Nội dung:
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Ma-kiệt, trong núi Ba-sa, cùng năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ Thế Tôn sáng sớm từ tĩnh thất thức dậy, ra ngoài kinh hành. Khi ấy Sa-di Tu-đà đi kinh hành sau lưng đức Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo Sa-di rằng:
– Nay ta muốn hỏi Ông về nghĩa. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ:
Sa-di Tu-đà đáp:
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
– Có sắc thường và sắc vô thường, đó là một nghĩa hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà bạch Phật:
– Sắc thường và sắc vô thường, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa. Vì sao thế? Sắc thường là bên trong; sắc vô thường là bên ngoài. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay! Tu-đà! Như lời Ông nói. Khéo nói nghĩa này: Sắc thường và sắc vô thường có nhiều nghĩa chẳng phải một. Thế nào Tu-đà? Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu là một hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà đáp:
– Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu là nhiều, chẳng phải là một nghĩa. Vì sao thế? Nghĩa hữu lậu là kiết sử sanh tử. Nghĩa vô lậu là pháp Niết-bàn. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời Ông nói. Hữu lậu thì sanh tử, vô lậu thì Niết-bàn.
Thế Tôn lại bảo:
– Phạp tụ, pháp tán là một nghĩa hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà bạch Phật:
– Pháp tụ của sắc và pháp tán của sắc, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa. Vì sao thế? Pháp tụ của sắc là thân tứ đại. Pháp tán của sắc là khổ tận đế. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời ông nói: pháp tụ của sắc, pháp tán của sắc có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa. Thế nào Tu-đà? Nghĩa thọ và nghĩa ấm là một hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà bạch Phật:
– Thọ và ấm có nhiều nghĩa chẳng phải một nghĩa. Vì sao thế? Thọ thì không hình dáng, chẳng thể thấy. Ấm thì có sắc, có thể thấy. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời Ông nói: Nghĩa thọ và nghĩa ấm, việc này có nhiều, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
– Chữ có, chữ không có nhiều hay là một nghĩa?
Sa-di bạch Phật:
– Chữ có, chữ không có nhiều nghĩa chẳng phải một nghĩa. Vi sao thế? Chữ có là sanh kết. Chữ không là Niết-bàn. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời ông nói: chữ có là pháp sanh tử, chữ không là pháp Niết-bàn.
Thế Tôn bảo:
– Thế nào Tu-đà? Vì sao mà gọi chữ có là sanh tử, chữ không là Niết-bàn?
Sa-di bạch Phật:
– Chữ có là có sanh, có tử, có chung, có thủy. Chữ không là không sanh, không tử, không chung, không thủy.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời Ông nói: chữ có là pháp sanh tử, chữ không là pháp Niết-bàn.
Bấy giờ Thế Tôn nói với Sa-di:
– Khéo nói lời này. Nay ta cho Ông làm Đại Tỳ-kheo.
Thế Tôn trở về giảng đường Phổ tập, bảo các Tỳ-kheo:
– Nước Ma-kiệt chóng được lợi lành, khiến Sa-di Tu-đà đi đến cảnh giới này. Nếu có người đem y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bịnh mà cúng dường thì cũng được lợi lành, cha mẹ Ông ta cũng được lợi lành vì đã sanh được Tỳ-kheo Tu-đà này. Nếu Tỳ-kheo Tu-đà sanh trong nhà nào, nhà ấy liền được may mắn lớn. Nay Ta báo cho các Tỳ-kheo. Hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Vì sao thế? Tỳ-kheo Tu-đà hết sức thông minh, thuyết pháp không trệ ngại, cũng không khiếp nhược. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà cùng năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp có vô số chúng vây quanh thì có một trưởng lão Tỳ-kheo duỗi hân về phía Thế Tôn mà ngủ. Khi ấy, Sa-di Tu-ma-na vừa lên tám tuổi, cách Thế Tôn chẳng xa, ngồi kiết-già buộc niệm ở trước.
Thế Tôn xa trông thấy trưởng lão Tỳ-kheo duỗi chân ngủ, lại thấy Sa-di ngồi ngay ngắn tư duy. Thế Tôn thấy rồi liền nói kệ:
Được gọi là trưởng lão
Chưa chắc cạo tóc râu
Tuy tuổi tác lại lớn
Chẳng thoát khỏi hạnh ngu
Nếu có thấy pháp thật
Vô hại đối quần manh
Bỏ các hạnh uế ác
Đây gọi là trưởng lão.
Chưa hẳn xuất gia trước
Tu gốc nghiệp lành này
Phân biệt ở chánh hạnh.
Nếu có người tuổi nhỏ
Các căn không thiếu sót
Đây gọi là trưởng lão
Phân biệt chánh pháp hành.
Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Các Thầy có thấy trưởng lão này duỗi chân mà ngủ chăng?
Các Tỳ-kheo thưa:
– Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con đều thấy.
Thế Tôn dạy:
– Trưởng lão Tỳ-kheo này trong năm trăm đời hằng làm thân rồng. Nay nếu mạng chung sẽ sanh trong loài rồng. Vì sao thế? Vì không có tâm cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng. Nếu có chúng sanh không có tâm cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng, lúc thân hoại mạng chung đều sẽ sanh trong loài Rồng. Các Thầy có thấy Sa-di Tu-ma-na mới tám tuổi, cách Ta chẳng xa, ngồi ngay ngắn tư duy chăng?
Các Tỳ-kheo thưa:
– Đúng vậy, bạch Thế Tôn!
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Sa-di này sau bảy ngày sẽ được Bốn thần túc, và được pháp Tứ đế, tự tại ở Tứ thiền, khéo tu Tứ ý đoạn. Vì sao thế? Sa-di Tu-ma-na có tâm cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng. Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy siêng năng cung kính Phật, Pháp, Tăng thêm. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Khi ấy Trưởng giả Cấp Cô Độc nhiều tiền lắm của, vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, voi, ngựa, trâu, dê, nô tỳ, đầy tớ chẳng thể tính kể.
