Luận Đại Trí Độ

Giải thích Phẩm Đoạn Kiến thứ 14



(Kinh Đại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Đoạn Chư Kiến thứ 12)

Kinh: Bấy giờ Tuệ mạng Xá lợi phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Con muốn nói vì sao gọi là Ma ha tát.

Phật dạy: Ông hãy nói.

Xá lợi phất thưa: Chấp ngã, chấp chúng sinh, chấp thọ, chấp mạng, chấp sinh, chấp dưỡng dục, chấp chúng sổ, chấp người, chấp làm, chấp khiến làm, chấp khởi lên, chấp khiến khởi lên, chấp thọ, chấp khiến thọ, chấp có kẻ biết, chấp có kẻ thấy, chấp đoạn, chấp thường, chấp có, chấp không, chấp năm ấm, chấp mười hai nhập, chấp mười tám giới, chấp bốn đế, chấp mười hai nhân duyên, chấp bốn niệm xứ cho đến chấp mười tám pháp không chung, chấp Phật đạo, chấp thành tựu chúng sinh, chấp tịnh quốc độ Phật, chấp Phật, chấp chuyển pháp luân. Vì dứt các kiến chấp như vậy mà thuyết pháp, ấy gọi là Ma ha tát.

Tu bồ đề nói với Xá lợi phất rằng: Vì nhân duyên gì nên chấp sắc gọi là khiến chấp? Vì nhân duyên gì nên chấp thọ, tưởng, hành, thức cho đến chấp chuyển Pháp luân gọi là kiến chấp?

Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật, không có phương tiện thiện xảo nên đối với sắc sinh ra kiến chấp, vì dùng hữu sở đắc; đối với thọ, tưởng, hành, thức cho đến chuyển Pháp luân sinh ra kiến chấp, vì dùng hữu sở đắc. Ở đây, Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật, lấy sức phương tiện thiện xảo, dứt các lưới kiến chấp mà thuyết pháp, vì dùng vô sở đắc.

Luận. Hỏi: Phật dẫn 500 đại A la hán đến ao rồng A na bà đạt đa thọ sự dục lạc xa lìa, nói về nhân duyên nghiệp trước của tự thân và đệ tử mà Xá lợi phất không có ở đó. Phật bảo Mục liên đi gọi đến. Khi ấy Mục liên dùng sức thần thông đi đến Kỳ hoàn gặp Xá lợi phất đang may y. Xá lợi phất nói với Mục liên đợi chút, chờ may y xong sẽ đến. Mục liên thúc dục đi mau. Bấy giờ Mục liên lấy tay xoa y, y liền hoàn thành. Xá lợi phất thấy Mục liên quí thần thông ấy, liền lấy eo dải áo ném xuống đất và nói rằng: Ông hãy cất dãi áo ấy lên. Mục liên lấy hai tay cất dãi lên, nhưng không làm sao cất lìa khỏi đất, liền vào định sâu xa để cất lên, quả đất bị rung động mạnh, dải áo vẫn dính sát đất. Lúc ấy, Kiều trần như hỏi Phật: Vì nhân duyên gì mà quả đất rung động mạnh?

Phật dạy: Vì Mục liên vào định sâu xa, dùng sức thần thông lớn cất dãi áo của Xá lợi phất lên mà không được.

Phật bảo các Tỳ kheo: Thiền định của Xá lợi phất vào hoặc ra, cho đến Mục liên còn không biết rõ tên; thiền định của Phật vào và ra, cho đến Xá lợi phất còn không biết rõ tên.

Hỏi: Như vậy, trí tuệ Xá lợi phất còn cách xa Phật, cớ sao nói con cũng vui nói?

Đáp: Xá lợi phất chẳng phải muốn phơi bầy trí tuệ của mình trước đại chúng, cao tâm cố nói. Xá lợi phất chỉ là người theo Phật chuyển pháp luân, rộng làm lợi ích chúng sinh. Nghĩa chữ Ma ha tát ích lợi rất lớn, thế nên Phật dạy xong, Xá lợi phất tiếp nói theo.

