Vua nước Thiên La ở Ấn Độ tên là Ba La Ma Đạt, tính tình ôn hòa, rất thương yêu bảo bọc dân, thưởng phạt công bình nên được mọi người tôn kính.
Ông sinh được một người con trai đặt tên là Ban Túc. Thái tử Ban Túc tính tình hoàn toàn trái ngược với vua chạ Càng lớn càng khoẻ mạnh lực lưỡng nên thái tử vô cùng kiêu ngạo, vì thế nhiều vị đại thần tránh không muốn thân cận với thái tử.
Lúc còn trẻ, thái tử đại diện vua cha đi chinh phục các nước lân bang, lập được chiến công nên sự kiêu ngạo của ông gia tăng tới mức cuồng vọng, không coi ai ra gì, thậm chí tới phụ vương ông cũng coi thường. Ngày đăng vị, thái tử đã khoe với mọi người rằng mình sẽ lén phụ vương đi chinh phục các nước và sẽ lấy đầu của 100 ông vua nước các nước nhỏ để hiển dương võ lực trên đời có một không hai của mình.
Vua các nước nhỏ lần lượt bị thái tử bắt nhốt trong một hang động trong núi, một ông, hai ông, mười ông, hai mươi ông, cứ thế tăng lên cho tới 99 ông. Thái tử rất vui mừng, chỉ cần đem binh đi chinh phạt một nước nữa là sẽ bắt được một ông vua khác cho chẵn 100 ông. Nước bị thái tử chinh phạt để bắt ông vua cuối cùng ấy là một nước nhỏ cách nước Thiên La khoảng hơn ngàn dặm. Vua nước ấy tên là Phổ Minh, vua này không chủ trương chiến tranh nên không hề chuẩn bị kháng chiến, vì thế nên khi thái tử Ban Túc dẫn binh vào chiếm thành, dân chúng xứ này không hề hay biết, cho đến khi vua Phổ Minh bị bắt trói đem đi.
Thái tử đưa vua Phổ Minh tới nước Thiên La, giam cùng với 99 ông vua trước trong sơn động, nhưng từ nước Thiên La tới núi, nhưng vua Phổ Minh không ngừng khóc lớn, nước mắt tuôn như mưa. Thái tử Ban Túc thấy thế rất bực mình, nghiêm khắc trách mắng:
– Cái thứ gà ướt phải mưa, vậy mà cũng đòi làm vua! Ông là vua một nước mà sao lại khóc lóc như con nít, thật là không thể tưởng tượng được!
Vua Phổ Minh nghe thái tử Ban Túc trách mắng như thế cũng lấy làm bực mình, bèn trả lời một cách nghiêm nghị:
– Ông không biết nỗi khổ của tôi, tôi không hề sợ chết, mà chỉ sợ mất lòng tin của người khác, vì tôi trị nước lấy câu “thật ngữ đệ nhất” làm tôn chỉ. Đối với quốc dân tôi chưa một lần nói dối. Tôi lãnh đạo nhân dân cả nước, hết lòng giữ gìn giới “bất vọng ngữ”, vì thế chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, chưa hề có chuyện người này nghi kỵ người kia.
Nói tới đây, ông đau lòng buông một tiếng thở dài rồi nói tiếp:
– Vài ngày trước, có một vị tỳ kheo đến hoàng cung muốn độ hóa cho tôi xuất gia, tôi đã nhận lời rồi, hẹn ngài ấy trở lại trong một tuần nữa để xuống tóc cho tôi. Nay ông bắt giam tôi ở đây, làm sao tôi giữ lời hứa được bây giờ? Đó không phải là làm mất lòng tin của người khác hay sao?
Nghe vua Phổ Minh kể như thế, thái tử Ban Túc tuy là một kẻ hung ác tàn nhẫn nhưng vẫn thấy cảm động trước một người quý trọng lời hứa hơn cả sinh mệnh của mình. Cuối cùng thái tử gật đầu nói:
– Được rồi! Tôi thả ông về giải quyết vấn đề của ông xong xuôi, cho ông được mãn nguyện. Nhưng nội trong vòng 7 ngày, giải quyết vấn đề xong ông phải trở lại đây, ông có chịu không?
Vui Phổ Minh mừng rỡ chảy nước mắt trả lời:
– Cám ơn ông! Bảy ngày là đủ cho tôi lắm, tôi sẽ giải thích rõ mọi chuyện cho vị tỳ kheo rồi chắc chắn sẽ trở lại đây.
Thái tử Ban Túc bèn cấp cho vua Phổ Minh một con ngựa nhanh nhẹn để vua mau chóng trở về vương quốc của mình. Khi về tới hoàng cung, việc thứ nhất, vua Phổ Minh nhường ngôi cho con trai lớn, giao hết mọi trách nhiệm cho thái tử rồi xin lại lời hứa cũ với vị tỳ kheo, áy náy thưa rằng:
– Lúc trước tôi nhận lời xuất gia với thầy, nhưng nay không làm được. Đó không phải do tôi không giữ lời, cũng không phải tôi đổi ý không muốn xuất gia, mà là vì…
Vua đem chuyện bị thái tử Ban Túc bắt và lời hẹn phải trở lại trong 7 ngày, kể hết cho vị tỳ kheo nghe. Vị tỳ kheo không còn cách nào hơn là bỏ ý định độ cho vua xuất gia.
Cuối cùng, vua tập họp hết tất cả dân chúng trong sân hoàng cung để từ biệt. Không có một người nào là không đau lòng rơi nước mắt, ai nấy đều quỳ xuống van nài giữ vua lại, nhưng vua Phổ Minh vui vẻ nói:
– Lời nói thật là giới đệ nhất, là cái thang bắt lên tới trời, còn kẻ nói dối sẽ bị đọa địa ngục. Người quân tử luôn nói lời chân thật. Ta nay giữ lời hứa, thà xả bỏ thân mệnh mà tâm không hối hận.
Nói xong, vua quất ngựa bắt đầu ngay cuộc hành trình trở về, tới trưa ngày thứ bảy ông bước vào trong cung thành của nước Thiên La, chạy đến chỗ của thái tử Ban Túc để báo tin mình đã có mặt.
Thái tử Ban Túc đang vui say dục lạc, nghe nói có vua Phổ Minh trở lại thì lấy làm ngạc nhiên và không khỏi cảm thấy kính phục. Ông vội vàng chạy ra đến cửa cung điện, nắm tay vua Phổ Minh mà nói:
– Ngài thật là một người tôn trọng lời nói của mình, tôi vô cùng kính phục. Tôi thả ngài trở về nước như ngựa thoát chuồng, tại sao còn tự ý trở lại? Lời nói thật quả là một điều cao cả và đáng kính, tôi sẽ truyền bá tôn chỉ “thật ngữ đệ nhất” này trong khắp cả nước tôi, để mọi người được sống bình an, hòa thuận và hạnh phúc.
Nói xong, ông thỉnh vua Phổ Minh lên đài cao để giảng về giới “không vọng ngữ” cho đại thần và nhân dân trong nước Thiên La nghe.
Vua Phổ Minh tán thán lời nói thật, chê bai vọng ngữ, được cả vạn người ở dưới đài cổ võ hoan hô.
Lúc ấy thái tử Ban Túc mới thấm thía một điều, “ta tuy dùng võ lực đi chinh phục nhiều nước, thế mà dũng khí anh hùng ấy chưa từng được dân chúng hoan hô như vậy. Thế mới biết là lời nói thật khiến người ta cảm động, ái kính, ghi khắc trong lòng không quên, còn võ lực thì tuyệt đối không thu phục được lòng người. Trong vai trò một ông vua, ta không nên áp dụng chính sách võ lực bạo ngược”.
Nghĩ thế xong ông bèn thả 99 ông vua đang bị giam cầm trong núi cho về nước hết.
Từ đó, nước Thiên La có ban hành giới không vọng ngữ và thực hành tôn chỉ “thật ngữ đệ nhất”, cũng từ đó trong nước ấy được quốc thái dân an, mọi người sống chung đầm ấm yên vui.