Truyện Tích Phật Giáo

88. Thiện Quang công chúa



Ngày xưa ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ có một ông vua hiền từ và công minh tên là Ba Tư Nặc.

Vua là một tín đồ Phật giáo thuần thành, rất nhiệt tâm làm việc phước thiện và việc giáo dục, đối nội thì dùng chính sách nhân từ và ôn hoà để trị dân, đối ngoại thì dùng chính sách thân thiện với các nước lân bang vì ông không thích chuyện chiến tranh giết chóc.

Với một ông vua quang minh như thế, trăm họ dĩ nhiên phải hạnh phúc, nhân dân do đó rất thương mến và tôn kính vua.

Vua Ba Tư Nặc sinh được ba cô công chúa, cô thứ nhất vô cùng xấu xí, từ nhỏ bị dấu trong thâm cung, chưa một lần gặp mặt người lạ, sợ bị người ta chê cười. Cô thứ hai tên là Thiện Quang, cô thứ ba tên là Bà Đà. Bà Đà công chúa vô phúc nên từ bé đã phải xa lìa bố mẹ, chỉ còn lại nhị công chúa Thiện Quang là được bố mẹ vô cùng yêu chìu.

Thiện Quang công chúa không những sinh ra xinh đẹp đoan trang, tính tình lại ôn hòa nhã nhặn. Chưa kể thân nàng còn phóng ra một thứ ánh sáng cát tường, cứ chiều tối đến là ánh sáng này tăng lên gấp bội như thể đang giữa ban ngày.

Mọi người thương mến bảo bọc công chúa thì công chúa cũng lấy lòng thương mến nhân từ đối xử lại khiến người ta lại càng thương yêu kính trọng công chúa thêm.

Một hôm nhà vua nhàn rỗi không có việc gì làm, bèn đưa người nhà ra vườn hoa dạo chơi. Công chúa Thiện Quang đi sát sau lưng vua cha, lúc nào cũng để ý chăm sóc cho cha nên được vua thương yêu thêm. Khi vua cha đặt câu hỏi thì công chúa trả lời trôi chảy, lý lẽ rành mạch đâu đó. Vô tình nhà vua hỏi:

– Thiện Quang! Phụ vương của con là vua của một nước, được tất cả mọi người tôn kính. Con nhờ vào sức mạnh, uy thế và phúc đức của phụ vương nên cũng được mọi người thương yêu tôn trọng, có ai may mắn như con không? Như thế chắc con phải mang ơn phụ vương lắm nhỉ?

Nghe vua cha nói thế, công chúa dùng lời lẽ nhu hoà để trả lời:

– Tâu phụ vương, con được đầu thai vào gia đình vua chúa, làm con gái của phụ vương thì dĩ nhiên con phải kính trọng và hiếu thảo với phụ vương.

Nhưng nếu con được mọi người thương yêu tôn trọng thì đó hoàn toàn là nhờ vào phúc đức con gặt hái được từ những kiếp trước, chứ nếu nói nhờ vào ảnh hưởng của người khác thì không có gì đáng kể.

Nhà vua nghe thế không bằng lòng, tự nghĩ:

– Nhị công chúa xưa nay vốn ôn hòa mềm mỏng, chưa bao giờ tỏ thái độ ngỗ nghịch với ta, tại sao hôm nay lại dám lớn giọng khoe khoang tự cho là mình có phúc báo, có phải là vận hạn may mắn của nó đã hết và nó sắp phải chịu khổ báo?

Nhà vua nghiêm sắc mặt, nói với Thiện Quang công chúa với một vẻ không vui:

– Nếu con nói con đã tự có phúc báo thì bây giờ ta sẽ thử nghiệm xem phúc báo của con rốt cuộc lớn nhỏ tới mức nào?

Vua Ba Tư Nặc lập tức gọi một người hầu cận tâm phúc, bảo người ấy phải làm sao mà trong vòng mấy ngày bí mật tìm cho ra một anh chàng thanh niên tuấn tú nhưng không có cơm ăn, không có nhà ở, sống bằng nghề ăn xin quanh quẩn trong hay ngoài hoàng thành, và dặn người ấy tuyệt đối không được tiết lộ việc này ra ngoài.

