Phổ Đà Sơn Dị Truyện

78. Tĩnh Tâm Tu Đức Trong Am Nhỏ, Ánh Hào Quang Chiếu Tỏa Thập Phương



Lại nói về các nhà sư tĩnh tu ở Phổ Đà Sơn, trước đây có pháp sư Đế Nhàn, đại sư Ấn Quang, đại sư Thái Hư. Sau chiến tranh chống Nhật, hồi tôi ở Phổ Đà có năm vị đại tăng tĩnh tu ở đây, mỗi người một vẻ. Có một vị là người gốc Phổ Đà, đó là nhà sư Tu Phúc ở Am Duyệt Lĩnh, là một người tu hành có đức hạnh cao. Thầy chuyên tu tông Tịnh Độ, thuộc pháp môn niệm Phật, hồi đó tôi đã được thầy thường xuyên khai thị giáo lý. Còn bốn vị thầy khác là từ nơi khác đến, người đầu tiên mà tôi quen biết là pháp sư Diệu Thiện, nói đến thầy, về mặt hành vi, phẩm hạnh phải nói rất đáng để ta noi theo… vì thầy cũng là người đồng hương với tôi, nên mỗi khi gặp nhau, có điều gì đều tâm sự, về lai lịch xuất gia của thầy có vài nhiều kỳ thú, nhưng ít liên quan đến bài viết này, nên tôi tạm gác lại, nhưng có một đoạn trước khi đến núi Phổ Đà của thầy, là một câu tuyện rất buồn cười và trở thành giai thoại lý thú của Phổ Đà. Truyện kể nghe không tường tận lắm nên tôi đã hỏi kỹ thầy từng chi tiết, nay xin chép lại đây một phần những lời thầy kể lại với tôi, âu cũng là một tấm gương tốt cho những người xuất gia.

Thầy nói: “Hồi xưa, tôi tọa thiền ở chùa Thiên Ninh, thị xã Thường Châu, bị thổ huyết mấy lần. sau chuyển sang chùa Cao Mân, lúc đó bệnh phổi đã ở thời kỳ thứ ba, nhiều người nói là không sao cứu chữa nổi rồi, sau được thầy Quả Lão phát lòng từ bi, dành cho một căn buồng để tôi tịnh dưỡng ba năm, không niệm Phật, không tham thiền, không xem sách, không làm việc, mọi truyện gác lại hết, điều dưỡng suốt ba năm trời, tự nhiên cái bệnh bất cứu kia bỗng khỏi hẳn, chẳng cần thuốc men gì, ít lâu sau được thụ ký. Đến năm ba mươi tuổi, làm trụ xứ ở chùa Cao Mân, ở đó ba năm, lao tâm khổ tứ lo công việc, thế lực sa sút, nhưng thầy giới sư không cho thoái hưu, do đó tôi đành “treo ấn” trốn khỏi chùa, thế là phủi tay ra rũ áo ra đi, lòng thanh thản nhẹ lâng lâng, đi vào cuộc sống vân du sơn thủy bảy mươi ba mọi góc biển chân trời. Từ đó tôi bắt đầu tính toán cho sự nghiệp lớn của bản thân, tôi đến xin trọ ở chùa Linh Ẩn, Hàng Châu, kiếm được một chức nhỏ chủ điện ở đó, hàng ngày quét tước lau chùi điện Phật, thay nước, thắp hương trên bệ Phật, rỗi rãi tôi lại làm cái việc quen thuộc tọa thiền. Thầy trụ xứ cũng không biết tôi là ai, và tôi cũng không muốn cho ai biết tôi là ai, để được sống yên ổn tại đây. Nhưng “cảnh đẹp chóng tàn”, ở đây chưa được một tháng đã bị người khác nhận ra, thầy trụ xứ ở chùa Linh Ẩn định mời tôi ngày mai đền thầy ăn bữa cơm chay, tôi đoán trước được sự việc, nên vội vàng đeo túi “chuồn” thẳng một mạch đến chùa A Dục Vương ở Ninh Ba xin trọ lại ở đó, làm chân coi cửa và quét dọn, hàng ngày quét lá rụng, làm cỏ v.v…, chắc mẩm chuyến này không còn ai phát hiện ra mình nữa. Nào ngờ, chưa được hai tháng, một hôm khi tôi đang quét lá ở ngoài vườn, bỗng có một Phật tử ở chùa Cao Mân trước đây thấy tôi bèn cúi đầu kính lễ và nói: “Đại Hòa thượng đến đây từ bao giờ?” Tôi bực lắm, thế là cái “bát ăn” của mình bị đập vỡ, tôi quẳng luôn chiếc chổi trong tay, khoác túi, thôi: “ba mươi sáu chước tẩu vi thượng sách”, thế là lại ra đi. Trong bụng nghĩ thầm: cái gầm trời rộng lớn như vậy lẽ nào không cho ta một chốn nương thân được hay sao, núi Phổ Đà nằm ở giữa biển, có lẽ không có ai biết được ta, thế là tôi đến trọ ở Chùa Trước ở núi Phổ Đà. Đó là Dân Quốc năm thứ 33, trong nhà khách lắm muỗi nhiều rệp, trời lại nóng bức, ăn uống lại rất cực khổ, mỗi ngày chỉ hai bữa cháo điều đó tôi không lo, tôi chỉ sợ nhất là muỗi và rệp. Thế rồi có một vị pháp sư Mao Bồng, giới thiệu tôi đến ở Niệm Phật Đường cho tĩnh, hàng ngày có thể lên đại điện để lễ, một hôm tiếng chuông báo buổi lễ chiều vừa rung, bỗng vị sư già ở đâu đến trước mặt tôi quỳ xuống lạy, tôi cuống lên, nghĩ bụng chẳng lẽ cái hòn đảo giữa biển này cũng không có chỗ dung thân cho tôi sao? Trở về Chùa Trước, tôi định đeo khăn gói rời khỏi nơi này, nhưng trời sắp tối không có thuyền, thầy pháp sư đang gia Viên Chiếu ở Am Hồng Phiệt lại đến mời tôi bằng được,thế là tôi đành ở lại, suốt sáu tháng trời không ra khỏi cửa,sau đó tôi tĩnh tu trong một túp lều cỏ ở đó suốt ba năm”.

