Phổ Đà Sơn Dị Truyện

33. Hai Chị Em Thấy Phật Hiện Hình, Quyết Đốt Sách Quy Y Phật Pháp



Cư sĩ họ Mạc lại kể thêm một câu truyện khác: ở Hồng Kông có hai học viện cùng rất nổi tiếng, đó là thư viện của nữ sĩ Tỳ Lý La và thư viện Hoàng Nhân. Có một cô gái họ Bằng, tốt nghiệp nữ học viện đó ra.

Cô nghe nói ở núi Phổ Đà có Quán Âm thị hiện, cô bèn từ Hồng Kông lên Thượng Hải. Cô có một người em gái đang học ở trường Khải Minh Thượng Hải. Khải Minh là một trường dòng của đạo Cơ Đốc. Cô em học ở trường này mấy năm, dù sao cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm, khó lay chuyển lòng tin và chỉ còn một tuần lễ nữa là được làm lễ rửa tội thông công chính thức trở thành con chiên của đạo Cơ Đốc. Nay cô chị gái từ xa đến thăm lại định đi xem Quán Âm sống, bất giác bật cười, cho rằng bà chị như người đang ngủ mơ, mê tín tiệu cực, chẳng khác gì các bà già ngu muội thường hay gặp, song họ đều là trí thức tất nhiên người nào cũng có lý sự riêng, không ai chịu ai, cuối cùng hai chị em kẻ cãi đi người cãi lại, đâm ra nặng lời, làm cha làm mẹ thì trong trương hợp này cũng không thể thiên vị bên nào được, còn làm chị thì nhất định bắt em phải cùng đi chơi một chuyến núi Phổ Đà, còn làm em thì lại cứ ngăn chị không nên đi lễ cái tượng gỗ ấy làm gì. Hai bên tranh biện chẳng ai chịu ai, cuối cùng họ đề ra quy ước với nhau, cô em nói: “Nếu em đi lễ với chị ở núi Phổ Đà, nếu quả thực trông thấy Quán Thế Âm, thì em sẽ theo đạo Phật với chị ngay lập tức, nếu cả hai chị em đều không thấy gì thì chị phải làm lễ rửa tội cùng em”. Cô chị gật đầu đồng ý. Hai bên còn đề ra mấy điều kiện khác nữa, rồi cuối cùng mới thuê thuyền đi lễ.

Đôi bóng hồng tha thướt quỳ trước động Phạm Âm, lầm thầm khấn vái. Quả nhiên màn trời mở rộng, rực rỡ hào quang tuyệt diệu nhân thiên, trang nghiêm đức tướng, Quán Thế Âm Bồ tát hiện hóa như ngàn hoa nở rộ. Bồ tát thần thông quảng đại biết trước rằng hai chị em đánh đố nhau mà đến nơi này, chính là để phân giải chánh tà, cho nên trước đấy ngài chỉ hiện hóa đơn hình, có một Quán Thế Âm, như vậy thì quá ư đơn điệu, lần này có hai chị em họ Bằng, ngài hiện thêm vài chục La Hán, đi đi lại lại, chắp tay nhiễu Phật, cảnh đó còn nhộn nhịp hơn cảnh “Tiên nữ rắc hoa” trong Bình Kịch gấp bội. Nói đến La Hán chắc độc giả cũng đã từng thấy, có những gia đình, trên những bức tường trong thư phòng, thường hay có tranh La Hán. Trong các vị La Hán đó, có người cao, người thấp, người béo, người gầy, có người mặt mũi kỳ dị, méo mồm, một mắt, thọt chân… đủ các loại. Hai chị em họ Bằng càng nhìn càng chăm chú, càng xem càng hứng thú, tự nhiên, chẳng ai bảo ai, quỳ sụp xuống đất, tỏ lòng kính mộ chân thành, tin sùng cực độ.

Hai chị em trở về với niềm vui thực sự. Về đến nhà, cô em kể lại cho cha mẹ nghe từ đầu chí cuối, không bỏ sót một chi tiết nào. Và từ đấy, bao nhiêu những cuốn sách dầy cộm, cái cô coi là kinh điển mà cô đeo đuổi bấy lâu nay, giờ đây cô coi nó như những tờ giấy lộn, một mồi lửa là xong. Và cũng từ đây, cô xây dựng cho mình một cơ sở để tâm hồn vượt ra ngoài cõi tục, giải thoát cho bản thân mình và giải thoát cho cả mọi người, để cùng đi tới một cảnh trời tâm linh thanh tịnh.

