Luận Đại Trí Độ

Giải thích Phẩm Mười Thiện thứ 38



(Kinh Đại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Kinh Văn thứ 36)

KINH: Phật bảo Thích đề hoàn nhơn: Kiều thi ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy trong một cõi Diêm phù đề hành mười thiện đạo, ý ông nghĩ sao? Do nhân duyên ấy, được phước nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân chép quyển kinh Bát nhã ba la mật đem cho người khác khiến đọc tụng, giảng nói, được phước nhiều, vì sao? Vì trong Bát nhã ba la mật có nói rộng các pháp vô lậu. Thiện nam tử, thiện nữ nhân học từ trong đó, đã học, nay học, sẽ học; được vào trong chánh pháp vị, đã vào, nay vào, sẽ vào; được Tu đà hoàn quả, đã được, nay được, sẽ được, cho đến được A la hán quả. Cầu Bích chi Phật đạo cũng như vậy. Các Bồ tát ma ha tát cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được vào trong chánh pháp vị, đã vào, nay vào, sẽ vào; được Vô thượng Chánh đẳng hánh giác, đã được, nay được, sẽ được.

Kiều thi ca! Những gì là pháp vô lậu? Đó là bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, bốn Thánh đế, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, Phật mười lực, cho đến mười tám pháp không chung. Thiện nam tử, thiện nữ nhân học pháp ấy được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã được, nay được, sẽ được.

Kiều thi ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy một người khiến cho được quả Tu đà hoàn, người ấy được phước đức hơn dạy người trong một cõi Diêm phù đề hành mười thiện đạo, vì sao? Kiều thi ca! Vì dạy người trong một cõi Diêm phù đề hành mười thiện đạo không lìa khỏi khổ địa ngục, súc sinh, ngã quỷ. Kiều thi ca! Dạy một người chứng được quả Tu đà hoàn thì lìa khỏi ba đường ác, cho đến được quả A la hán, đạo Bích chi Phật cũng như vậy.

Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy người trong một cõi Diêm phù đề, được quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật đạo, không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy một người khiến chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được phước nhiều, vì sao? Kiều thi ca! Vì nhân nơi Bồ tát nên sinh ra Tu đà hoàn, cho đến A la hán, Bích chi Phật; vì nhân nơi Bồ tát nên sinh ra chư Phật.

Do nhân duyên ấy nên, Kiều thi ca! Nên biết thiện nam tử, thiện nữ nhân chép quyển kinh Bát nhã ba la mật cho người khác, khiến chép, cất giữ, đọc tụng, giảng nói được phước rất nhiều, vì sao? Vì trong Bát nhã ba la mật ấy có nói rộng về các pháp lành. Học trong pháp lành ấy bèn xuất sinh dòng lớn Sát lợi, dòng lớn Bà la môn, đại gia cư sĩ, trời Tứ thiên vương, cho đến trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng; bèn có bốn niệm xứ cho đến Trí nhất thiết chủng; bèn có Tu đà hoàn cho đến A la hán, Bích chi Phật; bèn có chư Phật.

Kiều thi ca! Không kể người trong một cõi Diêm phù đề, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy chúng sinh trong thế giới bốn châu thiên hạ hành mười thiện đạo, ý ông nghĩ sao? Do nhân duyên ấy người đó được phước nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân, chép quyển kinh Bát nhã ba la mật cho người khác, bảo chép, cất giữ, đọc tụng, giảng nói được phước nhiều. Ngoài ra như trên đã nói.

Kiều thi ca! Không kể chúng sinh trong thế giới bốn châu thiên hạ, nếu dạy chúng sinh trong tiểu thiên thế giới hành mười thiện đạo cũng như vậy.

Kiều thi ca! Không kể chúng sinh trong tiểu thiên thế giới, nếu dạy chúng sinh trong hai ngàn trung thế giới, bảo hành mười thiện đạo, nếu lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân chép quyển kinh Bát nhã ba la mật cho người khác, bảo chép, cất giữ, đọc tụng, người ấy được phước nhiều. Ngoài ra như trên đã nói.

Kiều thi ca! Không kể chúng sinh trong hai ngàn trung thế giới, nếu dạy chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, bảo hành mười thiện đạo, nếu lại có người chép quyển kinh Bát nhã ba la mật cho người khác, bảo chép, cất giữ, đọc tụng, người ấy được phước đức nhiều.

