Phổ Đà Sơn Dị Truyện

53. Phật Đỉnh Sơn - "Quán Âm Gáo Nước" Hiện Chân Thân



(Cư Sĩ TRÀ dịch)

PHÁT NGUYỆN XUẤT GIA TU ĐẠO

Còn một câu truyện ở Phật Đỉnh Sơn đáng kể ra đây, đó là truyện “Quán Âm Gáo Nước”. Quán Âm Đại Sĩ luôn luôn tùy loại mà hóa thân, chỉ cần chúng ta có lòng tin kiên định đầy đủ đối với Phật, Bồ tát, thì cuối cùng công đức sẽ đầy đủ, không mất đi vô ích. Đối với Bồ tát, cầu đâu ứng đó, tùy theo nguyện của chúng sanh mà ứng hiện sắc thân, có “cảm” ắt có “thông”, không tin, hãy nghe câu truyện “Quán Âm Gáo Nước” ở chùa Phật Đỉnh sau đây:

Vào Tết Trùng Dương, năm Dân Quốc thứ 38, cơ quan cao nhất đóng ở Phổ Đà Sơn là Chiết Đông Hành Thự (tức cơ quan hành chính ở vùng Chiết Đông), hôm đó có rất nhiều các vị quan chức lên Phật Đỉnh Sơn du ngoạn, theo tục lệ “Trùng Cửu Đăng Cao” (mồng chín tháng chín đi leo núi). Tôi cùng đi với đoàn du ngoạn, có cả tướng quân Du Tế Dân, trưởng ban Quân vụ Viên Kiến Huân tiên sinh. Sư trụ trì Khánh Quy Hòa thượng, tổ chức tiệc chay chiêu đãi, sau đó mọi người đề nghị cho đi xem “Bồ tát Gáo Nước”, ngày thường muốn xem phải dùng đèn pin hoặc nến đuốc, nhưng chỉ thấy lờ mờ không rõ, có một cái gáo nước bằng đồng có cán, để trong một cái hộp gỗ quý, hình cây tháp đặt trên bệ thờ, trên có khắc đoạn kinh trong Phẩm Phổ Môn chữ vàng, người thường không được tùy tiện lấy ra xem. Hôm đó vì người xem đông, lại đều là lớp trí thức, bậc yếu nhân của quân đội và chánh phủ, nên tôi đề nghị cho lấy chiếc gáo trong hộp ra để mọi người được nhìn rõ, để người nào không tin khỏi nghi ngờ. Hồi đó chính tay tôi thỉnh “Quán Âm Gáo Nước” ra để cho mọi người chiêm ngưỡng. Thánh tượng Bồ tát hiện lên trên cán gáo, trông hệt tượng cô gái đồng trinh, thần quang rực rỡ, ai trông thấy cũng sanh lòng kính mộ. Bởi vì mọi người không hiểu lai lịch của Quán Âm gáo nước, cho nên họ đòi hỏi được giải thích rõ.

Tôi giải thích theo lời kể của trụ xứ. Đó là vào khoảng hơn hai chục năm về trước, ở nhà bếp có một vị trà dịch (chuyên lo việc nấu nước pha trà), là một cư sĩ tại gia, phát tâm xin nguyện việc nấu nước cho nhà bếp để cúng dàng đại chúng, ông ta rất tín ngưỡng Quán Âm Bồ tát, thân ông thì phục dịch công việc, nhưng tâm vẫn chuyên chú tu hành, nghĩa là tu hành không làm trở ngại công việc phục dịch, phục dịch không ảnh hưởng gì đến tu hành, ông ta khác hẳn với một số người tu hành ngày nay, nếu có ai khuyên họ tu hành, thì họ trả lời gọn lỏn ba chữ “tôi bận lắm”, chứ họ không biết rằng gánh nước, bổ củi cũng chính là Thiền thượng thừa đấy!. Làm việc thì bằng thân thể tay chân, tu hành thì dùng tâm và miệng, như vậy thì làm việc và tu hành chẳng trở ngại gì nhau cả. Vị cư sĩ già hiểu được lý lẽ đó, cho nên ông đun nước hai chục năm, hai việc đó gắn liền với nhau, và làm việc có kế hoạch, cứ ba giờ sáng đã dậy, làm việc đến chín giờ đêm, nhưng cũng là thời gian tu hành từng ấy tiếng, bởi vì việc tu hành đem lại hứng thú trong công việc, tâm, miệng và tay chân cùng làm việc một lúc, tay cầm gáo múc một gáo nước, miệng đọc một tiếng Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, tay động, mồm đọc, tay làm việc không ngừng, mồn đọc không dứt, cứ như vậy liên tục hai mươi năm. Quả là người có thành tâm, Phật có cảm ứng, Bồ tát hiện thân độ ông xuất gia.

Một hôm ông cầm gáo múc nước, bỗng phát hiện trên cán gáo có một bức tượng Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện trên cán gáo, hình hiện rõ ràng, ông mừng lắm, chẳng khác nào Cô Lông phát hiện đại lục mới, ông vội vàng chạy vào phòng Phương trượng, bạch với đại Hòa thượng (thầy trụ xứ lúc bấy giờ). Đúng là một kỳ tích, đại Hòa thượng cũng hiểu đó là sự cảm ứng của một người tu hành có đạo hạnh, cả chùa nghe tin biết truyện, ai cũng tấm tắc, đúng là “người có công phu trời chẳng phụ” huống chi là Quán Thế Âm Bồ tát. Ngài luôn luôn “tầm thanh cứu khổ, tùy loại ứng hiện!” Tiếng đồn truyền khắp cả chùa, sau đó chiếc gáo múc nước được đưa vào bảo tàng ở chùa và có một tín đồ phát tâm làm một chiếc hộp đặt chiếc gáo vào đó và lập bàn thờ để cúng. Còn vị cư sĩ đun nước đã phát nguyện xuất gia để đền ơn Phật, nghe nói ông hãy còn sống, nhưng không ở chùa mấy năm nay rồi, nghe đâu cũng có một tín đồ nào đó đã mời ông về nhà để cúng dàng. Nghe xong câu truyện này, rồi đối chiếu với sự thật, đã có mấy vị quan chức ở huyện trước không tin đạo Phật, nay cũng xin quy y Tam Bảo, bước vào cửa Phật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.