Tịnh Thất An Lạc

Thanh Quy



I. LỜI MỞ ĐẦU

Là một tu sĩ chân chánh, chúng ta phải đủ ba đức tính: Dứt khoát, kiên quyết và đạm bạc.

1/ Tính dứt khoát là: đời ra đời, đạo ra đạo, tu phải đến nơi đến chốn, không thể có thái độ lưng chừng, mà phải quyết chí tu đến sáng đạo mới được.

2/ Tính kiên quyết là: dù khó khăn chướng ngại do ngoại cảnh hay bản thân tạo ra, đều khẳng định vượt qua. Cương quyết thực hiện kỳ được giải thoát viên mãn mới thôi.

3/ Tính đạm bạc là: cuộc sống đạm bạc giản dị, không chấp nhận mọi thụ hưởng xa hoa. Bản chất thanh đạm là đời sống của một người xuất gia chân chánh.

II. LỤC HOÀ

Lục hòa là chất keo gắn chặt lâu bền Ni chúng cùng chung sống tu hành tại Chùa. Lục hòa cũng là nền tảng vững chắc của đoàn thể Tăng. Muốn Tăng-già đúng với ý nghĩa Tăng-già, chúng ta phải triệt để tuân hành Lục Hòa.

 1/ Thân hòa đồng trụ: Về phần thân, lao động, ăn mặc, ngủ nghỉ, Ni chúng phải hòa đồng nhau trên tinh thần tương thân tương ái. Cùng giữ đúng thời khóa, trừ bệnh xin phép nghỉ. Vào giờ chỉ tịnh và tu học của đại chúng thì không được làm ồn.

 2/ Khẩu hòa vô tránh: Về phần miệng, nói bàn, tranh luận đều trong tinh thần hòa nhã, trọng đạo đức, không được lớn tiếng tranh hơn và dùng lời nặng nhẹ nhau. Không được chia rẻ huynh đệ.

 3/ Ý hòa đồng duyệt: Ni chúng khi đối đãi nhau phải tâm ý vui hòa, thông cảm cho nhau. Khi được chỉ dạy, không được có ý ngang ngạnh, chống đối. Không được ganh ghét, thù hằn nhau.

 4/ Kiến hòa đồng giải: Ni chúng có mọi kiến giải sai biệt trong lúc hạ thủ công phu hay trong khi học giáo lý, đều đem ra trao đổi với nhau, cùng vui vẻ học hỏi lẫn nhau, không nên có thành kiến riêng tư, cố chấp ý kiến mình, bài bác ý kiến huynh đệ.

5/ Giới hòa đồng tu: Về giới luật, Ni chúng phải giữ mười giới làm căn bản và sống đúng Thanh Quy, cố gắng gìn giữ thanh tịnh như nhau.

 6/ Lợi hòa đồng quân: Tất cả tài sản và phẩm vật trong Chùa là tài sản chung của Ni chúng hiện có mặt, không ai có quyền giữ riêng hay thụ hưởng nhiều hơn. Nếu có dư, nên cùng nhau hoan hỉ thí xả, học hạnh Bố thí Ba-la-mật của Bồ-tát.

III. GIỚI LUẬT

Giới luật là nền tảng đạo đức, cũng là gốc của cây thiền định và hoa quả trí tuệ.

A. GIỚI CĂN BẢN

Ni chúng phải giữ mười giới làm trọng tâm.

1/ Không sát sanh:  Từ con người cho đến loài vật, Ni chúng không được giết hại, xúi bảo người giết hại, hoặc thấy người giết hại sanh tâm vui mừng. Nếu vô tình hại mạng chúng sanh, nên khởi tâm từ bi độ thoát.

2/ Không trộm cắp: Tiền bạc, vật dụng, thức ăn uống v.v… của người, nếu người không cho, dù ngọn cỏ, lá cây, Ni chúng cũng không được tự tiện lấy, nếu lấy thành trộm cắp.

3/ Không dâm dục: Ni chúng không thực hành dâm dục, không tạo phương tiện dâm dục và không khởi tâm nghĩ tưởng về dâm dục.

4/ Không nói dối: Ni chúng không nói sai sự thật, không nói lời ác độc hung dữ, không nói lời gây chia rẻ thù hằn nhau, không nói lời phù phiếm vô nghĩa. Không che giấu tội nặng cho nhau. Không phơi bày lỗi của huynh đệ, trừ được yết-ma cho phép.

5/ Không uống rượu: Ni chúng không uống các thứ rượu mạnh và nhẹ, không hút thuốc và các thứ ghiền khác.

6/ Không đeo tràng hoa và ướp nước hoa: Ni chúng không dùng mọi thứ trang sức làm cho thân này sang đẹp. Thí chủ cúng dường sửa tắm có hương thơm có thể dùng, nhưng không được đắm mê. Phải tự tiết chế, và không được tự mua về dùng.

7/ Không ca múa hát xướng: Những trò vui có tính cách đùa cợt loạn tâm, Ni chúng đều không được tự làm, nghe, xem người khác làm.

