Khi Vương Thái Hòa lấy xẻng đào xuống hai thước nghe “cộp” một tiếng, nhìn lại là một phiến đá. Nạy phiến đá lên xem là một hố vàng bạc nguyên bảo. Vàng nguyên bảo đều là vàng móng ngựa 100 lượng vô một cọc, bạc nguyên bảo đều là bạc đại nguyên bảo 200 lượng một cọc.
Vương Thái Hòa lấy ra trước một cọc rồi lấp lại y như củ, cũng không dám tri hô lên. Hôm sau đến nhà nhạc phụ nói mình muốn sửa nhà. Hàn viên ngoại hỏi:
– Con có tiền không?
– Không có bao nhiêu, làm tạm ở đỡ.
Nói rồi mua hai tủ đựng bạc, tìm thợ mộc đến xem. Nền đất không phải nhỏ nên phải cất nhà ba tầng trước, hễ động công đến đâu dời vàng bạc đi đến đó. Sau khi lợp nhà xong, đếm vàng nguyên bảo được 600 cọc, mỗi cọc có thể đổi được 50.000 lượng bạc, bạc nguyên bảo là 400 cọc, cộng chung là 1.000 cọc. Từ đó phát lên giàu sang, tính ra gia sản có hơn 300 muôn lượng bạc. Tại địa phương, Vương Thái Hòa mở nhà đổi bạc, tiệm bán tơ lụa, mua sắm ruộng đất nhà cửa. Ai nấy đều biết Vương Thái Hòa phát tài trở về nhưng không biết phát tài bằng cách nào. Vương Thái Hòa tự nghĩ: “Hồi đó tại phủ Tòng Giang, lão đạo sĩ xem bói cho ta bảo rằng ta phải chết đói. Hiện giờ ta có gia tư to lớn như vầy làm sao chết đói được? Lão đạo sĩ chắc lầm lẫn chung thân đại sự của ta rồi”. Từ đó Vương Thái Hòa không tin phục hòa thượng và đạo sĩ nữa, cho rằng tăng đạo đều nói lời yêu ma mê hoặc mọi người. Vương Thái Hòa mỗi năm đến mùa Đông thí cháo, mùa Hè thí trà, cho áo quần bông mấy người nghèo khổ, những người già cả tàn tật đều được giúp đỡ, nhưng không chịu trai tăng thí đạo. Hôm nay tại sao kiếm Hòa thượng mời về cúng một muôn lượng bạc sửa cầu? Đó là vì ông ta nhìn thấy mấy chữ trên vách đắp, Tế Điên viết lên đó hai bài thơ tuyệt cú.
Bài đầu là:
Thuở trước Tòng Giang hỏi cát hung
Hàm Linh xem tướng bảo bần cùng
Trái lại hôm nay quá sang trọng
Đều bởi Tô Hưng, Mã Ngọc Dung.
Bài thơ thứ hai:
Ba hôm tỉnh giấc giữa canh tàn
Một vầng lửa đỏ chạy sang Nam
Nạy lên phiến đá nhìn cho kỹ
Bốn sáu bạc vàng lượng đủ ngàn.
Vương Thái Hòa xem rồi ngẫm nghĩ: “Lạ thiệt, chuyện của mình không ai biết, ông Hòa thượng này là thần tiên chắc!”. Vì thế mới kêu gia nhân lật đật đuổi theo. Quản gia chạy theo đến đầu thôn thì thấy Hòa thượng đang đi phía trước, bèn nói:
– Mời đại sư phó trở lại. Viên ngoại chúng tôi chịu thí xả một muôn lượng bạc.
Tế Điên mới quay gót trở lại. Vương Thái Hòa gặp mắt, nói:
– Xin mời Thánh tăng vào bên trong ngồi.
Tế Điên vào đến thư phòng, gia nhân dâng trà lên Vương Thái Hòa hỏi:
– Bạch Thánh tăng, việc của tôi làm sao Thánh tăng biết được?
– Ngươi làm sao giấu được tả Ngươi đừng nên hủy báng tăng đạo nhé! Ngươi nên biết có hai câu như thế này: “Tâm không tốt mạng cùng khổ nốt, đến chừng tâm tốt mạng cũng tốt, giàu sang cho đến rốt. Mạng tốt tâm không tốt, giữa đường bị yểu chiết”. Nếu người ta làm việc âm chất có thể gặp hung hóa cát, gặp nạn thành an. Lúc kia lão đạo sĩ xem tướng cho ngươi, ngươi có đàng xà vào miệng chủ về chết đói. Nhờ người làm hai việc âm chất nên nét đằng xà biến thành nét thọ đái đấy!
