Phổ Đà Sơn Dị Truyện

80. Hướng Dẫn Tham Quan Núi Phổ Đà



Núi Phổ Đà xưa nay vẫn là nơi thiện nam tín nữ cả nước gởi gấm tinh thần ở đó, nổi tiếng là nơi “cõi trời La Hán”. Tương truyền ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày thánh đản Quán Thế Âm Bồ tát, ngày 19 tháng 6 là ngày Bồ tát xuất gia nhập sơn tu đạo, ngày 19 tháng 9 là ngày Bồ tát đắc đạo. Trong ba ngày lễ trên, dịp hội chùa tháng hai là tấp nập đông vui nhất, hội tháng sáu phần lớn là khách du sơn nghỉ mát, nơi đây không khí vùng biển thoáng mát, nhiệt độ điều hòa, giữa trưa hè cũng không quá 20 độ C, sáng sớm và ban đêm hơi lạnh, nhưng ban ngày thì mát mẻ. Vùng nghỉ mát thiết bị đón khách đầy đủ. Tháng chín là hội nhỏ khách hành hương không đông lắm, vào tiết mùa thu khí trời dễ chịu, đến ngày hội tàu thuyền từ khắp nơi đổ về, các tỉnh trong nội địa đến Thượng Hải đáp tàu thủy đến Ninh Ba, rồi ngồi thuyền đến Thẩm Gia Môn, cách núi chỉ có một cái eo nhỏ, thuận buồm xuôi gió chỉ một tiếng đồng hồ là đến chân núi.

Trên núi có ba chùa lớn, hơn tám chục Am đường, có nơi đón tiếp đầy đủ, trong núi lúc nào cũng có vài chục ngàn người, không có việc ăn ở. Khách đến chân núi, có thể ngồi kiệu lên núi, nếu quen đường có thể đi tắt, qua các Am nhỏ, sư tăng ở đó tiếp đón ân cần, ai đến cũng có cảm giác như về nhà. Các Tăng Ni hành cước thường trụ lại ở Chùa Trước, Chùa Sau, ở lại đó rồi có thể đi lễ Phật hoặc vân du thánh tích.

Nếu đặt chương trình đi chơi ba ngày, lấy núi Trước và núi Sau làm nơi xuất phát đi theo hai ngã.

Ngày thứ nhất, đến núi Trước, chùa Phổ Tế là chùa chính thờ Quán Âm được xây dựng sớm nhất, quy mô rất lớn ai đi lễ Phật đều phải đến chùa này… Giữa bệ thờ có thờ tượng ngồi của Bồ tát, phía dưới bày mười tám tượng La hán mạ vàng trong khung tủ, muốn xem phải mời thầy chủ điện đến mở khóa, soi nến mới thấy rõ mặt tượng, có quả chuông 7000 cân treo trên một sợi dây thừng như trên đã giới thiệu, trong bếp có ba chiếc nồi “Thiên Tăng” (cho một ngàn tăng ăn), nồi La hán…, từ phía ngoài chùa đi sang bên phải có Tích Thiện đường, Ân Tọa đường, Thừa Ân đường, Tích Lân đường, Tức Lai viên, Thổ Địa đường (thờ Thổ Công của chùa), đi lên theo hướng Tây có thể thấy ngọn Thiên Đỉnh Phong, Đạt Ma Phong.

Theo đường tắt đã đi về hướng Tây, ven theo Am Bạch Tượng, Am Tu Trúc, Am Viên Thông, Am Mai Phúc (có giếng Mai Phúc, truyền rằng đây là nơi luyện đan của Mai Tử Chân), rồi đến Am Linh Thạch, tham quan tảng đá Rùa Nghe Pháp, Năm Mươi Ba Lần Hỏi Đạo v.v… Đi xuống phía Nam có Đại Phật Đầu, Kim Cương Động, Quán Âm Động, Am Giới Bình rồi đến bờ biển.

Hoặc đi từ Chùa Trước, hướng về Tây qua Am Bàn Đà (trước Am có ao phóng sanh), Am Phổ Tuệ, Am Bảo Liên,, Giác Thanh Hư, Am Phục Hy, rồi đến Kim Cương Động, lên hướng Bắc đến Bàn Đà Thạch rồi vòng về bờ biển. Ven theo bờ biển đi về hướng Đông đến Am Phúc Tuyền (Thiên Hậu Cung), Tây Phương Thuyền (có con thuyền làm bằng bê tông cốt thép, buộc bên bờ biển tượng trưng thuyền từ bi phổ độ chúng sanh sang bờ giác), di tiếp về phía trước qua Am Quảng Phúc, Am Từ Vân (thờ Đoản Cô) rồi đến Đạt Đạo Đầu (bến lên núi), hoặc từ đường Diệu Trang Nghiêm qua Phật Đỉnh Sơn xuống chùa, qua Am Hải Ngạn, Am Bạch Hoa (có nhiều Bích Họa Trúc Thiền), Tam Thanh Đường, rồi quay về Chùa Trước.

