Nội dung:
Chớ theo pháp hạ liệt …
Câu pháp này được Thế Tôn nói khi Ngài ở Kỳ Viên, với một Tỳ-kheo trẻ.
Tích truyện:
Vào sáng sớm, một vị Trưởng lão và một Tỳ-kheo trẻ đi đến nhà bà Visàkhà để nhận phần cúng dường tại đấy, bà luôn luôn cúng bánh và cháo. Vị Trưởng lão sau khi ăn cháo, bèn đi sang nhà khác, để thầy Tỳ-kheo ở lại. Lúc đó, cô cháu gái của bà Visàkhà đang giúp bà ngoại cúng dường các sư. Khi nàng rót nước vào bát cho thầy Tỳ-kheo, thấy gương mặt mình phản chiếu trong nước, nàng mỉm cười; thầy Tỳ-kheo nhìn vào và cũng cười.
Cô bé thấy thầy cười, bèn nói:
– Một chiếc đầu trọc cười.
Thầy nổi xung, mắng lại cô:
– Cô là kẻ trọc đầu, má cô, ba cô cũng trọc đầu.
Cô bé òa khóc lên, vào bếp mách bà.
Bà Visàkhà hỏi:
– Chuyện gì thế, cháu cưng?
Cô bé kể lại câu chuyện. Bà Visàkhà lập tức đi đến chỗ thầy Tỳ-kheo và thưa:
– Bạch Ðại Ðức, xin Ngài đừng phiền. Ngài hiểu lầm chỗ này. Ðó chỉ là biểu hiện sự tôn trọng sâu xa đối với một vị tu sĩ râu tóc cao sạch, tay cầm bình bát nứt bể đi khất thực trong mảnh y vá víu.
Thầy Tỳ-kheo đáp nữ thí chủ:
– Ðúng thế, bà hiểu theo luật, tóc râu.. của tôi đều phải cắt sạch. Nhưng cô bé này có được quyền hỗn láo gọi tôi là “đầu trọc” không?
Bà Visàkhà không thể nào khuyên can cả thầy lẫn cháu.
Lúc ấy, Trưởng lão trở về và hỏi:
– Chuyện gì thế, nữ thí chủ?
Sau khi nghe qua câu chuyện, Trưởng lão rầy vị Tỳ-kheo:
– Thôi đi! Chú phải bình tĩnh. Không có gì sỉ nhục cho một sư tóc tai cắt sạch, mặc áo và đi khất thực.
– Bạch Ngài, đúng vậy. Nhưng tại sao thay vì khiển trách nữ thí chủ, Ngài lại khiển trách con? Ngài nghĩ xem có thích đáng không, khi chế giễu một nhà sư bằng câu nói: “Thầy trọc đầu”?.
Vào lúc đó, đức Thế Tôn đi đến, Ngài hỏi:
– Chuyện gì vậy?
Bà Visàkhà kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Ðức Thế Tôn nhận biết thầy Tỳ-kheo có khả năng chứng quả Tu-đà-hoàn, Ngài nghĩ thầm “Ta phải tiếp tay thêm để giúp thầy Tỳ-kheo này”. Ngài bảo bà Visàkhà:
– Nhưng này, Visàkhà! Có thích đáng cho cháu gái bà không, khi chỉ vì đệ tử Ta đi khất thực với râu tóc nhẵn nhụi, đã chế nhạo và gọi các thầy là đầu trọc?
Thầy Tỳ-kheo trẻ lập tức nhảy lên, chắp tay hướng về Thế Tôn với tất cả lòng thành khẩn, nói:
– Bạch Thế Tôn! Chỉ có Ngài hiểu đúng vấn đề, mà ngay cả thầy con hay bà thí chủ giàu có này cũng không hiểu.
Ðức Phật biết thầy đã hòa dịu, bèn nói:
– Thái độ chế giễu, nhạo báng lấy đó làm vui là thái độ thấp hèn không nên có, cũng như không nên sống buông thả phóng dật.
Ngài đọc Pháp Cú:
(167) Chớ theo pháp hạ liệt,
Chớ sống mặc, buông lung,
Chớ tin theo tà kiến,
Chớ tăng trưởng tục trần.
Nỗ lực, chớ phóng dật …
Câu Pháp Cú này được đức Phật nói ra khi Ngài đang ở Banyan Grove, liên quan tới phụ vương Ngài.
Khi đức Phật trở về thành Ca-tỳ-la-vệ lần đầu tiên sau ngày thành đạo, hoàng tộc đến trước đón tiếp Ngài. Vào dịp này, để đánh đổ lòng kiêu ngạo của hoàng gia, Ngài dùng thần thông tạo nên một con đường bằng châu báu ở trên không, Ngài đi qua đi lại ở trên đó, vừa đi vừa thuyết pháp. Mọi người trong hoàng tộc đều sanh lòng tin phục, khởi đầu là vua Tịnh Phạn. Và một trận mưa rơi trên thân tộc, khiến dân chúng bàn tán sôi nổi. Ðức Phật nói:
– Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải lần đầu mà trận mưa rơi trên hoàng tộc của Ta, điều này đã xảy ra ở quá khứ.
Ngài nói Bổn Sanh Vessantara.
Sau khi nghe Ngài thuyết pháp, hoàng tộc đứng dậy ra về, không ai thỉnh mời đấng Ðạo sư. Vua Tịnh Phạn cũng nghĩ rằng: “Nếu con ta không về nhà ta thì đi đâu?”, nên nhà vua về cung điện, không mời Phật. Tại hoàng cung, nhà vua ra lệnh chuẩn bị thức ăn và tòa ngồi cho hai ngàn Tỳ-kheo. Ngày kế, đức Phật đi vào thành khất thực, Ngài nghĩ thầm: “Khi chư Phật thời quá khứ trở về thành của phụ vương, các Ngài đi thẳng về nhà hay đi khất thực như thường lệ?” Thấy rằng chư Phật đều đi khất thực từng nhà, đức Bổn Sư cũng đi từng nhà xin ăn. Tiếng đồn đến tai vua Tịnh Phạn, nhà vua vừa choàng áo vừa đi đến chỗ Phật phủ phục trước Ngài và nói:
– Này con, sao con sỉ nhục cha đến thế? Cha rất hổ thẹn khi thấy con đi xin ăn từng nhà. Chính thành phố này còn không đáng cho con đi xin bằng kiệu vàng nữa là.
– Ðại vương! Ta không sỉ nhục Ðại vương. Ta chỉ giữ đúng theo truyền thống của dòng dõi.
– Nhưng, này con! Truyền thống của dòng họ ta là đi xin ăn từng nhà ư?
– Không, đại vương! Ðó không phải là truyền thống của Ngài. Ðó là truyền thống của Ta, vì hàng nghìn chư Phật đã đi từng nhà để xin ăn.
Ðức Phật nói Pháp Cú:
(168) Nỗ lực, chớ phóng dật!
Hãy sống theo chánh hạnh.
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau.
(169) Hãy khéo sống chánh hạnh,
Chớ sống theo tà hạnh!
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này đời sau.
Vào cuối bài pháp, nhà vua chứng quả Dự lưu, cả chúng hội cũng được lợi ích.
Hãy nhìn như bọt nước …
Câu chuyện này xảy ra khi đức Bổn sư ở tại Kỳ Viên với năm trăm Tỳ-kheo chứng quả.
Có năm trăm Tỳ-kheo nhận đề mục thiền định từ đức Bổn Sư, trở về rừng và nỗ lực thiền định. Nhưng mặc dù gắng sức chiến đấu hết mình, họ không thể nào phát triển tuệ giác.
Các thầy nghĩ thầm: “Chúng ta sẽ đổi đề mục khác thích hợp với chúng ta hơn”. Các thầy lại chỗ Phật, trên đường đi các thầy thấy một ảo ảnh, tập trung mọi ý niệm về ảo ảnh ấy, các thầy khai mở tuệ giác. Khi bước vào sân tu viện, trời đổ mưa, các thầy đứng đấy nhìn những bọt nước nổi bập bềnh và tan nhanh chóng. Một tư tưởng trỗi dậy: “Tự ngã của chúng ta như bọt nước nổi tan”. Lập tức các thầy tập trung tư tưởng vào ý nghĩ này. Ðức Bổn Sư đang ngồi trong hương thất, bèn hóa thân đến trước các thầy, nói kệ:
(170) Hãy nhìn như bọt nước,
Hãy nhìn như cảnh huyễn!
Quán nhìn đời như vậy,
Thần chết không bắt gặp.
Nghe xong, các thầy chứng quả A-la-hán ngay tại chỗ.
Hãy đến nhìn đời này …
Câu chuyện này xảy ra khi đức Ðạo sư ở Trúc Lâm (Veluvana), liên quan tới hoàng tử Vô Úy.
Hoàng tử Vô Úy dẹp loạn ở biên giới về, vua cha Tần-bà-sa-la rất vui lòng, ban thưởng cho hoàng tử một vũ nữ trẻ đẹp, giỏi tài múa hát, và cho ở hoàng cung bảy ngày. Trong bảy ngày, hoàng tử say mê ngắm vẻ lộng lẫy của cung điện phụ vương. Ngày thứ tám, chàng vào nhà tắm bên sông, tắm xong vào vườn hoa ngồi xuống, y như tể tướng Santati ngắm cô vũ nữ nhảy múa, ca hát. Chẳng bao lâu, cũng y như cô vũ nữ của Tể tướng Santati, cô vũ nữ này bị bệnh và chết.
Hoàng tử Vô Úy rất buồn vì cái chết của nàng vũ nữ. Bất chợt một ý nghĩ thoáng qua: “Chẳng có ai ngoài đức Thế Tôn có thể làm tiêu tan nỗi buồn của ta”. Chàng đi đến chỗ đức Phật và nói:
– Bạch Thế Tôn! Xin giải trừ nỗi buồn cho con.
Ðức Phật an ủi chàng:
– Này hoàng tử! Trong vòng luân hồi vô thủy, không thể đếm được bao nhiêu lần vũ nữ kia đã chết, và cũng không lường được nước mắt mà hoàng tử khóc cho cô ấy.
Biết hoàng tử đã bớt buồn, đức Phật dạy tiếp:
– Này hoàng tử! Không nên sầu não, chỉ có kẻ khờ dại mới chôn mình trong bể ưu bi.
Ngài nói kệ:
(171) Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say.
Ai sống trước buông lung …
Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Sammùnjani.
Trưởng lão Sammùnjani luôn luôn quét dọn từ sáng đến chiều không kể giờ giấc. Một ngày nọ, người cầm chổi đến thất của Trưởng lão Revata (Ly-bà-đa), thấy vị này vẫn tĩnh tọa như thường lệ. Trưởng lão nghĩ thầm: “Nhà thầy này ăn không ngồi rồi, chỉ nhận thức ăn của thiện tín, rồi trở về ngồi trong thất mình. Sao thầy không cầm lấy chổi, quét dọn ít ra cũng được cái thất của mình?”.
Trưởng lão Ly-bà-đa nghĩ thầm: “Ta sẽ cho thầy một lời khuyên”. Ngài gọi Sammùnjani:
– Này huynh, hãy đến đây.
– Chuyện gì thế, thưa Tôn giả?
– Hãy đi tắm rồi trở lại đây với tôi.
Trưởng lão Sammùnjani vâng lời, sau đó đến ngồi một cách kính cẩn bên cạnh Trưởng lão Ly-bà-đa. Ngài Ly-bà-đa nói:
– Này huynh! Một vị Tỳ-kheo không phải lúc nào cũng quét dọn. Sáng sớm thầy Tỳ-kheo có thể quét dọn phòng xá, sau đó đi khất thực. Khất thực xong về tinh xá, ngồi tĩnh tọa một phần đêm hoặc một phần ngày, quán tưởng về ba mươi hai vật trong thân, biết rõ thân thể bất tịnh. Vào buổi chiều, thầy có thể xả thiền và quét phòng một lần nữa. Nhưng không bao giờ nên tiêu phí suốt ngày chỉ để quét dọn, hoặc tự cho phép mình có thời gian rảnh rỗi.
Trưởng lão Sammùnjani cẩn trọng vâng lời Tôn giả Ly-bà-đa, chẳng bao lâu chứng A-la-hán.
Sau đó, tuy nhiên, khắp các phòng đều đầy rác. Các Tỳ-kheo nói với Sammùnjani:
– Thưa huynh! Các phòng đều đầy rác sao thầy không quét đi?
– Thưa chư Tôn giả! Trước đây tôi buông lung nên thường quét dọn. Bây giờ tôi đã trở nên tinh cần, nên không quét.
Các Tỳ-kheo thuật lại với đức Phật:
– Trưởng lão ấy nói một đàng làm một nẻo.
Nhưng, đức Phật đáp:
– Này các Tỳ-kheo! Thầy ấy nói đúng. Trước kia, trong những ngày phóng dật buông lung, thầy ấy để hết thì giờ trong việc quét dọn. Nhưng bây giờ, thầy dành trọn thời gian trong niềm vui đạo quả, và không quét dọn nữa.
Thế Tôn nói kệ:
(172) Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che.
Ai dùng các hạnh lành …
Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở Kỳ Viên, liên hệ đến Trưởng lão Chỉ Man (Angulimàla tức Ương-quật-ma-la).
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở tại nước Xá-vệ, tinh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên. Bấy giờ trong nước của vua Ba-tư-nặc (Pasennadi) có một tên sát nhân đeo chuỗi tay người – Vô Não. Hắn ta rất hung bạo đẫm máu, chỉ giết chóc phá hoại, không thương xót ai cả. Hắn tàn phá làng nào làng ấy không sống sót, đi qua đô thị nào đô thị ấy hoang mạc, đã giết khu vực nào khu vực ấy không tồn tại. Hắn giết hết người này sang người khác, làm một xâu chuỗi bằng ngón tay các nạn nhân.
Vào một buổi sáng, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Sau khi khất thực Ngài trở về dùng buổi sáng, dọn dẹp phòng xá, rồi mang y bát vào khởi sự đi về con đường tướng cướp Chỉ Man đang ẩn núp. Các kẻ chăn bò, chăn trâu, nông dân chạy đến, thấy Thế Tôn đi về hướng ấy đã kêu lên:
– Này Sa-môn! Ðừng đi hướng đó. Về phía đó có tên sát nhân Ương-quật-ma-la đang ẩn núp. Hắn ta tàn bạo, tay đẫm máu, giết chóc tàn phá không nương tay. Hắn đến đâu là ở đó không còn sự sống. Hắn giết người, làm thành một xâu chuỗi bằng ngón tay nạn nhân đeo trên cổ. Sa-môn ơi! Thỉnh thoảng có từng nhóm mười người, hai mươi, ba mươi, bốn mươi người đi chung với nhau trên đường này, và tất cả đều chết bởi tay Ương-quật-ma-la.
Mặc cho họ lo lắng, đức Thế Tôn tiếp tục đi trong im lặng. Lần thứ hai, lần thứ ba khẩn khoản yêu cầu Ngài đừng đi, nhưng đức Thế Tôn vẫn im lặng đi tiếp.
Ương-quật-ma-la nhìn thấy Thế Tôn đi từ xa. Hắn nghĩ thầm: “Thật lạ lùng! Thật kỳ đặc! Ðã từ lâu người đi đường thường tụ tập thành từng nhóm mười người hoặc hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người đi chung với nhau trên con đường này. Vậy mà giờ đây chỉ có một Sa-môn đi một mình, không bạn đồng hành, như thể ông ta đang thắng trận. Ðược thôi, ta giết Sa-môn này”.
Ương-quật-ma-la xách gươm, nai nịt cung tên, chạy theo sau Thế Tôn. Do thần lực của Phật, nên mặc dù hắn chạy hết tốc lực, Thế Tôn đi bình thường, hắn vẫn không sao bắt kịp đức Phật. Hắn suy nghĩ: “Thật phi thường! Thật lạ lùng! Ta đã từng nắm đứng cả voi, ngựa, xe cộ, nai rừng khi chúng đang chạy. Vậy mà với Sa-môn đang đi thong thả kia, ta chạy hết sức mình vẫn không bắt kịp”. Hắn dừng lại kêu lớn:
– Sa-môn! Dừng lại! Hãy dừng lại, Sa-môn!
– Ta đã dừng. Ương-quật, ngươi cũng nên dừng lại.
