Truyền rằng có một người làm nghề giết lợn, nghiện rượu lại hay gây gổ, đối với mẹ già thì bất hiếu vô cùng, cử chỉ thô bạo, thường ra ngoài uống rượu say về nhà lại chửi mắng mẹ già, có khi còn đánh đập mẹ già một cách tàn bạo. Bà mẹ quả phụ ấy sinh ra một đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu với bà như vậy, bà chỉ tự giận mình là nghiệp chướng kiếp trước quá nặng, và chỉ than thở cho số phận của mình quá khổ. Trong nhà chỉ có bàn thờ Thánh tượng Quán Âm. Mỗi khi con bà đi vắng nhà, bà lại đến trước tượng Phật, quỳ khấn sám hối túc nghiệp, mong Quán Âm Bồ tát đại từ đại bi hãy thương xót cho cái tuổi già đỡ khổ, hiển linh cảm hóa cho đứa con ngỗ nghịch của bà, hồi tâm chuyển ý, cải ác hướng thiện, đừng đánh chửi bà nữa.
Đúng là người có thành tâm, Phật có cảm ứng. Đứa con của bà tuy bất hiếu với mẹ nhưng vẫn còn có chút lòng tin đối với đạo Phật, nên rất muốn được đi lễ núi Phổ Đà, lại đúng vào mùa xuân giêng hai, khách hành hương tấp nập kéo nhau đi lễ Quán Âm Bồ tát ở Phổ Đà rất đông, nếu Bồ tát không có cảm ứng thì làm sao có thể cảm hóa đám người này được? Anh ta lại nghe những người đi lễ Phổ Đà về, nói được trông thấy Quán Thế Âm Bồ tát sống, tất cả những cái đó đã khơi dậy cái tâm đạo trong con người anh đồ tể bất hiếu này. Thế là hắn cùng với đoàn người đi hành hương, ngày đi đêm nghỉ, lúc lên ngựa, lúc xuống thuyền, chẳng mấy chốc mà đã đến chân núi Phổ Đà.