Trong thành Mãn Phú có Trưởng giả tên Mãn Tài cũng nhiều tiền lắm của, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, voi, ngựa, trâu, dê, nô tỳ, tôi tớ chẳng thể kể lường. Ông lại là bạn cũ từ thời tuổi trẻ của Trưởng giả Cấp Cô Độc, hai người rất thương mến nhau chưa hề quên. Trưởng giả Cấp Cô Độc hằng có mấy ngàn vạn trân bảo, tài sản mua bán trong thành mãn Phú kia để Trưởng giả Mãn Tài coi sóc gìn giữ. Và Trưởng giả Mãn Tài cũng có mấy ngàn vạn trân bảo tài sản mua bán ở thành Xá-vệ nhờ Trưởng giả Cấp Cô Độc coi sóc giữ gìn.
Trưởng giả Cấp Cô Độc có cô con gái tên Tu-ma-đề, nhan sắc mạo đoan chánh như màu hoa đào, thế gian hiếm có. Bấy giờ Trưởng giả Mãn Tài có chút việc đến thành Xá-vệ, tới nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc; đến rồi ngồi tại tòa. Cô Tu-ma-đề từ trong phòng riêng bước ra lễ bái cha mẹ trước, sau lễ bái Trưởng giả Mãn Tài rồi trở về phòng.
Trưởng giả Mãn Tài thấy cô Tu-ma-đề nhan mạo đoan chánh như màu hoa đào, thế gian hiếm có, liền hỏi Trưởng giả Cấp Cô Độc:
– Đây là con gái nhà ai?
Cấp Cô Độc đáp:
– Vừa rồi là con gái tôi.
Trưởng giả Mãn tài nói:
– Tôi có con trai chưa cưới vợ. Có thể làm thông gia được chăng?
Trưởng giả Cấp Cô Độc bảo;
– Việc này không nên!
Trưởng giả Mãn tài nói:
– Vì những gì mà việc đó không nên? Vì dòng họ hay vì tài sản?
Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
– Dòng họ và tài sản đều tương xứng. Nhưng việc thờ thần, cúng tế thì khác với tôi. Con gái tôi thờ Phật, đệ tử Thích-ca. Còn bên ông thờ ngoại đạo dị học. Vì thế, nên không theo ý ông được.
Trưởng giả Mãn Tài nói:
– Mỗi bên chúng ta sẽ thờ phượng, cúng tế riêng. Cô gái này sẽ phụng sự riêng, tự mình cúng dường.
Trưởng giả Cấp Cô Độc nói:
– Con gái tôi nếu làm dâu nhà Ông thì tài bảo bỏ ra không thể tính kể. Và Trưởng giả cũng sẽ bỏ ra tài bảo không thể tính kể.
Trưởng giả Mãn Tài nói:
– Nay Ông đòi bao nhiêu tài bảo?
Trưởng giả Cấp Cô Độc nói:
– Nay tôi cần sáu vạn lượng vàng.
Trưởng giả liền đưa sáu vạn lượng vàng. Trưởng giả Cấp Cô Độc lại nghĩ: ‘Ta dùng phương tiện từ khước trước mà vẫn chẳng khiến ông ta dừng được’. Ông bảo Trưởng giả kia rằng:
– Nếu tôi gả con gái, cần phải đến hỏi Phật. Nếu Thế Tôn có dạy bảo gì sẽ vâng làm.
Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc xếp đặt sự việc như một chuyến đi nhỏ, ra khỏi cửa đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Trưởng giả Cấp Cô Độc bạch Thế Tôn:
– Con gái con là Tu-ma-đề được Trưởng giả Mãn Tài trong thành Mãn Phú cầu hôn. Con nên gả hay không nên gả?
Thế Tôn bảo:
– Nếu gả Tu-ma-đề sang nước đó, sẽ có nhiều lợi ích, độ thoát nhân dân không thể đo lường.
Trưởng giả Cấp Cô Độc lại nghĩ: ‘Thế Tôn dùng trí phương tiện bảo ta nên gả qua nước kia’. Trưởng giả cúi lạy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi.
Ông trở về nhà bày biện các món ăn ngon ngọt cho Trưởng giả Mãn tài. Trưởng giả Mãn Tài nói:
– Tôi dùng thức ăn này làm gì? Ông có gả con gái cho con tôi không?
Cấp Cô Độc nói:
– Ý tôi muốn thế! Ông có thể đem nó theo! Mười lăm ngày sau ông đưa con trai đến đây!
Ông nói xong liền lui đi.
Trưởng giả Mãn tài sắm đủ món cần, cỡi xe vũ bảo, từ trong tám mươi do-diên đi đến. Trưởng giả Cấp Cô Độc lại sửa soạn cho con gái mình tắm rửa, xông hương. Rồi ông cỡi xe vũ bảo đưa con gái đến đón con trai Trưởng giả Mãn Tài. Giữa đường gặp nhau, Trưởng giả Mãn Tài được cô gái, liền đem về thành Mãn Phú.
Nhân dân nơi này có ra điều lệ: Nếu trong thành có người đem con gái gả cho người nước khác sẽ bị trọng phạt. Nếu người lại đi nước khác cưới vợ đem về nước cũng bị trọng phạt. Bấy giờ nước ấy có sáu ngàn Phạm chí. Dân trong nước đều tuân theo điều lệ. Có luật rằng: Nếu ai phạm điều lệ, sẽ đãi cơm cho sáu ngàn Phạm chí.
Trưởng giả Mãn Tài tự biết mình vi phạm điều lệ, liền dọn ăn cho sáu ngàn Phạm chí. Thức ăn của Phạm chí là thịt heo và canh thịt heo, thêm rượu ngon. Và Phạm chí mặc y phục hoặc mặc dạ trắng hoặc đáp y lông thú. Nhưng cách của Phạm chí lúc vào nước, lấy y vắt lệch lên vai phải, để lộ nửa người. Bấy giờ, Trưởng giả bạch:
– Đã đến giờ! Thức ăn uống đã đủ.
