Tích Truyện Pháp Cú

26. Phẩm Bà-la-môn



Nội dung:

1. Bà La Môn Ðại Hỉ

Hãy tinh tấn đoạn dòng …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Bà-la-môn Ðại Hỉ, Pasàdabahula.

Một hôm, sau khi nghe Phật thuyết pháp, một vị Bà-la-môn hoan hỉ đến nỗi từ đó đều đặn mỗi ngày ông thỉnh mười sáu vị Tỳ-kheo đến nhà cúng dường. Mỗi khi các thầy đến, ông ra đón, đỡ bình bát và mời:

– Xin cung thỉnh Ngài A-la-hán vào. Xin mời Ngài A-la-hán ngồi.

Dù thưa thỉnh với bất cứ thầy Tỳ-kheo nào, ông đều xưng tụng là A-la-hán. Những thầy chưa chứng Sơ quả nghĩ thầm: “Ông cư sĩ này tưởng trong chúng ta có thầy chứng A-la-hán”. Còn các thầy chứng A-la-hán lại nghĩ: “Ông cư sĩ không biết chúng ta đắc A-la-hán”. Kết quả: Tất cả các thầy đều buồn lòng và không đến nhà ông nữa.

Ông Bà-la-môn hết sức buồn khổ. Ông nghĩ: “Tại làm sao các vị Tỳ-kheo cao quý ấy lại không đến nhà mình nữa kìa?”. Ông vào tinh xá đảnh lễ Phật và bạch sự việc. Ðức Thế Tôn hỏi các thầy Tỳ-kheo:

– Này các Tỳ-kheo, vậy nghĩa là sao?

Các thầy bạch Phật lý do. Phật bảo:

– Nhưng này các Tỳ-kheo, các ông không muốn ông ấy gọi mình là A-la-hán ư?

– Bạch Thế Tôn, không ạ.

– Thế nhưng đây chỉ là cách một người bày tỏ lòng hoan hỉ, và việc biểu hiện niềm hoan hỉ ấy đâu có gì sai trái? Tấm lòng quí mến các vị A-la-hán của ông Bà-la-môn thật là vô bờ. Do đó, việc đúng đắn nhất đối với các ông là phải diệt trừ tham ái và chỉ lấy việc chứng đắc A-la-hán làm sự mong muốn duy nhất của mình.

Ngài nói kệ:

(383) Hỡi này Bà-la-môn
Hãy tinh tấn đoạn dòng,
Từ bỏ các dục lạc,
Biết được hành đoạn diệt,
Ngươi là bậc vô vi.

2. Thế Nào Là “Hai Trạng Thái”?

Nhờ thường trú hai pháp …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài ở tại Kỳ Viên, liên quan đến nhiều vị Tỳ-kheo.

Một ngày nọ, có ba mươi Sa-môn ở xứ khác đến Kỳ Viên đảnh lễ đức Phật và ngồi một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất biết rằng các thầy có đủ điều kiện chứng A-la-hán, bèn đến trước đức Phật thưa:

– Bạch Thế Tôn, Ngài thường dạy về “hai trạng thái”, thế nào là “hai trạng thái?”.

Ðức Phật dạy:

– Này Xá-lợi-phất, hai trạng thái là Thiền định và Trí tuệ.

Ngài nói kệ:

(384) Nhờ thường trú hai pháp,
Ðến được bờ bên kia,
Bà-la-môn có trí,
Mọi kiết sử dứt sạch.

3. Thế Nào Là Bờ Kia?

Không bờ này bờ kia …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ma vương.

Một ngày nọ, ma vương giả dạng đến chỗ đức Phật và hỏi Ngài:

– Bạch Thế Tôn, Ngài hay nhắc đến “bờ bên kia”. Xin cho biết cái gì là “bờ bên kia”?

Ðức Phật biết đó là ma vương, Ngài bảo:

– Này ma vương, ông liên hệ gì đến “bờ bên kia”? Chỉ có người thoát khỏi tham dục mới đạt đến đó thôi.

Ngài nói kệ:

(385) Không bờ này bờ kia,
Cả hai bờ không có,
Lìa khổ, không trói buộc,
Ta gọi Bà-la-môn.

4. Thế Nào Là Bà-La-Môn?

Tu thiền, trú ly trần …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn.

Ngày nọ, một ông Bà-la-môn chợt nghĩ: “Ðức Phật thường gọi các đệ tử là Bà-la-môn, còn ta cũng sanh trưởng trong dòng Bà-la-môn, ta cũng đáng được gọi như thế”.

Nghĩ vậy, y bèn đến chỗ Phật và nói lên vấn đề ấy. Ðức Phật nói:

– Ta không gọi ai là Bà-la-môn, chỉ vì dòng dõi. Ta chỉ gọi những người đạt đến quả vị A-la-hán là Bà-la-môn.

Ngài nói kệ:

(386) Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu,
Ðạt được đích tối thượng
Ta gọi Bà-la-môn.

5. Ðức Phật Sáng Ngời

Mặt trời sáng ban ngày …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại lâu đài Mẹ Migàra, liên quan đến Tôn giả A-nan.

Vào ngày lễ Tự tứ, vua Ba-tư-nặc đến tinh xá, nhà vua trang phục tô điểm thật rực rỡ, tay mang đầy hương hoa, chuỗi ngọc. Lúc ấy Tôn giả Ca-lưu-đà-di ngồi ở vòng ngoài chúng hội Tỳ-kheo, đang nhập định, toàn thân tỏa ra một luồng hỷ lạc, sáng như vàng. Và mặt trời đang lặn, mặt trăng vừa mọc. Tôn giả A-nan ngắm ánh mặt trời hoàng hôn, ngắm ánh trăng đang lên, nhìn vẻ rực rỡ của châu ngọc trên người vua, nhìn vàng hào quang sáng quanh Ngài Ca-lưu-đà-di, và cuối cùng nhìn đức Như Lai. Hào quang trên thân đức Thế Tôn vượt xa hơn tất cả.

Ngài đến bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, hôm nay con ngắm ánh sáng của những thân và vật ấy, chỉ có hào quang Ngài làm cho con mãn nguyện, vì thân Ngài chiếu ánh sáng rực rỡ hơn hẳn các ánh sáng khác.

Ðức Phật bảo:

– Này A-nan, mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, nhà vua thì sáng khi trang điểm lộng lẫy, các vị A-la-hán thì sáng khi nhập định thoát phàm. Nhưng chỉ có chư Phật luôn luôn chiếu sáng ngày cũng như đêm, rực rỡ hơn gắp năm lần.

Ngài nói kệ:

(387) Mặt trời sáng ban ngày.
Mặt trăng sáng ban đêm.
Khí giới sáng Sát-lỵ.
Thiền định sáng Phạm chí.
Còn hào quang đức Phật,
Chói sáng cả ngày đêm.

Chú giải:

Giới đức của Phật có oai lực sáng tỏ, làm lu mờ điều bất thiện.
Ðức hạnh của Ngài có oai lực làm lu mờ các tật xấu.
Oai lực của trí tuệ che lấp vô minh.
Oai lực của chánh hạnh che lấp điều bất chánh.

6. Thế Nào Là Tỳ Kheo?

Dứt ác gọi Phạm Chí …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo.

Một người Bà-la-môn nọ xuất gia theo thầy khác chứ không theo Phật, rồi lại nghĩ: “Sa-môn Cồ-đàm gọi đệ tử là Tỳ-kheo. Ta cũng đáng được gọi như thế”. Y bèn đến gặp Phật và nói lên vấn đề ấy.

Ðức Phật nói:

– Ta không gọi ai là Tỳ-kheo chỉ vì lý do ông đưa ra. Ta chỉ gọi người đã trừ được lậu hoặc và cấu nhiễm là Tỳ-kheo, “Người đã xa lìa”.

Ngài nói kệ:

(388) Dứt ác gọi Phạm Chí,
Tịnh hạnh gọi Sa-môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia.

7. Ðức Nhẫn Nhục Chinh Phục Sự Tàn Ác.

Chớ có đập Phạm Chí …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.

Một ngày nọ, các thiện tín ngồi chung lại và ca ngợi đức hạnh của Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Vị Tôn giả thầy chúng ta, thật là đức nhẫn cao đến nỗi dù ai mắng chửi hay đánh đập, Ngài cũng không giận.

Lúc ấy, có một Bà-la-môn ngoại đạo hỏi:

– Ai mà không hề giận dữ?

– Thầy chúng tôi, Tôn giả Xá-lợi-phất.

– Chắc hẳn chưa ai chọc giận được ông ấy?

– Chưa hề có chuyện ấy đâu, Bà-la-môn.

– Ðược rồi, tôi sẽ chọc giận ông ta.

– Ông cứ thử xem.

– Tin tôi đi, tôi biết cách nên hành động như thế nào với ông ta.

Hôm sau, Tôn giả vào thành khất thực. Ông Bà-la-môn đi theo sau lưng Tôn giả tống một quả đấm vũ bão vào lưng Ngài. Tôn giả chỉ hỏi: “Cái gì thế?” mà không hề quay lại dòm và tiếp tục đi. Trước thái độ ấy, ông Bà-la-môn cảm thấy ân hận tràn ngập: “Ô! Thật là tôn quí thay đức hạnh của Tôn giả!”.

Ông ta sụp xuống dưới chân Ngài:

– Xin Ngài hãy tha lỗi cho tôi.

– Chuyện gì vậy?

– Tôi muốn thử Ngài nên đã đấm vào lưng Ngài.

– Ðược, tôi không giận ông.

– Nếu Ngài sẵn lòng tha lỗi cho tôi, xin từ đây hãy chỉ đến nhà tôi thọ thực thôi.

Và ông đỡ lấy bát Tôn giả, đưa Ngài về nhà cúng dường bữa trưa. Tôn giả vui vẻ trao bát.

Vài kẻ ngoại cuộc thấy vậy rất tức tối.

– Tên ngoại đạo ấy đã đánh thầy chúng ta, một vị đáng lý không ai được xúc phạm, tội ấy không thể tha thứ. Chúng ta phải giết hắn.

Họ nắm đất, đá, gậy gộc, kéo đến đứng trước cửa nhà người Bà-la-môn. Khi Tôn giả thọ thực xong trở ra, Ngài để bát cho người Bà-la-môn ôm, những người kia thấy ông ta đi ra với Tôn giả, bèn kêu:

– Bạch Tôn giả, xin Ngài ra lệnh cho ông Bà-la-môn trở lại.

– Này các đạo hữu, các ông muốn gì?

– Tên Bà-la-môn ấy đã đánh Ngài, và chúng con muốn xử hắn đích đáng.

– Sao? Ông ấy đánh ta hay đánh các ông?

– Thưa, đánh Ngài.

– Nếu vậy, ông ấy đã xin lỗi ta, các ông về đi.

Tôn giả khuyên các Phật tử, và cho phép ông Bà-la-môn về, Tôn giả trở lại tinh xá.

Các vị Tỳ-kheo hết sức bất bình.

– Thế này là sao? Một người Bà-la-môn đánh Tôn giả Xá-lợi-phất mà Ngài lại đến chính nhà của người ấy thọ thực! Ông ta đánh cả Tôn giả rồi thì còn kính trọng ai nữa? Ông sẽ đánh người này người nọ lung tung cho coi.

Ðức Thế Tôn nghe chuyện, bảo các thầy Tỳ-kheo:

– Này các Tỳ-kheo, không có việc người Bà-la-môn đánh Bà-la-môn, chỉ có Bà-la-môn phàm tục đánh vị Bà-la-môn thánh quả. Bởi vị nào đã chứng quả A-na-hàm hoàn toàn dứt trừ hết mọi giận dữ.

Ngài nói kệ:

(389) Chớ có đập Phạm Chí!
Phạm Chí chớ đập lại!
Xấu thay đập Phạm Chí!
Ðập trả lại xấu hơn!

(390) Ðối vị Bà-la-môn,
Ðây không lợi ích nhỏ,
Khi ý không ái luyến,
Tâm hại được chặn đứng,
Chỉ khi ấy khổ diệt.

8. Ngài Di Mẫu Thọ Giới

Với người thân, miệng, ý …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ngài Ma-ha Ba-xà-ba-đề.

Trước khi công khai công bố Bát kỉnh pháp, đức Phật đã nói riêng cho Ngài Di Mẫu hay, và Ngài cúi đầu thọ lãnh giới pháp ấy, giống như người đã quen thuộc với việc được trang sức cúi đầu nhận vòng hoa thơm. Tất cả các vị trong nhóm của Ngài cũng làm y như vậy. Thầy Tế độ và Thân giáo sư của Ngài không ai khác hơn là chính đức Thế Tôn. Ngài đã được gia nhập Tăng đoàn của Phật.

Về sau, một số Tỳ-kheo ni trong nhóm Ngài lại bàn tán về việc Ngài được thọ giới:

– Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề không có thầy Tế độ, không có Thân giáo sư. Bà tự tay lãnh thọ y vàng một mình.

Nghe thế, các Tỳ-kheo ni khác bất mãn không chịu làm lễ Bố tát và lễ Tự tứ với bà. Họ đến bạch Phật câu chuyện, Ngài dạy:

– Chính ta trao Bát kỉnh pháp cho bà, ta là thầy Tế độ, là Giáo sư của bà. Kẻ đã từ bỏ được những lỗi lầm cả về thân, miệng, ý, đã thoát mọi tham dục, với nhũng người như thế không nên nuôi dưỡng tư tưởng bất mãn.

Ngài nói kệ:

(391) Với người thân, miệng, ý,
Không làm các ác hạnh,
Ba nghiệp được phòng hộ,
Ta gọi Bà-la-môn.

 

9. Tôn Kính Người Ðáng Tôn Kính

Từ ai, biết chánh pháp …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.

Tôn giả Xá-lợi-phất được nghe bài kệ Phật pháp đầu tiên từ Tôn giả Ác Bệ, và từ ngày chứng quả Tu đà hoàn, Tôn giả khi nghe ngài Ác Bệ nơi nào, luôn luôn hướng về phía ấy chấp tay cung kính, và luôn nằm xây đầu về hướng ấy. Các thầy Tỳ-kheo bàn tán:

– Tôn giả Xá-lợi-phất theo tà đạo, mỗi ngày đều lễ tứ phương.

Và họ đến bạch Phật. Phật gọi Tôn giả đến hỏi:

– Này Xá-lợi-phất, họ báo cáo ông kính lễ tứ phương, có đúng không?

– Bạch Thế Tôn! Ngài biết con, Ngài biết rằng con có hay không có kính lễ phương hướng.

Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Xá-lợi-phất không hề kính lễ phương hướng. Chỉ vì kính lễ Tôn giả Ác Bệ, người đầu tiên mà Xá-lợi-phất được nghe pháp nên mới làm thế. Một vị Sa-môn kính trọng người dạy pháp như người Bà-la-môn kính thờ lửa thiêng.

Ngài nói kệ:

(392) Từ ai, biết chánh pháp,
Bậc Chánh giác thuyết giảng,
Hãy kính lễ vị ấy,
Như Phạm chí thờ lửa.

10. Thế Nào Là Bà-La-Môn?

Không vì đầu bện tóc …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn bện tóc.

Chuyện kể rằng, một ông Bà-la-môn chợt nghĩ: “Ta thuộc dòng dõi Bà-la-môn thuần túy. Sa-môn Cồ-đàm thường gọi đệ tử Bà-la-môn. Ta cũng đáng được gọi như thế?”.

Nghĩ rồi, y bèn đến chỗ Phật và nói lên vấn đề ấy. Ðức Phật bảo:

– Này Bà-la-môn, ta không gọi ai là Bà-la-môn chỉ vì người ấy đầu bện tóc, chỉ vì dòng dõi, huyết thống. Ta chỉ gọi người đã thâm nhập chân lý là Bà-la-môn.

Ngài nói kệ:

(393) Ðược gọi Bà-la-môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sanh,
Ai thật chân, chánh, tịnh,
Mới gọi Bà-la-môn.

11. Người Bà-La-Môn Gian Xảo

Kẻ ngu có ích gì…

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Pháp đường, liên quan đến người Bà-la-môn gian xảo, treo ngược mình lên cây như dơi.

Tại thành Tỳ-xá-ly, có một Bà-la-môn muốn cầu lợi dưỡng, y bèn leo lên cây xoài gần cổng thành, móc hai chân vào cành, lộn đầu xuống đất, la lên:

– Hãy đem cho ta một trăm đồng vàng! Hãy cho ta xu bạc! Cho ta một người tớ gái! Nếu các người không cho những điều ta yêu cầu, ta sẽ buông chân ra, chết tại đây và trở thành ác thần phá hoại thành này.

Lúc ấy, đức Phật cùng chư tăng vào thành khất thực. Các thầy Tỳ-kheo trông thấy người Bà-la-môn treo ngược người lên cành cây, và khi rời thành, các thầy thấy y còn treo trên cây. Dân cư trong thành thầm nghĩ: “Ông nội này đã treo ngược từ sáng tới giờ, nếu để ổng chết chắc chắn chúng ta không thể sống yên ở thành này”. Và lo sợ cho thành Tỳ-xá-ly xinh đẹp, họ đem chất dưới gốc xoài những thứ y yêu cầu. Người Bà-la-môn leo xuống, thu chiến lợi phẩm và ra đi.

Các thầy Tỳ-kheo lại thấy người Bà-la-môn gian xảo kia đi lang thang gần tinh xá đang rống lên như một con bò. Các thầy nhận ra y ngay, bèn hỏi:

– Này bạn, có phải bạn đã đạt được những gì yêu cầu?

– Phải.

Các vị đến bạch đức Phật. Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên người ấy gian xảo như một tên bợm. Thời quá khứ y cũng như vậy. Nhưng trong kiếp này y lừa gạt được những kẻ chất phác kia, còn kiếp trước, y chẳng đánh lừa được người khôn ngoan.

Rồi Ngài kể chuyện:

Chuyện quá khứ:

11A. Nhà Ẩn Tu Giả Dối Và Kỳ Ðà Chúa

Ngày xưa, có một nhà ẩn tu ở gần một làng sống về nghề nông, và ông ta là một tên đạo đức giả. Lúc ấy, có một gia đình thường hay cúng dường thức ăn cho ông ta, dù ngày hay đêm họ đều chia sớt phần ăn cho nhà ẩn tu như họ đã chia cho con cái họ. Một chiều nọ, họ nướng thịt kỳ đà và để dành một phần cho nhà ẩn tu. Thầy tu nọ ngửi mùi thịt thơm phức bèn hỏi:

– Thịt gì đấy?

– Thịt kỳ đà.

