Tế Điên Hòa Thượng

Chương 230: Nguyên Không tăng công viên về cõi Phật; Ẩn thiết ngưu lo lót vào Linh Ẩn



Tế Điên đang ngồi uống rượu ở nha môn huyện Tiền Đường bỗng nhớ lại, lập tức cáo từ.

Tri huyện hỏi:

– Thánh tăng sao mà vội thế?

– Ta còn có việc! Hôm khác chúng ta sẽ nói chuyện cùng nhau.

Nói rồi Tế Điên đứng dậy bước ra ngoài, quan huyện đích thân đưa ra cổng. Tế Điên ôm quyền từ biệt rồi thẳng ra cửa Tiền Đường về chùa Linh Ẩn. Vừa vào đến chùa thì từ bên ngoài Lôi Minh, Trần Lượng, Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng bốn người cùng vừa tới. Nguyên quan huyện Tiền Đường sai quan nhân áp giải bọn Bạch kiếm lang Giả Hổ, Hồng mao hống Ngụy Anh, Trại vân long Hoàng Khánh, Tiểu táng môn Tạ Quảng, Hắc mao sái Cao Thuận, Tôn Cửu Như, Nguyệt Minh, Nguyệt Lãng đến Hình Bộ đính kèm theo văn thư hẳn hoi. Hoa Nguyên Chí và Võ Định Phương vào gặp Hình Bộ chánh đường Lục đại nhân, đem việc ở chùa Tàng Trân thuật lại. Lục đại nhân mới rõ, lập tức cùng tả đường, hữu đường đều thăng đường, sai đem bọn giặc vào. Bọn thủ hạ đưa bọn giặc vào đại đường, chúng đều quỳ xuống, tự xưng tên họ. Lục đại nhân vỗ kỉnh đường, hỏi:

– Các ngươi ở Kim Sa Lãnh, phủ Trấn Giang, cướp ái thiếp của La Thanh Viễn, giết chết tiêu đinh, cướp lấy tiền của, đồng bọn có tất cả bao nhiêu tên? Tại sao lại mạo tên bốn người Lôi Minh, Trần Lượng như thề? Hãy khai thiệt ra để khỏi bị đòn bộng khổ sở!

Bọn giặc đã khai hết ở huyện Tiền Đường rồi, nghĩ rằng không khai cũng không được, mới thuật lại từ đầu đến cuối như trước. Lục đại nhân xem lại tờ khai ở huyện Tiền Đường phù hợp với khẩu cung của bọn giặc, mới dạy đem bọn giặc đóng trăn bỏ vào ngục, chẳng luận thủ phạm tòng phạm, đều đề nghị xử trảm quyết, sau đó sẽ tìm bắt Lý Mãnh, Trần Thanh. Đoạn rút tiêu giám bài kêu bọn Lôi Minh, Trần Lượng, Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng lên. Bốn người cúi chào Lụa đại nhân. Lục đại nhân nói:

– Này bốn người Lôi Minh, Trần Lượng…, vụ án này các vị bị hàm oan, nếu không gặp bản bộ đường, tánh mạng các ngươi khó bảo đảm! Hiện nay ta đã bắt được nguyên án, chân phạm rồi, ta sẽ thả các ngươi ra. Các ngươi nên về nhà sống an phận qua ngày, không nên lân la dọc đường. Như còn vướng phải tai họa, bản bộ đường sẽ trọng phạt đấy!

Bọn Lôi Minh, Trần Lượng cúi đầu cảm tạ, nói:

– Cảm ơn ân điểm của đại nhân, chúng tôi ghi lòng tạc dạ ân đức! Cầu mong đại nhân công hầu vạn đại, lộc vị nâng cao!

Lục đại nhân dạy mở trói cho bốn người Lôi Minh, Trần Lượng, Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng. Bọn họ cảm tạ rồi đi ra. Hoa Nguyên Chí và Võ Định Phương lật đật bước tới đem sự việc vừa qua ở chùa Tàng Trân nói cho họ nghe. Lôi Minh, Trần Lượng nói:

– Đa tạ hai vị huynh đài đã cực khổ vì chúng tôi. Anh em chúng tôi mong có ngày đền đáp ơn này. Bọn tôi phải đến chùa Linh Ẩn cảm tạ Tế Công rồi mới trở về nhà.

– Xin quý vị tự nhiên. Hoa Nguyên chí nói.

Bốn người cùng cáo từ ra khỏi nha môn thẳng đến chùa Linh Ẩn. Đến cổng chùa, hỏi thăm vị tăng giữ cửa:

– Tế Công có trong chùa không?

– Mới về đó, các vị hãy vào đi! Vị tăng giữ cửa đáp.

Bốn người cùng tiến vào trong gặp Tế Điên. Tế Điên hỏi:

– Sự việc của bốn người xong rồi phải không?

Bọn Lôi Minh lập tức bước tới hành lễ Tế Điên và nói:

– Nếu không nhờ Thánh tăng giúp đỡ bắt giặc thì tánh mạng chúng tôi chắc tiêu rồi. Hôm nay chúng tôi đến đây đặc biệt cảm tạ sư phó.

