Tỳ-kheo các ông! Khi nhận các thức ăn uống phải xem như uống thuốc, dù ngon dù dở cũng chớ sanh thêm bớt, cốt để thân này trừ được đói khát.
Phật dạy người tu đi khất thực, người ta cúng gì ăn đó, dù ngon hay dở, phải quán như đang uống thuốc trị bệnh ốm gầy. Nhận thức ăn dở không bỏ lại, thấy thức ăn ngon không xin thêm.
Thời Phật có nhóm lục quần Tỳ-kheo, sáu vị này hay đến nhà thí chủ nào thường cúng thức ăn ngon để khất thực, bị Phật quở trách.
Ngài Tu-bồ-đề luôn đến nhà thí chủ giàu có khất thực, một số Tỳ-kheo cho rằng Tôn giả thích ăn ngon, nhưng Phật khẳng định Ngài Tu-bồ-đề đã đắc A-la-hán, không có tâm tham, không có tâm phân biệt. Chỉ vì Ngài cho rằng xin của người giàu không làm ảnh hưởng cuộc sống của họ, còn người nghèo kiếm miếng cơm rất vất vả, nếu thí cho mình, họ phải bớt phần ăn lại, do đó Ngài xin người giàu, không xin người nghèo.
Ngược lại, Tôn giả Đại Ca-diếp chỉ xin người nghèo, không xin người giàu. Vì Ngài cho rằng người nghèo là do kiếp trước không tạo nhân bố thí nên muốn tạo cơ hội cho họ chuyển quả báo ở đời sau. Cúng dường cho một vị A-la-hán phước báo rất lớn, Ngài dành duyên lành này cho người nghèo, giúp họ chuyển mình.
Cả hai vị đều đắc Thánh quả, vì có quan điểm khác nhau nên khất thực ở hai hạng người khác nhau, chớ không có tâm phân biệt thương ghét, ngon dở.
Phật dạy người tu khất thực theo thứ lớp để tránh tâm phân biệt. Giàu nghèo đều bình đẳng, thức ăn ngon dở đều nhận, đều xem là thuốc trị bệnh ốm gầy. Vì để thân mạnh khỏe phụng sự cho việc tu tập nên ăn, chớ không đắm trước. Mỗi lần ăn đều nghĩ nhớ như vậy để không sanh tâm tham sân.
Với người đã thấu đạo, tâm không còn phân biệt thì thức ăn ngon dở, đồ ăn chay mặn đều như nhau.
Người tu ngày nay đi khất thực đến những nhà có thức ăn ngon, nói là học theo Ngài Tu Bồ Đề. Nếu đã học được hạnh Ngài Tu Bồ Đề, lẽ ra cũng học được hạnh Ngài Đại Ca Diếp, nhưng sao lại không ai đến người nghèo xin và chịu ăn đồ hôi thiu? Rõ ràng mình còn tâm phân biệt, không thực sự giống các Ngài.
Vì thế Phật dạy khất thực theo thứ lớp, tùy duyên mà xin, giàu nghèo bình đẳng như nhau, thức ăn ngon dở đều nhận, xem thức ăn như thuốc uống trị bệnh ốm gầy. Nếu không ăn sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập, chứ không được ăn rồi đắm vào đó. Khi chưa được tự tại, lúc ăn phải quán như lời Phật dạy, nếu đã tự tại rồi thì không cần quán nữa.
Có những vị cư sĩ đắc đạo, tuy sống như người thế tục, nhưng vẫn tự tại trong mọi hoàn cảnh. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là một vị như thế. Có hôm hoàng gia mở yến tiệc, Ngài gắp tất cả mọi thức ăn trước mặt, không kể thức chay mặn. Thái hậu thắc mắc hỏi: – Anh là Phật tử, thẩm thấu đạo rất sâu, vì sao lại ăn mặn? Ngài vui vẻ đáp: – Anh không cầu làm Phật, Phật cũng chẳng cầu làm anh!
Lục Tổ lúc ẩn trốn trong nhóm thợ săn, khi ăn hái rau gửi luộc trong nồi thịt, nhưng chỉ ăn rau không ăn thịt.
Các Ngài tùy duyên, tùy hoàn cảnh mà thọ thực, chớ tâm không còn tham đắm. Nếu tâm mình chưa thanh tịnh, chưa được tự tại, lại bắt chước chư Tổ, đó là phóng túng tâm tham ăn của mình, tự dối gạt mình và dối người.
Ngài Tuệ Trung nói không cầu làm Phật, vì đã sống được với bản tâm thanh tịnh của mình, sống chết tự tại. Khi Ngài tịch, vợ con khóc thảm, Ngài sống lại bảo: – Đừng làm ồn ta. Nói rồi nằm xuống thanh thản ra đi. Ngài tự tại thế đó, muốn sống là sống lại, muốn chết là chết tiếp.