Ba ngày sau, người hầu cận đưa về một người thanh niên hành khất, bảo đứng chờ ở vườn sau. Nhà vua nghe tâu, liền đổi thường phục ra vườn sau gặp người thanh niên đang đứng ở dưới ngọn giả sơn. Thấy mặt người thanh niên ông rất vừa ý, bảo người này rằng:

– Ta thấy ngươi còn trẻ tuổi, hẳn là chưa có vợ. Nếu ngươi bằng lòng, ta sẽ tặng cho ngươi một mỹ nhân, cho ngươi đưa về lập tức!

Trong đời người hành khất, đến trong mơ còn không dám mơ tưởng đến một sự việc như thế, vui mừng quá mà quên thân phận không nhà không cửa của mình, gật đầu trả lời nhà vua:

– Ý vua là ý trời, tiểu nhân đâu dám không tuân!

Vua Ba Tư Nặc lập tức gọi công chúa Thiện Quang ra bảo rằng:

– Con nói tự con đã sẵn có phúc báo, ta muốn thử nghiệm xem phúc báo của con bao to? Nay ta gả con cho anh thanh niên nghèo khổ khốn cùng này, con phải đi theo anh ấy ngay!

Công chúa Thiện Quang không chút trách hờn vua cha, cũng chẳng bận tâm đến tương lai của mình sẽ phải lấy gì mà sống. Nàng liền đi thay bộ quần áo xa hoa sang trọng đổi lấy một bộ y phục bằng vải thô, lạy phụ vương cáo biệt rồi cùng người hành khất đi ra ngoài bằng cửa sau của vườn hoa.

Thiện Quang công chúa không buồn mà cũng chẳng lo, đi được một đoạn đường, nàng hỏi người hành khất:

– Phu quân, nhà chàng ở đâu? Cách đây còn xa không? Có chỗ để nương náu không?

Người hành khất xấu hổ trả lời:

– Khi tôi mới sinh ra đời thì trong nhà rất có tiền, gia sản khổng lồ. Nhưng không lâu sau cha tôi thôi làm quan, ở nhà ăn không ngồi rồi mãi thì núi cũng phải lở, chỉ một vài năm sau là đời sống trở nên rất khó khăn. Chưa kể cha mẹ tôi tuổi đã già, vì quá ưu tư mà lâm bệnh nặng, theo nhau mà qua đời. Còn lại tôi tuổi nhỏ không biết làm gì để sống, cứ thế mà lâu ngày nhà cửa hư nát, chỉ còn duy nhất một khu vườn lớn không có ai trông coi. Công chúa, khu vườn này cách đây không xa.

Công chúa nghe thế rất vui mừng, nói rằng:

– Nếu thế thì quá tốt, chúng ta đến đó xem xét rồi tính sau.

Đến thì thấy một căn nhà hư cũ, phần lớn đã bị đổ nát, cỏ hoang mọc đầy mặt đất. Hai người đi một vòng quan sát, công chúa Thiện Quang mới khám phá rằng những ngọn cỏ hoang ấy chính thật là cỏ thơm, tức là một loại cỏ thuốc có tác dụng trị bệnh. Công chúa lại càng vui mừng hơn.

Trong một góc khác của khu vườn bỏ hoang, trên mặt đất không có ngọn cỏ dại nào, chỉ thấy toàn là đá vụn chồng chất thành những đống nhỏ. Công chúa lấy làm lạ, bèn tiến đến phía trước gạt đá vụn xem ở phía dưới có gì, thì khám phá trên mặt đất có một khối đá rất đẹp đẽ. Công chúa có linh tính là khối đá này không tầm thường, nên nhờ ông chồng hành khất xô khối đá sang một bên. Thật là không ngờ, ngay ở dưới khối đá có chôn một kho tàng toàn là vàng bạc, trân châu quý giá. Người hành khất chưa bao giờ từng thấy nhiều vàng bạc như thế, mừng quýnh cả lên!

Để tránh sự dòm ngó của người khác, hai người lén dấu kho tàng. Trước hết họ cất lên một chỗ cư ngụ tạm thời, rồi mướn thật nhiều thợ thuyền, nào thợ mộc nào thợ nề, xong tự tay công chúa vẽ đồ hình để những người này xây một căn nhà huy hoàng tráng lệ.