Sáu ngàn Phạm chí đều đắp lệch y áo, lộ nửa người, đi vào nhà Trưởng giả. Trưởng giả thấy Phạm chí tới, ông quỳ gối lết đến trước tiếp đón, cung kính làm lễ. Phạm chí lớn nhất giơ tay lên khen lành, ôm cổ Trưởng giả, đi đến tòa ngồi. Các Phạm chí khác cũng tùy theo thứ lớp mà ngồi. Bấy giờ, sáu ngàn Phạm chí ngồi xong, định ăn thì Trưởng giả bảo cô Tu-ma-đề rằng:
– Con sửa soạn rồi đến làm lễ thầy của chúng ta!
Cô Tu-ma-đề đáp:
– Thôi, thôi! Thưa cha! Con không thể làm lễ những người khỏa thân được.
Trưởng giả nói:
– Đây không phải người khỏa thân. Không có gì phải hổ thẹn. Pháp phục của họ đáp lối ấy!
Cô Tu-ma-đề nói:
– Đây là người không biết hổ thẹn, cùng bày thân thể ra ngoài, có dùng pháp phục gì đâu? Mong Trưởng giả nghe con: Thế Tôn cũng nói có hai nhân duyên mà người đời quý. Nghĩa là có hổ, có thẹn. Nếu không có hai việc này thì cha mẹ, anh em, dòng họ, thân tộc, tôn ti cao thấp không thể phân biệt. Như này loài gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa đều cùng loại không có tôn ti. Do có hai pháp này ở đời nên ắt biết có tôn ti sai khác. Nhưng những người này lìa hai pháp ấy, giống như cùng bầy với gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa. Thật không thể lễ bái họ được.
Chồng Tu-ma-đề bảo vợ:
– Nay cô nên đứng dậy làm lễ thầy chúng ta. Các vị này đều là Trời mà tôi phụng sự.
Cô Tu-ma-đề đáp:
– Hãy dừng, công tử! Tôi không thể lễ bái những người khỏa thân không biết xấu hổ. Nay tôi là người mà làm lễ lừa, chó!
Người chồng lại nói:
– Nín, nín! Quý nương! Chớ nói thế! Hãy giữ miệng, chớ lỡ lời! Đây chẳng phải lừa, cũng chẳng phải dối gạt. Những y đắp chính là pháp phục.
Bấy giờ cô Tu-ma-đề rơi lệ khóc vùi, nhan sắc biến đổi, nói:
– Thà bà con, cha mẹ của tôi mất mạng, thân chặt làm năm. Tôi trọn không rơi vào nhà tà kiến.
Sáu ngàn Phạm chí đồng lớn tiếng nói:
– Thôi, thôi, Trưởng giả! Vì sao để đứa tiện tỳ này chửi mắng như thế? Nếu thỉnh mời thì dọn bưng thức ăn uống đi!
Trưởng giả và chồng Tu-ma-đề liền bày thịt heo, canh thịt và rượu nồng mời sáu ngàn Phạm chí ăn rất đầy đủ. Các Phạm chí ăn xong, nghị luận chút đỉnh rồi đứng lên đi.
Trưởng giả Mãn Tài lên lầu cao, phiền oán sầu não, ngồi riêng suy nghĩ:
– Nay ta đem cô gái này về, thật là đồ phá nhà. Chẳng khác nào làm nhục nhà cửa mình!
Bấy giờ, có Phạm chí tên Tu-bạt đã đắc ngũ thông, và đắc các thiền. Trưởng giả Mãn tài rất quý trọng ông. Phạm chí Tu-bạt nghĩ: ‘Ta với Trưởng giả xa cách đã lâu ngày, nay nên đến thăm’. Phạm chí liền vào thành Mãn Phú, đến nhà Trưởng giả, hỏi người gác cửa:
– Trưởng giả đang ở đâu?
Người gác cửa đáp:
– Trưởng giả ở trên lâu, sầu lo hết sức, không nói nổi.
Phạm chí đi thẳng lên lầu gặp Trưởng giả. Phạm chí hỏi Trưởng giả:
– Sao mà sầu lo đến thế? Không lẽ bị huyện quan, trộm cướp, tai biến nước, lửa xâm phạm chăng? Lại, không lẽ trong nhà không được hòa thuận?
Trưởng giả đáp:
– Không có tai biến, huyện quan, giặc cướp. Nhưng trong nhà có việc không vừa lòng.
Phạm chí hỏi:
– Cho nghe tình trạng xem có chuyện gì?
Trưởng giả đáp:
– Hôm qua tôi cưới vợ cho con trai, lại phạm phép nước, thân tộc bị nhục. Tôi mời các thầy đến nhà, đưa vợ của con trai đến lễ bái mà nó không vâng lời.
Phạm chí Tu-bạt nói:
– Nhà cô gái ở nước nào? Cưới hỏi xa gần?
Trưởng giả nói:
– Cô này là con gái Trưởng giả Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ.
Phạm chí Tu-bạt nghe xong, kinh ngạc lạ lùng, hai tay bịt tai nói:
– Ôi chao! Trưởng giả! Rất đặc biệt, rất lạ lùng! Cô gái này còn có thể sống mà không tự sát, không gieo mình xuống lầu thì thật là may mắn. Vì sao thế? Thầy mà cô gái này phụng sự đều là người Phạm hạnh. Hôm nay cô còn sống, rất là lạ lùng!
Trưởng giả nói:
– Tôi nghe Ngài nói lại muốn phì cười. Vì sao thế? Ngài là ngoại đạo dị học, tại sao lại khen ngợi hạnh của Sa-môn dòng họ Thích? Thầy mà cô gái này thờ có oai đức gì? Có thần biến gì?
Phạm chí đáp:
– Trưởng giả! Ông muốn nghe thần đức của thầy cô gái này chăng? Nay tôi sẽ kể sơ nguồn gốc này.
Trưởng giả nói:
– Mong được nghe nói.
Phạm chí bảo:
– Ngày trước, tôi đến phía Bắc Tuyết Sơn, đi khất thực trong nhân gian, được thức ăn xong bay đến bên suối A-nậu-đạt. Trời, Rồng, quỷ thần ở đó, xa thấy tôi đến đều cầm đao kiếm lại, bảo tôi:
– Ông tiên Tu-đạt! Chớ đến suối này! Chớ làm dơ bẩn suối. Nếu không theo lời ta, thì chính tính mạng ông sẽ bị cắt đứt.
Tôi nghe nói thế, bèn lìa khỏi suối đó không xa mà ăn. Trưởng giả nên biết! Thầy mà cô gái này thờ có đệ tử nhỏ nhứt là Sa-di Quân-đầu. Vị Sa-di này cũng đến phía Bắc Tuyết Sơn, khất thực trong nhân gian, bay đến suối A-nậu-đạt, tay cầm áo lấm lem máu bẩn của người chết trong gò mả. Khi ấy, đại thần ở suối A-nậu-đạt, Trời, Rồng, quỷ thần đều đứng lên, tiến đến nghinh tiếp, cung kính thăm hỏi:
– Kính chào thầy của loài người! Mời Ngài đến đây ngồi!
Sa-di Quân-đầu đến suối nước. Lại nữa, này Trưởng giả! Ngay giữa suối nước có cái bàn bằng vàng ròng. Bấy giờ Sa-di đem cái y của người chết ngâm trong nước, sau mới ngồi ăn. Ăn xong rửa bát, ngồi kiết-già trên bàn vàng, chính thâm chính ý, cột niệm ở trước rồi nhập Sơ thiền; từ Sơ thiền dậy, vị ấy nhập Nhị thiền, từ Nhị thiền dậy, nhập Tam thiền; từ Tam thiền dậy, nhập Tứ thiền; từ Tứ thiền dậy, nhập Không xứ; từ Không xứ dậy, nhập Thức xứ; từ Thức xứ dậy, nhập Bất dụng xứ; từ Bất dụng xứ dậy, nhập Hữu tưởng vô tưởng xứ; từ Hữu tưởng vô tưởng xứ dậy, nhập Diễm quang tam-muội; từ Diễm quang tam-muội dậy, nhập Thủy khí tam-muội; từ Thủy khí tam-muội dậy, nhập Diễm quang tam-muội, kế lại nhập Diện tận tam-muội, lần nữa nhập Diện tận tam-muội; kế lại nhập Hữu tưởng vô tưởng tam-muội; kế lại nhập Bất dụng xứ tam-muội; kế lại nhập Thức xứ tam-muội; kế lại nhập Tứ thiền; kế lại nhập Tam thiền; kế lại nhập Nhị thiền; kế lại nhập Sơ thiền; từ Sơ thiền dậy mà giặt y người chết. Bấy giờ Trời, rồng, quỷ thần hoặc giúp vò y, hoặc lấy nước giặt, hoặc lấy nước uống. Vị ấy giặt xong đem lên trên không phơi.
Xong Sa-di ấy thu xếp y, bay lên không trung trở về chỗ mình. Trưởng giả nên biết! Bấy giờ, tôi thấy từ xa không đến gần được. Thầy cô gái này thờ, đệ tử nhỏ nhất có thần lực này, huống nữa đệ tử lớn nhất, có ai bì kịp? Hà huống vị thầy kia là Như Lai Chánh Chân Đẳng Chánh Giác mà bì kịp sao? Xét nghĩa này xong, tôi mới nói: ‘Hết sức lạ lùng! Cô gái này có thể không tự sát, không cắt đứt tánh mạng’.
Bấy giờ, Trưởng giả bảo Phạm chí:
– Chúng ta có thể thấy thầy của cô gái này chăng?
Phạm chí đáp:
– Hãy hỏi lại cô gái!
Trưởng giả bèn hỏi Tu-ma-đề:
– Nay ta muốn gặp thầy mà con thờ. Con có thể mời đến chăng?
Cô gái nghe xong mừng rỡ không kềm được, nói:
– Xin bày biện thức ăn uống. Ngày mai Như Lai sẽ đến đây với Tỳ-kheo tăng.
Trưởng giả bảo:
– Nay con tự thỉnh, ta không biết cách.
Bấy giờ con gái Trưởng giả tắm rửa thân thể, tay bưng lò hương lên trên lầu, chắp tay hướng về phía Như Lai nói:
– Cúi mong Thế Tôn hãy khéo quán sát. Bậc ‘Vô kiến danh tướng’! Thế Tôn không việc gì chẳng biết, không việc gì chẳng xét! Nay con ở chỗ nguy khốn này, cúi mong Thế Tôn hãy khéo quán sát!
Rồi cô dùng kệ này tán thán:
Xem đời khắp tất cả
Chỗ mắt Phật soi xét
Hàng quỷ, các vua thần
Và hàng quỷ tử mẫu.
Như quỷ ăn người kia
Lấy tay người làm tràng
Sau lại muốn hại mẹ
Nhưng Phật hàng phục được
Lại ở thành La-duyệt
Voi dữ muốn đến hại,
Thấy như tự quy mạng,
Chư Thiên khen: Lành thay!
Lại đến nước Mã-đề
Lại gặp vua rồng ác
Thấy lực sĩ Mật-tích
Mà rồng tự quy mạng,
Các biến không thể kể
Đều khiến lập chánh đạo
Nay con lại gặp nguy
Cúi mong Phật rũ lòng
Bấy giờ hương như mây
Giăng ở trong hư không
Biến mãn Kỳ-hoàn xá
Trụ ở trước Như Lai
Chư thiên ở không trung
Hoan hỉ làm lễ Phật
Lại thấy hương ở trước
Tu-ma-đề thỉnh cầu
Mưa bao nhiêu loại hoa
Mà không thể kể lường
Thảy đầy rừng Kỳ-hoàn
Như Lai cười phóng quang.
Bấy giờ Tôn giả A-nan thấy trong tinh xá Kỳ-hoàn có mùi hương kỳ diệu này. Thấy xong đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
– Cúi mong Thế Tôn! Đây là loại hương gì mà đầy khắp tinh xá Kỳ-hoàn?
