với có pháp là có sinh tử, thích ứng với có sinh tử là không được xa lìa sinh già bệnh chết ưu bi khổ não. Vì nhân duyên ấy nên biết người chấp hai tướng thời không có Thí Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật; không có đạo, không có quả, cho đến không có thuận nhẫn, huống gì thấy tướng sắc cho đến thấy tướng trí Nhất thiết chủng! Nếu không tu đạo làm sao được quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, đạo Bích chi Phật, Vô thượng chánh đẳng chánh giác và dứt hết thảy phiền não tập khí?

Luận: Phật nói Bồ Tát hành sáu Bát nhã ba la mật, không thọ quả báo thế gian, Tu Bồ Đề tán thán việc ấy chưa từng có, bạch Phật rằng: Bồ Tát ấy thành tựu đại trí tuệ, tu hành pháp sâu xa, tạo tác nhân mà không thọ quả. Bồ Tát ấy vì làm lợi lớn cho chúng sinh nên không thọ quả báo nhỏ. Phật chấp thuận ý ấy, lại tự nói nhân duyên: Bồ Tát đối với các pháp tính không lay động. Tính các pháp là không có sở hữu, rốt ráo không, Như, pháp tính, thật tế, Bồ Tát định tâm an trú trong ấy, không lay động.

Tu Bồ Đề hỏi: Đối vói những tính gì không lay động?

Phật đáp: Đối với tính sắc không lay động, cho đến đối với tính đại từ đại bi… vì sao? Vì tính các pháp là do nhân duyên sinh, không tự tại, không có định tướng; không có định tướng nên không có sở hữu. Các pháp là sắc pháp… nhân sắc pháp ấy nên nói vô vi. Thế nên pháp vô vi cũng không có sở hữu, vì sao? Vì không thể dùng pháp không có sở hữu mà thủ đắc pháp sở hữu.

Tu Bồ Đề thưa: Nếu không có sở hữu, không thể thủ đắc pháp sở hữu, vậy há có thể dùng pháp có sở hữu thủ đắc pháp có sở hữu ư?

Phật đáp: Không, vì sao? Vì pháp không có sở hữu được hết thảy thánh nhân xưng tán, an trú, còn không thể có sở đắc, huống gì pháp có sở hữu!

Tu Bồ Đề thưa: Pháp có sỡ hữu thủ đắc pháp không có sở hữu chăng?

Phật đáp: Không, vì sao? Vì có sở hữu, không có sở hữu đều có lỗi, cho nên Phật đáp không.

Tu Bồ Đề thưa: Có thể dùng pháp không có sở hữu thủ đắc pháp không có sở hữu chăng? Phật đáp: Không, vì sao? Vì pháp có sở hữu có tướng sinh, tướng trụ là pháp hư dối, còn không có sở đắc, huống gì pháp không có sở hữu từ xưa lại đây rốt ráo không mà lại có sở đắc!

Tu Bồ Đề lại hỏi: Nếu dùng cả bốn câu đều không có sở đắc, thời sẽ không có đạo, không đắc quả ư?

Phật đáp: Thật có đắc đạo, nhưng chỉ không dùng bốn câu ấy, vì sao? Vì bốn câu đều có lỗi như trên; nếu lìa bốn câu hí luận ấy tức là đạo.

Lại hỏi: Thế nào là tướng Bồ Tát hí luận?

Phật đáp: Sắc hoặc thường hoặc vô thường… là Bồ Tát hí luận, vì sao? Vì nếu thường thời chẳng sinh chẳng diệt, không có tội phước, tốt xấu; nếu vô thường cũng không đúng, vì sao? Vì nhân thường mà nói vô thường. Thường đã không thể có được, huống gì vô thường!