Hôm sau, thầy khất thực được một mớ bơ, sữa đông và tiêu đem về cất trong lều cỏ. Gần lều thầy, có một cái đồi, một con kỳ đà chúa ở đấy. Nó thường viếng thầy và rất kính trọng thầy. Nhưng hôm ấy thầy muốn giết con kỳ đà nọ, bèn giấu một cây gậy trong áo, đến gần đồi cát và giả vờ ngủ. Khi con kỳ đà rời hang, đến gần chỗ thầy, thấy vẻ nằm đặc biệt khác thường, nó nghĩ thầm: “Hôm nay Sư phụ có vẻ làm sao ấy, ta không thích”, và nó quay đầu bò trở về lại. Thầy tu thấy kỳ đà bò lui bèn ném cây gậy theo định giết, nhưng cây gậy rơi không trúng. Con kỳ đà lật đật nhảy vào hang, ngóc đầu ra nói:

– Tưởng thầy tu chân thật,
Muốn gần, tôi đến nhanh,
Gậy cầm, thầy toan giết,
Lộ chân tướng giả danh.
Kẻ ngu có ích gì,
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông.

Nhà tu còn muốn dùng các thứ vật thực để dụ kỳ đà:

– Kỳ đà, mau quay lại!
Ðến nếm món cháo này.
Muối, tiêu, dầu ta có,
Muốn gì sẽ được ngay.

Kỳ đà đáp:

– Càng nghe thầy nói, tôi càng muốn chạy xa.

Và kỳ đà nói kệ:

Thật đúng khi tôi chọn,
Chỗ ẩn tít trên đồi,
Thầy cho dầu, tiêu, muối,
Với tôi, chúng ích gì!

Rồi nó nói tiếp:

– Rất tiếc khi trước tôi lầm tưởng thầy là nhà ẩn tu, nhưng khi thầy cầm gậy giết tôi, lớp áo đạo đức đã rơi xuống. Hỡi người vô tri, có ích gì khi thắt tóc bím. Có ích gì khi mặc áo da dê mà đầy những móng vuốt? Bên trong là dục vọng, bên ngoài lại điểm tô.

Ðức Phật kết luận:

– Nhà ẩn tu ấy là người Bà-la-môn hiện nay, còn kỳ đà chúa là Ta.

Ngài nói kệ:

(394) Kẻ ngu có ích gì,
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông.

12. Bà Kisa  Gotami , Vị Tỳ Kheo Ni Tu Hạnh Ðầu Ðà

Người mặc áo đống rác …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ngụ tại núi Linh Thứu, liên quan đến Tỳ-kheo ni Kisa Gotami.

Vào buổi đầu hôm, trời Ðế Thích cùng chư Thiên đến vây quanh đức Phật nghe pháp. Họ kính cẩn ngồi một bên để lắng nghe những lời dạy từ hòa của đức Thế Tôn. Lúc ấy, Ðại Ðức Tỳ-kheo ni Kisa Gotami chợt nghĩ: “Ta sẽ đến viếng đức Thế Tôn”. Bà bay lên không trung, đến chỗ Phật, nhưng thấy trời Ðế Thích bèn quay lui. Ðế Thích thấy vậy hỏi Phật:

– Bạch Thế Tôn, ai mới đến vừa thấy Ngài liền trở ra?

Ðức Phật bảo:

– Ðại vương, đó là đệ tử ta, Tỳ-kheo ni Kisa Gotami, người có hạnh Ðầu đà bậc nhất.

Ngài nói kệ:

(395) Người mặc áo đống rác
Gầy ốm, lộ mạch gân,
Ðộc thân thiền trong rừng,
Ta gọi Bà-la-môn.

13. Thế Nào Là Bà-La-Môn?

Ta không gọi Phạm Chí …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn.

Một người Bà-la-môn thầm nghĩ: “Sa-môn Cồ-đàm thường gọi các đệ tử là Bà-la-môn. Ta sanh trưởng trong dòng Bà-la-môn, vậy ông ấy phải gọi ta danh hiệu Bà-là-môn”. Nghĩ thế, ông đến yêu cầu Phật điều ấy. Phật nói:

– Ta không gọi ai là Bà-la-môn chỉ vì họ sanh ra từ một người mẹ dòng Bà-la-môn. Người nào không sở hữu những của cải thế gian, không chạy theo những thứ thế tục, chỉ người ấy ta gọi Bà-la-môn.

Ngài nói kệ:

(396) Ta không gọi Phạm Chí,
Vì chỗ sanh, mẹ sanh,
Chỉ được gọi tên suông,
Nếu tâm còn phiền não,
Không phiền não chấp trước,
Ta gọi Bà-la-môn.

14. Diễn Viên Xiếc Uggasena

Ðoạn hết các kiết sử …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Uggasena. Chuyện này đã được kể đầy đủ chi tiết trong phần chú giải bài kệ bắt đầu bằng câu: “Bỏ quá, hiện, vi lai”.

Lúc ấy, các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, Uggasena nói: “Tôi không sợ”, chắc chắn thầy ấy đã nói dối.

Ðức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, giống như con ta, kẻ nào đã dứt trừ mọi ràng buộc, kẻ ấy chẳng còn sợ hãi.

Ngài nói kệ:

(397) Ðoạn hết các kiết sử,
Không còn gì lo sợ,
Không đắm trước buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn.

15. Tranh Cãi Về Sức Kéo

Bỏ đai da, bỏ cương …

Ðức Thế Tôn, dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến hai người Bà-la-môn.

Hai người Bà-la-môn nọ có hai con bò, một tên Tiểu Hồng (Culla Rohita), và một tên Ðại Hồng (Mahà Rohita). Một hôm, hai ông Bà-la-môn bàn cãi, so sánh hai con bò của nhau, ai cũng nói “Bò tôi mới là số dzách!”.

Cãi lộn hết hơi rồi, họ nghĩ ra cách thử sức kéo của bò. Lập tức họ đánh xe bò ra bờ sông Aciravati, thi nhau chất lên xe bò mình nào cát, đá thật đầy và bắt bò kéo. Nhưng mặc cho họ thúc giục, chiếc xe vẫn không nhúc nhích và thình lình dây thừng đều bị đứt. Các vị Tỳ-kheo lúc ấy ra sông tắm, thấy vậy về bạch Phật. Ngài dạy:

– Này các Tỳ-kheo, đó là những dây bên ngoài, có thể cắt đứt. Nhưng một vị Sa-môn phải cắt đứt những sợi dây giận dữ và tham dục ở nội tâm.

Ngài nói kệ:

(398) Bỏ đai da, bỏ cương,
Bỏ dây, đồ sở thuộc,
Bỏ then chốt, sáng suốt,
Ta gọi Bà-la-môn.

16. Ðức Thế Tôn Chế Ngự Kẻ Sân Giận

Không ác ý, nhẫn nhục …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này trong khi Ngài đang trù tại Trúc Lâm, liên quan đến Akkosa Bhàradvàja.

Khi Phật ở tại Trúc Lâm, có một tín nữ Bà-la-môn đã chứng quả Tu-đà-hoàn, mỗi khi bà hắt hơi, ho, hoặc trợt té, đều buột miệng:

– Nam mô Phật Ðà! Như Lai Tối tôn, Vô thượng giác!

Chồng bà là một Bà-la-môn quạu quọ, không tin Phật, và rất bực mình khi nghe vợ mình cứ xưng tụng đức Phật. Ngày kia, trong khi dọn cơm cho các vị Bà-la-môn, bà trợt chân và cũng buộc miệng niệm danh hiệu Phật rất lớn. Ông Bà-la-môn nổi giận, nghĩ thầm: “Thiệt là hết chịu nổi. Mụ vợ ngốc của ta mỗi lần trợt té cứ lải nhải tôn xưng ông Sa-môn đầu trọc như là thói quen si ám”.

Ông bảo bà:

-Này, tôi cho bà biết, tôi sẽ đánh bại ông thầy bà bằng một cuộc tranh luận ngay bây giờ.

– Ông cứ tự tiện, tôi chưa thấy ai có thể thắng đức Thế Tôn cả. Ông cứ đi và hỏi Ngài một câu.

Ông Bà-la-môn đến chỗ Phật, không cần chào, đứng một bên và hỏi Ngài:

Muốn được sống an tịnh,
Phải dẹp bỏ thứ gì,
Ðể không còn ưu bi?
Ðiều gì nên trừ khử?
Xin nói cho nghe thử!
Ông giảng dạy cách nào,
Ðể người nghe được mau,
Thực hiện việc trừ khử?

Ðức Phật đáp:

Sân hận khi không còn,
Sẽ được sống an tịnh,
Sân hận được trừ khử,
Ưu sầu không theo mình.
Gốc rễ sân độc địa,
Ngọn nhánh lại ngọt ngào,
Người trí luôn ca ngợi,
Người dẹp được sân hờn,
Bởi sân khi diệt sạch,
Ưu bi sẽ chẳng còn.

Người Bà-la-môn nghe Phật nói, tin nhận bèn xuất gia và đắc A-la-hán. Em trai ông nghe tin ông đã xuất gia theo Phật bèn giận dữ đến mắng chửi Phật. Nhưng đức Phật cũng chinh phục người này bằng thí dụ “vật thực cho khách”, rồi y cũng xuất gia theo Phật chứng A-la-hán. Hai người em út hết, cũng như hai anh, đến rầy rà đức Phật, rốt cuộc cũng bị chinh phục, xuất gia và chứng quả A-la-hán.

Ngày đó, các Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường:

– Thật là kỳ diệu thay, hạnh nhẫn nhục của chư Phật. Cả bốn anh em đến mắng chửa đức Thế Tôn mà Ngài không đáp lời nào, còn khiến họ quy y.

Lúc ấy, đức Phật đến gần hỏi:

– Các ông tụ họp ở đây bàn tán chuyện gì?

Các thầy bạch Phật. Ngài giải thích:

– Này các Tỳ-kheo, vì Ta có sức từ nhẫn, vì ta là người không gây tội giữa thế gian đầy lỗi lầm, nên Ta là nơi nương tựa chân thật cho chúng sanh.

Ngài nói kệ:

(399) Không ác ý, nhẫn chịu,
Phỉ báng, đánh, phạt hình,
Lấy nhẫn làm quân lực,
Ta gọi Bà-la-môn.

17. Tôn Giả Xá Lợi Phất Bị Mẹ Mắng.

Không hận, hết bổn phận …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.

Khi Phật ở tại tinh xá Trúc Lâm, một hôm ngài Xá-lợi-phất dẫn năm trăm vị Tỳ-kheo đi khất thực và đến trước nhà bà mẹ Ngài trong làng Nàlaka. Bà mẹ mời chư Tăng vào nhà, chuẩn bị chỗ ngồi và trong khi dọn thức ăn cho Tôn giả, bà mắng Ngài:

– Hừm! Ðồ ăn mày! Mi lang thang từ nhà này sang nhà nọ để xin cơm thừa canh cặn không được, phải liếm láp cháo dính trên vá, trên muỗng! Vậy mà mi cũng từ bỏ gia tài ức triệu để làm thầy tu. Thiệt nhục nhã cho mẹ mi! Ăn đi!

Và khi dọn thức ăn cho các thầy Tỳ-kheo, bà cũng rủa:

– Mấy người đã rũ rê con ta để làm đầy tớ cho mấy người đây hả? Ăn đi!

Tôn giả Xá-lợi-phất không nói một tiếng, nhận thức ăn, và đi về tinh xá. Khi ngài La-hầu-la đem cơm dâng Phật, đức Thế Tôn hỏi:

– Này La-hầu-la! Hôm nay ngươi đi tới đâu?

– Dạ, đến nhà của bà cô con, bạch Thế Tôn!

– Bà ấy có nói gì với thầy ngươi không?

– Bạch Thế Tôn, bà ấy mắng chửi dữ dội.

– Bà ấy nói những gì?

La-hầu-la kể lại cho đức Phật nghe câu chuyện, và Ngài hỏi:

– Rồi thầy ngươi trả lời ra sao?

– Bạch Thế Tôn, Tôn giả chẳng trả lời gì hết.

Các vị Tỳ-kheo nghe chuyện, bàn tán với nhau:

– Này chư huynh! Cao quý thay đức nhẫn của Tôn giả Xá-lợi-phất! Dù cho mẹ Ngài mắng chửi như thế đó, Ngài chẳng hề giận một chút nào.

Ðức Thế Tôn nghe thế bèn dạy:

– Này các Tỳ-kheo, người nào thanh trừ được mọi dục vọng xấu, người ấy không còn sân giận.

Ngài nói kệ:

(400) Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục, thân cuối cùng,
Ta gọi Bà-la-môn.

18. A-La-Hán Có Phàm Thân Hay Không?

Như nước trên lá sen …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tỳ-kheo ni Uppalavannà. Chuyện được kể đủ chi tiết trong phần chú giải bài kệ bắt đầu bằng câu: “Người ngu nghĩ là ngọt, khi ác chưa chín mùi”. Truyện kể tiếp rằng:

Sau đó ít lâu các Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường: “Chắc các vị đã trừ hết lậu hoặc vẫn còn phải thỏa mãn nhục dục. Tại sao không? Họ đâu phải cây lá hay đất cục mà cũng mang thân người với máu thịt, do đó thế nào cũng còn ưa khoái lạc”.

Ðức Thế Tôn nghe chuyện bèn giải thích:

– Này các Tỳ-kheo, không bao giờ người đã thanh trừ ái dục lại yêu thích khoái lạc hay thỏa mãn nhục dục. Như một giọt nước rơi trên lá sen không bao giờ dính lại, nó lăn tròn và rơi xuống, như hạt cải không bao giờ dính trên đầu cây kim, cũng như tình ái không bao giờ ràng buộc hay còn vương vấn nơi những vị đã tận trừ ái nhiễm.

Ngài nói kệ:

(401) Như nước trên lá sen,
Như hạt cải đầu kim,
Người không nhiễm ái dục,
Ta gọi Bà-la-môn.

19. Người Nô Lệ Trút Gánh Nặng

Ai tự trên đời này …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn.

Khi chưa có điều luật không cho phép nhận nô lệ trốn chủ vào Tăng đoàn, một hôm người nô lệ của một Bà-la-môn đến xin xuất gia. Y được nhận vào Tăng đoàn và chẳng bao lâu chứng A-la-hán. Người Bà-la-môn tìm khắp nơi nhưng không gặp. Một hôm đức Phật dẫn vị A-la-hán ấy vào thành khất thực, người Bà-la-môn trông thấy ở cổng thành bèn níu y của Tôn giả nọ. Ðức Phật quay lại hỏi:

– Này Bà-la-môn, chuyện gì vậy?

– Thưa Ngài Cồ-đàm, đây là kẻ tôi tớ của tôi.

– Này Bà-la-môn, gánh nặng đã rời khỏi y.

Nghe đức Phật nói, người Bà-la-môn lập tức hiểu rằng người ấy đã chứng A-la-hán. Ông hỏi lại:

– Có thật không, thưa Cồ-đàm?

Ðức Phật xác nhận:

– Thật vậy, gánh nặng của người ấy đã buông xuống rồi.

Ngài nói kệ:

(402) Ai tự trên đời này,
Giác khổ, diệt trừ khổ,
Bỏ gánh nặng, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.

20. Khamà Trí Tuệ.

Người trí tuệ sâu xa …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại núi Linh Thứu, liên quan đến Tỳ-kheo ni Khemà.

Ngày nọ, lúc đầu hôm, vua trời Ðế Thích dẫn chư thiên đến nghe Phật thuyết pháp, lúc ấy Tỳ-kheo ni Khemà cũng khởi nghĩ: “Ta sẽ đến thăm đức Thế Tôn”.

Bà bay đến chỗ Phật, gặp Ðế Thích và chư thiên, bèn đảnh lễ Phật rồi lui ra, Ðế Thích hỏi Phật:

– Ai vậy, thưa Thế Tôn?

– Này Ðại vương, đó là Tỳ-kheo ni Khemà, trí tuệ đệ nhất, biết rõ đâu là đạo và đâu không phải là đạo.

Ngài nói kệ:

(403) Người trí tuệ sâu xa,
Khéo biết đạo, phi đạo,
Chứng đạt đích vô thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.

21. Vị Sa Môn Và Thiên Thần

Không liên hệ cả hai …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Tissa Pabbhàravàsì.

Ðại đức Tissa Pabbhàravàsì khi nhận đề mục thiền quán từ đức Phật, bèn vào rừng cư trú. Ðại đức tìm được một cái hang kín đáo thích hợp. Khi vừa đến hang, Ngài thấy lòng an tịnh, bèn nghĩ thầm: “Nếu ở đây, ta sẽ đạt được mục tiêu tối thượng, làm xong bổn phận của Sa-môn”. Khi ấy vị thần ở hang cũng nghĩ: “Một vị Sa-môn đạo hạnh đã đến ở đây, thiệt là khó xử cho ta khi ở chung với người. Có lẽ Ngài chỉ trú đêm, rồi đi nơi khác”. Thần bèn dắt con cái rời hang.

Ngày sau, Tôn giả vào làng khất thực. Một nữ thí chủ trông thấy Ngài đem lòng kính ngưỡng bèn mời vào nhà cúng dường, và phát nguyện sẽ cúng dường đầy đủ những món cần thiết trong ba tháng an cư. Tôn giả nghĩ rằng: “Nhờ Phật tử này ta sẽ đạt được sở nguyện”, bèn nhận lời thỉnh. Rồi Ngài trở về động cũ. Trông thấy Ngài về tới, thần hang nghĩ: “Chắc có ai mời Ngài. Ngày mai hay mốt Ngài sẽ đi”. Như thế nửa tháng trôi qua, vị thần thất vọng: “Chắc chắn Tôn giả sẽ ở đây suốt mùa mưa. Thiệt khó cho khi ở chung với vị Sa-môn đạo hạnh, mà cũng không thể mời Ngài đi nơi khác. Ta có thể tìm lỗi của Ngài không?” Nữ thần dùng thiên nhãn quan sát cuộc đời của vị Sa-môn từ khi xuất gia đến lúc vào rừng, chẳng thấy có tỳ vết. “Ðức hạnh của vị này hoàn toàn tinh khiết. Ta sẽ tìm cách kiếm chuyện và có thể nói lỗi Ngài được”.

Nữ thần đến nhà thí chủ của Tôn giả, nhập vào đứa bé trai nhỏ nhất, và bẻ cổ nó, đứa bé tự dưng trợn mắt và sùi bọt mép. Người mẹ hoảng sợ kêu lên:

– Sao con tôi như thế này?

Nữ thần nói với bà:

– Ta đã bắt con ngươi, nhưng không làm hại gì. Ngươi chỉ cần xin vị Tỳ-kheo hằng đến đây khất thực một ít cây thuốc cho con ngươi uống, ta sẽ buông tha.