Thế Tôn bảo:
– Hương này là sứ gỉa đem lời thỉnh của cô Tu-ma-đề trong thành Mãn Phú. Nay Thầy gọi các Tỳ-kheo tụ tập về một chỗ, phát thẻ đưa các sắc này: ‘Các Tỳ-kheo là bậc A-la-hán lậu tận, được thần túc, hãy lấy thẻ (xá-la), ngày mai đến thành Mãn Phú thọ thỉnh Tu-ma-đề’.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Xin vâng, Thế Tôn!
Tôn giả A-nan nhận lời Phật dạy, tập họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội, nói:
– Các vị A-la-hán đắc đạo hãy lấy thẻ, ngày mai đến thọ thỉnh của Tu-ma-đề.
Ngay lúc ấy, một Thượng tọa trong chúng Tăng tên Quân-đầu Ba-hán đắc quả Tu-đà-hoàn kiết sử chưa hết, chẳng được thần túc. Thượng tọa này nghĩ: ‘Nay ta là Thượng tọa cao nhất trong đại chúng, mà kiết sử chưa dứt, chưa được thần túc. Sáng mai, ta chẳng được đến thành Mãn Phú thọ thỉnh, mà vị Hạ tọa nhỏ nhất tên Sa-di Quân-đầu, người này có thần túc, có đại oai lực, được đến nơi đó thọ thỉnh, nay ta cũng sẽ đến đó thọ thỉnh’.
Bấy giờ Thượng tọa dùng tâm thanh tịnh ở tại địa vị hữu học mà nhận thẻ. Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy Quân-đầu Ba-hán ở tại địa vị hữu học mà nhận thẻ và đắc vô học. Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
– Trong đệ tử của Ta, người nhận thẻ bậc nhất là Tỳ-kheo Quân-đầu Ba-hán.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo có thần túc; Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, A-na-luật, Ly-việt, Tu-bồ đề, Ưu-tỳ-Ca-diếp, Ma-ha Ca-thất-na, Tôn giả La-vân, Châu-lợi-bàn-đặc, Sa-di Quân-đầu.
– Các Thầy dùng thần túc đến thành kia trước!
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Lúc ấy, người cận sự của chúng Tăng tên Càn-trà, sáng sớm hôm sau tự vác một chảo to, bay lên không trung đến thành kia. Trưởng giả nọ cùng dân chúng lên trên lầu cao muốn xem Thế Tôn, họ xa thấy vị cận sự này vác chảo to đi đến. Trưởng giả bèn nói kệ với cô gái:
Cư sĩ mà tóc dài,
Hiện thân như gió giật,
Lại vác chảo lớn nữa,
Đây là thầy con chăng?
Cô dùng kệ đáp:
Đây không, đệ tử Phật,
Là người hầu Như Lai
Ba đường đủ ngũ thông,
Người này tên Càn-trà.
Cận sự Càn-trà, đi vòng quanh ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Sa-di Quân-đầu hóa làm năm trăm cây hoa nhiều màu sắc, thảy đều nở tươi, hoa sen Ưu-bát màu rất đẹp. Hoa như thế không thể đem hết đến thành kia. Trưởng giả thấy Sa-di, lại dùng kệ hỏi:
Hoa này bao nhiêu loại,
Đều ở tại hư không,
Lại có vị thần túc,
Phải là thầy con không?
Cô dùng kệ đáp:
Tu-bạt trước có nói,
Người Sa-di trên hồ,
Thầy là Xá-lợi-phất,
Là đệ tử của Ngài.
Sa-di Quân-đầu, đi vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Tôn giả Bàn-đặc hóa ra năm trăm con trâu lông xanh, y xanh ngồi kiết già trên lưng trâu, đến thành ấy. Trưởng giả thấy, dùng kệ hỏi cô:
Các bầy trâu lớn này,
Áo lông đều màu xanh,
Ở trên ngồi một mình,
Đây là thầy con chăng?
Cô dùng kệ đáp:
Hay hóa ngàn Tỳ-kheo,
Ở trong vườn Kỳ-vực
Tâm thần cực kỳ sáng
Đây Tôn giả Bàn-đặc.
Tôn giả Bàn-đặc đi vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
La-vân lại hóa làm năm trăm khổng tước, đủ màu sắc, ngồi kiết-già ở trên, bay đến thành ấy. Trưởng giả trông thấy, dùng kệ hỏi cô:
Năm trăm khổng tước này,
Màu sắc rất đẹp đẽ,
Như đại tướng quân kia,
Đây là thầy con chăng?
Cô lại dùng kệ đáp:
Như Lai thuyết cấm giới,
Tất cả không trái phạm,
Đối giới, hay hộ giới,
La-vân, con của Phật.
La-vân đi vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Tôn giả Ca-thất-na hóa làm năm trăm chim cánh vàng, hết sức dũng mãnh, ngồi kiết-già ở trên, đến thành ấy. Trưởng giả xa thấy, dùng kệ hỏi cô:
Năm trăm chim cánh vàng,
Thật là đầy dũng mãnh,
Ở trên không sợ hãi,
Đây là thầy con chăng?
Cô dùng kệ đáp:
Hay hành thở ra vào,
Xoay chuyển tâm hành thiện,
Sức huệ rất dũng mãnh,
Đây tên Ca-thất-na.
Tôn giả Ca-thất-na vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Ưu-tỳ Ca-diếp hóa ra năm trăm rồng đều có bảy đầu, ngồi kiết-già ở trên, đến thành ấy. Trưởng giả xa thấy, dùng kệ hỏi cô:
Nay rồng bảy đầu này,
Hình tướng rất đáng sợ,
Người đến không thể kể
Đây là thầy con chăng?
Cô đáp:
Hằng có ngàn đệ tử
Thần túc hóa Tỳ-sa
Vị Ưu-tỳ Ca-diếp
Có thể nói người này.