Gái lớn gả chồng, trai lớn lấy vợ, đó là lẽ thường tình của con người, ngay cả các bậc Thánh triết cũng coi đó là điều bất di bất dịch. Song, ở cô gái họ Bằng, đêm đêm suy nghĩ về cuộc đời mình, chẳng lẽ sau này chỉ trở thành một bà nội trợ, một bà quản gia hay sao? Âu là xây dựng một cuộc đời thanh tịnh ở chốn tùng lâm. Từ đó, cô cùng với chị gái nghiên cứu giáo điển Phật pháp, quy y Pháp sư Hải Nhân, trở thành đệ tử của ngài, ngày ngày thăng đường nhập thất.

Hải Nhân Pháp sư là người đức cao đạo trọng, học vấn tinh thâm, năm Dân Quốc thứ 22, Pháp sư đã từng đi hoằng pháp ở vùng Tây Quan Quảng Châu, thuyết giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm mấy tháng, ngày nào cũng đúng ba giờ chiều, lại giảng cho cô đệ tử của mình, trong cửa Phật gọi đó là giảng đường nhỏ. Hồi đó tôi còn làm việc ở tờ báo Công Bình, tục ngữ có câu: “Mãn bình bất động, bán bình dao” nghĩa là: Bình đầy nước, nước không sóng sánh, nước nửa bình, nước cứ vung ra, người biết được chút ít Phật pháp, nửa hiểu nửa chẳng, thường thích khua môi múa mép. Cũng do sự ảnh hưởng của tôi, một hôm, tôi rủ các vị trong tòa báo, từ giám đốc, thư ký tòa soạn, biên tập và phóng viên, đến pháp hội nghe thuyết giảng một chuyến xem sao, nghe nói đến Ni cô thuyết pháp, các vị đồng ý đi ngay để thỏa tính tò mò, thế là các vị quần áo chỉnh tề, giày tây mũ phớt, một đoàn súng sính lên đường đến nơi pháp hội, nghe chị em họ Bằng ngồi trên tòa giảng, thuyết pháp Liên Hoa, trong tiếng nhạc trời. Các vị trong tòa báo từ xưa đến nay vẫn cho mình là những cây bút tài ba, muốn cho hoa nở thì hoa phải nở, đã phóng bút thì khác nào như rồng bay phượng múa, giờ đây nghe chị em họ Bằng thuyết pháp, thật là lời vàng chữ ngọc, ngoài sức tưởng tượng, các vị phục sát đất. Khi về tòa báo, có vị hỏi tôi: “Ông Mạc này! Ông có nói hay được như thế không? “Tôi trả lời: “Tôi có nói được câu nào cũng chỉ là chắp vá, chưa được một giọt cam lồ của biển pháp, sao có thể so sánh với Ni cô họ Bằng… nếu đem so sánh thì ngàn lần tôi chưa được một, vạn phần chưa tới một phần”.

Trở lại câu truyện về hai chị em họ Bằng, sở dĩ họ có khả năng quy phục được đám trí thức, sức mạnh của nó vẫn là Quán Thế Âm Bồ tát, nếu không có truyện Quán Thế Âm Bồ tát thị hiện thì làm sao có thể đạt được thành công lớn như vậy? Song, truyện kể trên đây đều là xác thực trăm phần trăm, nhưng Quán Thế Âm Bồ tát làm sao lại có được biện tài kỳ diệu như vậy? Với những người đã tin ở Phật, đối với Quán Thế Âm Bồ tát, ngài đã thành đạo như thế nào, chúng ta cần phải biết căn nguyên của nó một chút, nếu chỉ ngày ngày lễ Quán Âm, thỉnh cầu Quán Âm, chi bằng ta phải tìm cách mình sẽ trở thành một Quán Âm. Sách nho cũng từng nói: “Thuấn là người, ta cũng là người, người có tài cũng có thể như Thuấn được”. Lại nói: “Văn Vương là thầy ta vậy, Chu Công há dối sao?” Lý thuyết của Phật giáo, về căn bản cũng có nhiều điểm giống như chủ trương của Nho gia, vậy nếu tôi muốn tự mình trở thành một Quán Âm thì phải làm những gì? Muốn biết tường tận, xin đợi hạ hồi phân giải.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.