Kiều thi ca! Không kể chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, nếu dạy chúng sinh trong thế giới nhiều như cát sông Hằng, bảo hành mười thiện đạo, nếu lại có người chép quyển kinh Bát nhã ba la mật cho người khác, bảo chép, cất giữ, đọc tụng, phước ấy nhiều. Ngoài ra như trên nói.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Có người dạy chúng sinh trong một cõi Diêm phù đề, bảo an trú bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông. Ý ông nghĩ sao? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước đức nhiều chăng?

Thích đề hoàn nhơn thưa: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân chép quyển kinh Bát nhã la mật cho người khác, bảo chép, cất giữ, đọc tụng, được phước nhiều, vì sao? Vì trong Bát nhã ba la mật có nói về các pháp lành. Ngoài ra như trên nói.

Kiều thi ca! Không kể chúng sinh cõi Diêm phù đề, lại không kể chúng sinh trong thế giới bốn châu thiên hạ, chúng sinh trong tiểu thiên thế giới, chúng sinh trong hai ngàn trung thế giới, chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới. Kiều thi ca! Nếu có người dạy chúng sinh trong mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng , bảo an trú bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông, ý ông nghĩ sao? Người ấy được phước đức nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân chép quyển kinh Bát nhã ba la mật cho người khác, bảo chép, cất giữ, đọc tụng, được phước nhiều, vì sao? Vì trong Bát nhã ba la mật có nói rộng về các pháp lành. Ngoài ra như trên nói.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân lãnh thọ Bát nhã ba la mật, cất giữ, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, phước đức người ấy hơn dạy người cõi Diêm phù đề hành mười thiện đạo, an trú bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông.

Nhớ nghĩ đúng là thọ trì, thân cận Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng không với hai pháp, không với chẳng hai pháp. Thọ trì, thân cận Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng không với hai pháp, không với chẳng hai pháp. Vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhớ nghĩ đúng, nội không cho đến Trí nhất thiết chủng không với hai pháp, không với chẳng hai pháp.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Hoặc có thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng nhiều nhân duyên diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị phân biệt làm cho người khác dễ hiểu.

Kiều thi ca! Thế nào là nghĩa Bát nhã ba la mật? Kiều thi ca! Nghĩa Bát nhã ba la mật, chẳng phải quán với hai tướng, chẳng phải quán với chẳng hai tướng, chẳng phải có tướng chẳng phải không có tướng, chẳng vào chẳng ra, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng trụ chẳng không trụ, chẳng thật chẳng hư, chẳng hợp chẳng tán, chẳng đắm chẳng phải không đắm, chẳng nhân chẳng phải không nhân, chẳng pháp chẳng phải không pháp, chẳng như chẳng phải không như, chẳng thật tế chẳng phải không thật tế.

Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân lấy được nghĩa Bát nhã ba la mật ấy, dùng các nhân duyên diễn nói, khai thị, phân biệt làm cho người khác dễ hiểu, thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước đức rất nhiều hơn người tự thọ trì Bát nhã ba la mật, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân tự thọ trì Bát nhã ba la mật, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, dùng các nhân duyên diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho người khác dễ hiểu, thì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước đức rất nhiều!

Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nên như vậy diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho dễ hiểu.

Phật dạy Thích đề hoàn nhơn: Như vậy, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy nên như vậy diễn nói Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho dễ hiểu.

Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho dễ hiểu như vậy, được vô lượng, vô biên, vô số phước đức. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, cúng dường mười phương vô lượng vô số chư Phật đến suốt đời, tùy chỗ nhu cầu, cung kính, tôn trọng, tán thán, hương hoa, cho đến phan lọng cúng dường. Nếu lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân, dùng các nhân duyên diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt, làm cho người khác dễ hiểu, thì thiện nam tử, thiện nữ nhân này được phước đức rất nhiều, vì sao? Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, đều học nơi Bát nhã ba la mật ấy mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; đã được, nay được, sẽ được.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu, Thí ba la mật trong vô lượng vô biên vô số kiếp không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân đem nghĩa Bát nhã ba la mật, giảng nói. khai thị, phân biệt làm cho người khác dễ hiểu, phước này rất nhiều, vì không có sở đắc.