– Thà con tôi chết, tôi không bao giờ xin Ngài điều ấy.

– Nếu không xin, ngươi hãy yêu cầu Tôn giả đặt thuốc vào mũi con ngươi.

– Tôi cũng không thể làm như vậy.

– Thôi được, hãy rửa chân Tôn giả, và lấy nước rảy lên đầu con ngươi.

Khi Tôn giả đến như thường lệ, bà dọn thức ăn ra cho Ngài và bưng một thau nước đến cho Tôn giả rửa chân. Bà xin Tôn giả nước rửa ấy rảy lên đầu con trai, Tôn giả bằng lòng và đứa bé được buông tha.

Vị thần đứng chờ ở cửa hang. Thọ trai xong, Tôn giả đứng lên và vẫn không rời đề mục thiền quán, Ngài từ giã nữ thí chủ trở về hang, vừa đi vừa thầm ôn ba mươi hai thứ cấu tạo nên thân. Tôn giả mới đến cửa hang, nữ thần đã nói:

– Xin chào thầy lang mát tay. Ngài chớ vào đây nữa.

Tôn giả liền dừng lại hỏi:

– Ngươi là ai?

– Tôi là vị thần trú ở đây.

Tôn giả thầm nghĩ: “Ta có từng bao giờ làm thầy thuốc không?” Ngài quán sát suốt cuộc đời mình từ lúc xuất gia vào Tăng đoàn, thấy chẳng có một tỳ vết gì hoen ố, bèn bảo nữ thần:

– Ta chẳng bao giờ làm thầy thuốc cả. Tại sao ngươi nói vậy?

– Chẳng bao giờ ư?

– Ðúng thế, chẳng bao giờ.

– Tôi sẽ cho thầy hay.

– Vâng, xin cứ nói.

– Thầy hãy nhớ lại xem. Ngày hôm nay thôi, thầy có rảy nước rửa chân lên đầu con bà thí chủ đang hộ trợ thầy, bị ma bắt không?

– Có, ta có rảy nước như thế.

– Thầy không thấy là đã làm thầy lang ư?

– Vậy ra ngươi nói ta làm thầy thuốc là việc ấy?

– Ðúng thế.

Tôn giả tự nghĩ: “Quả thực ta đã có quyết tâm đúng đắn. Ta đã thực sự giữ được giới hạnh tương ứng. Ngay cả vị thần này cũng không tìm được tỳ vết nơi đức hạnh ta, do ta nghiêm trì bốn giới thanh tịnh. Bà chỉ tìm được chuyện ta rảy nước rửa chân lên đầu một cậu bé”.

Với ý nghĩ đã giữ được đạo hạnh trọn vẹn thanh tịnh, Tôn giả cảm thấy vô cùng hoan hỉ. Rồi Tôn giả chế ngự cảm xúc ấy và chẳng rời đi một bước, Ngài đắc quả A-la-hán.

Ngài dạy nữ thần:

– Ngươi đã vô cớ xúc phạm ta là một Tỳ-kheo phạm hạnh thanh tịnh. Hãy đi đi, đừng ở đây nữa.

Ngài nghiêm nghị nói kệ:

Cuộc sống ta trong sạch,
Phạm hạnh không vết tỳ.
Thanh tịnh tăng chớ mắng,
Mau ra khỏi rừng đi.

Tôn giả ở lại hang đến hết mùa an cư rồi trở về chỗ Phật. Các thầy Tỳ-kheo hỏi:

– Này huynh, huynh đã đạt được mục đích tối thượng, làm tròn bổn phận một Sa-môn chưa?

Tôn giả kể kinh nghiệm vừa qua cho các thầy nghe, bắt đầu từ lúc đến hang ở. Các thầy hỏi:

– Này huynh, khi nữ thần kia nói huynh như thế huynh có nổi giận không?

– Không, tôi không giận.

Các thầy Tỳ-kheo đến bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối. Thầy nói khi nữ thần bảo thầy nọ kia, thầy không giận.

Ðức Thế Tôn lắng nghe họ kể hết chuyện. Ngài dạy:

– Này các Tỳ-kheo, con ta không sân giận. Thầy ấy chẳng chuyện trò với cư sĩ hoặc tu sĩ, sống đời độc cư, thiểu dục và tri túc.

Ngài nói kệ:

(404) Không liên hệ cả hai,
Xuất gia và thế tục,
Sống độc thân, ít dục,
Ta gọi Bà-la-môn.

22. Vị Sa Môn Và Người Ðàn Bà

Bỏ trượng, đối chúng sanh …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo.

Một thầy Tỳ-kheo nọ sau khi nhận đề mục thiền quán liền lui vào rừng sâu, chuyên chú hành thiền và đắc quả A-la-hán. Thầy tự nghĩ: “Ta sẽ đến trình lên đức Thế Tôn niềm an lạc vô biên vừa đạt được này”. Và thầy rời khu rừng, lên đường trở về. Lúc ấy, tại một xóm làng thầy vừa đi ngang, có người đàn bà cãi nhau với chồng. Khi ông chồng đi khỏi nhà, cô nghĩ: “Ta sẽ về nhà ta”. Cô liền ra đi trên đường, thấy vị Sa-môn, cô lại nghĩ: “Ta nên đi gần Tôn giả này”, rồi cô đi theo thầy Tỳ-kheo bén gót. Tôn giả chẳng hề nhìn ngó gì đến cô cả.

Ông chồng trở về nhà không thấy cô vợ đâu thì biết ngay: “Chắc cô ả về nhà mẹ”, ông liền đi kiếm. Khi trông thấy cô, ông nghĩ: “Cô này không thể nào đi qua rừng một mình được đâu. Cô ả đi với ai?” Bỗng ông thấy vị Sa-môn: “Chắc thầy này dẫn cô ả đi rồi đây”. Ông bèn tiến đến đe dọa thầy Tỳ-kheo, cô vợ kêu lên:

– Vị Sa-môn đức hạnh này chẳng hề nhìn ngó hay hỏi han tôi tiếng nào. Xin đừng xúc phạm thầy.

– Bộ bà muốn nói bà bỏ đi kiểu này đây hả? Ta sẽ cho hắn một trận xứng đáng với tội của riêng bà thôi đấy.

Trong cơn tức giận vì căm ghét người đàn bà, ông đánh thầy Tỳ-kheo nhừ tử rồi dẫn cô vợ về.

Thân thể vị Sa-môn đầy những lằn roi khi thầy về tu viện, các thầy khác chà xát người cho thầy để ý thấy các vết roi bèn hỏi. Thầy kể lại đầu đuôi câu chuyện. Các thầy nói:

– Nhưng này huynh, khi ông kia đánh huynh như vậy, huynh có nói gì không? Huynh có nổi xung không?

– Không, thưa chư huynh. Tôi không giận.

Các thầy bạch lên đức Phật câu chuyện và thưa:

– Bạch Thế Tôn, chúng con hỏi thầy Tỳ-kheo có giận không, thầy ấy nói chẳng giận. Thầy ấy nói dối.

Ðức Thế Tông lắng nghe chuyện họ kể và dạy:

– Này các Tỳ-kheo, kẻ nào đã trừ được lậu hoặc liền bỏ hết roi gậy. Dù ai đánh họ, họ cũng không sân giận lại.

Ngài nói kệ:

(405) Bỏ trượng, đối chúng sanh.
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn.

23. Bốn Vị Sa Di

Thân thiện giữa thù địch …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến bốn vị Sa-di.

Bà vợ của người Bà-la-môn nọ sửa soạn một bữa ăn cho bốn vị Sa-môn được đặc biệt chọn mời. Bà bảo ông chồng:

– Ông hãy đến tinh xá và bảo họ chọn cho bốn vị Bà-la-môn lão thành, rồi rước về nhé!

Ông Bà-la-môn đến tinh xá, thưa:

– Xin chọn cho bốn vị Bà-la-môn và đưa họ ra gặp tôi.

Những vị được chọn rơi nhằm bốn chú Sa-di mới lên bảy tuổi nhưng đã đắc quả A-la-hán, gồm các Tôn giả Samkicca, Pandita, Sopàka và Revata. Bà vợ người Bà-la-môn chuẩn bị các chỗ ngồi rất lộng lẫy, sang trọng và đứng chờ. Vừa thấy bóng các Sa-di, bà đã giận sôi lên, nổ một tràng dài nghe như muối kêu trên lò lửa:

– Ông đến tinh xá mà đưa về bốn đứa trẻ nít chẳng lớn bằng cháu chắt ông.

Bà không chịu mời các chú ngồi lên chỗ đã soạn sẳn, lại trải chỗ ngồi khác thấp hơn và kêu họ:

– Ngồi đây này!

Xong bà bảo ông chồng:

– Ông ơi, ông đi mời vài vị Sa-môn lão thành về đây.

Ông Bà-la-môn đến tinh xá, gặp Tôn giả Xá-lợi-phất, thưa:

– Xin mời Ngài về nhà tôi.

Ông đưa Tôn giả về nhà. Thấy các vị Sa-di ngồi đó, Tôn giả hỏi:

– Các Sa-môn này đã thọ trai chưa?

– Dạ, chưa.

Khi biết chủ nhà chỉ nấu bốn phần ăn, Tôn giả nói:

– Xin mang trả bát cho tôi.

Rồi Tôn giả ôm bát, rồi nhà ông Bà-la-môn. Bà vợ hỏi:

– Thầy ấy nói gì thế?

– Thầy nói:”Các viï Sa-môn ngồi đây đáng được thọ nhận vật thực. Xin trả bát cho tôi”. Nói xong thầy ấy cầm bát và đi về.

Bà vợ bảo:

– Chắc ổng không muốn ăn, thôi ông đi mau lên, kiếm một vị Sa-môn khác đưa về đây.

Ông Bà-la-môn trở lại tinh xá lần nữa, và gặp Tôn giả Mục-kiền-liên, cũng thưa như trước và dẫn Tôn giả về nhà. Ngài Ðại Mục-kiền-liên thấy các chú Sa-di, cũng hỏi y như Tôn giả Xá-lợi-phất và cầm bát đi thẳng. Bà vợ nói:

– Các Tôn giả này không muốn thọ trai. Ông hãy đến tinh xá lần nữa đi, và chỉ mời vị Sa-môn lão thành thôi.

Bấy giời các Sa-di từ sáng sớm chưa có hột cơm nào vào bụng. ngồi đói run rẩy. Do sức mạnh của phước đức họ, ngai trời Ðế Thích nóng lên. Ngài tìm hiểu nguyên nhân, thấy nhóm Sa-di ngồi từ sáng đang đói lả người đến kiệt sức, liền nghĩ: “Ta có nhiệm vụ phải đến đấy”. Ngài cải trang thành một Sa-môn già lọm khọm, đến tinh xá và ngồi vào chỗ dễ thấy nhất giữa các vị Sa-môn. Ông Bà-la-môn trông thấy Ðế Thích, nghĩ: “Mụ vợ ta hẳn sẽ hài lòng”. Ông mời Ðế Thích về nhà. Bà vợ vừa trông thấy Ðế Thích liền tươi cười hớn hở, lấy thảm và chiếu đôi phủ lên một chỗ ngồi, mời chào rối rít:

– Kính bạch Ðại đức tôi quí, xin mời Ngài an tọa.

Ðế Thích vào nhà liền đến đảnh lễ bốn vị Sa-di, năm vóc gieo sát đất, rồi Ngài kiếm chỗ ngồi kiết già dưới đất gần mé bộ ván thấp nơi các chú đang ngồi.

Bà vợ ông Bà-la-môn thấy thế, nói:

– Ðúng là ông rước về nhà một vị Sa-môn thiệt đó. Ông đưa về vị này lớn bằng cha ông mà thầy ấy lại đi chào các chú Sa-di tuổi bằng cháu chắt ổng. Ta đâu cần người như ổng. Ðuổi ổng ra đi!

Ông Bà-la-môn nắm vai Ðế Thích, rồi kéo tay, đẩy lưng,ráng sức lôi Ngài ra ngoài, nhưng Ðế Thích ngồi không nhúc nhích. Bà vợ bảo:

– Ông nắm một tay, tôi sẽ nắm tay kia.

Hai ông bà nắm cả hay tay Ðế Thích, hì hục đẩy sau lưng, ráng lôi được Ngài ra khỏi cửa. Nhưng Ðế Thích hóa phép ngồi yên chỗ cũ, hai tay vẫy lia lịa chào họ.

Hai ông bà trở vào thấy Ngài ngồi y đó thì sợ hãi, ré lên khủng khiếp và đề Ngài tự do. Bấy giờ Ðế Thích cho biết Ngài là ai. Hai ông bà liền mời khách thọ trai. Xong xuôi, năm vị khách từ giã. Một vị Sa-di bay xuyên qua nóc nhà. Vị thứ hai xuyên qua mái trước, vị thứ ba tung mái sau, vị thứ bốn chui xuống đất, còn Ðế Thích thì ra bằng một ngõ khác nữa. Cứ thế, năm vị mỗi vị rời ngôi nhà kia một kiểu. Từ đó ngôi nhà được biết đến với tên “Nhà có năm cửa.

Các vị Sa-di về tinh xá, các thầy Tỳ-kheo hỏi:

– Sao? Chư huynh đi thọ trai thế nào?

– Thôi, xin chư huynh chớ hỏi nữa! Vợ ông Bà-la-môn vừa thấy chúng đệ đã nổi giận đùng đùng. Bà không cho chúng đệ ngồi vào chỗ dọn sẳn, mà bảo ông chồng: “Ông mau mau đi rước cho một vị Sa-môn lão thành”. Thầy tế độ của chúng đệ đến, thấy chúng đệ đó liền nói: “Các vị Sa-môn đang ngồi đây cần được cúng dường cơm”. Nói xong, Tôn giả yêu cầu trả bát rồi đi. Bà vợ lại nói: “Ông làm ơn đi rước cho một vị Sa-môn lão thành khác”. Ông chồng đưa Tôn giả Mục-kiền-liên về nhà. Khi thấy chúng đệ, Tôn giả lại nói y như Tôn giả Xá-lợi-phất và đi luôn. Bà vợ bảo chồng: “Các vị Tôn giả này không muốn thọ trai. Ông Bà-la-môn ơi, ông hãy đến tinh xá và rước cho tôi một vị Sa-môn lão thành thôi”. Ông chồng lần này rước đúng Ðế Thích cải trang Sa-môn dẫn về. Lúc ấy, hai ông bà mới cho chúng đệ ăn.

– Nhưng thế chư huynh không giận sao?

– Không, chúng đệ chẳng giận.

Các thầy Tỳ-kheo nghe họ trả lời, bèn đến bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, các Sa-di này nói “chúng tôi không giận” là nói dối.

Ðức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, người đã trừ được lậu hoặc chẳng kháng cự kẻ chống đối họ.

Ngài nói kệ:

(406) Thân thiện giữa thù địch,
Ôn hòa giữa hung hăng,
Không nhiễm, giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn.

24. Tôn  Giả Ðại Bàn-Ðặc Có Còn Tham, Sân Không?

Người bỏ rơi tham, sân …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Ðại-bàn-đặc (Big Wayman)

Khi Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Little Wayman) ba tháng không thuộc nổi một bài kệ, anh của Ngài là Tôn giả Ðại Bàn-đặc đuổi Ngài ra khỏi tinh xá, đóng cửa lại rồi bảo:

– Chú thiếu khả năng, không hiểu nổi Phật pháp, còn hạnh phúc thế gian chú cũng rời bỏ rồi. Ðâu còn lý do gì để chú tiếp tục ở lại đây? Chú hãy đi đi.

Các thầy Tỳ-kheo bàn tán về chuyện ấy, nói:

– Này chư huynh, Tôn giả Ðại Bàn-đặc làm thế này thế nọ. Chắc chắn ngay cả những vị đã xa lìa cấu nhiễm thỉnh thoảng vẫn còn sân hận.

Lúc ấy, đức Phật đi đến hỏi:

– Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn tán việc gì?

Các thầy bạch lên Phật vấn đề. Ngài dạy:

– Này các Tỳ-kheo, không phải đâu. Những kẻ đã xa lìa cấu nhiễm trong tâm chẳng còn các hoặc, tham, sân và si. Ông ấy hành động như vậy chỉ vì ông đặt Phật pháp, và tinh thần Phật pháp lên trên tất cả.

Ngài nói kệ:

(407) Người bỏ rơi tham, sân
Không mạn, không ganh tị.
Như hột cải đầu kim
Ta gọi Bà-la-môn.

25. Sức Mạnh Tập Khí

Nói lên lời ôn hòa …

Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Pilindavaccha.

Thượng tọa Pilindavaccha dường như có thói quen nói năng với cư sĩ và Sa-môn bằng những lời lẽ chỉ dùng để gọi những kẻ lang thang cầu bơ cầu bất.

– Này đến đây, cha nội!

Hoặc:

– Thôi đi đi, lão đê tiện.

Một hôm, nhiều thầy Tỳ-kheo đến phàn nàn với đức Phật về hành vi của Tôn giả. Các thầy nói:

– Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Pilindavaccha gọi các thầy Tỳ-kheo bằng những từ chỉ dùng cho hạng đầu đường xó chợ.

Ðức Phật cho gọi Tôn giả đến, hỏi:

– Có người nói lỗi ông là đã gọi các Tỳ-kheo bằng những cử chỉ dùng cho hạng đầu đường xó chợ. Có không, Vaccha?

– Bạch Thế Tôn, có ạ! Con có lỗi ấy.

Ðức Phật nhớ lại xem các kiếp trước vị Thượng tọa đó đã ở đâu, rồi Ngài bảo các Tỳ-kheo:

– Này các Tỳ-kheo, các ông đừng giận Tỳ-kheo Vaccha. Chẳng phải ông Vaccha còn nuôi lòng hận ghét bên trong mà nói năng với Tỳ-kheo huynh đệ như thế đâu. Thực tế là ông ấy đã qua năm trăm kiếp tái sanh vào nhà một người Bà-la-môn, và ông ấy đã sử dụng loại ngôn từ này quen thuộc trong suốt một thời gian lâu dài đến nỗi giờ đây nói với ai cũng thế, chỉ do sức mạnh của tập khí thôi. Người đã trừ được lậu hoặc chẳng bao giờ dùng lời lẽ thô bỉ, độc ác, chẳng bao giờ nói những lời khiến người vừa nghe liền thấy tổn thương. Chi do sức mạnh tập khí mà người đệ tử ấy của Ta nói năng kiểu ấy.

Ngài nói kệ:

(408) Nói lên lời ôn hòa,
Lợi ích và chân thật,
Không mất lòng một ai,
Ta gọi Bà-la-môn.

26. Thầy Tỳ Kheo Bị Kết Tội Trộm Cắp

Ở đời vật dài, ngắn …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo.

Tại thành Xá-vệ, có một người Bà-la-môn mang nặng tà kiến, một hôm vì sợ tấm vải choàng ngoài của mình có mùi mồ hôi, bèn cởi ra để ở ngoài, rồi ngồi quay mặt vào nhà mình. Lúc ấy, có một vị Sa-môn đã đắc A-la-hán, sau khi thọ trai đang đi về tinh xá , thấy tấm vải và nhìn quanh không có ai, thầy nghĩ nó vô chủ liền lượm nó như thầy từng lượm vải rách bị liệng bỏ, và cầm đi. Ông Bà-la-môn trông thấy liền đi đến mắng chửi Tôn giả:

– Này lão Tỳ-kheo đầu trọc kia, ngươi lấy tấm vải của ta đấy.

– Này Bà-la-môn, tấm vải này của ông ư?

– Ðúng.

– Tôi nhìn quanh không thấy ai, tưởng nó là đồ bỏ đi liền nhặt lấy. Ðây, trả ông.

Nói rồi Tôn giả đưa tấm vải cho ông Bà-la-môn. Khi về tinh xá, thầy kể chuyện cho các thầy Tỳ-kheo nghe. Các thầy bèn trêu Tôn giả:

– Này huynh, tấm vải huynh nhặt dài hay ngắn, thô hay mịn?

– Thưa chư huynh, tôi chẳng cần biết nó dài hay ngắn, thô hay mịn. Tôi không tham đắm nó. Tôi nhặt chỉ vì nghĩ nó là đồ người ta bỏ, thế thôi.

Các thầy nghe nói vậy bèn bạch Phật câu chuyện, và thưa:

– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối.

Ðức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, không phải đâu. Tỳ-kheo này đã nói rất thật. Kẻ nào trừ được lậu hoặc không lấy vật người khác.

Ngài nói kệ:

(409) Ở đời, vật dài, ngắn,
Nhỏ, lớn, đẹp hay xấu,
Phàm không cho không lấy,
Ta gọi Bà-la-môn.

27. Tôn Giả Xá Lợi Phất Bị Hiểu Lầm.

Người không có hy cầu …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.

Một thời nọ, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng năm trăm Tỳ-kheo đến kiết hạ an cư tại một tinh xá và ở đấy suốt ba tháng an cư. Dân chúng trông thấy Tôn giả liền đến hứa xin cúng dường tứ sự. Nhưng sau khi Tôn giả cử hành xong lễ Tự tứ rồi, các vật dụng cúng dường vẫn chưa được mang đến hết. Trước lúc lên đường về gặp đức Thế Tôn, Tôn giả dặn dò các Tỳ-kheo ở lại:

– Khi nào người ta đem các món cúng dường kia đến cho các Tỳ-kheo trẻ và Sa-di, xin các thầy nhận và gởi đi dùm. Còn nếu họ không đem đến, cũng xin các thầy làm ơn nhắn giúp tôi một tiếng.

Xong, Tôn giả đi về chỗ đức Phật ở.

Các thầy Tỳ-kheo bàn tán:

– Nghe những lời Tôn giả Xá-lợi-phất nói hôm nay, cũng thấy lòng tham còn rơi rớt nơi ông ấy. Tôn giả còn dặn về những món người ta cúng dường cho các Tỳ-kheo cùng đoàn mình: “Xin các thầy gởi đi dùm, hoặc không thì làm ơn nhắn giúp tôi một tiếng!”.

Lúc ấy đức Phật đi đến, hỏi:

– Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn tán chuyện gì?

Các thầy Tỳ-kheo thưa câu chuyện. Ðức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, con Ta không còn tham. Trong tâm ông ấy chỉ nghĩ: “Mong rằng các thí chủ không bị mất phước, mong rằng các Tỳ-kheo trẻ và Sa-di không bị thất thoát những lợi dưỡng cao quý”. Do vậy ông ấy mới dặn dò như thế.

Ngài nói kệ:

(410) Người không có hy cầu,
Ðời này và đời sau,
Không hy cầu, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.

28. Tôn Giả Mục Kiền Liên Bị Hiểu Lầm

Người không còn tham ái …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Mục-kiền-liên.

Câu chuyện tương tự như chuyện trên. Kết cuộc, biết Tôn giả Mục-kiền-liên đã dứt được tham ái, Phật nói kệ:

(411) Người không còn tham ái,
Có trí, không nghi hoặc,
Thế nhập vào bất tử,
Ta gọi Bà-la-môn.

29. Bỏ Cả Tốt Lẫn  Xấu

Người sống ở đời này …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Pubbàràma, liên quan đến Tôn giả Revata.

Câu chuyện này đã được kể đầy đủ chi tiết trong phần chú giải bài kệ bắt đầu với câu: “Làng mạc hay núi rừng”. Chuyện kể tiếp rằng:

Lại một hôm các thầy Tỳ-kheo bàn tán trong pháp đường:

– Ôi, vị Sa-di đó được lợi lạc lớn lao biết mấy! Ôi! Phước đức của chú thật vô lượng vô biên! Tưởng tượng một người mà xây dựng được năm trăm chỗ ở cho năm trăm thầy Tỳ-kheo.

Lúc ấy, đức Phật đi đến, hỏi:

– Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn tán việc gì?

Các thầy bạch Phật câu chuyện. Ngài dạy:

– Này các Tỳ-kheo, Revata chẳng có phước hay vô phước. Người ấy đã buông bỏ cả hai.

Ngài nói kệ:

(412) Người sống ở đời này,
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi,
Ta gọi Bà-la-môn.

30. Tôn Giả Nguyệt Quang

Như trăng, sạch không uế..

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Nguyệt Quang, Candàbhà.

Chuyện quá khứ:

30A. Người Thợ Rừng Cúng Dường Chiếc Ðĩa Mặt Trăng

Thuở lâu xa thời quá khứ, có một thương gia sống ở Ba-la-nại, một hôm tự bảo: “Ta sẽ đi về vùng biên giới kiếm gỗ đàn hương”. Ông mua thật nhiều quần áo, đồ trang sức.v.v. dẫn theo năm trăm cỗ xe đi về vùng biên địa, dừng lại nghỉ đêm tại một cổng làng, và hỏi các cậu bé chăn bò trong rừng:

– Trong làng này có ai làm nghề đi rừng không?

– Có

– Ông ta tên gì?

– Tên như vậy, như vậy.

– Vợ và con ổng tên gì?

– Tên như thế, như thế.

– Nhà ổng ở đâu?

– Ở chỗ như vầy, như vầy.

Thương gia ngồi trên cỗ xe thật êm, đi theo lời chỉ dẫn của các chú bé, đến trước cửa nhà người thợ rừng liền xuống xe, vào nhà hỏi thăm bà chủ nhà có phải tên nọ, tên kia không.

Bà chủ thầm nghĩ: “Ðây chắc bà con mình”. Bà nhanh nhẩu đem ghế mời ông ngồi. Thương gia lại nói tên ông chủ nhà, hỏi thăm:

– Ông bạn tôi đâu rồi?

– Thưa Ngài, ông ấy đi rừng.

– Các cháu A, cháu B đâu?

Ông hỏi thăm tỉ mỉ từng người trong nhà, gọi tên đủ cả. Xong, ông biếu tặng các thứ quần áo, đồ trang sức mang theo, và bảo:

– Khi nào ông bạn đi rừng về, xin trao áo quần và những món này cho ông ấy.

Bà chủ nhà hết sức trọng vọng, tôn kính thương gia. Chồng vừa từ rừng về đến, bà nói:

– Ông ơi, thương gia này mới đến thăm nhà mình đã hỏi han đầy đủ từng người, biết hết tên tuổi, rồi tặng quà thứ này thứ kia.

Người thợ đi rừng cũng tiếp đãi thương gia lịch sự. Chiều tối, thương gia nằm chơi trên chiếc chõng tre, hỏi chủ nhà:

– Này bạn, những lúc đi quanh chân núi này, bạn có thấy gì lạ không?

– Không, chỉ thấy thấy có lắm cây màu đỏ.

– Nhiều hả?

– Vâng, nhiều.

– Chúng ta hãy đi xem những cây đó.

Hai người đến chân núi, chặt được vô số cây đàn hương đỏ, chất hết lên năm trăm cỗ xe. Lúc quay về thành, thương gia bảo anh thợ rừng:

– Bạn ạ, nhà tôi ở Ba-la-nại, anh cứ đi như thế, như thế sẽ kiếm ra. Thỉnh thoảng xin mời bạn hạ cố đến chơi.

Rồi ông nói thêm:

– Quà cáp tôi không quí gì hơn loại cây có cành màu đỏ này, bạn nhớ mang cho tôi thứ ấy và chi thứ ấy thôi.

– Dạ được.

Và lâu lâu anh thợ rùng đi thăm thương gia, chỉ mang theo gỗ đàn hương. Ðáp lại, thương gia tặng anh tiền bạc hậu hĩ.

Khi đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, một ngôi tháp vàng được xây để thờ xá-lợi. Vào dịp ấy, anh thợ rừng mang thật nhiều gỗ đàn hương đến Ba-la-nại. Ông bạn thương gia liền lấy một số lớn gỗ ấy đem nghiền thành bột và ông đổ đầy một đĩa bột gỗ đàn hương, bảo anh thợ rừng:

– Ði bạn, trong lúc chờ cơm chín, ta hãy đến chỗ đang xây tháp.

Hai người đến tháp thành kính dâng bột gỗ đàn hương cúng dường xá-lợi Phật. Anh thợ rừng thì làm một chiếc đĩa mặt trăng cũng bằng gỗ đàn hương và đặt trong tháp.

Chuyện hiện tại:

30B. Sa Môn Nguyệt Qauang

Khi hết kiếp, anh thợ rừng được sanh lên cõi trời trong khoảng thời gian giữa hai vị Phật Ca-diếp và Thích-ca. Vào thời Phật hiện tại, anh thọ sanh ở Vương Xá, trong nhà một người Bà-la-môn giàu có. Từ rốn cậu bé phát ra vòng hào quang lớn bằng chiếc đĩa mặt trăng nên cậu được đặt tên Nguyệt Quang, Candàhà. Người ta nói đây là phước báo do anh đã cúng dường chiếc đĩa mặt trăng kia ở trong tháp Phật.

Một số Bà-la-môn nghĩ thầm: “Nếu chúng ta mang người này đi theo sẽ chinh phục được cả thế giới”. Thế rồi họ cho anh ngồi lên một cỗ xe, mang đi khắp nơi, gặp ai cũng bảo: “Kẻ nào lấy tay sờ vào thân người Bà-la-môn này sẽ nhận được những quyền lực và những sự vinh hiển như thế, như thế”.

Người ta trả một trăm đồng hoặc một ngàn đồng để được đặc ân sờ vào người Nguyệt Quang. Cứ lang thang như thế, một hôm họ vào thành Xá-vệ và nghỉ tại một nơi gần tinh xá Kỳ Viên.

Lúc ấy năm chục triệu thiện tín thành Xá-vệ đang cúng dường chư Tăng trước bữa điểm tâm. Sau bữa điểm tâm họ mang hương hoa, áo quần, thuốc men đến nghe Phật thuyết pháp. Các người Bà-la-môn thấy, hỏi:

– Các bạn đi đâu đó?

– Ðến nghe đức Thế Tôn thuyết pháp.

– Lại đây này! Ðến đằng kia được ích gì? Không có thần thông nào hơn thần thông của Bà-la-môn Nguyệt Quang của chúng tôi đây. Kẻ nào sờ vào thân vị ấy sẽ có những quyền lực và những sự vinh hiển như thế, như thế. Hãy đến chiêm ngưỡng.

– Thần thông của ông Bà-la-môn các người thì thấm vào đâu. Chỉ có đức Thế Tôn mới có đại thần thông thôi.

Hai bên tranh cãi kịch liệt một hồi, rốt cuộc chẳng phe nào thắng. Nhóm người Bà-la-môn đề nghị:

– Chúng ta hãy đến tinh xá xem Nguyệt Quanh hay đức Thế Tôn của các người, ai có đại thần thông.

Ðức Phật vừa thấy Nguyệt Quang liền khiến cho vòng hào quang biến mất, cho nên trước mặt đức Phật, anh chàng chẳng hơn gì một con quạ nằm trong thúng than. Những người Bà-la-môn vừa kéo Nguyệt Quang ra xa, vòng hào quang sáng rực trở lại như trước. Họ mang anh đến trước Phật, vòng hào quang biến mất. Cứ thế đến lần thứ ba, Nguyệt Quang thầm nghĩ: “Chắc chắn vị này giở huyễn thuật làm cho vòng hào quang của ta mất đi”. Anh hỏi Phật:

– Có phải Ngài biết chú thuật làm hào quang của tôi mất đi không?

– Ðúng, ta biết chú thuật ấy.

– Xin Ngài hãy truyền chú thuật cho tôi.

– Chú thuật này không truyền cho người thế tục được.

Nguyệt Quang bèn nói với các người Bà-la-môn:

– Chừng nào ta học được chú thuật sẽ trở thành nhân vật siêu phàm nhất Diêm-phù-đề này. Các người hãy ở lại chờ ta xuất gia, trong vài ngày thôi sẽ học được chú thuật.

Anh xin Phật xuất gia làm Sa-môn.

Ðức Thế Tôn dạy đề mục thiền quán về ba mươi hai thứ cấu tạo nên thân, Nguyệt Quang hỏi:

– Cái này là sao ạ?

Phật dạy:

– Trước khi học chú thuật kia, phải học qua cái này.

Lâu lâu, những người Bà-la-môn lại đến hỏi:

– Anh đã học xong chú thuật chưa?

– Chưa, tôi còn đang học.

Chỉ vài ngày sau anh đắc quả A-la-hán.

Nhóm người Bà-la-môn đến nữa, anh bảo:

– Thôi, các ông hãy đi đi. Ta đã đến một nơi không bao giờ còn trở lại.

Các vị Tỳ-kheo bạch lên Phật câu chuyện:

– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối!

Ðức Phật bảo:

– Này các Tỳ-kheo, ông ấy đã nói thật. Tỳ-kheo này không còn tham đắm các thú vụi thế gian.

Phật nói kệ:

(413) Như trăng, sạch không uế,
Sáng trong và tịnh lặng,
Hữu ái được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.

31. Bảy Năm Trong Bụng Mẹ

Vượt đường nguy hiểm này …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang trú tại Kundadhàvana, gần Kundakoli, liên quan đến Tôn giả Sìli.

Thuở ấy, bà Suppavàsà thuộc dòng Câu-lợi, mang thai một đứa bé đến bảy năm. Lúc sanh nở, vì đứa bé nằm lệch, bà bị những cơn đau xé ruột, liền tự bảo: “Ðức Thế Tôn thật là bậc Giác ngộ Tối thượng. Ngài đã giảng dạy cho ta con đường thoát những khổ não như khổ này. Chúng tăng của Tăng đoàn đức Thế Tôn quả thật là những vị rất tinh tấn. Các Ngài đã nỗ lực diệt những khổ não như khổ này. Niết-bàn quả thực là an lạc, không còn những khổ não như khổ này”.

Bà nhẫn chịu cơn đau nhờ những quán tưởng ấy. Rồi bà yêu cầu chồng đến hầu Phật, nhân danh bà xin đảnh lễ Ngài. Ðảnh lễ xong, ông bạch Phật nguyện ước của bà. Phật nói:

– Chúc bà Suppavàsà, người phụ nữ trẻ dòng Câu-lợi, dồi dào sức khỏe. Chúc bà sanh con trai, khỏe mạnh, hạnh phúc.

Phật vừa chúc lành xong, bà Suppavàsà liền sanh một cậu bé trông thật hồng hào, vui tươi. Sau đó, bà thỉnh đức Phật cùng chư Tăng đến nhà cúng dường long trọng suốt bảy ngày. Từ khi chào đời, con bà ngày ngày lo việc lọc nước cho chư Tăng. Thời gian sau cậu xuất gia làm Sa-môn và đắc A-la-hán.

Một hôm các thầy Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:

– Chư huynh nghĩ coi! Một vị Sa-môn cao quí như vậy, đầy đủ khả năng chứng A-la-hán, phải chịu khổ suốt bảy năm trong bụng mẹ. Thầy ấy quả đã trải qua những thống khổ ghê gớm.

Lúc ấy, đức Phật đi đến hỏi:

– Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn tán chuyện gì?

Các thầy bạch Phật câu chuyện.

Phật dạy:

Này các Tỳ-kheo, đúng thật như vậy. Ông ấy giờ đây đã thoát hết các khổ, đạt đến Niết-bàn an lạc.

Ngài nói kệ:

(414) Vượt đường nguy hiểm này,
Nhiếp phục luân hồi, si,
Ðến bờ kia thiền định,
Không dục ái, không nghi,
Không chấp trước, tịch tịnh,
Ta gọi Bà-la-môn.

32. Cô Gái Giang Hồ Quyến Rũ Thầy Tỳ Kheo Sundarasamudda

Ai ở đời, đoạn dục …

Ðức Thế Tôn dạy những lời trên khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Mỹ Hải, Sundarasamudda.

Mỹ Hải, Sundarasamudda Kumàra, là một thanh niên người Xá-vệ, địa vị cao sang, sanh trưởng trong một gia đình giàu có, tài sản lên đến ức triệu. Một hôm, sau bữa ăn sáng, trông thấy dân chúng cầm hương hoa đến tinh xá Kỳ Viên nghe pháp, chàng hỏi:

– Các bạn đi đâu thế?

– Ði nghe đức Thế Tôn thuyết pháp.

– Tôi cũng đi nữa.

Chàng theo họ vào ngồi ở mé ngoài của chúng hội. Ðức Phật biết được tư tưởng chàng nên giảng pháp theo thứ lớp từ thấp đến cao. Mỹ Hải nghĩ: “Thật không thể nào làm chủ một gia đình mà giữ được phạm hạnh trọn vẹn thanh tịnh, bóng ngời như chiếc vỏ sò”.

Bài pháp của Phật khiến chàng nức lòng, muốn xin xuất gia. Ðợi chúng hội giải tán hết, chàng đến xin đức Phật cho gia nhập Tăng đoàn. Phật dạy:

– Như Lai chỉ nhận cho vào Tăng đoàn kẻ nào đã được cha mẹ cho phép.

