Phổ Đà Sơn Dị Truyện

17. Thầy Thư Ký Thay Mặt Cao Tăng Hai Lần Ra Yết Thánh Thiên Tử



Phổ Đà Sơn là nơi danh sơn thắng địa, vừa là chốn đạo tràng xưa Bồ tát ứng hóa, là nơi xuất xứ của các bậc cao Tăng, đương nhiên bốn biển nghe tên, thiên hạ cũng bái. Cho nên bao đời qua, nhiều bậc đương kim Hoàng đế đã thân chinh hạ cố sơn môn. Có vị vì ngao du thắng cảnh mà đến, có vị làm theo lời tâm nguyện của đức Hoàng Thái hậu mà đến lễ Phật, kể từ khi chùa Phổ Đà ra đời, cửa sơn môn rộng mở đến nay, đã từng có biết bao đương kim Hoàng đế, các bậc vương công đại thần đến dâng hương, triều bái Quán Thế Âm Bồ tát.

Xưa kia Hoàng đế ra khỏi cung điện không tùy tiện dễ dàng như Tổng Thống ngày nay đi thị sát, do đó mà xe vua ngự đến Phổ Đà cũng không thuận tiện như Tổng Thống ngày nay đến sơn môn du ngoạn. Ngày xưa, Hoàng đế hạ cố đến nơi nào hoặc đến chùa nào, là việc hệ trọng vô cùng, nào là phải vệ sinh dọn dẹp chu đáo, nào là phải tổ chức đón rước đàng hoàng, biết bao người phải đau đầu nhức óc, để sơ suất là mang tội bất cung, thiếu thành tâm nghênh giá.

Có một lần, có một vị Hoàng đế (quên mất tên) thân chinh đến chùa Phổ Đà. Trước đó mấy hôm, các quan chức dịa phương đã thông báo việc này cho Phương trượng đại Hòa thượng của chùa Phổ Tế ở núi Phổ Đà biết, và chuẩn bị tổng vệ sinh gọn gàng. Ngoài việc quét tước còn giăng đèn kết hoa, mọi việc phải làm chu đáo để nghênh giá. Sau khi đại Hòa thượng nhận được thông báo, đúng là một việc “vừa mừng vừa lo”. Mừng là vinh dự được đón tiếp nhà vua đến chùa lễ Phật, để dân chúng tăng thêm lòng tin, đem lại vinh dự cho danh sơn, lo là mình không có học vấn, chỉ là một Hòa thượng tu hành trong núi, không những chưa được thấy vua bao giờ, mà ngay cả phủ huyện ở địa phương cũng ít gặp, nếu có điều gì sơ suất trong lễ nghi phép tắc, ắt bị mang tội bất kính đối với Thánh giá, chính việc này là việc đau đầu.

Trước ngày chính thức nghênh giá, Phương trượng chùa Phổ Tế có triệu tập một cuộc hội họp với những người đứng đầu trong Phổ Đà, một mặt là để trù hoạch mọi nghi lễ đón tiếp, mặt khác là việc đại Hòa thượng không dám ra mặt bái yết Thánh giá. Song, Hoàng đế là chủ một nước, Phương trượng là chủ một ngôi chùa, có lý gì mà không ra nghênh tiếp!

Nhưng vị đại Hòa thượng này là một nhà tu hành lâu năm, bình thường giảng kinh thuyết pháp thì ông nói rất hay, nhưng ra đám đông tiếp xúc với các vị tai to mặt lớn thì ông cứ ngồi im, chẳng biết nói gì. Hòa thượng tuy là người sống xa đời thường, nhưng một đức vua đại diện của cả nước đến, không thể không ra mắt theo lễ nghi. Tất nhiên khi gặp mặt vua, hỏi gì thì phải dáp nấy. Phải hiểu rằng nói chuyện với một ông vua trong thời đại chuyên chế, nếu để sai sót trong khi đối đáp, nặng thì ảnh hưởng ngay đến sơn môn, nhẹ thì cũng mác tội khi quân, quan hệ đến sự an toàn của Tăng chúng cả sơn môn, do đó phải đề cử một vị Hòa thượng biết ăn biết nói, có hiểu biết hơn người, để đại diện cho Phương trượng Hòa thượng mà tiếp chuyện. Kết quả là cuộc họp quyết định cử thầy Thư ký đại diện cho Phương trượng Hòa thượng tiếp giá. Thầy Thư ký này xuất gia từ tuổi trung niên, cũng đã từng là một nhân vật phong vân lặn lội trong trường chính sự, là người thấy nhiều biết rộng, bác học đa tài, không những có uy nghi nghiêm túc, mà tướng mạo lại trang nghiêm, cho nên ông được vinh dự hai lần tiếp chuyện Thánh giá, luận bàn Phật lý.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.