Sao gọi là có sở đắc? Kiều thi ca! Nếu Bồ tát ma ha tát vì có sở đắc nên bố thí, trong khi bố thí nghĩ rằng: ta cho, kia nhận, đây vật thí, ấy gọi là có sở đắc bố thí, không được gọi thành Ba la mật; ta giữ giới, đây là giới, ấy gọi là sở đắc giới, không được thành Ba la mật, ta nhẫn nhục, nhẫn nhục vì người kia, ấy gọi là sở đắc nhẫn nhục, không được thành Ba la mật; ta tinh tấn, tinh tấn vì việc ấy, ấy gọi là sở đắc tinh tấn, không được thành Ba la mật; ta tu thiền, pháp tu là thiền, ấy gọi là sở đắc thiền, không được thành Ba la mật; ta tu tuệ, pháp tu là tuệ, ấy gọi là sở đắc tuệ, không được thành Ba la mật.

Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào tu như vậy không được đầy đủ Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật và Bát nhã ba la mật.

Thích đề hoàn nhơn bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Bồ tát ma ha tát làm sao đầy đủ Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật?

Phật bảo Thích đề hoàn nhơn: Bồ tát ma ha tát khi bố thí không thủ đắc người cho, không thủ đắc người nhận, không thủ đắc vật thí, người ấy được đầy đủ Thí ba la mật cho đến khi tu Bát nhã ba la mật, không thủ đắc trí, không thủ đắc trí được tu, người ấy được đầy đủ Bát nhã ba la mật.

Kiều thi ca! Ấy là Bồ tát ma ha tát đầy đủ Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật. Thiện nam tử, thiện nữ nhân tu Bát nhã ba la mật như vậy, nên vì người khác mà diễn nói nghĩa kia, khai thị, phân biệt làm cho dễ hiểu. Tu Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật, nên diễn nói nghĩa kia, khai thị, phân biệt làm cho dễ hiểu, vì sao? Kiều thi ca! Vì đời vị lai sẽ có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn nói Bát nhã ba la mật mà nói tương tợ Bát bhã ba la mật. Có thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghe tương tợ Bát nhã ba la mật ấy, bị mất chánh đạo. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nên vì người ấy diễn nói đầy đủ nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho dễ hiểu.

Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Bát nhã ba la mật tương tợ?

Phật dạy: Có thiện nam tử, thiện nữ nhân nói Bát nhã ba la mật có chỗ thủ đắc, ấy là Bát nhã ba la mật tương tợ.

Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Như thế nào là thiện nam tử, thiện nữ nhân, nói Bát nhã ba la mật có sở đắc, ấy là Bát nhã ba la mật tương tợ?

Phật dạy: Thiện nam tử, thiện nữ nhân nói Bát nhã ba la mật có sở đắc đắc, gọi là Bát nhã ba la mật tương tợ, là nói sắc vô thường và nói rằng tu được như vậy là tu Bát nhã ba la mật. Hành giả tìm sắc vô thường, ấy là tu Bát nhã ba la mật tương tợ.

Nói mắt vô thường cho đến nói ý vô thường, nói sắc vô thường cho đến nói pháp vô thường, nói nhãn giới vô thường, sắc giới, nhãn thức giới vô thường cho đến nói ý giới, pháp giới, ý thức giới vô thường. Nói địa chủng (địa giới) vô thường, cho đến nói thức chủng vô thường, nói nhãn thức thân (nhãn thức chủng) vô thường, cho đến nói ý thức thân vô thường; nói nhãn xúc vô thường cho đến nói ý xúc vô thường; nói nhãn và xúc làm nhân duyên sinh thọ vô thường, cho đến nói ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ vô thường. Rộng nói như năm uẩn. Nói sắc khổ, cho đến nói ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ khổ; nói sắc vô ngã, cho đến nói ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ vô ngã, đều nói như năm uẩn.

Hành giả khi tu Thí ba la mật, vì nói sắc vô thường, khổ, vô ngã, cho đến nói ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ vô thường, khổ, vô ngã.

Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật cũng như vậy. Tu bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc vì nó là nó vô thường, khổ, vô ngã. Tu bốn niệm xứ, vì nó là vô thường, khổ, vô ngã, cho đến khi tu Trí nhất thiết chủng vì nói là vô thường, khổ, vô ngã, dạy như vậy. Người tu được như vậy cho là tu Bát nhã ba la mật. Kiều thi ca! Ấy gọi là Bát nhã ba la mật tương tợ.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ở đời vị lai nói Bát nhã ba la mật tương tợ là nói rằng: Thiện nam tử, các ông tu Bát nhã ba la mật, khi các ông tu Bát nhã ba la mật, sẽ được Sơ địa cho đến sẽ được Địa thứ mười. Tu Thiền ba la mật, cho đến tu Thí ba la mật cũng như vậy. Hành giả do tương tợ có sở đắc, do tổng tướng tu Bát nhã ba la mật. Kiều thi ca! Ấy gọi là Bát nhã ba la mật tương tợ.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, muốn nói Bát nhã ba la mật mà nói rằng: Thiện nam tử, các ông tu hành Bát nhã ba la mật xong, sẽ vượt quá địa vị Thanh văn, Bích chi Phật; ấy gọi là Bát nhã ba la mật tương tợ.

*Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì người cầu Phật đạo mà nói như vầy: Thiện nam tử, thiện nữ nhân, các ông tu hành Bát nhã ba la mật rồi vào Bồ tát vị, được vô sinh nhẫn, được vô sinh nhẫn rồi, bèn trú ở Bồ tát thần thông, từ một cõi Phật đến một cõi Phật cúng dường chư Phật, cung kính, tôn trọng, tán thán. Nói như vậy, ấy gọi là Bát nhã ba la mật tương tợ.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì người cầu Phật đạo mà nói như vầy: Thiện nam tử, thiện nữ nhân, các ông học Bát nhã ba la mật, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, sẽ được vô lượng vô biên vô số công đức. Nói như vậy, ấy gọi là Bát nhã ba la mật tương tợ.

*Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân vì người cầu Phật đạo mà nói rằng: Như chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại có gốc lành công đức, từ khi mới phát tâm đến khi thành Phật đều tập hợp hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nói như vậy, ấy gọi là Bát nhã ba la mật tương tợ.

Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Làm sao thiện nam tử, thiện nữ nhân vì người cầu Phật đạo không nói Bát nhã ba la mật tương tợ.

Phật dạy: Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì người cầu Phật đạo mà nói Bát nhã ba la mật rằng: Này thiện nam tử, ông tu hành Bát nhã ba la mật, chớ quán sắc vô thường, vì sao? Vì sắc, sắc tướng không, tánh sắc ấy chẳng phải pháp, nếu chẳng phải pháp tức gọi là Bát nhã ba la mật; trong Bát nhã ba la mật, sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, vì sao? Vì trong Bát nhã, sắc còn không thể có được, huống chi thường, vô thường.

Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân nói như vậy, ấy gọi là không nói Bát nhã ba la mật tương tợ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân vì người cầu Phật đạo mà nói rằng: Thiện nam tử các ông tu hành Bát nhã ba la mật, đối với các pháp chớ vượt qua, chớ trụ lại, vì sao? Vì trong Bát nhã ba la mật không có pháp có thể vượt qua, có thể trụ lại. Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh không, tự tánh không là chẳng phải pháp, nếu chẳng phải pháp tức là Bát nhã ba la mật. Trong Bát nhã ba la mật không có pháp có thể vào có thể ra, có thể sinh có thể diệt.

Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy nói như vậy, ấy gọi là không nói Bát nhã ba la mật tương tợ. Nói rộng như trên.

Trái với nói tương tợ là không nói Bát nhã ba la mật tương tợ.

Như vậy, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nên diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật như vậy. Nếu nói nghĩa Bát nhã ba la mật như vậy, được công đức hơn người trước.

LUẬN: Luận giả nói Phật lại muốn bằng cửa khác làm rõ Bát nhã ba la mật hơn, nên hỏi Đế thích rằng: Nếu có người dạy người trong một cõi Diêm phù đề tu mười thiện đạo, phước ấy nhiều không? Như trong Kinh đã nói rộng, trong đó nói nhân duyên: Sở dĩ hơn là vì Bát nhã ba la mật rộng nói các pháp vô lậu, thành ba thừa đạo, vào Niết bàn, không trở lại; còn mười thiện đạo chỉ là pháp thiện hữu lậu, được hưởng phước lạc vô thường trong thế gian, rồi trở lại chịu khổ, thế nên không bằng.

*Lại nữa, trước là pháp thế gian, sau là pháp xuất thế gian; trước là pháp sinh ra sinh tử, sau là pháp diệt sinh tử; trước là nhân duyên của cái vui vô thường, sau là nhân duyên của cái vui thường; trước là pháp chung giữa phàm phu và Thánh nhân, sau chỉ là pháp của Thánh nhân. Có các sai biệt như vậy.