*Lại nữa, nếu vô thường chắc chắn là định tướng của sắc, thời không thể có nghiệp nhân duyên quả báo, vì sao? Vì sắc pháp… niệm niệm diệt mất. Nếu nghiệp nhân duyên và quả báo diệt mất thời không gọi là tướng vô thường? Các nhân duyên như vậy nên vô thường chẳng phải là thật tướng của sắc pháp… như đã phá ở trong phẩm Vô thường trước. Cho đến nghĩ rằng: Ta sẽ dứt hết thảy phiền não tập khí, cũng là hí luận. Sắc pháp… không thể hí luận, mà phàm phu hí luận các pháp, còn Bồ Tát đối với pháp không thể hí luận, tùy theo pháp không hí luận, vì sao? Vì tự tính không thể hí luận tự tính, vì sao? Vì tính do nhân duyên sinh, chỉ có giả danh, làm sao có thể hí luận? Nếu tính không thể hí luận, huống gì vô tính? Lìa tính và vô tính, lại không có pháp thứ ba có thể hí luận? Hí luận là: Hí luận pháp, hí luận nơi chỗ, pháp ấy đều không thể có được. Này Tu Bồ Đề, sắc pháp… là tướng không thể hí luận. Như vậy, Bồ Tát nên tu Bát nhã ba la mật không hí luận.

*Lại nữa, Phật tự nói nhân duyên không thể hí luận: sắc pháp… vô tự tính, nếu pháp vô tự tính tức là không thể hí luận. Nếu Bồ Tát tu được Bát nhã không thể hí luận ấy, liền được vào địa vị Bồ Tát.

Ý Tu Bồ Đề: Không có hí luận là đạo của ba thừa, vậy Bồ Tát dùng đạo gì để vào địa vị Bồ Tát không có hí luận? Phật đều đáp không, vì sao? Vì hàng Bồ Tát Đại thừa không nên dùng pháp Nhị thừa, vì sáu Ba la mật chưa đầy đủ, không thể dùng Phật đạo. Trong đây Phật tự nói nhân duyên; Bồ Tát nên tu học khắp các đạo mới được vào địa vị Bồ Tát; thí như hàng Bát nhân trong hàng Kiến đế đạo, trước tiên học khắp các đạo, được vào chính vị mà chưa được quả Tu đà hoàn, Bồ Tát cũng như vậy; trước tiên học khắp các đạo, được vào địa vị Bồ Tát mà chưa được quả Nhất thiết chủng. Nếu Bồ Tát trú trong Kim cang tam muội, dùng một niệm tương ưng với tuệ thời được quả Nhất thiết chủng.

Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Đức Thế Tôn, nếu Bồ Tát học khắp các đạo vậy sau mới vào địa vị Bồ Tát, các đạo ấy khác nhau; nếu Bồ Tát học khắp các đạo ấy, hoặc sinh vào tám đạo, tức là hàng Bát nhân; nếu sinh vào Bích chi Phật đạo, tức là Bích chi Phật; nếu Bồ Tát làm kẻ Bát nhân cho đến làm Bích chi Phật, vậy sau mới vào địa vị Bồ Tát, thời không có lẽ ấy? Nếu không vào địa vị Bồ Tát mà được trí Nhất thiết chủng, cũng không có lẽ ấy? Con sẽ làm sao biết được Bồ Tát học các đạo, vào địa vị Bồ Tát?

Phật chấp thuận ý ấy và tự nói nhân duyên: Bồ Tát từ khi mới phát tâm hành sáu Ba la mật, do trí quán thấy Bát địa rồi mà thẳng qua, như người có thân bị giam trong lao ngục, đi vào xem thấy nhưng cũng không cùng mang gông cùm; Bồ Tát muốn đầy đủ đạo chủng trí nên vào địa vị Bồ Tát, xem khắp các dạo, vào địa vị Bồ Tát; vào địa vị Bồ Tát rồi được trí Nhất thiết chủng, dứt hết phiền não tập khí. Phật khai thị cho Tu Bồ Đề rằng: Hàng Nhị thừa được phần ít trí tuệ của chư Phật và Bồ Tát, thế nên hàng Bát nhân hoặc trí hoặc đoạn, cho đến Bích chi Phật hoặc trí hoặc đoạn đều là vô sinh pháp nhẫn của Bồ Tát.

