1. Triều nhà Tống có thầy Thích Huệ Kiến là người xuất gia từ lúc ấu thơ, có giới hạnh thanh tịnh vàlà người tu hành dõng mãnh. Trong niên hiệu Nghĩa Hy nhà Tống, Thầy ở chùa Gia Tường nơi sơn am, chuyên tu khổ hạnh, ngày đêm luôn đốc thúc đại chúng niệm Phật. Về sau trong lúc bị bệnh, Thầy nhất tâm cầu đảo Quán Âm Đại Sĩ, mong mỏi được mau về Tây Phương Cực lạc. Phía bắc của ngôi chùa có ngôi chùa Tịnh Nghiêm của một Ni sư, cũng là một người tu hành tinh tấn, giới luật trang nghiêm. Một đêm nọ, Ni sư nằm mộng thấy Quán Âm Đại Sĩ từ cửa phía Tây đi vào, quang minh rực rỡ, có người cầm tràng phan bảo cái theo hầu, thất bảo rất trang nghiêm. Ni Sư vui mừng cung kính đảnh lễ Bồ Tát rồi bạch: “Thưa Bồ Tát đi đâu?”. Đại Sĩ đáp rằng: “Ta đến chùa Gia Tường để rước Thầy Huệ Kiến.” Ngày hôm sau,thị giả và chúng trong chùa đều ngửi thấy mùi hương lạ, thơm ngát khắp chùa, Thầy Thích Huệ Kiến thần sắc vẫn như thường vui vẻ mời đại chúng vân tập niệm Phật, rồi an nhiên thệ thế. (Trích Cao Tăng truyện – tập1 và Vãng sanh tập của Tổ Vân Thê).
2. Triều nhà Tề, thầy Thích Pháp Lâm là người ở Lâm Ngan, huyện Tân Nguyên, xuất gia từ thuở thiếu niên. Trong tâm Thầy luôn hướng về cõi nước An Dưỡng, ngày ngày đều tụng kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Phổ Môn, Thầy thường thấy có một vị Sa môn thân hình cao lớn, tướng hảo trang nghiêm đứng trước mặt. Vào niên hiệu Kiến Vũ, năm thứ 2 nhà Tề, Thầy lâm bệnh nhưng vẫn cố gắng sám hối, niệm Phật không bê trễ, luôn nhớ nghĩ đến cảnh giới Tây phương. Do tâm chí thành ấy mà Thầy nhìn thấy chư thánh hiền đến vân tập trước mắt. Thầy liền gọi đệ tử đến và kể lại những việc mình đã thấy, rồi an nhiên kiết già chấp tay niệm Phật mà viên tịch. (Trích Cao Tăng truyện – tập 1).
3. Triều nhà Đường, thầy Thích Tăng Huyền là người ở xứ Tinh Châu, lúc thọ đến chín mươi sáu tuổi thì bỗng có duyên lành được gặp quyển An Lạc Tập của Đạo Xước Thiền Sư trước tác. Bấy giờ Thầy mới phát tâm quy hướng pháp môn Tịnh độ, chuyên cần niệm Phật. Vì sợ tuổi cao không còn nhiều thời gian nên ngày đêm Thầy lễ Phật một ngàn lạy và niệm Thánh hiệu A Di Đà vạn biến. Trải qua thời gian năm năm, Thầy nhất tâm tinh tấn tu hành không hề giải đãi. Một hôm, Thầy gọi các đệ tử đến rồi nói rằng: “A Di Đà Phật đến trao cho chiếc áo thơm, hai Ngài Đại Sĩ Quán Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí theo hầu đi ở phía trước, vô số hóa Phật đầy khắp hư không, từ phương Tây cõi Ta Bà này trở đi toàn là cảnh giới Tịnh Độ.” Dứt lời thì Thầy an nhiên kiết già, niệm Phật thệ thế. (Trích Cao Tăng Truyện – Tập 3).
4. Triều nhà Đường, Ngạn Thiền Sư là người xứ Tinh Châu phát tâm qui hướng pháp môn Tịnh độ từ lúc mới xuất gia, thực hành phương đẳng sám rất chuyên cần, không hề biếng trễ. Lúc bị bệnh nhẹ, Thiền Sư chuyên tâm thiền quán thì thấy hai vị Đại sĩ Quán Âm, Thế Chí hiện nơi không trung, trong một thời gian lâu vẫn không ẩn mất. Thiền Sư bèn tìm thợ giỏi đến nhờ vẽ lại nhưng không ai họa được. Bỗng nhiên xuất hiện hai người từ Tây Kinh đến nói rằng: “Chúng tôi là họa sĩ tinh xảo, trên đường đến non Ngũ Đài, ghé qua đây xin nguyện sẽ họa lại hình tướng của hai vị đại Bồ tát.” Sau khi vẽ xong thì bỗng nhiên hai người này biến mất, không tìm được tung tích. Thiền Sư tự biết nhân duyên vãnh sanh Tây phương đã thuần thục liền nói với các đệ tử: “Hôm nay Thầy sẽ vãng sanh Tây phương, trong đại chúng có người nào muốn đi cùng không?”. Có một tiểu đồng tử cúi đầu thưa rằng: “Con xin theo Thầy”. Thiền Sư bảo: “Nếu con muốn đi thì hãy về từ biệt cha mẹ”. Tiểu đồng nghe lời, về nhà từ giã cha mẹ thì ai cũng tưởng là nói chơi. Đồng tử cáo biệt cha mẹ rồi về chùa tắm gội, mặc tịnh y rồi vào đạo tràng niệm Phật, chốc lát thì vãng sanh. Ngạn Thiền Sư đến vỗ đầu quở rằng: “Tại sao con đi trước mà không đợi Thầy?” rồi bảo đệ tử mang giấy bút ra làm kệ tán thán hai đại Bồ tát. Văn kệ như sau:
Quán Âm Bồ Tát giúp tiếp dẫn
Thế Chí Bồ Tát phụ đưa đi
Bảo bình hiển hiện trên chiếc mũ
Hóa Phật uy nghiêm trước đảnh đầu
Cùng nhau đi khắp lo phương cõi
Cầm hoa chờ đợi cửu giới sanh
Từ bi ra tay khắp tế độ
Dẫn dắt đồng về nước Lạc Bang.