Pháp vô lậu là ba mươi bảy phẩm, mười tám pháp không chung, cho đến vô lượng các Phật pháp. Muốn khiến việc ấy dễ hiểu rõ ràng, nên lại nói nhân duyên rằng, dạy một người khiến được quả Tu đà hoàn được phước đức lớn hơn dạy người trong một cõi Diêm phù đề tu mười thiện đạo; vì tuy tu mười thiện đạo, vẫn chưa thoát khỏi ba đường dữ. Cho đến được A la hán, Bích chi Phật đạo cũng như vậy.

Phật lại nói thí dụ: Nếu có người dạy người trong một cõi Diêm phù đề, khiến chứng được Thanh văn, Bích chi Phật đạo, không bằng có người dạy một người khiến chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, người ấy được phước nhiều, vì sao? Vì Tu đà hoàn đến Bích chi Phật, đều từ Bồ đề sinh. Trong Bát nhã ba la mật ấy, mỗi mỗi nói nhân duyên về Phật đạo, thế nên chép Bát nhã ba la mật cho người, hơn dạy mười thiện đạo cho bốn châu thiện hạ, cho đến thế giới nhiều như cát sông Hằng.

*Lại nữa dạy người trong một cõi Diêm phù đề cho đến người trong thế giới nhiều như cát sông Hằng, khiến tu bốn thiền v. v. . . cho đến năm thần thông cũng như vậy. Chỉ tu bốn thiền là người ly dục sai khác với người tu mười thiện.

*Lại nữa, nếu có người dạy người trong một cõi Diêm phù đề cho đến trong thế giới nhiều như cát sông Hằng, khiến tu mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông, không bằng người ấy thọ trì Bát nhã ba la mật, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng được phước nhiều.

Được phước nhiều là trên lấy quyển kinh Bát nhã cho người, nay tự thực hành Bát nhã, khác nhau. Trước kia mười thiện đạo cho đến năm thần thông nói riêng, nay hợp lại nói.

Hỏi: Cớ sao không giải thích thọ trì, đọc tụng, giảng nói, mà chỉ giải thích nhớ nghĩ đúng?

Đáp: Thọ trì, đọc tụng, giảng nói phước đức nhiều, còn nhớ nghĩ đúng có đủ cả hai việc là phước đức và trí tuệ; thế nên nói riêng. Như người hái cỏ thuốc, cho đến hòa hợp thuốc mà chưa uống, bệnh không giảm, uống mới trừ bệnh. Nhớ nghĩ đúng như uống thuốc trừ bệnh. Thế nên chỉ giải thích nhớ nghĩ đúng.

Tướng trạng nhớ nghĩ đúng là chẳng phải hai, chẳng phải chẳng hai tu hành Bát nhã ba la mật. Nghĩa hai chẳng phải hai như trước nói. Ban đầu lấy việc chép quyển kinh hơn xá lợi, đoạn giữa lấy quyển kinh Bát nhã cho người, hơn dạy người tu mười thiện đạo cho đến năm thần thông, khiến người thọ trì, đọc tụng, giảng nói. Đối với việc thọ trì, việc nhớ nghĩ đúng hơn. Nay chư Phật thương xót chúng sinh giải thích nghĩa kia làm cho dễ hiểu lại hơn tự thực hành nhớ nghĩ đúng.

Khi ấy, Phật muốn phân biệt rộng phước đức, nên nói: Nếu có người suốt đời cúng dường mười phương Phật, không bằng giải nói nghĩa Bát nhã cho người khác. Trong đây nói nhân duyên hơn, là ba đời chư Phật đều học Bát nhã, mà thành đạo Vô thượng.

*Lại nữa, nếu Bồ tát tu sáu Ba la mật trong vô lượng kiếp, vì có sở đắc, nên không bằng người giải nói Bát nhã ba la mật cho người khác.

Có sở đắc là lấy tâm chấp ngã thủ tướng các pháp. Phật lại muốn nói chánh nghĩa Bát nhã nên đáp Đế thích: Bồ tát không có sở đắc tu sáu Ba la mật thời được đầy đủ, đó tức là chánh nghĩa Bát nhã ba la mật.

Có người trong đời vị lai nói Bát nhã tương tợ là, ở trong hội chúng có người nghe nói nhớ nghĩ đúng, suy nghĩ rằng: Thế nào là nhớ nghĩ sai? Thế nên nói cho biết tướng Bát nhã ba la mật tương tợ. Như người biết rõ là đạo phi đạo, nên bỏ phi đạo hành chánh đạo.

