HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương Xá. Bấy giờ tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật.
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu-lũ-na, hằng ngày du hành đến núi Kỳ-xà-quật và ghé chỗ tôn giả Xá-lợi-phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, nói với tôn giả Xá-lợi-phất rằng:
– Có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc vốn vô thường, biến dịch, không an ổn mà nói rằng: “Ta hơn, ta bằng, ta kém.” Tại sao số Sa-môn, Bà-la-môn này lại có ý tưởng như vậy, mà không thấy cái chân thật?
Giảng:
Bài kinh này do ngài Xá-lợi-phất trả lời các câu hỏi của Thâu-lũ-na (Du-lũ-na), giải đáp của ngài đúng như lời dạy của Phật, vì thế được ghi thành kinh. Câu hỏi thứ nhất của Thâu-lũ-na: Có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc uẩn lại có ý tưởng “Ta hơn, ta bằng, ta kém.” Tại sao họ không thấy chân thật?
Chánh văn:
Cũng vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô thường, biến dịch, không an ổn, mà nói là: “Ta hơn, ta bằng, ta kém.” Tại sao số Sa-môn, Bà-la-môn này lại có ý tưởng như vậy, mà không thấy cái chân thật?
Giảng:
Câu hỏi thứ hai: Họ đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng có ý tưởng “Ta hơn, ta bằng, ta kém”, không thấy chân thật? Hai câu hỏi này có thể gom lại thành một câu. Nghĩa là các Sa-môn và Bà-la-môn ngay trong thân năm uẩn này nói ta hơn, ta bằng hoặc ta thua. Tại sao có ý tưởng như vậy? Tức là không thấy được chân thật.
Chánh văn:
Có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc vốn vô thường, không an ổn, biến dịch mà nói rằng: “Ta hơn, ta bằng, ta kém.” Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật? Cũng vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô thường, biến dịch, không an ổn, mà nói rằng: “Ta hơn, ta bằng, ta kém.” Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật?
Giảng:
Hai câu hỏi này, cũng một ý đó, chỉ đổi lại Do quan điểm gì mà họ không thấy chân thật? Thâu-lũ-na muốn tìm biết nguyên nhân của các lối chấp của một số Sa-môn, Bà-la-môn. Biết được đầu mối sai lầm mới được giải thoát.
Chánh văn:
– Này Thâu-lũ-na, ý ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
– Là vô thường.
– Này Thâu-lũ-na, nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?
– Là khổ.
– Này Thâu-lũ-na, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Ý ông thế nào? Là Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy rằng sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?
– Không.
– Này Thâu-lũ-na, ý ông thế nào, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
– Là vô thường.
– Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không? – Là khổ.
– Này Thâu-lũ-na, thức nếu là vô thường là khổ, thì chúng là pháp biến dịch. Ý ông thế nào, Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy rằng thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?
– Không.
Giảng:
Trước khi trả lời, ngài Xá-lợi-phất hỏi sắc là thường hay vô thường? Thâu-lũ-na đáp vô thường. Câu hỏi cũng là cách trả lời để biết rõ vấn đề. Nếu sắc vô thường thì khổ, khổ ở đây không phải là bị đói khát lạnh lẽo… Khổ này là khổ biến hoại, sắc vô thường là hoại diệt, không phải ngã. Hán tạng dùng ba chữ: ngã, dị ngã, ngã tương tại. Ngã là ta, dị ngã là khác với ta, ngã tương tại là sắc và ngã cùng ở trong nhau. Pāli nói là ta, là của ta, là tự ngã của ta. Giải thích dễ hiểu hơn, ngã tức là ta, khác với ta là thân thể này không phải tôi nhưng là của tôi, còn ngã tương tại là nương nơi thân này mà tôi tồn tại, cái tôi cho là tự ngã phải nương vào thân mới có. Nếu ta là pháp vô thường, biến dịch, khổ, mà chấp là ngã thì không đúng.
Xét kỹ năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đều là tướng vô thường hoại diệt, chấp năm uẩn là ngã thì sai lầm vô lý.
Ngược lại, cái gì không vô thường hoại diệt, đó là ngã. Như người ta thường nói cái gì có hình tướng là sắc, cái gì không hình tướng là không. Cũng vậy, cái gì vô thường khổ không phải là ngã, cái gì không phải vô thường khổ là ngã. Ở đây không nói trắng ra. Đại thừa nói pháp thân không tướng mạo, không bị vô thường, không bị hoại diệt, đó tức là ta. Vì phá chấp của phàm phu cho thân năm uẩn vô thường hoại diệt này là ngã, nên đưa ra lý vô ngã, không phải hoàn toàn phủ nhận ngã chân thật. Phật chưa nói, nhưng ngầm ý có cái không bị vô thường, không bị hoại diệt, đến các nhà Đại thừa mới đưa ra.
Tóm lại, đoạn kinh này có hai phần. Trước tiên là câu hỏi của Thâu-lũ-na về nguyên nhân chỗ thấy không chân thật của một số Sa-môn, Bà-la-môn, trong thân năm uẩn thấy có ngã, hoặc chấp ngã hơn, chấp ngã bằng, chấp ngã kém. Ngài Xá-lợi-phất giải thích rằng nếu biết thân năm uẩn là vô thường, khổ, biến dịch thì không thể chấp nó là ngã, khác ngã, hay nó và ngã ở trong nhau (ngã tương tại).
Chánh văn:
Này Thâu-lũ-na, nên biết rằng, sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả những sắc ấy đều không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
Này Thâu-lũ-na, cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả những thứ ấy không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
Này Thâu-lũ-na, đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh tâm yếm ly, ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng: “Ta, sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Giảng:
Đối với thân năm uẩn biết như thật là không phải ngã, không phải khác ngã, không phải ở trong nhau, đó là cái biết cái thấy của đệ tử Phật.