Vương Thái Hòa bây giờ như nằm mơ mới tỉnh. Tế Điên nói:
– Nếu ngươi không tin, ta có cái này để cho người thấy. Ngươi đem một muôn lượng bạc làm việc công đức sửa cầu Vạn Duyên cho chùa Hải Triều, ngày mai tốt ngày khởi công đi. Ngươi bảo người mang bốn khối đá lại đây, ta viết lên đó bốn câu thơ, mỗi khối viết một câu đem gác lên thành cầu, phái hai gia nhân canh chừng. Khối thứ nhất để mọi người xem tự do, nhưng ai muốn xem khối thứ hai phải bỏ ra 200 lượng bạc, muốn xem khối thứ ba phải bỏ 300 lượng bạc, muốn xem khối đá thứ tư phải bỏ 500 lượng bạc. Một ngàn lượng bạc này giúp ngươi tiền rượu xây cầu, nhưng đừng nói ta viết mà nói thần tiên viết nhé!
Vương Thái Hòa nghĩ thầm: “Ai mà chịu bỏ ra 200 lượng bạc để xem một cục đá chớ? Ta dầu có tiền cũng không xài hoang như vậy”. Tế Điên nói:
– Ngươi không tin à? Để rồi coi có người đòi xem không cho biết!
Vương Thái Hòa lập tức cho người đến chùa Hải Triều, sửa soạn chuẩn bị làm công quán, lại kêu gia nhân đem bốn khối đá đến cho Tế Điên viết rồi đem bốn khối đá ấy để trên thành cầu, kêu gia nhân canh chừng. Vương Thái Hòa cũng ở chung với Tế Điên tại chùa Hải Triều, không việc gì thì đánh cờ. Cầu Vạn Duyên tiến hành việc tu sửa. Hai gia nhân canh chừng bốn khối đá, nói:
– Thưa các vị đến xem đá, khối đá thứ nhất được xem tự do, muốn xem khối đá thứ hai phải bỏ ra 200 lượng bạc.
Trên đường phố náo động hẳn lên. Mọi người xúm lại xem. Trên khối đá viết câu thơ bảy chữ: “Không phải họ Cao vốn họ Lương”. Ai nấy đều cho hai người này ra thai đố. Ai lại chịu bỏ 200 lượng để xem một cục đá? Mọi người bàn tán lăng xăng. Qua mười mấy ngày không ai hỏi tới. Người ta thấy khối đá thứ nhất cười rồi bỏ đi. Một hôm, Vương Thái Hòa nói:
– Bạch Thánh tăng, lão nhân gia nói có người muốn xem cục đá sao không thấy?
– Người đừng nóng, không quá năm ngày nữa sẽ có người đòi xem mà!
Quả nhiên đến ngày thứ tư, có một vị văn sinh công tử đội khăn văn sinh màu thúy lam, mình mặc áo choàng văn sinh cùng màu, lưng thắt dây tơ, vớ trắng vân hài, gương mặt trắng trẻo, tuấn vũ hơn người, mang theo hai đứa thư đồng gánh theo rương sách và cầm kiếm. Vị văn sinh công tử ấy đến gần xem và hỏi:
– Cục đá này ai viết vậy?
Gia nhân đáp:
– Là thần tiên viết đấy.
– Vị thần tiên ấy ở đâu?
– Công tử không cần biết vị thần tiên ấy ở đâu. Muốn xem khối đá thứ hai thì bỏ ra 200 lượng bạc. Khối thứ nhất cho coi không.
– Tôi chịu bỏ ra 200 lượng bạc, chú giở khối thứ hai cho tôi xem.
Gia nhân lật đật chạy vào chùa Hải Triều báo với Viên ngoại rằng có người muốn xem khối đá. Vương Thái Hòa nghĩ thầm: “Thiệt là có những hạng người này sao? Chịu bỏ ra 200 lượng bạc để coi một cục đá?”. Chính mình không tin, bèn bước ra xem thì thấy một vị phục sức theo lối văn sinh công tử. Vương Thái Hòa hỏi:
– Tôn giá muốn xem đá phải không?
– Đúng thế!
– Xem khối đá thứ hai phải bỏ ra 200 lượng bạc.
– Tôi chịu bỏ 200 lượng bạc.
Nói rồi mở rương sách lấy ra 4 lượng vàng tính ra là 200 lượng bạc, giao cho Vương Thái Hòa, Vương Thái Hòa sai gia nhân giở khối đá thứ hai ra. Các gia nhân đều không muốn giở. Vương Thái Hòa nói:
– Tụi bây đứa nào đến rinh, ta thưởng cho 2 lượng bạc.
Các gia nhân nghe nói như vậy, người này muốn rinh, người kia muốn rinh, ai nấy đều muốn đến rinh. Không đầy một khắc, khối đá được rinh ra. Vị văn sinh công tử ấy thấy khối đá thứ hai lại càng ngạc nhiên hơn.
Tại sao vị công tử này chịu bỏ ra 200 lượng bạc để xem khối đá thứ hai? Trong đó có một đoại sự tình. Trên khối đá thứ nhất viết: “Không phải họ Cao vốn họ Lương”. Đúng ngay thân thế của công tử này. Cậu ta chính không phải họ Cao mà vốn họ Lương, là người của Lương Vương trang ở huyện Thạch Kháng. Khi cậu ta 5 tuổi nhắm lúc hai quân Kim, Tống đánh nhau, đại đội Hàn Ly Bất trở lại Giang Nam, mẹ con dắt nhau đi lánh nạn, gặp phải đội giặc, mẹ con lạc nhau, con không tìm được mẹ, đứng khóc ở bên đường. Từ đằng kia có một người đi lại, đầu đội mũ lệch, khoác hờ chiếc áo choàng, nói:
– Em nhỏ ơi, tại sao em khóc thế?