Làm kệ tán thán xong thì từ biệt các đệ tử rồi tự mình vào đạo tràng, lại bảo các đệ tử đồng vân tập đến đạo tràng để niệm Phật giúp cho giờ phút vãng sanh. Sau đó Thiền Sư an nhiên ngồi kiết già viên tịch trong tiếng niệm Phật vang động khắp chùa. (Trích Cao Tăng Truyện – Tập 3).
5. Triều nhà Đường, Hoài Ngọc Thiền Sư, họ Cao là người ở Đơn Khưu. Thiền Sư nghiêm trì giới luật, tu hành tinh tấn, chỉ thọ thực mỗi ngày một bữa, thường ngồi và ít nằm. Ngài thường thực hành pháp sám hối và tụng kinh A Di Đà ba mươi vạn biến, mỗi ngày niệm Phật năm vạn câu. Niên hiệu Thiên Bảo, năm đầu nhà Đường, vào ngày 4 tháng 6, Thiền Sư thấy có hằng hà sa số Thánh chúng Tây phương đến, có người bưng đài bạch ngân từ cửa sổ đi vào. Hoài Ngọc Thiền Sư liền nói: “Tôi suốt đời tinh tấn, nguyện được kim đài”. Bạch Ngân đài liền ẩn mất. Sau đó, Thiền Sư càng tinh tấn gấp bội thường ngày. Đến giờ Sửu ngày 13, Phật phóng quang minh khắp trong thất, bạch hào quang hiển hiện, Thánh chúng đứng đầy trong thất. Thiền Sư nói với đại chúng: “Lúc nghe mùi hương lạ thì báo thân tôi sẽ mãn”. Vừa nói xong thì mùi hương bay ngào ngạt, “Thanh Tịnh Đại hải chúng chật khắp hư không. A Di Đà Phật cùng Quán Âm, Thế Chí, thân tử kim ngự trên kim cương đài đến nghinh tiếp”, nói rồi Thiền Sư mĩm cười mà viên tịch. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 3).
6. Triều nhà Đường, Huệ Nhật Pháp sư nương thuyền vượt biển đến nước Thiên Trúc. Ông đi khắp nơi tham vấncác bậc tri thức đã thông đạt Tam tạng để thỉnh cầu pháp yếu đường tắt, mau thoát khổ luân hồi. Các Ngài mà Pháp sư tham vấn đều vô cùng tán dương Pháp môn Tịnh độ. Pháp sư Huệ Nhật sau đó lại đi đến một đại danh sơn ở phía Đông bắc, nước Kiện Đà La có Thánh tượng Quán Âm Bồ tát để lễ bái. Tương truyền rằng nếu người nào chí thành cầu đảo trước Thánh tượng thì sẽ được Bồ Tát hiện thân. Thiền Sư khi đến nơi, phát nguyện tuyệt thực bảy ngày, lễ bái cầu đảo, nguyện được Bồ tát hiện thân, nếu không mãn nguyện thì thề đến chết cũng không rời. Đến đêm thứ bảy bổng thấy Quán Âm Đại Sĩ hiện thân tử kim, ngồi trên bảo liên hoa, đưa tay xoa đảnh Huệ Nhật Pháp sư mà dạy rằng: “Ông muốn hoằng truyền Chánh pháp của Như lai để lợi mình, lợi người, thì nên chuyên niệm Thánh hiệu A Di Đà Phật ở Tây phương Cực lạc thế giới, hồi hướng phát nguyện cầu vãng sanh. Khi đã đến nước ấy rồi thời thấy Phật và thấy Ta, lợi ích của việc này rất lớn, không thể nào nói hết. Ông nên biết pháp môn Tịnh độ thù thắng hơn tất cả các pháp môn và công hạnh niệm Phật thù thắng hơn tất cả các hạnh.” Nói dứt lời thì Bồ tát ẩn mất. Pháp Sư trở về Trường An, vâng lời dạy của Bồ Tát cật lực khuyến hóa tất cả mọi người niệm Phật. Đến giờ phút cuối cùng, Pháp sư không bệnh, an nhiên kiết già niệm Phật mà viên tịch. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 3).
