Phổ Đà Sơn Dị Truyện

77. Phổ Đà Sơn Thật Lắm Truyện Lạ, Kẻ Phàm Phu Hiểu Hết Được Sao?



Tục ngữ có câu: “Sư tăng không tác quái, trai chủ không lễ bái”. Tất nhiên cũng có một số ít loại sư tăng xấu cố làm ra như vậy (để người ta tưởng lầm là “La Hán” ứng hóa, chứ thực ra thì họ đúng là loại sư biến chất), nhưng cũng có một số ư rất kỳ quái, có lẽ mỗi danh sơn đều có vài nhà sư như vậy, làm cho màu sắc của sơn môn thêm đa dạng. Đây tôi xin điểm vài truyện:

Hồi tôi chưa đến Phổ Đà, có một nhà sư gọi là Tiểu Quảng Đông (người Quảng Đông) là một người rất lạ, có người gọi là “bán tiên” (nửa tiên), có người gọi là La hán. Thầy ít nói truyện với ai, thậm chí ba năm không nói được sáu câu, không hóa duyên (xin tiền) của ai, và cũng không thấy Thầy ăn uống gì. Thầy không những không nói truyện, ngay cả ai muốn gặp để thấy mặt thầy cũng khó. Thầy nghe tiếng ai gọi tên là thầy chạy, thậm chí chạy lên núi, trèo lên cây để trốn không chịu cho ai thấy mặt, cho tiền thầy cũng không nhận, nếu có nhận thì thầy cũng chuyển cho người khác ngay, nếu không thì thầy quẳng ngay vào lư hương. Nghe nói, khi thầy chết, thầy tự vào rừng nhặt cỏ khô, củi cành, rồi ra bãi cát chất lên tự thiêu.

Nói đến nhà sư kỳ lạ ở núi Phổ Đà, có một câu truyện không ai có thể quên được, đó là truyện Tiểu La Hán. Tên thầy là gì không ai biết. Nghe nói trước thầy bị câm, ba năm không nói được một câu nào, nhưng thầy có một người anh ruột, nghe đâu là một vị sư trụ trì hoặc Phương trượng gì đó, thầy cũng rất quan tâm đến em ruột của mình, thương em bị khổ vì câm, nên bảo em cứ đến đêm khuya vắng vẻ thành tâm lễ Bồ tát Quán Thế Âm đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn, Bồ tát nhất định sẽ cảm ứng và chữa khỏi bệnh câm cho em thầy. Tiểu La Hán nghe theo lời dặn của anh, ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ chỉ tịnh, mọi người ngủ rồi là chú bắt đầu lễ Quán Âm Bồ tátt liên tục như vậy mấy năm, đúng là người có thành tâm, Bồ tát nhất định sẽ tùy nguyện mà cảm ứng. Tiểu La Hán dần dà nói được, không những nói được mà còn rất có duyên với mọi người, sống cởi mở rộng rãi, ít ốm đau, ít phiền não có phong độ của nhà sư Phụng Hóa đời đường, trong cả sơn môn từ già chí trẻ, Tăng cũng như tục đều biết Tiểu La Hán, và ai ai cũng thích gần, nhưng tính chú như điên điên dại dại, cho nên gặp ai chú cũng trêu ghẹo cho vui, nhưng chưa bao giờ thấy chú tỏ ra khó chịu tức giận và cũng không hề cãi cọ với ai bao giờ, suốt ngày lúc nào cũng tươi cười với mọi người.

Có một điều đặc biệt là chú có một cái bụng to kinh khủng, cái bụng của chú quả thật không thể coi thường được. Cái bụng ấy không những chứa được sự nhẫn nhục, mà người khác không thể chịu đựng được, mà còn có thể chứa đựng một lượng cơm mà người khác không sao chứa nổi. Bụng của chú không kém gì bụng của Bồ tát Di Lặc. Nếu không ai cho ăn gì thì chú cũng nhịn liền không cần ăn, nếu cho ăn thì dư bao nhiêu chú cũng ăn hết, không bao giờ từ chối, chú cho hết vào cái “túi da” trời cho của chú. Đồng thời một điều lạ lùng là các loại món ăn, chua cay mặn ngọt, thậm chí thiu thối thì chú cũng chẳng chê bao giờ, ăn tất. Có người cố tình đùa chú, thấy chú ăn bất kỳ thứ gì, kể cả cơm thừa canh cặn, hết hàng thùng rồi, họ mang thêm cho chú một thùng nước sôi để nguội, nói với chú: “Chú Tiểu La Hán này, ở đây có một ấm vại nước trắng, chú có uống hết được không?” Chú cười và nói: “Để thử xem sao!”, thế là chú cho miệng luôn vào vòi ấm tu ừng ực, chỉ một lát là cạn sạch cả ấm vại nước, nhả vòi thở phào một cái, cười và nói: “Còn nữa không?” Mọi người lấy làm lạ và phục lắm. Chú Tiểu La Hán có cái bụng to như vậy cho nên chú nổi tiếng về cái bụng ấy ở cả sơn môn, không ai không biết.