Đứa bé dù mới năm tuổi nhưng rất lanh lợi, nói rất rõ ràng.
– Tôi là người Lương Vương trang, tên là Hưng Lang. Mẹ tôi đưa tôi đi trốn không may gặp giặc nên mẹ con thất lạc, tôi tìm không gặp.
– Hãy đi với ta tìm mẹ. Ta là cậu của con đây.
Lương Hưng Lang tuy nhỏ nhưng không chịu lép, nói:
– Ông không phải là cậu tôi, chỉ là anh tôi thôi, anh mang tôi đi tìm mẹ đi!
– Thôi đi với ta.
Nói rồi kéo Hưng Lang đến huyện Cam Tuyền, ở lại tiệm Cao Gia Toàn. Nơi đây bình yên không giặc giã, gặp vị Cao chưởng quỹ, nhà hào phú đến trăm vạn mà không con, vợ chồng mở quán cơm cốt giúp đỡ các bạn nghèo. Chưởng quỹ hỏi:
– Đứa nhỏ mang theo là gì của chú?
Anh chàng bắt cóc con nít ấy nói:
– Tôi họ Lang, kêu là Lang Tán, nó là cháu tôi. Cha mẹ nó giặc bắt đi. Đứa nhỏ này rơi vào tay tôi, tôi định đem bán nó đi đó.
– Để ta xem nào.
Nói rồi kêu Hưng Lang vào phòng chưởng quỹ, cho ăn uống rồi hỏi:
– Người ấy có phải là cậu của cháu không?
– Không phải, tôi không quen biết người đó. Mẹ tôi dẫn tôi đi trốn, kế gặp giặc mẹ tôi mất tiêu. Ông ấy nói là cậu tôi, tôi nói ông chỉ là anh tôi thôi. Ông ấy nói để dắt tôi đi tìm mẹ.
– Cao chưởng quỹ hỏi rõ ràng xong mới hỏi người bắt cóc:
– Chú muốn bán bao nhiêu?
– Bán 50 lượng bạc.
– 50 lượng bạc tôi đồng ý. Chú viết cho tôi tờ giấy đi!
– Tôi không biết chữ.
– Chú không biết chữ, để bảo thư ký viết thaỵ Trong tiệm của chúng tôi có qui củ, viết như vậy 50 lượng phải bớt phân nửa, còn 25 lượng. Buôn bán trong tiệm phải nộp một phần ba tiền 50 là 15 lượng, bảo thư ký viết giấy tiền công là 10 lượng, cắt đứt hết hai bên không tìm nhau. Bây giờ chú đi đi, không có tiền đưa cho chú. Nếu không chịu, ta sẽ đưa chú lên nha môn, chiếu theo việc bắt cóc con người ta mà tính với chú.
Lương Tán nghe nói ngạc nhiên. Mọi người bàn đi tán lại, định cho hắn ít điếu làm lộ phí cho hắn đi. Cao chưởng quỹ tên là Cao Bá Vạn, người nhà xưng là viên ngoại, giữ Lương Hưng Lang ở lại, mướn vú già nuôi nấng, xin một cho mười, đổi tên là Cao Đắc Kế. Lớn lên rước thầy dạy học. Đến 16 tuổi cưới vợ cho, vợ chồng Dương viên ngoại chỉ có một đứa con gái. Qua 5,6 năm, hai vợ chồng Dương viên ngoại nối nhau qua đời, hai phần gia tài đều về một mình Lương Hưng Lang hưởng trọn. Ngày kia, Lương Hưng Lang nói với vợ:
– Ta vốn là người ở Lương Vương trang, hiện giờ cha mẹ đã qua đời, ta muốn đi tìm hỏi cha mẹ ruột thất lạc nơi nào. Nếu như đã chết, ta đưa hài cốt trở về, nếu như còn sống ta rước về phụng dưỡng. Ta đi lần này đem theo vàng nhiều bạc ít, ngầm giắt châu báu giả dạng làm thư sinh du học, không định là mấy năm trở về, mọi việc trong nhà toàn giao phó cho nương tử.
Dương thị nói:
– Đó là một phần hiếu đạo của quan nhân, tôi cũng không dám ngăn cản. Xin quan nhân cứ đi đi!
Lương Hưng Lang bèn mang theo hai đứa thư đồng, gặp núi viếng núi, gặp chùa lễ chùa, cầu thần Phật bảo hộ cho mẹ con được gặp. Hôm nay đến Vạn Duyên kiều, nhìn thấy chữ viết trên khối đá, được La Hán gia chỉ dẫn đường mê cho hiếu tử.