ÂM:
VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC
Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn:
– Thế Tôn! Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, vi vô sở đắc da?
Phật ngôn:
– Như thị, như thị! Tu-bồ-đề! Ngã ư A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
DỊCH:
KHÔNG PHÁP CÓ THỂ ĐƯỢC
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn, Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay là không được ư?
Phật bảo:
– Đúng như thế, như thế! Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Quí vị thấy bệnh chấp của chúng ta, từ những cái chấp có mình thật, pháp thật, kế đến là chấp có cái này để được, cái kia để chứng… Trong đoạn này đức Phật phá đến có chứng, có đắc. Ngài Tu-bồ-đề hỏi đức Phật: Thế Tôn có được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay là không được? Nếu không được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đâu gọi là Phật. Tại sao ngài Tu-bồ-đề lại hỏi như thế? Hỏi có được, không được là để xác nhận lại xem có năng đắc và sở đắc hay không? Khi đó đức Phật liền trả lời: Đúng thế, đúng thế! Tu-bồ-đề! Ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như thế quí vị mới thấy bệnh của chúng ta hiện nay, hoặc là Phật tử, hoặc là Tăng Ni có tu được chút công phu khi gặp nhau liền hỏi: Lúc này anh chứng được gì rồi? Lúc này huynh được cái gì rồi, Thầy được cái gì rồi? Như thế chúng ta cứ mắc kẹt trong cái chứng cái đắc. Nếu có chứng có đắc nghĩa là có được, một là có người hay được, hai là có pháp bị được. Đoạn trước có nói, không có người nói pháp và không có pháp bị nói thì làm sao có người hay được và pháp bị được. Nếu còn thấy có cái để cho mình được thì không phải là Phật. Thế nên nếu nói có được tức là nói Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó là phỉ báng Phật. Tại sao? Nếu Ngài còn thấy có sở đắc thì Ngài còn ngã, còn pháp.
Đức Phật nói: Ta đối Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là chỗ giác ngộ cứu kính không còn thấy có một chút ngã pháp. Do không còn một chút ngã pháp nào cho nên chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Được mà không được! Chỗ này thật khó nói. Đến đây tôi nhớ ngài Hoàng Bá nói rằng: Nếu một hạt bụi chúng ta đập nát ra thành một trăm hạt bụi nhỏ, trong một trăm hạt bụi nhỏ đó, chín mươi chín hạt chúng ta thấy là không, còn một hạt nhỏ xíu, nếu thấy có thì cũng là chưa thấy đạo! Còn một chút xíu mà thấy có là chưa thấy đạo! Một chút xíu mà còn thấy được cũng chưa phải là Phật! Chúng ta hiện nay cái gì cũng muốn được hết, được cái này, được cái kia v.v… cho nên cứ mãi làm chúng sanh! Vì lúc nào chúng ta cũng ôm cái bản ngã to tướng nên thấy các pháp đều là thật, vì vậy muốn được cái này, được cái kia… Do đó khi vào đạo tu hành cũng vẫn nghĩ đến cái được mãi, nghe nói không được thì sanh chán nản vì không hợp với bản ngã. Nhưng quí vị thấy nếu còn mang bản ngã, cho bản ngã là thật làm sao giác ngộ, vì đó là tướng si mê mà! Ở đây Phật chỉ thấu đáo rằng nếu không còn thấy có một chút pháp để được, mới thật giác ngộ đến chỗ vô thượng, không còn gì hơn. Trái lại còn có một chút được là không được, là chưa giác ngộ. Như thế người nào nói tu ba tháng hay bốn tháng hay sáu tháng được cái này, cái kia v.v… thì chúng ta liền biết người đó làm to thêm cái bản ngã. Vậy mà hiện nay thiên hạ hay gạt nhau như thế, vào đạo bằng cách tô điểm cho bản ngã lớn thêm, đó chỉ là chồng chất thêm si mê chớ không