Ngay nơi thân năm uẩn vô thường, hoại diệt này mà chấp nó là ngã, đó là không thấy lẽ thật, không thấy lẽ thật là phàm phu. Đối thân năm uẩn vô thường hoại diệt này, biết không phải là ngã, là thấy đúng lẽ thật. Nhờ thấy đúng như thật nên sanh nhàm chán, lìa dục, được giải thoát, giải thoát tri kiến rồi chứng quả A-la-hán. A-la-hán với phàm phu cách bao xa? Một chút thôi, chấp ngã là phàm phu, không chấp ngã là A-la-hán. Tất cả lòng tham muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhà ở tốt, xe đi tốt. do nơi ngã mà muốn, ta hãnh diện với thiên hạ và được sung sướng. Thấy rõ ràng cái đó không phải là ta, đâu còn tham muốn gì. Từ đó đến chỗ ly dục, ly dục là giải thoát, hết sức đơn giản.
Người tu Phật phải bắt đầu bằng trí tuệ, thấy đúng như thật là giải thoát.
Nếu thấy có ngã là thấy bằng si mê, sanh tham ngũ dục, tham ngũ dục không được thì sân hận. Đầu tiên phá si mê, tham theo đó hết, tham hết thì sân cũng hết. Phá si là giải thoát, nên nói vô minh diệt hành diệt. Nếu cho rằng do thân này tạo tội lỗi, mỗi đêm sám hối thật nhiều để hết tội lỗi, thay vì vậy cứ thấy vô ngã cho khỏe. Người đi đứng nằm ngồi thấy thân vô ngã với người lạy sám hối mà thấy có ngã thì ai hơn? Sám hối cực khổ, khi xả ra còn thấy ta hơn, ta thua là chưa tới đâu, ngồi chơi mà không chấp ngã, tuy không thấy có tu mà thật tu.
Chúng ta tu cứ dùng công mà không dùng trí nên kết quả rất ít. Đạo Phật là đạo trí tuệ, bước vào đạo Phật là bước vào trí tuệ, thấy đúng như thật thì mọi thứ sai lầm hết, sai lầm hết thì tội lỗi theo đó hết. Còn chấp mình là thật tức là còn ngu si, từ ngu si sanh đủ thứ tham đắm. Chủ yếu của sự tu là sáng suốt thấy đúng như thật. Thấy biết đúng như thật thì tất cả vọng chấp dứt sạch và được giải thoát.
Chánh văn:
Khi tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, Thâu-lũ-na, con trưởng giả, xa lìa được trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, Thâu-lũ-na, con trưởng giả, thấy pháp, chứng đắc pháp, không do từ ai khác, ở trong chánh pháp được vô sở úy, từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, quỳ gối chắp tay, bạch tôn giả Xá-lợi-phất rằng:
– Nay, con đã được độ. Từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm Ưu-bà-tắc. Từ hôm nay cho đến suốt đời con luôn thanh tịnh quy y Tam bảo.
Khi Thâu-lũ-na, con trưởng giả, đã được nghe những gì tôn giả Xá-lợi-phất dạy rồi, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
Giảng:
Xá-lợi-phất nói đến đây ông Thâu-lũ-na liền được xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh, quy y Tam bảo.
Bài kinh này đơn giản, chỉ cần nhớ hai điều:
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Sona, con một gia chủ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
3) Thế Tôn nói với Sona, con một gia chủ, đang ngồi một bên:
4) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán sắc vô thường, khổ, biến hoại là “Ta tốt đẹp hơn”, hay quán “Ta bằng nhau” hay quán “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những người không thấy như thật!
5) … quán thọ vô thường, khổ, biến hoại… 6) quán tưởng vô thường, khổ, biến hoại… 7) … quán các hành vô thường, khổ, biến hoại…
…
8) quán thức vô thường, khổ, biến hoại là “Ta tốt đẹp hơn”, hay quán “Ta bằng nhau”, hay quán “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những người không thấy như thật!
9) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán sắc vô thường, khổ, biến hoại là “Ta tốt đẹp hơn”, hay không quán “Ta bằng nhau”, hay không quán “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những vị thấy như thật!
10-12) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán thọ… không quán tưởng. không quán các hành…
13) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán thức vô thường, khổ, biến hoại là “Ta tốt đẹp hơn”, hay không quán “Ta bằng nhau”, hay không quán “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những vị thấy như thật!
14) Ông nghĩ thế nào, này Sona, sắc là thường hay vô thường?
– Vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) Thọ là thường hay vô thường…
16) Tưởng là thường hay vô thường?..
17) Các hành là thường hay vô thường?..
18) Thức là thường hay vô thường?
– Vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý hay chăng nếu quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
19) – Do vậy, này Sona, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
20-22) Phàm thọ gì phàm tưởng gì… phàm các hành gì
23) Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
24) Nếu thấy vậy, này Sona, vị đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên chánh trí: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Giảng:
Hai bản kinh này về nội dung có đôi chỗ khác nhau. Bên Hán tạng nói Thâu-lũ-na đến với ngài Xá-lợi-phất, Pāli nói Thâu-lũ-na đến với Phật, đó là sai biệt thứ nhất. Sai biệt thứ hai là bên Hán tạng thì Thâu-lũ-na đưa ra câu hỏi, ngài Xá-lợi-phất giải thích.
Bên Pāli thì tự Phật nói với Thâu-lũ-na. Ý của hai bên giống nhau. Đoạn cuối Hán tạng nói Thâu-lũ-na phát tâm quy y Tam bảo, Pāli không có phần này.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |