Thiện Tài Cầu Đạo

39. Tham vấn Thần rừng Diệu Đức Viên Mãn



Theo một câu chuyện cổ tích, ngày xưa nước biển không mặn như bây giờ, và muối rất đắc. Có hai anh em một vùng nọ, lớn lên ở riêng thành hai gia đình. Người anh giàu nhờ bán muối khai thác được ở khu đất của mình, người em chịu cảnh nghèo thiếu, lại luôn bị vợ cằn nhằn mắng mỏ. Khi túng quá, người em thường đến xin anh mình giúp đỡ, người anh cũng rộng rãi thương em.

Ngày lễ Tết gần đến, trong nhà không có thức ăn, em phải qua xin anh, được chia cho một phần thịt khá đủ trong tuần lễ. Vác thịt về, gặp bà vợ cau có la lối : “Sao chỉ có thịt không thôi? Ông đem cho quỷ sứ ăn đi!”

Người em hiền quá, nghe vợ rầy không biết tính sao, đành vác thịt tìm đường xuống địa ngục cho quỷ ăn. Dọc đường gặp một cụ già, kể hết sự tình và hỏi đường xuống địa ngục. Cụ già chỉ đường cặn kẽ, bảo anh ta phải đi thế này, rồi gặp cửa địa ngục. Ở đó, hãy ném thịt cho con quỷ canh cổng, và chỉ xin nó cái cối đá nằm gần cửa. Đây là cái cối thần diệu, khi anh muốn thứ gì, chỉ cần bảo nó tự quay và từ miệng cối sẽ nhảy ra những thứ ngon lành. Khi có đủ rồi thì bảo nó dừng lại.

Anh nhà nghèo làm theo lời ông già, quả nhiên được cái cối vác về nhà. Từ đó, cái cối quay cho đủ thứ, và anh ta trở nên giàu có hơn anh mình.

Một hôm, người anh bán muối cho khách nước ngoài, không may thiếu một thuyền muối chưa làm kịp. Anh hỏi mượn cái cối thần, người em cho mượn và chỉ cho cách sử dụng. Khách buôn mang cối về thuyền, đọc câu thần chú, từ miệng cối chảy ra vô số muối trắng tinh khiết. Đầy ghe thuyền nhưng họ muốn thêm nhiều nên không hô dừng lại. Kết quả, cả thuyền cả cối nặng quá chìm luôn xuống biển. Và vì không có ai bảo dừng lại nên nó cứ tuôn muối ra ào ào từ hồi đó tới giờ. Tới bây giờ cũng cứ có muối chảy không ngừng. Nước biển vì thế mặn… hơn muối.

Đây là chuyện đời xưa, để cho những người xưa đọc. Người thời nay không có gì thú vị trong những câu chuyện thần tiên phép lạ. Nhưng thử nghĩ xem, nếu trong chúng ta có một cái máy thần kỳ, luôn luôn chảy những đức tính từ bi, hoan hỷ, nhẫn nhục, hòa ái… chảy bất tận. Mình có muốn sắm một cái máy như vậy không? Trên đời này, ai là người luôn có đức tính như Bồ tát, luôn thương yêu chúng sanh không ngừng? Và đó là điều khiến Thiện Tài đồng tử lại lên đường cầu học.

Sau khi rời Bồ Đề Đạo tràng, Thiện Tài đến vườn Lâm-tỳ-ni, tham học vị thần rừng Diệu Đức Viên Mãn, thần đang ngồi trên chỗ ngồi trang nghiêm, với hai mươi triệu tỷ thần rừng xung quanh, có thể sanh vào nhà Như Lai, làm ánh sáng cho đời.

Thần Diệu Đức là vị thần cây chăm sóc nơi Bồ tát đản sanh, bảo cho Thiện Tài biết về những điều lành báo hiệu khi sẽ có vị Phật xuất hiện nơi khu vườn.

  1. Đất trở nên bằng phẳng, không có hầm hố.
  2. Gai, sỏi, bùn nhơ biến mất, chỉ có đất mềm.
  3. Cây sala cắm rễ sâu vững chắc.
  4. Hương thơm tỏa ra từ đất.
  5. Rừng cây được trang hoàng vô số cờ phướn.
  6. Tất cả cây cỏ bụi bờ đều trổ hoa.
  7. Tất cả thiên nhiên phô bày vẻ đẹp.
  8. Các thần tiên xếp hàng đón chờ.
  9. Tất cả thiên nữ đều hướng về cội cây Pillakcha. 
  10. Chư Phật mười phương phóng hào quang chiếu khắp.

Một vị Phật đản sanh là dấu hiệu tốt lành, và con người ấy đem an vui, đem giải thoát cho tất cả nhân loại. Khi nào tâm chúng ta thuần thiện, đầy đủ niềm tin và hạnh nguyện cứu giúp, chúng ta cũng biết rằng Phật tánh đã xuất hiện. Và khi ta làm điều nhân ái, thấy y như là Phật ở trong ta.

Việc cầu học của Thiện Tài đã tiến một bước khá dài, gần thành tựu, như điềm lành Phật sắp đản sinh. Một vị Phật ra đời là đưa tất cả chúng ta bước vào nhà của Phật, đem miền tin rằng cuộc đời này rốt cuộc sẽ là đất Phật, cõi Phật.

Thần Diệu Đức cho biết rằng từ vô số kiếp lâu xa, mình phát nguyện được gần gũi các Bồ tát lúc mới sanh, nên được đặc biệt làm thần cây vườn Lumbini. Những khu vườn đặc biệt luôn có các năng lực đặc biệt. Cây cối cũng có tình thức, cũng biết rung động và truyền tin cho nhau bằng tín hiệu đặc biệt. Ngược lại, người cũng truyền năng lượng cho cây. Người ta nói, khi chủ nhà chết, thường để tang cây cối trong vườn, nếu không nó sẽ héo úa. Điều này được các ông bà già xưa thực hiện. Và lúc Hòa thượng ở thất Thường Chiếu, cây mít bên thất Hòa thượng đặc biệt trái xum xuê, mặc dù đất Thường Chiếu không phải đất tốt. Mỗi lần ra thăm Hòa thượng, mấy cô thường ngắm cây mít đó, vỗ về săn sóc nó, ý nói là tụi nó ở gần Hòa thượng hơn mình. 

Cây cối cũng như người ta, đều có những rung động, người thì hiển lộ, cây không nói nhưng chính vì vậy nó cảm nhận vi tế. Bạn có bao giờ nói dối với một cái cây?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.