7. Triều nhà Đường, thầy Thích Tự Giác ở Chơn Châu thường phát nguyện xin nương nhờ đức Quán Âm Đại Sĩ để được thấy A Di Đà Phật. Bấy giờ, Thầy đi khắp nơi khuyến hóa để đúc tượng Quán Âm Đại Sĩ cao bốn mươi chín thước. Sau khi đúc tượng hoàn tất, Thầy chí tâm cầu nguyện thấy Phật. Canh ba đêm ấy bỗng nhiên xuất hiện hai đường kim quang, Thầy lúc ấy nhìn thấy Phật từ trong quang minh đi xuống, Quán Âm, Thế Chí theo hầu hai bên tả, hữu. Phật đưa tay xoa đảnh Thầy Thích Tự Giác và nói rằng: “Ông nên giữ chí nguyện, đừng đổi thay việc tu hành. Hãy lấy sự lợi người làm trước nhất, được thế thì nơi thác sanh sẽ ở ao báu, không lo sẽ không được như nguyện”. Mười một năm sau, vào ngày 15 tháng 7, Thầy nhìn thấy có một người thân tướng đoan nghiêm như Thiên Vương hiện thân trong mây báu đến bảo Thầy rằng: “Thời khắc về an dưỡng đã đến.” Thiền Sư bèn đến trước Thánh tượng Quán Âm Đại Sĩ, vui vẻ ngồi kiết già, an nhiên niệm Phật mà trường thệ. (Trích Cao Tăng Truyện – Tập 3 & Vãng Sanh Tập).
8. Triều nhà Tống, thầy Thích Liễu Nhiên nằm mộng thấy mình đi qua biển, khi ấy ngay trong biển, Thầy nhìn thấy Quán Âm Bồ tát ngồi trong rừng trúc nên trong lòng hết sức vui mừng, chí thành đảnh lễ, đoạn dùng một trăm bài kệ tán thán Ngài. Từ ấy về sau, biện tài bỗng nhiên phát hiện. Một đêm nọ, Thầy nằm mộng thấy hai con rồng đang múa giỡn với nhau trên không trung, thế rồi một trong hai con rồng ấy hóa thành người, từ hư không đáp xuống, lấy một chiếc thẻ đưa cho Thầy và chỉ cho biết về thời khắc sẽ vãng sanh. Đến ngày vãng sanh , Thầy mời đại chúng đồng vân tập, tụng Kinh A Di Đà, đến đoạn Kinh văn: Tây Phương Thế giới hữu Vô Lượng Thọ Phật,… thì Thầy an nhiên kiết tường thệ thế. (Trích Tịnh Độ Thánh Hiền Lục).
9. Triều nhà Tống, Học sĩ Trương Khán là người siêng tu tập các thiện hạnh và thường hồi hướng nguyện vãng sanh. Trước Phật đài, Ông phát nguyện tụng Đại Bi Đà La Ni mười vạn biến đem công đức ấy cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới. Đến năm Ông sau mươi tuổi thì bị bệnh nhưng vẫn một lòng thành kính chuyên tâm niệm Phật. Một hôm, Ông bảo người nhà rằng: “Tây phương Tịnh Độ không ở đâu xa, chính lúc này đang hiện ở trước nhà. Tôi đã tận mắt nhìn thấy Từ phụ A Di Đà ngồi trên hoa sen, Ong Nhi đang lễ Phật nơi kim địa.” (Ong Nhi là cháu nội của Trương Khán đã chết lúc ba tuổi). Vừa dứt lời thì Ông an nhiên niệm Phật rồi thệ thế. (Trích Vãng Sanh Tập).
10. Triều nhà Tống, Cổ Đảnh Minh Thiền sư là cháu đời thứ 15 của Tôn Lân Tế. Khi sắp viên tịch thì Ngài bảo môn đồ rằng: “Đức Đại bi Quán Thế Âm đã đến và cầm hoa sen đến tiếp dẫn Ta”. Dứt lời thì an nhiên ngồi kiết già viên tịch. Lúc làm lễ trà tỳ, có ba vật không bị hư hoại là lưỡi, răng và xâu chuỗi,đại chúng thu được các hạt xá lợi năm màu nhiều vô kể. (Trích Hoàng Minh Danh Tăng Tập Lược & Tống Cảnh Liên Tập Lục).
11. Triều nhà Tống, vợ của Lữ Hoằng Đô Quán Viên Ngoại tên là Ngô Thị. Hai ông bà đều trai giới thanh tịnh, và rất thông đạt Phật lý. Ngô Thị thờ Quán Âm Bồ Tát rất thành kính, hàng ngày đều chuyên tâm lễ Phật, niệm Phật nên có được nhiều linh cảm. Trong Tịnh thất của Ngô Thị có mấy chục cái bình sành, Bà dùng tịnh thủy rót đầy trong ấy, tay cầm cành dương liễu, trì tụng Chú Đại bi vào ấy. Khi thực hành như vậy thì thấy Quán Âm phóng quang minh vào trong bình. Bệnh nhân ở các nơi đến xin nước ấy uống đều được thuyên giảm bệnh tình. Nước tụng chú để nhiều năm vẫn không hư. Vào tiết mùa Đông lạnh giá vẫn không đóng thành băng giá, do vậy mà nhiều người gọi Bà là Quán Âm Viện Quân. Bà có hai người thị nữ cũng theo tu theo Tịnh nghiệp, một trong hai người này rất nghiêm trì tịnh giới, chuyên tu khổ hạnh, có khi suốt tháng không thấy Cô dùng đến cơm cháo. Mỗi ngày chỉ cần uống một chén tịnh thủy của Quán Âm Viện Quân trì chú mà thôi. Một thời gian sau, Cô nhìn thấy Phật A Di Đà cùng chư Bồ tát thượng thiện nhân ở Cực Lạc hiện ở trước mắt, mãi như vậy trải qua trong suốt thời gian một năm. Đến ngày cuối cùng, Cô an nhiên niệm Phật mà vãng sanh. (Trích Long Thơ Tịnh Độ Văn).
