Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Khổ Pháp (Hán tạng, kinh số 1173) với Kinh Khổ Pháp (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm Phật ở nước Câu-diệm-di, vườn Cù-sư-la. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Đệ tử Thánh học rộng đối tất cả khổ pháp, tập, diệt, vị, hoạn, ly thấy biết như thật, thấy ngũ dục giống như hầm lửa. Như thế, quán sát ngũ dục rồi, đối ngũ dục, tham dục, ái dục, niệm dục, đắm trước hằng không che đậy tâm. Biết dục tâm kia rồi, khi đi đứng tự đề phòng kềm hãm. Khi đi, khi đứng đề phòng kềm hãm rồi, tùy đi, đứng, tham, ưu, pháp ác bất thiện ở thế gian không chen được trong tâm. 

Giảng:

Đầu tiên, Phật dạy chúng ta tu quán ngũ uẩn từ sắc uẩn tới thức uẩn, mỗi uẩn đều thấy là tướng vô thường, khổ, biến dịch nên thuộc về khổ pháp. Biết sự tập khởi, biết diệt, biết vị, biết tai hoạn và biết xuất ly, thấy biết đúng như thật về năm uẩn. Kế đến là quán ngũ dục như hầm lửa để các tham dục, niệm dục, ái dục, đắm trước hằng không che đậy tâm. Nguồn gốc của tất cả dục đều từ chỗ thấy nó là quý, là đẹp. Bởi thấy quý đẹp nên lòng tham nổi dậy, lòng tham nổi dậy nên yêu thích đuổi theo, do yêu thích thúc đẩy sanh đắm trước, tâm bị che đậy. Nếu quán biết dục như hầm lửa thì tất cả cái đó không còn, lúc đi lúc đứng đề phòng kềm hãm, tâm không chạy theo ngũ dục, các pháp ác không chen vào trong tâm. Điều này cụ thể vô cùng. Khi nào lòng mình còn tham sắc thì các niệm tham dục ái dục… sẽ dấy lên trong tâm. Nếu lúc nào cũng thấy sắc như hầm lửa thì tham dục không dấy nơi tâm. Lẽ thật như vậy.

Chánh văn: 

Thế nào là đệ tử Thánh học rộng đối tất cả khổ pháp, tập, diệt, vị, ly, thấy biết như thật? Đệ tử Thánh học rộng đối khổ thánh đế này biết như thật, khổ tập này, khổ diệt này, khổ diệt đạo tích này biết như thật. Thế nào đệ tử Thánh học rộng thấy ngũ dục như hầm lửa, cho đến tham, ưu, pháp ác bất thiện ở thế gian không chen được trong tâm? 

Ví như gần bên xóm làng có một hầm sâu, trong hầm đầy lửa than cháy hực mà không có khói, lúc đó có người không ngu si, thông minh, trí tuệ, ưa vui, chán khổ, muốn sống, sợ chết, kia nghĩ thế này: “Hầm lửa này ở trong đầy lửa than cháy hực, ta nếu rơi trong đó ắt chết không nghi.” Người ấy liền sanh tâm tránh xa, lo tránh xa, muốn tránh xa. Như thế, đệ tử Thánh học rộng thấy ngũ dục như hầm lửa, cho đến tham, ưu là pháp ác bất thiện ở thế gian hằng không che đậy được tâm. Nếu khi đi, khi đứng biết đề phòng, cho đến tham, ưu là pháp ác bất thiện ở thế gian không chen được trong tâm. 

Giảng:

Thế nào là đệ tử Thánh thấy tất cả khổ pháp tập, diệt, vị, hoạn, ly? Phật dạy rằng do biết pháp Tứ đế như thật. Pháp Tứ đế là căn bản để biết khổ, biết tập, biết diệt, biết đạo. Tiếp theo, thế nào đệ tử Thánh thấy ngũ dục như hầm lửa, pháp bất thiện không chen vào? Phật thí dụ như người sợ hầm lửa than, muốn sống không muốn chết nên tránh xa. Tại sao là lửa than mà không phải lửa ngọn? Tất cả ngũ dục thế gian có cái nào mới thấy mà dễ sợ không? Cái nào mới thấy cũng dễ thương, sắc đẹp, âm thanh êm ái, tất cả đều dễ thương. Nên thí dụ như hầm lửa than, Lửa than mới nhìn không có triệu chứng đáng sợ, nhưng rơi vô đó thì biết hiểm nguy.