Ưu-tỳ Ca-diếp đi quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Tôn giả Tu-bồ-đề hóa ra núi lưu ly rồi vào trong ngồi kiết-già, đến thành ấy. Trưởng giả xa thấy, dùng kệ hỏi cô:
Núi này thật là đẹp,
Toàn bằng màu lưu ly,
Nay ngồi ở trong hang,
Đây phải thầy con chăng?
Cô lại dùng kệ đáp:
Do quả báo bố thí
Nay được công đức này,
Đã thành ruộng phước tốt,
Giải không, Tu-bồ-đề.
Tu-bồ-đề vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Tôn giả Ca-chiên-diên lại hóa ra năm trăm ngỗng thuần màu trắng, đến thành ấy. Trưởng giả xa thấy dùng kệ hỏi cô:
Nay năm trăm ngỗng này,
Các màu đều trắng tinh,
Đầy hết trong hư không,
Đây là thầy con chăng?
Cô lại dùng kệ đáp:
Kinh Phật được tuyên thuyết,
Phân biệt câu nghĩa này,
Lại giảng nhóm kiết sử,
Đây là Ca-chiên-diên.
Tôn giả Đại Ca-chiên-diên vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Ly-việt hóa ra năm trăm cọp ngồi trên, đến thành ấy. Trưởng giả trông thấy, dùng kệ hỏi cô:
Nay năm trăm cọp này.
Lông phủ rất mượt mà,
Lại người ngồi ở trên,
Có phải thầy con không?
Cô dùng kệ đáp:
Xưa ở tại Kỳ-hoàn,
Sáu năm không di động,
Ngồi thiền tối đệ nhất,
Đây tên là Ly-việt (Ly-bà-đa)
Tôn giả Ly-việt vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Tôn giả A-na-luật hóa ra năm trăm sư tử, rất là dõng mãnh, ngồi ở trên, đến thành ấy. Trưởng giả trông thấy, dùng kệ hỏi cô:
Năm trăm sư tử này,
Dũng mãnh rất đáng sợ,
Người ngồi ở trên chúng,
Phải là thầy con chăng?
Cô dùng kệ đáp:
Lúc sanh trời đất động,
Trân bảo ra đầy đất,
Mắt thanh tịnh vô cấu,
A-na-luật, em Phật.
Ngài A-na-luật vòng quanh ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Tôn giả Đại Ca-diếp hóa ra năm trăm con ngựa lông đuôi đều đỏ, trang điểm vàng bạc rồi ngồi trên và mưa hoa trời mà đến thành ấy. Trưởng giả xa thấy dùng kệ hỏi cô:
Ngựa vàng, lông đuôi đỏ,
Số chúng có năm trăm,
Đó là Chuyển luân vương,
Phải là thầy con chăng?
Cô gái dùng kệ đáp:
Hạnh đầu đà đệ nhất,
Hằng an ủi bần cùng,
Như Lai chia nửa tòa,
Là Ca-diếp tối đại.
Ngài Đại Ca-diếp vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hóa ra năm trăm voi trắng đều có sáu ngà, bảy chỗ bằng phẳng trang sức vàng bạc, ngồi ở trên, rồi lại phóng ánh sáng lớn đầy khắp thế giới, đến trên hư không của thành kia, xướng kỹ nhạc vô kể, mưa các thứ tạp hoa, lại treo phướn lọng trong hư không rất kỳ diệu. Trưởng giả xa thấy, dùng kệ hỏi cô:
Voi trắng có sáu ngà
Ngồi trên như Thiên vương,
Nay nghe tiếng kỹ nhạc,
Phải Thích-ca-văn không?
Cô dùng kệ đáp:
Trên núi lớn nơi kia,
Hàng phục Rồng Nan-đà,
Bậc thần túc đệ nhất,
Bậc thần túc đệ nhất,
Tên là Mục-kiền-liên.
Thầy con vẫn chưa đến,
Đây là chúng đệ tử,
Nay Thánh sư sẽ đến,
Quang minh chiếu khắp nơi.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả.
Lúc này, Thế Tôn biết đã đến giớ đắp tăng-già-lê đi trên hư không cách đất bảy nhẫn. Tôn giả A-nhã-câu-lân ở bên phải Như Lai, Tôn giả Xá-lợi-phất ở bên trái Như Lai. Bấy giờ, Tôn giả A-nan nương oai thần của Phật ở sau Như Lai tay cầm phất trần. Một ngàn hai trăm đệ tử vây quanh trước sau. Như Lai ở ngay chính giữa và các đệ tử có thần túc: A-nhã-câu-lân hóa làm Nguyệt Thiên Tử. Xá-lợi-phất hóa làm Nhật Thiên Tử. Các Tỳ-kheo có thần túc khác, người thì hóa làm Thích-đề-hoàn-nhân, người hóa làm Phạm Thiên. Có người hóa làm Đề-đầu-lợi-tra, Tỳ-lưu-lặc, Tỳ-lưu-bác-xoa, hoặc là Tỳ-sa-môn, lãnh đạo các quỷ thần, hoặc làm Chuyển-luân Thánh-vương, hoặc nhập Hỏa quang tam-muội, hoặc nhập Thủy tinh tam-muội, hoặc có người phóng quang, có người phun khói, làm các thứ thần túc. Phạm thiên vương ở bên phải Như Lai. Thích-đề-hoàn-nhân ở bên trai Như Lai, tay cầm phất tử. Lực sĩ Kim Cang Mật Tích ở sau Như Lai, tay cầm chày Kim cang. Tỳ-sa-môn Thiên vương tay cầm lọng bảy báu ở trong hư không phía trên Như Lai, sợ có bụi bặm bám thân Như Lai. Bàn-giá-tuần tay cầm đàn Lưu ly tán thán công đức Phật và các thiên thần đều ở trên hư không xướng kỹ nhạc ngàn vạn thứ. Các thứ hoa trời mưa rải trên Như Lai.