phải là dạy đạo. Giác ngộ là phải thấy tận lẽ thật, mà thấy đến lẽ thật thì bao giờ còn một chút mê lầm, dù là một chút xíu thôi, về ngã về pháp cũng là chưa viên mãn giác ngộ. Như vậy chúng ta thấy tu theo đức Phật có vẻ buồn phải không? Tại sao? Bởi vì ở thế gian, sở dĩ chúng ta vui là khi nào chúng ta được nhiều người hoan nghinh, nghĩa là khi được người ta tô điểm, vuốt ve bản ngã. Trái lại lúc bị dìm bản ngã xuống, lúc đó chúng ta buồn, mà ở đây Phật phá không còn một chút nào hết thì không buồn sao được! Nhưng đó là cái buồn của kẻ si mê chớ khi giác ngộ mình sẽ thấy rõ phải mất cái giả đó mới đạt được cái thật. Thiên hạ cứ chết chìm trong cái giả thì đời nào thấy được cái thật! Thế nên đức Phật đập tan cái giả, không cho chúng ta chấp cái giả một chút nào cả để rồi Ngài chỉ chúng ta cái chân thật. Như vậy vào đạo trước hết phải buồn, vì không có những cái tô điểm bản ngã thì dường như buồn, nhưng thật ra phải biết chính đó là niềm vui. Tại sao? Vui vì mình thấy được lẽ thật, vui vì thấy mình qua được cơn si mê mà thế gian đã chôn vùi mình không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nay mình nhảy vọt qua khỏi hầm si mê thì đó là điều đáng mừng, người không biết thì buồn vì mất bản ngã. Như thế chúng ta học đạo là cốt làm sao tự mình thoát ra khỏi cái khổ chìm trong đen tối si mê, và cái vui thoát khỏi cơn si mê là cái vui lớn lao. Người nào biết hưởng cái vui đó là người gần với đạo, còn người nào nghe phá bản ngã sanh ra sợ, buồn thì người đó khó gần được đạo. Thế nên trong nhà Phật thường ví dụ người si mê như con tằm nhả tơ kết thành kén, càng nhả tơ càng kết kén nhốt mình ở trong, rốt cuộc bị bỏ vào chảo nước sôi để người ta kéo chỉ… Người thế gian cũng thế, tự mình chấp ngã, rồi muốn mọi người tô điểm bản ngã của mình, tạo điều này, điều kia đưa bản ngã mình lên… Đó là mình nhả tơ kết kén để chôn mình, cuối cùng bị chôn vùi không thể nào thoát được. Vì thế người học đạo phải là người tỉnh giác. Như tôi thường nói quí vị đến với chúng tôi là chúng ta cùng tìm lẽ thật, mà lẽ thật ngay nơi con người mới là thiết yếu và khi mình thấy được lẽ thật rồi, đó là cái vui cao cả, cái vui của trí tuệ. Người nào vui được như thế, tôi tin rằng có ngày họ sẽ thoát khỏi mê lầm, nếu không được cái vui đó chỉ là học để mà chơi chớ không đi tới đâu cả. Hiểu cho thật rõ như vậy thì khi vào đạo chúng ta phải hiểu bằng trí tuệ, chớ đừng đòi hỏi được sự nuông chiều bản ngã, đừng đòi hỏi những sở đắc, sở chứng, đó là những cái mê muội…
Tuy nói như thế mà Phật có chứng hay không? Bởi vì khi đập tan được cái bản ngã hư giả này thì chừng đó mới sống với cái Thể chân thật, đó là chứng, là đắc; nhưng không phải chứng đắc trên cái giả dối tạm bợ mà lâu nay chúng ta mê lầm, chính khi sống được với cái chân thật thì gọi là Phật. Ở đây nói cho đến không có một chút pháp để được ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩa là không có một chút pháp có thể được nên mới gọi là Phật. Nếu còn có được thì chưa phải là Phật. Qua lời Phật dạy ở đây, chúng ta liền nhìn ra những ai dạy đạo mà đặt nặng sự chứng đắc thì chúng ta biết đó là khó thoát sanh tử. Hiểu như thế thì giả sử có ai nói tôi đã đắc đạo, tôi thành Phật v.v… chúng ta tin được chưa? Đó là trái với đức Phật rồi. Thế nên chúng ta phải dùng kinh của Phật dạy để khỏi lầm, những người đi trong con đường lầm lại chỉ cho chúng ta lầm theo.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |