Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất

Cửa 1: Tâm Kinh Tụng



Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

Biển trí tuệ thanh tịnh,

Nghĩa sâu lí khó lường,

Ba-la qua bờ ấy,

Hướng đạo chỉ do tâm.

Nghe nhiều ngàn muôn ý,

Như chỉ chẳng lìa kim,

Tâm Kinh một lối thẳng,

Muôn kiếp Thánh Hiền vâng.

Quán Tự Tại Bồ-tát

Bồ-tát vượt Thánh trí,

Sáu xứ rốt chung đồng,

Tâm không, quán tự tại,

Vô ngại đại thần thông.

Cửa thiền vào chánh thọ,

Tam muội mặc tây đông,

Mười phương dạo chơi khắp,

Nào thấy Phật hành tung.

Hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời

Sáu năm cầu đại đạo,

Hành sâu chẳng lìa thân,

Tâm trí tuệ giải thoát,

Đến bờ kia tột cùng.

Thánh đạo không, rỗng lặng,

Như vậy nay tôi nghe,

Phật hành ý bình đẳng,

Thời đến tự siêu quần.

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không

Tham ái thành năm uẩn,

Giả dối kết làm thân,

Máu thịt liền gân cốt,

Trong da một đống trần.

Đường mê sanh đắm thích,

Bậc trí chẳng làm thân,

Bốn tướng đều tan hoại,

Cái gì gọi là chân?

Độ nhất thiết khổ ách

Vọng buộc thân nên khổ,

Nhân ngã tâm tự mê,

Niết-bàn đạo thanh tịnh,

Ai chịu nhận tâm duyên.

Ấm giới sáu trần khởi,

Ách nạn nghiệp theo liền,

Nếu rõ tâm hết khổ,

Nghe chóng ngộ Bồ-đề.

Xá Lợi Tử

Đạt đạo tâm là gốc,

Tâm tịnh lợi thêm nhiều,

Như sen nhô mặt nước,

Cũng vậy, giác đạo nguồn.

Thường trụ tướng tịch diệt,

Các thứ trí khó qua,

Riêng vượt ngoài ba cõi,

Lại chẳng luyến ta-bà.

Sắc bất dị không, không bất dị sắc

Sắc cùng không một thứ,

Chưa đến thấy hai bên,

Nhị thừa sanh phân biệt,

Chấp tướng tự dối tâm.

Ngoài không, không có sắc,

Phi sắc nghĩa rộng thênh,

Vô sanh tánh thanh tịnh,

Ngộ đó tức Niết-bàn.

Sắc tức thị không, không tức thị sắc

Chẳng không, không chẳng có,

Chẳng sắc, sắc không hình,

Sắc, không đồng về một,

Cõi tịnh được an bình.

Chẳng không, không vi diệu,

Chẳng sắc, sắc rõ ràng,

Sắc, không đều không tướng,

Chỗ nào lập thân hình.

Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị

Thọ, tưởng nhận các duyên,

Hành, thức lượng rộng dung,

Biến kế tâm phải dẹp,

Bệnh ngã chẳng tương quan.

Giải thoát tâm không ngại,

Phá chấp ngộ nguồn tâm,

Nên nói cũng như thế,

Tánh tướng đều như nhau.

Xá Lợi Tử

Nói “Xá” luận thân tướng,

“Lợi” chỉ hạt giống tâm,

Bồ-tát sức trí tuệ,

Bốn tướng chẳng cho xâm.

Đạt đạo lìa chấp nhân,

Thấy tánh pháp không lời,

Các lậu thảy đều đoạn,

Toàn thể là vàng ròng.

Thị chư pháp không tướng

Chư Phật nói pháp không,

Thanh Văn chấp tướng cầu,

Tìm Kinh, kiếm lẽ đạo,

Ngày nào học dứt tâm?

Viên thành tướng chân thật,

Đốn ngộ bỏ tâm tu,

Thênh thang vượt pháp giới,

Tự tại lại lo gì?

Bất sanh bất diệt

Thể Lô-xá thanh tịnh,

Không tướng xưa nay chân,

Như hư không trùm khắp,

Muôn kiếp thể trường tồn.

Chẳng chung cũng chẳng riêng,

Không cũ cũng không mới,

Hòa trần thể không nhiễm,

Ba cõi một mình tôn.