Ngài ở thế gian nên sống theo thông lệ thế gian, cần thê thiếp đầy đàn thì cũng thê thiếp đầy đàn, cần yến tiệc linh đình thì cũng yến tiệc linh đình. Tuy quan hệ vợ chồng mà chẳng đắm chuyện nam nữ, tuy ăn cao lương mỹ vị mà chỉ xem đồng như uống nước lã. Ở hoàn cảnh đặc biệt thì làm chuyện đặc biệt, không phải do yêu thích mà làm.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói những ai xem quan hệ vợ chồng lạt như nước lã, người đó có tâm tương ứng với cõi trời, đời sau sẽ sanh thiên.
Chuyện ăn uống cũng vậy, nếu vì thích mà ăn là tâm thế tục, nếu vì nuôi thân mà ăn là tâm đạo.
Các thức ăn uống đều vào cửa trước ra cửa sau, khi vào cửa trước thì lường gạt cái lưỡi, khi ra cửa sau lại làm khổ cái mũi. Chúng ta ngu mê không chấp nhận sự thật, bị lưỡi làm lầm, nên đắm mê, lệ thuộc thức uống ăn, tập thành thói quen tham vị ngon.
Thực ra, cho thức ăn nào đó ngon, hấp dẫn chỉ vì nó hợp với thói quen, sở thích của mình. Như người Việt quen ăn mắm, ăn lâu thành thích. Người phương Tây nghe đến mùi mắm là sợ, vì nước họ không có món này, họ chưa từng ăn qua, ngửi qua. Nhưng họ cũng đắm mê những món thường ăn của mình. Cho nên, quan niệm ngon dở đều do thói quen huân tập mà thành. Nhưng khi tập thành rồi lại bị chính thói quen khống chế, lôi dẫn.
Trong Kinh Phật dạy: Nghiệp là do chúng sanh tự tập thành, tự tạo nên, nhưng khi đã thành nghiệp rồi trở lại trói cột chúng sanh. Nghiệp chính là thói quen đã huân tập thành, trong nhà Phật gọi là tập khí.
Thói quen không chỉ trói cột chúng ta trong chuyện ăn uống, mà trói cột ở tất cả mọi việc, như tính cách, ứng xử, nói năng v.v… Như người miền Nam quen sống trong môi trường và điều kiện thời tiết đều thuận lợi, nên sức chịu đựng khó khăn thử thách không bằng người miền Trung. Miền Trung khí hậu khắc nghiệt, môi trường sống khó khăn nên đã hun đúc nên người miền Trung có ý chí và nghị lực mạnh mẻ.
Khi tập thành thói quen thì thói quen đó sẽ trở lại ảnh hưởng, chi phối mình. Chúng ta thường không đủ sáng suốt, không đủ mạnh mẻ để điều chỉnh hay dứt bỏ nó, dù có khi biết đó là thói quen không tốt.
Thói quen do chính mình tập thì cũng phải do tự mình diệt. Thích ăn ngon vốn chỉ là thói quen, có thể bỏ được, sửa được. Nương vào pháp quán ăn như uống thuốc mà Phật đã dạy, chúng ta sẽ dần bỏ được thói quen đắm vị.
Với người ngộ đạo đã sống được với tự tánh, khi ăn sẽ nhận ra được sự vi diệu của tự tâm hiển dụng qua căn lưỡi. Mọi thức uống ăn khi vừa tiếp xúc với lưỡi, tâm liền nhận biết cùng lúc tất cả vị mặn ngọt, chua cay, đắng lạt…, không lẫn tạp nhau. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở sự nhận biết của lưỡi, tâm không khởi thương ghét, chúng ta sẽ thấy tự tánh vi diệu vô cùng. Như chư vị Thiền sư thường nói: Chẳng thể dối y dù chỉ một điểm. Tự tánh không gì không biết, không gì không hiển. Chỉ vì chúng ta ngu mê bị cuốn trong vị mặn ngọt…, để rồi phân biệt ngon dở, sanh tâm yêu ghét, lấy bỏ. Dần thành thói quen tham sân sâu đậm, khó thể dứt trừ.
Các giác quan mắt tai mũi thân ý… cũng vậy, khi vừa tiếp xúc với trần liền nhận biết rõ ràng, không gì dối được. Nếu chúng ta nhận ra và sống được với sự vi diệu này thì sẽ không bị pháp làm hình thành thói quen, để rồi trở lại bị ràng buộc, không thể tự tại.
