Ngài dòng Bà-la-môn, sanh tại nước Nguyệt Chi, cha hiệu Thiên Thắng, mẹ là Kim Quang. Thiên Thắng đã lớn tuổi mà không con. Một hôm, ông đến trước Kim tràng thờ bảy đức Phật dâng hương lễ bái cầu con. Sau đó, bà Kim Quang nằm mộng thấy một vị thần đứng trên ngọn núi Tu-di, tay cầm vòng ngọc, nói với bà: “Ta lại đây.” Khi thức giấc, bà biết có thai.
Khi Ngài được 7 tuổi, đi chơi trong xóm, thấy một ngôi miếu thờ thần, dân gian hằng ngày giết các súc vật đến dâng cúng. Ngài đi thẳng vào miếu quở:
– Khéo bày đặt sự họa phước mà lừa gạt dân chúng, hằng năm làm hao phí của nhân dân, tổn hại sinh mạng loài vật quá nhiều!
Ngài quở xong, ngôi miếu bị sụp đổ. Dân chúng trong làng gọi Ngài là ông Thánh con.
Hai mươi tuổi, Ngài xuất gia tu theo Phật giáo. Ngài ở ẩn trong đám rừng xanh ngót 9 năm, chỉ làm bạn với bầy hạc và chuyên tụng kinh Đại Bát Nhã. Năm 30 tuổi, Ngài gặp Tổ Ma-noa-la và được truyền tâm ấn.
Ngài dẫn chúng du hóa miền Trung Ấn. Vua xứ này tên Vô Úy Hải, rất sùng mộ Phật giáo, nên thỉnh Ngài vào cung thuyết pháp. Vua nghe Ngài thuyết pháp rất hoan hỷ.
Ngài có đệ tử ưu tú nhất là Long Tử. Long Tử rất thông minh mà mạng yểu. Long Tử mất, cha mẹ và anh là Sư Tử đến làm lễ hỏa táng, song dời quan tài không được. Sư Tử lấy làm lạ hỏi Ngài:
– Toàn chúng tận lực giở lên, tại sao không nổi?
Ngài đáp: – Lỗi tại nơi ngươi vậy.
Sư Tử hỏi: – Tôi có lỗi gì? Xin Tôn giả nói cho tôi biết?
Ngài bảo:
– Ngươi xưa theo Bà-la-môn, em ngươi đi xuất gia, hai bên xa cách. Em ngươi hai năm ngày đêm nhớ thương, muốn làm phước giúp cho ngươi, bảo thầy ngươi đắp một tượng Phật, đã lâu mà chưa hoàn bị. Ngươi vì ghét nên đem tượng Phật ném xuống đất. Bây giờ, ngươi đi về thỉnh tượng Phật để trên bàn lại, thì quan tài sẽ dời được.
Sư Tử làm y như Ngài dạy, quả nhiên quan tài dời đi dễ dàng.
Kế đến, thầy của Sư Tử tịch. Ông cảm thấy buồn bã, nghiệm lại lời Ngài nói, bèn đến xin xuất gia làm đệ tử Ngài.
Sư Tử hỏi Ngài:
– Bạch thầy! Con muốn dụng tâm cầu đạo, phải dụng tâm nào?
Ngài đáp: – Không có chỗ dụng tâm.
– Đã không dụng tâm làm sao làm Phật sự?
– Ngươi nếu có dụng thì chẳng phải công đức. Nếu ngươi không làm tức là Phật sự. Cho nên kinh nói: “Ta ra làm công đức mà không có cái ta làm.”
Sư Tử nghe nói liền phát sanh trí huệ Phật.
Ngài chỉ hướng Đông Bắc hỏi Sư Tử:
– Ngươi thấy gì chăng?
Sư Tử thưa: – Con thấy.
– Ngươi thấy cái gì?
– Con thấy hơi trắng xông lên giống như cái mống bao khắp trời đất, lại có hơi đen năm lằn xẹt như cây thang lên trời Đao-lợi.
– Ngươi thấy hơi ấy, có biết ứng điềm gì chăng?
– Con không biết ứng điềm gì, xin thầy dạy cho.
– Năm mươi năm sau khi ta diệt độ, tai nạn sẽ phát khởi ở Bắc Ấn, ngươi nên biết đó.
Sư Tử thưa:
– Con muốn du phương, thỉnh thầy chỉ dạy.
Ngài bảo:
– Nay ta đã già, giờ Niết-bàn sắp đến, Đại pháp nhãn tạng của Như Lai giao lại cho ngươi, ngươi đến nước khác. Song nước ấy có tai nạn mà liên hệ đến thân ngươi. Ngươi phải dè dặt, truyền trao sớm, chớ để đoạn mất. Nghe ta nói kệ:
Nhận đắc tâm tánh thời,
Khả thuyết bất tư nghì.
Liễu liễu vô khả đắc,
Đắc thời bất thuyết tri.
Dịch:
Khi nhận được tâm tánh,
Mới nói chẳng nghĩ bàn.
Rõ ràng không chỗ được,
Khi được không nói biết.
Truyền pháp xong, Ngài phi thân lên hư không làm mười tám pháp thần biến, rồi trở lại chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |