Thượng Sĩ là ngọn đèn của Phật Hoàng, lấy tâm truyền tâm.
Đức Phật bỏ ngôi vị vương giả, đến ngồi dưới cội bồ-đề thành Chánh giác, diễn nói thừa Vô thượng, độ vô lượng chúng sanh, làm thầy trời người, người xưa thật được khai ngộ.
Thượng Sĩ làm Bồ-tát tại gia, chấn hưng gia phong của Phật, đề khởi câu nói, dẫn dắt người hậu học, được ánh sáng siêu việt, Phật Hoàng thật được thành tựu chỗ này. Noi theo Phật Thích-ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Đẳng chánh giác, Phật Hoàng lấy đây ghi thành quyển Lục. Bác Lăng Vương hỏi Thiền sư Dung đến chỗ cứu kính, Thượng Sĩ lấy đó làm chỗ tựa.
Bởi vì tâm Phật Hoàng khởi từ cảnh giới Phật Tổ; lời của Thượng Sĩ cùng tột nguồn tâm tánh. Song Thượng Sĩ không thể làm thành đại báo cho Phật Hoàng, Phật Hoàng cũng không thể lên được chỗ uẩn tích của Thượng Sĩ, mà hay khiến người tối được sáng, kẻ điếc được nghe. Đây là sự trợ lực lớn lao cho Phật giáo vậy.
Một hôm Phật Hoàng sai người mang quyển Lục này đến, bảo rằng: “Duy trì Phật pháp là nhiệm vụ của Quốc vương Đại thần, hãy viết riêng lời tựa và khắc bản in, để cho sự truyền bá được sáng tỏ.” Nay Thượng hoàng đế (Trần Anh Tông) sai thần Trần Khắc Chung làm lời bạt ở sau, tức là noi theo vầng ngân hán chói lọi ở trước. Thần Trần Khắc Chung bái nhận quyển Lục này, thắp hương kính đọc. Mới đầu như say, kế đó như tỉnh, rốt sau tâm mắt sáng rỡ, không tự biết vì sao mà được vậy.
Thần kính cẩn đặt bút viết lời bạt.
TRẦN KHẮC CHUNG