Thiền Sư Trung Hoa

Đời Thứ Mười Hai Sau Lục Tổ



∗ THIỀN SƯ ĐẠO GIAI ở Phù Dung (1043-1118)

Sư họ Thôi quê ở Nghi Thủy Nghi Châu, tánh tình cứng cỏi cang trực, tự lúc thiếu thời đã học đạo nhịn cơm, vào ẩn trong núi Y Dương. Sau, Sư dạo kinh đô nương nơi chùa Thuật Đài và ở đây học tập kinh điển, thọ giới cụ túc.

*

Đi du phương, Sư đến yết kiến Thiền sư Nghĩa Thanh ở chùa Hoa Nghiêm núi Đầu Tử.

Sư hỏi:

– Ngôn giáo của Phật Tổ như việc cơm nước thường ngày trong nhà, lìa rời việc này riêng có chỗ vì người hay chăng?

Đầu Tử đáp:

– Ngươi nói sắc lệnh của Thiên tử trong cõi này, lại nhờ vua Võ, vua Thang, Nghiêu, Thuấn hay chăng?

Sư suy nghĩ để đáp lại. Đầu Tử lấy phất tử bịt miệng Sư, nói:- Ngươi phát ý ra đã đáng ăn ba mươi gậy rồi.

Ngay câu nói này, Sư tỉnh ngộ, đảnh lễ, liền ra đi. Đầu Tử gọi: Xà-lê! Hãy lại đây.

Sư chẳng ngó lại. Đầu Tử nói: Ngươi đến chỗ chẳng nghi chăng?

Sư liền bịt tai.

*

Sau, Sư coi việc nhà trù. Đầu Tử hỏi: Việc trong nhà trù không phải là dễ.

Sư thưa: Chả dám.

Đầu Tử hỏi: Ngươi thổi cơm ư? Nấu cháo ư?

Sư thưa: Nhân công đãi gạo nhúm lửa, trị nhật nấu cháo thổi cơm.

Đầu Tử hỏi: Còn ngươi làm gì?

Sư thưa: Nhờ ơn Hòa thượng từ bi cho con rảnh rang.

*

Một hôm, Sư theo hầu Đầu Tử đi dạo vườn trà. Đầu Tử trao cây gậy cho Sư, Sư nhận lấy liền đi theo sau Đầu Tử. Đầu Tử bảo: Lý nên thế ấy.

Sư thưa: Cùng Hòa thượng xách giày cầm gậy, cũng chẳng phải việc phần ngoài.

Đầu Tử bảo: Vẫn có người đồng hành.

Sư thưa: Đây là một người không nhận dạy.

Đầu Tử thôi hỏi.

Đến chiều, Đầu Tử bảo: Sớm mai nói thoại chưa hết.

Sư thưa: Thỉnh Hòa thượng nói tiếp.

Đầu Tử nói: Mẹo sanh nhật, tuất sanh nguyệt.

Sư liền đốt đèn đem đến, Đầu Tử nói: Ngươi đi lên đi xuống đều không luống công.

Sư thưa: Ở bên cạnh Hòa thượng lý phải như thế.

Đầu Tử nói: Kẻ tôi đòi trong nhà nào mà không có.

Sư thưa: Hòa thượng tuổi cao thiếu nó không được.

Đầu Tử hỏi: Ân cần cái gì?

Sư thưa: Có phần đền ân.

*

Niên hiệu Nguyên Phong năm thứ năm (1082), Sư trở về Nghi Châu ở núi Mã An bắt đầu truyền bá đạo pháp. Ban đầu, Sư ở Tiên Động, sau dời đến chùa Long Môn. Sư lại sang trụ núi Đại Dương thuộc Dĩnh Châu và Đại Hồng ở Tùy Châu, đều do sự cung thỉnh của mọi người. Tông Tào Động được thạnh hành miền Tây Bắc.

*

Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ ba (1104) có chiếu mời Sư trụ tại Thiền viện Thập Phương Tịnh Nhơn ở Đông Kinh. Đến niên hiệu Đại Quan năm đầu (1107), vua sai Trung sứ áp đặt Sư trụ trì ở Thiên Ninh không được từ chối.

Lý Hiếu Thọ làm sớ tâu lên vua Tống Huy Tông đại lược rằng: “Đạo Giai đức hạnh vượt cả tùng lâm, đáng được khen thưởng…” Vua liền ban tử y tăng-già-lê và hiệu Định Chiếu Thiền sư.

Sư thắp hương tạ ơn xong, lại dâng biểu rằng: “Cúi mong thánh thượng từ ân chú tâm làm sáng rỡ điều lành, nêu cao đức tốt. Ban cho thần Định Chiếu Thiền sư và một lá tử y. Thần cảm đội ân sâu, rồi liền đó thắp hương lên tòa chúc nguyện thánh thọ. Mong Bệ hạ nghĩ đến hạnh nghiệp thô sơ, đạo lực kém mỏng của thần, thường phát nguyện chẳng thọ danh lợi, cố giữ ý này đã được nhiều năm. Như thế, ngõ hầu truyền đạo đời sau khiến người chuyên ý vào Phật pháp. Nay tuy nhờ đặc ân của Bệ hạ, nếu toại tánh hèn thì tự trái với lời nguyện lành của thần, lấy gì để dạy người. Đâu dám ngửa khen Bệ hạ để có ý sai thần trụ trì. Những y vật Bệ hạ ban cho thần không dám thọ nhận.

Cúi mong thánh thượng từ ân xét thấu nỗi lòng của thần, không dám dùng lời trau chuốt, đặc biệt ban cho theo lòng thành thật của thần, thần nguyện suốt đời hành đạo để đền đáp thiên ân.”

Vua Tống Huy Tông xem xong, giao cho Lý Hiếu Thọ đích thân đi đến khuyên đừng trái ý tốt của triều đình.

Lý Hiếu Thọ đến khuyên dụ lắm lời, Sư vẫn quyết định từ chối. Lý Hiếu Thọ tâu hết lên nhà vua. Nhà vua nổi giận ra lệnh bắt giao cho quan Hữu ty (tra khảo).

Quan Hữu ty biết Sư trung thành mà trái ý vua nên hỏi: Trưỡng lão thân gầy ốm vậy có bệnh chăng?

Sư đáp: Bình nhật cũng có bệnh, hiện nay thì không bệnh.

Hữu-ty lại nói: Nếu nói có bệnh thì đối với pháp luật khỏi hình phạt.

Sư bảo: Đâu dám dối trá nói bệnh để mong khỏi tội ư!

Hữu ty ngậm ngùi!

Sư điềm nhiên thọ hình phạt. Sau đó, Sư bị đày mặc áo kẻ phục dịch ra ở Tri Châu. Kẻ tăng người tục trông thấy Sư đều rơi nước mắt! Riêng Sư khí sắc vẫn nhàn hạ.

*

Đến Tri Châu, Sư thuê nhà ở. Những học giả nghe tiếng tìm đến gần gũi.

Mùa Đông năm sau, nhà vua ban sắc phóng thích.

Sư tự tiện cất am nơi hồ Phù Dung, có mấy trăm Tăng chúng vây quanh hằng ngày. Ở đây mỗi ngày chỉ ăn một chén cháo, những người chịu không nổi từ từ đi bớt. Số Tăng còn thường trực không dưới một trăm.

Sư dạy chúng:- Phàm người xuất gia vì chán trần lao cầu thoát sanh tử, thôi tâm dứt niệm cắt vin theo, gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong con mắt. Vì từ vô thủy đến giờ, những cái ấy đâu phải chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến? Hiện nay chẳng dứt còn đợi chừng nào? Thời nay dứt sạch lại còn việc gì? Nếu được trong tâm vô sự, thì Phật Tổ vẫn là oan gia, tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt, mới là phù hợp bên này.

Các ngươi đâu chẳng thấy, Ẩn Sơn đến chết chẳng chịu tiếp người. Triệu Châu đến chết chẳng biên thơ cho đàn việt, thà lượm trái giẻ trái lật mà ăn. Đại Mai lấy lá sen làm áo. Chỉ Y Đạo Giả mặc y phục bằng giấy. Thượng tọa Huyền Thái chỉ mặc bằng bố. Thạch Sương nơi nhà Cây khô (chúng tọa thiền yên lặng như cây khô) cùng người ngồi nằm, chỉ cần chết hẳn tâm của các ngươi. Đầu Tử sai người nấu cơm lẫn khoai rồi đồng ăn, cốt được tỉnh việc của các ngươi.

Các bậc thánh từ trước có những gương cao đẹp như thế, nếu không có chỗ đặc biệt làm sao chịu nổi.

Chư nhân giả! Nếu hay nơi đây thể cứu thì chẳng thiếu thốn điều gì, bằng chẳng chịu thừa đương về sau e phải phí nhiều khí lực.

*

Sư dạy chúng:

– Ngày nay Sơn tăng đối với các vị nói về gia môn đã là chẳng tiện. Đâu thể lại đăng đường, nhập thất, niêm chùy, dựng phất, nhướng mày, chớp mắt, đông gậy, tây hét in tuồng bệnh động kinh phát hiện. Đâu chẳng thấy Tổ Đạt-ma sang ngồi xây mặt vào vách chín năm dưới núi Thiếu Thất. Nhị Tổ đến đứng ngoài tuyết đến chặt cánh tay, có thể nói chịu tột sự gian khổ. Nhưng Tổ Đạt-ma chưa từng nói một lời. Nhị Tổ chưa từng hỏi một câu. Thế là, nói Tổ Đạt-ma chẳng vì người được chăng? Nhị Tổ chẳng cầu thầy được chăng?

*

Sư có làm năm bài kệ, thuật môn phong của mình.

Bài thứ nhất tên: Nói khéo không chạm lưỡi

Sát sát trần trần xứ xứ đàm

Bất tham thiền xứ Thiện Tài tham

Không sanh đã giải thông tiêu tức

Hoa vũ nham tiền điểu bất hàm.

Bài thứ hai: Rắn chết sợ trong bụi chui ra

Nhật chích phong suy thảo lý mai

Xúc tha độc khí hựu hoàn oai

Ảm địa nhược giao khai tử khẩu

Trường An y cựu tuyệt nhân lai.

Bài thứ ba: Giỏi châm xương khô ngâm

Tử trung hoạt đắc thị phi thường

Minh dụng tha gia biệt hữu trường

Bán dạ độc lâu ngâm nhất khúc

Băng hà hồng diệm khước thanh lương.

Bài thứ tư: Cưa sắt và tam đài

Bất thị cung thương điều

Thùy nhân hòa nhất trường

Bá Nha hà sở thố

Thử khúc cựu lai trường.

Bài thứ năm: Xưa nay không cách hở

Nhất pháp nguyên vạn pháp không

Cá trung na hứa ngộ viên thông

Tương vị Thiếu Lâm tiêu tức đoạn

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Dịch:

Cõi cõi nơi nơi chốn chốn bàn

Thiện Tài tham lấy chỗ không tham

Không Sanh đã hiểu rành tin tức

(Không Sanh là ông Tu-bồ-đề

hay Thiện Hiện là người hiểu lý không bậc nhất.)

Ngọn núi mưa hoa chim lặng câm.

*

Gió táp nắng phơi cỏ ẩn mình

Chạm người khí độc lại sai chinh

Thẳm sâu nếu khiến khai tử khẩu

Trường An như trước bặt người sang.

*

Trong chết được sống việc phi thường

Phải nhận là y có sở trường

Xương sọ giữa đêm ngâm một bản

Sông băng lửa dậy lại thanh lương.

*

Chẳng phải đàn sáo hòa

Ai người ca một bài

Bá Nha đâu thi thố

Bản này xưa nay hay.

*

Một pháp nguyên không muôn pháp không

Trong đây ai nhận ngộ viên thông

Sẽ bảo Thiếu Lâm tin tức bặt

Hoa đào vẫn lại cười gió đông.