Về đến nhà, cũng giống như chàng Ratthapàla và những người khác, chàng nỗ lực ráo riết, xoay sở đủ cách xin cho được phép của cha mẹ để xuất gia. Và chàng cũng được làm Sa-môn, gia nhập Tăng đoàn đức Phật. Thành Tỳ-kheo rồi, thầy làm tròn mọi bổn phận của một Tăng sĩ. Một hôm, thầy nghĩ: “Ta ở lại đây phỏng có ích gì?”. Thầy rời Kỳ Viên, đến thành Vương Xá, ngày ngày đi khất thực.

Một hôm, thành Xá-vệ mở lễ hội lớn. Cha mẹ thầy trông thấy bạn bè xưa của thầy vui chơi thỏa thích giữa các thứ xa hoa của ngày hội huy hoàng thì lòng buồn rười rượi. Hai ông bà khóc lóc, than thở:

– Ôi, con ta ngày nay đâu được hưởng những thứ vui này!.

Khi ấy, có một cô gái giang hồ sang trọng đến nhà họ chơi, thấy bà mẹ khóc, liền hỏi:

– Mẹ ơi, sao mẹ khóc?

– Tôi nghĩ đến con trai tôi hoài nên khóc.

– Nhưng thưa mẹ, anh ấy đâu?

– Xuất gia rồi, đang ở với các thầy Sa-môn.

– Chúng ta không thể kêu anh ấy về lại sao mẹ?

– Cũng được đấy. Nhưng nó có chịu đâu. Nó đã rời Xá-vệ đi Vương Xá rồi.

– Giả sử con kêu anh ấy về, mẹ sẽ cho con gì nào?

– Chúng tôi sẽ để cô làm nữ chủ gia sản này.

– Tốt lắm, mẹ hãy cho con tiền lệ phí.

Nhận được món tiền, cô mướn thật nhiều người hầy giúp việc, rồi lên đường đến Vương Xá.

Cô hỏi thăm con đường Tôn giả thường đi khất thực và mua một ngôi nhà nơi đó để ở. Từ sáng sớm, cô lo chuẩn bị những món ăn thầy thường thích, và khi thấy thầy đi khất thực, cô đem đến cúng dường. Sau vài ngày, cô thưa:

– Bạch Ðại đức, xin Ngài ngồi đây để dùng bữa.

Cô đưa tay xin bình bát và Tôn giả vui vẻ trao liền. Cô dọn cho thầy những món thật ngon, rồi thưa tiếp:

– Bạch Ðại đức, hằng ngày đi khất thực, xin Ðại đức cứ ghé lại đây. Ngài sẽ được vui lòng.

Dần dần, cô dẫn dụ được thầy đến ngồi ở hàng hiên nhà cô, dùng những món ăn thích khẩu.

Ít hôm sau, cô kêu vài cậu bé vào cho ăn bánh để kết thân, rồi bảo:

– Này, mấy cháu! Khi nào thấy Tôn giả đến đây, các cháu kéo nhau tới nhé. Cứ tung bụi lên rõ nhiều. Cô rầy bảo thôi, các cháu cũng đừng thèm để ý.

Ngày mai lại, trong lúc Tôn giả đang dùng bữa, bọn trẻ đến đá bụi bay mù mịt. Cô chủ rầy la, bọn chúng vẫn trơ trơ. Hôm sau nữa, cô thưa:

– Bạch Ðại đức, tụi nhỏ này tung bụi mù mịt thế này. Con rầy tụi nó cũng chẳng nghe. Xin Ðại đức vào trong nhà ngồi.

Từ đó, cô mời Tôn giả vào luôn trong nhà ngồi dùng bữa. Rồi cô lại đút lót bọn trẻ, dặn:

– Khi Tôn giả đang dùng bữa, các cháu chơi đùa thật ồn ào lên nhé. Cô có bảo thôi, các cháu đừng để ý.

Bọn trẻ làm y lời cô.

Hôm sau nữa, cô thưa:

– Bạch Ðại đức, chỗ này ồn ào hết chịu nổi. Con đã làm đủ cách, bọn trẻ vẫn cứ ồn. Xin thỉnh Ðại đức lên tầng trên.

Tôn giả bằng lòng. Cô liền leo lên tầng cao nhất của ngôi biệt thự, thúc hối thầy vào trước và cô theo sau đóng cửa lại. Từ trước, Tôn giả luôn luôn theo đúng lệ chỉ thọ nhận thực phẩm bằng cách khất thực từ cửa nhà này qua cửa nhà khác. Nhưng bấy giờ, thầy bị con ma tham ăn quản thúc ghê gớm đến nỗi nghe theo lời cô gái điếm, leo lên tận tầng chót của ngôi nhà bảy tầng ấy. Cô mang ghế đến cho thầy ngồi.

Cô gái giang hồ trổ hết tài nghệ, giở tất cả thủ thuật làm duyên của các bà để quyến rũ thầy Tỳ-kheo. Sau cùng, cô đứng trước Tôn giả, đọc một đoạn thơ:

Móng chân sơn đỏ chót,
Dép lê kỹ nữ mang,
Xuân xanh chàng đang độ,
Em cũng cùng lứa trang.
Hạnh phúc xin chung hưởng,
Chàng sẽ là của em,
Nô lệ chàng, em hứa,
Cùng nhau sống ấm êm.
Rồi sau ngày xuân mất,
Bỏ cuộc chơi ta về,
Gậy cầm tay cùng chống,
Tuổi già ôi não nề.

Tôn giả bỗng chợt tĩnh: “Hỡi ôi! Ta đã phạm trọng giới! Ta đã hành động thiếu suy nghĩ”. Thầy bàng hoàng lo sợ. Vừa lúc ấy, đức Phật đang ở tại Kỳ Viên cách Tôn giả bốn mươi lăm dặm. Ngài biết hết chuyện và mỉm cười. Tôn giả A-nan hỏi:

– Bạch Thế Tôn, vì sao Ngài cười?

– Này A-nan, tại tầng lầu cao nhất của một tòa biệt thự bảy tầng trong thành Vương Xá, đang xảy ra trận chiến giữa thầy Tỳ-kheo Mỹ hải và một cô gái giang hồ.

– Bạch Thế Tôn, ai sẽ thắng? Ai sẽ thua?

– A-nan, thầy Tỳ-kheo Mỹ Hải sẽ thắng, cô gái giang hồ thua.

Nói xong, vẫn an nhiên tại chỗ, đức Phật phóng quang ảnh hiện thân đến trước Tỳ-kheo Mỹ Hải và nói:

– Này Tỳ-kheo, hãy xa lìa các thứ tham ái, hãy cởi bỏ mọi dục vọng.

Rồi Ngài nói kệ:

(415) Ai ở đời đoạn dục,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Dục hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.

Chú Giải trong Nguyên Bản: Kẻ nào ngay trong đời này diệt trừ được hai thứ tham ái, xa lìa thế tục, kẻ đã dập tắt lửa tham dục, đoạn dứt sanh tử, ta gọi kẻ ấy là Bà-la-môn.

Phật nói kệ xong, Tôn giả Mỹ Hải đắc A-la-hán, dùng thần thông bay lên trời, xuyên qua nóc nhà cô gái điếm, trở lại thành Xá-vệ, đảnh lễ tán thán Phật thân.

Hôm ấy, các thầy Tỳ-kheo tụ họp bàn tán trong Pháp đường:

– Này chư huynh, chỉ vì vị ngon ngọt của lưỡi mà Tôn giả Mỹ Hải suýt nữa tiêu vong, may nhờ đức Thế Tôn giải cứu.

Ðức Phật nghe vậy, bảo:

_ Này các Tỳ-kheo, đây chẳng phải lần đầu tiên ta giải cứu ông ấy thoát khỏi dây trói buộc của vị trần. Trong một kiếp trước cũng đã xảy ra chuyện tương tự.

Theo lời thỉnh cầu của chúng Tỳ-kheo, muốn sáng tỏ vấn đề, Ngài kể chuyện:

Chuyện quá khứ:

Cơn Linh Dương Bị Sa Bẫy Mật, Truyện Tiền Thân Vàtamiga.

(Sanjaya, vị quan coi vườn Thượng uyển của vua xứ Ba-la-nại, bôi mặt lên cỏ để nhử một con linh dương hoang vào vườn. Sau đó, ông dùng mật nhử tiếp linh dương vào cung vua và bắt được nó).

Người đời có câu rằng:

Không gì nguy hiểm hơn,
Cuốn lôi của vị giác,
Dù đang ở gia đình,
Hay tại nhà bạn hữu.
Dùng miếng ngon mồi bẫy,
Sanjaya nhử luôn,
Linh dương vô cung cấm,
Nhốt chân, chạy hết đường.

Ðức Phật kể xong chuyện tiền thân Vàtamiga liền giải thích:

– Lúc ấy Tỳ-kheo Mỹ Hải là con linh dương, vị quan đại thần nói câu kệ khiến linh dương được thả chính là Ta.

33. Jotika Và Jatila

Ai ở đời đoạn ái …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Jatila.

Chuyện quá khứ:

33A. Aparàjita, Tiền Thân Của Jotika

Ngày xưa, ở xứ Ba-la-nại có hai anh em điền chủ trồng được một ruộng mía thật lớn. Một hôm người em thăm mía, nghĩ thầm: “Mình sẽ chặt cho anh ấy một cây, còn mình ăn một cây”. Chàng chặt hai cây mía, bịt kín chỗ vừa chặt lại để nước mía khỏi chảy mất rồi cầm về nhà. Ngay khi người em chặt mía đem về nhà, tại Gandhamàdana có một vị Phật Ðộc Giác xuất định, thầm nghĩ: “Hôm nay ta sẽ độ ai đây?” Và Ngài quan sát thấy người điền chủ. Biết rõ chàng có khả năng bố thí, đức Phật Ðộc Giác đắp y mang bát dùng thần thông hiện đến trước mặt. Người em trông thấy Ngài lòng rất hoan hỉ. Chàng trải áo khoác lên chỗ đất cao, thưa:

– Bạch Ngài, thỉnh Ngài an tọa.

Và chàng bạch tiếp:

– Xin Ngài đưa bát cho con.

Chàng mở chỗ bịt cây mía, đưa lên cao và dốc vào bình bát đức Phật, nước mía chảy ra đầy bát. Ngài dùng xong, người em lại nghĩ: “Thật may mắn cho ta, vị thầy cao quý của ta đã dùng hết bát mía. Nếu anh mình đòi tiền cây mía của ổng, ta sẽ trả. Còn nếu ổng đòi được hưởng phần phước đức cúng dường, ta sẽ hồi hướng cho ổng”. Thế là chàng bạch Phật:

– Bạch Ngài, xin Ngài đưa bình bát cho con lần nữa.

Chàng mở chỗ bịt, dốc cây mía thứ hai, trút nước vào bình bát Phật. Hình như chàng không hề nghĩ: “Anh mình sẽ kiếm chặt cây mía khác để ăn”.

Vì đã dùng xong một bát rồi, vị Phật Ðộc Giác muốn chia xẻ nước mía cây thứ hai cho các vị Phật khác. Ngài ngồi xuống chỗ cũ. Hiểu ý, người em gieo năm vóc sát đát, đảnh lễ Ngài, phát nguyện:

– Bạch Ngài, với công đức cúng dường này con xin được hưởng lạc thú ở cõi trời và cõi người, và sau cùng, xin cho con đạt đến chỗ Ngài đã chứng đắc.

Ðức Phật đáp:

– Sẽ được vậy.

Ðể hồi hướng công đức, Ngài đọc hai bài kệ bắt đầu bằng câu: “Nguyện cho tất cả mong cầu của thí chủ thành tựu viên mãn”.

Xong, Ngài bay lên không trung đến Gandhamàdana và phân chia bát nước mía cho năm trăm vị Phật Ðộc Giác.

Chứng kiến cảnh vi diệu ấy, người em về gặp anh, người anh hỏi:

– Nãy giờ chú đi đâu?

– Em ra thăm ruộng mía.

– Chú ra ruộng mía mà không đem cây nào về ăn?

– Có anh ạ, em mang về hai cây, gặp một vị Phật Ðộc Giác em đã cúng dường cây của em. Rồi em nghĩ sẽ trả tiền cây mía thứ hai của anh cho anh, hoặc sẽ hồi hướng phần phước đức cho anh, nên em cúng luôn Ngài. Nào, anh định lấy tiền hay phước đức?

– Vị Phật ấy đã đáp lại ra sao?

– Ngài dùng bát nước mía cây thứ nhất và bay lên không mang bát nước cây thứ hai về Gandhamàdana chia cho năm trăm vị Phật Ðộc Giác khác.

Nghe xong rồi, người anh vô cùng hoan hỉ. Chàng phát nguyện:

– Với phước đức cúng dường này, con xin được chứng đắc đạo quả như vị Phật Ðộc Giác ấy.

Trong khi người em nguyện ba điều, chàng chỉ nguyện một câu được đắc A-la-hán.

Lúc mãn kiếp, hai anh em đều sanh lên cõi trời và sống suốt thời gian giữa hai vị Phật. Khi họ ở cõi trời, đức Phật Tỳ-bà-thi xuất hiện ở thế gian. Hết phước cõi trời hai người tái sanh trong một gia đình Trưởng giả ở Bandhumatì, cũng làm anh em. Cha mẹ đặt tên cho người anh là Sena, em là Aparàjita.

Ðến tuổi trưởng thành, cả hai người đều lập gia đình. Một hôm, gia chủ Sena nghe tin truyền khắp thành Bandhumatì.

– Phật bảo đã xuất hiện ở thế gian, Pháp bảo đã xuất hiện ở thế gian. Tăng bảo đã xuất hiện ở thế gian. Hãy bố thí cúng dường và tạo phước. Hãy ăn chay vào các ngày mồng 8, 14 và rằm. Hãy đi nghe thuyết pháp.

Sena thấy dân chúng kéo nhau đi cúng dường vật thực trước bữa điểm tâm, và sau bữa điểm tâm, họ lại lũ lượt đi nghe pháp. Ông hỏi:

– Các vị đi đâu thế?

– Ði nghe đức Thế Tôn thuyết pháp.

– Tôi cũng đi nữa.

Chàng theo chân đám đông đến ngồi vòng ngoài pháp hội. Ðức Phật biết được tư tưởng ông liền giảng pháp từ thấp đến cao. Nghe rồi, Sena muốn xuất gia làm Sa-môn nên thỉnh cầu Phật nhận ông vào Tăng đoàn.

Ðức Phật hỏi:

– Này thiện nam tử, ông có bà con quyến thuộc gì cần phải xin phép trước không?

– Bạch Thế Tôn, có ạ.

– Vậy ông hãy đến xin phép rồi trở lại gặp Ta.

Sena về nhà bảo em trai:

– Tất cả gia tài này từ đây thuộc về chú.

– Ủa, còn anh thì sao?

– Ta định xuất gia làm Sa-môn đệ tử Phật.

– Thưa huynh trưởng, anh nói gì thế? Khi mẹ mất, anh là mẹ em. Khi cha mất, anh là cha em. Gia sản chúng ta rất lớn. Người ta vẫn có thể sống đời cư sĩ và làm việc phước thiện chứ. Xin anh đừng xuất gia.

– Ta đã nghe đức Thế Tôn giảng pháp, và ta không thể tu hành đúng pháp nếu còn sống lẫn lộn với người thế tục. Ta đã nhất quyết xuất gia làm Sa-môn rồi chú ạ. Thôi, chú về đi.

Sena ra lịnh bảo em về nhà rồi, liền đến tinh xá xin Phật xuất gia. Chàng được thọ cu túc giới và chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán.

Người em suy nghĩ: “Ta sẽ theo lệ thường cúng dường nhân dịp anh xuất gia”. Suốt bảy ngày chàng cúng dường vật thực cho đức Phật và chư Tăng. Xong, chàng đảnh lễ anh và thưa:

– Bạch Ngài, Ngài đã được ra khỏi sanh tử luân hồi, con thì còn bị ngũ dục ràng buộc, chưa thể xuất gia làm Sa-môn. Xin Ngài dạy cho biết, con nên làm việc gì, để được phước đức lớn trong lúc sống đời cư sĩ như vầy.

– Hay lắm. Chú hãy cất một hương thất cho đức Thế Tôn.

– Dạ được.

Chàng cho mua đủ các loại gỗ, đẽo gọt bào chuốt thành cột, kèo, v.v.. để cất thất. Ván gỗ đều khảm vàng, bạc, châu ngọc, và rồi một hương thất rực rỡ toàn bằng gỗ khảm bảy báu đã hoàn thành. Mái thất cũng lợp ngói khảm bảy báu.

Trong lúc hương thất đang được thi công xây dựng, người cháu mang cùng tên với chàng, Aparàjita đi đến nói:

– Thưa chú, cháu cũng muốn đóng góp chút đỉnh. Chú hãy cho cháu kiếm phước với nhé.

– Cháu thân mến, chú không thể đáp ứng yêu cầu của cháu được. Chú định cúng dường một công trình mà phần phước đức không thể chia sẻ cho ai.

Người cháu cố nài nỉ vẫn không được. Sau đó, nghĩ rằng trước hương thất cần một chuồng voi, anh ta bèn cất một cái toàn bằng bảy báu. Trong kiếp hiện tại, người cháu ấy thọ sanh làm quan chưởng khố Ram ở Mendaka.

Hương thất có ba cửa sổ thật rộng cũng toàn bằng bảy báu. Bên dưới các cửa sổ, người chú Aparàjita cho xây ba bể trồng hoa sen, bên ngoài bể còn được tô thêm một lớp vữa Stucco. Bể xây rồi, chàng cho đổ đầy bốn loại nước thơm và trồng năm màu hoa sen khác nhau. Chót vót trên đỉnh tháp nhọn hình quả chuông của ngôi hương thất, người ta đặt một chiếc bát bằng vàng trong đựng đầy phấn hoa để khi đức Phật ngồi bên trong, gió sẽ mang phấn hoa rải khắp kim thân Ngài. Ðỉnh tháp bằng san hô, dưới cẩn ngói nạm bảy báu, lộng lẫy uy nghi như một con công đang xòe cánh múa.

Những loại châu ngọc nào trong thất bảo có thể tán thành bột được, Aparàjita cho tán hết ra rải khắp hương thất. Còn những loại không tán được, chàng đổ đầy bên trong và bên ngoài hương thất ngập đến đầu gối.

Hoàn tất mọi việc rồi, chàng đi gặp vị Sa-môn anh mình, thưa:

– Bạch Ngài, hương thất đã cất xong. Con muốn thỉnh đức Thế Tôn đến nạp thọ cho con được ân triêm công đức.

Tôn giả vào bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, cư sĩ này đến trình rằng đã cất xong một hương thất và xin thỉnh Thế Tôn đến nạp thọ.

