Nội dung:
Sám văn:
Hôm nay Đại chúng nên sinh tâm giác ngộ, biết đời là vô thường, thân không tồn tại lâu, trẻ mạnh rồi phải già yếu; chớ ỷ hình dung tốt đẹp mà tự làm nhiễm ô (không giữ tịnh hạnh). Vạn vật vô thường, thảy đều tiêu diệt, đâu có gì còn mãi?
Lúc trẻ thấy dung nhan mỹ lệ, nhưng thân này vốn vô thường. Đời có hợp ắt có tan. Sinh già bệnh chết không hẹn mà đến, ai sẽ trừ những khổ ấy cho ta?
Khi tai họa thình lình ập đến, không ai tránh được. Dù sang, hèn, giàu, nghèo gì cũng đều phải chết, thân thể sình trương, hôi thối. Vậy luyến tiếc thân này nào có ích chi, nếu không lo tu thì chẳng thể thoát khổ.
Giải thích:
Chúng ta đã biết thân mình giống như sương sớm, chẳng biết mất lúc nào. Được mang thân người là rất khó, bởi: “Một khi mất thân người vạn kiếp khó phục hồi”, huống chi chúng ta không có đức hạnh gì đáng khen, cho dù ta có trí tuệ, kiến thức thì hành vi ngôn ngữ thường không tốt, chẳng được trung hòa nhân nghĩa như thánh hiền, cư xử vô lễ, toàn làm việc điên đảo ngu si, tạo nghiệp ác trùng trùng.
Ta không hiểu rõ nhân quả giống như chư thánh, cũng chẳng hiểu Phật pháp, tuy ta có nhiều chí nguyện hoài bão song đều nằm trong vòng danh lợi, cùng đạo trái ngược rất xa.
Ngày nay ta được tham dự pháp hội bái sám thù thắng này, mong tất cả đồng sinh tâm ăn năn sám hối, hổ thẹn, biết sợ, biết lo…
Chúng ta thành tâm sám hối giải bày hết tội nghiệp sâu nặng, hy vọng nương đại thần lực chư Phật, Bồ-tát và đại chúng mà tiêu trừ tội nghiệp, và pháp hội mau chóng thực hiện xong. Phải biết pháp hội sám hối này rất là thù thắng hy hữu.
Mong mỗi người chúng ta tự nỗ lực tinh tấn, sống lúc nào cũng có Phật trong tâm, thờ phụng Tam bảo đến hết đời, lấy đây làm vui, pháp hỷ sung mãn. Mong chư vị đồng tu gìn giữ tâm mình, không nên khởi niệm sai phạm. Hằng mặc giáp nhẫn nhục (ý nói luôn nhẫn giỏi, không khởi tâm sân, khi bị người lăng nhục chửi mắng, phỉ báng, thì khéo dập tắt tham sân si, siêng tu giới định huệ, như vậy mới là thâm nhập pháp môn). Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp tâm giữ giới, nhân giới sinh định, nhân định sinh huệ. Đây là tam vô lậu học”.
Chúng con… (người bái sám tự xưng tên họ pháp danh mình ra) bao gồm những người đến tham dự đạo tràng (trong đây có nhiều chúng sinh mắt ta có thể thấy hoặc không thể nhìn thấy như: Thiên thần, Thọ thần, Thảo mộc thần, Chư tiên, cùng những vong linh hoạnh tử chưa đầu thai)…
Trước khi lễ sám, người bái sám có thể ở tại đạo tràng âm thầm nghĩ đến những oan gia trái chủ hay quyến thuộc chưa tin Phật (thuộc đời quá khứ hoặc hiện tại) của mình, dù họ còn sống hay đã mất, chỉ cần chư vị niệm tên họ, triệu thỉnh âm thầm, nếu như họ đến trước Phật, dù chỉ khom lưng xá chào hoặc lạy một lễ, chắp tay một lúc, thì xem như là chỉ kết chút thiện duyên nhỏ bé mỏng manh, song thần thức họ nhờ được bạn kêu mời nên mới có thể lập tức đến, hiện diện tại đạo tràng này, nếu họ phát tâm chịu tham dự pháp hội sám hối lễ Phật này, thì ắt sẽ thu được rất nhiều lợi ích.
Khi bạn niệm tên họ, giống như ban cho họ vé vào cửa để tham dự, nên họ đối với bạn sinh tâm cảm kích không cùng, nhân đây có thể phát sinh tác dụng hóa giải oán hận.
Thông thường tại các pháp hội lớn nhỏ, hay ngay trước Phật đường nhà mình (khi chúng ta tụng kinh lễ Phật, sám hối, bạn vẫn có thể mời thỉnh họ tham gia), dần dần bạn sẽ phát hiện ra: Người trong nhà cũng đang quy hướng Phật giáo. Thậm chí các oan thân trái chủ trước đây còn có thể sẽ hướng bạn báo tin vui (tha thứ) trong mộng.
Đương nhiên trong sinh hoạt bình nhật, trước tiên bạn phải nghiêm trì giới luật. Muốn hành giỏi Phật pháp, bạn phải làm một người tốt, chu toàn bổn phận trách nhiệm ở cương vị mình. Là đệ tử Phật thì bắt buộc bạn phải là chồng tốt, vợ hiền, con ngoan, cha mẹ tốt, cha mẹ chồng bao dung… để mọi người, khi nhìn thấy đệ tử Phật có tư cách, phẩm hạnh ngày càng cao thượng, thì họ mới tin rằng: Phật giáo thực sự đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình, như vậy mới chịu thử nghiệm, bước vào đạo.