Ương-quật nghĩ thầm: “Thái tử dòng họ Thích nói thật, phát ngôn thành thật, nhưng Sa-môn này nói đã dừng trong khi đang đi. Ta phải hỏi ông mới được”.
Ương-quật nói kệ:
Sa-môn!
Mặc dù đang đi, ông nói: “Ta đã dừng”.
Còn tôi đang đứng, ông lại nói: “Ngươi chưa dừng”.
Giờ đây, tôi xin hỏi câu này nhé!
Vì sao ông đã đứng mà tôi đang đi?
Thế Tôn trả lời:
– Này Ương-quật! Ta đứng lại từ lâu. Vì Ta thường tự ái với mọi người.
Còn người không chút xót thương ai. Và vì thế đã đứng còng ngươi chưa đứng, Ương-quật!
– Từ lâu tôi tôn kính Ngài, bậc trí tuệ phi thường, đại ẩn sĩ rừng sâu. Giờ đay được nghe lời chỉ dạy, tôi sẽ từ bỏ mọi hành động ác xấu.
Nói xong, tên sát nhân ném khí giới xuống hố, phủ phục dưới chân Thế Tôn xin được làm đệ tử Ngài.
Ðức Phật từ bi, đấng trí tuệ đệ nhất, bậc thầy của trời người, nói với tên sát nhân:
– Thiện lai, Tỳ-kheo!
Và chỉ như thế, đã biến y thành một Sa-môn.
Sau đó, Thế Tôn đi về thành Xá-vệ, có Thượng tọa Ương-quật làm thị giả, Ngài đi vào tinh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên. Khi ấy trước hoàng cung của vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), dân chúng tụ tập đông đảo và hô hoán:
– Muôn tâu Hoàng thượng! Có một tên sát nhân trong lãnh thổ của đại vương tên Ương-quật-ma-la. Hắn khát máu, tàn bạo, giết người không gớm tay. Hắn đi qua làng mạc, đô thị, phố xá nào, nơi ấy không ai sống sót. Hắn giết người, lấy ngón tay kết thành chuỗi đeo cổ. Xin đại vương trừng trị hắn.
Sáng sớm, vua Ba-tư-nặc rời hoàng cung với năm trăm xa mã, đi về phía tinh xá. Nhà vua đi xe trên khoảng đường có thể đi xe, xuống xa đi bộ đến chỗ Thế Tôn. Ðến nơi nhà vua cúi chào Phật và cung kính ngồi một bên. Thế Tôn hỏi:
– Ðại vương có điều gì phiền nhiễu? Vua Tần-bà-sa-la của nước ma-kiệt khiêu chiến chăng? Hay các hoàng tử Licchavi của Tỳ-xá-ly gây hấn? Hay vài kẻ cựu thù khác?
– Bạch đức Thế Tôn! Không, vua Tần-bà-sa-la chẳng khiêu khích con. Nhóm Licchavi cũng không. Chẳng có kẻ thù nào khác. Bạch Thế Tôn, có một tên sát nhân tên Ương-quật-ma-la trong nước con. Hắn tàn bạo, khát máu, tàn phá mọi đô thị, làng mạc, hắn đeo xâu chuỗi tay người. Và con không thể nào trừng trị hắn.
– Này đại vương! Giả sử đại vương thấy Ương-quậ với râu tóc cạo sạch, khoác y vàng từ bỏ đời sống gia đình sống đời không gia đình, không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối, chỉ ăn ngày một bữa, sống đời Phạm hạnh, đạo đức chân thật. Khi ấy nhà vua sẽ đối xử với y như thế nào?
– Bạch Thế Tôn! Con sẽ cúi chào người ấy, con sẽ đứng dậy và mời ngồi, con sẽ xin được cúng dường y phục, thức ăn, phòng xá, thuốc men cho vị ấy. Con sẽ bảo vệ, ủng hộ vị ấy tu hành với chánh pháp. Nhưng, bạch Thế Tôn! Làm sao một người cực ác như thế lại có thể hoàn toàn vâng theo những tín hiệu luân lý?
Khi ấy, Thượng tọa Ương-quật-ma-la ngồi cách Phật không xa. Và đức Phật đưa tay chỉ cho nhà vua.
– Ðại vương, Ương-quật-ma-la đây!
Vua Ba-tư-nặc run lên vì sợ, chân tay lập cập, tóc dựng đứng. Ðức Thế Tôn thấy thế khuyên nhà vua:
– Ðừng sợ hãi, đại vương! Ðừng sợ hãi! Ðại vương không có gì phải sợ cả.
Ngay lúc đó, nhà vua lấy lại bình tĩnh, cơn xúc động lắng xuống, nhà vua đến chỗ Thượng tọa Ương-quật-ma-la, hỏi thăm:
– Bạch Ðại đức, có phải Ngài là Ương-quật-ma-la?
– Thưa vâng!
-Xin được phép biết tôn danh của thân phụ và thân mẫu Ngài?
– Ðại vương! Thân phụ tôi họ Gagga, thân mẫu tôi họ Mantànì.
– Bạch đại đức! Vinh hạnh thay cho Thượng tọa dòng Gagga cao quý, con trai của Mantànì.
Trẫm sẽ tận tình cúng dường y phục, thức ăn, phòng xá, thuốc men cho Ngài.
Nhưng khi ấy, Thượng tọa Ương-quật-ma-la đã tuân theo các điều kiện khổ hạnh như: ở trong rừng, đi khất thực, mặc y phấn tảo, chỉ giữ ba y nên trả lời:
– Ðại vương! Ba y tôi đã đủ.
Vua Ba-tư-nặc đến chỗ Phật, kính cẩn ngồi một bên, và thưa:
– Bạch Thế Tôn! Thật kỳ diệu. Thế Tôn điều phục người không thể điều phục, trấn an kẻ dấy loạn, chế ngự kẻ không thể chế ngự. Thế Tôn điều phục không cần đến roi gậy, gươm đao với những kẻ mà nếu chúng con có dùng đến roi gậy, gươm đao cũng không thể chế ngự nổi. Bạch Thế Tôn! Bây giờ con phải về, có những việc phải làm, phải lưu tâm.
– Ðại vương cứ tùy nghi.
Vua Ba-tư-nặc đứng lên lễ Phật, đi nhiễu quanh và trở về.
Một buổi sáng, Thượng tọa Ương-quật-ma-la đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Và khi Thượng tọa đi theo thường lệ từ nhà này sang nhà khác, Ngài thấy một bà mẹ đang đau đớn vì sắp sinh. Thấy thế, Ngài nghĩ thầm: “Ôi! Chúng sanh đau khổ xiết bao”.
Khất thực xong, Thượng tọa trở về, ăn sáng xong, đi đến chỗ đức Phật đảnh lễ và ngồi một bên thưa:
– Bạch Thế Tôn! Sáng nay, con đi khất thực trong thành Xá-vệ như thường lệ, và trông thấy một thiếu phụ đau đớn vì sanh khó. Khi trông thấy cảnh ấy, con nghĩ thầm: “Chao ôi! Chúng sanh đau khổ xiết bao!”.
– Ðược rồi, này Ương-quật-ma-la, hãy trở vào thành Xá-vệ, đến chỗ thiếu phụ ấy và nói rằng: “Này cô! Từ khi tôi sanh ra, tôi không có ác tâm giết hại đối với bất cứ chúng sanh nào. Nếu điều này đúng sự thật, xin an lành đến với cô và đứa bé sắp sanh”.
– Nhưng, bạch Thế Tôn! Ðó là điều cố ý nói dối, vì con đã cố ý giết hại bao nhiêu chúng sanh.
– Thôi, Ương-quật-ma-la hãy đến nói thế này: “Này cô, từ khi tôi sanh vào dòng Thánh, tôi không cố ý giết hại bất cứ người nào. Nếu điều này đúng sự thật xin an lành đến với cô, an lành cho đứa bé sắp sinh”.
– Thưa vâng.
Thượng tọa Ương-quật-ma-la vâng lời Thế Tôn, trở vào thành Xá-vệ, đến nói với thiếu phụ….lập tức nàng được an ổn, đứa trẻ chào đời an ổn.
