Phổ Đà Sơn Dị Truyện

15. Bồ Tát Bắc Cầu, La Hán Xây Tháp



Quán Thế Âm Bồ tát đến núi Thiên Thai du ngoạn đó đây, thắm thoát đã vài ngày, ngày nào cũng ăn cơm chay La hán do chính các vị La hán ở đây nấu nướng, hàng ngày thấy họ cày cấy vất vả, rồi tối đến lại tĩnh tọa tham thiền, trong lòng bất giác đem lòng kính mộ, nghĩ bụng: suốt ngày ta ở đây, họ phải phục dịch cúng dàng cũng thấy áy náy, nên muốn đền đáp lại một cái gì đó, gọi là để lại chút “thánh tích” cho chốn danh sơn này, mới không phụ hảo tâm của họ, và không uổng chuyến đi thăm này. Một hôm ngài nói với các vị La hán: “Núi này của các vị tuy có điện thờ rộng rãi, nhưng thiếu một ngôi bảo tháp to cao, đó là một điều khiếm khuyết, thiếu hẳn sự trang nghiêm. Tôi đề nghị các vị nên xây một ngọn tháp cho thêm phần trang nghiêm tráng lệ”. Trong đó có một vị La hán cướp lời nói luôn: “Bản sơn không có bảo tháp cũng không quan trọng, điều đau đầu nhất là giữa hai chởm núi đá cách nhau ngàn trượng mà không có một chiếc cầu bắc qua, quả thực là không tiện, người qua lại phải đi vòng khá xa, theo tôi, chi bằng bắc cầu trước rồi xây tháp sau”. Trong lòng Bồ tát cũng đang muốn làm một việc lợi ích gì đó, ngài bèn nói với các vị La hán với giọng thăm dò rằng: “Xây tháp là để cúng dàng đức Phật, chúng sinh sẽ đến đó lễ bái nhiên hương, công đức rất lớn. Xây cầu tuy cũng là việc quan trọng, nhưng xây tháp là việc không thể thiếu được. Vậy bây giờ ta có thể phân công nhau mỗi người một việc, năm trăm vị La hán xây tháp, còn một mình tôi bắc cầu cho các vị, như vậy có được không?” Năm trăm vị La hán nghe nói như vậy trong lòng lấy làm phấn khởi, đồng thanh nói rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Được Bồ tát phát tâm giúp đỡ chúng tôi như vậy thì còn gì bằng?” Bồ tát lại nói: “Thế là ta phải thi đua, hạn trong một đêm phải làm xong cả cầu lẫn tháp, xem bên nào làm xong trước!” Các vị La hán cũng đều là các thông, một đêm thì có gì khó đối với một việc nhỏ bé ấy, nên họ đều trả lời: “Được, được! Đã nói là làm, ta làm luôn đêm nay chứ!”

Cả hai bên đều có những tính toán riêng, Quán Âm Bồ tát nghĩ bụng, một đêm mà xây một ngọn tháp to lớn thì lấy đâu ra đủ gạch, vôi, ngói, vữa? Xem ra họ khó mà xong được. Còn ta chỉ cần thế này, thế này là xong một chiếc cầu. Các vị La hán thì nghĩ rằng: ” Chẳng lẽ mình có đến năm trăm đại La hán lại chịu thua một Quán Âm Bồ tát sao! Tục ngữ có câu rằng: “Hai bàn tay bằng sao được bốn quả đấm”, ngọn núi đá ngàn trượng, cao rộng như vậy, bắc một chiếc cầu mà chỉ một đêm thì dù cho có tài Thánh cũng không thể xong được! Do đó cả hai bên đều có tâm lý đánh giá thấp khả năng của nhau, đều cho mình là sẽ thắng cuộc.

Đêm đã khuya, từ trong chùa Quốc Thanh vang lên tiếng chuông “chỉ tĩnh”, đó là tiếng hiệu lệnh báo cho mọi người trong chùa biết đã đến giờ đi ngủ, phải giữ yên lặng. Các vị La hán chờ cho mọi người đi ngủ, rồi mới khởi công. Họ bắt đầu đại hiển thần thông, khuân gạch, chuyển đá, xẻ gỗ, xây tường, bận tíu tít. Quán Thế Âm Bồ tát cũng tò mò muốn biết họ làm ăn ra sao, nên ngài đứng nấp ở khe núi để ngầm quan sát. Trong đêm tối chỉ thấy bóng những cái đầu di động rất nhanh, thực là thần thông quảng đại, chỉ trong chốc lát là họ đã xây ngôi tháp lên rất cao, quả xứng đáng là “A La Hán có sáu môn thần thông”, không thể coi thường họ là bất tài bất lực được.

Lúc này Quán Thế Âm Bồ tát bỗng nghĩ thầm, mình thi đua với họ, mà sao chỉ cứ đứng nhìn người ta làm, mà công việc của mình thì chưa bắt tay, lúc này đêm đã vào khoảng canh tư rồi, nếu không bắt tay vào việc thì chuyến này thua mất. Ngài vội vàng phi thân, bay lên chỏm núi đá, vận dụng Diệu pháp thần thông đại Bồ tát, hai chân dang rộng, mỗi chân đứng một bên sườn núi, hai tay kéo hai ngọn núi lại, kể cũng lạ, đá trên núi lúc đó cứ mềm như bột dẻo, hai ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, đó là “Thạch Lương Kiều” (cầu đá) ở núi Thiên Thai nổi tiếng bao đời nay trong lịch sử. Quán Thế Âm Bồ tát làm xong cầu, trời vẫn chưa sáng, ngó nhìn các vị La hán xây tháp vẫn chưa xong. Ngài cố tình trêu cho các vị một chuyến, bèn giả làm tiếng gà gáy, tiếng gà gáy sáng ò… ó… o… cứ vang lên khắp chốn núi rừng, các vị La hán cuống quýt, biết là tiếng gà vàng gáy ba hồi là đúng canh năm gần sáng rồi, nhưng ngôi tháp còn cái mái vẫn lợp chưa xong. Nhưng đã hẹn ước, công việc làm xong hay chưa làm xong, đến lúc này cũng phải dừng tay, thế là ngôi tháp không mái từ ấy có cái tên là “Thông Thiên Tháp” nổi tiếng trong lịch sử, do năm trăm vị La hán xây trong một đêm. Cũng có người nói rằng: “Công dức của La hán không viên mãn bằng Bồ tát, cho nên tháp cũng dở dang” (ngầm ý nói là tu đến bậc A la hán chưa xong, còn phải tu tiếp nữa – Lời Người Dịch).

Sáng hôm sau, các thị trấn ở xung quanh vùng núi Thiên Thai, bỗng nhiên nhà nào nhà ấy thấy biến mất ống khói, không cánh mà bay. Các nhà dậy nấu cơm sáng, do mất ống khói, nên khói bốc mù mịt, nhưng cũng không hiểu tại sao, thôi thì đành đục thủng một lỗ tường cho khói bay ra ngoài. Lúc đầu tưởng chỉ có vài nhà làm như vậy, ngờ đâu cả thị trấn đều làm như vậy cả. Bà con bị mất gạch ống khói, bèn đi báo chánh quyền địa phương, xin điều tra sự việc. Thì ra chùa Quốc Thanh bỗng hiện lên một ngôi tháp cao lớn mang cái tên là “Thông Thiên Tháp” (ngôi tháp thông với trời). Mọi người đều tấp nập đi xem, thấy gạch ở ngôi tháp đủ các cỡ, to to nhỏ nhỏ, viên thì đen viên thì trắng trông rất kỳ lạ. Lúc đó bà con trong thị trấn mới hiểu ra là gạch ống khói của mình đã vào ngôi tháp này đêm qua, và cũng hiểu ngay rằng đây là thần thông của năm trăm vị La hán, mà không hề kêu ca oán trách. Thế rồi lâu ngày trở thành thói quen, cho đến ngày nay, một điều rất lạ là nhà cửa ở thị trấn quanh vùng không ai xây ống khói, và cũng trở thành phong tục của các nơi khác. Qua đó, ta cũng biết thêm được một chút kiến thức về tập quán màu sắc địa phương.

Năm trăm vị La hán xây tháp, một đêm làm không xong, trở thành một điều đáng tiếc bao đời nay. Sau này mới biết là do Quán Âm Bồ tát cố tình đùa các vị La hán đấy thôi, nhưng các vị La hán trong lòng cảm thấy oan ức, đùa như vậy thật là tai hại, chỉ còn “nhất bộ thăng thiêng” (một bước nữa là lên tới trời) mà không xong. Trong lòng càng nghĩ càng bực, oán trách Bồ tát sang chơi mà lại nỡ làm như vậy, cả năm trăm La hán đều bị mắc lừa, mất mặt, làm lộ hết cái yếu kém của mình, sau này còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người nữa. Họ càng nghĩ càng thấy bực tức trong lòng, do đó, họ bàn nhau phải triệu tập một cuộc hội nghị khẩn cấp để thống nhất nhận định và đi đến quyết định “Quán Âm Bồ tát núi Phổ Đà lừa bọn ta quá đỗi, ta phải chịu thiệt chuyến này, còn bị mất mặt nữa chứ, ta phải tìm cách báo thù một phen cho hả dạ”. Có một vị La hán đứng dậy đề nghị: “Bồ tát đến núi ta chơi mà lại làm như vậy, làm bọn ta mất mặt, vậy chúng ta cũng cùng đến núi Phổ Đà đại náo một phen cho trời long đất lở mới thỏa”. Mọi người đều đồng thanh tán thưởng: “Đúng! Đúng! Ta phải làm ngay, bấy giờ đang vào dịp hội chùa Phổ Đà (tháng 2), đến 19 tháng 2 lại là ngày đản nhật của Quán Âm, đi vào dịp này là hay nhất, thừa lúc khách thập phương đến đông, ta có thể trà trộn vào đám đông đi, ma không biết, quỷ không hay, ta sẽ tùy cơ mà hành sự”. Nói xong, mọi người đều đại hiện thần thông, đi mây cưỡi gió một mạch đến thẳng núi Phổ Đà.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.