12. Triều nhà Tống, có Trịnh Thụ là người ở huyện Tiên Đường, tỉnh Chiết Giang. Hàng ngày,Ông đều lập thời khóa tụng Kinh niệm Phật không gián đoạn. Về sau trong khi bị bệnh thì một ngày nọ nhờ người đỡ ngồi dậy, dẫn đi tắm rửa, sau khi tắm rửa xong thì Ông ngồi ngay thẳng, xoay mặt về hướng Tây rồi hỏi người nhà: “Có nghe tiếng khánh không? Chư Thánh hiền ở Tây Phương Tịnh Độ đã đến.” Nói rồi chắp tay vui vẻ, tươi cười niệm Phật. Trong chốc lát lại nói: “Phật, Bồ Tát đã đến tiếp dẫn, Đức Quán Âm Bồ Tát tay bưng kim đài, Từ phụ A Di Đà Như Lai đỡ tôi bước lên Liên tọa.” Dứt lời thì yên lặng kiết già thường thệ. (Trích Vãng Sanh Tập).
13. Triều nhà Tống, Vương Thị Nữ ở xứ Kiến An, tỉnh Giang Tây là một nữ Phật tử thâm tín Tam bảo, thờ Mẹ rất chí hiếu. Hàng ngày Cô tụng Quán Âm Phổ Môn phẩm cùng với các Kinh Di Đà, Kim Cang, và chuyên tâm niệm Phật cầu thoát khỏi luân hồi. Lúc mẫu thân Cô chết,khi tẩn liệm thì máu chảy dầm dề, Thị Nữ nhìn thấy thế vô cùng đau đớn bèn nguyện rằng: “Nếu lúc Mẹ tôi còn sống, Tôi thật là một đứa con chí hiếu thì giờ phút này xin vật ô uế này đừng lưu xuất nữa.” Vừa dứt lời thì máu cũng ngưng tức khắc. Thời gian sau, cha Cô lập kế mẫu. Người Mẹ kế cùng với Cô đồng tu Tịnh nghiệp. Lúc Bà lâm chung, Thị Nữ đến chùa bái thỉnh Cao Tăng về nhà giảng nói pháp Quán Tịnh độ cho Bà. Sau khi nghe giảng xong thì Bà nhờ người mang Tịnh Y đến mặc vào, nằm nghiêng qua phía tay phải, kiết tường thệ thế. (Trích Vãng sanh Tập).
14. Triều nhà Nguyên, Đào Thị Tập Lục Nương là người ở Từ Thôn, huyện Thường Thục. Lúc hai mươi sáu tuổi thì Cô góa chồng nhưng vẫn chưa có con. Đào Thị cảm ngộ nhơn sanh vô thường khổ não, thế gian toàn cảnh ô trược xấu xa, không có gì đáng lưu tâm luyến tiếc, nên phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Hàng ngày Cô chuyên trì Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm. Một hôm nọ, Cô mộng thấy một người mặc bạch y, tay cầm đóa sen trắng trao cho. Sau khi tỉnh giấc thì thân tâm Cô khác hẳn lúc trước, Cô dọn một gác nhỏ trang nghiêm, thờ Tây Phương Tam Thánh, chuyên tụng Kinh A Di Đà và niệm Phật. Vừa đúng ba năm thì Cô thấy Phật hiện quang minh, trên hộc thờ Kinh bỗng thấy như có cục lửa lớn cở viên đạn nên Đào Thị sợ cháy kinh, vội dùng tay phủi xuống đất thì mới biết đó là hạt xá lợi không phải lửa. Vào giờ phút lâm chung, Cô được hóa Phật đến nghinh tiếp, Cô từ biệt mọi người rồi vui vẻ niệm Phật mà thệ thế. (Trích Tịnh Độ Thiện Nhân Vịnh).
15. Triều nhà Minh, Ni sư Thành Tịnh là người ở Cổ Cương, tỉnh Quảng Châu. Ni Sư phát tâm trường trai, thọ Tam quy ngũ giới từ lúc còn bé, nên đến tuổi cập kê thì thệ nguyện giữ mình trinh khiết. Ni sư sau đó đảnh lễ Chơn Phạm Am chủ đồng ở cùng ấp làm Thầy để làm lễ thế phát lúc xuất gia. Sau đó, Ni sư chuyên tâm tụng Kinh Đại thừa Niết Bàn, thờ Thầy rất kính cẩn. Đến tuổi trung niên, Ni sư thọ giới cụ túc, lưu tâm pháp môn Tịnh độ, tâm nhớ miệng niệm Thánh hiệu A Di Đà Phật không dứt. Tánh ý Ni sư từ hòa, thích hạnh bố thí, oai nghi đầy đủ và làm mô phạm trong chúng. Ni sư từng đi các nơi khuyến hóa Phật tử để tạo Thánh tượng Thiên thủ Thiên nhãn Đại bi Quán Thế Âm bằng gỗ chiên đàn, phụng thờ ở Đại từ xứ Phụng Thành. Năm sau đó, Ni sư bị bệnh nhẹ, biết trước ngày giờ vãng sanh, liền khuyến hóa đồ chúng cùng với tất cả đàn việt nên cố gắng siêng tu Tịnh nghiệp và chứa nhóm các hạnh lành để cầu sanh Tịnh độ, đừng biếng nhác trễ nãi theo thế tục mà tạo nghiệp. Đến sáng hôm sau thì Ni sư bảo đệ tử rằng: “Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát đã đến đây tiếp dẫn, quí vị nên cùng nhau thành kính cung nghinh Ngài. Quí vị ở lại xin nhớ lời Tôi dặn bảo tu hành.” Dứt lời thì Ni sư nhắm mắt niệm Phật rồi viên tịch. (Trích Quán Âm Từ Lâm Tập).
