Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Chuyển Pháp Luân (Hán tạng, kinh số 379) với Kinh Như Lai Thuyết (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Đây là bài kinh đầu tiên Phật dạy về pháp Tứ đế, nếu chúng ta không học là thiếu sót lớn. Chuyển pháp luân là chuyển bánh xe pháp, xoay bánh xe pháp để hóa độ chúng sanh. Chúng ta thường nghe nói “tam chuyển thập nhị hành”. Tam chuyển tức là ba lần chuyển: Một là Thị chuyển, hai là Khuyến chuyển, ba là Chứng chuyển. Mỗi lần đều lặp lại pháp Tứ đế, ba lần lặp lại thành mười hai nên gọi là thập nhị hành.

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, tiên nhân trú xứ, thành Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo: 

– Đây là Khổ thánh đế, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. Đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích thánh đế, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, thì phát sanh nhãn, trí, minh, giác.  

Giảng: 

Đoạn này là Thị chuyển, chỉ bày về Tứ đế, tính cách nói như khách quan. Khổ thánh đế, kinh này nói sơ lược, không nêu rõ sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ… Khổ đế này chưa từng được nghe, bây giờ nghe phải suy nghĩ kỹ, khi hiểu được sẽ có mắt pháp, có trí tuệ, có quang minh, có giác ngộ.

Tiếp theo, Phật nói đến Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích thánh đế. Phần đầu chỉ bày bốn đế, mới nêu danh từ, chưa khuyến khích tu.

Chánh văn: 

Lại nữa, đây là Khổ thánh đế đã biết, cần phải biết, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. 

Đây là Khổ tập thánh đế đã biết, cần phải đoạn, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. 

Lại nữa, đây là Khổ diệt thánh đế đã biết, cần phải tác chứng, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. 

Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích thánh đế đã biết, cần phải tu, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. 

Giảng: 

Đây là Khuyến chuyển. Phật chỉ qua Tứ đế cho biết tổng quát rồi mới khuyên bảo: Khổ đế cần phải biết, đó là điều căn bản đầu tiên. Nếu không biết khổ, không tư duy chân chánh thì không biết dứt trừ khổ. Đối với Tập đế là nguyên nhân của khổ, ái tập khổ tập nên cần phải đoạn trừ ái. Diệt đế là dứt trừ khổ, là Niết-bàn an vui, cần phải đạt được. Đạo đế là con đường đưa đến Niết-bàn, cần phải tu tập. Đối với Tứ đế, trong phần Khuyến chuyển, Phật luôn luôn khuyến khích cần phải biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo.

Chánh văn: 

Lại nữa, Tỳ-kheo, đây là Khổ thánh đế đã biết, đã xuất, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. 

Lại nữa, đây là Khổ tập thánh đế đã biết, đã đoạn, đã xuất, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. Về Lại nữa, đây là Khổ diệt thánh đế đã biết, đã tác chứng, đã xuất, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. 

Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích thánh đế đã biết, đã tu, đã xuất, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác. 

Giảng:

Đây là phần Chứng chuyển. Sau khi chỉ bày về Tứ đế, khuyên tu tập Tứ đế, đây nói về kết quả chứng đắc an lạc. Đối với Khổ đế, đã được biết thì ra khỏi, vượt qua khỏi khổ. Với Tập đế đã biết rồi thì đoạn dứt nguyên nhân. Với Diệt đế đã biết rồi thì chứng đắc. Với Đạo đế đã biết rồi thì tu tập.

Như vậy ba phen chuyển pháp luân, mỗi lần đều nêu từng phần Tứ đế, ý nghĩa rất rõ ràng. Tuy chỉ nói vắn tắt nhưng pháp Tứ đế là đạo lý xuyên suốt trong tất cả thời thuyết pháp của Phật.