*Lại nữa, vì thương xót chúng sinh đời vị lai không gặp Phật và các đại Bồ tát, chỉ gặp kinh sách, nhớ nghĩ tà, nên theo đó chấp đắm âm thanh, nói Bát nhã ba la mật tương tợ.

Tương tợ là danh tự ngữ ngôn đồng mà tâm và nghĩa khác. Như đem tâm chấp trước thủ tướng nói năm uẩn v. v. . . vô thường, cho đến không sinh không diệt, đó là Bát nhã tương tợ. Nếu không đem tâm chấp trước, không chấp thủ tướng nói năm uẩn vô thường, chỉ vì để phá điên đảo chấp thường nên không chấp vô thường, như vậy là Bát nhã chân thật.

Người thuyết pháp này, dạy bỏ Bát nhã ba la mật tương tợ mà tu tập Bát nhã chơn thật; ấy gọi là nói chánh nghĩa Bát nhã ba la mật, công đức hơn trước.

KINH: Lại nữa, Kiều thi ca! Đối với chúng sinh trong cõi Diêm phù đề đều dạy khiến được Tu đà hoàn, ý ông nghĩ sao? Người ấy được phước nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân bằng mỗi mỗi cách diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị phân biệt làm cho người dễ hiểu, nói như vầy: Thiện nam tử, ông đến lãnh thọ Bát nhã ba la mật, siêng học, tụng nói, nhớ nghĩ đúng và thực hành như trong Bát nhã ba la mật nói, vì sao? Vì từ trong Bát nhã ba la mật ấy xuất sinh Tu đà hoàn.

Kiều thi ca! Không kể chúng sinh trong cõi Diêm phù đề, lại không kể chúng sinh trong bốn châu thiên hạ, tiểu thiên thế giới, hai ngàn trung thế giới, ba ngàn đại thiên thế giới, nếu có người dạy chúng sinh trong thế giới nhiều như cát sông Hằng dạy tất cả khiến chứng được Tu đà hoàn. Ý ông nghĩ sao? Người ấy được phước nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân bằng mỗi mỗi cách diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị phân biệt làm cho người dễ hiểu, nói như vầy: Thiện nam tử, ông đến lãnh thọ Bát nhã ba la mật, siêng đọc, tụng nói, nhớ nghĩ đúng, thực hành như trong Bát nhã ba la mật nói, vì sao? Vì từ trong Bát nhã ba la mật ấy xuất sinh Tu đà hoàn.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, dạy người trong cõi Diêm phù đề khiến được Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, ý ông nghĩ sao? Người ấy được nhiều phước chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, bằng mỗi mỗi cách diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho người dễ hiểu, nói như vầy: Ông đến đây, thiện nam tử, lãnh thọ Bát nhã ba la mật, siêng đọc, tụng nói, nhớ nghĩ đúng, thực hành như trong Bát nhã ba la mật nói, vì sao? Vì từ trong Bát nhã ba la mật ấy xuất sinh Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. Cho đến dạy chúng sinh trong thế giới mười phương nhiều như cát sông Hằng cũng như vậy.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dạy chúng sinh trong một cõi Diêm phù đề khiến được Bích chi Phật đạo, ý ông nghĩ sao? Người ấy được phước nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân bằng mỗi mỗi cách diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt, làm cho người dễ hiểu, nói như vầy: Ông hãy đến lãnh thọ Bát nhã ba la mật, siêng đọc, tụng nói, nhớ nghĩ đúng, thực hành như trong Bát nhã ba la mật nói, vì sao? Vì từ trong Bát nhã ba la mật ấy xuất sinh các Bích chi Phật đạo, dạy chúng sinh trong bốn châu thiên hạ, cho đến trong thế giới mười phương nhiều như cát sông Hằng cũng như vậy.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, dạy chúng sinh trong một cõi Diêm phù đề, khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ý ông nghĩ sao? Người ấy được phước nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng nhiều cách diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho người dễ hiểu, nói như vầy: Ông hãy học theo Bát nhã ba la mật sẽ được Nhất thiết trí, ông nếu được Nhất thiết trí, ông bèn được tu hành Bát nhã ba la mật tăng ích đầy đủ; nếu được tu hành Bát nhã ba la mật tăng ích đầy đủ, ông sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao? Kiều thi ca! Vì từ trong Bát nhã ba la mật xuất sinh các Bồ tát ma ha tát mới phát tâm, cho đến dạy chúng sinh trong thế giới mười phương nhiều như cát sông Hằng cũng như vậy.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, dạy chúng sinh trong một cõi Diêm phù đề, khiến an trụ địa vị bất thối chuyển, ý ông nghĩ sao? Người ấy phước đức nhiều chăng?