Quỷ thần cũng thế, họ đều có “tha tâm thông” nên có thể đọc được tư tưởng con người, bạn nghĩ gì, làm gì… họ đều nhìn rõ mồn một. Nếu bạn là người ác mà muốn gọi họ đến, họ không thèm tới đâu!
Sám văn:
Ngày nay đại chúng đồng nghiệp trong đạo tràng, nên tha thiết, phát tâm dũng mãnh, tâm an trụ, quảng đại, thù thắng, không buông lung, tâm đại từ bi, hảo thiện, hoan hỷ, tâm báo ân, tâm tế độ, tâm giữ gìn, tâm che chở cứu độ hết thảy chúng sinh giống như tâm Bồ tát, chư Phật! Xin nhất tâm nhất ý, chí thành đảnh lễ Tam bảo…
Nguyện thay thế quốc vương, chủ nước, thổ địa, nhân dân, cha mẹ, sư trưởng, thiện ác tri thức (ác tri thức là người tạo nghịch hạnh giúp ta tu hạnh nhẫn – nên ta phải dùng tâm biết ân đối với họ giống như đối với thiện tri thức), chư thiên, chư tiên, hộ thế Tứ thiên vương, chủ thiện phạt ác, thủ hộ trì chú, ngũ phương Long vương, Long thần bát bộ khắp mười phương vô cùng vô tận, bao gồm tất cả chúng sinh có tâm linh, có thần thức, hoặc ở dưới nước, trên bờ, hoặc ở không trung; xin nguyện thay hết thảy chúng sinh ấy mà qui y mười phương tận hư không giới hết thảy chư Phật, Tôn pháp, Hiền Thánh Tăng.
Giải thích:
Phật là “Phật-đà-da” thuộc cổ ngữ Ấn Độ, dịch là giác ngộ, tức là bậc đại trí huệ hiểu rõ chân tướng vũ trụ vạn vật. Trong kinh Đại thừa Tâm Địa Quán, giảng rõ về “Ân đức Tam bảo”, thì Phật bảo có sáu công đức vi diệu:
Sáu công đức đầy đủ này có thể làm lợi khắp chúng sinh. Nên gọi là Phật bảo, ân không thể lường. Trong kinh này, có người hỏi Phật:
– Đã có vô lượng hóa Phật hiện đầy thế giới làm lợi lạc cho chúng sinh, nhưng vì sao chúng sinh trong thế gian đa số đều không nhìn thấy Phật và lại gặp đủ khốn khó phiền não như thế?
Nghi vấn này cũng là điều mà đa số thắc mắc. Phật đã giải thích như sau:
– Thái dương luôn chiếu soi khắp, nhưng riêng người mù không thể nhìn thấy, vậy thái dương có mất chăng? Đương nhiên là không! Chư Phật thường giảng chánh pháp làm lợi lạc chúng sinh, nhưng do chúng sinh hay tạo ác nghiệp, không ăn năn thẹn hổ, cũng chẳng hề có tâm muốn thân cận Phật-Pháp-Tăng.
Những chúng sinh do tạo tội rất sâu nặng, nên từ vô lượng kiếp đến nay họ không thể thấy hay nghe đến danh từ “Tam bảo”, hệt như kẻ mù không nhìn thấy thái dương. Nếu ai có thể thờ phụng cung kính tu theo Phật pháp, tôn trọng Tam bảo, thì người này nhất định nghiệp chướng sẽ tiêu trừ, phúc huệ tăng trưởng, rất mau được thấy Phật.
Phật cũng là từ phàm phu tu mà chứng quả. Xin ví dụ thế này:
“Người không hiểu Phật pháp, giống như kẻ sinh ra bị bệnh đục thủy tinh thể, chỉ thấy tối đen, dù họ có sờ chạm đến vật, tuy thanh âm, khứu giác nhận được nhưng không rành gì, họ giống như kẻ mù sờ voi, vĩnh viễn không biết diện mạo con voi ra sao.
Dù có được người sáng mắt giải thích, miêu tả hình dáng con voi lẫn cách sinh hoạt, thì người mù cũng khó tưởng tượng hình dung ra. Họ sẽ nói:
– Bạn nói con voi màu xám, vậy màu xám ra sao?
Thế là người sáng mắt bèn chế tạo một mô hình con voi chuyển động để cho đám người mù dùng tay sờ thử. Những kẻ mù xôn xao, đồng khen người sáng mắt “quá vĩ đại, tài ba”, thậm chí có dùng hết mọi ngôn từ tuyệt vời trên thế gian này cũng không biểu đạt được hết sự khâm phục của kẻ mù dành cho người sáng mắt. Không những họ khen người sáng mắt thông minh khéo tay, mà còn cảm kích người sáng mắt có thể dắt mình qua đường và miêu tả cảnh sắc của thế giới tỉ mỉ rõ ràng cho họ.
Ngày nọ, có một phú ông xót thương kẻ mù và phát tâm cho phẫu thuật miễn phí để giúp người mù hồi phục nhãn quang. Khi người mù tháo lớp băng che mắt ra rồi, lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng, chiêm ngưỡng cảnh quang và màu sắc của thế giới, họ kinh ngạc, vui mừng không thể tả.
Sau khi bình tĩnh, họ bỗng ý thức được nguyên lai mình có đôi mắt tinh tường giống như bao người sáng mắt, nhưng do bị bệnh nên không thể thấy ánh sáng, thế là trong lòng họ tự trách mình ngu si, vì sao không sớm đi phẫu thuật?…
Kể ra câu chuyện này, tôi muốn nói rằng những người mê đắm ngũ dục (tài, sắc, danh, ăn, ngủ) giống như người bị bệnh đục thủy tinh, còn thiện tri thức là người sáng mắt, còn kinh điển… và Phật là nhà tỷ phú từ bi. Sau khi phẫu thuật (trừ bỏ vọng tưởng chấp trước, mê đắm ngũ dục rồi), nếu như bất kỳ ai có lòng can đảm, dám bước vào nhà phẫu thuật, chịu nhận thống khổ (xả dục) thì ánh quang minh sẽ lập tức hiện ra trước mắt ngay. Bởi vì ai cũng có đầy đủ trí huệ quang minh “bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh” giống như chư Phật, Bồ-tát.