Lại nữa, nhiều người tin vui Xá lợi phất nói, vì cớ sao? Vì nhân duyên đời trước nghe Xá lợi phất nói, nhiều người phát tâm Bồ tát. Phật do các nhân duyên vì tâm đại từ bi, tâm tôi, ta và căn bản tập khí đã nhổ sạch, pháp ái đã dứt, nên cho phép Xá lợi phất nói.

Xá lợi phất nói: Chấp ngã, chấp kẻ biết, kẻ thấy, chấp Phật, chấp Bồ tát, chấp chúng sinh và các tà kiến chấp hữu, vô, đoạn, thường, năm uẩn cho đến các kiến chấp về chư Phật chuyển pháp luân. Bồ tát ấy dứt được ba thứ kiến chấp ấy nên sẽ thuyết pháp giữa đại chúng. Ba thứ kiến chấp này, từ vô thỉ lại, đã dính quen vào xương tủy. Tu bồ đề nghĩ rằng: Phật dạy năm uẩn cho đến các Phật pháp là chỗ hành của Bồ tát, cớ sao vì dứt các kiến chấp nên thuyết pháp? Nghĩ như vậy rồi liền hỏi Xá lợi phất. Xá lợi phất đáp: Bồ tát không có phương tiện thiện xảo mà muốn tu hành Bát nhã ba la mật, quán sắc tìm định tướng, thủ lấy sắc định tướng nên sinh ra chấp kiến sắc; trái với đây, gọi là có phương tiện thiện xảo. Bồ tát này tuy quán sắc, không sinh vọng kiến mà dứt được các tà kiến.

Kinh: Bấy giờ Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Con cũng muốn nói vì sao gọi là Ma ha tát!

Phật dạy: ông hãy nói.

Tu bồ đề nói: Bạch đức Thế Tôn! Tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm vô đẳng đẳng ấy không chung với tâm Thanh văn, Bích chi Phật, vì cớ sao? Vì tâm Nhất thiết trí là vô lậu, chẳng rằng buộc; đối với tâm vô lậu, chẳng ràng buộc cũng không chấp trước; vì nhân duyên ấy nên gọi là Ma ha tát.

Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Thế nào là tâm vô đẳng đẳng của Bồ tát ma ha tát không chung với tâm Thanh văn, Bích chi Phật?

Tu bồ đề nói: Bồ tát ma ha tát từ khi mới phát tâm đến nay không thấy pháp có sinh có diệt, có thêm có bớt, có nhơ có sạch. Xá lợi phất! Nếu pháp không sinh không diệt, cho đến không nhơ không sạch, trong đó không có tâm Thanh văn, Bích chi Phật, không có tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không có tâm Phật. Xá lợi phất! Ấy gọi là tâm vô đẳng đẳng của Bồ tát ma ha tát, không chung với tâm Thanh văn, Bích chi Phật.

Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Như Tu bồ đề nói, tâm Nhất thiết trí, tâm vô lậu, tâm không ràng buộc, không dính mắc. Tu bồ đề! Sắc cũng không dính mắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng không dính mắc; bốn niệm xứ cũng không dính mắc, cho đến mười tám pháp không chung cũng không dính mắc, cớ sao chỉ nói tâm ấy không dính mắc?

Tu bồ đề nói: Như vậy, như vậy! Sắc cũng không dính mắc, cho đến mười tám pháp không chung cũng không dính mắc.

Xá lợi phất nói với Tu bồ đế: Tâm người phàm phu cũng vô lậu không ràng buộc, vì tánh không; tâm Thanh văn, Bích chi Phật, tâm chư Phật cũng vô lậu chẳng rằng buộc, vì tánh không.

Tu bồ đề nói: Đúng vậy, Xá lợi phất!

Xá lợi phất nói: Tu bồ đề! Nếu sắc cũng vô lậu chẳng ràng buộc, vì tánh không; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô lậu chẳng ràng buộc, vì tánh không; cho đến ý xúc làm nhân duyên sinh thọ cũng vô lậu, chẳng ràng buộc, vì tánh không.

Tu bồ đề nói: Đúng như vậy!

Xá lợi phất nói: Bốn niệm xứ cũng vô lậu chẳng ràng buộc, vì tánh không, cho đến mười tám pháp không chung cũng vô lậu chẳng rằng buộc, vì tánh không.

Tu bồ đề nói: Đúng vậy! Như điều Xá lợi phất nói, tâm người phàm phu cũng vô lậu chẳng ràng buộc, vì tánh không; cho đến mười tám pháp không chung cũng vô lậu chẳng ràng buộc, vì tánh không.

Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Như chỗ Tu bồ đề nói không, vì không có tâm nên không chấp trước tâm ấy. Tu bồ đề! Vì sắc không có nên không chấp trước sắc; vì thọ, tưởng, hành, thức cho đến ý xúc làm nhân duyên sinh thọ không có nên không chấp trước thọ; vì bốn niệm xứ không có nên không chấp trước bốn niệm xứ, cho đến vì mười tám pháp không chung không có nên không chấp trước mười tám pháp không chung.

Tu bồ đề nói: Đúng như vậy, Xá lợi phất! Vì sắc không có nên đối với sắc không chấp trước, cho đến vì mười tám pháp không chung không có nên đối với mười tám pháp không chung không chấp trước. Như vậy, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật dùng tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, dùng tâm vô đẳng đẳng, không chung với tâm Thanh văn, Bích chi Phật, không nghĩ có tâm ấy, cũng không chấp trước tâm ấy, vì hết thảy pháp vô sở đắc, vì thế nên gọi là Ma ha tát.

Luận. Tu bồ đề nói tâm vô đẳng đẳng của Ma ha tát, đối với tâm ấy cũng không chấp trước. Không chấp trước là Bồ tát từ khi phát tâm lại đây không thấy có pháp, có tướng nhất định hoặc sinh hoặc diệt, hoặc thêm hoặc bớt, hoặc nhơ hoặc sạch. Tâm ấy rốt ráo không, trong đó không có tâm tướng phi tâm tướng, vì các tướng rốt ráo thanh tịnh, vì thế nên không có tâm Thanh văn, tâm Bích chi Phật, tâm Bồ tát, tâm Phật.

Tu bồ đề xưng quí tâm như vậy cũng tốt, Bồ tát không chấp trước tâm ấy cũng là tôn quí. Xá lợi phất muốn hỏi Tu bồ đề nên nói rằng: Chẳng phải chỉ có tâm Nhất thiết trí là vô lậu chẳng rằng buộc, Bồ tát không nên tự cao, vì cớ sao? Vì tâm người phàm phu cũng vô lậu chẳng rằng buộc, vì tánh thường không. Như tâm Thanh văn, Bích chi Phật, tâm Phật vô lậu, chẳng rằng buộc, thật tướng của tâm người phàm phu tánh không. Thật tướng tánh không, thanh tịnh không dính mắc, như trước nói: Mây tối che mặt trời mặt trăng, chứ không thể ô uế mặt trời mặt trăng. Lại, thật tướng của các phiền não với tâm tướng thường tánh không không khác nhau, chỉ ở nơi địa vị phàm phu thì là nhơ là sạch, còn ở nơi địa vị Thánh, vì tu trí tuệ vô tướng, không có phân biệt, chỉ vì thương xót chúng sinh nên tuy còn có nói năng mà tâm không chấp trước. Chẳng phải riêng tâm phàm phu là vô lậu chẳng ràng buộc, mà năm uẩn cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy.

Tu bồ đề nói: Phải!

Xá lợi phất lại nói: Tâm ấy không có tâm, vì tâm tướng không, nên không chấp trước. Nơi sắc, sắc tướng không có nên cũng không chấp trước, cho đến các Phật pháp cũng như vậy.

Tu bồ đề nói: Đúng như vậy! Vì thế nên Bồ tát có thể quán các pháp tánh thường không, bất khả đắc không rốt ráo thanh tịnh, vì vậy nên nói tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm vô đẳng đẳng, không chung với tâm Thanh văn, tâm Bích chi Phật, không nghĩ có tâm ấy, cũng không chấp trước tâm ấy, có thể mau đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

***

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.