Tỳ-kheo các ông! Cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trợ không bằng không quên niệm.
Không quên niệm là thường nhớ sống lại với mình, đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, làm việc gì biết rõ đang làm việc đó.
Tu là việc của tự mình, người ngoài muốn giúp cũng không giúp được. Cho nên, cầu bên ngoài không bằng cầu chính mình. Thiện tri thức chỉ cho mình con đường chớ không thể đi thay mình, biết đường rồi phải tự đi.
Các vị Thiền sư thường nói “cỡi trâu tìm trâu”, “Bính Đinh cầu lửa”. Người đang cỡi trâu lại đi tìm trâu, đồng tử Bính Đinh giữ lửa lại đi cầu lửa. Mỗi người vốn sẵn có tánh Phật, chỉ cần quay lại sống với mình là thành Phật, không cần chạy ra ngoài tìm giác ngộ, dù có tìm cũng không thể được.
Thiền sư Lâm Tế nói “Vô vị chân nhân thịt đỏ au”. Vô vị chân nhân nghĩa là người thật không ngôi vị, không chỗ đứng, ý chỉ bản tâm chân thật của mình. Thịt đỏ au là chỉ thân tứ đại ngũ uẩn này. Tức là ông Phật thật không ở bên ngoài mà ở ngay chính thân này.
Một Thiền sư khác nói “Trong lò lửa đỏ rực sen hồng”. Lò lửa đỏ chỉ thân ngũ uẩn, sen hồng chỉ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh ở ngay chính thân vô thường này.
Thế nên, muốn giác ngộ phải ở ngay nơi thân tâm này mà nhận, không thể tìm hay nhờ bên ngoài.
Vì người không quên niệm, các giặc phiền não không thể xâm nhập.
Người không quên niệm tức thường sống với tánh thanh tịnh của mình, nên giặc phiền não không thể xâm nhập. Giả sử phiền não có lỡ đến cũng sẽ mau chóng diệt mất, vì người đó rõ biết nó không thật. Bản chất của niệm là vô thường, vừa sanh liền diệt, nó sống được vì mình nuôi nó. Như lửa, sở dĩ cháy mãi vì được tiếp nhiên liệu, còn nhiên liệu là còn cháy, hết nhiên liệu liền tắt, nó không thể tự cháy mãi. Phiền não cũng vậy, còn nuôi thì còn tồn tại, hết nuôi liền tự diệt.
Một Thiền sư nói:
Đốn ngộ tuy đồng Phật,
Nhiều đời tập khí sâu.
Gió dừng sóng còn vỗ,
Lý hiện niệm vẫn còn.
Dù nhận được bản tánh nhưng niệm vẫn khởi vì thói quen huân tập nhiều đời. Nếu thường sống chánh niệm, thói quen sẽ sớm diệt.
Nhận được tánh tu nhanh hơn, vì rõ biết các pháp không thật nên dễ buông. Chưa nhận được bản tâm, buông sẽ khó, phải dùng nhiều phương tiện trợ lực. Như khi nổi sân phải quán sân hại mình hại người, một niệm sân đốt cháy rừng công đức…, dùng nhiều phương tiện quán chiếu để làm tiêu sân. Nếu đã nhận được bản tâm, biết sân chỉ là pháp giả dối sanh từ tâm, sân vừa khởi liền tiêu, không cần quán cũng tự diệt.
Khi nhận được bản tâm, phiền não tham sân si không dứt liền được, vì chúng là thói quen huân tập nhiều đời, không phải một sớm một chiều có thể hết được. Nhưng khi sống lại với tự tánh, tham sân si không thể xâm nhập được, vì vừa khởi liền tiêu, không cần dùng phương tiện quán chiếu, lâu ngày những thói quen ấy sẽ hoàn toàn dứt sạch.
Thế nên các ông phải thường nhiếp niệm tại tâm.
Nhiếp niệm tại tâm là thường sống lại với tâm chân thật của mình. Thấy biết đang thấy, nghe biết đang nghe, nói biết đang nói…, thấy biết rõ ràng mà không niệm tưởng phân biệt xen vào, đó là đang sống với tự tánh, là nhiếp niệm tại tâm. Nếu khởi tâm đè tâm, nhiếp niệm ở trán, chăm chú sợ vọng tưởng khởi, dụng công như vậy là sai lầm, dễ sanh bệnh. Bởi tâm thanh tịnh hiển dụng trên toàn thân, không phải nằm ở trán.
Thật ra, niệm khởi không có gì đáng sợ, bởi nó chỉ là bóng dáng của tâm, chỉ cần sống lại với chính mình, nó tới lui mặc kệ, nó sẽ tự sanh tự diệt. Vọng tưởng chỉ làm phiền mình khi mình chạy theo nó, quên mất tự tánh, khi mình quay trở lại tự tâm nó liền tiêu mất. Cho nên, khi dụng công tu không cần quan tâm tới vọng tưởng, chỉ cần thường nhớ sống lại với mình, làm gì biết rõ đang làm việc đó, vừa quên liền quay lại, đó là phương pháp nhiếp niệm tại tâm.
Nếu để mất niệm sẽ mất các công đức.
Công đức là công phu tu tập của mình. Khi mình đuổi theo ngoại cảnh, tâm thanh tịnh vẫn hằng hữu, chiếu diệu như thường, như như bất động, chỉ cần mình nhớ lại là có thể quay lại tức thì.
Quay trở lại sống với hiện tại, quá khứ đã qua không có gì nuối tiếc, còn nuối tiếc là tâm còn động. Khi phát hiện tâm đang chạy theo cảnh liền nhớ quay lại, dụng công tinh cần một thời gian sẽ không còn quên nữa, lúc nào cũng sống với chính mình.
Giống như chăn trâu, lúc đầu trâu chưa thuần hay chạy đi ăn lúa mạ nhà người, mình phải chăm giữ để lôi kéo lại, sau trâu thuần rồi, không còn chạy bậy vào ruộng người, lúc đó không cần chăn nữa, trâu tự ngoan ngoãn theo mình.
Thiền sư Đại An nói: “Đại An này ở tại núi Quy ba mươi năm, ăn cơm núi Quy, đại tiện núi Quy, mà không học thiền núi Quy, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi.”
Đây là pháp chăn trâu trong nhà thiền. Thường nhớ quay lại, sống lại là chăn trâu, không phải có một con trâu bên ngoài, tức một cái tâm bên ngoài để chăn. Nếu có tâm bên ngoài tức thành hai pháp, mà Phật pháp là pháp không hai. Chúng ta chỉ có một tâm chân thật, còn tất cả pháp khác chỉ là bóng dáng của tâm, là hiển dụng của tâm, không phải thật tâm. Nếu lấy tâm này chăn tâm kia là sai lầm, vốn chỉ có một tâm, sống trở lại là phải.
Nếu sức niệm cứng chắc rồi, tuy vào chỗ ngũ dục cũng không bị ngũ dục làm hại.
Sức niệm cứng chắc nghĩa là thường nhớ không quên. Lúc đó dù có vào ngũ dục cũng không bị ảnh hưởng. Như bức tranh chăn trâu thứ mười “Thỏng tay vào chợ”, hành giả tay cầm bình rượu tay cầm xâu cá, ung dung giữa chợ, tự tại không ngại.
Tổ Huệ Khả khi đã giao Tổ vị, Ngài thường ra vào chốn đông người, có lúc đi vào quán rượu, có người hỏi Ngài vì sao người xuất gia lại vào chốn này, Ngài đáp: “Ta thử tâm ta, can gì đến ông?” Việc nhiễm hay không ở tâm mình, không phải ở cảnh. Tâm đã thanh tịnh dù ở chỗ ô uế vẫn thanh tịnh.
Xưa khi Tổ trình với Sơ Tổ: “Giờ con đã bặt hết các duyên”, Sơ Tổ dạy: “Coi chừng rơi vào không!” Ngài thưa: “Con rõ ràng thường biết, làm sao không được?” Ngài bặt duyên, tức tâm vắng lặng, không phải do công phu đè niệm, biến mình thành cây đá, mà là không đắm, không dính, không bị ảnh hưởng, vẫn biết tất cả mà không sanh phân biệt.
Có vị tu đến tầng thiền thứ 8 là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tâm vắng lặng không khởi một niệm, nhưng sự không khởi đó là do công phu đè nén mà được, nếu gặp duyên đủ mạnh công phu sẽ mất. Như tiên nhân Uất-đầu-lam-phất đã tu đến mức định này, có nhiều thần thông, nhưng khi gặp một quý phi xinh đẹp tuyệt trần, ông chợt động tâm khiến công phu tiêu mất, phải thực hành lại từ đầu.
Tu theo đạo Phật là phải giải quyết từ gốc, biết rõ bản chất tất cả pháp để chúng không ảnh hưởng mình. Vẫn biết tất cả mà không đắm nhiễm.
Chư Tổ thường dạy: “nước chết không chứa được rồng”, rồng chỉ sống ở chỗ nước thông lưu. Thể của tâm là lặng lẽ, nhưng diệu dụng của nó là thường chiếu soi, nếu đè tâm đến không biết gì là đã đánh mất diệu dụng của tâm. Như vị thiền khách ở ví dụ trên, tu đến biến thành cây khô dựa đá lạnh, không còn cảm giác gì là rơi vào nước chết.
Khi đối duyên xúc cảnh, mắt nhận sắc, tai nghe tiếng, mũi biết mùi…, rõ ràng đều biết là diệu dụng của tâm, không đợi qua phân biệt mà tự biết.
Tu làm sao để ở trong ngũ dục biết rõ mà không nhiễm. Muốn được vậy sức niệm phải đủ lớn, tức phải thực sự sống trọn vẹn với tâm chân thật của mình, không còn bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Nếu công phu chưa cứng mà tiếp cận ngoại cảnh nhiều sẽ bị ngũ dục chi phối.
Có vị tu thiền lầm nhận là đã thấy tánh, bắt chước sự phóng khoáng của các bậc Tổ sư, dạo chơi nơi thế gian, chẳng bao lâu rơi vào buông lung mà không tự biết, đắm nhiễm thế gian, hành nghiệp thế gian, đến khi quả báo đến thì hối hận không kịp.
Người đạt đạo không phải không chịu quả báo cũ, chỉ là các Ngài tự tại trước mọi duyên thuận nghịch, nhân quả không ảnh hưởng đến tâm. Thiền sư Lâm Tế nói: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm.”
Theo Phật giáo Đại thừa, Tôn giả Đề-bà-đạt-đa là Bồ-tát nghịch hạnh, vì làm thành cho Phật mà tạo nghịch duyên, không phải thật có tâm ác hại Phật, nhưng vẫn phải đọa địa ngục. Tuy ở cảnh địa ngục mà Ngài vẫn tự tại. Tôn giả Mục-kiền-liên xuống thăm thấy Ngài đang bị thiêu đốt, hỏi Ngài cảm giác thế nào, Ngài bảo: “Ta thấy mát như ở cõi trời tam thiền.”
Nhân quả là luật vận hành thế gian, là chân lý không đổi. Dù đắc đạo vẫn phải trả quả ác đã tạo. Đời này mình giết hại ăn thịt chúng sanh, đời sau gặp lại nó sẽ oán ghét và đánh mắng mình, dù mình là người đời hay người tu. Nếu mình hiểu đạo, vui vẻ trả nợ xưa, tâm lúc nào cũng tự tại thong dong. Nếu còn sợ quả xấu thì đừng để tâm buông lung tạo ác nghiệp.
Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ, vừa là Tổ sư Thiền tông, vừa là Tổ sư Tịnh độ tông, sợ hành giả tu chưa tới, lầm giữa phóng khoáng và phóng túng, nên Ngài có làm bài kệ Tứ liệu giản:
Có Thiền không Tịnh độ
Mười người, chín lạc lộ.
Ấm cảnh khi hiện ra
Chớp mắt đi theo nó.
Không Thiền có Tịnh độ
Muôn tu muôn thoát khổ.
Vãng sanh thấy Di Đà
Lo gì chẳng khai ngộ?
Có Thiền có Tịnh độ
Như thêm sừng mãnh hổ.
Hiện đời làm thầy người
Về sau thành Phật, Tổ.
Không Thiền không Tịnh độ
Giường sắt, cột đồng lửa!
Muôn kiếp lại ngàn đời
Chẳng có nơi nương tựa.
Thiền dạy phá chấp, một số vị tu thiền trở lại chấp cái phá chấp đó, rồi bắt chước chư Tổ làm những hành động phạm giới, phạm luật, không biết rằng đó không phải là không chấp mà là buông lung, tạo ác nghiệp rất lớn. Vì vậy Tổ Vĩnh Minh dạy thà tu Tịnh độ để ít nhất không tạo nghiệp ác, chớ không phải Ngài xiển Tịnh bác Thiền. Tu thiền phải hiểu được tông chỉ thiền, phải thật sự đạt được, sống được với chỗ thật đó rồi mới “thỏng tay vào chợ”, nếu chưa được mà vào trong ngũ dục chỉ là phóng túng buông lung.
Thiền Sư Thích Thanh Từ nói muốn biết một người tu tốt hay không hãy xét xem vị ấy có bị tám gió thổi không. Tám gió là lợi (được lợi ích), suy (bị suy hao), hủy (bị hủy nhục), dự (được xưng tán), xưng (được ca ngợi), cơ (bị chê bai), khổ (bị khổ đau), lạc (được vui mừng). Tám gió này thổi đến vẫn an nhiên chẳng động đó là người đã sống được với tâm thật, rõ biết các pháp bên ngoài chỉ là tướng giả dối nên không bị chúng làm động dao.
Muốn đến chỗ sức niệm cứng chắc này phải thường dụng công tu tập, nương lời dạy của Phật Tổ mà nhận lại tâm mình, tập sống lại với tâm, kiên trì thực hành không mỏi mệt. Nếu sức niệm còn yếu thì giữ giới đừng phạm, nếu không sau này sẽ chịu quả báo khổ đau.
Thí như người mặc giáp vào trận thì không còn sợ gì nữa.
Giống như người mặc áo giáp ra trận, không sợ tên đạn đao kiếm. Người có được sức niệm vững chắc, sống trở lại được với tự tâm, dù có ở trong ngũ dục cũng không bị trụy lạc. Như người đã biết được vàng thật thì không đắm mê vàng giả. Vì một núi vàng giả không bằng một lượng vàng thật. Chỉ khi không biết vàng thật mới bị vàng giả gạt. Trong nhà sẵn có của báu, chẳng cần quan tâm các thứ rác rưởi bên ngoài. Những thứ không có giá trị có thể cho vào sọt rác, không màng cất giữ.
Thế nên, người đã sống được với tự tâm, sức sống đã cứng, sức niệm đã vững, có vào ngũ dục cũng không bị ảnh hưởng. Lúc đó có thể “thỏng tay vào chợ”, gần gũi giáo hóa chúng sanh mà không bị nhiễm ô, tự tại không e sợ, như ánh sáng hòa với trần mà chẳng bị trần làm nhơ (hòa quang đồng trần). Đó là phương pháp để không quên niệm, tức giữ được chánh niệm.