Nghe xong lời tự thuật đoạn truyền kỳ trên đây, tôi nói đùa: “Thầy treo ấn bỏ trốn, bỏ Phương trượng như cởi giày, ngang với đám Sào Phủ, Hứa Do ẩn sĩ rồi đấy!” Thầy nghe xong chỉ cười. Thầy sống quá giản dị, Nhan Hồi xưa kia, một giỏ cơm một bình nước, ở trong ngõ hẻm được coi là người hiền, nay, cuộc sống của thầy Diệu Thiện so với Nhan Hồi còn khổ hơn. Tháng 7 năm thứ 36, thầy rời hỏi núi, ở trong một túp lều cỏ, nghiên cứu Thiên Thai Chỉ Quán, giáo lý về tứ giáo nghi thầy tự tu cả rất tinh thông, giảng giải mạch lạc rõ ràng.. Tháng hai năm 38, thầy lại tĩnh tu Pháp Hoa ở Am Diệu Phong. Một hôm tôi gõ cửa hỏi đạo, sau buổi tham học, tôi hỏi: “Hàng ngày thầy bận tu luyện gì, có đủ thì giờ trò truyện với tôi được không?” Bị tôi hỏi như vậy, thầy cười nói: “Thầy không hỏi tôi, tôi cũng không để ý tính thời gian, bây giờ tôi tính lại thì mỗi ngày được bốn tiếng kinh Pháp Hoa, lễ Phật tám trăm lễ mất bốn tiếng, tĩnh tọa ba nén hương hết ba tiếng, sáng tối hai buổi học bài hai tiếng, hai bữa cơm mất hai tiếng, ngủ sáu tiếng, tổng cộng là hai mươi mốt tiếng, còn ba tiếng có thể nói truyện với thầy”. Tôi nghe xong tự thấy hổ thẹn thấy người lại ngẫm đến ta, từ ngày xuất gia đến nay, ngày tháng trôi qua, đức hạnh chưa thành, tuổi đời cứ đến, nhất là từ khi sang Đài Bắc đến nay, chạy ngược chạy xuôi, nói cho nó hay cũng là làm việc hoằng pháp, thực ra thì thật là xấu hổ, có làm được gì cho ra trò đâu?