*

Niên hiệu Chánh Hòa năm thứ tám (1118) ngày mười bốn tháng năm, Sư đòi viết mực viết một bài kệ:

Ngô niên thất thập lục

Thế duyên kim dĩ túc

Sanh bất ái thiên đường

Tử bất phạ địa ngục

Tán thủ hoành thân tam giới ngoại

Đằng đằng nhậm vận hà câu thúc.

Dịch:

Ta tuổi bảy mươi sáu

Duyên đời nay đã đủ

Sanh chẳng thích thiên đường

Chết chẳng sợ địa ngục

Buông tay đi ngang ngoài tam giới

Mặc tình vươn bổng nào buộc ràng.

Sau đó, liền tịch, Sư thọ bảy mươi sáu tuổi.

∗ THIỀN SƯ BÁO ÂN ở Núi Đại Hồng

Sư họ Lưu, ông cha là dòng Nho, chưa được hai mươi tuổi, Sư đã được các nơi đề cử ra làm quan. Sau, Sư chán cảnh trần tục đệ đơn lên triều đình xin xuất gia. Vua Tống chấp nhận theo sở nguyện.

Sư dạo qua các thiền hội, đến núi Đầu Tử ra mắt Thiền sư Nghĩa Thanh.

Ở lại đây chưa bao lâu, Sư ngộ được tâm yếu. Nghĩa Thanh nói với Sư: Ngươi là người tái sanh, phải tự gìn giữ.

*

Từ giã Nghĩa Thanh, Sư đi yết kiến các bậc cao đức để được ấn khả.

Thừa tướng Hàn Công Chơn thỉnh Sư khai pháp ở chùa Thiếu Lâm tại Tây Kinh.

Sư thượng đường:

– Những lời như đây hội được ai là tri âm? Dù cho nhằm trong một câu liền ngàn mắt chợt mở, chín chắn có mấy người mê gặp Đạt-ma. Các ông cần biết Tổ sư Đạt-ma chăng?

Sư liền đưa tay làm thế nắm, nói: Lỗ mũi của Đạt-ma ở trong tay của Thiếu Lâm (chỉ Sư). Nếu buông ra đi thì, từ kinh thuyết cõi này Tây Thiên nói vàng nói đen dối Hồ lừa Hán. Nếu chẳng buông ra thì, chẳng tiêu một cái nắm. Có người nào cần Tổ sư làm chủ mời ra cùng Thiếu Lâm thấy nhau, lại có chăng?

Sư im lặng giây lâu, nói: Quả nhiên.

*

Không bao lâu, nơi chùa Đại Hồng chỗ chuyên về Luật tông thay đổi thành Thiền viện thỉnh Sư trụ trì.

Sư thượng đường đưa cây gậy lên, nói:

– Xem! Xem! Quả đất tuyết lênh láng, xuân đến khắp nơi lạnh. Linh Phong cùng Thiếu Thất, chia phân chẳng tương cang. Thôi luận Phật ý Tổ ý, chớ bàn đầu câu mối lời. Trâu sắt không dấu vết, trăng sáng hoa lan anh tự xem.

Sư đưa gậy lên bước xuống tòa.

*

Sư cùng cư sĩ Trương Vô Tận làm bạn trong đạo pháp. Cư sĩ thường biên thơ hỏi nhiều vấn đề Phật pháp và cả vấn đề đại yếu tam giáo. Sư tùy chỗ giải thích rất rành rẽ.

Không biết Sư qui tịch lúc nào và bao nhiêu tuổi.

∗ THIỀN SƯ HUỆ NAM ở Hoàng Long khai Tổ hệ phái Hoàng Long (1002-1069)

(Phái Hoàng Long là một chi nhánh trong tông Lâm Tế. Tông Lâm Tế đến đây chia hai phái Hoàng Long và Dương Kỳ.)

Sư họ Chương tên Huệ Nam ở Ngọc Sơn Tín Châu. Thuở bé đã có vẻ thâm trầm hiện tướng đại nhân, chẳng ăn cá thịt, không ưa hát xướng. Năm mười một tuổi, Sư theo thầy Trí Loan ở viện Định Thủy xuất gia. Đến mười chín tuổi Sư thọ giới cụ túc. Đi du phương, Sư đến chùa Qui Tông ở Lô Sơn yết kiến Thiền sư Tự Bảo. Mỗi khi họp chúng, chúng đều ngồi chỉ riêng Sư đứng dựa ghế, Tự Bảo thường nhìn Sư. Từ đây về sau, Sư ngồi thì tréo kiết già, đi thì nhìn thẳng đến trước.

*

Sư đến Thê Hiền nương nơi Thiền sư Thị. Thê Hiền dạy chúng rất có qui củ, Sư ở đây ba năm làm người mô phạm trong chúng.

Từ tạ Thê Hiền, Sư sang sông Hoài đến nương Thiền sư Hoài Trừng ở Tam Giác. Hoài Trừng trông thấy Sư liền chấp nhận cho ở.

Sau, Hoài Trừng dời trụ ở Phần Đàm. Sư cũng đồng theo. Hoài Trừng chia Sư một phần nhiệm vụ trong việc tiếp độ chúng tăng. Thiền sư Văn Duyệt thấy thế, mỗi khi đến Phần Đàm trở về, than: Huệ Nam là món đồ hữu ích cho đạo, rất tiếc chưa gặp được thầy đào luyện.

Nhân dịp Sư và Văn Duyệt cùng đi Tây Sơn, ban đêm nghỉ lại, hai người đàm đạo. Văn Duyệt nói: Thiền sư Hoài Trừng tuy là con cháu Vân Môn, nhưng pháp đạo còn khác xa Vân Môn.

Sư hỏi: Khác ở chỗ nào?

Văn Duyệt đáp: Vân Môn như đơn sa đã chín phen luyện, để vào sắt liền biến thành vàng; Hoài Trừng như được hống ngân nhìn thấy đẹp mắt, mà để vào lò liền chảy.

Sư nổi giận cầm chiếc gối ném Văn Duyệt. Sáng ra Văn Duyệt xin lỗi lại nói: Chí khí Vân Môn như vua, cam chịu tử ngữ sao? Hoài Trừng có pháp dạy người là tử ngữ. Tử ngữ mà hay làm người sống được sao?