Ðức Phật đi đến cửa hương thất liền dừng lại nhìn ngắm đám châu ngọc rải đầy trong thất. Aparàjita bạch:

– Bạch Thế Tôn, thỉnh Ngài vào.

Chàng thưa thỉnh ba lần, đức Phật vẫn đứng yên lặng. Không biết tính sao, chàng đưa mắt ngó anh.

Tôn giả hiểu ý, bảo em:

– Này em, hãy đứng trước Ngài và thưa như vầy: “Ðức Thế Tôn là nơi nương tựa duy nhất của con. Xin thỉnh Ngài an trú tại hương thất này”.

Vâng lời, chàng đến gieo năm vóc sát đất, đảnh lễ Phật và bạch:

– Bạch Thế Tôn, như người sau khi ẩn trú qua đêm dưới gốc cây, ra đi không chút bận tâm về cây, như người khi qua sông bỏ lại bè sau lưng không thắc mắc, con thỉnh cầu đức Thế Tôn an trú trong ngôi nhà này, chẳng phải bận lòng với đám châu báu.

Tại sao đức Phật dừng lại ở cổng? Người ta nói rằng Ngài nghĩ: “Dân chúng sẽ kéo đến gặp Như Lai trước và sau bữa điểm tâm. Nếu họ kiếm cách lấy châu ngọc đi, chúng ta không thể ngăn họ. Nhưng thí chủ này biết đâu lại nghĩ: Thính chúng của Ngài lấy hết của báu trong hương thất mà Ngài chẳng có ý cản trở. Ông ta sẽ đem lòng oán hận Ta và phải đọa địa ngục”. Thế nên, sau lời tác bạch của Aparàjita, đức Phật liền tiến vào thất.

Aparàjita cho người gác quanh hương thất với lịnh:

– Những kẻ nào có ý giấu châu ngọc trong quần áo hoặc lấy thúng, giỏ đựng, các ông phải ngăn lại. Còn ai hốt nắm trong tay, hãy cho họ đi.

Chàng loan truyền khắp thành:

– Ta đã rải đầy bảy báu trong hương thất đức Thế Tôn. Người nào đến nghe pháp có thể lấy một ít. Người nghèo được hốt đầy hai nắm tay. Người khá giả được hốt một nắm.

Sở dĩ như vậy vì chàng tính: “Những kẻ có đức tin chỉ đến để nghe pháp. Người chưa tin sẽ do lòng tham của cải dẫn dụ mà đến, được nghe pháp rồi cũng sẽ thoát khổ”. Từ ý định muốn lợi lạc chúng sanh, chàng cho rao những lời trên.

Người người đi nghe pháp đều lấy châu báu theo đúng qui định của vị thí chủ. Chàng cho đổ thêm châu ngọc đầy như cũ một lần, hai lần, roià ba lần. Dưới chân Phật, chàng để một viên ngọc thật lớn, rất quí giá, với ý nghĩ: “Kẻ nào biết chiêm ngưỡng ánh hào quang chói sáng từ kim thân Phật sẽ chẳng ưa thích gì ánh sáng viên ngọc quý này”. Và quả thật những ai trông thấy đức Phật rồi chẳng màng nhìn nhõ gì đến viên ngọc nữa.

Một hôm, có người Bà-la-môn tà kiến tự nghĩ: “Người ta nói có viên ngọc quý đặt ở chân Phật. Ta có thể lấy nó”. Hắn đến hương thất trà trộn vào đám đông đảnh lễ đức Phật. Aparàjita chỉ nhìn cung cách hắn đã biết hắn có ý chiếm viên ngọc, liền nghĩ: “Ta hy vọng hắn sẽ không lấy”.

Người Bà-la-môn sải tay về phía chân đức Phật, làm bộ như đảnh lễ Ngài, nhón lấy viên ngọc cho vào áo và đi ra.

Vị thí chủ không còn giữ được sự bình thản đối với người Bà-la-môn. Buổi thuyết pháp vừa xong, chàng đến trước Phật, thưa:

– Bạch Thế Tôn, đã ba lần con để châu báu đầy hương thất ngập đến đầu gối. Con chẳng hề có ý tức giận những người lấy châu báu đi, trái lại con rất hoan hỉ. Nhưng hôm nay con lại nghĩ: “Hy vọng người Bà-la-môn kia không lấy viên ngọc quí khi hắn vào trong”. Ðến lúc thấy hắn lấy viên ngọc đi thật, con không thể giữ nổi bình tĩnh.

Nghe xong, đức Phật bảo:

– Này thiện nam tử, người không thể ngăn cản những người khác lấy của cải của ngươi ư?

Và Ngài dạy chàng một cách. Aparàjita vâng lời, đảnh lễ Phật, phát nguyện:

– Từ nay trở đi, xin cho vua hoặc kẻ trộm dù đông đảo đến mấy cũng không lấy được gia sản con dù một sợi chỉ. Xin cho tài sản con không bao giờ bị lửa đốt, hoặc bị nước cuốn trôi.

Ðức Phật nói:

– Sẽ được vậy.

Và Ngài hồi hướng công đức cho thí chủ.

Ðến ngày khánh thành hương thất, Aparàjita cúng dường vật thực và rất nhiều quà tặng cho sáu triệu tám trăm ngàn vị Tỳ-kheo của tinh xá suốt chín tháng. Hết kỳ cúng dường chàng cúng thêm mỗi vị Tỳ-kheo ba y, và cúng nhiều khúc vải may y cho vị Sa-di của Tăng đoàn đáng giá đến một ngàn đồng. Làm việc phước thiện như vậy đến mãn kiếp, chàng được tái sanh lên cõi trời. Sau nhiều kiếp ở cõi trời và cõi người, vào thời đức Phật hiện tại, chàng sanh vào nhà một quan chưởng khố ở Vương Xá, và ở trong thai mẹ chín tháng rưỡi.

Chuyện hiện tại:

33B. Quan Trưởng Khố Jotika

Vào ngày chàng chào đời, tất cả binh khí trong thành đều xẹt lửa, châu ngọc đeo trên người dân trong thành cũng phát sáng như muốn bốc cháy, cả thành đều sáng rực. Sơm mai ấy, quan chưởng khố vào cung chầu vua. Ðức vua hỏi:

– Hôm nay tất cả binh khí đều xẹt lửa, cả thành đều phát sáng. Khanh biết lý do vì đâu không?

– Muôn tâu, hạ thần biết lý do.

– Gì vậy, quan chưởng khố?

– Dạ hôm nay một thần dân của bệ hạ vừa chào đời tại nhà hạ thần. Hiện tượng này xảy ra do phước đức của nó.

– Không biết sau này nó có thành tướng cướp không đây?

– Tâu bệ hạ, không có chuyện ấy. Người vừa chào đời hôm nay phước rất lớn, do một lời phát nguyện.

– Thế thì chú bé phải được nuôi dưỡng chu đáo. Ðây là số tiền trẫm cấp cho khanh mua sữa cho nó.

Vua cấp quan chưởng khố mỗi ngày một ngàn đồng tiền vàng. Ðến ngày đặt tên, chú được gọi là Jotika, kỷ niệm lúc chú chào đời ánh sáng rực rỡ khắp thành.

Ðến tuổi Jotika lập gia đình, người ta lo dọn đất cất nhà mới, vua Ðế Thích thấy ngai vàng nóng lên: “Chuyện gì đây?” Ngài quan sát biết được họ đang sửa soạn cất nhà cho Jotika, liền nghĩ: “Người thanh niên này sẽ không ở trong ngôi nhà họ cất. Ta có bổn phận phải đến đây”.

Ngài cải trang thành thợ mộc xuống chỗ bọn người đang làm:

– Các ông làm gì thế?

– Chúng tôi sửa sang đất đai để cất nhà cho Jotika.

– Thôi, đi đi. Các ông chẳng xây được nhà cho ông ấy đâu.

Ðế Thích chỉ nhìn mảnh đất rộng đến mười sáu karìsa một lần, lập tức nó trở nên bằng phẳng. Ngài nhìn thêm một lần nữa, nghĩ: “Ðấy hãy nứt ra và mọc lên cho ta một tòa lâu đài bảy tầng toàn bằng bảy báu”.

Một tòa lâu đài như vậy hiện ra. Ðế Thích lại nhìn lần thứ ba, nói thầm: “Hãy mọc cho ta bảy bức tường bao quanh tòa lâu đài”. Các bức tường liền hiện ra. Ðế Thích lại nhìn một lần nữa: “Các cây như ý hãy mọc lên thành vòng bao quanh các tường”. Cây liền hiện ra. Ðế Thích nhìn một lần nữa: “Hãy hiện cho ta bốn vạc đầy châu báu tại bốn góc chân tòa lâu đài”. Bốn vạc châu báu liền có.

Trong số các vạc châu báu, có vạc rộng gần năm cây số, có vạc rộng hơn ba cây số, vạc thì hơn hai cây số, và vạc cuối cùng rộng một cây số. Trường hợp Phật ra đời, các vạc châu báu xuất hiện có đường kính miệng bằng nhau, còn đường kính ở đáy bằng chu vi quả đất. Ðường kính các vạc châu báu xuất hiện tại nhà Jotika không biết rõ được bao nhiêu. Khi chúng hiện ra, châu ngọc đầy ngập giống như hạt thốt nốt căng đầy cơm khi ta cắt bỏ chỗ vỏ đầu hạt vậy. Ngoài ra, tại bốn góc tòa lâu đài còn xuất hiện bốn cây mía bằng vàng, mập mạp như những cây thốt nốt tơ đang độ lớn. Lá mía toàn bằng ngọc quý, thân mía bằng vàng. Người ta cho rằng những cây mía này biểu hiện phước đức của Jotika gieo trồng trong kiếp trước. Bảy lớp cửa tòa lâu đài do bảy dọa xoa canh phòng. Cửa thứ nhất do dạ xoa Jamakolì canh cùng một ngàn quyến thuộc. Cửa thứ hai do dạ xoa Uppala canh với hai ngàn quyến thuộc. Cửa thứ ba do Vajira và ba ngàn quyến thuộc. Cửa thứ tư do Vajirabàhu và bốn ngàn quyến thuộc. Cửa thứ năm do dạ xoa Kasakanda và năm ngàn quyến thuộc. Cửa thứ sáu do dạ xoa Katattha và sáu ngàn quyến thuộc. Cửa thứ bảy do dạ xoa Disàpàmukha và bảy ngàn quyến thuộc. Vậy là tòa lâu đài được canh phòng chặt chẽ cả trong lẫn ngoài. Vua Bình Sa Vương nghe Jokita làm chủ tòa lâu đài bảy tầng bằng bảy báu, có bảy lần tường và cửa bao quanh, và bốn vạc châu báu ở bốn góc, liền ban cho chàng chiếc lọng chưởng khố. Từ đó, người ta gọi chàng là quan chưởng khố Jotika.

Thuở ấy, có một phụ nữ từng làm việc phước thiện với quan chưởng khố Jotika, tái sanh ở Uttarakuru. Chư Thiên mang cô đến ở trong một căn phòng lộng lẫy chẳng kém cung vua, trong tòa lâu đài của Jotika. Cô gái chỉ mang theo làm của hồi môn một nồi gạo chừng nửa lít và ba miếng kính cháy đỏ. Từ đấy, nồi gạo cung cấp đủ cơm cho gia đình Jotika ăn đến hết đời. Người ta kể, nếu họ muốn đổ đầy cơm lên một trăm cỗ xe, nồi gạo vẫn không vơi đi chút nào. Mỗi khi cần nấu, họ chỉ việc lấy gạo cho vào nồi đặt lên ba miếng kính. Chúng cháy đỏ rực lên, khi cơm chín chúng liền tắt. Muốn nấu nước xốt hay món cà-ri, họ cũng làm theo cách ấy. Tất cả thức ăn của gia đình đều chỉ nấu bằng ba tấm kính. Họ sống trong ánh sáng của châu ngọc quí, không biết đến ánh lửa hay đèn.

Tiếng đồn về sự giàu có vinh hiển của quan chưởng khố Jotika lan khắp xứ Diêm-phù-đề. Người người lũ lượt kéo nhau di trên những cỗ xe ngựa và đủ thứ xe cộ khác để đến xem. Quan chưởng khố cho lấy thứ gạo mang từ Uttarakuru nấu cháo yến mạch thết đãi tất cả khách khứa ăn uống thỏa thích. Ông còn loan báo:

– Mọi người được phép tự do lấy quần áo và châu ngọc trên các cây như ý.

Vị thí chủ sai mở vạc châu báu lớn hơn một cây số, phân phát khắp nơi: “Xin mời bà con cứ lấy đủ số châu báu mình cần”.

Dân chúng Diêm-phù-đề tha hồ hỉ hả khuân vác vàng ngọc đi rồi, vạc châu báu chẳng vơi một ly nào. Người ta cho đây là phước báo do Jotika đã rải đầy châu ngọc trong hương thất Phật. Số người kéo đến lâu đài Jotika để lấy áo quần, châu ngọc, tiền bạc, đông đảo đến nỗi lúc ấy, vua Bình Sa Vương muốn đến xem tòa lâu đài cũng đành chịu. Dần dà, chán chê rồi số người xem từ từ giảm bớt. Vua Bình Sa Vương bèn bảo phụ thân Jotika:

– Trẫm muốn xem lâu đài của con khanh.

– Tâu bệ hạ, xin vâng.

Ông về nhà kêu Jotika:

– Này con, đức vua muốn đến xem lâu đài của con đấy.

– Dạ, tốt thôi, thưa cha. Mời Ngài cứ đến.

Vua ngự giá đến cùng đoàn tùy tùng đông đảo. Ở cổng thứ nhất của tòa lâu đài, một cô nô lệ có nhiệm vụ quét rác. Thấy vua, cô đưa tay ra đỡ. Lầm tưởng là một bà vợ của quan chưởng khố, vua Bình Sa Vương khiêm tốn từ chối, không chịu đặt tay lên cánh tay cô. Tại các cổng khác cũng có những cô nô lệ giống hệt như thế đưa tay đỡ vua, vua cũng lầm tưởng là vợ quan chưởng khố nên không chịu vịn tay.

Jotika ra lạy chào vua, đứng sau lưng, thưa:

– Tâu bệ hạ, xin rước bệ hạ vào.

Nhưng vua nhìn xuống mặt đất khảm châu ngọc và thấy như đó là một các hố đầy vàng ngọc sâu thăm thẳm, sâu bằng số một trăm người chồng chất lên nhau. Vua nghĩ: “Người nào đào hầm bẫy ta”. Ngài không dám bước chân tới.

Jotika tiến lên, thưa:

– Tâu bệ hạ, đây chẳng có hầm hố gì cả. Xin bệ hạ bước theo sau hạ thần.

Vua đi lên dấu chân Jotika, rồi từ từ mạnh dạn đi quanh lâu đài, nhìn ngắm từ tầng thấp đến tầng cao nhất.

Lúc ấy, Thái tử A-xà-thế cũng nắm tay cha đi xem. Thái tử nghĩ thầm: “Phụ vương quả thật quá ngốc. Tên Jotika này tuy chỉ là một gia chủ bình thường cũng có được tòa lâu đài bảy báu để ở. Còn phụ vương làm vua lại chỉ có một ngôi nhà gỗ. Ta sẽ lên làm vua ngay, và chẳng để cho gia chủ này ở trong lâu đài một giây nào nữa đâu”.

Vua lên đến tầng chót đã gần đến giờ ăn sáng, liền bảo:

– Này quan đại thần, chúng ta hãy dùng bữa ở đây.

– Tâu vâng, hạ thần cũng sắp xếp như thế. Ðồ ngư thiện đã được chuẩn bị sẵn sàng để dâng bệ hạ.

Vua tắm bằng mười sáu bình nước thơm. Xong, Ngài ngồi trên chiếc sập riêng của Jotika, dưới mái đình cẩn ngọc. Người hầy dâng vua nước rửa tay và dọn món cháo yến mạch đặc trong chiếc đĩa vàng đáng giá đến một ngàn đồng, để trước mặt vua. Tưởng đó là món chính, vua định ăn. Quan chưởng khố vội tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, đây chưa phải món ăn, chỉ là cháo yến mạch đặc.

Người hầu lúc ấy dâng tiếp món ăn chính đựng trong chiếc đĩa vàng khác, đặt lên đĩa cháo yến mạch. Người ta cho rằng làm như thế, món ăn sau có hương vị tuyệt hảo. Nhà vua dùng rất ngon miệng, đến nỗi đủ rồi mà vẫn cứ ăn.

Quan chưởng khố sụp lạy, chấp tay cung kính thưa:

– Tậu bệ hạ, chứng ấy là đủ. Cúi xin bệ hạ dừng lại. Nếu không, bệ hạ sẽ không tiêu nổi.

Vua hỏi:

– Này gia chủ, tại sao khanh chê trách thức ăn mình?

– Muôn tâu, hạ thần chẳng dám có ý chê trách. Tất cả đoàn tùy tùng của bệ hạ đều được hạ thần đãi cùng món yến mạch và cà-ri này. Nhưng hạ thần lo cho bệ hạ.

– Sao?

– Nếu lỡ gặp lúc bệ hạ không được khỏe, người ta sẽ nói: “Hôm qua vua ngự thiện ở nhà quan chưởng khố. Chắc quan cho làm món ăn sao đó mới ra nông nỗi”. Muôn tâu, hạ thần sợ những lời ấy lắm.

– Thôi được. Dẹp thức ăn đi và đem nước cho trẫm.

Nhà vua dùng bữa xong thì đoàn tùy tùng mới được thết đãi, cũng những món ấy.

Trong khi vui vẻ trò chuyện với quan chưởng khố, vua hỏi:

– Này khanh, không có bà vợ nào của khanh sống tại lâu đài này ư?

– Muôn tâu, có ạ.

– Phu nhân đâu?

– Muôn tâu, bà ấy đang nghỉ trong phòng, không hay có bệ hạ đến.

(Mặc dù vua và đoàn tùy tùng tới chơi từ sáng sớm, phu nhân quan chưởng khố không hề hay biết)

Quan chưởng khố nghĩ: “Rõ ràng đức vua muốn gặp phu nhân”.

Ông đến phòng vợ, bảo:

– Ðức vua đã đến Chẳng phải bà có bổn phận đi chào đức vua sao?

Phu nhân vẫn nằm yên không nhúc nhích, chỉ hỏi:

– Ông à, người ông kêu là vua ấy là ai?

– Là quốc vương của chúng ta.

Phu nhân có ý bất mãn:

– Chúng ta còn có vị quốc vương đầy đủ uy quyền đối với chúng ta, nghĩa là việc phước thiện chúng ta đã làm có phần nào lỗi lầm trong ấy. Chắc chúng ta đã thiếu lòng tin, nên vinh hiển như vầy vẫn phải làm thần dân người khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã cúng dường thiếu lòng tin, và đây là quả báo.