– Bốn người không cần phải cám ơn, hãy mau trở về nhà. Ở trong nhà an phận qua ngày, ít xía vô chuyện không đâu là hay nhất.

Bọn Lôi Minh, Trần Lượng vâng lời cáo từ ra ngoài. Tế Điên bước về Viễn Hạt đường ở phía sau gặp Nguyên Không trưởng lão. Lão phương trượng vừa thấy, nói:

– Nam mô A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai! Đạo Tế, ông về đấy à? Ta đang có ý trông ông, sốt ruột vì ông không về được. Ông phải đưa ta đi một phen nhé!

– Sư phó khỏi cần phải dặn dò. Đệ tử có bổn phận phải đưa lão gia đi mà!

Lão phương trượng ngay lúc đó kêu đạo hầu đem y mão giày vớ mới ra, rồi tự mình đi tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục mới xong, giây lát hai mắt nhắm nghiền rồi viên tịch. Người hầu đưa tin cho chúng tăng bên ngoài hay, lập tức chúng tăng đều kéo vào nhà sau. Thấy lão phương trượng đã tắt nghỉ, mọi người đều cất tiếng khóc lớn. Tế Điên đang quỳ khóc, miệng gào lên:

– Lão hòa thượng chết đáng lắm!

Tri khách Đức Huy ở Kế bên nói:

– Đạo Tế, ông nói gì kỳ vậy? Lão hòa thượng đáng chết à? Như vậy chẳng phải ông muốn Hòa thượng chết sao?

Nói rồi lấy tay xô Tế Điên một cái. Tức thời Tế Điên ngã lăn kềnh ra, đứt hơi ngay đơ luôn. Mọi người nói:

– Chà, không xong rồi! Lại chết thêm một mạng nữa, chắc là phạm trùng tang!

Đức Huy nói:

– Tôi chỉ xô nhẹ một cái mà ông ta ngã kăn quay ra!

Thấy vậy Đức Huy cũng sợ hết hồn, lật đật bảo người kêu vực dậy:

– Đạo Tế ơi, Đạo tế!

Phải một hồi lâu mới thấy Tế Điên tỉnh lại, Đức Huy nói:

– Đạo tế, ông đỡ chưa?

– Không sao đâu, tôi khỏe rồi mà! Tế Điên đáp.

Nói xong kêu người đem cái chum lớn đến, đặt lão hòa thượng vào trong đó rồi khiêng ra sau hoa viên. Các tăng viên đều đắp cà sa, gõ pháp khí, niệm chú Đại Bi và chbú Vãng Sanh cho lão hòa thượng. Mọi người tụng kinh siêu độ xong, mới đem tất cả di vật của Lão hòa thượng giao cho Tế Điên.

Qua hai hôm sau, đại chúng cùng thương lượng, trong chùa phải thỉnh vị Phương trượng mới. Giám tự Quảng Lượng đã có chủ ý sẵn, nên đề nghị mời vị đương gia Phương trượng của chùa Hải Đường tên là Tông Ấn. Vị này họ Trịnh, tục danh là Thiết Ngưu, trước đó ông ta ngầm cho Quảng Lượng 500 lượng bạc, nên mới được Quảng Lượng đề nghị mời làm Phương trượng. Quảng Lượng bàn với chúng tăng nên mời ngài Tông Ấn ở chùa Hải Đường. Tất cả sắp xếp do Quảng Lượng cả nên chúng tăng không ai dám cãi.

Quảng Lượng cho người đi mời, chọn ngày lành tháng tốt Tông Ấn mới đến Linh Ẩn. Chúng tăng đều đắp cà sa, trỗi pháp khí đón rước trọng thể, chỉ có Tế Điên tỉnh bơ, không đắp y cũng không đón rước gì hết. Có người ở kế bên hỏi:

– Đạo Tế, sao ông không đi đón Lão hòa thượng?

Tế Điên nói:

Mũ thì đội ngay đừng đội lệch
Lượm chiếc dây gai gói giày rách
Quỷ lớn, quỷ nhỏ đứng chòm nhom
Ngoắc gọi Thiết Ngưu tiến vào chùa.

Mọi người quở:

– Ông đừng nói bậy, Lão hòa thượng nghe được bắt tội nặng đa!

Nói xong, rước Hòa thượng vào Đại Hùng bảo điện. Trịnh Thiết Ngưu có mang theo hai đệ tử, trong đó có một đứa cháu tên Trịnh Hổ. Đại chúng đến tham bái Lão phương trượng. Tế Điên ở một bên, nói:

– Thưa các vị, hôm nay có một số đồ vật của Lão phương trượng để lại cho tôi, trong đó có xâu chuỗi trân châu 108 hạt. Tôi không cần nó. Để giải buồn, tôi ra một câu đố, nếu ai đoán được, tôi sẽ cho người đó.

Người đọc sách gọi cách đố này là Đăng mê.

Đại chúng đều biết Đạo Tế điên điên khùng khùng, có vật gì nói cho ai là cho người đó. Mọi người nói:

– Ông nói ra đi!

– Trịnh Thiết Ngưu giữ ý không lẽ đích thân đến dự, bèn sai hai tên đồ đệ đến nghe: “Nghe kỹ rồi về nói lại ta sẽ đoán cho”. Hai tiểu hòa thượng mới cũng có mặt.

Tế Điên nói:

Một vật sinh ra lớn thấy ghê,
Bốn chân tám móng rõ to bề,
Chiếc đuôi chẳng khác sợi dây luộc,
Di động cầm dàm nắm kéo lệ

Mọi người nghe xong đều muốn đoán, tiểu hòa thượng lật đật chạy vào báo với Thiết Ngưu. Trịnh Thiết Ngưu hỏi hai tiểu hòa thượng, bọn này học lại đúng như đã nghe. Trịnh Thiết Ngưu nhẩm tính: – “Bốn chân tám móng rõ to bề” chắc là con trâu (Ngưu) rồi. Tiểu hòa thượng chạy ra định nói thì ngoài kia Tế Điên bật mí:

– Các vị đoán không ra à? Nó là con trâu (Ngưu) đó. Để ta ra một câu nữa nhé:

Một cái bầu trong ngoài đều có lông.

Mọi người nghe xong đều nói:

– Đó là vật gì vật kìa?

Hai tiểu hòa thượng chạy vào hỏi Phương trượng Tông Ấn. Tông Ấn nói:

– Cái này không phải dễ đoán đâu. Nếu con nói là vật sống, ông ta nói là vật chết. Không bằng không cứ không dễ đoán được. Hai con ra xem ông ta nói là gì?

Hai chú tiểu lại ra Tây viện, nghe Tế Điên nói:

– Đó là “lỗ tai trâu”. Để ta nói một câu khác lý thú hơn cho quý vị đoán.

Mọi người nhao nhao lên:

– Tế Điên, ông nói câu lý thú đó đi! Mà ông đừng bật mí vội, để chừng nào chúng tôi đoán không được, ông mới nói ra là cái gì nhé! Câu vừa rồi chúng tôi định nói là lỗ tai trâu mà ông đã nói trước rồi.

– Lần này tôi không nói trước đâu, để cho mấy vị từ từ mà đoán.

– Vậy thì ông nói ra đi!

Các ông nghe đây:

Nữ tử sánh vai thật quá hay,
Lập tâm bên cấn quả vô nhai,
Phụng chui dưới lúa (hòa) chim bay mất,
Can mới ló đầu phết trúng tai.
Đây là bốn chữ, các ông đoán thử coi!

Pháp Thông, Pháp Minh hai tiểu đồ đệ của Tông Ấn nhớ kỹ chạy vào nói với thầy. Tông Ấn cũng là người có học, do hai chữ trước, ông ta biết Tế Điên muốn cười ông ta, vì biết mình tên là Thiết Ngưu, Tế Điên mới nói: “Ngưu” và “Lỗ tai trâu”. Nay nghe đọc bốn câu thơ này, ông ta bèn đoán: – “Nữ tử sánh vai” chắc là chữ Hảo. “Lập tâm bên cấn quả vô nhai”, ông ta lấy bút viết ra một hồi lâu rồi “a” lên một tiếng, nói: Phải rồi! Lập tâm là tâm đứng, đặt kế bên chữ Cấn là chữ Hận. Câu ba: “Phụng chui dưới lúa chim bay mất”, nghĩa là chữ Phụng mất chữ Điểu còn lại bộ Nhân đem đặt dưới chữ Hòa thành chữ Thốc là trọc. Câu cuối: “Chữ can ló đầu phết trúng vai” là thêm dấu phẩy một bên là chữ Ngưu. Ráp bốn chữ lại là: Hảo Hận Thốc Ngưu – nghĩa là: Giận thằng Ngưu trọc lắm.

Tông Ấn trong lòng giận lắm nhưng không có cách nào bắt bẻ được, bèn kêu hai tiểu đi gặp Tế Điên, nói câu đó là: “Hảo Hận Thốc Ngưu” để Tế Điên phải tạ lễ. Hai tiểu hòa thượng đến Tây viện nói bốn chữ đó, ai nấy đều cười rộ. Tế Điên nói:

– Cũng được, để ta đưa xâu chuỗi cho hai ông cầm, rồi ta nói một câu hay lắm, để mấy ông đoán chơi.

Hai chú tiểu bước tới tiếp lấy xâu chuỗi trân châu, quả nhiên sáng ánh thật đẹp. Mọi người đều nói:

– Đạo Tế thiệt là khùng! Đáng tiếc vật quý như vậy mà nói đưa ai là đưa người đó.

Tế Điên cười ha hả, nói:

– Người xuất gia phải hoàn toàn một trần không nhiễm, bốn đại giai không. Các ông cho đó là vật báu, còn ta coi nó là đồ vô dụng, chỉ chác họa gây tai mà thôi, chẳng thể làm trường sanh bất lão được. Người xưa thường nói hai câu:

Không chứa của cải, không kết oán,

Ngủ được an nhiên, đi tự do.

Mọi người nghe rồi đều cười nói:

– Ông hãy nói đi! Bọn ta cũng đoán thắng một lần coi nào!

– Được, được.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.