Hoặc chuyển hướng đi về Đông Nam, đến Nam Thiên Môn, qua Kim Sa đến Am Phật Thủ, Am Quán Âm, Am Tây Phương, rồi sang rừng Trúc Tía, Động Triều Âm (động này tương truyền thiêng liêng lắm, ở đây có thể nghe tiếng sóng gầm lúc thủy triều lên xuống), ngoặt sang Tây Bắc qua Am Tây Trúc, Am Chính Giác, Am Thiên Phúc, Thiện Hoa Đường, Bách Tử Đường, Tháp Đa Bảo, Am Liên Trì rồi về Chùa Trước.

Ngày thứ hai, xuất phát từ Chùa Trước đi về phía tả, qua phố Phổ Đà, có điện Dược Sư, Trừng Tâm Đường, Long Vương Cung, Pháp Hỉ Viện, Thanh Nhất Đường, Đại Bi Điện, Am Hưng Thiện, Am Hưng Thiện, Am Pháp Như, phòng Hồng Phiệt.

Đến đây, hoặc đi về phía tả lên Động Pháp Hoa, Động Thiên Môn, Am Diệu Phong, xuống hướng Nam đến Kim Tiên Các, rồi qua núi Sau. Hoặc theo đường lớn thẳng đến giếng Tiên, Kim Cương Các, vượt núi sang núi Sau. Theo đường lớn qua Am Duyệt Lĩnh, Am Hạc Minh, Am Đại Thừa (sau điện có tượng Phật nằm, dài mấy trượng), Am Thường Lạc, Am Hương Lâm, Am Trường Sinh, Đỉnh Quang Hy, Tâm Thanh Lương, Am Vũ Hoa, Am Thiền Na, Am Long Thọ, Am Chiên Đàn, Am Song Tuyền (sau am có hai con suối chảy song song, nước không bao giờ cạn), Am Hải Thự, Am Tích Thiện, Am Bạn Sơn, Am Định Tuệ, lên Thanh Lương đến Am Thường Minh, quay xuống phía dưới đến Am Di Lặc, Am Dương Chi, rồi đến Chùa Sau (chùa Pháp Vũ), Chùa Sau có vạc đồng lớn nặng vạn cân,có thể nấu hai mươi bốn tạ gạo.

Ra chùa đi về phía bên trái, lên núi suốt dọc theo đường có bậc đá, có lan can sắt, vừa đi vừa nghỉ, ngoái đầu lại ngắm sang hướng Đông, trời biển một màu, mênh mông khoáng đạt. Qua điện Lôi Tổ, đá Văn Thù (trên tảng đá có khắc bốn chữ “Hải Thiên Phật Quốc” (cõi Phật biển trời) rồi đến chùa Tuệ Tế Phật Đỉnh Sơn, là một trong ba chùa lớn, quy mô cũng khá khả quan. Phía Đông Bắc sau núi có Am Pháp Hỷ (đây có chè nổi tiếng), Tháp Xá Lị, Động Vân Thủy, Am Thiên Trúc, đều là những nơi dành cho các bậc ẩn tu. Ra khỏi chùa, từ ven núi đi về phía Đông qua ngọn Bồ Tát, Đỉnh Quang Hy, Động Sư Tử, Động Cổ Phật, qua Bãi Cát Bay đến Động Phạm Âm, đến đây có thể khấn cầu Bồ tát thị hiện, rồi qua Bãi Cát Bay đi theo ven biển qua Am Cực Lạc, Am Sân Đề, đến Bãi Thiên Sa, cát vàng rải khắp đi trên cát có cảm giác như bước trên chiếc đệm bông, vừa đi vừa ngắm triều dâng, đến Động Triêu Dương (xem mặt trời mọc) rồi quay lại giếng Tiên, trở về đường cũ ở Chùa Trước.

Đến ngày thứ ba, thả thuyền xuôi gió đến Lạc Già, qua khỏi Liên Hoa, nghe nói nơi đây có hai mươi bốn đợt sóng Liên Hoa cuồn cuộn, thuyền lướt trên sóng, dập dình như muốn lật, người không quen cứ nơm nớp không yên, ngọn sóng nọ dồn ngọn sóng kia, bọt nước vút cao, hiện màu ngũ sắc long lanh, đây cũng là một kỳ quan hiếm có.

Trên núi có cảnh Thủy Tinh cung, có bốn túp lều tranh mang tên: Lều Diệu Trạm, Lều Viên Thông, Lều Quán Giác và Lều Tự Tại, xuống phía dưới là Lạc Già Môn, thuyền bè vùng Lưỡng Đông, Phúc Kiến ra biển khơi đều phải qua đây. Góc phía Đông Bắc có tháp Hải Đăng, nhà thơ Đỗ Long thời Minh có thơ:

Bến mê rực sáng ngọn Hải đăng
Hào quang át cả ánh sao, trăng
Muôn kiếp linh quang còn sáng mãi
Năm Tổ qua rồi, ai truyền đăng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.