Thượng tọa Ương-quật-ma-la sống độc cư, rút lui khỏi thế gian, chuyên tâm quyết ý và chẳng bao lâu ngay đời này, tôn giả an trú trong trí tuệ, đạt được Minh sát tuệ, và đạt được mục đích tối cao của dòng Thánh, đó cũng là mục đích của những người trẻ tuổi từ bỏ cuộc đời, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Tôn giả tuyên bố: “Ðời này là đời cuối, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, ta không còn trở lại đời này”. Thượng tọa đã chứng A-la-hán.
Vào một buổi sáng, Tôn giả Ương-quật-ma-la đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thấy Tôn giả, người thì ném đất, kẻ ném gậy kẻ ném đá, đánh đập Tôn giả. Tôn giả trở về, đầu vỡ, máu chảy, bát bể, y áo rách tả tơi, đi đến chỗ Thế Tôn. Thế Tôn trông thấy từ xa, an ủi:
– Hãy nhẫn Bà-la-môn, hãy nhẫn Bà-la-môn, ngươi đang chịu đau khổ hiện tại vì quả báo của những hành động ác, thay vì chịu đau đớn ở địa ngục trong nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm.
Giờ đây, Tôn giả Ương-quật-ma-la sống một mình tu ẩn, hưởng niềm vui an lạc của giải thoát.
Tôn giả nói kệ:
(172) Ai sống trước buông lưng
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che.
(173) Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che.
(382) Tỳ-kheo tuy tuổi nhỏ,
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây.
Người thù của ta, hãy lắng nghe giáo lý.
Người thù của ta, hãy quy y theo Phật.
Người thù của ta, hãy vun bồi người tốt,
Người chỉ tân hành giáo pháp của Phật.
Người thù của ta, hãy nghe giáo lý
Của người giảng hạnh nhẫn nhục,
Của người ca ngợi lòng vị tha không ác ý,
Và khi đến thời hãy tuân theo giáo lý ấy.
Người như thế không hại mình, hại người.
Người ấy sẽ đạt được Niết-bàn
Và che chở cho mọi chúng sanh.
(80) Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.
Có người chỉ thị được bằng roi, câu móc, gậy gộc.
Ðức Phật dạy ta không bằng roi hay gươm.
Ngày xưa tên ta là “Sát nhân”,
Nhưng nay ta tê “Bất hại”.
Ngày xưa ta tên Ương-quật, kẻ giết người.
Ðược sanh vào dòng Thánh ta quy y theo Phật.
Ngày xưa ta tên Ương-quật, tay đẫm máu.
Tỉnh ra! Ta quy y Phật,
Mắt trí tuệ sáng ngời.
Làm điều ác rơi vào địa ngục,
Ta đã chịu quả ấy.
Giờ trả nợ xong, ta hưởng quả của ta.
(26) Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý.
(27) Chớ sống đời phóng dật.
Chớ say mê dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
Ðạt được an lạc lớn.
Cung kính, không thất lễ là lời dạy ta vâng theo,
Ta chẳng phải được chỉ dạy điều dở.
Ta đã bước vào hoàn cảnh tốt đẹp nhất,
Trong tất cả hoàn cảnh đã trải qua.
Ta đã chứng Tam minh,
Ta đã giữ giới Phật dạy.
Khi Tôn giả Ương-quật-ma-la nói xong kệ, Ngài nhập Niết-bàn Vô dư. Các thầy Tỳ-kheo tụ tập ở Pháp đường bàn tán:
– Chư hiền, Trưởng lão ấy sanh về đâu?
Khi ấy, đức Thế Tôn đi đến, Ngài hỏi:
– Các Tỳ-kheo! Các ông ở đây bàn tán về chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn! Chúng con đang bàn về nơi tái sanh của Trưởng lão Ương-quật-ma-la.
– Ông ấy đã vào Niết-bàn.
– Bạch Thế Tôn! Thế ư? Vào Niết-bàn sau khi đã giết hết chừng ấy người?
– Ðúng thế! Này các Tỳ-kheo! Trước đây, thiếu người hướng dẫn sáng suốt, ông ấy gây nên tội lỗi. Nhưng sau đó, khi ông ấy vâng theo sự chỉ dạy của bậc minh sư, ông sống rất chánh niệm. Vì thế, ông ấy xóa tan hành động ác quá khứ bằng việc lành.
Thế Tôn nói kệ:
(173) Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che.
Ðời này thật mù quáng …
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở tinh xá Aggàlava liên quan đến một cô bé thợ dệt.
Một hôm, đức phật đi đến Alavi. Dân chúng Alavi thỉnh phật thọ trai. Thọ trai xong, đức Phật dạy một bài pháp ngắn:
“Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Ðời sống không cố định, cố định là cái chết. Ai không quán niệm về sự chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rầy dường nào. Còn người có quán niệm về sự chết, sẽ không sợ hãi trong giây phút cuối của cuộc đời, và như một người gan dạ thấy rắn từ xa, đã cầm gẫy hất nó đi. Vì thế, hãy quán niệm về sự chết”.
Mọi người nghe xong lại trở về đời sống bình thường. Chỉ có một cô bé thợ dệt mười sáu tuổi tự nhủ “Lời dạy của đức Phật thật kỳ diệu, phần ta, ta sẽ quán niệm về sự chết”. Và cô bé quán niệm suốt cả ngày đêm. Ðức Thế Tôn rời Alavi đến Kỳ Viên. Cô bé cũng tiếp tục quán niệm về sự chết trong ba năm.
Vào một ngày, sáng sớm Thế Tôn quán sán thế gian, Ngài nhìn thấy cô bé xuất hiện trong tầm quan sát của Ngài. Ngài tự hỏi “Những gì sẽ xảy ra?” Ngài chú ý đến sữ diễn tiến tiếp theo: “Từ ngày cô bé này nghe Ta nói Pháp, đã thực hành quán niệm về sự chết troing ba năm. Bây giờ, Ta sẽ đế Alavi và hỏi cô bé ấy bốn câu, Ta sẽ khen cô bé, và Ta sẽ nói Pháp Cú: Ðời này thật mù quáng. Nghe xong cô bé ấy sẽ chứng quả. Nhờ vậy, thính chúng sẽ thâm hiểu lời dạy của Ta. Thế là Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ-kheo lên đường đến tinh xá Aggàlava.
Dân chúng Alavi nghe tin Thế Tôn đến, họ vào tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Cô bé con người thợ dệt cũng nghe tin ấy, tràn đầy hân hoan. Cô nghĩ: “Thế Tôn đã đến, bậc từ phục của ta, bậc đạo sư, bậc thầy quý kính dung mạo như trăng rằm, đức Cồ-đàm Phật-đà”. Cô tự nhủ “Bây giờ, lần đầu trong ba năm nay, ta mới gặp Thế Tôn, người thân sắc vàng chói, giờ đây ta được đảnh lễ thân kim sắc của Ngài, và nghe Ngài giảng pháp vi diệu thấm đầy mật ngọt”.
Nhưng cha cô trước khi đến xưởng dệt, đã dặn cô:
– Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, cha phải dệt xong hôm nay. Con hãy quấn chỉ vào thoi cho đầy và mang gấp đến cha.
Cô gái nghĩ thầm: “Ta rất mong được nghe đức Phật thuyết pháp, nhưng cha ta đã căn dặn như thế. Ta sẽ đi nghe pháp hay đánh sợi cho cha ta?” Cô nghĩ tiếp: “Nếu ta không mang thoi đến, cha ta sẽ đánh ta. Vậy thì phải đánh sợi cho đầy mấy con thoi, đem đến cho ông, đợi dịp khác đi nghe pháp”. Cô ngồi vào ghế và đánh sợi.
Dân chúng Alavi đợi chờ Thế Tôn, cúng dường thức ăn, sau khi ăn xong họ dọn bát và nghe Ngài chỉ dạy. Ðức Thế Tôn tự nhủ: “Ta đến đây qua một khoảng đường ba mươi dặm chỉ vì một cô bé, cô ấy chưa có mặt. Khi cô ấy đến, Ta sẽ giảng pháp”. Vì thế, Ngài ngồi im, thính chúng cũng lặng yên đợi chờ (Khi đức Phật làm thinh, không có người hay trời nào dám thốt ra một câu).
Cô bé đã đánh thoi xong, bỏ vào giỏ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi, cô đứng lại ngoài vòng thính chúng và chăm chú nhìn Ðức Phật. Thế Tôn cũng nhìn thấy cô, và cô hiểu ý Ngài: “Ðức Bổn sư ngồi trong pháp hội, tỏ dấu nhìn ta với ý muốn ta đến gần, Ngài muốn ta đến nghe pháp vào ngay lúc này”.
(Vì sao đức Thế Tôn chú ý cô bé? Vì Ngài biết rằng nếu cô bé đi tiếp cô sẽ chết khi chưa xong việc, kiếp sau của cô sẽ không biết ra sao. Nhưng nếu cô bé đến nghe pháp, cô sẽ chứng quả Dự lưu và chắc chắn sẽ tái sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Ngài biết cô bé phải chết ngày hôm nay).
Với dấu hiệu của cái nhìn đức Phật, cô đến gần Thế Tôn chiêm ngưỡng vầng hào quang sáu sắc chung quanh thân Phật, cung kính đảnh lễ và kính cẩn đến gần Thế Tôn, cô ngồi vào chỗ một cách im lặng với thính chúng chung quanh. Ðức Thế Tôn hỏi cô:
– Con từ đâu đến đây?
– Bạch Thế Tôn! Con không biết.
– Con sẽ đi đến đâu?
– Bạch Thế Tôn! Con không biết.
– Con biết hay không biết?
– Bạch Thế Tôn! Con biết.
– Con không biết phải chăng?
– Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Sau bốn câu hỏi của Phật, thính chúng nổi giận xì xào: “Coi kìa! Con bé, con lão thợ dệt nói như đùa với Thế Tôn. Khi Ngài hỏi từ đâu đến nó phải đáp: “Từ nhà thợ dệt” chứ. Và khi Ngài hỏi đi đâu, nói phải thưa là: “Ði đến xưởng dệt, mới phải chứ”.
Thế Tôn bảo thính chúng im lặng, Ngài hỏi cô bé:
– Này con! Khi Ta hỏi con từ đâu đến, vì sao con trả lời không biết?
– Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con là người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi con từ đâu đến, con hiểu rằng ý của câu ấy là con từ đâu sinh ra đây. Nhưng con chẳng biết con từ đâu sinh đến nơi này.
Phật khen ngợi:
– Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.
Ngài hỏi tiếp:
– Khi Ta hỏi con đi về đâu, vì sao con trả lời không biết?
– Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết con đến xưởng dệt với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi con đi đâu, con hiểu ý của câu ấy là khi rời nơi đây con tái sinh về đâu. Nhưng với con, sau khi chết con chưa biết sinh về đâu.
– Con trả lời đúng câu hỏi của Ta.
Ðức Phật khen cô lần thứ hai, và hỏi tiếp:
– Khi Ta hỏi, con biết hay không, vì sao con trả lời con biết?
– Bạch Thế Tôn! Vì con biết rằng chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp như thế.
– Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.
Ðức Phật khen cô lần thứ ba, hỏi tiếp:
– Vì sao khi Ta hỏi con không biết hay chăng, con trả lời rằng không biết?
– Bạch Thế Tôn! Ðiều con biết chắc là con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, vào buổi sáng hay bất cứ khi nào, con không thể biết, nên con trả lời không biết.
Ðức Phật khen ngợi lần thứ tư.
– Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.
Ngài dạy thính chúng:
– Các người không hiểu ý câu nói của cô bé, nên nổi giận. Với người không có tuệ nhãn, họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.
Ngài nói kệ:
(174) Ðời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng.
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới.
Cuối thời pháp cô bé chứng quả Dự lưu. Cô cầm giỏ thoi đi đến chỗ cha mình. Ông đang ngồi ngủ bên khung cửi. Không biết cha đang ngủ cô đưa giỏ thoi vào. Giỏ thoi chạm nhằm đầu khung cửi gây nên tiếng động, cha cô choàng dậy tiếp tục kéo cửi, đầu khung văng mạnh vào ngực cô bé cô ngã ra chết, sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Cha cô giật mình thấy con gái mình nằm sóng sượt, đầy máu và đã chết. Ông kinh hoàng than khóc:
– Không có ai cứu khổ cho ta.
Ông đi đến chỗ Phật kể lại mọi việc và nói:
– Bạch Thế Tôn, xin cứu con.
Ðức Phật an ủi:
– Chớ ưu sầu, này thiện nam tử! Trong vòng luân hồi vô tận, người đã từng khóc con nước mắt nhiều hơn nước bốn bể.
Ðức Phật nói về vòng luân hồi vô tận, người thợ dệt nghe xong, bớt đau buồn, xin Phật được xuất gia.
Ông làm tròn bổn phận của một tu sĩ và chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán.
Như chim thiên nga bay …
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, có liên quan đến ba mươi vị Tỳ-kheo.
Một hôm, có ba mươi vị Tỳ-kheo sống ở các xứ khác đến thăm đức Phật. Tôn giả A-nan trông thấy các vị ấy đến khi đang chuẩn bị vào hầu phật. A-nam nghĩ thầm: “Ta sẽ đợi đức Thế Tôn tiếp đón các Tỳ-kheo này, sau đó ta mới vào hầu”, và Tôn giả đợi ngoài cửa.
Phật đón tiếp các Tỳ-kheo, thuyết pháp một cách hoan hỷ cho các vị. Sau đó, tất cả chứng quả A-la-hán. Các vị từ giã Phật, bay lên hư không.
Các Tỳ-kheo đi rồi, A-nan đến chỗ Phật, hỏi:
– Bạch Thế Tôn, có ba mươi Tỳ-kheo đến đây, họ ở đâu?
– Ðã đi.
– Bạch Thế Tôn, họ đi đường nào?
– Họ bay qua hư không.
– Bạch Thế Tôn, như vậy họ đã thoát khỏi sinh tử?
– Ðúng thế! Này A-nan! Sau khi nghe Ta nói pháp, họ đã chứng A-la-hán.
Lúc ấy, có một vài con thiên nga bay liệng trên không. Ðức Phật nói:
– Này A-nan! Ai phát triển đầy đủ thần túc, người ấy bay lượn như thiên nga.
Ngài nói kệ:
(175) Như chim thiên nga bay,
Thần thông liện giữa trời,
Chiến thắng ma, ma quân,
Kẻ trí thoát đời này.
Ai vi phạm một pháp …
Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến Chiến-già Ma-na (Cincà Mànavikà).
Sau khi Phật thành đạo, vô số chư thiên và loài người quy y theo đấng Thập Lực, cõi trời, cõi người tăng trưởng. Ðức hạnh Ngài lan xa, danh dự và lợi dưỡng càng đổ dồn về Ngài. Về phía các ngoại đạo, họ bị mất dần danh dự, lợi dưỡng, như con đom đóm mất ánh sáng dưới ánh mặt trời. Họ tập trung trên đường, kêu gọi:
– Chỉ có Cồ-đàm là Phật thôi sao? Chúng tôi cũng là Phật. Chỉ có cúng dường ông ấy mới đem lại nhiều phước báo thôi sao? Cúng dường chúng tôi cũng đem lại nhiều phước báo vậy. Nêu cúng dường chúng tôi nhiều phẩm vật như thế. Nên cúng dường chúng tôi, nên xưng tán chúng tôi.
Nhưng mặc tình họ kêu gọi, cũng chẳng được danh dự và lợi dưỡng.
Họ bèn bí mật nhóm họp và bàn định “Chúng ta tìm cách bêu xấu Cồ Ðàm trước mọi người, để chấm dứt sự cúng dường, tôn vinh y”.
Lúc ấy, tại Xá-vệ có một du sĩ ni tên Chiến-già. Nàng rất đẹp, dễ thương, như một tiên nương, toàn thân sáng chói. Một người trong bọn ngoại đạo, bèn đưa kế hoạch “Với Chiến già, chúng ta có thể bêu xấu Sa-môn Cồ-Ðàm, và chấm dứt mọi sự cúng dường cung kính đối với ông ấy”.
“Kế hoạch ấy được lắm”, cả bọn tán đồng.
Chiến-già đi vào tu viện ngoại đạo, chào hỏi và đứng chờ, nhưng các thầy không nói gì với cô. Cô hỏi:
– Các thầy thấy tôi có lỗi gì?
Cô hỏi ba lần, và lặp lại:
– Các Tôn Trưởng, tôi chỉ hỏi một câu. Thưa các Tôn trưởng, tôi có lỗi gì? Sao các vị không nói với tôi?
Các ngoại đạo trả lời:
– Này chị, chị có biết Sa-môn Cồ-Ðàm? Người đạ làm tổn hại chúng ta, đoạt mất danh dự và lợi dưỡng của chúng ta?
– Không, thưa các Tôn trưởng, tôi không biết ông ấy. Nhưng tôi có thể giúp được gì trong việc này?
– Nếu chị muốn chúng ta thắng lợi, hãy tìm cách bêu xấu Sa-môn Cồ-Ðàm, và làm chấm dứt danh dự, lợi dưỡng của ông ấy.
– Ðược thôi, tôi sẽ làm mọi cách có thể được, đừng lo gì về việc này.
Chiến-già nói xong bèn khởi sự. Cô vận dụng mọi khéo léo của một người đàn bà để đạt mục đích. Khi dân chúng thành Xá-vệ nghe pháp ở Kỳ Viên trở về, cô mặc một chiếc áo choàng màu cánh gián, mang hương hoa đi về phía tinh xá Kỳ Viên. Một người hỏi:
– Cô đi đâu vào giờ này?
Chiến-già đáp:
– Tôi đi đâu thì có can dự gì đến các người.
Cô trú đêm tại một tu viện ngoại đạo gần tinh xá, và sáng sớm, khi mọi người chuẩn bị đi đến tinh xá thăm Phật buổi sáng, cô sẽ trở lui ngược chiều, vào thành phố. Mọi người hỏi:
– Ban đêm cô ở đâu?
– Tôi ở đâu thì có can dự gì đến các người?
Khoảng một tháng rưỡi, khi có ai hỏi, cô đều đáp:
– Ban đêm tôi ở trong hương thất Cô-Ðàm, chỉ một mình.
Bằng cách ấy, cô gái khêu gợi sự nghi ngờ trong lòng những người dễ tin, và họ bàn tán với nhau “Ðiều đó đúng hay không?” Khoảng ba bốn tháng, cô thắt ngay lưng một sợi dây nịt, tạo cảm tưởng rằng mình đang mang thai, cô mặc một chiếc áo đỏ, đi đâu cũng nói “Tôi sắp có con với Sa-môn Cồ-Ðàm”. Bằng cách ấy, cô lừa những kẻ ngu.
Tám, chín tháng trôi qua, cô cột một cái dĩa gỗ trước bụng, mặc áo choàng phủ lên, làm cả người có vẻ mập mạp xồ xề bằng cách lấy xương đập lên tay, chân, lưng, và ra vẻ mệt mỏi. Chiều nọ, cô đến Pháp đường đứng trước đức Như Lai. Ở đấy trong vầng hào quang chói ngời, Ngài đang thuyết pháp. Chiến-già đứng đó, mở miệng chửi rủa Thế Tôn.
– Này Sa-môn vĩ đại, quanh pháp tòa đám đông tụ tập nghe ông thuyết pháp cũng thật là vĩ đại, âm thanh ngọt ngào, miệng lưỡi ông mềm dẻo. Tuy nhiên, ông chính là người làm tôi mang thai và ngày sanh sắp đến. Ông không cố gắng tìm một chỗ cho tôi nằm, không cung cấp mật, dầu và những thứ tôi cần. Ông không làm tròn bổn phận, cũng không nói với những người hằng cúng dường ông như vua Ba-tư-nặc, hay Cấp Cô Ðộc hay bà Tỳ-xá-khư nữ thí chủ vĩ đại của ông, rằng “Hãy làm cho thiếu phụ này những gì cần cho cô ấy”. Ông biết rất rõ cách hưởng dục lạc, nhưng không biết cách chăm sóc đứa con sắp sanh.
Cô chửi mắng Thế Tôn giữa hội chúng như một người đàn bà cầm phẩn trên tay tìm cách bôi bẩn mặt trăng. Ðức Thế Tôn ngừng giảng dại và rống lên như sư tử, nói:
– Này chị, những gì chị nói đúng hay sai, chỉ có tôi và chị biết thôi.
– Ðúng vậy Sa-môn cao cả kia, nhưng ai có thể quyết định giữa điều đúng và sai về chuyện mà chỉ có tôi và ông biết?
Lúc ấy, tòa ngồi của Ðế Thích nóng lên, Ðế Thích quán sát nguyên do, được biết Chiến-già vu không Như Lai. Ðế Thích nghĩ “Ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề”, và bay xuống với bốn thiền thần. Các thiên thần hóa thành chuột nhắt cắn sợi dây cột cái dĩa trước bụng Chiến-già, và một cơn gió thổi tung tấm áo choàng, cái dĩa rơi xuống, tiện đứt mấy ngón chân của cô.
Ðám đông la ó:
– Tên phù thủy kia chửi mắng Thế Tôn.
Họ đánh đập nàng, ném đá, cầm gậy đuổi ra khỏi Kỳ Viên. Khi cô đi khỏi tầm nhìn của Thế Tôn, đất nứt ra một hố sâu ngay dưới chân cô, và lửa bốc lên từ địa ngục A-tỳ, cuốn cô như tấm vải đỏ úp chụp lấy thân, và cô rơi trong địa ngục A-tỳ. Từ đó, tiếng tốt và lợi lộc của ngoại đạo giảm đi, còn phẩm vật dâng đến đấng Thập Lực càng lúc càng nhiều.
Ngày hôm sau, các thầy Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường.
– Chư hiền! Chiến-già vu khống đấng Như Lai, Ứng Cúng, đấng Thế Tôn, nên đã bị hủy diệt.
Ðức Phật đi đến và hỏi:
– Các Tỳ-kheo! Các ông tụ họp ở đây bàn tán chuyện gì?
Các thầy thuật lại, Phật dạy:
– Ðây không phải là lần đầu Chiến-già vu không Ta và bị hủy diệt, trong quá khứ cô ấy cũng đã làm như vậy.
Ngài nói tiếp:
– Một vị vua không thể phạt ai khi chưa nhận thức vấn đề cho rõ, khi chưa nghiên cứu cẩn thận mọi mặt dù lớn hay nhỏ. Ngài kể lại tiền thân Ðại Liên Hoa (Mahà Paduma).
Chuyện quá khứ
9A. Hoàng Tử Ðức Hạnh Và Thiếu Phụ Dâm Ðãng.
Thuở xưa, Chiến-già là kế mẫu của Bồ-tát, hoàng tử Ðại Liên Hoa. Bà muốn hoàng tử gian dâm với mình, nhưng bị từ chối. Sau đó bà tự đánh đập mình, làm ra vẻ đau đớn, đến nói với vua cha:
– Hoàng tử hành hạ tôi ra thế này vì tôi không chịu gian dâm với y.
Vua nghe chuyện, hết sức giận dữ, lập tức đày hoàng tử xuống vực chết. Thiên thần đục xuyên qua núi, mang hoàng tử lên và báo cáo với long vương. Long vương mang chàng về long cung, và nhường cho một nửa vương quốc rồng. Ở đấy một năm, hoàng tử muốn xuất gia tu đạo, người lên núi Hy-mã, sống đời tu sĩ, và phát triển đại định thần thông.
Một người gác rừng thấy hoàng tử về thuật lại với nhà vua. Nhà vua đến nơi, chào hỏi và sau khi nghe kể đã đề nghị nhường ngôi cho chàng. Hoàng tử từ chối, khuyên nhà vua rằng:
– Về phần tôi, tôi không có tham vọng trị vì. Nhưng về phần đại dương, nên giữ mười điều lành, tránh xa đường xấu ác, và cai trị quốc gia mình trung chánh.
Nhà vua đứng dậy, rơi lệ và trở về hoàng cung. Vua hỏi đại thần:
– Ai đã ly gián ta với người trung trực như thế?
– Tâu đại vương! Hoàng hậu đã gây nên chuyện này.
Nhà vua bèn bắt hoàng hậu, treo cổ xuống vực chết, và cai trị vương quốc mình một cách trung chánh. Thuở đó, hoàng tử Ðại Liên Hoa chính là Bồ Tát, và kế mẫu của chàng chính là Chiến-già.