16. Triều nhà Minh, Thái thừa Thực Tự Hòe Đình phát tâm trường trai, niệm Phật từ lúc nhỏ. Khi lớn lên, Ông đỗ đạt ra làm Quan Thái Thú. Một mặt khuyến hóa dân chúng quy hướng Tam bảo tu hành, mặt khác cấm dân chúng không được sát sanh cúng tế quỉ thần. Lúc già, Ông từ Quan, lập hội niệm Phật, chuyên dẫn dắt những người nghèo khổ làm thuê làm mướn, khuyên họ cố gắng ăn chay niệm Phật làm lành, đem công đức ấy hồi hướng nguyện vãng sanh Tịnh độ. Lúc Ông bị bệnh, liền phát nguyện đến chùa bái thỉnh cầu xin chư Tăng làm lễ thế phát, xong việc về đến nhà thì thấy Quán Âm Bồ Tát bưng ngân đài đến tiếp dẫn. Hòe Đình vô cùng vui mừng, thành kính liên tục xưng niệm Nam Mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát rồi vui vẻ kiết già mà thường thệ. (Trích Tịnh Độ Thánh hiền lục).
17. Triều nhà Minh, mẫu thân của Lưu Đạo Long là Lý Thị. Vào năm bốn mươi tuổi thì phát nguyện trường trai, thờ Phật và niệm Phật nhưng Lý Thị lại không tụng Kinh được vì Bà không biết chữ. Bà sửa sang một ngôi Tịnh thất trang nghiêm để thờ Quán Âm Đại Sĩ, ngày đêm lễ bái xưng niệm cúng dường rất chí thành. Bà niệm Phật mỗi ngày đến một ngàn biến, dù tiết trời nóng bức vào ngày Hạ hay lạnh buốt vào ngày Đông thì việc tu niệm cũng không hề gián đoạn. Bà lại phát nguyện ấn tống Kinh Kim Cang và đem ấn thí khắp nơi, khuyên mọi người lễ bái cúng dường trì tụng, dù tốn nhiều tiền của nhưng không hề tiếc nuối. Thực hành như thế trải qua thời gian hai mươi lăm năm. Trước ngày Bà thệ thế một năm thì bao nhiêu tiền bạc để dành từ lâu đều đem ra làm Phật sự, bái thỉnh chư danh Tăng về nhà tụng Kinh và trai Tăng cúng dường,… Sau khi Phật sự viên mãn, một đêm Bà nằm mộng thấy Quán Âm Bồ Tát nơi mình thờ cầm một xâu chuỗi ngọc đưa cho và bảo rằng: “Ta đem vật nầy tặng cho ngươi, y theo số chuổi chính là thời khắc của ngươi vãng sanh Cực lạc.” Trong giấc mộng, Lý Thị đếm được năm mươi ba hạt chuỗi nhưng vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa. Đến ngày 13 tháng 5 năm Canh Tý, bỗng nhiên Bà nói với người nhà rằng: “Ngày hôm nay tôi về Tây Phương, tất cả mọi người nên vân tập cao tiếng niệm Phật để trợ giúp cho Tôi vào giờ phút cuối cùng để vãng sanh Cực lạc.” Tất cả con cháu trong nhà vâng lời, đều cùng nhau tụ họp trước giường Bà đồng thinh niệm Phật, chừng hơn một giờ sau thì Lý Thị vui vẻ kiết già thường thệ trong tiếng niệm Phật vang động khắp nhà. (Trích Kinh Kim Cang Kinh Ứng Lục).
18. Triều nhà Thanh, Tống Phu Nhơn là người thuộc gia đình cao môn vọng tộc ở Trường Châu, tỉnh Giang Tô. Bà là vợ của Thái Học Sĩ Cố Văn Diệu, thờ mẹ chồng là Hà Thái Phu Nhân rất kính cẩn. Hà Thái Phu Nhân là một Phật tử thờ kính Quán Âm Bồ Tát rất thành kính, sau khi tạ thế thì để Thánh tượng ấy lại cho Tống Phu Nhân, hàng ngày Phu Nhân cũng lễ bái xưng niệm cúng dường rất kiền thành. Trải qua thời gian trên mười năm, một ngày nọ, con trai của Bà là Tân Phương vào ban đêm nằm mộng thấy chiếc y trên thân của hai vị Đại sĩ bị hư rách và đến nhà mình dường như có ý cầu xin. Lúc sáng ra thì lại gặp một người đi ghe, đem đến hai bức tượng đến xin bán, một bức điêu khắc Tăng tướng Quán Âm thời xưa do Ngô Bào tử vẽ, còn bức tượng kia thêu Tống Tử Quán Âm. Tấn Phương nhớ lại giấc mộng đêm qua đã nhìn thấy hình tượng hai Đại Sĩ đã cũ hư nên vô cùng mừng rỡ, biết là Bồ tát thương mình thị hiện nên vội đem tiền của mướn thợ làm lại thành hai pho tượng mới, rồi đưa đến Am Nguyệt Thinh ở đồng xóm thờ phụng. Thời gian hơn một năm sau đó, Tấn Phương lại nằm mộng thấy hai vị Đại sĩ trước đây đến nói rằng: “Chúng ta sẽ đi nơi khác, không ở Am Nguyệt Thinh nữa”. Tấn Phương tỉnh mộng thức dậy trong lòng rất lo lắng, chờ đến sáng đến Am Nguyệt Thinh xem thử thì thấy hai pho tượng quả nhiên bị để vào một bên vách, lập tức kính thỉnh mang về nhà, để thờ nơi Tịnh thất của mẫu thân mình là Tống Phu nhân. Hàng ngày đứng hầu bên hai pho tượng mà trì niệm Thánh hiệu Tây phương A Di Đà và các Kinh chú, chiêm bái cúng dường hai pho tượng Đại Sĩ không ngày nào bỏ qua. Một ngày nọ, trên viên gạch trong tịnh thất bỗng hiện Tăng tướng Quán Âm Đại Sĩ giống hệt bức tượng của Ngô Đạo Tử họa. Ba ngày sau lại hiện lên bức tôn tượng Quán Âm Tống tử có Thiện tài Long nữ trước sau đồng xuất hiện. Bức tượng Tướng Quán Âm hiện trên viên gạch có kim dung rực rỡ nên Tống Phu Nhân thấy thế vô cùng vui mừng, từ đấy đối với Tịnh nghiệp tinh tấn gấp bội hơn trước. Lúc phu nhân sắp lâm chung thì gọi các con đến cạnh khuyên bảo: “Các con mãi mãi phải tròn bổn phận nhân đạo, đừng tranh giành tài sản với nhau như người thế tục, nên gắng noi theo Mẹ, kính trọng Tam Bảo, tinh tấn niệm Phật và tu tập pháp lành. Giờ phút này Mẹ được về Tây phương Cực lạc là một phước báu lớn không gì so sánh được nên các con nên cùng nhau, đồng xưng niệm Thánh hiệu Từ phụ A Di Đà để đưa Mẹ về Tây, đừng như người thế tục si mê khóc than kể lể.” Dứt lời, Phu nhân kính cẩn chấp tay lên trán, nhất tâm niệm Phật và trì tụng thần chú mình thường trì tụng. Xung quanh mọi ngườiđều ngửi thấy mùi hương ngạt ngào khắp trong thất, sau đó Phu Nhân ra đi trong tiếng niệm Phât của con cháu. Bấy giờ là vào lúc niên hiệu Càn Long năm thứ 57 nhà Thanh, vào ngày Đoan Ngũ tháng 5 năm Nhâm Tuất, Phu Nhân hưởng thọ 54 tuổi. (Trích Nhất Hạnh Cư Tập).
19. Triều nhà Thanh năm Mão, Cảnh Trí Đạo nhơn, người họ Uông là một nữ Phật tử đặc biệt trong giới Phật giáo triều nhà Thanh. Bà về sống với Lý Cảnh Hy đến năm hai mươi sáu tuổi thì góa chồng. Sau khi Cảnh Hy thệ thế, Cảnh Trí Đạo Nhơn tự ngộ mình có túc phước nên không bị trần lao triền phược, Bà phát tâm xuất thế nên đến chùa bái thỉnh Cao tăng truyền trao giới Bồ tát. Sau khi thọ đại giới, Bà luôn đem Phật pháp dẫn dắt tất cả người trong làng xóm và những chúng hữu duyên. Đạo Nhơn khuyến hóa rất đông người, số người thâm tín thực hành theo Bà trên ngàn người. Đạo Nhơn từng chích máu nơi lưỡi để chép các kinh Pháp Hoa (một bộ), Kinh A Di Đà (một quyển), Phạm Võng Giới Bồ Tát Bổn (một quyển). Lúc ba mươi tuổi, Bà bị bệnh kiết lỵ kéo dài không dứt. Đến một ngày nọ, Bà cố gắng ngồi dậy, tắm gội sạch sẽ rồi mặc Tịnh Y vào, ngồi kiết già chuyên tâm niệm Phật và thệ thế. Bấy giờ là vào niên hiệu Càn Long năm thứ 49 nhà Thanh. Ba năm sau có một cô gái họ Hà ở cùng xóm với Bà bị bệnh nhiệt. Lúc bị bệnh hành hạ mê man thì thấy