Kinh Viên Giác

Chương 6 Bồ Tát Thanh Tịnh Huệ Thưa Hỏi



Lúc bấy giờ Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:

– Đức Thế Tôn đại bi! Vì chúng con rộng nói việc bất tư nghì như thế, từ trước chưa từng thấy, từ trước chưa từng nghe, ngày nay chúng con nhờ Phật khéo dẫn dụ, thân tâm thơ thới, được lợi ích lớn.

– Xin Thế Tôn vì các chúng đến nghe pháp, nói lại Tánh giác viên mãn của đấng Pháp vương và sở chứng sở đắc của chúng sanh, Bồ-tát và chư Phật sai biệt như thế nào, khiến cho tất cả chúng sanh đời sau nghe được Thánh giáo này, tùy thuận khai ngộ, dần dần vào được Tánh giác.

Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo sát đất, thưa hỏi như vậy lặp lại ba lần.

Khi ấy đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ rằng:

– Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì chúng sanh đời sau thưa hỏi Như Lai về thứ lớp tu chứng sai biệt. Bây giờ các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì các ông nói.

Khi ấy Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ vâng lời dạy, vui vẻ cùng đại chúng im lặng lắng nghe.

– Này thiện nam, tánh Viên giác “phi tánh tánh hữu”, tùy theo các tánh mà khởi, không thủ không chứng. Trong tướng chân thật không có Bồ-tát và chúng sanh. Vì cớ sao? Vì Bồ-tát và chúng sanh đều là tướng huyễn hóa. Khi tướng huyễn hóa diệt rồi thì không có người chứng và quả được chứng. Thí như con mắt không tự thấy con mắt. Tánh tự bình đẳng, không cần người làm bình đẳng.

– Chúng sanh vì mê muội điên đảo, chưa diệt trừ tất cả pháp huyễn hóa, đối với pháp đáng diệt mà chưa diệt, nên trong vọng dụng công phu, liền hiển bày sai biệt. Nếu tùy thuận tịch diệt Như Lai thì thật không có cảnh tịch diệt và người tịch diệt.

– Này thiện nam, tất cả chúng sanh từ vô thủy đến giờ do vọng tưởng ngã và ái ngã, chẳng từng tự biết niệm niệm sanh diệt, cho nên khởi yêu ghét và đam mê ngũ dục.

– Nếu gặp thiện hữu tri thức dạy cho khai ngộ tánh Viên giác thanh tịnh, thấy rõ sự sanh diệt, liền biết đời này tánh tự lao lự.

– Lại, nếu có người hằng đoạn các lao lự thì ngộ được pháp giới thanh tịnh, nhưng đối với tánh Viên giác chưa được tự tại, vì còn bị “cái biết tịnh” làm chướng ngại, những người ấy gọi là phàm phu tùy thuận tánh Viên giác.

– Này thiện nam, tất cả Bồ-tát bị kiến giải làm ngại, tuy đã đoạn được cái ngại của kiến giải, nhưng vẫn còn trụ ở kiến giác, do kiến giác làm ngại nên không tự tại. Những vị này gọi là Bồ-tát chưa nhập địa tùy thuận tánh Viên giác.

– Này thiện nam, còn chiếu còn giác đều còn chướng ngại, thế nên Bồ-tát thường giác mà chẳng trụ, năng chiếu và sở chiếu đồng thời vắng lặng. Thí như có người tự chặt đầu mình, khi cái đầu đã chặt rồi thì không có người chặt đầu – năng đoạn. Thế thì dùng tâm chướng ngại diệt các chướng ngại. Khi chướng ngại đoạn diệt hết thì không còn người diệt chướng ngại. Kinh giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết rõ ngón tay rốt ráo không phải là mặt trăng. Tất cả ngôn giáo của Như Lai khai thị cho Bồ-tát cũng như thế. Đây gọi là Bồ-tát đã nhập địa tùy thuận tánh Viên giác.

– Này thiện nam, tất cả chướng ngại tức là cứu kính giác; chánh niệm thất niệm đều là giải thoát; giữ giới phá giới đều là Niết-bàn; trí tuệ ngu si đều là Bát-nhã; pháp của Bồ-tát và ngoại đạo thành tựu đồng là Bồ-đề; vô minh Chân như đồng một cảnh giới; giới, định, tuệ và dâm, nộ, si đều là phạm hạnh; chúng sanh quốc độ đồng một Pháp tánh; địa ngục thiên cung đều là Tịnh độ; hữu tình vô tình đều thành Phật đạo; tất cả phiền não là giải thoát rốt ráo, vì biển tuệ pháp giới soi rõ các tướng như hư không. Đây gọi là Như Lai tùy thuận tánh Viên giác.

– Này thiện nam, các vị Bồ-tát và những chúng sanh đời sau ở trong tất cả thời chẳng khởi vọng niệm, đối với vọng tâm cũng không cần dứt trừ, ở cảnh vọng tưởng mà không thêm phân biệt, đối với cái không hiểu biết chẳng biện chân thật, các chúng sanh kia nghe được pháp môn này tin hiểu thọ trì, không sanh kinh sợ. Ấy gọi là tùy thuận Tánh giác.

– Này thiện nam, các ông nên biết, những chúng sanh như thế đã từng gieo trồng cội gốc công đức, cúng dường trăm ngàn muôn ức chư Phật và Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng. Phật nói người này sẽ thành tựu Nhất thiết chủng trí.

Lúc bấy giờ Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nói kệ rằng:

Thanh Tịnh Tuệ nên biết

Tánh Bồ-đề viên mãn

Không thủ cũng không chứng

Không Bồ-tát chúng sanh

Giác cùng với chưa giác

Thứ lớp có sai biệt.

Chúng sanh vì giải ngại

Bồ-tát chưa lìa giác

Nhập địa hằng vắng lặng

Không trụ tất cả tướng

Viên mãn quả Đại giác

Gọi là tùy thuận khắp.

Những chúng sanh đời sau

Tâm không sanh hư vọng

Phật gọi người như thế

Hiện đời là Bồ-tát.

Cúng dường hằng sa Phật

Công đức đã viên mãn

Tuy có nhiều phương tiện

Đều gọi trí tùy thuận.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.