Trút xong sự bất bình, phu nhân hỏi tiếp:

– Ông à, giờ tôi phải làm gì?

– Bà cầm quạt thốt nốt này đến quạt hầu đức vua.

Trong lúc đứng quạt, mùi nước hoa từ long bào vua bay vào mắt làm phu nhân chảy hai dòng lệ. Vua thấy, bảo quan chưởng khố:

– Này khanh, đàn bà thật kém thông minh. Chắc phu nhân đang nghĩ: “Nhà vua sẽ đoạt hết của cải chồng ta” nên sợ mà khóc đấy. Khanh hãy bảo bà ấy yên tâm. Trẫm chẳng hề khao khát của cải nhà khanh.

– Muôn tâu, không phải bà ấy khóc ạ.

– Vậy thì sao?

– Dạ, chỉ vì mùi nước hoa trên long bào bệ hạ nồng quá làm bà ấy chảy nước mắt thôi. Thật sự, bà ấy chưa bao giờ gần ánh đèn hoặc gần lửa. Khi ăn, khi ngồi, khi nghỉ ngơi cũng chỉ dưới ánh sáng châu ngọc. Muôn tâu, chắc bệ hạ vẫn sử dụng ánh đèn?

– Ðúng vậy.

– Tâu bệ hạ, từ hôm nay xin mời bệ hạ thử sử dụng ánh sáng châu ngọc.

Quan chưởng khố dâng vua một hòn ngọc cực lớn. Vua ngắm nhìn ngôi nhà hồi lâu, tự nghĩ: “Jotika quả giàu thật”.

Rồi Ngài từ giã.

Chuyện hiện tại:

33C. Tôn Giả Jatila

Bây giờ nói đến chuyện Jatila.

Thuở ấy, tại xứ Ba-la-nại có quan chưởng khố sinh được cô con gái vô cùng diễm lệ. Khi nàng chừng mười lăm, mười sáu tuổi, cha mẹ buộc phải ở trên tầng cao nhất của tòa lâu đài bảy tầng, trong một căn phòng đẹp không kém cung vua, và chỉ để cô tớ gái ở cùng, canh chừng nàng. Một hôm, mỹ nhân vừa ngước mắt nhìn ra cửa sổ, thần Vijjàdhara bay ngang trông thấy liền say mê nàng. Thần bay qua cửa sổ vào phòng, cùng nàng chung chăn gối. Chẳng bao lâu, nàng thọ thai. Cô tớ gái biết, hỏi:

– Thưa tiểu chủ, thế này là sao?

– Ôi, em đừng nói với ai!

Cô sợ, bèn giữ êm. Mười tháng sau cô chủ sanh một đứa bé trai. Nàng sai mua một chiếc thùng mới đặt đứa nhỏ vào phủ tràng hoa lên trên, biểu cô tớ gái:

– Em hãy đội thùng ra sông Hằng và thả trôi giùm ta.

Nàng dặn thêm:

– Nếu có ai hỏi thùng đựng gì, cứ nói đồ tạ lễ của ta dâng cúng!

Cô tớ gái làm y theo lời chủ.

Dưới hạ lưu sông Hằng, hai phụ nữ đang tắm. Trông thấy chiếc thùng mới bị dòng nước cuốn phăng phăng, một bà kêu lên:

– Cái thùng ấy của tôi đa nghen.

Bà kia la tiếp:

– Trong thùng có cái gì là của tôi đó.

Thùng trôi đến chỗ hai bà. Họ vớt lên và mở ra, thấy chú bé. Bà thứ nhất nói:

– Thằng bé này của tôi. Tôi có nói chiếc thùng ấy của tôi.

Bà kia cãi:

– Nó là của tôi chứ. Tôi đã nói trong thùng có cái gì thì thuộc về tôi mà.

Hai bà tranh cãi mãi, sau bèn kéo nhau ra tòa. Các vị quan tòa cũng bất lực, không dàn xếp nổi nên đưa lên triều đình. Vua lắng nghe hai bà cãi lý rồi phán:

– Bà này lấy đứa nhỏ. Bà kia lấy chiếc thùng.

Người phụ nữ được đứa bé lại là một thí chủ của Tôn giả Mahà Kaccàna. Bà nuôi chú bé với ý định: Ta sẽ cho thằng bé gia nhập Tăng đoàn của Tôn giả.

Ngày lễ sinh nhật đến, cậu được đem tắm cho thật sạch những vết do sanh sản, tóc cậu bỗng biến thành bím, do đó cậu được đặt tên Jatila. Khi cậu bé bắt đầu biết đi, Tôn giả đến nhà khất thực. Bà Phật tử đem ghế mời Tôn giả ngồi, cúng dường thức ăn. Thấy chú bé, Tôn giả hỏi:

– Này thiện tín, bà có con trai sao?

– Vâng, bạch Ðại Ðức. Con nuôi với ý định xin cho nó gia nhập Tăng đoàn Tôn giả. Xin Tôn giả rủ lòng thương nhận nó.

– Ðược.

Và Tôn giả dắt chú bé về.

Vừa đi Tôn giả vừa nghĩ: “Chẳng biết nó đủ phước làm một gia chủ giàu có không đây”. Ngay đó, Tôn giả biết được cậu có phước báo rất lớn, sau sẽ giàu sang tột bực. Nhưng giờ cậu còn bé quá, chưa hiểu biết chín chắn. Tôn giả bèn dẫn cậu đến thành Hoa Thị, vào nhà một thí chủ quen. Gia chủ đảnh lễ Tôn giả, thấy cậu bé, liền hỏi:

– Bạch Ðại đức, cậu bé này theo Ngài?

– Phải, đạo hữu ạ. Cậu bé sẽ vào Tăng đoàn. Mà cậu còn bé quá. Ông hãy cho cậu ở đây ít lâu.

– Thưa vâng.

Vị thí chủ thương yêu chăm sóc cậu như con. Nhà ông tích trữ hàng hóa cả mười hai năm rồi. Một hôm, có việc đi qua làng bên, ông đem hết số hàng hóa tồn trữ chất trong một cửa tiệm, bảo cậu ở đó và dặn dò giá tiền của mỗi món hàng.

– Món này giá chừng ấy chừng ấy, món kia giá như vậy, như vậy. Nếu con nghe người ta trả giá ấy, nhớ bán nhé.

Xong, ông ra đi.

Chư Thiên bảo hộ thành đưa hết khách hàng đến tiệm cậu, cả những người cần mua hạt tiêu hoặc hạt thì là. Kết quả: Chỉ một ngày cậu bán sạch số hàng tích trữ mười hai năm. Gia chủ về thấy cửa tiệm trống trơn, hỏi:

– Con ơi, hàng mất hết rồi sao?

– Dạ, đâu có mất. Ngài để lại món gì con đều bán hết theo lời Ngài dạy. Ðây là tiền bán.

Gia chủ vô cùng hân hoan.

– Cậu bé này đúng là quí nhân. Cậu có thể sống bất cứ đâu cũng no đủ.

Cô con gái ông đã đến tuổi kén chồng. Ông kêu người cất nhà và gả con cho cậu. Nhà xây xong, ông giục con rể:

– Con về nhà riêng ở đi.

Jatila vừa đặt chân lên ngưỡng cửa ngôi nhà chàng, đất sau nhà bỗng nứt ra và một núi vàng cao bốn chục mét vọt lên. Vua nghe tin có núi vàng từ dưới đất hiện lên sau nhà Jatila liền ban cho chàng chiếc lọng quan chưởng khố. Và chàng được gọi là chưởng khố Jatila.

Quan chưởng khố có ba con trai. Khi chúng trưởng thành, ông muốn xuất gia làm Sa-môn. Ông thầm tính: “Nếu có vị chưởng khố nào gia thế giàu có như ta, họ mới cho ta xuất gia. Và ông quyết tìm cho ra. Ông cho đúc một viên gạch, một chiếc roi, một dây thừng bằng vàng, trao cho gia nhân bảo:

– Các ông mang những thứ này đi khắp xứ Diêm-phù-đề, giả bộ như không có mục đích gì, ngầm kiếm cho ta một quan chưởng khố cũng giàu có ngang bằng ta. Kiếm được rồi thì về đây.

Ðám gia nhân đi từ vùng này đến xứ nọ, cho đến một hôm họ đặt chân đến thành Bhaddiya.

Quan chưởng khố Ram, Mendaka đang ở tại thành, trông thấy đám gia nhân của Jatila, hỏi:

– Này các bạn, các bạn đi đây đi đó có mục đích gì không?

– Chúng tôi chẳng có mục đích gì cả.

Quan chưởng khố thầm nghĩ: “Không thể có chuyện mấy người này đi đây đi đó tay cầm mấy vật kia, lại không có mục đích. Rõ ràng họ đang đi xem xét khắp vùng”. Ông nói thêm với đám gia nhân:

– Mời các bạn vào xem vườn nhà chúng tôi.

Ðám người kéo nhau vào, thấy trên một khu đất thật rộng có những con cừu vàng to bằng con voi, hoặc bằng con ngựa, hoặc bằng bò tót, đang nhảy nhót lung tung, đập lưng vào nhau, cày đất nứt nẻ lên từng đường. Ði quanh nhìn ngắm đám cừu hồi lâu, họ rời sân. Quan chưởng khốRam hỏi:

– Sao, các bạn gặp thứ muốn tìm rồi chứ?

– Bẩm vâng, thưa đại quan, chúng con đã tìm được.

– Vậy thì xin chào.

Ông ra dấu từ giã. Bọn gia nhân đi thẳng về nhà chủ mình. Quan chưởng khố Jatila hỏi:

– Các bạn kiếm được quan chưởng khố nào giàu bằng nhà ta không?

– Thưa chủ nhân, Ngài giàu chưa thấm tháp vào đâu. Quan chưởng khố Ram ở thành Bhaddiya giàu tới mức vầy nè.

Họ kể lại chuyện.

Nghe xong, quan chưởng khố rất hoan hỉ, nghĩ thầm: “Ta kiếm được một người rồi. Chẳng biết còn ai nữa không?”.

Ông đưa cho gia nhân một tấm chăn đáng giá một trăm ngàn đồng tiền vàng, bảo:

– Các bạn hãy đi kiếm xem có nhà quan chưởng khố nào như vậy nữa không.

Chuyến này họ đến thành Vương Xá, chất một đống củi gần nhà quan chưởng khố Jotika và châm lửa đốt. Người ta hỏi lý do, họ đáp:

– Chúng tôi mang theo một tấm chăn rất quí, định bán mà chưa kiếm được người mua. Sợ mang theo bị cướp, chúng tôi tính đốt mới tiếp tục cuộc hành trình được.

Quan chưởng khố Jotika thấy họ, hỏi gia nhân:

– Mấy người kia làm gì thế?

Sau khi nghe chuyện, ông cho gọi họ đến, bảo:

– Tấm chăn giá bao nhiêu?

– Thưa, một trăm ngàn đồng.

Jotika kêu đưa cho họ một trăm ngàn đồng, rồi nói:

– Các ông đem giùm tấm chăn này cho cô tớ gái đang quét rác ở cổng lâu đài ta. Cô kia nhận tấm chăn òa lên khóc, vào gặp quan, nói:

– Thưa chủ nhân, nếu con có lỗi lầm gì sao Ngài không đánh đập con? Ngài lại cho con tấm chăn thô xấu thế này. Con làm sao may quần áo, may áo choàng?

– Ta cho cô tấm chăn chẳng phải để cô may đồ. Cô có thể cuộn nó lại để ở chân giường, sau khi rửa chân bằng nước thơm, cô dùng nó lau chân. Ðược chưa?

– Bẩm vâng, thế thì được ạ.

Lúc ấy, cô gái mới chịu ôm tấm chăn đi ra.

Ðám gia nhân Jatila chứng kiến sự việc ấy, về nhà nghe chủ hỏi:

– Các bạn kiếm được ai giàu bằng nhà ta chưa?

Họ vội đáp:

– Thưa chủ nhân, Ngài giàu thực chẳng thấm vào đâu. Quan chưởng khố Jotika thành Vương Xá giàu tới vậy nè.

Họ miêu tả cảnh giàu sang trong lâu đài Jotika, rồi kể câu chuyện tấm chăn. Nghe xong, ông càng vui vẻ, nói:

– Bây giờ ta có thể xin xuất gia làm Sa-môn được rồi.

Ông vào hoàng cung tâu vua:

– Tâu bệ hạ, thần muốn xuất gia làm Sa-môn.

– Ðược thôi, khanh cứ làm theo ý muốn.

Jatila về nhà gọi hết các con đến, trao cho con trai trưởng chiếc xẻng bằng vàng, bảo:

– Con đi ra núi vàng phía sau nhà lấy cho ta một cục vàng.

Người con cầm xẻng xúc vào núi vàng, anh cảm thấy như xúc vào đá cứng. Jatila lấy xẻng trong tay con trai trưởng, trao cho con trai thứ, bảo làm y như trước. Người con này cũng như anh, xúc vào vàng chỉ cảm thấy như xúc vào đá tảng. Jatila trao xẻng cho con út. Anh này cầm xẻng xúc thì vàng rời ra như đất mềm. Quan chưởng khố bảo:

– Thôi, đủ rồi con.

Ông bảo hai đứa con lớn:

– Núi vàng này không phải của các con. Nó chỉ thuộc về ta và thằng út. Các con hãy cùng nó chung hưởng giàu sang.

Tại sao núi vàng chỉ thuộc về người cha và đứa con út? Tại sao quan chưởng khố bị bỏ trôi sông từ lúc còn sơ sanh? Ðây là quả báo của những việc làm trong một kiếp trước.

Chuyện quá khứ:

33D. Ông Thợ Vàng Và Ba Người Con.

Một kiếp xa xưa, khi ngôi tháp thờ đức Phật Ca-diếp đang được xây cất. Có một vị A-la-hán đi đến hỏi các thợ xây:

– Các bạn, tại sao mặt tháp phía Bắc xây nửa chừng thế này?

– Dạ, vì không đủ vàng.

– Tôi sẽ vào làng kêu gọi mọi người cúng dường. Các ông hãy gắng hết lòng lo công việc.

Ngài vào thành kêu gọi:

– Hỡi thiện nam, tín nữ. Hiện không có đủ vàng xây mặt tháp phía Bắc. Xin các thí chủ đóng góp.

Sau đó, Ngài đến nhà ông thợ vàng. Gặp đúng lúc ông đang cãi nhau với vợ. Tôn giả nói:

– Vâng không đủ xây mặt Bắc ngôi tháp ông nhận lãnh làm. Việc này ông cần phải biết rõ. Ðang tức giận bà vợ, ông đáp:

– Ông hãy liệng đức Thế Tôn của ông xuống sông rồi đi cho khuất mắt.

Bà vợ trách chồng:

– Ông đã phạm tội đại ác. Ông giận tôi thì cứ đánh mắng tôi, sao lại sân hận với chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai?

Người thợ vàng lúc ấy mới thấy hối tiếc. Ông sụp lạy vị A-la-hán thưa:

– Xin Ðại đức hỷ xả cho con.

– Ông đâu có nói gì ta. Hãy sám hối đức Thế Tôn.

– Bạch Ðại đức, con phải làm gì để được Phật xá tội?

– Này thiện hữu, ông hãy làm ba bình bông bằng vàng đặt lên hòm đựng xá-lợi Phật, rồi nhúng ướt tóc và quần áo ông để đến sám hối đức Thế Tôn.

– Thưa vâng, bạch Ðại đức.

Trong lúc làm những bông hoa vàng, ông gọi người con trai trưởng lên bảo:

– Con ạ, cha đã nói lời thô ác về đức Thế Tôn. Sau khi làm xong những hoa này cha sẽ đặt lên hòm xá-lợi Phật và sám hối. Con đi theo cha nhé.

Người con không muốn đi, đáp:

– Ðâu phải vì con mà cha nói lời thô ác ấy. Cha đi một mình vậy.

Ông kêu người con thứ. Y cũng không muốn đi nên trả lời như anh. Ðến người con út, cậu thưa:

– Bổn phận con cái là phải làm những gì cần làm.

Cậu hứa đi cùng cha đến tháp Phật và phụ giúp ông làm các bông hoa vàng. Xong ba bình bông, ông nhắm bề rộng của cái hòm đựng xá-lợi Phật, đặt chúng lên, nhúng ướt tóc và quần áo rồi đến sám hối Phật.

Chuyện hiện tại:

33E. Phần Kết.

Vì nguyên nhân trên, liên tiếp trong bảy kiếp Jatila vừa chào đời đã bị bỏ xuống sông, kiếp này là kiếp cuối cùng. Cũng do vì không phụ giúp cha nên hai người con lớn chẳng có phần được hưởng núi vàng, chỉ có người cha và con út được.

Quan chưởng khố sau khi dặn bảo các con liền xuất gia làm Sa-môn đệ tử Phật. Chỉ vài ngày sau, ông đắc quả A-la-hán.

Một hôm đức Phật và năm trăm thầy Tỳ-kheo đi khất thực đến nhà các con của Jatila, họ cúng dường vật thực cho Phật và chư Tăng suốt nửa tháng. Tối lại, các thầy Tỳ-kheo vào Pháp đường bàn tán:

– Này huynh Jatila, bây giờ huynh có tiếc nhớ núi vàng khổng lồ và các con của huynh không?

– Thưa chư huynh, tôi chẳng tiếc nhớ chúng, cũng không hãnh diện vì chúng.

Các thầy bảo nhau:

– Tôn giả Jatila nói dối, phạm tội vọng ngữ.

Ðức Thế Tôn nghe các thầy nói, liền dạy:

– Này các Tỳ-kheo, đúng là ông ấy chẳng tiếc nhớ hoặc hãnh diện.

Ngài nói kệ:

(416) Ai ở đời đoạn ái,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Ái hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.

34. Vua A Xà Thế Ðánh Chiếm Lâu Ðài Jotika

Ai ở đời đoạn ái …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Jotika.

Sau khi âm mưu với Ðề-bà-đạt-đa giết cha là vua Bình Sa Vương để lên ngôi, vua A-xà-thế tự nghĩ: “Bây giờ ta sẽ chiếm tòa lâu đài quan chưởng khố”. Vua nai nịt, chuẩn bị khí giới như lúc ra trận, kéo quân đi. Nhưng vừa thấy bóng mình và đoàn quân phản chiếu trên các bức tường chạm châu ngọc, vua nghĩ: “Chủ nhân đã sẵn sàng khí giới để chiến đấu, đang cùng gia nhân tiến ra” nên không dám tiến lại gần.

Hôm ấy ngẫu nhiên đúng vào ngày quan chưởng khố quyết định bắt đầu ăn chay. Từ sáng sớm sau bữa điểm tâm, ông đến tinh xá ngồi nghe Phật giảng pháp. Thần dạ xoa Yamakoli gác cổng thứ nhất tòa lâu đài thấy vua A-xà-thế, bèn la:

– Ngươi đi đâu vậy?

Thần đánh cho đoàn binh vua thua liểng xiểng, tháo chạy tán loạn, và còn rượt theo đánh nữa. Vua A-xà-thế chạy trốn vào chính ngôi tinh xá quan chưởng khố đang ngồi nghe pháp. Thấy vua ông đứng dậy:

– Tâu bệ hạ, có việc gì không?

– Này khanh, làm sao mà vừa điều khiển gia nhân đánh với trẫm xong, khanh lại có thể ngồi đây giả vờ nghe pháp?

– Muôn tâu, bệ hạ đã đến đánh chiếm nhà hạ thần sao?

– Ðúng vậy.

– Tâu bệ hạ, một ngàn ông vua cũng không đoạt được nhà hạ thần.

Vua nổi giận:

– Người định chiếm ngôi chăng?

– Tâu không, hạ thần chẳng có ý định làm vua. Nhưng vua hoặc giặc cướp đều không thể cưỡng đoạt của cải nhà hạ thần, dù một sợi chỉ.

– Vậy ngươi có đồng ý để ta lấy tòa lâu đài không?

– Tâu bệ hạ, trên tay hạ thần đây đang đeo hai mươi chiếc nhẫn. Hạ thần không cho bệ hạ. Bệ hạ thử lấy xem.

Vua ngồi thu mình lấy đà, nhảy lên không trung tới chín thước. Sau đó vua đứng dậy, phóng lên cao bốn mươi thước. Dù sức mạnh vô song, vua vặn vẹo cách nào cũng chẳng lôi được một chiếc nhẫn ra khỏi tay quan chưởng khố. Sau cùng, quan chưởng khố nói:

– Tâu bệ hạ, xin bệ hạ trải áo choàng ra.

Vua vừa trải áo, quan chưởng khố duỗi hai bàn tay, hai mươi chiếc nhẫn rơi xuống.

– Muôn tâu, bệ hạ thấy đó. Không ai có thể cưỡng đoạt của cải hạ thần được.

Hành vi của vua làm quan chưởng khố rất ngao ngán. Ông thưa:

– Tâu bệ hạ, xin cho phép hạ thần được xuất gia làm Sa-môn.

Vua nghĩ thầm: “Quan chưởng khố mà làm Sa-môn, ta sẽ chiếm đoạt tòa lâu đài dễ dàng”.

Vua bèn bảo:

– Khanh cứ xuất gia.

Jotika xuất gia làm Sa-môn đệ tử Phật, chẳng bao lâu đã đắc quả A-la-hán, được mọi người biết đến dưới tên Tôn giả Jotika. Ông vừa đắc quả, tất cả của cải châu ngọc, phú quí thế gian của ông đều biến mất hết, và chư thiên đưa cô vợ Satulakàyi của ông về xứ Uttarakuru.

Một hôm, các thầy Tỳ-kheo hỏi Tôn giả Jotika:

– Này huynh Jotika, huynh có nhớ tiếc tòa lâu đài hoặc vợ huynh không?

– Thưa chư huynh, không.

Các thầy đến bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối, phạm tội vọng ngữ.

Ðức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, đúng là ông ấy chẳng tiếc nhớ gì những thứ ấy.

Ngài nói kệ:

(416) Ai ở đời đoạn ái,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Ái hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.

35. Người Diễn Kịch Câm Xuất Gia Làm Sa Môn

Bỏ trói buộc loài người …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo trước khi xuất gia, là diễn viên kịch câm.

Có một diễn viên kịch câm đi trình diễn lang thang đây đó. Một hôm nghe Phật thuyết pháp xong, ông xin xuất gia làm Sa-môn và đắc quả A-la-hán. Khi đến làng kia khất thực, đức Phật và chư Tăng trông thấy một diễn viên kịch câm khác đang biểu diễn. Các thầy hỏi thầy Tỳ-kheo cựu diễn viên:

– Này huynh, ở đàng kia có một diễn viên kịch câm đang diễn trò như huynh hồi ấy. Huynh có nhớ tiếc cuộc sống cũ không?

– Thưa chư huynh, không.

Các thầy bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối, phạm tội vọng ngữ.

Ðức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, ông ấy đã thoát được mọi buộc ràng.

Và Ngài nói kệ:

(417) Bỏ trói buộc loài người,
Vượt trói buộc cõi trời,
Giải thoát mọi buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn.

36. Người Diễn Kịch Câm Xuất Gia Làm Sa Môn

Bỏ điều ưa, điều ghét …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo trước khi xuất gia là một diễn viên kịch câm.

Câu chuyện cũng giống như chuyện trước, chỉ khác trong trường hợp này, đức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, ông ấy đã bỏ điều ưa, điều ghét.

Ngài nói kệ:

(418) Bỏ điều ưa, điều ghét,
Mát lạnh, diệt sanh y,
Bậc anh hùng chiến thắng,
Nhiếp phục mọi thế giới,
Ta gọi Bà-la-môn.

37. Người Gõ Ðầu Lâu

Ai hiểu rõ hoàn toàn …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Vangìsa.

Thuở ấy, tại thành Vương Xá có một người Bà-la-môn tên Vangìsa, có tài biết được người chết sanh về đâu. Ông cứ việc gõ lên chiếc đầu lâu, rồi nói:

– Người có chiếc đầu lâu này đã bị đọa địa ngục. Người kia đã hóa kiếp làm súc sanh, người này vào đường ngạ quỷ, đầu lâu kia là của một người đã sanh trở lại cõi người.

Một nhóm người Bà-la-môn suy tính: “Chúng ta có thể dùng người này để chinh phục lòng tin mọi người”. Họ khoác lên mình Vangìsa hai chiếc áo rộng màu đỏ, đưa ông đi khắp vùng và loan báo:

– Người Bà-la-môn Vangìsa này có thể gõ vào đầu lâu người chết và biết người chết đã sanh ở cõi nào. Các bạn mau mau đến hỏi xem người thân của mình chết rồi đi đâu.

Người ta kéo nhau đến, người đưa mười đồng, kẻ hai mươi đồng, hoặc cả trăm đồng tùy túi tiền, rồi hỏi về số phận của những người thân đã chết của họ.

Lang thang khắp nơi, một hôm đến thành Xá-vệ, họ ở lại gần tinh xá Kỳ Viên. Sau bữa ăn sáng, thấy người người lũ lượt cầm hương hoa các thứ đi nghe giảng pháp, những người Bà-la-môn liền hỏi:

– Các ông các bà đi đâu vậy?

– Ðến tinh xá nghe pháp.

– Nghe pháp thì được gì? Không có ai hơn ông bạn Vangìsa của chúng tôi đâu. Ông ấy mà gõ lên đầu lâu người chết là biết được người ấy tái sanh về đâu. Các ông bà đến hỏi thăm về người thân của mình đi.

Nhóm Phật tử đáp:

– Cái ông Vangìsa ấy biết gì? Ðâu có ai bằng được đức Thế Tôn.

Bọn Bà-la-môn cãi:

– Không ai bằng Vangìsa.

Hai bên tranh luận om sòm. Cuối cùng, nhóm Phật tử bảo:

– Chúng ta hãy cùng nhau đi xem thử ông Vangìsa của các ông hay đức Thế Tôn của chúng tôi ai hơn nhé!

Họ kéo nhau đến tinh xá.

Ðức Phật biết hết chuyện nên cho lấy năm chiếc sọ đặt thành một hàng, sọ thứ nhất của một người đã bị đọa địa ngục, sọ thứ hai bị đọa làm súc sanh, sọ thứ ba vào cõi người, sọ thứ tư sanh về cõi trời và sọ thứ năm của một vị đã đắc A-la-hán. Khi mọi người đến nơi, Phật hỏi Vangìsa:

– Người ta nói ông có thể gõ vào sọ người chết và nói được người đó đã đi về cõi nào phải không?

– Vâng.

– Vậy sọ này của ai?

– Ðây là sọ một người đã bị đọa địa ngục.

– Hay thay!

Ðức Phật tán thán xong hỏi về ba chiếc sọ kế tiếp. Y đều trả lời đúng. Sau mỗi câu trả lời đúng, đức Phật lại tán thán. Cuối cùng, Ngài hỏi về chiếc sọ thứ năm:

– Sọ này của ai?

Vangìsa gõ lên đầu lâu, rồi thú thật không biết người ấy đã sanh về đâu. Ðức Phật nói:

– Vangìisa, ông không biết ư?

– Thưa không, con không biết.

– Ta biết.

Vangìsa thỉnh cầu:

– Xin Ngài hãy dạy cho con thuật này.

– Ta không thể dạy cho một người không phải Sa-môn.

Ông Bà-la-môn nghĩ: “Giá ta biết được huyễn thuật này, ta sẽ là người số một trên toàn cõi Ấn Ðộ”. Y bảo những người Bà-la-môn đồng bọn:

– Các bạn hãy tìm chỗ ở lại đâu đó vài ngày. Tôi định xuất gia làm Sa-môn.

Y xin xuất gia làm Sa-môn đệ tử Phật, và được gia nhập Tăng đoàn. Các thầy Tỳ-kheo gọi là Tôn giả Vangìsa. Ðức Phật trao cho thầy Tỳ-kheo đề mục thiền quán là ba mươi hai thứ cấu tạo nên thân.

– Ông phải lặp đi lặp lại cho thuộc những thứ này mới học huyễn thuật kia được.

Thầy y theo lời Phật dặn. Các người Bà-la-môn thỉnh thoảng đến thăm chừng, hỏi:

– Ông học được huyễn thuật chưa?

– Xin các bạn đợi ít lâu. Tôi đang học đây.

Vài ngày sau, thầy đắc A-la-hán. Khi những người Bà-la-môn đến nữa, thầy nói:

– Này các huynh đệ, bây giờ tôi không thể học nó.

Các thầy Tỳ-kheo nghe vậy, bèn đến bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối, phạm tội vọng ngữ.

Ðức Phật bảo:

– Này các Tỳ-kheo, chớ nói thế. Ông ấy giờ đây biết hết đường sanh tử của chúng sanh.

Ngài nói kệ:

(419) Ai hiểu rõ hoàn toàn,
Sanh tử các chúng sanh,
Không nhiễm, khéo vượt qua,
Sáng suốt châu giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.

(420) Với ai, loài trời, người,
Cùng với Càn-thát-bà,
Không biết chỗ thọ sanh,
Lậu tận bậc La-hán,
Ta gọi Bà-la-môn.

38. Ông Bà Visàkha

Người không sở hữu gì …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tỳ-kheo ni Dhammadinnà.

Khi Tỳ-kheo ni Dhammadinnà chưa xuất gia, chồng bà tên Visàkha là một Phật tử thuần thành. Một hôm, nghe Phật giảng pháp liền đắc A-na-hàm. Sau đó ông nghĩ thầm: “Bây giờ, ta nên giao hết tài sản của cải cho Dhammadinnà“. Trước đây, theo lệ thường mỗi khi về nhà, vừa thoáng thấy Dhammadinnà nhìn ra cửa sổ, ông đã mỉm cười với bà. Nhưng hôm ấy, bà đang đứng ngay tại cửa sổ, ông đi ngang chẳng hề ngó ngàng đến. Bà suy nghĩ: “Vậy là sao đây? Thôi được, đến bữa ăn mình sẽ biết chuyện gì”. Tới trưa, bà dọn cơm cho ông như mọi ngày. Thay vì nói câu thường lệ: “Nàng hãy như mọi ngày. Thay vì nói câu thường lệ: “Nàng hãy ngồi xuống cùng ăn với tôi nào”. Hôm nay ông ăn trong yên lặng, chẳng hé môi thốt một lời. Bà nghĩ tiếp: “Chắc ổng giận gì rồi đa”.

Xong bữa cơm, Visàkha kiếm chỗ ngồi thoải mái rồi gọi Dhammadinnà đến bên bảo:

– Dhammadinnà, tất cả của cải trong nhà này từ nay thuộc về nàng. Hãy nhận lấy!

Bà nghĩ: “Nếu giận, chẳng ai lại trao tặng của cải, mời nhận. Không biết chuyện gì nữa đây kìa?” Yên lặng một lúc, bà mời hỏi:

– Nhưng còn chàng thì sao?

– Kể từ hôm nay, tôi không dính dáng gì đến chuyện thế tục nữa.

– Ai mà đi hốt đàm dãi ông nhổ ra? Ông hãy cho phép tôi xuất gia làm Tỳ-kheo ni luôn.

– Tốt lắm!

Visàkha chấp nhận ngay. Ông đưa bà đến tinh xá của các Tỳ-kheo ni với nhiều tặng phẩm quí giá, xin cho bà được gia nhập Tăng đoàn chư Ni. Thọ giới cụ túc xong, bà được mọi người kêu Tỳ-kheo ni Dhammadinnà.

Bà thích cuộc sống độc cư nên theo các Tỳ-kheo ni về miền quê. Sau một thời gian, bà đắc A-la-hán và cả thần thông. Bà nghĩ: “Bây giờ, những người thân của ta sẽ vì ta mà làm việc phước thiện”. Bà quay về Vương Xá. Cư sĩ Visàkha nghe tin bà về, thầm nghĩ: “Bà ấy trở về vì cớ gì nhỉ?”. Ông đến tinh xá các Tỳ-kheo ni, gặp vị Tỳ-kheo ni vợ cũ của mình, ông đảnh lễ và cung kính ngồi qua một bên.

Ông lại thầm tính: “Nếu bây giờ mình hỏi: Bạch sư cô, xin hỏi có phải sư cô đã chán việc tu hành không? thì thực chẳng tiện chút nào. Thôi mình sẽ hỏi như thế này”. Ông hỏi bà một câu về quả vị Tu-đà-hoàn, bà lập tức trả lời rất chính xác. Cư sĩ tiếp tục hỏi về các quả vị cao hơn, và cuối cùng, hỏi đến A-la-hán. Bà tán thán:

– Lành thay, huynh Visàkha! Nếu huynh muốn biết về quả vị A-la-hán, xin đến yết kiến đức Thế Tôn và tham vấn Ngài.

Visàkha lại đảnh lễ bà, rồi đến gặp Phật kể Ngài nghe câu chuyện của họ. Ðức Thế Tôn bảo:

– Ðệ tử ta, Dhammadinnà, thật khéo nói. Còn về câu hỏi ông hãy lắng nghe.

Phật giảng pháp xong, nói bài kệ:

(421) Ai quá, hiện, vị lai,
Không một sở hữu gì,
Không sở hữu, không nắm,
Ta gọi Bà-la-môn.

39. Angulimàla, Vô Não

Bậc trâu chúa, thù thắng …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Angulimàla.

Câu chuyện này đã được kể trong phần chú giải bài kệ bắt đầu bằng câu: “Keo kiết không sanh thiên…”.

Các thầy Tỳ-kheo hỏi Angulimàla:

– Này huynh Angulimàla, khi huynh thấy con voi độc cầm lọng đứng trước mặt, huynh không sợ sao?

– Không, thưa chư huynh, tôi chẳng sợ.

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, Angulimàla nói dối.

Ðức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, Angulimàla không còn sợ hãi. Bởi vì, trong số những bậc đại sĩ đã xa lìa tham ái, những Tỳ-kheo như Angulimàla là tôn quí nhất, và không sợ hãi nữa.

Ngài nói kệ:

(422) Bậc trâu chúa, thù thắng,
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc chiến thắng, không nhiễm,
Bậc tẩy sạch, giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.

40. Phạm Hạnh Của Thí Chủ Quyết Ðịnh Phước Báu Cúng Dường

Ai biết được đời trước …

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của ông Bà-la-môn Devahita.

Một hôm, đức Thế Tôn bị chứng khó chịu trong người, liền bảo Tôn giả Upavàna đến nhà người Bà-la-môn tên Devahita xin nước nóng. Tôn giả đến, nói rõ chứng bệnh của đức Phật và xin ông Bà-la-môn nước nóng. Ông nghe vậy vô cùng hoan hỉ:

– Thật may mắn cho tôi quá, được dịp cúng nước nóng cho bậc Giác ngộ Vô thượng.

Ông lấy nước nóng và một bình mật mía đưa Tôn giả, ra lệnh cho một gia nhân mang phụ nước nóng đi.

Tôn giả thỉnh Phật tắm nước nóng, và pha mật bằng nước ấm cho Ngài dùng. Ngay sau đó cơn đau của Ngài dịu xuống.

Ông Bà-la-môn thầm nghĩ: “Người ta nên cúng dường ai để được phước lớn? Ta sẽ hỏi đức Thế Tôn”.

Ông đến gặp Phật và đọc một bài kệ:

Bố thí ai phước lớn?
Ai nên được cúng dường?
Thí chủ phải thế nào?
Mới được phước vô lượng?

Ðức Phật dạy:

– Một người Bà-la-môn như sau, cúng dường sẽ được phước báo rất lớn.

Ngài nói kệ:

(423) Ai biết được đời trước,
Thấy thiên giới, đọa xứ,
Ðạt được sanh diệt tận,
Thắng trí, tự viên thành,
Bậc mâu-ni đạo sĩ,
Viên mãn mọi thành tựu,
Ta gọi Bà-la-môn.

*****

Phần Kết

Ðấng Pháp Vương Vô Thượng chánh đẳng chánh giác đã đạt đến Niết-bàn tối thượng. Những bài kệ Pháp Cú này được thốt ra từ kim khẩu của bậc Thánh Trí Ðại hùng Ðại lực ấy.

Ngài đã dạy Tứ Ðế bằng 423 bài kệ. Và có đến 299 câu chuyện ra đời.

Ðược sống trong ngôi tu viện do triều đình xây cất tại khuôn viên hoàng cung đức vua Sirikùta, lòng tôi tràn ngập sự biết ơn.

Tôi biên soạn nên tập chú giải đúng đắn này về các bài kệ ấy, gồm 72 phần, để dễ bề đọc tụng, hoặc kể.

Phù hợp với ý và lời của các bài kệ, đặt cơ sở trên chánh pháp độ sanh của bậc Ðạo sư trời và người.

Với công đức cúng dường này, xin nguyện cho tất cả ước vọng chính đáng của hết thảy chúng sanh được thành tựu, đơm kết thành hoa ngọt trái lành.

Xin chúc chư vị được thịnh vượng, an lạc và thân thể khang kiện!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.