Bất cấu bất tịnh

Chân như vượt ba cõi,

Nhơ sạch xưa nay không,

Đức Phật khởi phương tiện,

Thuyết tế cùng nói thô.

“Không giới” không pháp có,

Thị hiện rõ một vầng,

Xưa nay không một vật,

Hà huống lập hai bên.

Bất tăng bất giảm.

Thể Như Lai không tướng

Tràn đầy khắp hư không,

Trên không khó lập có,

Trong có chẳng thấy không

Xem tợ trăng trong nước,

Nghe như gió bên tai,

Pháp thân nào tăng giảm,

Ba cõi gọi “chân không”.

Thị cố không trung

Bồ-đề không ở ngoài,

Cũng chẳng ở trung gian,

Chẳng tướng chẳng chẳng tướng,

Lượng xét mất cơ quan.

Thế giới chẳng thế giới,

Tam thân chiếu tứ thiên,

Xưa nay không chướng ngại,

Chỗ nào có ngăn che.

Vô sắc, vô thọ tưởng hành thức

Không sắc xưa nay không,

Thọ tưởng vẫn chung đồng,

Hành thức cũng như vậy,

Có hết lại về không.

Chấp có đâu thật có,

Theo không lại lạc không,

Sắc không tâm lìa hết,

Thế mới được thần thông.

Vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý.

Sáu căn không tự tánh,

Theo tướng đặt bày thôi,

Mắt, tai theo thanh sắc,

Nhân ngã lưỡi đùa chơi.

Mũi dối phân mùi ngửi,

Thân ý đắm tình đời,

Sáu nơi ham mến dứt,

Muôn kiếp chẳng luân hồi.

Vô sắc thanh hương vị xúc pháp

Chứng trí không thanh sắc,

Hương vị xúc khác gì,

Sáu trần từ vọng khởi,

Tâm phàm tự lầm nghi.

Sanh tử thôi sanh tử,

Khi ấy chứng Bồ-đề,

Pháp tánh không, không trụ,

Chỉ sợ ngộ chậm thôi.

Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Sáu thức theo vọng dậy,

Y tha tánh tự khai,

Mắt tai cùng thân ý,

Ai có thể đo lường?

Mũi lưỡi hành điên đảo,

Tâm vương khiến quay về,

Không lâu nơi sáu thức,

Đốn ngộ hướng Như Lai.

Vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận.

Mười hai nhân duyên có,

Có sanh, lão liền theo,

Có thân, vô minh đến,

Hai tướng cùng sánh đôi.

Thân diệt, vô minh hết,

Quả báo chẳng hẹn kì,

Biết thân như huyễn hóa,

Gấp gấp ngộ vô vi.

Vô khổ tập diệt đạo.

Bốn đế hưng ba cõi,

Đốn giáo nghĩa phân minh,

Khổ dứt, tập đã diệt,

Đạo thánh tự nhiên thành.

Thanh Văn thôi tưởng dối,

Duyên giác ý an lành,

Muốn biết nơi thành Phật

Trên tâm đừng trệ quanh.

Vô trí diệc vô đắc.

Pháp gốc chẳng phải không,

Trí tuệ khó xét lường,

Tâm hoan hỉ, li cấu,

Phát quang khắp mười phương.

Nan thắng, hiện tiền địa,

Viễn hành đại đạo tràng,

Bất động qua bờ ấy,

Thiện huệ, pháp trung vương.

Dĩ vô sở đắc cố

Thể tịch diệt không được,

Chân không chẳng níu vin,

Xưa nay không tướng mạo,

Phương tiện lập ba đàn.

Tứ trí mở pháp dụ,

Lục độ cửa tạm thôi,

Hàng Tam thừa, Thập địa,

Chúng Thánh khó nghĩ bàn.

Bồ-đề-tát-đỏa.

Phật đạo thật khó thấu,

Bồ-tát là phàm phu,

Chúng sanh muốn thấy tánh,

Kính Phật chớ phụ tâm.

Trong đời thiện tri thức,

Luận pháp nói sâu nông,

Đốn ngộ tâm bình đẳng,

Dứt hết hai bên lầm.

Y Bát-nhã-ba-la-mật-đa cố.

Bát-nhã ấy trí tuệ,

Ba-la vô sở nương,

Tâm không, tánh rộng lớn,

Trong ngoài thảy vô vi.

Tánh “không”, biện vô ngại,

Ba cõi ít ai bì,

Ngộ lớn, sáng đại pháp,

Khen ngợi bất tư nghì.

Tâm vô quái ngại

Giải thoát tâm vô ngại,

Ý tợ như thái hư,

Bốn phương không một vật

Trên dưới thảy đều đồng.

Qua lại tâm tự tại,

Nhân pháp chẳng tương can,

Hỏi đạo đừng thấy vật,

Thong dong thoát chậu lồng.

Vô quái ngại cố vô hữu khủng bố

Sanh tử tâm lo sợ,

Vô vi tánh tự an,

Cảnh quên, tâm cũng diệt,

Biển tánh lặng thênh thang.

Ba thân về đất tịnh,

Tám thức lìa nhân duyên,

Sáu thông theo thật tướng,

Quày đầu lại bản nguyên.

Viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng

Hai bên trọn chớ lập,

Ở giữa chớ lầm tu,

Thấy tánh sanh tử hết,

Bồ-đề không chỗ cầu.

Ngoài thân tìm Phật thật,

Điên đảo một đời thôi,

Ngồi yên thân an lạc,

Quả vô vi khắp nơi.

Cứu kính Niết-bàn.

Không sanh tức cứu kính,

Thanh tịnh ấy Niết-bàn,

Phàm phu đừng luận thánh,

Chưa đến biết chi bàn.

Hữu học cùng vô học,

Trí Phật càng sâu mầu,

Lí vô tâm cốt hội,

Chớ chấp dứt nguồn tâm.

Tam thế chư Phật

Quá khứ lời chẳng thật,

Vị lai cũng chẳng chân,

Hiện tại mầm giác ngộ,

Không pháp gọi huyền môn.

Ba thân cùng về một,

Một tánh biến khắp thân,

Đạt lý ba thời mất,

Một pháp cũng không nhân.

Y Bát-nhã-ba-la-mật-đa cố đắc A-nậu- đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Trí Phật sâu khó lường,

Tuệ giải rộng vô biên,

Tâm Vô thượng biến khắp,

Từ quang chiếu đại thiên.

Tâm tịch diệt khéo léo,

Dựng lập vạn pháp môn,

Bồ-tát nhiều phương tiện,

Rộng cứu độ nhân thiên.

Cố tri Bát-nhã-ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú

Bát-nhã là thần chú,

Hay trừ năm uẩn nghi,

Phiền não thảy đoạn dứt,

Thanh tịnh tự phân ly.

Bốn trí cuồn cuộn sóng,

Tám thức lộ thần uy,

Đèn tâm soi pháp giới,

Đó chính là bồ-đề.

Thị vô thượng chú

Trí Vô thượng tối thắng,

Cứu độ chúng sanh mê,

Tuệ lớn chủ ba cõi,

Nguyện rộng khởi đại bi.

Thuận lòng chúng sanh muốn,

Tùy cảnh dẫn qua mê,

Người người lên bờ giác,

Do mình chẳng do ai.

Thị vô đẳng đẳng chú

Phật đạo nên ngàn Thánh,

Pháp lực không gì hơn,

Chân không diệt pháp có,

Hóa thân hiện hằng sa.

Đến vì chúng sanh khổ,

Đi vì thế gian ma,

Kiếp thạch thảy về hết,

Còn Ta tại Ta-bà.

Năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư

Phật từ tâm rộng lớn,

Đời đời nguyện độ sanh,

Hoằng pháp nêu lẽ thật,

Khắp khuyên gấp tu hành.

Quày đầu thấy tướng thật,

Khổ hết thấy vô sanh,

Dứt hẳn ba đường ác,

Thanh thản trong kia vui.

Cố thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa chú

Nên nói lý chân thật,

Chưa ngộ gấp hồi tâm,

Sáu giặc, mười ác diệt,

Núi ma gốc đổ nhào.

Thần chú trừ ba độc,

Hoa tâm nảy năm chồi,

Trái chín cội rễ chắc,

Bước bước thấy Như Lai.

Tức thuyết chú viết: Yết-đế yết-đế, ba-la yết- đế ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-ba-ha.

Yết-đế giềng mối đạo,

Phương tiện dựng cờ pháp,

Như Lai bậc tối thắng,

Phàm tâm biết đâu lường.

Không bên, không ở giữa,

Không ngắn, cũng không dài,

Bát-nhã Ba-la-mật,

Muôn kiếp xưa nay thường.

 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.