Đáp: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Không bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân, dùng mỗi mỗi cách diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho người dễ hiểu, nói như vầy: Thiện nam tử, ông hãy đến lãnh thọ Bát nhã ba la mật cho đến thực hành như trong Bát nhã ba la mật nói, ông bèn được Nhất thiết trí, được Nhất thiết trí rồi, cho đến được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao? Vì từ trong Bát nhã ba la mật xuất sinh các Bồ tát ma ha tát an trú địa vị bất thối chuyển, cho đến dạy chúng sinh trong thế giới mười phương nhiều như cát sông Hằng cũng như vậy.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Chúng sinh trong một cõi Diêm phù đề phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân, diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật cho người khác hiểu, khai thị phân biệt, nói như vầy: Thiện nam tử, ông hãy đến lãnh thọ Bát nhã ba la mật cho đến thực hành như trong Bát nhã ba la mật nói, học xong, ông sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có người diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật cho một vị Bồ tát an trú địa vị bất thối chuyển, khai thị phân biệt, nói như vầy: Thiện nam tử, ông hãy lãnh thọ Bát nhã ba la mật, cho đến thực hành như trong Bát nhã ba la mật nói, học xong, ông sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; thời thiện nam tử này được công đức rất nhiều. Cho đến dạy chúng sinh trong thế giới mười phương nhiều như cát sông Hằng cũng như vậy.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu có chúng sinh trong một cõi Diêm phù đề đều được địa vị bất thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật cho người khác; trong số đó có một Bồ tát muốn mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân diễn giải nghĩa Bát nhã ba la mật cho vị Bồ tát ấy thì người này có công đức rất nhiều, cho đến dạy chúng sinh trong thế giới mười phương nhiều như cát sông Hằng cũng như vậy.

Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ tát ma ha tát như vậy là vị chuyển gần đến chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như vậy hãy nên triển chuyển giáo giới giáo thọ tu Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật, nên giáo thọ nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, mười tám pháp không chung, cũng nên cúng dường y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc thang, theo chỗ cần dùng. Thiện nam tử, thiện nữ nhân này pháp thí, tài thí cúng dường vị Bồ tát ấy, được công đức hơn người trước, vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì Bồ tát ma ha tát ấy mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ Tuệ mạng Tu bồ đề nói với Thích đề hoàn nhơn rằng: Lành thay, lành thay, Kiều thi ca! Ông vì Thánh đệ tử mà an ủi các Bồ tát ma ha tát, vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên đem pháp thí, tài thí làm lợi ích, lẽ nên như vậy, vì sao? Vì từ trong Bồ tát xuất sinh Thánh chúng của chư Phật. Nếu Bồ tát không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời Bồ tát ấy không thể học sáu Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung, nếu không học sáu Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung thời không thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu không thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thời không có Thanh văn, Bích chi Phật. Vì vậy, Kiều thi ca! Các Bồ tát ma ha tát khi học sáu Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung thời được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên dứt địa ngục, súc sinh, ngã quỷ đạo, thế gian bèn có dòng lớn Sát lợi, dòng lớn Bà la môn, đại gia cư sĩ, trời Tứ thiên vương, cho đến trời Phi hữu tưởng Phi vô tưởng; bèn có Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát nhã ba la mật; có nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung xuất hiện ở đời. Thanh văn, Bích chi Phật thừa, Phật thừa đều xuất hiện ở đời.

LUẬN: Luận giả nói: Giáo hóa người trong cõi Diêm phù đề cho đến trong thế giới nhiều như cát sông Hằng khiến được Thanh văn, Bích chi Phật đạo không bằng diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật cho người khác. Trong đây nói nhân duyên rằng: Vì các bậc Thánh hiền đều từ Bát nhã ba la mật xuất sinh.

