Thiện Tài Cầu Đạo

40. Tham vấn Thánh nữ Cù-ba



Một vầng trăng khuyết 

Treo trên ngọn cau 

Trái tim tinh khiết 

Xin đem tặng nhau 

(Hạnh Huệ)

Một buổi tối, thầy Huệ nhìn ra ngoài trời, thấy một vầng trăng mỏng đang vướng trên ngọn cau, chợt bật ra mấy câu thơ, để đáp lại bài hát Chúng Ta Tặng Gì Nhau. Có rất nhiều thứ để trao tặng, chúng sanh tặng Bồ tát những câu than thở cầu xin. Bồ tát tặng chúng sanh điều gì?

Thiền sư Ryokan (Lương Khoan) sống đơn giản trong một cái am nhỏ. Có tên trộm lẻn vào am, và không tìm thấy một thứ gì khả dĩ.

Thiền sư thấy tội nghiệp anh ta, trời tối đã lạnh, ngài cởi chiếc áo khoác trên người đưa cho. Tên trộm ra đi, thiền sư nhìn theo, cảm thán:

– Anh bạn đáng thương, có một vầng trăng kia, tôi không thể tặng anh.

Chúng ta luôn luôn có một thứ gì đó để tặng mọi người, xuất phát từ trái tim trong sáng thương yêu. Chỉ là phải tu tập, nhớ buông phiền não thì tâm mới khỏe. Nếu ôm một mối không bình thường, giận ghét lung tung thì khi tặng nhau đổ nợ!

Cầu đạo lần thứ 40, Thiện Tài đến thành Ca-tỳ-la-vệ để gặp một cô nương dòng họ Thích tên là Cù-ba. Con đường đi lần này về đến đầu nguồn xứ Phật, để gặp gỡ những nhân duyên thân quyến. Thánh nữ Cù-ba cũng là hiện thân của Da-du, người thân nhất của Thái tử và cũng là người khổ đau nhất khi một đêm Thái tử bỏ nhà đi học đạo.

Thánh nữ Cù-ba kể cho Thiện Tài nghe, vô lượng kiếp về trước, nàng đã cúng Thái tử năm bông sen. Tiền thân Thái tử là đạo sĩ tìm đến Phật Nhiên Đăng, nhưng nàng ước nguyện đời đời được theo làm vợ. Đạo sĩ cho biết mình tu hạnh bố thí, hy sinh cả vợ con, quyến thuộc. Cô chấp nhận điều kiện thuận theo tất cả việc làm của đạo sĩ, không phản đối. Và với hạnh nguyện ấy, trong nhiều kiếp đã giúp đỡ Bồ tát Sidhatha trên đường thực hành Bồ tát đạo. Có một duyên sâu để tùy thuận, không gây gổ cãi lẫy, không ôm tiền bỏ đi, không mê xem hát quên săn sóc nhà cửa… Lẽ dĩ nhiên, trong kinh sử chẳng bao giờ nói đến mấy chuyện kỳ cục như thế.

Thánh nữ Cù-ba thực hiện hạnh Bồ tát, cùng một tần số và làm thành tựu. Trên đời có ai chịu làm Bồ tát thứ yếu để lui vào bên trong? Cũng có vị Bồ tát thực hiện hạnh chống đối, đi ngược lại công phu tu tập của người kia. Như Đề-bà-đạt-đa luôn hiện diện như một đệ tử ngỗ nghịch, quậy phá, tạo nhiều phiền phức cho đức Phật. Rất khó để làm một người như vậy, chịu tiếng xấu, mọi người xỉ vả. Trong kinh Pháp Hoa, Phật đề cao công hạnh của Devadatta, gọi đó là thiện tri thức giúp ngài chóng thành tựu việc lớn. Ông được Phật thọ ký làm Phật tương lai, và tuy chịu quả báo ở địa ngục – để không trái luật nhân quả – ông vẫn là vị Bồ tát thảnh thơi, làm nấc thang để Bồ tát bước lên quả vị.

Cuộc đời sẽ có nhiều việc nói không tận cùng. Học một mặt thuận cũng phải biết mặt đối nghịch. Trong bài này, hai nhân vật đối nhau là Thích nữ Gopã và Devadatta vậy. 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.