Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Dưỡng Chân



DƯỠNG CHÂN

Thân hình suy yếu kể đủ chăng?
Hạc lão tránh gà việc chẳng can.
Ngàn xanh muôn tía lầm hương quốc
Góc biển chân trời để dưỡng chân.

Giảng:

Thân hình suy yếu kể đủ chăng?

Thân này tới tuổi già, mặt nhăn, má cóp, gối mỏi, lưng còng, mắt mờ, tai điếc… cái suy yếu của thân này kể không hết. Già rồi đủ thứ bệnh tật hiện ra, nên nói suy yếu kể không đủ.

Hạc lão tránh gà việc chẳng can.

Câu này trích trong sách Nho, từ thành ngữ “Hạc lập kê quần” tức là chim hạc đứng giữa đàn gà; chim hạc ví cho người cao thượng quân tử, gà ví cho kẻ thường tình tiểu nhân. Chim hạc trước được loài gà quí trọng nể sợ, giờ đây hạc đã già, thời đã hết, nên phải tránh bầy gà, không dám đứng giữa bầy gà nữa. Xưa, khi còn trẻ khỏe, hạc uy nghi đứng giữa bầy gà, không có gà nào dám chọi, bây giờ hạc già yếu thế rồi, phải tránh bầy gà không dám gần. Cũng vậy, người quân tử khi già yếu thất thế rồi, phải tránh những kẻ tiểu nhân vì không ở gần họ được. Thượng Sĩ lấy ý “hạc lão tránh gà việc chẳng can” ngầm nói Ngài già yếu ở một chỗ để ẩn tu, chớ không giống như quan niệm của nhà Nho, người quân tử khi già thất thế phải tránh kẻ tiểu nhân. Hai câu này nói, khi thân hình già yếu suy kém thì có đủ thứ bệnh tật, vì vậy muốn tránh mọi người để tìm chỗ an dưỡng tâm thần, chớ không giống như thái độ nhà Nho là người quân tử khi thất thế, phải tránh kẻ tiểu nhân.

Ngàn xanh muôn tía lầm hương quốc
Góc biển chân trời để dưỡng chân.

Ngàn xanh muôn tía là bao nhiêu thứ màu sắc xanh, tía, đỏ, vàng… làm lòa mắt người đời, khiến cho người đời quên mất quê hương đất nước. Nhà Thiền thường dùng chữ quê hương cũ để chỉ cho Tâm thể chân thật có sẵn nơi mỗi người. Quê hương cũ thì muôn đời không đổi thay, mới là cái chân thật của người tu. Mắt đối diện với muôn ngàn màu sắc, phân biệt đẹp xấu, khởi lòng ưa thích chọn lựa thì đâu còn nhớ đến quê hương nữa. Thượng Sĩ dùng chữ ngàn xanh muôn tía để nói lên ý: người nào bị màu sắc chi phối cuốn lôi thì không còn nhớ đến cố hương, tức là không thể nào nhận ra Tâm thể chân thật của mình. Vì vậy mà phải “góc biển chân trời để dưỡng chân”. Muốn nuôi dưỡng Tâm thể chân thật của mình, phải vào rừng lên núi ra đảo, để tránh bớt duyên mà lo tu hành. Ở đây quí vị vào Thiền viện, tôi giới hạn tối đa việc tiếp khách và đi lại là để cho quí vị dưỡng chân. Cả ngày chỉ nhìn đồi thông và nhìn hồ nước Tuyền Lâm là cảnh thiên nhiên cho tâm hồn nhẹ nhàng dễ nhớ cố hương.

Bài Dưỡng Chân hàm súc ý nghĩa thật hay. Theo Thượng Sĩ thì bây giờ Ngài già yếu rồi, phải tránh mọi người để an dưỡng tinh thần; tránh không phải vì sợ người ta khinh khi hiếp đáp, mà tránh vì muốn nhớ lại cố hương của mình chớ không có gì lạ. Bởi vì ở giữa thành thị có bao nhiêu thứ che lấp làm mờ mắt, khó nhớ lại cố hương, nên phải tìm chỗ thanh vắng, tránh người tránh cảnh mà lo dưỡng chân. Dưỡng chân là không để trần cảnh che lấp làm mờ Tâm thể chân thật, mà luôn an tịnh để cho Tâm thể chân thật hiển lộ tròn sáng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.