Phật là chúng sinh đã giác, còn chúng sinh là những vị Phật chưa giác ngộ. Một khi chúng sinh giác, thì bình đẳng cùng Phật không khác, chẳng còn phân cao thấp trên dưới nữa.
Phật Thích Ca Mâu Ni là đạo sư trực tiếp của chúng ta, là thầy bổn sư, nên chúng ta mới niệm: “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”…
Nam mô: Gọi theo tiếng phạn có hàm ý quy y. Giáo pháp mà Phật Thích Ca giảng, không những vô lượng chư Phật trước Ngài từng đã giảng, mà sau Ngài, chư Phật vị lai cũng sẽ giảng như thế. Bởi vì tận hư khắp pháp giới, lý đạo chân thật vốn như thế – vốn là quy luật thế gian – Phật pháp không phải do một vị Phật sáng tạo phát minh ra, nên không thể viện cớ: Nhân vì thời đại biến đổi mà có thể cải sửa tạo mới, thậm chí còn không thể chỉnh sửa một từ! Vì vậy mới nói: “Lìa kinh dù chỉ một chữ thì không phải Phật thuyết!”
Giống như thành phần nước là H2O, nhất định ta không được tăng lên thành H3O, cũng không thể giảm thành HO. Bởi tăng hay giảm một chút thì chẳng thể thành phân tử nước. Phật pháp cũng vậy, chỉ có y theo những gì Phật thuyết mà tu mới có thể liễu sinh thoát tử. Nếu sửa đổi lời Phật thuyết thì chính là ma thuyết! Y theo lời Ngài mà thực hành, nhất định sẽ thành tựu. Tuyệt đối không thể viện cớ, lấy tiếng là “để cho thuận hợp với thời đại trào lưu”, hoặc nhân danh “tân tiến” mà xuyên tạc bóp méo…
Cho nên, qui y Phật không phải là qui y riêng với một vị Phật nào, mà bao gồm qui y tự tính Phật của tất cả chư Phật tận hư không khắp pháp giới. Qui y tự tính Phật có nghĩa là tâm chúng ta từ hắc ám chuyển sang quang minh, tức tâm là Phật!
Qui y Pháp cũng không phải qui y với riêng một bộ kinh nào của Phật giảng, mà là qui y tất cả Phật pháp hiện hữu. Trong “Luận Đại Trí Độ” nói: Phật pháp không những do chính kim khẩu Phật thuyết mà còn là thiện ngữ chân thật, vi diệu, tốt lành của thế gian, tất cả đều xuất sinh trong Phật Pháp.
Trong “Phật Tỳ Ni” thuyết: Sao là Phật pháp? Phật pháp do (ngũ chủng nhân) năm loại người thuyết:
Một là từ kim khẩu Phật thốt ra. Hai là do đệ tử Phật nói. Ba là do tiên nhân nói. Bốn là do chư thiên nói. Năm là do hóa nhân nói.
Kinh pháp Phật giảng, có khi vì người mà phương tiện thuyết pháp cứu cánh viên mãn. Chữ (經) “Kinh” củaTrung Quốc có nghĩa là (路 lộ) “đường”. Bên trái chữ kinh (經) có chữ (幺) yêu, là biểu thị đường vòng, cong quanh. Còn ba chấm (小) ở dưới chỉ cho núi cao hoặc vực sâu. Phần dưới cụm chữ bên phải hàm ý: Đường thẳng ít mà cong thì nhiều.
Phật giảng kinh thuyết pháp là chỉ chúng ta cách đi trên con đường nhân sinh như thế nào, làm sao không bị va vào núi cao, không té vào vực sâu. Chẳng nên đi đường vòng (ngoài tâm cầu pháp). Thế nên những kinh pháp Phật giảng đều là diệu pháp cao tột, vì muốn giáo hóa người có căn cơ bất đồng lìa khổ được vui mà lập ra.
Giống như giáo trình Tiểu học và Đại học được biên soạn là dành cho người có trình độ bất đồng, chỉ cần phù hợp căn cơ thì thảy đều là tuyệt hảo, hạng nhất hết.
“Quy y Tăng”, nghĩa là qui y tất cả Hiền Thánh, là những bậc có đức hạnh siêu phàm. Cũng có thể gọi là “thượng nhân” (là “người trên tất cả người”).
Qui y Tăng, là qui y Phúc điền Tăng thanh tịnh, bậc không tham tài sắc danh lợi. Xin giảng rõ hơn một chút, hiện nay đã không còn là thời Phật ngủ qua đêm dưới cây hay đi khắp nơi khất thực mỗi ngày một bữa. Vì hồi đó Phật và đệ tử sinh sống tại Ấn Độ, trên thân trừ y bát ra không có thứ gì, còn ngày nay tu sĩ còn có Tự viện, Am đường, chỉ cần Tăng chúng tu hành y như Phật chỉ dạy, tất nhiên sẽ được nhân, thiên… cúng dường. Vì “đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần khâm”.