Nói xong chuyện tiền thân Phật dạy:
– Này các Tỳ-kheo! Những người đã phá hủy một giới, những người ấy sẽ nói dối, những người củng cống điều sai lầm, người không tin vào đời sau thì không từ bỏ điều ác nào mà không làm.
Ngài nói kệ:
(176) Ai vi phạm một pháp,
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm
Keo kiết không sanh thiên …
Câu chuyện này xảy ra, khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến phẩm vật tối thắng.
Một hôm, đức Thế Tôn cùng với năm trăm Tỳ-kheo đi khất thực, trở về Kỳ Viên. Vua Ba-tư-nặc đi đến tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Hôm sau, nhà vua ra lệnh sắm sửa rất nhiều phẩm vật để dâng cúng chư Tăng, và bảo dân cư trong thành:
– Hãy đến nhìn phẩm vật do ta sắm sửa.
Dân chúng đến hoàng cung, nhìn các phẩm vật, rồi ngày hôm sau nữa, họ thỉnh Phật và chúng Tăng, họ cũng chuẩn bị các thứ phẩm vật, tâu lên nhà vua.
– Ðại vương hãy đến nhìn phẩm vật của các thần dân cúng dường.
Khi nhà vua trông thấy các thứ cúng dường của dân chúng, đã tự nhủ: “Các thị dân này đã cúng dường nhiều vô số phẩm vật hơn ta, ta sẽ cúng dường lần thứ hai”. Lập tức, nhà vua sắm sửa phẩm vật vào ngày tiếp theo, và khi dân cư trong thành được thấy các thứ cúng dường ấy, họ cũng trở vể chuẩn bị cúng dường vào ngày kế đó.
Giữa nhà vua và các thị dân thành Xá-vệ không ai hơn ai. Kết quả, sau sáu lần cúng dường, các thị dân gia tăng phẩm vật lên gấp trăm gấp ngàn lần, chuẩn bị đầy đủ đến nổi không ai có thể phê bình là còn thiếu một thứ gì.
Khi nhà vua thấy họ tổ chức quy mô đầy đủ như vậy, Ngài nghĩ thầm “Nếu ta không sắm sửa nhiều hơn họ, ta còn sống để làm gì?” Và nhà vua nằm dài, suy nghĩ mọi phương chước. Hoàng hậu Mạt-lợi (Mallikà) đi đến, thấy nhà vua nằm trầm tư bèn hỏi:
– Ðại vương! Vì sao lại nằm như vậy? Chuyện gì khiến Ðại vương có vẻ lo buồn?
– Vậy hậu không biết gì sao?
– Thần thiếp không biết.
Nhà vua thuật lại mọi chuyện ganh đua cúng dường giữa mình và thần dân. Hoàng hậu nói:
– Xin bệ hạ đừng phiền não, bệ hạ có bao giờ nghe hoặc thấy một chúa tể vương quốc lại bị thua thiệt về vật chất? Thiếp sẽ sắp đặt việc này.
Hoàng hậu Mạt-lợi nói vậy vì bà muốn tạo một phẩm vật tối thắng. Bà tâu vua:
– Ðại vương hãy ra lệnh xây một lâu đài làm bằng gỗ hạng nhất của cây Sala hình vòng cung để cho năm trăm Sa-môn ngồi, còn những người tùy tùng các Sa-môn thì ngồi ngoài vòng cung ấy. Làm năm trăm lọng trắng cho năm trăm con voi mang lọng đứng che các Sa-môn. Giữa lâu đài đặt tám hay mười cái bàn bằng hồng ngọc. Giữa hai Sa-môn cho một số thiếu nữ dòng Sát-lợi ngồi rưới hương thơm, và một thiếu nữ đứng quạt cho hai vị ấy. Một số thiếu nữ dòng Sát-lợi mang hương bột rắc vào bồn vàng. Một số mang hoa sen xanh nhúng vào bồn hương và dâng lên các Sa-môn. Ðấy, dân chúng làm gì có con gái dòng Sát-lợi, cũng chẳng có lọng trắng, voi và họ sẽ thua Bệ hạ. Ðó là điều Bệ hạ nên làm.
Nhà vua tán thành:
– Hay quá! Chương trình của hậu tuyệt diệu.
Và nhà vua ra lệnh làm theo sự sắp đặt của hoàng hậu. Tuy nhiên, thiếu một con voi cho một vị Sa-môn. Nhà vua bảo hoàng hậu Mạt-lợi:
– Ái khanh! Chỉ còn thiếu một con voi. Bây giờ làm sao?
– Bệ hạ bảo sao, không đủ năm trăm con voi ư?
– Có đấy, nhưng lại còn lại mấy con voi hung dữ, khi chúng thấy các Sa-môn, chúng sẽ nổi cơn phẩn nộ như cuồng phong.
– Thần thiếp biết chỗ đứng cho một con voi hung hăng, có thể mang lọng trên lưng.
– Ðặt nó ở đâu?
– Bên cạnh Tôn giả Angulimàla.
Nhà vua y lời. Chú voi ta cụp đuôi xuống tận chân, xếp tai, nhắm mắt và đứng yên. Dân chúng nhìn chú voi với vẻ thán phục, xầm xì với nhau.
– Con voi dữ kia mới ngoan làm sao!
Nhà vua lo hầu tiếp Tăng đoàn do đức Thế Tôn chủ tọa. Sau đom vua quỳ lạy và thưa:
– Bạch Thế Tôn! Những phẩm vật trong bữa ngọ trai này, đáng giá hay không đáng giá, con xin dâng tất cả cho Thế Tôn.
Tổn phí cho buổi cúng dường khoảng mười bốn triệu châu báu chỉ trong một ngày. Bốn vật vô giá cúng dường cho đức Thế Tôn tùy nghi sử dụng: một lọng trắng, một giường nằm, một ghế ngồi và một ghế đỡ chân. Sau đó, không có phẩm vật nào dâng cúng đức Phật có thể so sánh với phẩm vật của nhà vua, nên được gọi là phẩm vật tối thắng. Ðiều này đã từng xảy ra cho các đức Phật, và luôn luôn do các hoàng hậu sắp xếp.
Khi ấy, trong triều có hai đại thần Kàla và Junha. Kàla nghĩ thầm “Của cải nhà vua bị mất mát nhiều làm sao! Chỉ trong một ngày mà tốn hết mười bốn triệu châu báu. Và các lão Sa-môn kia, sau khi ăn xong, sẽ đi về nằm ngủ khì! Nhà vua phung phí tài sản!” Còn Junha nghĩ “Ôi! Nhà vua dâng cúng phẩm vật tuyệt vời! Chỉ có vua mới làm như vậy! Hơn nữa, chẳng có người nào ngoài nhà vua làm cho mọi loài hưởng phước nhờ sự cúng dường. Ta cảm tạ những phẩm vật mà nhà vua đã dâng cúng”.
Khi đức Phật thọ trai xong, nhà vua cầm lấy bát của Ngài đợi Ngài thuyết pháp. Ðức Phật nghĩ thầm: ” Nhà vua đã cúng dường phẩm vật lớn lao, cúng dường như thác lũ. Dân chúng có tín kính điều này, hay không tin?” Và nhận biết được ý nghĩ của hai vị đại thần, Ngài nghĩ tiếp: “Nếu Ta tán thán công đức của nhà vua cho tương xứng phẩm vật, thì đầu của Kàla sẽ vỡ làm bảy phần, Ngài chỉ nói một bài pháp đơn giản gồm bốn câu tán dương nhà vua, người đang đứng trước Ngài sau khi cúng dường tối thắng. Nói xong, Ngài đứng lên trở về tinh xá.
Các Tỳ-kheo hỏi Angulimàla:
– Tôn giả, Ngài có sợ khi thấy con voi mang lọng trắng dữ dằn đứng gần Ngài?
– Không, chư hiền, tôi không sợ.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Angulimàla nói dối.
Phật xác nhận:
– Này các Tỳ-kheo! Angulimăala không hề sợ hãi, vì những Tỳ-kheo như người con của Ta là cao quý nhất trong số những người cao quý đã thoát khỏi tham dục; và không hề sợ hãi.
Ngài dạy:
(422) Bậc cao quý, thù thắng,
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc chiến thắng, vô nhiễm,
Bậc tẩy sạch, giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.