Không bao lâu sau, ngôi dinh thự của phò mã đã xây xong, đẹp đẽ không khác gì một cung điện nguy nga khiến người người xa gần đều tấm tắc khen ngợi.

Khi nhà vua nghe tin này, ông rất lấy làm lạ. Ông dự liệu công chúa sau này phải sống một cuộc sống rất cực khổ, thì làm sao mà chưa bao lâu đã có một ngôi dinh thự để ở, mà ngôi dinh thự này lại còn có phần huy hoàng hơn cung điện của vua?

Không lẽ Thiện Quang thật sự có phúc báo to lớn đến dường ấy? Nếu thế thì phúc báo này từ đâu mà có?

Nghĩ thế rồi, nhà vua đến thỉnh giáo bậc đại giác Thế Tôn xin được khai thị.

Đức Phật từ bi thuyết giải rõ ràng nhân duyên phúc báo trong kiếp trước của công chúa Thiện Quang cho vua nghe.

– Trong quá khứ có một ông vua hiền từ tài giỏi, tên gọi là Bàn Đầu. Hoàng hậu là một người thích làm việc từ thiện bố thí, tôn kính Tam Bảo. Lúc đó chính là lúc Tỳ Bà Thi Như Lai ứng hiện nơi đời để độ hóa chúng sinh. Khi đức Như Lai thị hiện tịch diệt Niết Bàn rồi, hoàng hậu nhớ tưởng ơn Phật, mới kêu thợ điêu khắc đến hoàng cung tạo lên một bức tượng Phật, rồi còn lấy bảo vật trân châu quý giá nhất đặt lên đỉnh đầu tôn tượng. Hoàng hậu rất sùng kính tôn tượng và nguyện cúng dường tất cả cho Tỳ Bà Sa Như Lai, vì thế công đức của bà phải nói là không thể nghĩ bàn được. Về sau, có một lần bà lễ Phật xong phát nguyện rằng: “Nguyện trong tương lai đời đời kiếp kiếp, tôi sẽ sinh vào gia đình phú quý và thân tôi thường có ánh sáng và hương thơm”.

Đến thời Ca Diếp Như Lai ứng hiện tại thế để độ hóa chúng sinh, hoàng hậu cũng sinh ra trong một gia đình giàu có. Bà chuyên cần làm việc bố thí, cúng dường Đức Phật và chư tăng, không bao giờ lẫn tiếc bất cứ một thứ gì.

Có một hôm, bà muốn thỉnh Đức Phật và đệ tử của Ngài đến nhà cho bà cúng dường, nhưng chồng bà keo kiệt, thấy việc bố thí quá tốn kém. Chỉ mình bà mới biết rõ công đức vô lượng của việc bố thí.

Nếu ngay từ đầu bà không bố thí thì kiếp này bà không thể nào có được một cuộc đời phú quý đến như thế. Có rất nhiều chúng sinh nghèo nàn khổ sở cũng chỉ vì đã có một niệm keo kiệt bủn xỉn trong quá khứ.

Bố thí không có nghĩa là nhất định phải đem hết tài sản ra cho, có khi chỉ cần thấy người khác bố thí mà sinh tâm hoan hỉ, thì không những được ích lợi lớn mà còn tiêu diệt được tội chướng.

Bà thường thường đem ích lợi của sự bố thí ra giảng giải cho chồng nghe, từ từ sửa đổi được cách nhìn sai lầm của chồng. Sau đó hai vợ chồng đều đồng tâm đồng lòng làm việc bố thí cúng dường.

Người đàn bà thiện lành lúc ấy chính là Thiện Quang công chúa hôm nay, và người chồng đã khởi niệm keo kiệt nọ không ai khác hơn là anh chàng thanh niên hành khất vậy. Anh này chỉ vì một niệm sai lầm mà phải nửa đời nghèo khổ, sống đời ăn xin.

Đại vương! Đạo lý nhân quả thiện ác y như hình với bóng không sai chạy một mảy may nào. Cày bừa một thì thu hoạch mười, đó là một đạo lý cố định.

Vua Ba Tư Nặc được Đức Phật khai thị như thế rồi, lòng tin đối với việc báo ứng thiện ác sinh khởi, ông hoan hỉ lễ Phật rồi lui đi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.