Trí là tám trí của hàng học nhân và chín hoặc mười trí của hàng vô học.

Đoạn là dứt mười kiết sử, tức là năm thượng phần kiết, năm hạ phần kiết.

Tu đà hoàn, Tư đà hàm nói lược là dứt ba kiết, nói rộng là dứt tám mươi tám kiết. A na hàm nói lược là dứt năm hạ phần kiết, nói rộng là dứt chín mươi hai kiết. A la hán nói lược là dứt ba lậu hoặc: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; nói rộng là dứt hết thảy phiền não. Ấy gọi là trí và đoạn; trí và đoạn đều là vô sinh pháp nhẫn của Bồ Tát.

Hàng Thanh văn do bốn thánh đế được đạo, hàng Bồ Tát do một thánh đế vào đạo. Phật nói bốn thánh đế đều là một thánh đế, vì phân biệt nên có bốn. Bốn đế ấy trí và đoạn của Nhị thừa đều ở trong một đế. Bồ Tát trước tiên trú trong nhu thuận nhẫn, học vô sinh vô diệt, cũng chẳng phải vô sinh, chẳng phải vô diệt; lìa hữu kiến, vô kiến, hữu vô kiến, chẳng phải hữu chẳng phải vô kiến… dứt hết các hí luận, được vô sinh nhẫn.

Lại, nói có thể vượt qua trí tuệ của Thanh văn, Bích chi Phật, gọi là vô sinh nhẫn. Trí tuệ Thanh văn, Bích chi Phật quán năm uẩn sinh diệt nên sinh tâm nhàm chán, lìa dục mà được giải thoát. Bồ Tát do trí tuệ và phước đức lớn nên trong khi quán năm uẩn sinh diệt, tâm không sợ hãi như Tiểu Thừa; Bồ Tát dùng mắt tuệ tìm định tướng của pháp sinh diệt không thể có được, như đã nói trong phẩm Phá sinh ở trước. Chỉ dùng mắt thịt và tâm thô thiển thời thấy có vô thường sinh diệt; hàng phàm phu đối với các pháp thấy thường, mà khi pháp chấp trước ấy trở về vô thường, thời chúng sinh lo buồn, khổ não. Thế nên Phật nói muốn lìa ưu khổ chớ quán tướng thường. Nói vô thường ấy vì phá điên đảo chấp thường, chứ không vì chấp đắm vô thường mà nói, thế nên Bồ Tát bỏ quán sinh diệt, vào trong vô sinh vô diệt.

Lại hỏi: Nếu vào vô sinh vô diệt tức là thường, làm sao xa lìa được điên đảo chấp thường?

Phật đáp: Như vô thường có hai: Một là phá điên đảo chấp thường mà không chấp vô thường; hay là chấp vô thường sinh hí luận; vô sinh nhẫn cũng như vậy; Một là tuy phá sinh diệt mà không chấp vô sinh vô diệt nên không đọa vào điên đảo chấp thường; hai là chấp không sinh diệt nên đọa vào điên đảo chấp thường.

Chơn thật vô sinh là dứt các quán, đường ngôn ngữ bặt, quán hết thảy pháp như tướng Niết bàn, từ xưa lại đây thường tự không sinh; được vô sinh vô diệt, rốt ráo thanh tịnh ấy thời quán vô thường còn không chấp thủ, huống gì sinh diệt? Các tướng như vậy gọi là vô sinh pháp nhẫn. Được vô sinh nhẫn ấy liền vào địa vị Bồ Tát; vào địa vị Bồ Tát rồi do trí Nhất thiết chủng dứt các phiền não và tập khí, dùng mọi nhân duyên độ thoát chúng sinh; như cây có trái ngon làm lợi ích nhiều.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là đạo chủng trí của Bồ Tát?

Phật đáp: Bồ Tát trú trong vô sinh pháp nhẫn được thật tướng các pháp. Từ thật tướng khởi lên, lấy danh tướng, ngôn ngữ các pháp tự mình hiểu rõ; tự mình hiểu rõ rồi lại vì chúng sinh diễn nói, khiến được khai ngộ. Bồ Tát nhờ nhân duyên phước đức nên hiểu âm thanh, ngôn ngữ của chúng sinh, dùng âm thanh biến khắp ba ngàn đại thiên thế giới, cũng không chấp trước âm thanh ấy, vì biết nó như tiếng vang. Âm thanh ấy tức là tướng phạm âm, vì thế Bồ Tát nên biết hết thảy đạo, xem khắp tâm chúng sinh, biết gốc ngọn của nó rồi đem thiện pháp làm lợi ích, ngăn ngừa pháp bất thiện, như trong kinh nói rộng: Bồ Tát trước hết biết thật tướng các pháp, nên đối với đạo Nhị thừa ra vào tự tại; quán sát rồi đi thằng qua mà vào địa vị Bồ Tát. Lại vì độ chúng sinh nên khởi đạo tuệ; muốn vì chúng sinh thuyết pháp, hiểu rõ âm thanh, ngôn ngữ của chúng sinh rồi dùng phạm âm thuyết pháp, ngăn ngừa đường ác, mở đường thiện. Đường ác là ba ác đạo: Địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Đường thiện là ba thiện đạo: Người, trời, A tu la. Dùng mọi nhân duyên chê trách ác đạo, tán thán thiện đạo. Ngăn đường ác là ngăn đường địa ngục, nhân địa ngục, quả địa ngục. Địa ngục đạo là ba đạo bất thiện. Nhân của địa ngục là ba độc: Tham dục tăng trưởng khởi lên đường bất thiện tham lam, tật đố; sân nhuế khởi lên đường bất thiện giận dữ, não hại; ngu si tăng trưởng khởi lên đường bất thiện tà kiến. Ba độc là nhân của ba đường bất thiện, ba đường bất thiện là nhân của bảy đường bất thiện. Quả của địa ngục là do nhân ấy nên chịu thân địa ngục, tâm chịu các khổ não, đó là quả. Bồ Tát nên xem quả địa ngục của chúng sinh, vậy sau vì họ thuyết pháp, khiến dứt nhân quả và đường địa ngục. Mười đường bất thiện có thượng, trung, hạ. Thượng là địa ngục; trung là súc sinh, hạ là ngạ quỷ. Mười đường thiện cũng có thượng, trung, hạ. Thượng là trời, trung là người; hạ là quỷ thần. Ở mười đường thiện có thể lìa dục, sinh lên cõi Sắc; lìa cõi Sắc, sinh lên cõi Vô sắc. Ở trong ba đường ác thường chịu khổ, nên nói cần nên biết, cần nên ngăn trừ. Ỡ trong loài người, loài trời có nhân duyên đắc đạo; vì Niết bàn hoặc có khi nên ngăn trừ; vì bất định nên không nói; vì các pháp trợ đạo khác không nên nói ngăn trừ, cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ Tát phân biệt được như vậy rồi biết chúng sinh dùng pháp Tiểu thừa độ; nên dùng pháp Đại thừa để độ thời dùng pháp Đại thừa độ. Bồ Tát biết tâm sâu xa của chúng sinh và nghiệp nhân duyên đời trước; lại biết nhân duyên quả báo đời sau; lại biết thời tiết và nơi chốn của chúng sinh có thể hóa độ; các nhân duyên có thể hóa độ khác đều biết đầy đủ, thế nên lời nói không hư dối. Trí tuệ biết về đạo chủng và các pháp trợ đạo như vậy đều nhiếp vào trong Bát nhã; thế nên Bồ Tát nên hành Bát nhã đạo tuệ.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Nếu pháp trợ đạo, Bồ đề là pháp không hợp, không tán, không sắc, không hình, không đối, chỉ là một tướng tức vô tướng, thời pháp trợ đạo ấy đều không, làm sao có thể chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác? Pháp không, không có sở hữu, thời đáng lẽ đáng không lấy, không bỏ; thí như hư không, không có pháp nên không lấy, không bỏ?

Tu Bồ Đề nói với tâm chơn thật không chấp trước, nên Phật hứa khả rằng: Như vậy, như vậy, và nói nhân duyên: Có chúng sinh không biết các pháp tự tướng không như vậy, nên vì chúng sinh ấy phân biệt pháp trợ đạo mà có thể chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này Tu Bồ Đề, chẳng phải chỉ ba mươi bảy phẩm trợ đạo Không, không hợp, không tán, mà sắc pháp cho đến trí Nhất thiết chủng ở trong thánh pháp, cũng tự tướng không, không hợp, không tán. Không hợp, không tán là nghĩa rốt ráo không; như trong đây nói nhất tướng, đó là vô tướng. Pháp ấy tuy không, mà vì theo thế đế nên vì chúng sinh nói: Muốn làm cho được vào thánh pháp, chứ chẳng phải đệ nhất nghĩa. Trong đây Bồ Tát đều nên biết, thấy, học pháp ấy. Mới biết gọi là biết; về sau vào sâu, gọi là thấy. Biết là chưa rõ ràng, thấy là đã rõ ràng.

Hỏi: Biết và thấy có gì sai khác?

Đáp: Có người nói: Có cái biết chẳng phải thấy, có cái thấy chẳng phải biết, có cái cũng biết cũng thấy, có cái chẳng phải biết chẳng phải thấy.

Có cái biết chẳng phải thấy là chỉ cho trí tận và trí vô sinh, trừ thế gian chánh kiến và năm ác kiến, các tuệ khác đều gọi là biết; ấy là tuệ biết, chẳng phải thấy.

Có cái thấy chẳng phải biết là năm ác kiến và thế gian chánh kiến và nhẫn ở trong kiến đế đạo; ấy là thấy, chẳng phải biết. Các tuệ vô lậu khác cũng gọi là biết, cũng gọi là thấy; lìa thấy và biết ấy, các pháp khác chẳng phải thấy, chẳng phải biết.

*Lại nữa, có người nói: Định tâm gọi là thấy, Định và chưa định đều thông suốt gọi là biết; như trong kinh Chuyển pháp luân nói: Khổ đế biết rồi nên thấy; biết rồi phân biệt biết, pháp ấy nên thấy, ấy là Khổ đế; pháp ấy nên đoạn, ấy là Tập đế; pháp ấy nên chứng, ấy là Diệt đế; pháp ấy nên tu, ấy là Đạo đế. Hoặc biết phiền não dứt gọi là thấy; như biết chín phẩm hoặc đoạn trừ.

Tu Bồ Đề nghe nói danh từ khác của Bát nhã gọi là thánh pháp, nên hỏi: Những gì là thánh pháp?

Phật đáp: Trong thánh pháp, các hiền thánh hoặc Phật, hoặc Bích chi Phật, hoặc Thanh văn, vì các pháp tham dục.. không hợp, không tán. Không hợp là hết thảy phiền não gọi là điên đảo; điên đảo tức không có sở hữu. Nếu không có sở hữu, làm sao có thể hợp? Nếu không hợp làm sao có tán? Vì không hợp nên không khinh phàm phu; vì không tán nên không tự cao; đối với chúng sinh không thương không ghét. Trong đây Phật tự nói nhân duyên không hợp, không tán, đó là: Các pháp đều không sắc, không hình, không đối, chỉ là một tướng tức vô tướng. Pháp không có sắc với pháp không có sắc không hợp, không tán, cho đến pháp không có tướng với pháp không có tướng không hợp, không tán, vì sao? Vì pháp ấy đều một tính, tự tính không hợp với tự tính, ấy gọi là nhất tướng vô tướng của Bát nhã ba la mật, Bồ Tát nên học. Học rồi không có pháp có thể được.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bồ Tát không học sắc tướng Như cho đến hữu vi vô vi tướng Như, nếu không học các pháp tướng ấy, tại sao trong kinh nói Bồ Tát trước tiên học các pháp tướng, sau vượt quá Thanh văn, Bích chi Phật địa; nếu không vượt quá Thanh văn, Bích chi Phật, làm sao vào địa vị Bồ Tát như trong kinh đây rộng nói?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu các pháp thật có tướng thời nên học tướng ấy. Này Tu Bồ Đề, nhưng các pháp thật không có tướng; thế nên Bồ Tát không nên học tướng; không có tướng cũng không nên học, vì học là chấp thủ tướng. Việc pháp tướng như trong phẩm Phá tướng ở Trung luận đã nói. Có Phật hay không có Phật, thì các pháp vẫn thường trú, nhất tướng vô tướng.

Tu Bồ Đề theo Phật nghe nói hết thảy pháp vô tướng, nay lại hỏi Phật: Nếu hết thảy pháp chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng tướng, thì làm sao Bồ Tát tu Bát nhã? Nếu có vô tướng thời nhân nơi vô tướng có thể tu Bát nhã? Nay tướng và vô tướng đều không, vậy nhân việc gì được tu Bát nhã? Nếu không tu Bát nhã thời không thể vượt quá địa vị Thanh văn, Bích chi Phật, cho đến không thể an lập nơi ba phước điền?

Phật hứa khả lời ấy rằng: Như vậy, như vậy và nói nhân duyên tu Bát nhã; Bồ Tát không vì tu tướng nên là tu Bát nhã; tu vô tướng nên là tu Bát nhã.

Bạch Thế Tôn, làm sao tu vô tướng là tu Bát nhã? Nếu vô tướng, thời làm sao có thể tu?

Phật dạy: Tu các pháp hư hoại là tu Bát nhã, vì các pháp hư hoại nên tướng vô tướng cũng hư hoại; thí như chiếc xe phân hoại nên tướng bánh xe cũng diệt; như vậy cho đến vi trần.

Bạch Thế Tôn, những pháp gì có thể phá hoại?

Phật đáp: Tu sắc pháp phá hoại tức là tu Bát nhã ba la mật; tu dứt hết thảy phiền não tập khí tức là tu Bát nhã ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Làm sao tu pháp sắc phá hoại cho đến tu dứt hết thảy phiền não tập khí phá hoại là tu Bát nhã?

Phật đáp: Bồ Tát nhất tâm niệm đến Nhất thiết trí, thương xót chúng sinh, muốn được chánh hạnh Bát nhã ba la mật, không nghĩ đến sắc là hữu pháp; tu như vậy là tu Bát nhã, vì cho sắc là định tướng có thật, thời mắc lỗi hữu tướng, vì cớ sao? Vì trong đây Phật tự nói nhân duyên: hữu tướng là không tu Bát nhã, vì trong Bát nhã vô pháp còn không có, huống gì hữu pháp! Người ấy không tu Bát nhã, cũng không tu năm Ba la mật; người ấy chấp trước hí luận pháp hữu, không tu bố thí… Người chấp trước như vậy không có giải thoát, không có đạo, không có Niết bàn. Không có ba môn giải thoát gọi là không có giải thoát; không có pháp không của thánh nhân gọi là không có đạo; không có đạo nên không có Niết bàn.

Hỏi: Vì cớ sao không có đạo?

Đáp: Vì người ấy hí luận pháp, không nhàm chán già bệnh chết, chấp trước pháp nên sinh tà kiến; tà kiến nên không thể như thật quán sát thân bất tịnh…; không thể quán thân nên không thể tu thân niệm xứ; không tu thân niệm xứ nên không thể tu thọ, tâm, pháp niệm xứ; không tu bốn niệm xứ nên không thể tu Không tam muội cho đến trí Nhất thiết chủng, vì sao? Vì chấp trước pháp hữu.

Bạch Đức Thế Tôn, những gì là pháp hữu, những gì là vô pháp? Phàm phu hoặc đối với hữu pháp sinh vô tưởng, đối với pháp vô sinh tưởng hữu? Muốn phân biệt việc ấy nên hỏi Phật.

Phật đáp; Hai tướng là pháp hữu, chẳng phải hai tướng là pháp vô.

Tu Bồ Đề hỏi: Những gì là hai pháp?

Phật đáp: Chấp thủ sắc tướng tức là hai, như trong phẩm trước nói. Lìa sắc không có mắt, lìa mắt không có sắc, cho đến tính hữu vi, vô vi, vì sao? Vì lìa hữu vi không được nói vô vi; lìa vô vi không được nói thật tướng hữu vi; thế nên hai pháp ấy không được lìa nhau mà phàm phu cho đó là hai, thế nên điên đạo. Phật lược nói hai tướng, đối với hết thảy pháp chấp thủ tướng đều là hai, hết thảy hai đều là hữu, thích ứng với hữu bèn có sinh tử, vì sao? Vì đối với hữu mà sinh tâm chấp trước, nhân tâm chấp trước mà sinh các phiền não, vì phiền não mà qua lại sinh tử, vì sinh tử mà ưu bi khổ não; thế nên nói thích ứng với pháp hữu bèn có sinh tử, có sinh tử thời không được khỏi già, bệnh, ưu, khổ. Này Tu Bồ Đề, vì vậy nên biết người chấp hai tướng không có Thí Ba la mật cho đến không có thuận nhẫn, huống gì thấy được thật tướng của sắc, cho đến thấy được thật tướng của trí Nhất thiết trí. Người ấy nếu không thấy được thật tướng của sắc… thời không có tu đạo, làm sao có quả Tu đà hoàn cho đến dứt hết thảy phiền não tập khí?

Sáu Ba la mật có hai: Thế gian và xuất thế gian. Người ấy không có sáu Ba la mật xuất thế gian, thế nên nói người chấp tướng hữu ấy không có sáu Ba la mật. Nếu có là chỉ có Ba la mật thế gian, nhưng trong đây không nói Ba la mật thế gian. Đạo quả Thanh văn còn không có, huống gì có Phật đạo? Hỏi: Thuận nhẫn là thuận nhẫn nào? Đáp: Đó là thuận nhẫn của Tiểu thừa. Thuận nhẫn của Tiểu thừa còn không có, huống gì của Đại thừa!

Hỏi: Địa vị đảnh pháp đã không bị thối chuyển, cớ gì còn nói cho đến địa vị nhẫn pháp?

Đáp: Trong pháp Thanh văn cũng nói đảnh đọa, trong pháp Đại thừa cũng nói đảnh đọa, cớ gì nói đảnh pháp không đọa? Có người nói: Tuy ở đảnh pháp không thối đọa, nhưng không bền chắc, không nhất định nên không nói. Nhẫn là an trú lâu, đã vào chánh định, tuy chưa được vô lậu mà đồng với vô lậu. Vì tùy thuận với khổ pháp nhẫn nên gọi là nhẫn; vì chưa từng thấy pháp ấy, hễ thấy liền nhẫn được nên gọi là nhẫn. Người ấy với Phật thánh là nhỏ mà với phàm phu là lớn.

Thấy sắc có hai: Một là thấy thật tướng sắc rõ ràng, hai là dứt phiền não ràng buộc theo các sắc, nên gọi là thấy. Giống như sắc cho đến trí Nhất thiết chủng, và việc dứt hết thảy phiền não tập khí cũng như vậy. Nếu người thấy sắc tu đạo còn không có được, huống gì tu được quả Tu đà hoàn cho đến dứt phiền não tập khí?

***

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.