Nhà vua thất vọng cay đắng, nghĩ thầm “Sau khi ta cúng dường vô số phẩm vật, và đứng đấy hầu đức Thế Tôn, thay vì nói lời tán thán tương xứng với phẩm vật ấy, Ngài chỉ nói một bài kệ ngắn và đi về. Có thể là ta đã cúng dường những phẩm vật không thích đáng cho đức Thế Tôn, có thể là ta đã cũng những vật không thích hợp thay vì những vật thích hợp. Có thể là Thế Tôn giận ta, bởi Ngài thường có lệ hồi hướng công đức cân xứng với phẩm vật”. Nghĩ như thế, vua Ba-tư-nặc đi đến tinh xá, đảnh lễ Phật và bạch:
– Bạch Thế Tôn, con có lỗi lầm khi dâng cúng phẩm vật không? Có phải thay vì cúng những vật thích hợp con lại cúng những vật không thích hợp?
– Vì sao đại vương hỏi như thế?
– Thế Tôn không hồi hướng công đức cân xứng với phẩm vật con đã dâng cúng.
– Này đại vương, phẩm vật cúng dường rất thích hợp. Phẩm vật tối thắng mà đại vương cúng dường chỉ có một lần cho một đức Phật, phẩm vật như thế khó có lần thứ hai.
– Nhưng, bạch Thế Tôn, vì sao Ngài không nói công đức tương xứng với phẩm vật ấy?
– Vì có đại thần không thanh tịnh.
– Bạch Thế Tôn, trong các quan ai là người có lỗi.
Ðức Phật nói cho vua biết hai quan điểm trái ngược của hai đại thần và an ủi vua rằng, vì thương hại Kàla nên Ngài không tán dương công đức.
Nhà vua hỏi Kàla:
– Phải chăng khanh có ý nghĩ như thế?
– Tâu vâng.
– Ta không hề lấy những gì thuộc về khanh, ta chỉ cho những gì của ta, với sự hỗ trợ của hoàng hậu và thái tử. Ta có sai quấy gì với khanh không? Hãy đi đi! Những gì ta cúng ta cứ cúng, còn phần khanh bước ra khỏi cung điện của ta.
Sau khi đuổi Kàla ra khỏi cung, nhà vua cho gọi Junha và hỏi:
– Phải khanh nghĩ đúng như thế không?
– Thưa vâng.
– Khanh nghĩ đúng, ta rất hài lòng. Ta cho phép khanh dự vào hoàng tộc và cúng dường bảy ngày như ta.
Nhà vua cho Junha ở trong cung bảy hôm, và đến bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, tên ngu si ấy đã cư xử tệ hại. Thấy con cúng dường, y đã phản ứng ngược lại.
– Phải đấy, đại vương, người ngu không hoan hỷ khi thấy ai bố thí, và sẽ bị trừng phạt về sau. Nhưng người trí vui thích với phẩm vật được người khác cúng dường và sẽ sanh thiên.
Ngài nói kệ:
(177) Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí.
Người trí thích bố thí.
Ðời sau được hưởng lạc.
Cuối bài pháp, Junha chứng quả Dự lưu. Hội chúng cũng được lợi ích. Junha sau khi chứng quả đã cúng dường suốt bảy ngày như một vị hoàng đế.
Hơn thống lãnh cõi đất …
Câu chuyện xảy ra khi đức Phật đang ở Kỳ Viên, liên hệ đến Kàla, con trai Cấp Cô Ðộc.
Kàla là con trai của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, một người cha nổi tiếng và đầy tin kính Phật pháp. Mặc dù như thế chàng không hề gặp Phật hoặc ra chào khi Phật ghé nhà, hoặc nghe pháp, hoặc phụng sự chúng Tăng. Khi cha chàng khuyên:
– Này con đừng làm thế.
Chàng cũng không để ý đến lời cha. Trưởng giả suy nghĩ: “Nếu con ta có thái độ như vậy và hành động theo ý đó, nói sẽ rơi vào địa ngục A-tỳ. Thật không có gì tốt đẹp khi chính mắt ta thấy nó bị đọa. Ðược thôi, không có ai trên trái đất này không bị mua chuộc bởi tài vật, ta sẽ dụ dỗ nó”. Và ông bảo Kàla:
– Này con, nếu con giữ giới trong ngày trai, đi đến tinh xá nghe pháp, khi về cha sẽ cho con một trăm đồng.
– Thật cha sẽ cho con chứ?
– Ðúng vậy.
Sau khi cha chàng lập lại lời hứa ba lần, Kàla tuân giữ ngày trai giới và đi đến tinh xá. Nhưng chàng không chú tâm nghe pháp, chàng tìm nơi dễ chịu, nằm ngủ một giấc và trở về nhà sớm. Ông Trưởng giả bảo gia nhân:
– Cậu đã giữ giới trọn ngày trai, hãy đem thức ăn ngon đến cho cậu nhanh lên.
Nhưng Kàla nói:
– Con chưa nhận tiền là con không ăn.
Chàng cương quyết từ chối mọi thứ đem đến. Cha chàng không thể ép con ăn, bèn ra lệnh mang tiền đến, chàng cầm tiền trên tay, rồi sau đó mới ăn uống.
Ngày hôm sau, ông Trưởng giả bảo con:
– Này con, cha sẽ cho con một ngàn đồng, nếu con đi đến chỗ Thế Tôn, học thuộc một bài kệ ngắn, và trở về nói lại cho cha nghe.
Lập tức Kàla đi đến tinh xá, đứng trước Phật. Chẳng bao lâu chàng thuộc một câu kệ và muốn ra đi. Ðức Phật khiến chàng không hiểu nghĩa câu kệ ấy, Kàla tự nhủ: “Ta sẽ học thuộc câu sau”. Vì vậy, chàng ngồi nán lại và tiếp tục nghe pháp. (Ai nghe pháp với tất cả chú tâm sẽ chứng Sơ quả và các quả còn lại). Kàla nghe pháp với tất cả chú tâm, nhưng đức Phật cũng khiến chàng không hiểu nghĩa, chàng nghĩ ta sẽ hiểu rõ hơn câu kệ tiếp theo. Chàng cứ nán lại và nghe, rồi chứng Sơ quả.
Ngày hôm sau, chàng tự động đi theo chư Tăng, có đức Phật dẫn đầu, vào thành Xá-vệ. Trưởng giả thấy con trai đi sau chúng Tăng, tự nhủ “Hôm nay, thái độ của con ta làm ta hài lòng”. Còn Kàla thì nghĩ thầm “Mong rằng cha sẽ không đưa tiền cho ta ngay hôm nay, trước sự hiện diện của Phật. Mong rằng cha ta giữ kín việc vì có tiền ta mới giữ giới ngày trai” (nhưng đức Phật đã biết trước điều này).
Trưởng giả dâng cơm cho chư Tăng, có đức Phật thọ trai và cũng cho con trai những thức ăn ấy. Kàla ngồi im, uống súp, ăn thức ăn cứng và cơm. Khi Phật thọ trai xong, Trưởng giả đặt túi tiền một ngàn đồng trước mặt con và nói:
– Này con, chắc con nhớ cha đã yêu cầu con giữ giới đúng ngày trai và đi nghe pháp, rồi sẽ cho con một ngàn đồng. Ðây là tiền của con.
Kàla thấy cha chàng đưa tiền ngay trước mặt đức Phật, rất ngượng và nói:
– Con không cần tiền.
– Ậy, cầm tiền đi con.
Chàng cứ từ chối, không động đến túi tiền. Trưởng giả đảnh lễ Phật và bạch:
– Bạch Thế Tôn, thái độ của con trai con hôm nay làm con rất mừng.
– Vì sao?
– Ngày hôm kia, con bảo hắn đi đến tinh xá, hứa cho một trăm đồng. Hôm qua hắn về nhà, không chịu ăn cơm khi chưa có tiền. Nhưng hôm nay, khi con cho tiền nó cứ từ chối không nhận.
– Ðúng vậy, này Trưởng giả. Hôm nay con trai ông đã chứng Sơ quả, y đã đạt điều vượt hơn việc được làm Chuyển Luân Vương hay sanh thiên, hay làm Phạm thiên.
Ngài nói kệ:
(178) Hơn thống lãnh cõi đất,
Hơn được sanh cõi trời,
Hơn chủ tể vũ trụ,
Quả Dự lưu tối thắng.