Cho nên ngoài tứ sự cúng dường ra mà còn tham lam hướng người chìa tay xin tiền xin vật, đều không thể xem là bậc chân tu, càng chẳng phải là hiền thánh. Ngài Tuyên Hóa từng giảng: Hễ tu mà còn tham tiền thì không xứng được bá tính và cư sĩ kêu sư phụ, càng không có tư cách xưng sư phụ, bởi vì Sư: Là hướng dẫn tri thức; Phụ: Là nuôi dưỡng con trưởng thành, mà bậc từ phụ thì chỉ hướng dẫn con (cho ra mà không đòi nhận, chỉ khi con thành tài rồi thì tự nhiên sẽ cung dưỡng phụ mẫu).
Ngài còn giảng: Người xuất gia khi thọ người đảnh lễ, nếu không đắp y (đại diện phúc điền y của Phật) thì xem như chỉ là bá tính cạo đầu suông, không đủ tư cách nhận người đảnh lễ. Bởi vì bạn vốn là kẻ phàm phu xuất gia tu hành, trước khi chưa chứng quả Phật, Bồ-tát, bạn vẫn là một phàm phu, cho dù có làm Hòa thượng trụ trì chăng nữa, thì chỉ khi thân có đắp Thượng y mới đủ tư cách nhận người đảnh lễ, nếu không sẽ bị tăng tội tiêu phúc.
Ngài Tuyên Hóa mỗi lúc nhận đệ tử đảnh lễ, trước tiên ngài đều đắp Thượng y vào, rồi mới cho họ lễ. Ngài nói: “Không đắp y mà nhận người đảnh lễ sẽ làm tiêu hao phúc báo của mình (bao gồm cả việc mình tự xưng danh chức)… chẳng hạn như danh từ Thượng nhân, Pháp sư, Đại sư… hay Cư sĩ là do người vì cung kính mà gọi thế, chứ bản thân mình không nên tự xưng ta là Pháp sư, Cư sĩ… lúc tự giới thiệu mình, chỉ nên xưng pháp danh là đủ.
Tóm lại, người không giữ giới Phật, cho dù có mang tướng xuất gia, cũng không phải đệ tử Phật, đương nhiên không thể dự vào hàng ngũ Hiền Thánh.
Hiện nay, mọi người đều nói là thời kỳ mạt pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, tà pháp cũng nhiều. Đúng như trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói: “Họ giả mượn y phục ta, buôn bán Như Lai, tạo đủ tội khiến kẻ sơ học khó phân rõ chánh tà, sinh hiểu biết lầm lạc…” phát sinh cảnh kẻ mê mờ truyền dạy điều hồ đồ! Nên tương lai sư phụ vào địa ngục, trò cũng lót tót theo sau.
Người muốn tu học Phật pháp, cần phải thâm nhập kinh tạng, xem nhiều kinh sách, để có thấy biết chân chính. Phải lấy pháp Phật thuyết làm tiêu chuẩn, mới có thể đạt được ích lợi và không bị những kẻ gạt lường tự xưng là “Phật sống, Bồ-tát tái lai” hay mạo danh “Hòa thượng Diệu Pháp” để lừa bịp…
Sám văn:
Ngày nay Đại chúng nên biết vì sao phải qui y Tam bảo.
Vì chư Phật, Bồ-tát, có lòng từ vô hạn tế độ thế gian, có lòng đại bi vô lượng an ủi thế gian, thương hết thảy chúng sinh như con một.
Lòng đại từ, đại bi ấy thường không biết mỏi mệt, hằng làm việc lành lợi ích cho tất cả: Thề dập tắt lửa tham sân si cho chúng sinh, giáo hóa khiến cho tất cả đều chứng được quả Vô thượng Bồ đề. Nếu chúng sinh không chứng quả Bồ đề, thệ không thành chánh giác. Vì duyên cớ này mà đại chúng cần phải qui y.
Giải thích:
Chư Phật, Bồ-tát có lòng đại từ đại bi vô hạn, hai từ vô hạn này là chỉ thời gian không ngừng, không kết thúc. Chữ 濟 tế trong đây hàm ý không có bất kỳ thiếu sót, khuyết lậu nào, mà rất viên mãn. Bi: hay bạt khổ. Từ: khéo ban vui cho chúng sinh. Phật thương hết thảy chúng sinh như con, hai từ “chúng sinh” không chỉ riêng nhân loại mà chỉ chung tất cả mọi loài, nhất định phải giúp chúng sinh dập tắt lửa tham sân si, không những khiến chúng ta chuyển cuộc sống phiền não thành an vui, mà còn giúp chúng ta liễu sinh thoát tử, vĩnh viễn không quay lại thọ khổ trong lục đạo tam giới nữa, vì vậy mà chúng ta cần phát nguyện quy y chư Phật, Bồ-tát.
Phát nguyện độ chúng sinh thành tựu Phật đạo là phi thường đáng quý. Trong kinh Hiền Ngu có câu chuyện như sau:
“Thời Phật ở Xá Vệ nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, trong nước có một nữ nhân nghèo khổ cô đơn xin ăn sống qua ngày tên Nan Đà. Cô thấy quốc vương đại thần và bao người cúng dường Phật và chúng tăng. Trong lòng hết sức hổ thẹn buồn bã. Biết mình do đời trước tạo tội mà bị nghèo hèn. Nay đã được gặp ruộng phước mà lại không thể cúng dường chi thì rất uổng, thế là cô bèn đi xin, mong có được vật gì đó để cúng dường Tam bảo.
Nhưng xin cả ngày mà chỉ được một xu. Cô liền đến tiệm mua dầu. Chủ quán hỏi:
– Một xu đâu có mua được bao nhiêu dầu, cô dùng làm chi?
