Để kết thúc, tôi nhắc tổng quát về mười bức Tranh chăn trâu để tất cả quí vị dễ nhớ và thấy được ý nghĩa thiết yếu trên đường tu hành. Mười tranh chăn trâu có nhiều bản khác nhau, đây là tôi căn cứ theo bản của ngài Quảng Trí. Có nhiều Thiền sư đề cập đến mười tranh này, nhưng lời nói có vẻ mông lung, chưa xác định rõ cái gì là con trâu, cái gì là thằng chăn. Với ngài Quảng Trí, Ngài xác định trâu là năm thức của năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), còn thằng chăn là ý thức. Song cái nhìn của tôi có khác, tôi nhìn ý thức có hai mặt: ý thức tỉnh và ý thức mê. Ý thức tỉnh thì chăn mới được, còn mê thì nó phụ họa với năm thức của năm căn. Vừa thấy vật tốt liền khởi lòng tham, đó là ý thức mê, cho nên tôi thường nhắc Tăng Ni tu thì phải bỏ mê mà hằng tỉnh. Thế nào là mê, thế nào là tỉnh? Chạy theo sáu trần là mê, không theo sáu trần là tỉnh, rất là đơn giản. Như vậy chúng ta tu chỉ có tỉnh với mê. Mắt vừa thấy sắc mình tỉnh mình biết, không chạy theo sắc, tai vừa nghe tiếng thì ngăn liền, không chạy theo phân biệt tiếng dở tiếng hay… Đó là ý thức tỉnh ngăn đón không chạy theo năm trần nên gọi là chăn trâu. Trái lại nếu chạy theo năm trần thì đó là để cho trâu hoang chạy rong. Nhưng muốn được ý thức tỉnh để ngăn đón không phải là đơn giản, vì chúng ta sống với ý thức mê nhiều. Như thấy một người đi đường liền phân biệt nam hay nữ, tiếp nữa là đẹp hay xấu, rồi dễ thương hay dễ ghét. Đó là chúng ta đang mê. Còn nếu thấy người thì thấy người, không thêm một niệm nào nữa, đó là biết ngăn đón không cho con trâu chạy hoang. Như vậy nói chăn giữ năm căn chớ thật ra là chăn giữ cái ý thức mê. Ý thức mê phụ họa theo năm căn mới có lỗi chớ năm căn không có lỗi. Vậy cái gì chăn giữ ý niệm mê? Tức là niệm tỉnh giữ ý niệm mê. Chăn trâu là chăn giữ ý niệm mê chạy theo năm căn dính với năm trần, chớ không phải chăn năm căn. Vì làm sao chăn năm căn? Bắt mắt nhắm, bắt tai điếc phải không? Hẳn là không. Mắt cứ thấy, tai cứ nghe có gì cần phải chăn, nhưng chăn là chăn cái chạy theo phụ họa, cái đó thuộc về ý thức. Đó là điều rất tế nhị. Như vậy chăn không cho ý niệm mê chạy theo năm căn để tạo nghiệp, đó là chăn trâu.
Chăn trâu có mười mục gồm mười bức tranh. Bức tranh đầu là “Chưa Chăn” tức là chưa chăn giữ, như ở thế gian người ta ăn tiệc uống rượu chưa biết gì để tu hành, đây là hình ảnh ba người ngồi uống rượu nói chuyện chơi. Con trâu còn hoang, mục đồng mới đi tìm nó. Qua bức tranh thứ hai là “Mới Chăn”, quí vị thấy cay đắng không? Mục đồng xỏ mũi được trâu rồi, tay thì nắm dây mũi lôi, tay thì cầm roi quất. Khi mới chăn thì nhọc nhằn vô kể. Một con trâu hoang chúng ta xỏ được mũi, nó mạnh mình yếu, nó cứ lôi đi, nhưng mình được ưu thế là có dây mũi và thêm cây roi. Như vậy người mới chăn phải có đủ hai điều kiện là dây mũi và cây roi mới trị nổi con trâu. Dây mũi là gì? – Là giới luật. Cây roi là gì? – Là quở trách. Nếu là cư sĩ thì năm giới là dây mũi. Thí dụ như người Phật tử muốn tu Thiền, tức là muốn giữ cho tâm yên tĩnh, mà con trâu đang chạy thì phải có dây mũi, nghĩa là giữ năm giới. Nếu muốn tu Thiền mà làm việc ăn trộm thì tối ngồi thiền có yên không? Ngồi lo mưu tính đủ cách để đi lấy trộm thì đâu có an, khi trộm được rồi sợ bị bắt, lại phải tính mưu kế nữa nên cũng không an. Như vậy muốn an thì phải giữ giới. Mục thứ hai thật là cay đắng, vừa có dây mũi, vừa có roi, nghĩa là giai đoạn đầu muốn chăn giữ cho ý niệm không chạy theo phụ họa với năm căn thì trước phải giữ giới luật và quở trách nó. Những mục kế, ở đây nói đơn giản quá, mới nỗ lực giữ mà đến bức tranh thứ ba thứ tư, chú mục đồng đi thảnh thơi, con trâu đi theo chú rồi, “Chịu Phục”, “Quày Đầu” dễ dàng. Thật ra từ mục thứ nhất đến thứ tư không phải đơn giản như vậy. Đến mục thứ năm thì mới được thảnh thơi, tức là đến “Thuần Phục”, con trâu ngoan ngoãn rồi mục đồng mới thảnh thơi.
Trong phần tổng kết này tôi chỉ nói lên điểm then chốt. Mười mục chăn trâu, nếu người chăn quyết tâm tận lực chăn thì sẽ điều phục được trâu, sẽ thắng được trâu dù nó là trâu hoang. Khi thắng nó rồi, chúng ta từ chỗ nhọc nhằn dần dần tiến đến chỗ thảnh thơi. Như vậy trên đường tu, bước đầu ai cũng phải cay đắng, không ai bước vào tu mà thảnh thơi được. Chúng ta phải quyết tâm tận lực qua được sự cay đắng đó mới từ từ được thảnh thơi cho đến lúc trâu và chăn mất. Như tôi đã nói ý niệm mê thì chạy theo cảnh, ý niệm tỉnh thì ngăn đón không chạy theo. Hai ý niệm này trở thành chăn và trâu. Khi thuần rồi chỉ còn ý niệm tỉnh, ý niệm mê không còn, tức là con trâu mất chỉ còn thằng chăn nên cũng còn chăm chỉ ngó chừng. Còn ý niệm tỉnh là còn chỗ dụng công xem xét cho đến cuối cùng ý niệm này cũng mất. Trâu mất trước rồi chăn mất sau mới thành một vòng tròn là tánh Viên giác. Như vậy chúng ta tu lúc đầu là dùng tương đối, lấy cái tỉnh để dẹp cái mê. Khi mê hết còn lại cái tỉnh, cuối cùng tỉnh cũng lặng, lúc đó mới hoàn toàn viên giác, tức là giác ngộ tròn đủ. Như trong kinh dạy chúng ta tu đến chỗ không còn thấy trong có tâm, ngoài có cảnh tức không còn ngã và pháp… Khi đó mới viên mãn, giác ngộ tròn đầy. Vì vậy muốn đến giác ngộ viên mãn thì cả trâu và chăn đều mất, đó là theo hình ảnh ở đây.
Trở lại những bức tranh vẽ ở đây. Bức tranh đầu vẽ con trâu với thằng chăn có vẻ đặc biệt. Con trâu trong bức tranh thứ hai có vẻ hiền hơn con trâu trong bức tranh đầu, vì con trâu đầu đang là trâu hoang. Quí vị thấy từ con trâu hoang đó đến bức thứ hai con trâu tuy được xỏ mũi lôi cổ mà vẫn còn hung hăng. Bức thứ ba, con trâu trắng được cái đầu, thằng chăn cũng còn dây mũi còn roi, bức tranh thứ tư trâu mới có vẻ hiền lành nhưng vẫn còn dây mũi. Như vậy tu phải trải qua mục thứ năm, lúc đó mới thảnh thơi. Quí vị đến mục thứ mấy rồi? Nếu số một thì cay đắng lắm, ngồi tu mà khổ sở, mục thứ hai, thứ ba thì khá một chút. Thứ tư thì dễ chịu, thứ năm mới thảnh thơi, kéo chân lên ngồi liền thảnh thơi, hoặc đi tới đi lui cũng vẫn thảnh thơi, không còn phải nhọc nhằn canh chừng từng phút từng giây nữa. Như vậy chúng ta thấy có sự an lành thảnh thơi nào mà chẳng đổi bằng sự nhọc nhằn cay đắng không? Hẳn là không.
Ở thế gian, muốn thành một nhà cự phú thì cũng phải bao năm nhọc nhằn khổ sở mới gầy dựng nên sự nghiệp. Một người học trò muốn thành một vị quan giỏi để lo việc nước thì cũng phải cực nhọc học hành mấy chục năm. Người tu chúng ta cũng vậy, muốn chiến thắng được những ý niệm mê lầm theo thói quen ngàn đời thì cũng phải cay đắng, nhưng nếu quyết tâm thì có thể làm được. Đừng nghĩ tu khó quá rồi thả trôi thì sẽ không ra gì. Chúng ta biết trước mắt chúng ta là khó nhưng với quyết tâm tận lực, chắc chắn chúng ta sẽ thành công không nghi.
Như vậy tôi nói cho quí vị thấy tường tận rằng sự tu hành rất khó, song cái khó đó là để chúng ta thành công chớ không phải để chúng ta thối lui. Cư sĩ hay xuất gia đều có thể làm được nếu quyết tâm tận lực. Đồng thời chúng ta biết rõ rằng nơi mình có sẵn khả năng thành Phật, chỉ cần phải dẹp những thói quen mê lầm. Thói quen mê lầm ví dụ như bụi, như nước sơn phủ trên mặt gương. Gương vốn trong sáng, nay gương tối là do bụi phủ hay người ta đem sơn phết lên mặt gương. Chúng ta chịu khó lau mãi nó sẽ hết, nhất định nó sáng vì gương vốn sáng, bụi và sơn chỉ phủ bên ngoài, chúng ta cố gắng tìm mọi cách lau rồi nó sẽ sáng không nghi. Cũng như vậy Tánh giác vốn sẵn có nhưng bị tập khí phiền não nhiều đời che lấp, nay chúng ta chỉ cần dẹp sạch phiền não tập khí thì Tánh giác hiện tiền không nghi ngờ. Nếu quí vị làm được việc này mà không được sáng, tôi phải chịu thay tội cho quí vị tôi cũng chấp nhận, còn quí vị không chịu làm thì lỗi đó tại ai? Thế nên chúng ta tu là một việc làm khẳng định thành công chớ không phải việc làm cầu may, không phải việc làm để làm chơi, bỏ phí một đời để làm chơi. Một đời là quí lắm, chúng ta phải làm sao cho có kết quả như điều mong ước, đừng thả trôi uổng cả một đời, sau trở lại không biết có gặp được duyên tốt như hiện nay không, nên phải ráng làm cho được. Đó là điều tôi nhắc nhở, mong tất cả quí vị ghi nhớ.