Chú còn có một cái đặc biệt khác là từ khi lễ Quán Âm Bồ tát, được cảm ứng mà biết nói đến nay, chú chưa hề ốm bao giờ, dù trời nóng hay lạnh, ăn chua ăn ngọt, cơm thiu canh hẩm, uống nước lã, nằm sương nằm gió, chú không bị đau bụng bao giờ, cho nên mọi người gọi chú là Tiểu La Hán kể cũng xứng đáng, đúng ra là một vị La Hán ngốc nghếch. Có một điều buồn cười nhất là, chú chỉ sợ bị người ta đuổi ra khỏi Phổ Đà, dù chửi mắng, đánh đập ghẹo trêu, lăng nhục, chú đều chịu đựng, nhưng tuyệt đối không thể khai trừ chú ra khỏi sơn môn. Nếu có người nói với chú: “Thầy trụ xứ định đưa chú ra khỏi sơn môn đấy!” thì chú nổi khùng ngay lên, và lôi cho bằng được người ấy đến trước mặt thầy trụ xứ. Thầy trú xứ phải trả lời rằng: “Không có việc đó, các đạo hữu đùa chú đấy thôi, chứ sao lại đuổi chú đi đâu được?” Lúc đó chú mới buông tay, đảnh lễ thầy trụ xứ rồi mới thôi. Tôi nghĩ sở dĩ chú không muốn rời Phổ Đà là muốn ngầm ở lại bảo vệ danh sơn, thị hiện thành một nhà sư dở người mà thôi.

Ở Chùa Sau có một vị đạo sĩ đến trọ (bởi vì ở Chùa Sau, cũng như ở Phổ Đà nói chúng, các đạo sĩ, đạo cô, Lạt ma tức Tỳ khưu Tây Tạng đều có thể trọ lại), vị đạo sĩ già này đã trọ lại tu học ở Chùa Sau hai mươi mấy năm nay rồi, ngày nào cũng lên đại điện làm lễ, đọc nhiều loại kinh, riêng phẩm “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện” thì ngày nào thầy cũng tụng một lượt, hầu như thuộc làu; tiền hóa duyên được một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần thầy đều đưa xuống nhà kho để cúng chúng cả, đã hơn bảy mươi tuổi rồi, khi thấy chúng tôi, thầy rất khách khí, chắp tay nhường đường. Hồi ở Phổ Đà, tôi rất thích nói chuyện với những người này, có người nói rằng đó là Bồ tát hóa hiện thành người tu hành ngoại đạo đến cúng dàng Phật pháp, Quán Âm Bồ tát có ba mươi hai phép ứng hiện, Thiện Tài đồng tử có năm mươi ba lần đi xin học đạo, trong đó có rất nhiều Bồ tát thị hiện thành tướng ngoại đạo.

Ngoài ra tôi cũng tận mắt thấy mấy nhà tu hành, có người không bao giờ xin tiền hóa duyên của ai, có người lại chuyên đi xin tiền, người không xin tiền thì có cho, ông ta chỉ mỉm cười lắc đầu, còn người chuyên đi xin tiền thì trông thấy khách từ xa đã chạy đến xin cho bằng được. Ở Phật Đỉnh Sơn, có một vị tu sĩ già, ngày nào cũng đi ra ngoài hóa duyên, được đồng nào ông cho hết vào trong ống tay áo, không chịu tiêu xu nào, trong ống tay áo của ông phải nặng hơn chục cân, tiền nằm trong ống tay áo của ông có tờ hơn mười năm, có tờ phải đến hai chục năm, rồi tiền to tiền nhỏ đủ các loại, tiền đồng, tiền bạc, xu hào không thiếu loại gì, chẳng khác gì một cái kho giấy bạc. Không ai xơ múi được một xu của ông, ban ngày đi hóa duyên, ban đêm đọc kinh Hoa Nghiêm, lễ Phật dấu chân ông đứng lõm xuống rất sâu, hầu như suốt ngày đêm không thấy ông ngủ bao giờ, mấy chục năm chưa thấy ông tắm lần nào, nhưng trên người ông không thấy hôi hám, không có rận chấy, đó cũng là một loại người kỳ quái, một truyện lạ.

Có lẽ vào khoảng năm thú 37 Dân Quốc, ở Chùa Trước có một vị Lạt ma Mông Cổ, trọ ở Phổ Đà mấy năm, hồi đó tôi làm Tri khách ở Chùa Trước, ông thường đến lễ ở đại điện. Sau mọi người thấy ông là một người rất tốt, bèn chiếu cố xếp riêng cho ông một căn buồng nhỏ để tiện tĩnh tu, ban ngày ông đi hóa duyên, hoặc cùng mọi người chấp tác, ban đêm lễ tám mươi tám vị Phật, đọc mật chú… Bỗng một hôm, ông biết sắp về cõi Tây phương, trước khi tịch khoảng hai tiếng đồng hồ, ông vẫn còn đi hóa duyên ở ngoài phố, mua đậu răng ngựa rang ăn, khi trở về Vân Thủy Đường ở Chùa Trước, ông đi báo biệt với mọi người đồng học xin trở về, mọi người cứ tưởng ông sẽ lên đường về quê Mông Cổ. Sau đó ông về phòng, thắp nến, lễ mấy lễ, lên giường ngồi phu tòa, trùm chiếc khăn đơn lên người, nhắm mắt, thế là ông vãng sanh cõi Tây phương.

Tôi đến xem tận nơi, thấy ông tọa hóa trên giường như người nhập thiền định, thanh thản. Đây cũng là một truyện kỳ lạ.

Như chúng ta đều biết, một đạo tràng Bồ tát thị hiện ở nhân gian, thì không thể tránh khỏi tướng xã hội ở nhân gian! Cho nên dù tốt dù xấu, dù thần dị đến đâu, tốt nhất ta cũng không nên sinh lòng phân biệt, tâm cảnh của người trần tục không bao giờ có thể lường được cảnh giới Bồ tát! Khi ta thấy truyện lạ, người lạ như vậy, nếu cứ lấy những kiến thức hiểu biết hạn hẹp, bộ óc thông minh nhỏ bé của mình để nhìn nhận, thì sao có thể thấy hết được mọi lẽ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.