Lại có một vị pháp sư khác tên là Thọ Dã, tĩnh tu ở Bách Tử Đường, thầy Thọ Dã là một tăng gì đại đức có danh tiếng ở trong nước, là một đại tăng ở chùa Quảng Tế, núi Ngũ Đài, một trong bốn danh sơn lớn. Thầy cũng là Phương trượng ở chùa Phổ Tế Thượng Hải. Thầy đã từng phát tâm vô thượng, chích máu viết kinh, thầy chích máu ở lưỡi và ở đầu ngón tay viết kinh Hoa Nghiêm gồm tám mươi mốt quyển, thầy đóng cửa tĩnh tu ở Bách Tử Đường, tôi cũng luôn bám lấy Thầy, gõ cửa hỏi đạo. Thầy là người Vô Tích, Giang Tô, xuất gia từ một ngôi miếu nhỏ ở huyện Như Cao. Thầy coi tôi như người cùng quê, nên không truyện gì không nói. Thầy nghiên cứu Ngũ Giáo Hoa Nghiêm rất chăm chỉ, thầy cho biết mỗi đêm chỉ ngủ hai tiếng, không ngủ trưa, do đó đủ thấy mức độ gia công dụng hạnh, hành giải tinh tiến của thầy. Sau vì đất nước chiến tranh, nghe đâu thầy sang Sài Gòn (Việt Nam) và ở lại đó dựng tùng lâm để quảng kết Tăng duyên.

Ngoài ra còn có một vị pháp sư Trần Không, thầy tĩnh tu tu ở Am Song Tuyền. Thầy người Kinh Môn, Hồ Bắc, chín tuổi xuất gia, tinh nghiêm giới luật, theo đại sư Thái Hư, một lãnh tụ Phật giáo tổng cộng hai chục năm, từng gánh chức chủ nhiệm giáo vụ Viện Giáo Lý Hán Tạng, chủ biên nhiều khóa báo Hải Triều Âm, suốt đời chưa làm Phương trượng (chức trụ xứ một chùa), tâm hồn thanh thản, dáng vẻ như một thư sinh đúng là một Phật tử hiền hòa thực thụ. Đệ tử của thầy có thể nói toàn là đám người “an bần lạc đạo”. Dân Quốc năm thứ 37, thầy đến sơn môn, đến Am Song Tuyền tĩnh tu ở đó. Pháp sư Tinh Dũng là đang gia của Am, cũng là đồng hương của tôi, cho nên tôi cũng trọ ở Am Song Tuyền để tự tu, cùng một am với pháp sư Trần Không. Thầy ở trên gác, tôi ở dưới nhà, sớm tối gặp nhau, có điều gì tâm sự với nhau, vô tình tôi trở thành người gác cửa tĩnh tu của thầy. Chúng tôi ở với nhau hơn một năm, trở nên đôi bạn đồng đạo tri âm, đại sư Diệu Thiện, đại sư Thọ Dã, pháp sư Trần Không, cả ba vị cùng tuổi, năm đó là bốn mươi mốt tuổi, có người nói họ là Tam Thánh phát nguyện đến tĩnh tu ở Phổ Đà, tôi cũng không để ý lắm đến câu nói đó.

Còn một vị lão Tăng nữa là thầy Đức Viên, thầy tu ở Am Bạch Y ở Bắc Kinh, đạo đức, giới hạnh của thầy rất tốt, tâm cúng dàng của thầy cũng đặc biệt rộng rãi. Khi chạy nạn về Phổ Đà cùng ở với đại sư Thọ Dã ở Bách Thọ Đường, thầy muốn tĩnh tu, nhưng không có người tác thành giúp đỡ, vì thầy Khánh Diệu đang gia ở Am Mai Phúc với tôi là chỗ đồng hương, cho nên tôi giới thiệu thầy đến đó tĩnh tu.

Mấy vị kể trên có thể nói là bậc mô phạm của Tăng chúng Phật giáo và cũng có thể là ngôi sao trí tuệ, lương thiện của nhân loại, tuy chỉ tu trong một căn buồng nhỏ, ngồi trên một chiếc chiếu con, nhưng ánh sáng đạo đức của họ tỏa khắp thập phương. Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Tôi cũng may mắn được gần gũi các vị ấy, cho nên hồi ở Phổ Đà cũng làm được đôi việc, cũng gọi là rỏ được vài giọt sương móc đạo tâm, từ khi đến Đài Loan đến nay, bôn ba khắp nơi, ngược xuôi vất vả cho mọi người, cuộc sống chưa yên, nơi ở chưa định, có khi phải mượn mấy chữ quèn để kiếm sống, những giọt sương móc đạo tâm kia, rồi cũng không biết đã rỏ xuống nơi nào. Nghĩ đến đó thật đáng thương đáng tủi. Giờ đây lưu vong ở chốn chân trời góc biển, những tưởng nhờ chốn danh sơn, trong lòng không dứt khỏi nỗi xót xa vô hạn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.