Nan Đà liền thổ lộ ước mơ được cúng dường Tam bảo của mình, người bán dầu nghe vậy cảm thông, liền bán cho cô nhiều gấp đôi. Nan Đà vui lắm, cô chế ra một cây đèn dầu nhỏ đem đến tịnh xá cúng Phật. Cô đặt vào hàng đèn đầu tiên trước Phật và phát nguyện:
– Con hiện nay quá nghèo, chỉ có cây đèn nhỏ xíu này cúng dường Phật, nguyện nhờ công đức này, khiến đời sau con đắc đại trí huệ, có thể chiếu soi diệt trừ u ám cấu uế cho tất cả chúng sinh. Phát thệ xong, cô lễ Phật rồi đi.
Lúc trời sáng, chỉ duy nhất ngọn đèn nhỏ của Nan Đà còn cháy mạnh, lúc này Mục Kiền Liên là đệ tử thần thông bậc nhất của Phật đang trực ngày hôm đó, thấy trời sáng bèn đi thu dọn đèn. Phát hiện cây đèn tuy nhỏ mà cháy sáng dữ, tim đèn cứ như mới thắp, không có bất kỳ tổn hoại nào, Mục Liên thầm nghĩ: “Ban ngày đâu cần để đèn cháy làm chi”…, bèn cầm lên quạt tắt nó, nhưng quạt mấy nó cũng không tắt, nó vẫn cháy mãnh liệt… Phật thấy vậy bèn bảo Mục Liên:
– Cây đèn này không phải hàng Thanh văn La hán như các ông có thể làm lay động được, dù ông có dùng thần thông lấy hết nước bốn biển hay hiện cuồng phong mà dập tắt thì cũng chẳng được, bởi vì đây là đèn của một người cúng dường đã phát đại Bồ đề tâm sẽ quảng tế chúng sinh…
Phật nói xong thì vừa vặn lúc đó Nan Đà đi đến bái kiến Phật. Thế Tôn bèn thọ ký cho cô:
Tương lai, vào khoảng hai A tăng kỳ trăm kiếp, Ngươi sẽ thành Phật hiệu là Đăng Quang (đèn sáng) có đủ mười danh hiệu của Phật.
Nan Đà được thọ ký hết sức vui mừng, cô vội quỳ xuống xin xuất gia. Phật đồng ý độ cho cô thành Tỳ-kheo-ni”.
Mọi người xem, cây đèn nhỏ của một cô gái nghèo cúng dường, phát tâm Bồ đề nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, khiến bậc thần thông đệ nhất như Mục Kiền Liên không thể nào dập tắt được, đủ thấy sức mạnh của tâm Bồ đề vi diệu không thể nghĩ lường. Vì vậy nếu không phát Bồ đề tâm ắt chẳng thể thành Phật, chúng ta tu hành nhất định phải phát Bồ đề tâm, mà phát Bồ đề tâm đầu tiên chính là: Phải qui y Tam bảo.
Sám văn:
Chư Phật thương xót chúng sinh vượt xa cha mẹ. Cha mẹ thương con chỉ một đời, còn lòng Phật thương chúng sinh là vô tận. Cha mẹ thấy con vong ân bội nghĩa thì sinh giận hờn, tình thương giảm sút. Còn chư Phật, Bồ-tát thì không như vậy, thấy chúng sinh bội nghịch lòng càng xót thương. Đến nỗi các Ngài còn vào ngục Đại Hỏa Luân, địa ngục Vô Gián… mà thay chúng sinh chịu vô lượng khổ.
Chư Phật, Bồ tát thương chúng sinh hơn cha mẹ, nhưng do chúng sinh bị vô minh che lấp trí huệ, phiền não làm mờ tâm, đối với chư Phật, Bồ-tát không biết quy hướng. Dù gặp các Ngài thuyết pháp giáo hóa, không những họ chẳng tin mà còn buông lời phỉ báng, nói năng thô lỗ, chừa từng có chút lòng nhớ ân chư Phật. Do bởi không tin nên chúng sinh cứ tạo tội rồi đọa vào các đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; chịu vô lượng khổ.
Khi tội hết được ra, tạm sinh làm người, thì tai mắt không đủ, thân thể xấu xa, không biết tu thiền định và ngu si vô trí. Chúng sinh có những quả báo làm chướng ngại như vậy là do không có lòng tin.
Giải thích:
Do không tin chánh pháp, tất nhiên sẽ chẳng thèm tu, tương lai ắt mãi luân hồi nơi cõi ác, lăn lộn trong tam đồ. Thọ tội xong thì sinh vào nhân gian, lại bị mang thân tàn tật, xấu xí, mắt tai mũi lưỡi thân ý không được vẹn toàn hoặc bị chướng ngại. Đây là tự làm tự chịu, vì không có định lực trí huệ, do chẳng tin Phật pháp mà tạo thành. Những người này rất đáng thương.
Chư Phật, Bồ-tát đều có nguyện lực thay chúng sinh thọ khổ. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều thứ tám của Bồ tát là:
“Sinh tử mênh mông, khổ hải vô lượng, phát tâm phổ độ tất cả, nguyện thay chúng sinh thọ vô lượng khổ, khiến chư chúng sinh an lạc”.
Chúng ta thường nghe chư cao tăng đại đức phát nguyện: “Nguyện bệnh khổ chúng sinh trong thiên hạ mình tôi chịu thay, nguyện phúc báu hiện đời xin thí hết cho chúng sinh trong thiên hạ…”
Như Hòa thợng Hư Vân, Quảng Khâm, Tuyên Hóa, v.v… đều là từng phát tâm thay chúng sinh chịu khổ mà thị hiện thân bệnh để gánh bớt nghiệp thay chúng sinh, giảm nhẹ thống khổ cho họ.
