Phổ Đà Sơn Dị Truyện

46. Lầu Đọc Kinh Ưu Tiên Tham Cứu, Quy Định Rõ Bia Đá Còn Ghi



Phật Đỉnh Sơn còn có tên là Bạch Hoa Sơn, hoặc là Bồ tát Đỉnh, nằm giữa bốn ngọn núi, cao tới 116 trượng. Đứng trên đỉnh cao nhìn về phía xa, biển trời mênh mông “có cảm giác như cả vũ trụ nằm trên bàn tay” (lời Quốc phụ), nhìn phía dưới, ánh hồng phản chiếu có ngọn núi in bóng trên mặt biển, trông tựa như những chiếc gáo tròn úp trên vũng nước. Trước đây có ngôi đình xây bằng đá trong có tượng Phật, nay dựng thành cây đèn tháp, để chỉ hướng cho tàu thuyền qua lại. Câu “Trèo lên đài Thiên Đăng (đèn trời) ở Phật Đỉnh Sơn” của Quốc phụ viết, chính là chỉ nơi đây. Từ chỗ đài Thiên Đăng đi xuống không xa là chùa Tuệ Tế, chùa này là một trong ba ngôi chùa lớn của Phổ Đà, được xây từ thời Minh, đến năm Càn Long thư 58 mới có thêm bảo điện Viên Thông. Năm Quang Tự thứ 33 có thỉnh được các sách kinh điển đại tạng từ Bắc Kinh đưa tới, sau có Hòa thượng Văn Chánh xây dựng mở rộng, nơi đây mới trở thành ngôi chùa lớn, xếp ngang hàng với Chùa Trước và Chùa Sau, và được coi là ba tùng lâm lớn của Phổ Đà, nhưng dù sao vẫn chỉ là hàng tùng lâm con cháu mà thôi. Chùa Tuệ Tế tục gọi là Phật Đỉnh Sơn, quả là một thắng cảnh yên tĩnh, là nơi tĩnh tâm tu hành, nghiên cứu Phật điển, đất cao người vắng, là chốn đạo trang thanh tĩnh nhất của cả vùng núi Phổ Đà. Quy mô cũng rất khả quan, Lầu Kinh Tạng sạch sẽ khang trang, thiết bị đầy đủ, hoàn thiện hơn hẳn các nơi khác, có nơi riêng đủ cho tám người ngồi đọc kinh tạng thường xuyên, đặt ra chế độ ưu tiên, như Ấn Thuận Pháp sư là bậc đại sư Phật học đương đại, là người đã từng đọc kinh tạng ở đây mấy năm liền, người đi sâu vào kinh tạng, nên trí tuệ của người mới được uyên bác như ngày nay.

Năm Dân Quốc thứ 36, tôi đến núi Phổ Đà, thấy có bia đá khắc chữ, ưu đãi những ai đến đọc kinh tạng, cho nên cũng rũ mấy vị đồng đạo cùng học đến Phật Đỉnh Sơn xin đọc. Sở nguyện của chúng tôi định ở đây ba năm, được thầy trụ trì chùa này nói rõ các chế độ ưu đãi đối với người đọc (theo quy định thì cứ tám vị Pháp sư đến đọc sẽ được cúng dàng người phụ dịch trà nước, phí tổn là trích từ mấy mẫu ruộng thì điền hộ pháp cung ứng, ngoài ra còn cúng dàng người đọc ở lại ăn uống, cho nên lầu đọc kinh này dường như không liên quan gì đến chùa cả, vì đó là người trước phát nguyện cúng dàng Tăng chúng thập phương ở lại đó để đọc kinh tạng, con cháu của bản tự không được chiếm dụng, có lời văn khắc trên bia đá minh chứng, điều đủ thấy người xưa hết lòng vị pháp, thành tựu Tăng tài). Có lầu đọc sách tốt như vậy cộng thêm có những quy định rõ ràng, có thể nói là hiếm có trong cả nước, nhưng thời ấy chúng tôi đến đó, trai lương của thường trụ không đủ, không thể làm theo quy định của người xưa, đời sống quá ư đạm bạc, nên khó duy trì ở mãi được. Chúng tôi ở lại vài ngày bèn rời đi luôn, một mặt vì lúc bấy giờ ở Chùa Trước đang giảng kinh Pháp Hoa, nên cũng xin đến nghe giảng, do đo mà không ở lại Phật Đỉnh Sơn nữa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.