Chánh văn:

Này các Tỳ-kheo, đối với bốn thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành, ta nếu không sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác, thì ở giữa chư thiên, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp, ta không bao giờ được coi là đã giải thoát, đã xuất ly và cũng không tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với bốn thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành, ta sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác; do đó, ở giữa chư thiên, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp, ta đã giải thoát, đã xuất ly và tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 

Giảng:

Phật quả quyết đối với tứ thánh đế này, ba lần chuyển mười hai hành như vậy, nếu không sanh nhãn trí minh giác, thì ở giữa chúng nghe pháp, chư thiên, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Phật không phải là người giải thoát, không phải là người xuất ly, không phải là người chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu tất cả chúng nghe pháp y theo ba chuyển, mười hai hành tu tập sẽ phát sanh nhãn trí minh giác. Ngài xác định chắc chắn như vậy để năm vị Tỳ-kheo đầy đủ lòng tin, phát tâm tu tập. Tu tập rồi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là kết quả rõ ràng không nghi ngờ.

Chánh văn: 

Khi đức Thế Tôn nói pháp này, tôn giả Kiều-trần-như cùng tám vạn chư thiên xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. 

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo tôn giả Kiều-trần như: 

– Biết pháp chưa? 

Kiều-trần-như bạch Phật: 

– Bạch Thế Tôn, đã biết. 

Lại hỏi tôn giả Kiều-trần như: 

– Biết pháp chưa? 

Câu-lân bạch Phật: 

– Bạch Thiện Thệ, đã biết. 

Vì tôn giả Câu-lân đã biết pháp cho nên gọi là A-nhã Câu-lân. 

Sau khi tôn giả A-nhã Câu-lân đã biết pháp, Địa thần xướng lên rằng: 

– Các nhân giả, đức Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại, đã ba lần chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho trời, người, làm tăng thêm số chúng cõi trời, giảm bớt chúng a-tu-la. 

Địa thần xướng lên xong, vọng đến các thần hư không, vua trời Tứ thiên, trời Tam thập tam, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, lần lượt truyền xướng, trong khoảnh khắc, lại vọng đến cõi Phạm thiên, nghe truyền vang âm thanh rằng: 

– Các nhân giả, đức Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, tiên nhân trú xứ nước Ba-la-nại đã ba lần chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho trời, người, làm tăng thêm số chúng cõi trời, giảm bớt chúng a-tu-la. 

Vì Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại chuyển pháp luân, cho nên kinh này được gọi là kinh Chuyển Pháp Luân. 

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Phật ở trong vườn Lộc dã, đầu tiên thuyết pháp cho năm vị tu khổ hạnh chưa phải Tỳ-kheo, nhưng đoạn kinh này vẫn gọi là Tỳ-kheo. Có tranh vẽ năm người nghe Phật nói pháp, có người tay chống cằm, có người cúi đầu, có người trán nhiều nếp nhăn, chỉ có Kiều-trần-như cười. Bởi thấy cười nên Phật hỏi: Biết pháp chưa? Ông trả lời đã biết pháp. Hỏi lần thứ hai cũng trả lời: Bạch Thiện Thệ, đã biết rồi. Như vậy là được truyền tâm ấn. Trong hội Linh Sơn, khi Phật thuyết pháp chỉ có ngài Ca-diếp cười nên Phật truyền tâm ấn. Đây trong năm người, chỉ có ngài Kiều-trần-như cười nên Phật gọi ngài là A-nhã bậc nhất. A-nhã nghĩa là “đã biết”, Câu-lân là phiên âm tên Kondañña. A-nhã Câu-lân hay A-nhã Kiều-trần-như là tên của ngài sau khi nghe Phật thuyết Tứ đế mà được tỏ ngộ.

Qua bài kinh này chúng ta thấy bài pháp đầu tiên Phật nói là pháp Tứ đế, nói qua ba lần để mọi người biết ứng dụng tu.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Bārānāsi, tại Isipatana, chỗ vườn Nai. 

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo: 

Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? 

3) Một là đắm say trong các dục (Kāma), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

4) Và thế nào là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường thánh đạo tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

5) Đây là thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. 

6) Đây là thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái, 

7) Đây là thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước. 

8) Đây là thánh đế về con đường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. 

9) Đây là thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Đây là thánh đế về Khổ cần khuyến phải liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Đây là thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. 