Bấy giờ Ba-tư-nặc, Trưởng giả Cấp Cô Độc và nhân dân trong thành Xá-vệ đều thấy Như Lai ở trong hư không cách đất bảy nhẫn, thấy xong đều mừng rỡ không kềm được. Trưởng giả Cấp Cô Độc liền nói kệ:
Như Lai thật thần diệu,
Thương dân như con đỏ,
Hay thay! Tu-ma-đề,
Sẽ nhận pháp Như Lai.
Vua Ba-tư-nặc và Trưởng giả Cấp Cô Độc rải các thứ danh hương, các thứ hoa.
Lúc này Thế Tôn đem các chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau và các trời thần vô kể, như phượng hoàng ở trong hư không đi đến thành kia.
Bàn-giá-tuần dùng kệ tán Phật:
Các sanh kết dứt hẳn,
Ý niệm chẳng lầm lẫn,
Vì không trần cấu ngại,
Vào đất nước cũ kia.
Tám tánh rất thanh tịnh,
Dứt tà ma ác niệm,
Công đức như biển lớn,
Nay vào đất nước kia.
Nhan sắc rất thù đặc,
Các sử trọn chẳng khởi,
Vì kia không tự xử,
Nay vào đất nước ấy.
Để độ bốn bộ chúng,
Thoát khỏi sanh, già, chết.
Để dứt gốc các hữu
Nay vào đất nước ấy.
Bấy giờ, Trưởng giả Mãn Tài xa thấy Thế Tôn từ xa đến, các căn đạm bạc, thế gian hiếm có, sạch như thiên kim, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân. Ngài như núi Tu-di vượt cao hơn các núi, cũng như một khối vàng phóng ánh sáng lớn. Trưởng giả dùng kệ hỏi cô Tu-ma-đề:
Đây là ánh trời chăng?
Chưa hề thấy vẻ này,
Mấy ngàn vạn ức tia,
Chưa dám nhìn chăm chú!
Bấy giờ cô Tu-ma-đề quỳ xuống, chắp tay hướng về Như Lai, dùng kệ đáp Trưởng giả:
Chẳng Trời, không chẳng Trời,
Mà phóng ngàn thứ sáng,
Vì tất cả chúng sanh,
Cũng lại là thầy con.
Đều cùng khen Như Lai,
Như trước đã có nói,
Nay sẽ được quả lớn,
Cần siêng cúng dường Ngài.
Trưởng giả Mãn Tài gối phải chấm đất, lại dùng kệ khen Như Lai:
Tự quy đấng mười lực,
Viên quang thể sắc vàng,
Được trời người khen kính,
Hôm nay tự quy mạng.
Nay Ngài là Nhật vương,
Như trăng sáng giữa sao,
Đã độ người chẳng độ,
Hôm nay tự quy mạng.
Ngài như tượng Thiên đế,
Như Phạm hạnh từ tâm,
Tự thoát, thoát chúng sanh.
Hôm nay tự quy mạng.
Tôn quý trong trời người,
Vua trên các quỷ thần,
Hàng phục các ngoại đạo,
Hôm nay tự quy mạng.
Cô Tu-ma-đề quỳ dài, chắp tay tán thán Thế Tôn:
Tự hàng, hay hàng người,
Tự chính, hay chính người,
Đã độ, độ nhân dân,
Đã giải, lại thoát người.
Độ cấu, khiến độ cấu,
Tự chiếu, chiếu quần manh,
Không ai không được độ,
Trừ đấy, không đấu tụng.
Rất tự trong sạch trụ,
Tâm ý không khuynh động,
Mười lực thương xót đời,
Lại tự đảnh lễ kính.
Ngài có tâm từ bi hỉ xả, đầy đủ không, vô tướng, vô nguyện. Ở trong cõi dục, Ngài là bậc tôn trọng bậc nhất. Ngài cao nhất trong trời, thất tài đầy đủ. Các thiên nhân, tự nhiên, phạm sanh cũng không ai bằng, cũng không thể giống hình mạo. Nay con tự quy mạng.
Bấy giờ, sáu ngàn Phạm chí thấy Thế Tôn tạo các thần biến như thế, mỗi người bảo nhau: ‘Chúng ta nên rời nước này đi đến nước khác. Sa-môn Ca-diếp này đã hàng phục nhân dân trong nước’. Sáu ngàn Phạm chí liền ra khỏi nước, không trở về nữa. Ví như sư tử vua loài thú ra khỏi hang núi, xem xét bốn phương, lại rống lên ba tiếng mới đi tìm mồi. Các loài thú vật đều bỏ chạy, chẳng biết gì cả, bay mất, nép phục. Nếu lại có voi có sức thần, nghe tiếng sư tử cũng bỏ chạy không thể yên ổn. Vì sao thế? Vì sư tử vua loài thú rất có oai thần. Đây cũng như thế! Sáu ngàn Phạm chí nghe tiếng tăm của Thế Tôn phải bỏ chạy không thể yên ổn. Vì sao thế? Vì Sa-môn Ca-diếp có đại oai lực vậy.
Bấy giờ Thế Tôn lại bỏ thần túc, bình thường đi vào thành Mãn Phú. Lúc Thế Tôn vừa đạp chân lên ngưỡng cửa thì trời đất chấn động mạnh. Các bậc thần trời rải hoa cúng dường. Nhân dân thấy dung mạo Thế Tôn, các căn tịch tĩnh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tự trang nghiêm. Mọi người liền nói kệ:
Lưỡng túc tôn cực diệu,
Phạm chí không dám đương,
Vô cớ thờ Phạm chí,
Mất bậc Tôn trong người.
Thế Tôn đến nhà Trưởng giả, tới tòa ngồi. Lúc ấy, nhân dân nước ấy hết sức hưng thạnh. Nhà Trưởng giả có tám vạn bốn ngàn người kéo đến tụ tập muốn hư cả phòng nhà, để nhìn Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng. Bấy giờ Thế Tôn liền nghĩ: ‘Nhân dân này có chỗ tổn thất. Ta nên tạo thần lực khiến nhân dân cả nước đều thấy thân Ta và Tỳ-kheo Tăng’.