Thế nên, sống lại với tự tánh là cách giải quyết tận gốc các thói quen sai lầm: tham, sân, si, mạn, nghi v.v… Nếu chưa thể ngộ tánh có thể tu từ từ theo các pháp Phật dạy như: quán chiếu, giữ giới, thiền định, tư duy pháp v.v… Thúc liễm thân tâm không để buông lung, không để nghiệp tập dẫn dắt, lâu dần cũng sẽ diệt được những thói quen sai lầm, thể nhập lại tự tâm.
Như con ong hút mật chỉ hút nhụy hoa, chẳng làm hại đến hương sắc. Tỳ Kheo cũng vậy, thọ của người cúng dường vốn tự trừ khổ, không được cầu nhiều, làm mất lòng tốt của người.
Phật dạy người tu nhận của cúng dường phải như ong hút hoa. Ong khi hút mật hoa, ở mỗi hoa chỉ hút một ít, không làm ảnh hưởng đến hương sắc của hoa. Người xuất gia khi nhận của thí chủ chỉ nhận vừa đủ, không để ảnh hưởng đến kinh tế gia đình họ. Phật tử tùy theo sức mình mà hộ trì Tam bảo, người tu không đòi hỏi khiến thí chủ phải khó xử.
Thí như kẻ trí biết lượng sức trâu kham chở được nhiều ít, không chất lên quá phần làm nó kiệt sức.
Người xuất gia tuy sống bằng sự cúng dường, nhưng nên nghĩ đến hoàn cảnh, khả năng, sức lực của thí chủ, không đòi hỏi quá phần. Thí chủ lo tứ sự cho mình để mình rảnh rang để hết tâm ý vào việc tu hành, không phải vất vả lo miếng ăn cái mặc. Công ơn đó rất lớn, mình phải trân trọng tấm lòng của thí chủ, tiêu xài vừa đủ. Luôn sống tiết kiệm, vừa đủ để thể hiện sự trân trọng và biết ơn thí chủ.
Như gia đình cha mẹ giàu có, lo cho con đầy đủ, con không cần phải dùng vật chất để đền đáp ơn cha mẹ, nhưng đi đâu về mua cho cha mẹ ít quà bánh, dù cha mẹ không thiếu, nhưng đó là sự thể hiện lòng biết ơn và tình thương của con với cha mẹ. Người tu đối với thí chủ cũng vậy, thí chủ cúng dường không cần mình đáp trả, chỉ cần mình lo tu, biết trân trọng, tiết kiệm vật phẩm thí chủ cúng dường. Thí chủ tự nhiên sẽ vui, cảm thấy không uổng phí khi lo cho quý thầy quý cô.
Thời Phật, có một cư sĩ đến hỏi Ngài A-nan: – Nếu được y mới, y cũ chư tăng làm gì? Ngài đáp: – Y cũ dùng làm khăn tắm, khăn tắm cũ dùng lau chân, khăn lau chân cũ làm giẻ lau nhà, giẻ lau nhà cũ dùng để trét tường (tường ngày xưa làm bằng rơm trộn đất sét). Nghe vậy, cư sĩ nói: – Nếu quý thầy sử dụng của thí chủ kỹ lưỡng, trân trọng như vậy, tôi xin phát nguyện cúng dường y cho đại chúng.
Ngược lại, nếu thí chủ thấy người tu ăn xài phí phạm, sẽ cảm thấy bị tổn thương.
Thiền sư Lại Dung được vua ban tử y (tử y là y màu vàng tía, may bằng loại lụa thượng hạng, có thêu kim tuyến bằng chỉ vàng), Ngài từ chối không nhận vì quen sống thanh bần, không muốn dùng đồ quý. Vua kết tội khi quân, phạt đòn. Vị quan chấp pháp thấy thương, nói: – Thấy Ngài ốm yếu chắc trong người có bệnh, theo luật vua, nếu bệnh sẽ được miễn phạt đòn. Ý quan muốn mượn cớ để khỏi đánh Ngài. Nhưng Ngài thành thật nói: – Tôi ốm chớ không bệnh. Quan đành ra lệnh đánh mà trong lòng rất kính phục.
Người tu chẳng những sống tiết kiệm, xài vừa đủ, còn có thể từ chối những vật phẩm cúng dường quý giá. Đừng sợ thí chủ giận, nếu mình từ chối hợp lý, hợp đạo, thí chủ sẽ trân trọng tâm đạo của mình.
Đối với người tu hành, tâm đạo là quan trọng nhất. Phải toàn tâm, toàn ý sống với đạo, không để vật chất ảnh hưởng. Thí chủ cúng dường để giúp Tăng Ni thuận lợi tu hành, nuôi lớn tâm đạo, không phải để mình buông lung, tham đắm.