Nhỏ không bằng là đại Bồ tát, Bích chi Phật, A la hán; càng không bằng nửa là A na hàm, Tư đà hàm, Tu đà hoàn. Ái niệm cúng dường người biết thật tướng các pháp là các vua Trời, vua người, và những người phước đức trong thế gian. Vì thế nên thường nói Bát nhã ba la mật xuất sinh các Hiền thánh, dòng lớn Sát lợi cho đến hết thảy các trời.

*Lại nữa, giáo hoá người trong một cõi Diêm phù đề cho đến trong thế giới nhiều như cát sông Hằng, phát tâm Vô thượng đạo cho đến an trú địa vị bất thối chuyển, không bằng giải nói chánh nghĩa Bát nhã ba la mật cho người.

Hỏi: Trên nói pháp phàm phu, pháp Nhị thừa không bằng thì có thể được, nay nói giáo hóa người phát tâm Vô thượng đạo đạt được địa vị bất thối chuyển là việc Phật đạo, cớ sao không bằng?

Đáp: Nói chánh nghĩa Bát nhã có hai hạng: 1. Hạng Bồ tát còn mang nhục thân sinh tử. 2. Hạng Bồ tát mang pháp tánh sinh thân, không sinh không tử. Đối với Bồ tát này chỉ cần nói việc quá trên việc của Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển là việc giáo hóa chúng sinh, tịnh cõi nước Phật, phân biệt tâm hạnh nghiệp nhân duyên của hết thảy chúng sinh trong ba đời vô lượng kiếp, phân biệt các thế giới thành hoại kiếp số nhiều ít, có tâm đại từ đại bi, Nhất thiết trí, có vô lượng các Phật pháp. Vì hạng người này mà nói pháp, hơn giáo hóa chúng sinh trong cõi Diêm phù đề cho đến trong thế giới nhiều như cát sông Hằng, khiến họ phát tâm.

Lại đạt đến địa vị bất thối chuyển, từ địa vị bất thối chuyển trở lên đến Phật đạo, trung gian còn có một hạng người gần Phật đạo muốn mau thành Phật, giáo hóa cho hạng người này về chánh nghĩa Bát nhã ba la mật, phước kia rất nhiều, vì sao? Vì ruộng phước lớn nên phước đức cũng lớn. Thí như cúng dường tất cả Thánh nhân cho đến Bồ tát sắp ngồi đạo tràng trong mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng, không bằng cúng dường một đức Phật. Ví như phạm đến một thái tử đắc tội quá hơn phạm đến hết thảy người; nếu cúng dường thái tử thời có ân hơn cúng dường hết thảy phàm phu. Nếu phạm đến quốc vương đắc tội nặng hơn phạm đến thái tử. Nếu cúng dường quốc vương hơn cúng dường thái tử. Như vậy, giáo hóa cúng dường cho vị Bồ tát gần thành Phật công đức hơn sự cúng dường giáo hóa cho Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển nhiều như cát sông Hằng, vì sao? Vì ruộng phước thâm hậu, việc ấy có thể làm cho chúng sinh tăng trưởng.

Bấy giờ, Đế thích rõ biết pháp ấy có sức lớn, nên bạch Phật rằng: Đối với Bồ tát chuyển dần gần đến Vô thượng đạo, như vậy nên giáo hóa cúng dường, công đức chuyển dần nhiều hơn.

Bấy giờ, Tu bồ đề tán thán Đế thích rằng: Lành thay, lành thay! Ông có thể an ủy khuyến tấn các Bồ tát, vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà dùng tài, pháp bố thí. Tài thí là cúng dường cơm áo v. v. . . , pháp thí là dạy sáu Ba la mật v. v. . .

Đế thích đắc đạo nên gọi là Thánh đệ tử. Pháp của Thánh đệ tử là phải an ủy khuyến tấn các Bồ tát. Trong đây nói nhân duyên rằng: Các Thánh chúng ấy đều từ trong Bồ tát xuất sinh, vì sao? Vì nếu Bồ tát không thực hành sáu Ba la mật, không thành Vô thượng đạo, thời không có Tu đà hoàn cho đến Bích chi phật. Do nhân duyên của Bồ tát nên có mười thiện đạo, cho đến vô lượng Phật pháp xuất hiện ở đời. Thế nên ba ác đạo bị dứt, và có dòng lớn Sát lợi, cho đến có chư Phật xuất hiện ở đời. Thế nên Bồ tát giải nói chánh nghĩa Bát nhã ba la mật, dạy cho người gần thành Phật, phước đức rất lớn.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.