10) Đây là thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Đây là thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Đây là thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. 

11) Đây là thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Đây là thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp….. quang sanh. Đây là thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. 

12) Đây là thánh đế về con đường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Đây là thánh đế về con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Đây là thánh đế về con đường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. 

13) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với thiên giới, ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh đẳng giác. 

14) Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với thiên giới, ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh đẳng giác. Tri kiến khởi lên nơi ta: “Bất động là tâm giải thoát của ta. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa.” 

15) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Trong khi lời dạy này được tuyên bố, tôn giả Kondañña khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: “Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn diệt.” 

16) Và khi pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: 

– Nay vô thượng pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư tiên đọa xứ, tại vườn Nai, chuyển vận một pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời. 

17) Sau khi được nghe tiếng chư thiên ở cõi đất, Tứ đại thiên vương thiên lên tiếng nói lên: 

– Nay vô thượng pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư tiên dọa xứ, tại vườn Nai, chuyển vận một pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời. 

18) Sau khi được nghe tiếng của chư thiên ở Tứ đại thiên vương thiên, thời chư thiên ở cõi trời Ba mươi ba… chư thiên Yamã… chư thiên Tusita… chư Hóa Lạc thiên… chư Tha Hóa Tự Tại thiên… chư thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: 

– Nay vô thượng pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư tiên đọa xứ, tại vườn Nai, chuyển vận… bất cứ một ai ở đời. 

19) Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến Phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư thiên. 

20) Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: 

– Chắc chắn đã giác hiểu là Kondañña (Kiều- trần như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondañña! 

Như vậy tôn giả Kondañña được tên là Añña Kondañña (A-nhã Kiều-trần như). 

Giảng: 

Kinh này trong Pāli và Hán tạng đều rất quan trọng. Hán tạng thiếu phần mở đầu Thế Tôn nói về con đường trung đạo. Pāli thì nói đầy đủ từ số 2, 3, 4. Điều này rất hợp lý, bởi năm anh em Kiều-trần-như là bạn đồng tu với Phật, sau thấy Phật từ bỏ khổ hạnh nên bất mãn bỏ đi và tìm tới đây để tu. Phật thành đạo rồi, đầu tiên tìm các vị này giáo hóa. Vì thế Phật mở đầu.

Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:

– Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục (Kāma), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích… 

Phật chỉ ra hai cực đoan. Một bên chạy theo ngũ dục, là pháp thế gian, một bên hành khổ hạnh là ngu si. Cả hai đều không xứng đáng, bậc thánh tránh xa hai cực đoan. Mở đầu nghe Phật chỉ ra hai lỗi này, các vị ấy mới chú ý nghe và không còn chê Phật, không còn cho khổ hạnh là cao.

Phật dạy về con đường trung đạo chính là Bát chánh đạo.

Và thế nào là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường thánh đạo tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

Tác thành mắt, tác thành trí là do mắt sáng suốt, trí sáng suốt thấy đúng như thật, chứ không tưởng tượng suy lý.

Từ đây Phật nói tứ thánh đế. Đây là thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. 

Hán tạng chỉ nêu tên Tứ đế, đơn giản không giải thích. Pāli tạng giải thích đầy đủ ý nghĩa. Khổ thánh đế là tám khổ, Tập thánh đế là ái: Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái. Khổ diệt thánh đế là ly ái. Khổ diệt đạo thánh đế là Bát chánh đạo.

Đến phần Khuyến chuyển và Chứng chuyển thì hai bên giống nhau.

Phần cuối, bên Hán tạng tôn giả Kiều-trần như hai lần xác định mình biết pháp, sau đó Địa thần và chư thiên các tầng trời tuyên bố Phật chuyển pháp luân làm lợi ích chúng sanh.

Pāli tạng thì sau khi Phật giảng pháp, chư thiên cõi đất và các tầng trời dần dần truyền tin bánh xe pháp đã chuyển vận tại vườn Nai. Lúc đó mười ngàn thế giới chuyển động, rung động mạnh. Sau đó Phật xác nhận Kiều-trần-như đã giác hiểu.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.