Chánh văn 

Ví như bên xóm làng có rừng cây Nại, cỏ dại gai góc mọc nhiều, có người giữ rừng vào rừng săn sóc, nhìn chung quanh thấy cỏ gai đều nhổ sạch. Xong rồi, người ấy chánh niệm mà đi, chánh niệm qua lại, chánh niệm mà xem, chánh niệm nhìn thẳng, chánh niệm cúi mình. Vì cớ sao? Vì không sợ gai góc đâm quào thân thể vậy. Đệ tử Thánh học rộng cũng như thế, nếu nương nơi thành ấp, xóm làng mà ở, sớm mai đắp y mang bát vào làng khất thực khéo hộ thân kia, khéo gìn giữ tâm kia, chánh niệm an trụ, chánh niệm mà đi, chánh niệm mà xem, chánh niệm quán sát. Vì cớ sao? Vì không để cho gai góc đâm quào pháp luật của Thánh. Thế nào là gai góc đâm quào pháp luật của Thánh? Sắc vừa ý, yêu thích là gai góc đâm quào pháp luật của Thánh. 

Giảng: 

Thí dụ này rất xác đáng, Phật nói vườn mít cỏ gai mọc đầy, người giữ vườn đi lại không tự do, muốn đi lại tự do phải nhổ hết cỏ gai. Cỏ gai thí dụ cho gì? Thầy Tỳ-kheo ở trong xóm làng đi khất thực thí dụ cho gì? Cỏ gai dụ cho ngũ dục, thầy Tỳ-kheo dụ cho người giữ vườn. Người giữ vườn nhổ sạch cỏ gai, đi lại tự do. Vị Tỳ-kheo đi trong xóm làng giữ tâm trong sạch, không chạy theo ngũ dục thì đi lại tự do. Gai góc là niệm xấu, niệm ác, niệm dục, dấy lên chạy theo ngũ dục là tâm bị tổn giảm.

Chánh văn: 

Thế nào là sắc vừa ý, yêu thích là gai góc đâm quào pháp luật của Thánh? Cái vui của ngũ dục do nhãn thức, do sắc sanh ái niệm, trưởng dưỡng dục lạc. Đó gọi là sắc vừa ý, yêu thích làm thương tổn pháp luật của Thánh. 

Nhĩ thức thanh, tỹ thức hương, thiệt thức vị, thân thức xúc sanh ái niệm trưởng dưỡng dục lạc. 

Giảng:

Sáu căn đối sáu trần vừa ý, sanh yêu thích là bị gai đâm quào, tổn thương giới luật. Thời Phật, chư Tỳ-kheo đi đường nhìn xuống đất, nhìn xa không quá hai thước, không nhìn qua nhìn lại, sợ có sắc vừa ý đâm quào pháp luật của Thánh nên chăm chăm nhìn xuống mà đi. Đó là cố giữ đừng cho gai góc đâm. Chúng ta hiện nay đi thì nhìn trời nhìn mây, có bị gai góc đâm không? Nếu khi đi chánh niệm, thấy rõ từng niệm có chạy hay không chạy, làm chủ thân tâm thì gai không đâm. Nếu buông lung thấy cái này đẹp trầm trồ, thấy cái kia xấu thì chê, đó là bị gai góc đâm quào. Nhà thiền không hạn cuộc ở chỗ đi nhìn chăm chăm dưới đất, nhưng luôn luôn phải có chánh niệm, thấy mình có chạy theo cảnh hay không. Nếu có thì phải dừng. Tuy có ngó nhìn mà không bị đâm quào.

Chánh văn: 

Hoặc khi đệ tử Thánh học rộng mất chánh niệm sanh giác ác bất thiện trưởng dưỡng tham dục, trưởng dưỡng sân nhuế, trưởng dưỡng si mê, ấy là độn căn. Đệ tử Thánh học rộng tuy có khởi quán tập, diệt… mà vẫn bị dục che tâm. 

Ví như có hoàn sắt cháy đỏ, lấy một ít nước rưới lên liền rút khô mất. Như thế, đệ tử Thánh học rộng độn căn sanh niệm liền tiêu diệt cũng như vậy. Đệ tử Thánh học rộng hành như thế, trụ như thế, nếu vua hay đại thần hoặc thân tộc, đích thân đến chỗ kia xin dâng bổng lộc nói thế này: Nam tử! Cần gì cạo bỏ râu tóc, mang bát sành, thân mặc áo hoại sắc, đi xin ăn từng nhà? Chi bằng an hưởng ngũ dục lạc, làm việc bố thí tu phước! 

Giảng:

Đây là trường hợp đệ tử Phật mất chánh niệm sanh niệm ác, trưởng dưỡng tham dục, sân nhuế, si mê, ấy là độn căn. Như khi chúng ta ngồi chơi, bỗng dưng nhớ lại người nào đó có hành động ác với mình, vừa nhớ mà để nó ôn lại đầy đủ, thì tâm sanh phiền muộn, làm tăng trưởng lòng sân. Tham lam, sân hận, ái nhiễm. đều do sự huân tập và nuôi dưỡng đầy đủ mà tăng trưởng. Chúng ta tu thiền luôn quan sát tâm, vừa khởi vọng tưởng, ác niệm vừa sống dậy liền thức tỉnh đoạn dứt thì tham sân… không tăng trưởng. Đoạn này cũng chỉ dạy chỗ khéo tu, đừng rơi vào hạng độn căn.

Pāli gọi là niệm bị thất thoát, khởi lên ước vọng liên hệ đến kiết sử. Chủ yếu là do ôn lại những cảnh cũ có liên hệ tới ái dục, sân nhuế và si mê. Con người từ thuở bé tới lớn ai cũng có trải qua những chuyện vui buồn thương ghét, biết tu rồi thì ngay đây phải dừng. Tuy thỉnh thoảng có dấy lên, đừng cho tiếp tục đầy đủ, nếu không tiếp tục thì không tăng trưởng. Nếu nuôi dưỡng tham dục thì có ngày bỏ cuộc, vì mỗi lần nhớ lại mà để nó hiện đầy đủ thì tăng lòng sân, tăng thêm ái dục. Vừa dấy khởi liền bỏ thì ác niệm chấm dứt, còn nuôi dưỡng nó thì Phật gọi là độn căn.

Trường hợp niệm ác khởi lên, nhưng vừa khởi liền tiêu diệt như hoàn sắt cháy đỏ lấy nước rưới liền tắt. Chúng ta tu tập lâu lâu vẫn còn vọng niệm chen vào, tuy có chen nhưng dùng sức quán chiếu tham dục như hầm lửa gai độc, hoặc sức tỉnh giác mạnh, vừa khởi liền mất. Hạng người này tuy còn niệm nhưng người ta cám dỗ không được. Không dụ dỗ được là vì có quán, niệm dục vừa khởi không bao lâu liền tiêu mất. Chúng ta tu tại thiền viện, hằng nhìn tâm niệm mình, thấy rõ các pháp hư dối, tuy có làm chủ nhưng niệm dục vẫn còn chen. Trường hợp có người rủ mình hoàn tục thì sao? Nếu rủ với điều kiện vừa phải thì không dễ buông tay, nếu điều kiện quá tốt thì khó đứng vững. Khả năng của chúng ta là khả năng giới hạn. Hiểu như vậy đừng có tự hào, phải luôn luôn cẩn trọng cảnh tỉnh. Đánh võ với người dở hơn mình thấy dễ dàng, thắng người dở tưởng mình vô địch rồi khinh lờn. Chừng nào tất cả người trong thế gian không thắng nổi mình, mới là vô địch. Đây nói tuy còn niệm mà hằng quán sát thì niệm đó sẽ mất. Nếu người thế gian rủ mình, mình nhớ ngũ dục là hầm lửa, nếu rủ tức là rủ xuống hầm lửa, thường quán như vậy không quên.

Chánh văn: 

Thế nào Tỳ-kheo! Nếu vua hay đại thần, hoặc thân tộc, đàn-việt xin dâng bổng lộc, kia sẽ xả giới lui sụt chăng? 

Đáp: – Không vậy. Vì cớ sao? Vì đệ tử Thánh học rộng đối tất cả khổ pháp, tập, diệt, vị, hoạn, ly thấy biết như thật, thấy ngũ dục như hầm lửa, cho đến tham ưu là pháp ác bất thiện ở thế gian hằng không bị che đậy tâm. Khi đi, khi đứng biết đề phòng kềm hãm, cho đến tham ưu là pháp ác bất thiện ở thế gian không chen được trong tâm. Nếu vua, quan, thân tộc xin dâng bổng lộc mà xả giới lui sụt, không có lý được vậy. 

Phật bảo các Tỳ-kheo: 

– Lành thay! Lành thay! Đệ tử Thánh học rộng kia tâm luôn luôn hướng đến, chuyên chú, chuyển tiến nơi xa lìa, hướng đến chỗ lìa dục, được Niết-bàn vắng lặng lìa bỏ, vui nơi Niết-bàn, chỗ hữu lậu vắng bặt mát mẻ. Nếu vì vua, quan, trưởng giả, thân tộc mời cho bổng lộc mà xả giới lui sụt thì không có lý vậy. Người kia luống chịu khổ sở. Ví như dòng sông Hằng luôn luôn chảy mãi về phương đông, nhiều người chặn ngang muốn nó chảy ngược về phương tây có thể được chăng? 

Đáp: – Không thể được, Thế Tôn. Vì cớ sao? Vì sông Hằng luôn luôn chảy về phương đông, muốn khiến nó chảy về phương tây chưa được, mà những người kia luống nhọc nhằn khổ sở. Như thế, đệ tử Thánh học rộng luôn luôn hướng đến, chuyên chú, chuyển tiến nơi xa lìa, cho đến muốn thối giảm thì không có lý, chỉ luống nhọc nhằn khổ sở. 

Phật nói kinh này rồi, chư Tỳ-kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Người luôn giữ chánh niệm, trong các oai nghi đều có sự phòng hộ thì tâm không lui sụt. Dù hoàn cảnh tốt mấy cũng không lay chuyển, không xả giới hoàn tục. Người rủ rê chỉ luống chịu nhọc nhằn khổ sở mà thôi. Phật thí dụ như nước sông Hằng chảy về hướng đông, nhiều người muốn đắp đê ngăn chặn, đổi dòng nước chảy ngược về tây, không bao giờ kết quả. Người chặn nước sông cũng luống chịu nhọc nhằn.

Người tu tâm ý mạnh mẽ, luôn hướng đến giải thoát, ra khỏi tham dục cũng như dòng nước chảy mạnh một chiều. Tâm luôn luôn hướng đến, chuyên chú, chuyển tiến nơi xa lìa, hướng đến chỗ lìa dục, được Niết-bàn vắng lặng lìa bỏ… Tha thiết giữ tâm như vậy, chắc chắn không vì chút bổng lộc tiền tài mà thối chuyển. Phật răn nhắc người xuất gia tinh tấn, tỉnh giác trước hầm lửa ngũ dục.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

1-2)… 

3) Này các Tỷ-kheo, khi nào một Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt của tất cả khổ pháp, khi ấy, các dục được thấy. Khi vị ấy thấy dục (Kāma), thời dục (Kāmachanda), dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên nơi vị ấy. Như vậy, sở hành và sở trú của vị ấy được giác tri. Vì rằng, do sở hành như vậy, các tham ái, ưu, bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ. 

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi, và sự chấm dứt tất cả khổ pháp? Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Đây là tưởng… Đây là các hành… Đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của tất cả khổ pháp. 

5) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo thấy được các dục? Khi các dục được thấy, thời dục, dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên. Ví như, này các Tỷ-kheo, có một hố than sâu hơn thân người, đầy vun than hừng, không có ngọn, không có khói. Rồi có người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét bỏ khổ. Rồi hai người lực sĩ đến, kẹp người ấy vào trong các cánh tay, và kéo người ấy đến hố than hừng. Người ấy vật vã thân bên này, bên kia. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ấy được biết rằng: “Ta sẽ rơi vào trong hố than hừng này. Do nhân này, ta sẽ đi đến chết hay đau khổ gần như chết.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấy các dục như hố than hừng và ai thấy được các dục, thời dục, dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên. 

6) Thế nào, này các Tỷ-kheo, là sở hành và sở trú của Tỷ-kheo được giác tri? Vì rằng, do sở hành như vậy, các tham ái, ưu, bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đi vào một khu rừng đầy những gai góc, trước mặt người ấy là gai, phía tây… phía bắc… phía nam… người ấy là gai, phía dưới người ấy là gai, phía trên người ấy là gai. Chỗ nào người ấy đi tới hay chỗ nào người ấy đi lui, người ấy nghĩ: “Mong sao tôi chớ có bị vướng gai.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với sự vật gì khả ái, khả lạc, sự vật ấy được gọi là gai trong giới luật của bậc thánh. 

7) Sau khi biết vậy, này các Tỷ-kheo, hộ trì và không hộ trì cần phải được hiểu. 

8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp các sắc khả ái, ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không hộ trì. 

9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là được hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp các sắc khả ái, không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn… khi lưỡi nếm vị… khi ý biết pháp, không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là có hộ trì. 

10) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sở hành như vậy, sở trú như vậy, đôi lúc và đôi khi niệm bị thất thoát, khởi lên các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng liên hệ đến kiết sử. Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, là niệm được khởi lên. Mau lẹ, vị ấy từ bỏ (trạng thái ấy), gột sạch, chấm dứt, không cho hiện hữu. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm rơi hai hay ba giọt nước trên một nồi sắt được hơ nóng cả ngày. Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, là sự rơi xuống của các giọt nước. Mau chóng, chúng đi đến đoạn diệt, hoại diệt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sở hành như vậy, sở trú như vậy, đôi lúc và đôi khi niệm bị thất thoát, khởi lên các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng liên hệ đến kiết sử. Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, là niệm được khởi lên. Mau lẹ, vị ấy từ bỏ (trạng thái ấy), gột sạch, chấm dứt, không cho hiện hữu. 

11) Như vậy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, sở trú như vậy của Tỷ-kheo được giác tri. Do sở hành, sở trú như vậy, các tham ái, ưu, bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy với sở hành như vậy, sở trú như vậy, nếu có quốc vương hay đại thần của vua, bạn bè, thân hữu hay bà con huyết thống đến dâng cúng tài sản và nói: “Hãy đến đây, này bạn! Sao lại để những y vàng ấy hành hạ bạn? Sao lại sống với đầu trọc và bình bát? Hãy hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức.” Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy có sở hành như vậy, có sở trú như vậy, sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự việc như vậy không xảy ra. 

12) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng hướng về phía đông, xuôi về phía đông, nghiêng nhập vào phía đông. Rồi một đám dân chúng đông người đến với thuổng, cuốc, giỏ và nói: “Chúng ta hãy làm cho sông Hằng này hướng về phía tây, xuôi về phía tây, nghiêng nhập vào phía tây.” Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, đám dân chúng đông người ấy có thể làm cho sông Hằng hướng về phía tây, xuôi về phía tây và nghiêng nhập vào phía tây không? 

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Vì sao? 

– Vì sông Hằng này, bạch Thế Tôn, hướng về phía đông, xuôi về phía đông, nghiêng nhập vào phía đông; không có dễ gì làm cho hướng về phía tây, xuôi về phía tây, nghiêng nhập vào phía tây được. Chỉ có đám dân chúng đông người ấy chuốc lấy mệt mỏi và thất vọng thôi. 

13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy với sở hành như vậy, sở trú như vậy, nếu có quốc vương hay đại thần của vua, bạn bè, thân hữu, hay bà con huyết thống đến dâng cúng tài sản và nói: “Hãy đến đây, này bạn! Sao lại để những y vàng ấy hành hạ bạn? Sao lại sống với đầu trọc và bình bát? Hãy hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức.” Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy có sở hành như vậy, có sở trú như vậy, sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự việc như vậy không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm của vị ấy đã lâu ngày hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, nghiêng nhập vào viễn ly; do vậy sự hoàn tục không xảy ra. 

Giảng: 

Bài kinh này, bên Pāli lược bỏ đoạn đầu và đoạn cuối. Phần chánh của kinh như bên Hán tạng, ý nghĩa hai bên không khác, có đôi chỗ Pāli giải thích rõ hơn.

Đoạn 6, thí dụ như rừng đầy gai, Tỳ-kheo đi vào rừng mong mình không bị vướng gai. Hán tạng thì nói người giữ rừng nhổ sạch cỏ gai rồi mới đi. Pāli nói tiếp về sự hộ trì hay không hộ trì. Không hộ trì là Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp các sắc khả ái, ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Như vậy khi có thiên chấp và ghét bỏ là tâm nhỏ hẹp và các pháp bất thiện khởi lên. Ngược lại, Tỳ-kheo biết hộ trì là khi sáu căn tiếp xúc sáu trần không thiên chấp, không ghét bỏ, sống với tâm vô lượng. Chúng ta tu thiền theo đúng lời dạy này, các pháp bất thiện sẽ được đoạn diệt, được giải thoát.

Đoạn 10, Pāli nói vị Tỳ-kheo khi thực hành như trên, nếu đôi lúc niệm bị thất thoát khởi lên các pháp bất thiện, niệm ác khởi lên chậm chạp và bị tiêu diệt mau lẹ như hai ba giọt nước rơi trên một cái nồi sắt nóng.

Thí dụ này, Pāli giải thích rõ và dễ hiểu, chúng ta tin tưởng vào sức hộ trì tỉnh giác của mình.

Đoạn 13, Pali và Hán tạng cùng thí dụ giống nhau, cách diễn tả của Pāli dài dòng kỹ lưỡng, nhấn mạnh sự quyết tâm của vị Tỳ-kheo khi bị người thân hay vua quan, đại thần rủ hoàn tục, vị ấy không bị lay chuyển.

Này các Tỳ-kheo, vì tâm của vị ấy đã lâu ngày hướng về viễn ly, xuôi nhập về viễn ly, nghiêng nhập vào viễn ly; do vậy sự hoàn tục không xảy ra. Đoạn này kết thúc rất hay.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.