Nói xong Văn Duyệt liền bỏ đi. Sư kéo lại nói: Nếu vậy thì ai có thể hợp ý Thầy?

Văn Duyệt bảo: Thạch Sương Sở Viên thủ đoạn vượt cả mọi nơi, Thầy muốn yết kiến thì không nên chậm trễ.

Sư thầm nghĩ: Đây là việc lớn của người hành khước vậy, Văn Duyệt là đồ đệ Thúy Nham, mà dạy ta đến yết kiến Thạch Sương thì có liên hệ gì đến ông đâu?

Sư liền sửa soạn khăn gói sáng hôm sau lên đường. Đi đến nửa đường, Sư nghe Từ Minh mỗi việc đều lừa đảo Thiền sinh, liền thối chí không đi, không đi ở lại làng Bình nhiều ngày. Kế, Sư lên Hoành Nhạc đến chùa Phước Nghiêm yết kiến Thiền sư Hiền, Thiền sư Hiền cử Sư làm thơ ký. Chợt Thiền sư Hiền tịch, quận thú mời Từ Minh đến trụ trì. Được tin này, Sư rất hoan hỉ có cơ hội để nghiệm xét lời Văn Duyệt nói.

Từ Minh đến, Sư trông thấy thân tâm đều cung kính. Nghe Từ Minh luận nói phần nhiều chê các nơi mỗi điều đều thuộc tà giải. Chính chỗ Sư được mật chỉ nơi Phần Đàm cũng bị bác bỏ. Sư nhớ lại lời nói của Văn Duyệt lúc bình nhật rất đúng. Sư liền thay đổi quan niệm nói: Đại trượng phu trong thâm tâm cứ nghi ngại hoài sao?

Sư liền vào thất Từ Minh, thưa:

– Huệ Nam do tối dốt trông đạo mà chưa thấy, giờ tham thiền khi hôm, nghe Thầy dạy như người đi lạc đường được xe chỉ nam. Cúi xin Hòa thượng đại từ bố thí pháp khiến cho con dứt hết nghi ngờ?

Từ Minh cười bảo:

– Thơ ký đã lãnh đồ chúng và du phương nổi tiếng khắp tùng lâm, nếu còn có nghi ngờ chẳng cần khổ cầu như vậy, hãy ngồi mà thương lượng.

Từ Minh liền gọi thị giả đem cái ghế mời Sư ngồi. Sư vẫn từ chối và thành khẩn tha thiết cầu chỉ dạy.

Từ Minh bảo:

– Thơ ký học thiền Vân Môn ắt thông được yếu chỉ ấy. Như nói: “tha Động Sơn ba gậy”, Động Sơn khi ấy nên đánh hay chẳng nên đánh?

Sư thưa:- Nên đánh.

Từ Minh nghiêm nghị bảo:

– Nghe tiếng ba gậy liền cho là nên ăn gậy, vậy ông từ sáng đến chiều nghe chim kêu trống đánh tiếng chuông tiếng bảng… cũng nên ăn ba gậy. Ăn gậy đến lúc nào mới thôi.

Sư chỉ nhìn sững mà thôi.

Từ Minh lại bảo:

– Tôi lúc đầu nghi không thể làm thầy ông. Giờ đây đã đủ tư cách làm thầy ông. Ông hãy lễ bái đi.

Sư lễ bái xong, đứng dậy.

Từ Minh nhắc lời trước:

– Nếu ông hội được ý chỉ Vân Môn thì, Triệu Châu thường nói “bà già ở Đài Sơn bị ta khám phá”, thử chỉ ra chỗ khám phá xem?

Sư mặt nóng hực mồ hôi xuất hạn không biết đáp thế nào, bị Từ Minh đuổi ra.

*

Hôm sau, Sư lại vào thất, bị Từ Minh mắng chửi. Sư hổ thẹn, nhìn những người hai bên nói:

– Chính vì chưa hiểu cầu quyết nghi, mắng chửi đâu phải qui củ từ bi thí pháp!

Từ Minh cười nói:- Đó là mắng chửi sao?

Ngay câu này, Sư đại ngộ. Làm bài tụng rằng:

Kiệt xuất tùng lâm thị Triệu Châu

Lão bà khám xứ một lai do

Như kim tứ hải thanh như cảnh

Hành nhân mạc dĩ lộ vi thù.

Dịch:

Giỏi vượt tùng lâm là Triệu Châu

Lão bà nơi khám không mối manh

Hiện nay bốn biển như gương sáng

Bộ hành thôi chớ ghét con đường.

Từ Minh lấy tay chỉ ngay chữ MỘT nhìn Sư. Sư liền đổi chữ ấy thành chữ HỮU. Từ Minh gật đầu.

*

Sư dừng lại đây hơn một tháng, rồi từ tạ du phương. Năm ấy, Sư được ba mươi lăm tuổi. Đến Kim Loan, Sư gặp được Văn Duyệt. Thấy nhau, Sư cười nói: Tôi nếu chẳng nhờ Sư huynh và Cốc Tuyền thì đâu biết được Từ Minh.

*

Sau, Sư khai pháp ở Đồng An. Ngày đầu, Sư thượng đường:

– Biển trí không tánh, bởi cái giác vọng nên thành phàm. Cái giác vọng vốn rỗng, tức tâm phàm mà thấy Phật, liền vậy thôi đi. Nghĩa là Đồng An (Sư) không chia hợp, tùy chỗ muốn điên đảo của các ông. Nam đẩu bảy, Bắc đẩu tám.

*

Lúc Sư trụ trì tại Qui Tông, một đêm lửa cháy chùa, đại chúng đều kêu la dậy núi, mà Sư vẫn ngồi yên như bình thường. Tăng Hồng Chuẩn muốn dời Sư chạy, bị Sư quở. Chuẩn thưa: Dù Hòa thượng chán thế gian, song đạo pháp Từ Minh trông cậy vào chỗ nào?

Sư mới chịu sửa áo đứng dậy. Lúc ấy lửa đã cháy ào đến cháy nám da và rụi râu tóc của Sư. Quan địa phương dẫn dân chúng đến cứu lửa. Thấy Sư vẫn vui vẻ như thường, chỉ không ăn mà thôi. Đến hai tháng sau, râu tóc mới ra lại, da thịt mới lành.

*

Sư dời về Hoàng Bá cất am bên khe suối để tên là Tích Thủy. Tăng chúng nước Mân nước Việt nghe đạo phong của Sư đua nhau tìm đến.

Sư dạy chúng:- Thiền sư Vĩnh Gia nói:

Du giang hải, thiệp sơn xuyên

Tầm sư phỏng đạo vị tham thiền

Tự tùng nhân đắc Tào Khê lộ

Liễu tri sanh tử bất tương quan.

Dịch:

Dạo sông biển, dẫm núi khe

Tìm thầy học đạo gọi tham thiền

Từ ngày nhận được Tào Khê lộ

Biết rành sanh tử chẳng tương quan.

Chư Thượng tọa! Cái nào gọi là dạo núi sông? Cái nào gọi là tầm sư? Cái nào gọi là tham thiền? Cái nào gọi là hỏi đạo? Nhằm Hoài Nam, Lưỡng Chiếc, Lô Sơn, Nam Nhạc, Vân Môn, Lâm Tế, mà cầu thầy hỏi đạo; Động Sơn, Pháp Nhãn mà tham thiền, ấy là nhằm bên ngoài tìm cầu, gọi là ngoại đạo. Nếu lấy tánh Tỳ-lô làm biển trí Bát-nhã, tịch diệt làm thiền, gọi là cầu bên trong. Nếu cầu bên ngoài thì ngươi chạy mãi; nếu dừng lại cầu bên trong năm uẩn là ngươi bị trói mãi. Thế nên, Thiền chẳng phải trong ngoài, chẳng phải có không, chẳng phải thật hư. Đâu chẳng nghe nói: Thấy trong thấy ngoài đều lầm, Phật đạo ma đạo đều ác. Chợt vậy bỏ đi chừ trăng lặn núi tây, lại tìm danh sắc chừ nơi nào danh mạo?

*

Sư ở trong thất thường hỏi Tăng:

– Người người trọn có sanh duyên, Thượng tọa sanh duyên tại chỗ nào?

Chính lúc vấn đáp qua lại, Sư lại duỗi tay, nói:

– Tay tôi sao giống tay Phật?

Hỏi chỗ sở đắc của Tông sư các vị đến tham thỉnh, Sư liền duỗi chân nói:

– Chân tôi sao giống chân lừa?

Hơn ba mươi năm lấy ba câu này hỏi, học giả khó khế ngộ huyền chỉ.

Khắp các tùng lâm gọi là tam quan (ba cửa). Nếu có ai đáp thì, Sư không nói phải chẳng phải, vẫn khép mắt ngồi thẳng, không ai lường được ý ấy.

Phan Hưng Từ thường hỏi lý do ấy. Sư bảo:

– Đã ra khỏi cửa thì lay tay đi thẳng, chẳng cần biết có kẻ gác cửa. Từ người gác cửa hỏi phải chẳng phải, ấy là người chưa qua khỏi cửa vậy.

Sư tự làm tụng rằng:

Sanh duyên hữu ngữ nhân giai thức

Thủy mẫu hà tằng ly đắc hà

Đản kiến nhật đầu đông bạn thượng

Thùy năng cánh khiết Triệu Châu trà.

Dịch:

Sanh duyên có nói người đều biết

Thủy mẫu đâu từng lìa được tôm

Chỉ thấy vầng ô bờ đông tiến

Ai hay lại uống trà Triệu Châu.

*

Ngã thủ Phật thủ tịnh cử

Thiền nhân trực hạ tiến thủ

Bất động can qua đạo xuất

Đương xứ siêu Phật việt Tổ.

Dịch:

Tay ta tay Phật đồng nêu

Thẳng đó thiền nhân tiến lấy

Chẳng khua gươm giáo nói ra

Nơi đây siêu Phật vượt Tổ.

*

Ngã cước lô cước tịnh hành

Bộ bộ đạp trước vô sanh

Trực đãi vân khai nhật hiện

Phương tri thử đạo tung hoành.

Dịch:

Chân ta chân lừa đồng đi

Bước bước đạp đến vô sanh

Thẳng đợi mây tan nhật hiện

Mới biết đạo này tung hoành.

*

Tổng tụng:

Sanh duyên đoạn xứ thân lô cước

Lô cước thân thời Phật thủ khai

Vị báo ngũ hồ tham học giả

Tam quan nhất nhất thấu tương lai.

Dịch:

Chỗ dứt sanh duyên bày chân lừa

Chân lừa khi hiện tay Phật hiện

Vì bảo năm hồ khách tham tầm

Ba cửa nơi nơi suốt mai hậu.

*

Sư trụ Hoàng Long hoằng hóa rất thạnh dám so bì với Mã Tổ, Bá Trượng. Đến niên hiệu Hy Ninh năm thứ hai (1069) ngày mười bảy tháng ba, Sư ngồi kiết già thị tịch. Sư thọ sáu mươi tám tuổi, được năm mươi tuổi hạ.

Sư là khai Tổ của Hệ phái Hoàng Long, một chi nhánh trong tông Lâm Tế.

∗ THIỀN SƯ PHƯƠNG HỘI ở Dương Kỳ – Khai Tổ hệ phái Dương Kỳ (?-1054)

Sư họ Lãnh quê ở Nghi Xuân Viên Châu. Thuở nhỏ, Sư tánh tình nhậm lẹ nói năng vui vẻ và lý thú. Đến lớn Sư không theo nghiệp bút nghiên. Có dịp, Sư đến Cửu Phong chợt nhớ như chỗ đã từng ở, quyến luyến không thể bỏ đi. Sư liền xin cạo tóc xuất gia làm Tăng.

Sư xem kinh nghe pháp tâm mở sáng tinh thần lãnh hội.

Đi du phương, Sư đến yết kiến Thiền sư Từ Minh ở Nam Nguyên. Sư dừng lại đây phụ tá cho Từ Minh một cách siêng năng cần khổ. Từ Minh dời sang Thạch Sương Đạo Ngô, Sư cũng dời theo. Nơi đây Sư làm Giám tự. Tuy theo Từ Minh đã lâu mà Sư chưa tỉnh ngộ.

Mỗi khi đến thưa hỏi, Từ Minh bảo: Việc trong ty khố quá nhiều, hãy đi!

Hôm khác Sư đến hỏi, Từ Minh bảo: Giám tự ngày sau con cháu khắp thiên hạ, cần gì vội gấp.

Một hôm Từ Minh vừa đi ra chợt mưa đến, Sư rình ở con đường tắt. Từ Minh đến, Sư liền nắm đứng lại nói: Ông già này! Hôm nay phải vì tôi nói, nếu không nói tôi sẽ đánh ông.

Từ Minh nói: Giám tự biết là việc quanh co liền thôi.

Câu nói chưa dứt, Sư đại ngộ, liền đảnh lễ ngay dưới bùn.

Hôm sau, Sư đầy đủ oai nghi đến phương trượng lễ tạ. Từ Minh quở: Chưa phải.

*

Sau giờ thọ trai, Từ Minh thường lên núi đi kinh hành, có các Thiền giả đến tham vấn không biết đâu mà tìm. Sư biết Từ Minh đi chưa bao xa, liền đánh trống hợp chúng. Từ Minh giận rầy: Tiểu tùng lâm chiều mà đăng tòa, từ đâu được qui củ này?

Sư thưa: Phần Dương chiều vẫn tham vấn, sao lại chẳng phải qui củ?

*

Từ Minh thượng đường, Sư ra hỏi: “Khi chim núp kêu nẩm nẩm, mây từ vào núi loạn” là thế nào?

Từ Minh đáp: Ta đi trong cỏ hoang, ngươi lại vào thôn sâu.

Sư thưa: Quan chẳng nhận kim, lại mượn một câu hỏi.

Từ Minh liền hét. Sư thưa: Hét hay.

Từ Minh lại hét. Sư cũng hét. Từ Minh hét luôn hai tiếng. Sư lễ bái. Từ Minh nói: Việc này là cá nhân mới hay gánh vác.

Sư phủi áo ra đi.

*

Một hôm, Từ Minh hỏi: Mã Tổ thấy Nam Nhạc liền ngộ, hãy nói cái mê lui ở chỗ nào?

Sư thưa: Cần ngộ là dễ, cần mê là khó.

*

Từ Minh dời về Hưng Hóa, Sư từ tạ trở lại Cửu Phong. Tăng tục trong làng Bình Thật đồng thỉnh Sư trụ trì trên núi Dương Kỳ.

Sư dạy chúng:- Chẳng thấy một pháp là lỗi lầm lớn.

Sư đưa gậy lên nói:

– Phủng qua lỗ mũi ông già Thích-ca, làm sao nói được một câu thoát thân. Đến chỗ nước chẳng rửa nước, nói ra một câu đi!

Sư im lặng giây lâu nói:

– Đến đạo chớ đi đường dưới núi, hiện nghe vượn hú tiếng đoạn trường.

Sư lại nói:- Tất cả trí thông không chướng ngại.

Sư đưa gậy lên nói:- Cây gậy đến trước các ông trình thần thông đây.

Sư ném cây gậy, nói:

– Liền được càn khôn chấn động quả đất lung lay. Hội chăng? Đâu chẳng thấy nói “nhất thiết trí trí thanh tịnh”.

Sư vin tòa ngồi, nói:

– Ba mươi năm sau chớ bảo Dương Kỳ đầu rồng đuôi rắn.

*

Sư hỏi Tăng mới đến:- Mây dày đường hẹp xe to từ đâu đến?

Tăng thưa:- Trời không bốn vách.

– Đi rách bao nhiêu đôi giày cỏ?

Tăng liền hét.

Sư bảo:- Một hét hai hét sau lại làm gì?

– Xem ông Hòa thượng già vội vàng.

– Cây gậy không có ở đây, thôi ngồi uống trà.

*

Sư hỏi Tăng mới đến:- Lá rụng mây dồn sớm rời chỗ nào?

Tăng thưa:- Quan Âm.

– Dưới chân Quan Âm một câu làm sao nói?

– Vừa đến thấy nhau xong.

– Việc thấy nhau là thế nào?

Tăng không đáp được.

Sư bảo:- Thượng tọa thứ hai đáp thế Thượng tọa thứ nhất xem?

Vị Tăng thứ hai cũng không đáp được.

Sư bảo:- Cả hai đều độn hết.

*

Niên hiệu Khánh Lịch năm thứ sáu (1046), Sư dời ở núi Vân Cái Đàm Châu. Sư đem Lâm Tế chánh mạch trao cho Thiền sư Thủ Đoan.

*

Đến niên hiệu Hoàng Hựu cải nguyên (1054), Sư thị tịch. Tháp Sư tại núi Vân Cái.

∗ THIỀN SƯ TÔNG BỔN Hiệu Viên Chiếu ở Huệ Lâm (?-1099)

Sư họ Quản quê ở Vô Tích Thường Châu, dung mạo trang nghiêm tánh tình thuần hậu. Năm mười chín tuổi, Sư theo Thiền sư Đạo Thăng ở chùa Thừa Thiên Vĩnh An trên núi Cô Tô xuất gia. Sư ở đây hầu hạ gần mười năm mới được thọ giới cụ túc. Sau ba năm, Sư từ tạ xin đi du phương.

Sư đến Trì Dương yết kiến Thiên Y Nghĩa Hoài. Thiên Y dẫn câu chuyện Bồ-tát Thiên Thân theo đức Di-lặc vào nội cung, trở về. Bồ-tát Vô Trước hỏi: Ở nhân gian bốn trăm năm tại cõi trời Đâu-suất một ngày một đêm. Đức Di-lặc trong một thời dạy xong năm trăm ức vị Thiên tử chứng pháp nhãn vô sanh, chưa biết nói pháp gì? Thiên Thân đáp: Chỉ nói pháp ấy. Thế nào là pháp ấy?

Trải qua thời gian lâu, Sư mới khai ngộ.

Một hôm Thiên Y ở trong thất hỏi Sư:- Khi tức tâm tức Phật thì thế nào?

Sư thưa:- Giết người đốt nhà có gì là khó.

*

Từ đây danh tiếng Sư đồn khắp tùng lâm. Lý công thỉnh Sư khai pháp ở Đoan Quang, pháp hội rất đông đảo. Thái thú Võ Lâm Trần Công thỉnh Sư trụ trì một trong hai chùa Thừa Thiên và Hưng Giáo tùy Sư chọn lấy. Dân chúng tăng tục đất Tô đều ngăn cản, không để Sư đi, lại cố thỉnh Sư trụ trì tại chùa Tịnh Từ. Sư làm ít lời khuyến nhủ rằng: Mượn thầy ở đây ba năm vì dạy dân chúng vùng này gieo trồng phước lành, không dám chiếm lâu. Tăng tục mới ưng cho Sư đi.

*

Niên hiệu Nguyên Phong năm thứ năm (1082), vua Tống Thần Tông xuống chiếu xây cất thêm trong chùa Tướng Quốc thành sáu mươi bốn viện, chia tám phần về Thiền, hai phần về Luật. Vua ra chiếu thỉnh Sư trụ trì chùa Huệ Lâm. Sư đến nơi, Vua sai sứ đến hỏi thăm sức khỏe. Hôm sau, Vua thỉnh Sư vào điện Diên Hòa để hỏi đạo. Sư vào ngồi kiết già, Vua hỏi: Thầy xuất gia nơi chùa nào?

Sư tâu: Chùa Thừa Thiên Vĩnh An Tô Châu.

Vua vui vẻ mời uống trà. Sư bưng chung trà hớp từng ngụm dài, lay động tự tại. Vua hỏi:- Thiền tông mới hưng thạnh nên khéo mở đường.

Sư tâu: Bệ hạ biết có đạo này như mặt trời soi xuống, thần đâu dám bê trễ.

Sư từ trở về, Vua lấy mắt nhìn theo và bảo tả hữu rằng: Đây là vị Tăng chân thật phước tuệ.

*

Sau, Sư lấy cớ già xin trở về rừng núi, được nhà vua chấp thuận, cho Sư tùy ý vân du châu quận không được ép trụ trì. Sư đánh trống nhóm chúng từ biệt, nói kệ:

Bản thị vô gia khách

Na kham nhậm ý du

Thuận phong da lỗ trạo

Thuyền tử hạ Dương Châu.

(Vốn là khách không nhà

Nay được tùy ý dạo

Thuận gió thêm nhịp chèo

Dương Châu thuyền thẳng đến.)

Sư ra khỏi đô thành, vua quan sĩ thứ đưa đón đầy đường. Sắp từ biệt nhau, Sư để lời nhắc rằng:- Không nên vui đùa năm tháng, già chết chẳng hẹn cùng người. Chỉ nên siêng năng tu hành chớ lười trễ, ấy là thật vì nhau.

Mọi người nghe đều cảm động rơi lệ!

*

Tăng hỏi Sư:- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang?

Sư đáp:- Hàn Tín lâm triều.

– Kẻ căn cơ bậc trung và hạ làm sao lãnh hội?

– Chôn thây muôn dặm.

– Sớm biết việc ngày nay, hối hận chẳng dè dặt buổi đầu.

– Trên mồ Tam hoàng cỏ rậm ri.

*

Sư thượng đường:

– Nơi đầu một sợi lông hiện cõi Bảo Vương, ngồi trong hạt bụi chuyển bánh xe đại pháp.

Sư đưa gậy lên nói:

– Cái này là bụi, làm sao nói đạo lý chuyển bánh xe pháp? Sơn tăng ngày nay chẳng tiếc lông mày cùng tất cả các ngươi nói pháp, đưa lên thì nước biển dậy sóng, núi Tu-di lung lay. Buông xuống thì biển cả càn khôn yên tịnh. Thử hỏi các ngươi, hãy nói đưa lên là phải hay hạ xuống là phải. Nên đoạn chẳng đoạn hai lớp công án.

Sư gõ tòa bước xuống.

*

Sư thượng đường:

– Đầu tròn giống trời, chân vuông tợ đất, dáng xưa từng góc, ý khí trượng phu, đá ngã Tu-di, đạp nhào biển cả, Đế Thích cùng Long vương không chỗ ẩn thân.

Sư đưa cây gậy lên nói:

– Trở lui cây gậy lại tránh né, mặc ngươi thần biến hóa, cứu kính phải về trong ấy.

Sư xoay cây gậy một cái.

*

Về già, Sư trụ ở Linh Nham. Đến niên hiệu Nguyên Phù năm thứ hai (1099) tháng chạp, Sư sắp tịch, tắm gội xong Sư nằm dài dưới đất. Đệ tử thấy thế đỡ Sư lên giường, thưa:- Hòa thượng truyền đạo khắp thiên hạ, hôm nay không lẽ chẳng để kệ, mong gắng ngồi yên.

Sư nhìn thẳng bảo:- Kẻ si! Ta bình thường ghét làm kệ, ngày nay cả thảy mong làm cái gì? Bình thường ta ưng nằm thì nằm, chẳng lẽ ngày nay lại chuyên ngồi? Đem bút lại!

Sư cầm bút viết: Việc sau trao cho Thủ Vinh.

Sư ném bút, nằm xuống tịch.

∗ THIỀN SƯ PHÁP TÚ Hiệu Viên Thông ở chùa Pháp Vân (?-1090)

Sư họ Tân quê ở Thành Lũng Tần Châu, mẹ mộng thấy ông Sư già đến ngủ nhờ, tỉnh mộng liền biết có thai. Nguyên do là ở núi Mạch Tích có vị Sư già quen cùng Hòa thượng Lỗ ở chùa Ứng Càn, muốn theo Hòa thượng Lỗ đi du phương. Hòa thượng Lỗ chê già đi không được. Vị Sư ấy nói với Lỗ: Ngày sau nên tìm tôi ở dưới ngọn Thiết Trường bên rặng tre cạnh sườn núi.