8/ Không nằm ngồi giường tòa to và sang trọng: Ni chúng chấp nhận một đời sống đạm bạc, nên không nằm ngồi giường ghế to lớn sang trọng.

9/ Không giữ tiền bạc, vàng ngọc: Nếu có tài sản riêng, Ni chúng nên học hạnh cúng dường Tam Bảo, bố thí chúng sanh, không nên đắm mê tài sản có được.

10/ Không ăn phi thời: Ni chúng ăn ngày 3 bữa, không nên quá, không nên ăn không phải thời. Trừ bệnh cần uống thuốc. Không được không ăn mà uống thuốc.

B. GIỚI THƯỢNG THỪA

Thiền Sư Pháp Loa dạy:

Trong hai mươi bốn giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động. Tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cảnh khởi phân biệt, thức không vì pháp trần mà dính mắc. Ra vào không giao thiệp, gọi là ngăn dừng. Tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế.

Đây gọi là giới Đại thừa, gọi là giới Vô thượng, cũng gọi là giới Vô đẳng đẳng. Tịnh giới này dù Tiểu Tăng cho đến Đại Tăng đều phải gìn giữ.

C. QUY CHẾ PHỤ

1/ Để giữ tâm hồn thanh tịnh, thuần đạo lí, Ni chúng chỉ nên đọc sách Phật hay sách đạo lí làm người, nghe giảng những bài hợp Chánh pháp của Phật. Không nên chạy theo ngũ dục thế gian, và tin theo những lời tà kiến.

2/ Để phù hợp hạnh Không hí luận của người xuất gia, Ni chúng không nên tụ họp nói chuyện ồn náo, bàn chuyện thế gian. Chỉ nên cùng nhau trao đổi đạo lí.

3/ Để tâm ý ít dao động, Ni chúng hạn chế ra ngoài. Nếu có việc cần phải đi thì nên đi hai người (trừ về nhà). Xong việc về liền để công phu không xao lãng.

4/ Trong chúng có người bệnh nên khởi tâm từ chăm sóc, không nên thờ ơ để mặc. Phước chăm sóc người bệnh là một trong tám ruộng phước thù thắng. Nên tích phước làm lành, không nên xem thường.

5/ Nên giúp đỡ nhau trong công việc, không nên quá rạch ròi phân chia. Nhưng cũng không được làm ảnh hưởng công tác của huynh đệ.

6/ Phạm những điều giới và quy chế trên đây phải thành tâm sám hối, và quyết tâm sửa đổi. Không nên một lỗi mà tái phạm nhiều lần. Nếu tự thấy không còn yêu thích hạnh xuất gia thì nên xin hoàn tục. Không nên làm phiền đại chúng tu tập mà mắc phải quả báo không lành.

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

  1. Nghĩ đến thân chẳng cầu không bệnh, vì thân không bệnh thì tham dục dễ sanh.
  2. Ở đời chẳng mong không nạn, vì không nạn thì kiêu sa ắt khởi.
  3. Tham cứu tâm chẳng cầu không chướng, vì tâm không chướng thì sở học khó vượt bậc.
  4. Lập hạnh chẳng mong không ma, vì không ma thì thệ nguyện chẳng vững.
  5. Sắp đặt việc chẳng cầu dễ thành, vì việc dễ thành thì chí còn khinh mạn.
  6. Tình nghĩa qua lại chẳng cầu lợi mình, vì lợi mình thì kém tổn đạo nghĩa.
  7. Đối tiếp người chẳng cầu được nuông chiều, vì được nuông chiều thì tâm sanh kiêu căng.
  8. Thi ân bố đức không mong đền đáp, vì mong đền đáp là ý còn mưu toan.
  9. Thấy lợi chẳng cầu mình được, vì được lợi thì tâm si dễ động.
  10. Bị hàm oan chẳng cầu minh oan, vì minh oan thì oán hận càng sanh.

Thế nên, Thánh nhơn lập bày giáo hóa, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm tiêu dao, lấy chướng nạn làm giải thoát, lấy chúng ma làm bạn pháp lấy khó khăn làm thành công, lấy kẻ giao hữu tệ bạc làm sự giúp ích, lấy người nghịch làm vườn đẹp, lấy bố đức làm dép rách, lấy lợi sơ sài làm giàu sang, lấy oan ức làm cửa hạnh.

Như thế ở chỗ ngại biến thành thông, mong được thông trở thành ngại. Như thế Như Lai ở trong chướng ngại được Đạo Bồ Đề.. Đến như bọn ông Ương Quật Ma La và Đề Bà Đạt Đa đều đến làm hại, mà đức Phật vẫn thọ ký cho họ sau sẽ thành Phật. Đâu không phải họ là nghịch mà ta vẫn thuận, kia là hoại mà ta lại thành.

Song thời nay người thế tục học đạo, nếu trước không ở chỗ ngại, khi chướng ngại đến khó bề dẹp nỗi, khiến của báu Pháp Vương do đó mà mất. Đâu chẳng tiết ư ! Đâu chẳng tiết ư !

(Luận Bảo Vương Tam Muội)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.