Thế Tôn liền hóa phòng nhà của Trưởng giả thành lưu ly, trong ngoài thấy nhau ví như xem hạt châu trong bàn tay. Bấy giờ cô Tu-ma-đề đến trước Thế Tôn cúi lạy, buồn vui lẫn lộn, nói kệ:
Tất cả trí tuệ đủ,
Độ hết tất cả pháp,
Lại đoạn dục ái kết,
Nay con tự quy mạng.
Thà cho cha mẹ con,
Hủy hoại hai mắt con,
Chẳng ưa đến trong đây,
Tà kiến và ngũ nghịch.
Xưa tạo ác duyên nào,
Mà bị đến nơi này?
Như chim vào lưới rập,
Nguyện dứt nghi kết này!
Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ đáp:
Nay con vui chớ lo,
Đạm bạc tự mở ý,
Cũng chớ khởi tưởng chấp,
Nay Như Lai sẽ giảng.
Con vốn không tội duyên,
Được đến tới chốn này,
Là quả báo thệ nguyện,
Muốn độ chúng sanh này.
Nay hãy nhổ cội rễ,
Chẳng đọa ba đường ác,
Có vài ngàn chúng sanh,
Trước con đáng được độ.
Hôm nay sẽ trừ sạch,
Khiến được trí tuệ sáng,
Khiến trời và nhân dân,
Thấy con như xem châu.
Cô Tu-ma-đề nghe xong, mừng rỡ không kềm được.
Bấy giờ Trưởng giả đem người hầu của mình cung cấp thức ăn uống, những món ngon ngọt. Thấy Thế Tôn thọ trai xong, ông liền đem nước trong sạch đến, rồi lấy một ghế nhỏ đến ngồi trước Như Lai. Các người tùy tùng và tám vạn bốn ngàn chúng đều lần lượt ngồi, hoặc có người tự xưng tên họ mà ngồi. Thế Tôn dần dần thuyết diệu luận cho Trưởng giả và tám vạn bốn ngàn nhân dân kia. Luận nghĩa là giới luận, thí luận, luận sanh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, lậu là dơ xấu, xuất gia là cần yếu.
Thế Tôn thấy Trưởng giả và cô Tu-ma-đề cùng tám vạn bốn ngàn nhân dân tâm ý khai mở. Các pháp khổ, tập, diệt, đạo mà chư Phật thường thuyết, Ngài đều thuyết cả cho chúng sanh ở đây. Họ mỗi người ở trên tòa sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Ví như vải trắng dễ nhuộm màu. Đây cũng như thế. Trưởng giả Mãn Tài, cô Tu-ma-đề và tám vạn bốn ngàn nhân dân sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, không còn hồ nghi, được không sợ hãi, thảy đều quy y Tam Bảo thọ trì ngũ giới.
Bấy giờ cô Tu-ma-đề ở trước mặt Phật nói kệ:
Như Lai tai trong suốt,
Nghe con gặp khổ này,
Giáng thần đến đây xong,
Mọi người được pháp nhãn.
Thế Tôn thuyết pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên trở về chỗ ở. Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Xưa cô Tu-ma-đề tạo nhân duyên gì mà sanh trong nhà phú quý? Lại tạo nhân duyên gì mà đọa trong nhà tà kiến này? Lại tạo công đức lành nào, nay được pháp nhãn thanh tịnh? Lại tạo công đức nào khiến tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh?
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Quá khứ lâu xa trong Hiền kiếp này, có Phật Ca-diếp, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài ở tại nước Ba-la-nại đi du hóa cùng hai vạn chúng đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, có vua tên Ai Mẫn có con gái tên Tu-ma-na. Cô này rất có tâm cung kính hướng về Phật Ca-diếp, vâng giữ cấm giới, hằng ưa bố thí và cúng dường bốn việc.
Thế nào là bốn? Bố thí; ái kính; lợi người; đồng lợi.
Cô ở chỗ Phật Ca-diếp tụng Pháp Cú. Ở trên lầu cao, cô lớn tiếng tụng tập, phát nguyện rộng lớn rằng: ‘Con hằng có pháp Tứ ái này. Và ở trước Như Lai tụng kinh Pháp Cú, trong đó nếu con có chút phước nào, cầu khi sanh ra không rơi vào ba đường ác, cũng không rơi vào nhà nghèo, đời vị lai cũng sẽ được gặp bậc Tối Tôn như thế. Cho con chẳng chuyển thân nữ mà được pháp nhãn thanh tịnh’.
Nhân dân trong thành nghe vương nữ thệ nguyện như thế đều cùng tụ tập đến chỗ vương nữ nói:
– ‘Hôm nay vương nữ rất có lòng tin, tạo các công đức, bốn việc không thiếu: bố thí, kiêm ái, lợi người, đồng lợi, lại thệ nguyện khiến đời sau gặp bậc Thế Tôn như thế. Như Lai vì tôi thuyết pháp được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm nay vương nữ đã thệ nguyện cùng nhân dân cả nước chúng tôi đồng thời được độ’.
Bấy giờ vương nữ đáp:
– ‘Tôi đem công đức này cùng thí cho các người. Nếu gặp Như Lai thuyết pháp sẽ đồng được độ’.
Tỳ-kheo các Thầy há có nghi sao? Chớ xem thế! Vua Ai Mẫn lúc ấy, nay là Trưởng giả Tu-đạt. Vương nữ lúc ấy, nay là cô Tu-ma-đề. Nhân dân trong nước lúc ấy, nay là tám vạn bốn ngàn chúng. Do lời thệ nguyện, nay gặp Ta, nghe pháp được độ và nhân dân kia đều được pháp nhãn thanh tịnh. Đây là nghĩa này, nên nhớ vâng làm. Vì cớ sao? Bốn việc này là ruộng phước. Nếu có Tỳ-kheo gần gũi bốn việc, liền được pháp Tứ đế. Hãy cầu phương tiện thành tựu pháp bốn việc này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Trang trước | Mục Lục | Trang sau |