Sau, Lỗ nghe quả ở chỗ ấy có sanh một đứa bé liền tìm đến xem. Đứa bé vừa thấy Lỗ liền cười. Được ba tuổi đứa bé (Sư) xin theo Lỗ về chùa.

Đến mười chín tuổi, Sư thông kinh luật thọ giới cụ túc, thích đến các hội giảng kinh, làu thông kinh Viên Giác kinh Hoa Nghiêm. Nhân nghe trong pháp hội của Thiền sư Nghĩa Hoài thạnh hành, Sư đi thẳng đến tham vấn.

Nghĩa Hoài hỏi: Tọa chủ giảng kinh gì?

Sư thưa: Kinh Hoa Nghiêm.

Nghĩa Hoài hỏi: Kinh Hoa Nghiêm lấy gì làm Tông?

Sư thưa: Lấy pháp giới làm tông.

Nghĩa Hoài hỏi: Pháp giới lấy gì làm tông?

Sư thưa: Lấy tâm làm tông.

Nghĩa Hoài hỏi: Tâm lấy gì làm tông?

Sư không đáp được. Nghĩa Hoài bảo: Có sai hào ly cách xa trời đất, ông phải tự khán ắt có phát minh.

Sau, Sư nghe vị Tăng nhắc việc Bạch Triệu đến tham vấn Báo Từ: “Khi tình chưa sanh thì thế nào”, Báo Từ nói: Cách. Sư hốt nhiên đại ngộ, liền chạy thẳng đến phương trượng trình bày chỗ sở chứng. Nghĩa Hoài bảo: Ngươi thật là pháp khí, tông của ta sau này đi theo ngươi vậy.

*

Ban đầu, Sư trụ ở Long Thơ tứ điện. Sau, có chiếu mời về trụ tại chùa Pháp Vân núi Trường Lô. Vua Thần Tông mời Sư đến trước Thần ngự thuyết pháp và ban hiệu là Viên Thông.

*

Sư thượng đường:

– Theo gió điều khiển buồm chính là theo gió nương sóng, cắt đứt các dòng chưa khỏi như xưa rỉ chảy. Xét tài bổ chức đâu ngoài hay dở, mua mũ vừa đầu khó được khít khao. Dù cho trên chẳng thấy trời dưới chẳng thấy đất, đông tây chẳng chia, nam bắc chẳng phân, có chỗ nào mà dùng? Dù là thép cứng do luyện sắt mà thành, cũng phải trên trán đổ mồ hôi. Thảy chẳng thế ấy làm sao thương lượng.

Sư im lặng giây lâu, nói:

– Tâm đỏ mảnh mảnh ai biết được, cười ngất Hoàng Mai con thạch nữ.

*

Tăng hỏi:

– Dương Xuân tháng hai ba, muôn vật thảy nẩy mầm, vậy mầm có tăng trưởng hay không?

Sư đáp:- Nhà mình xem lấy.

– Đâu chẳng phải là chỗ chỉ bày ư?

– Cây chuối cao bao nhiêu?

– Lửa đồng cháy chưa tắt, gió xuân thổi lại sanh?

– Cái ấy là Bạch Công, còn ngươi thì sao?

– Hãy đợi khi khác.

– Xem ngươi nói chẳng ra.

*

Sư thượng đường:

– Trời lạnh mưa rúc rắc, gió thổi cát bay đá chạy cây tróc chim kêu, các ngươi thảy đều biết. Hãy nói gió có hình sắc gì? Nếu biết được chấp nhận ngươi có đủ mắt sáng, nếu chẳng biết chớ lấy làm lạ lừa nhau. Tham.

*

Sư thượng đường:

– Thiếu Lâm chín năm ngồi lặng, lại bị Thần Quang ngó phủng. Hiện nay ngọc đá khó phân, chỉ được gai cột giấy gói. Lại hội chăng? Cười ta thì nhiều, nhận ta thì ít.

*

Niên hiệu Nguyên Hựu năm thứ năm (1090) Sư sắp tịch, bảo chúng:

– Lão tăng sáu chỗ trụ trì có phiền Tri sự Thủ tọa. Đại chúng ngày nay tứ đại chẳng chắc, gió lửa sắp tan, mỗi người nên lấy đạo tự an, không trái lời ta di chúc.

Sư bèn nói:

Lai thời vô vật khứ thời không

Nam bắc đông tây sự nhất đồng

Lục xứ trụ trì vô sở bổ

Dịch:

Khi đến không vật lúc đi không

Nam bắc đông tây việc vẫn đồng

Trụ trì sáu chỗ không ai bổ

Sư im lặng giây lâu. Giám tự Huệ Đương thưa:

– Sao Hòa thượng không nói câu rốt sau?

Sư nói:- Trân trọng! Trân trọng!

Nói xong liền tịch.

∗ THIỀN SƯ DUY CHÁNH ở viện Tịnh độ Hàn Châu

Sư giới luật tinh nghiêm, nhà Tương Thị Lang là thí chủ. Một hôm, Thị Lang thưa với Sư: Ngày mai nhà tôi có khách đông, thỉnh Thầy đến rưới cam lồ.

Sư nhận chịu. Hôm sau, Thị Lang sai người đến rước. Sư lấy một bài kệ trao, kệ:

Tạc nhật tằng tương kim nhật kỳ

Xuất môn ỷ trượng hựu tư duy

Vi Tăng chỉ hợp cư nham cốc

Quốc độ diên trung thậm bất nghi.

Dịch:

Hôm qua đã hẹn đến ngày nay

Ra cửa nương gậy thầm nghĩ suy

Làm Tăng chỉ hợp nơi hang núi

Tiệc tùng thành thị chẳng nên đi.

*

Có vị Tăng hỏi:- Thầy lấy danh là Thiền sư, sao không nói thiền?

Sư đáp:

– Ngày đêm nhờ vạn tượng diễn bày mà thôi. Ngôn ngữ có gián đoạn, mà pháp này vô tận, nên gọi là Tạo hóa vô tận tạng.

*

Sư thường cỡi con trâu vàng, cho nên người tục gọi Chánh Hoàng Ngưu (Chánh Trâu Vàng).

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.