có một nhóm người cầm đèn và chiếc kiệu lớn đến khiêng mình đến nơi một cung điện nguy nga, trong ấy có một vị vương gia mặt xanh ngồi chính giữa, tả hữu có nhiều tiểu quỷ theo hầu, tất cả đều cầm chĩa ba bằng thép và chùy đồng. Vị Vương giả đó phán bắt cô gái họ Hà này lại và dùng chùy đánh. Trong lúc kinh hãi chưa biết làm sao thì Cô nhìn thấy từ phía bên trong bảo điện, có một vị đạo nhân đứng chính giữa, kim đồng ngọc nữ cầm tràng phan bảo cái đứng hầu hai bên đang từ từ bước ra. Đạo nhân này không phải như người thường vì Ngài đi cách đất chừng một trượng, đầu đội mão xanh, thân mặc y điếu, tay cầm phất trắng, chân mang vân hài, hình tướng đoan nghiêm thanh tịnh không ai sánh kịp. Cô gái ấy nhìn kỹ lại thì đạo nhân đó không ai xa lạ chính là bà họ Lý ở cùng xóm ngày xưa, chỉ có khác là hình tướng của Bà giờ đây quá trang nghiêm, đẹp đẽ khác hẳn lúc sanh tiền nên không nhận ra ngay. Bà họ Lý thấy tiểu quỉ bắt cô gái lại định đánh thì vội ngăn lại bảo: “Thôi! Thôi!”. Vương gia nghe thấy, tức tốc truyền lệnh ngưng và phóng thích Cô. Đoạn Ngài rời chổ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân bà họ Lý, xong rồi quỳ trước mặt Bà và thưa rằng: “Con xin thành kính vâng lời”. Bà họ Lý đó bèn đưa tay dắt Cô vào trong nội điện. Khi vừa bước vào trong thì thấy cảnh tượng vô cùng trang nghiêm, không sao tả được, ánh quang minh rực rỡ, bàn ghế, chiếu niệm đã trải sẳn rất chỉnh tề, trên bàn hương án có cúng dường kinh Phật. Bà họ Lý truyền lệnh đem trà ngon, trái cây quí ra đãi cô. Trái ấy giống như trái Tần bà, mùi vị ngon ngọt, thơm ngát. Bà hỏi: “Con có biết trái ấy ở đâu không?” Nói rồi tự trả lời: “Ta mang từ Tây phương đến đó”. Sau khi cho Cô ăn và uống trà xong thì dắt Cô đi quan sát cảnh giới địa ngục. Trong lúc đi xem, bà nắm tay và giảng giải Phật pháp cho Cô nghe rất nhiều nhưng Cô chỉ còn nhớ những điểm chính như Thân người khó được, khác nào như đất dính móng tay nên phải cố gắng trì trai, giữ giới, chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương. Sau đó Bà bảo Cô mau trở lại dương thế và nhớ lời Bà khuyên nhủ. Những điểm cần yếu Bà dạy là gái lớn lên tốt nhất không nên lấy chồng, ráng ăn chay niệm Phật cho chuyên, cần nhất là giữ ý nguyện về Tây phương, và ngoài việc niệm Phật thì nên kính tụng Kinh, trì Chú. Bà bảo: “Khi giờ ngày đến thời Ta sẽ đến nghinh tiếp con, con nên cố gắng”. Dứt lời, Bà bảo Cô lên kiệu ngồi rồi sai người đưa về, trong chốc lát thì Cô liền tỉnh cơn hôn mê. (Trích Nhất Hạnh Cư Tập).
20. Hồ Thị Nữ là người ở Hồ Châu, Bà về sống với người họ Phan ở Hàng Châu. Ông họ Phan này là một Phật tử biết ăn chay trường niệm Phật từ lúc thơ ấu. Khi kết hôn với Ông, Bà thấy chồng như vậy nên cũng phát nguyện trường trai, niệm Phật. Sống với nhau một thời gian ngắn thì Ông bị bệnh qua đời. Từ đó, Thị Nữ sống một mình cô quạnh trong một căn nhà cao rộng, hàng ngày nhìn lên bốn bức vách đìu hiu thê thảm, nên Bà tỉnh ngộ cuộc đời như huyễn mộng. Bà từ bỏ phấn son, nhung lụa, mỗi ngày chỉ bỏ ít tiền mua đậu hủ, rau trái ăn cho qua bữa nhưng không thấy đói. Trong nhà Bà có thờ Quán Âm Bồ Tát, hàng ngày đều lễ bái xưng niệm, cúng dường và tụng Kinh trì Chú. Bà đến chùa Quy y và được cho pháp danh là Tịch Niệm. Lúc trước khi phát tâm tu hành thì dù ở trong cảnh nhà giàu sang, Bà vẫn đi làm các công việc nữ công để kiếm thêm tiền, nhờ vậy mà dành dụm được một số tiền. Nay Bà bèn đem hết số tiền này cúng dường chư Tăng và sắm một cái khánh, đem gởi ở nhà người khác. Vào niên hiệu Khang Hy, triều nhà Thanh, vào ngày 15 tháng 6 năm Tân Mùi, Bà nhờ người đến lấy khánh đem về, lại bái thỉnh Linh Phong Hòa thượng đến chứng minh cho lễ hỏa thiêu mình. Hàng Phật tử tại gia tất cả mọi người có đến vài trăm người đến tiễn đưa Bà. Mọi người đều đồng ngợi khen là chuyện hiếm có trên thế gian. Bấy giờ Thị Nữ đúng bốn mươi tuổi. (Trích Khoán Viên Tân Chí).