Hòa thượng Hư Vân, lúc tuổi cao còn bị ngược đãi, bị đánh đến ngất đi, cũng là thay chúng sinh tiêu nghiệp. Nếu không có bậc thánh nhân như ngài thay chúng sinh gánh bớt nghiệp khổ, thì lúc đó bá tính bị thảm nạn còn trầm trọng hơn.
Thay chúng sinh gánh nghiệp, giống như “Kinh Địa Tạng” từng mô tả: “Nếu gặp thiện tri thức ra sức gánh phụ, hoặc gánh vác hết dùm, là vị tri thức ấy có đại lực…” người tu hành đức hạnh cao, chỉ cần phát nguyện chia sớt nghiệp tội giúp chúng sinh, thì khổ đó sẽ gánh ngay trên thân mình. Giống như người dốc toàn lực chăm sóc bệnh nhân, thì thân cũng bị mệt nhọc ảnh hưởng lây vậy.
Tình huống các hành giả khi gánh nghiệp phụ cho người khác thường bị sinh bệnh hoặc thọ khổ rất thường xảy ra.
Chỉ người nghiêm trì giới luật, có đủ định huệ mới là Thiện tri thức có đại lực. Cho nên người đại tu hành mà bị bệnh nặng, cũng có thể do “đại nguyện tạo thành”, chuyện này trong sử Phật giáo ghi rất nhiều. Nhưng liệu có được mấy người tin và hiểu?
Có người chẳng những không tin, lại còn phỉ báng:
– Thấy chưa? Tại Sư X tu hành không tốt nên mới bị bệnh nặng vậy đó!
Và họ thốt lên lời gièm chê chỉ trích đủ hết…
Đây là lời của người cống cao ngã mạn. Bọn họ nào biết: “Phỉ báng bậc đại Thiện là tạo tội địa ngục, là đang bị vô minh che huệ, tự cắt đứt đường tu của mình”.
Giải thích đến đây tôi bỗng nhớ tới chuyện Phật phái ngài Văn Thù đi thăm bệnh Cư sĩ Duy Ma Cật. Đoạn văn đối thoại rất hay:
Ngài Văn Thù hỏi:
– Nay bệnh của cư sĩ dễ chịu không? Điều trị có bớt mà chẳng thêm không? Thế Tôn gởi lời vô lượng ân cần để hỏi thăm cư sĩ. Bệnh do đâu mà khởi? Đã bao lâu rồi? Làm sao mới khỏi được?
Cư Sĩ Duy Ma Cật đáp:
– Từ Si có Ái thì bệnh Ngã sanh. Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh, nếu tất cả chúng sanh chẳng bệnh thì tôi khỏi bệnh. Tại sao? Bồ Tát vì độ chúng sanh nên vào sanh tử, có sanh tử thì có bệnh. Nếu chúng sanh được lìa bệnh thì Bồ Tát chẳng còn bệnh. Ví như trưởng giả chỉ có một đứa con, con bệnh thì cha mẹ cũng bệnh, nếu con lành bệnh thì cha mẹ cũng lành. Bồ Tát cũng như thế, đối với chúng sanh thương mến như con ruột, nếu chúng sanh bệnh thì Bồ Tát bệnh, chúng sanh lành bệnh thì Bồ Tát cũng lành. Còn nói về bệnh này do đâu mà khởi, bệnh của Bồ Tát do Đại Bi khởi.
Cư sĩ Duy Ma Cật đã giảng giải rõ như thế, chúng ta tuyệt không nên vừa nghe Hòa thượng X hay Cư sĩ Y… bị bệnh, thì liền khởi tâm khinh dễ miệt thị:
“Tại họ không tu hành!”.
Đây có thể là nghiệp tiền sinh hoặc do họ phát nguyện thay chúng sinh gánh bệnh. Những người đối với chư đại đức cao tăng bị bệnh mà sinh nghi, thốt lời hủy báng, thì nên mau mau sám hối. Như lỡ buông lời phỉ báng qua sách hoặc băng đĩa, thì phải lập tức đính chính sám hối sửa sai ngay, mới có thể làm tiêu tan ảnh hưởng chẳng lành, bằng không sẽ đọa A tỳ địa ngục.
Sám văn:
Ngày nay đại chúng đã biết tội nghi nặng hơn các tội, khiến người tu hành lâu mà vẫn không được thấy Phật.
Từ nay trở đi, cho đến ngày thành Phật, nguyện khởi lòng tin kiên cố, không thối chuyển.
Khi xả thân nầy dù sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hay những nơi có đủ khổ não khó kham, chúng con xin thề: Không vì khổ ấy mà mất lòng tin hôm nay.
Nguyện Chư Phật, Bồ-tát, đồng gia tâm cứu hộ, khiến đệ tử… tín tâm kiên cố, chúng ma, ngoại đạo cũng không thể phá hoại. Xin chí tâm, tha thiết, đầu thành đảnh lễ…
Giải thích:
Do đối với lời Phật dạy không tin, nên nhiều người cả đời chẳng được nghe Phật pháp. Tin là mẹ của đạo, là cội nguồn công đức giúp trưởng dưỡng tất cả thiện pháp. Cho nên nói: “Bất tín là thiệt thòi nhất”.
Hôm nay đại chúng dự hội lễ bái, đồng nghe sám văn phát lộ tội, sinh lòng hổ thẹn, nhất định đã biết lỗi thì phải sửa, phải tu dũng mãnh tinh tấn, dùng tâm bi thống vạn phần, chí thành đảnh lễ cầu chư Phật, Bồ-tát gia trì tiêu tan nghiệp tội. Khi tội tiêu thì nhất định không tạo thêm nữa. Được thanh tịnh rồi, từ này về sau, phải nghiên cứu kinh tạng để hiểu sâu mà như pháp tu hành, tuyệt chẳng nên hoài nghi, thối tâm, mới có thể nhập vào của chánh tín Phật giáo. Nếu không làm vậy, thì trên đường tu sẽ gặp chướng ngại trùng trùng. Giả như sinh ra vẫn không thể thoát sinh tử, thì bất kể tương lai sinh vào cõi nào, mang thân gì, chúng ta cũng chẳng mất lòng tin hôm nay. Ngưỡng nguyện chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ.
