Bóng Nguyệt Lòng Sông

15. Tiêu Cực Và Tích Cực



Danh từ tiêu cực và tích cực thường bị sử dụng bừa bãi làm chúng ta hiểu sai ý nghĩa nguyên thủy của nó. Khi một người không hăng hái làm một việc gì, tỏ thái độ thờ ơ, ta gọi tiêu cực, và trái lại là tích cực. Nhưng cần định nghĩa lại hai danh từ ấy để thấy rõ rằng, trong tích cực có tiêu cực và ngược lại.

“Tiêu” có nghĩa là giảm bớt, “tích” là tăng thêm. Vậy khi ta muốn nói đạo Phật tiêu cực, thì phải nói “Đạo Phật rất tiêu cực trong việc phát triển tham, sân, si” mới đúng. Và như vậy cũng có nghĩa là Đạo Phật rất tích cực trong việc phát triển tuệ nhãn, đào luyện một lối nhìn đúng về bản thân, cuộc đời và vũ trụ.

Hoạt động con người không chỉ ở sự lăng xăng của thân thể, tay chân. Đó chỉ là thân nghiệp. Còn có ngữ nghiệp là hoạt động bằng lời nói và ý nghiệp là hoạt động bằng tư duy. Quan trọng nhất đối với Phật giáo là ý nghiệp, yếu tố duy trì, nuôi dưỡng sự sống con người tiếp diễn mãi mãi không những kiếp này, mà cả đến nhiều kiếp về sau. Vậy, khi một con người thân không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh, miệng không nói lời độc ác, lời dối trá dua nịnh, lời phù phiếm, ý không tham sân si (không làm mười điều ác nghiệp) ta có thể nói họ tiêu cực đối với 10 việc ác nhưng không thể bảo tiêu cực suông, vì muốn đạt tới trình độ không tham không sân, không si phải qua một thời gian dài tích cực chống lại tham, sân, si ngay trong chính mình bằng tư duy, thiền định.

Không khí là một cái gì rất tiêu cực vì nó không làm gì cả, nhưng lại là nguồn sống cho tất cả. Cũng vậy, sự hiện diện tiêu cực của một bậc thánh có tác dụng vô cùng tích cực trên cuộc đời tối tăm. Angulimàla, tên cướp giết 999 mạng người cuối cùng đã được cảm hóa, chỉ nhờ thấy được từ nhan của Phật. Mãnh lực của lòng Từ nơi đấng Giác Ngộ đã có thể làm một việc mà binh hùng tướng mạnh của vua Pasenàdi đã không làm nổi, đó là dẹp được một tên cùng hung cực ác. Nguồn Từ – Bi nơi Ngài quả thật tuyệt diệu, làm cho đại đức Rahula thuở còn bé vừa trông thấy Ngài đã không muốn rời, và thốt lên một lời cảm động: “Chỉ cái bóng của Sa-môn cũng đủ làm cho con mát mẻ lạ thường!”. Và cái bóng của Đức Từ phụ, gần ba ngàn năm sau vẫn còn làm cho bao nhiêu chúng sinh mát mẻ! Dưới bóng mát ấy, ta không còn bận tâm về tiêu cực hay tích cực, bao nhiêu tranh chấp trở thành trò múa rối, và ta nhớ tới lời dạy của Thế tôn: “Như Lai không tranh luận với thế gian… Pháp của Như Lai là để cho người biết người thấy, không phải cho người không biết không thấy.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.