21. Triều nhà Thanh, Viên Giản Trai từng thuật lại câu chuyện như sau: Bà nội của Tôi là Sài Thái Phu Nhân ngày còn sống thường hay kể cho tôi nghe chuyện về bà ngoại của Bà là Dương Thị, dù tuổi đã già nhưng không có một đứa con bên cạnh vì tất cả đều đã chết, nên ở với một đứa cháu gái bà con xa tên là Hồng Phu Nhơn. Đến năm chín mươi bảy tuổi thì Dương Thị thệ thế. Lúc sanh tiền, Bà thường sống trên lầu cao, trong đó có thờ Thánh Tượng Quán Âm Bồ Tát, hằng ngày lễ bái xưng niệm cúng dường rất chí thành và tụng kinh niệm Phật không hề biến trễ. Trải qua thời gian ba mươi năm không một lần bước chân xuống lầu, tánh tình Bà nhu hòa, hiền thiện. Trước khi thệ thế, Bà bảo đem bồn đến để rửa chân. Khi người hầu đem thùng gỗ vẫn dùng thường ngày đến cho Bà thì Bà bảo: “Không được! Vì lần này Ta đi sẽ đạp trên liên hoa, con mau mang thao bằng đồng rửa mặt đến đây cho Ta dùng”. Rửa chân xong thì mùi hương chiên đàn ngào ngạt xông khắp cả tầng lầu, Bà kiết già đoan tọa và thệ thế. Diệu hương ấy trải qua ba ngày đêm mới tan hết. (Trích Tân Tế Hải).
22. Lưu Sùng Khánh là người thường trì chú Chuẩn đề trong Tịnh thất của Ông tu hành, do đó Ông thường thấy bạch hào quang phóng vào Tịnh thất, và thấy thân tướng của Đức Đại Chuẩn đề hiện đến. Lúc sắp thệ thế, thân Ông không bệnh khổ, tâm thần minh mẫn, lại thấy Quán Thế Âm Bồ Tát đưa ra một vật giống như mãn nguyệt, biểu thị ý tiếp dẫn. Sùng Khánh thành kính tụng Chú Đại bi ba biến vừa xong thì an nhiên thệ thế. (Trích Quảng Tín Phủ Chí).
23. Triều nhà Thanh, có Ni sư Phật Kỳ, lập nguyện tạc tượng Tây phương Tam thánh bằng gỗ chiên đàn, với bệ cao 8m. Hàng năm, Ni sư đều kiết tập lập hội niệm Phật, đốc xuất ni chúng và các Phật tử tại gia tham dự vào hội niệm Phật rất đông. Trước khi thệ thế ba ngày, Ni sư thấy Quán Âm Bồ tát hiện thân có hai đồng tử hầu hai bên tả hữu. Lúc ấy, có người nói ngửi được mùi thơm hoa cúc nhưng Ni sư Phật Kỳ nói không phải, đây là mùi thơm của thanh liên hoa, dứt lời thì Ni sư vui vẻ niệm Phật mà viên tịch. (Trích Tịnh Độ Thánh Hiền lục).
24. Triều nhà Thanh, có một nữ Phật tử là người họ Hàng, pháp danh là Thiện Ích, chuyên thực hành Đại bi sám pháp và lễ Kinh Hoa Nghiêm hai bộ. Lúc tuổi già, Bà chuyên trì tụng Chú Đại Bi và niệm Thánh hiệu A Di Đà, cầu nguyện vãng sanh Tây phương. Một ngày nọ, Bà bị bệnh nhẹ thì thấy Quán Âm Đại Sĩ hiện thân. Bà bảo đứa con gái rằng: “Phật phóng quang minh khắp trong nhà con có thấy không?” Cô con gái đáp rằng: “Dạ, Con không thấy.” Bà lại dặn dò: “Con ở lại cố gắng noi theo gương Mẹ, chuyên cần tu tập và chuyên tâm niệm Phật cầu về Tây phương. Thôi Mẹ đi đây!” (Trích Tịnh Độ Thánh Hiền Lục).
25. Triều nhà Thanh có bà lão họ Nghê, pháp danh là Hiếu Chơn là người ăn chay niệm Phật đã nhiều năm. Nhà của Bà nghèo, chật hẹp nên không có nơi thờ Phật nhưng ở một nhà trong thôn có thờ Thánh tượng Quán Âm nên mai chiều Bà đều đến nơi ấy, xin cho được đảnh lễ Bồ tát và chí thành xưng niệm Thánh hiệu Bồ Tát. Thời gian sau, Bà thường mộng thấy Thánh tượng Bồ tát mà mình chiêm bái lễ tụng hàng ngày. Đến lúc già, Bà bị bệnh nhẹ rồi gọi đứa con trai đến nói rằng: “Mẹ thấy Bồ tát đến gọi Mẹ, bảo đi, vậy là thời điểm vãng sanh của Mẹ đã đến. Con ở lại mạnh khỏe, gắng siêng niệm Phật.” Đứa con thưa: “Thưa Mẹ! Nếu Bồ tát đã giáng lâm, con xin đi chợ mua ít trái cây để cúng dường Ngài và Mẹ.” Bà liền nói: “Con có ý ấy cũng tốt nhưng Mẹ sợ là không kịp.” Đứa con nói xong, liền vội vã chạy đi mua trái cây nhưng khi về đến nơi thì Bà đã kiết già tạ thế. (Trích Tịnh Độ Thánh Hiền lục)