Sám văn:
Cõi trời, cõi người đều huyễn, mong manh, biến hóa vô cùng. Do chúng sinh chìm đắm mãi trong vòng sinh tử, trôi lăn hoài trong biển ái khổ đau. Thấy chúng sinh đau khổ như vậy, Phật rất thương xót.
Giải thích:
Kinh Bi Hoa dạy: “Nguyện lực chư Phật, Bồ-tát mỗi mỗi không đồng nhau, Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện tướng đoản thọ, vì thương chúng sinh trôi nổi đắm chìm trường kỳ trong biển khổ, nên dùng thân phú quý, đoạn dục khử ái, tìm phương giải thoát sinh tử, thị hiện cho chúng ta thấy cảnh sáu năm khổ hạnh nơi núi tuyết, ngoài tâm cầu pháp không thể thành, cuối cùng buông hết tất cả vọng tưởng, ngồi dưới cội Bồ đề giác ngộ thành Phật”.
Điều này khai thị cho chúng ta: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, chỉ cần buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước đối với ngũ ấm, đều có thể thành Phật.
Phật Thích Ca Mâu Ni 49 năm bôn ba gian khổ, không ngại nhọc nhằn, giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa điều phục những chúng sinh cang cường như chúng ta, những gì cần giảng đã giảng xong, chúng sinh cần độ đã độ hết, thì thị hiện nhập Niết bàn! Nếu Ngài còn trụ lâu ở đời, đệ tử Ngài sẽ ỷ lại mà chẳng thèm tinh tấn, giống như cha giàu sang còn sống ở đời, thì con cái hay có tâm ỷ y, không chịu tự lập gánh vác gia nghiệp.
Thực ra Phật chưa từng rời bỏ chúng ta. Đúng như “Kinh Địa Tạng” từng giải thích: Đến nay Phật Thích Ca vẫn dùng trăm ngàn vạn ức hóa thân, tại vô lượng thế giới giáo hóa cứu độ chúng sinh, hoặc hiện thân nam, nữ, thiên long, quỷ thần, thậm chí còn hiện làm núi, rừng, sông, ngòi, ao, hồ, giếng, suối… để làm lợi ích cho tất cả. Nhưng hạng chúng sinh như ta bị vô minh che lấp trí huệ, giống như con kiến bò trên đất không nhìn được bao la. Chư Phật, Bồ-tát xưa nay chưa từng bỏ đi hay lìa xa chúng ta, thậm chí còn ở lẫn lộn ngay trong đám chúng ta, có nhiều Đại đức đều là Bồ-tát, La hán tái lai!
Giống như các ngài: Ma Đằng Trúc Pháp Lan, Tổ sư Đạt Ma, Hòa thượng Hư Vân, Đại sư Hoằng Nhất, Đại sư Ấn Quang v.v… thậm chí cả trong đám bá tính, những vị vì nước vì dân hy sinh quên mình, tất cả ngôn hạnh đều nhắm vào làm lợi ích cho người, có thể nói đều là hóa thân chư Phật, Bồ-tát. Vì vậy, chúng ta nhất định phải có lòng tin kiên cố, phải lấy giới làm thầy, tu cho đến chứng Bồ đề.
Sám văn:
Chư Phật, Bồ-tát chưa bao giờ không lưu tâm hoằng hóa, tế độ, làm lợi ích cho chúng sinh. Kinh Tam muội dạy: “Tâm chư Phật là tâm đại bi; chỗ tâm của Phật chiếu đến là nơi chúng sinh thọ khổ”.
Phật thấy chúng sinh chịu khổ thì đau như tên bắn vào tim, tâm thương xót không yên, nên muốn diệt khổ ngay cho chúng sinh được an vui.
Chư Phật hóa độ chúng sinh luôn bình đẳng, Đức Thích Ca ai cũng ca ngợi Ngài là Đấng dũng mãnh, khéo nhẫn chịu khổ để độ chúng sinh, cho nên phải biết từ ân của Bổn sư rất sâu nặng. Ngài hay ở nơi chúng sinh khổ đau thuyết pháp, làm lợi ích cho tất cả.
Giải thích:
Người nghiệp chướng sâu nặng như chúng ta mãi đến nay vẫn chìm trong biển khổ chưa thoát ra, thảy đềudo nghiệp lực chướng ngăn… Do tâm ích kỷ tự lợi không có chút từ bi, nên chẳng nghe được một câu từ kim khẩu Phật thuyết, còn nói chi đến chuyện được chứng kiến cảnh Thế Tôn thị hiện nhập Niết bàn chói lọi dưới cội Sa la? Mãi đến hôm nay ta mới kết được Phật duyên hội tụ lễ sám, sinh tâm bi luyến Như Lai, đây thực khiến chúng ta hổ thẹn đau lòng, ảo não không thôi, xin chí thành đảnh lễ…
Sám văn:
Nguyện vì quốc vương chủ nước, nhân dân, phụ mẫu, sư trưởng, tín thí đàn việt, thiện ác tri thức, chư thiên, chư tiên thông minh chánh trực, thiên địa hư không, hộ thế tứ vương, chủ thiện phạt ác, thủ hộ trì Chú, ngũ phương Long vương, Long Thần Bát Bộ… mà đảnh lễ Tam bảo.
Giải thích:
Tín thí: Người dùng tài vật cúng dường có lòng tin đối với Phật pháp. Đàn việt: Thí chủ.
Long Thiên Bát Bộ: Tức Thiên Long Bát Bộ (gồm có 8 loại): 1. Chư thiên Phạm thiên Đế thích, 2. Rồng, 3. Dạ xoa, 4. Càn thát bà (nhạc thần), 5. Atu-la: Thuộc loài quỷ thần (gần như trời mà không phải trời, vì không có đức độ lại ưa tranh đấu), 6. Ca lâu la (là Kim Xí Điểu tức chim đại bàng cánh vàng), 7. Khẩn na la (cũng gọi là phi nhân, trên đầu có sừng, là thần âm nhạc múa hát của Đế Thích), 8. Ma hầu la già: Tức thần đại mãng xà.
Tám bộ này thường ủng hộ Phật pháp, mắt người thường không nhìn thấy họ. Dù không thể thấy, nhưng họ thực sự có tồn tại.
Xin thay hết thảy chúng sinh chí thành đảnh lễ qui y mười phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng…
Chư Phật là bậc đại thánh, thấu rõ hết thảy pháp, là Đạo sư của Trời người, nên con nguyện qui y.
Tôn pháp tánh thường trú, tâm địa hằng thanh tịnh, hay trừ bệnh thân tâm, nên con nguyện qui y.
Đại địa chư Bồ-tát, Vô trước tứ Sa môn hay cứu hết thảy khổ, nên con nguyện qui y.
Sa môn: Gọi chung người xuất gia.
Tứ Sa môn: Gồm có bốn loại Sa môn:
Bốn hạng Sa môn này đều phát huy tác dụng giáo hóa tha nhân (Ô đạo Sa môn khiến người nhìn ra những tệ lậu mà không làm giống như họ).
Sám văn:
Chúng con tên… ngày nay xin thay các chúng sinh mà qui y Tam bảo. Nguyện nhờ công đức này khiến các chúng sinh đều được mãn nguyện.
Nguyện các chúng sinh ở trong loài trời hay tiên… hết nghiệp hữu lậu3, ở trong loài A tu la xả bỏ tánh kiêu mạn, ở trong loài người thì không còn khổ đau. Nếu ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì được tức khắc thoát ly.
Lại nữa, nguyện hôm nay những ai được nghe và không nghe danh Tam bảo đều nhờ thần lực của Phật mà được giải thoát, hoàn toàn thành tựu Vô thượng Bồ đề.
Giải thích:
Đoạn văn trên cầu Phật lực gia trì tất cả chúng sinh trong lục đạo, nhờ quy y Tam bảo mà lìa khổ được vui, chứng đắc trí huệ sớm thành Phật.
Công đức quy y Tam bảo không thể nghĩ lường, trong “Chúng Kinh Tạp Thí Dụ” có kể một câu chuyện nhờ quy y Tam bảo mà chuyển đổi số mệnh như sau:
“Có một vị trời hưởng phúc trời đã hết, sẽ phải đầu thai xuống nhân gian làm con của một ả heo nái ghẻ chốc nơi một nhà nghèo nọ. Nhờ các thiên nhân bạn nhắc nhở nên ông vội quy y Tam bảo, nhờ vậy mà kịp thời sinh vào một gia đình trưởng giả phú quý, thông minh trí huệ, sinh ra rồi mà miệng vẫn còn niệm:
Xin quy y Phật, Pháp, Tăng… và ngay từ thuở bé thơ đã được gặp Phật, nghe Pháp chứng Vô sinh pháp nhẫn.
Nghe xong câu chuyện thực này, người đã quy y Tam bảo cần kiên định niềm tin đối với Tam bảo, và người chưa quy y lại còn do dự hay sao? Là đệ tử Tam bảo, khi gặp những chúng sinh chưa học Phật, bao gồm súc sinh, quỷ thần v.v… ta cũng có thể truyền Tam quy cho họ, đây gọi là giúp chúng cùng Tam bảo kết duyên, trồng thiện nhân giải thoát tương lai.
Ắt sẽ có người hỏi: Thay chúng sinh quy y sám hối, tạo công đức có hiệu quả chăng?
– Có! Trong “Kinh Địa Tạng” nói: – Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.
Cho nên, vì quyến thuộc hiện tại hoặc quá khứ tu phúc, sám hối, lý này cũng giống vậy. Đại sư Ấn Quang tại pháp hội “Hội Quốc Tiêu Tai” nơi Thượng Hải từng kể một câu chuyện:
“Mẹ cư sĩ Hoàng Hàm ở Thượng Hải, không thể ăn chay, hơn nữa bà không tin ăn chay là cần thiết cho việc tu học theo Phật. Hoàng Hàm bèn thỉnh giáo ngài Ấn Quang và được dạy: Hằng ngày nên ở trước Phật, sớm tối sám hối nghiệp chướng thay cho mẹ. Do mẫu tử tình thâm, nhờ mối tương quan thiêng liêng cộng thêm lòng chí thành sẽ chiêu được cảm ứng…
Hoàng Hàm vâng lời làm theo. Hơn một tháng, mẹ ông phát tâm ăn chay trường, năm đó bà 81 tuổi, mỗi ngày bà siêng năng niệm Phật hai mươi ngàn câu, đến 93 tuổi thì qua đời”.
Mẫu thân Hoàng Hàm vốn là một người ngoan cố, trước đây bà thà ăn cơm trắng chứ nhất quyết không dùng chay, sau khi được con tụng kinh sám hối thay cho rồi thì bà bỗng thay đổi, tự phát tâm ăn chay. Lời thuật của Đại sư Ấn Quang dạy rất đáng để chúng ta noi theo.