Phổ Đà Sơn Dị Truyện

13. Cửa Sơn Môn Chùa Trước Im Ỉm Đóng Suốt Ngày



Viết tới đây tôi bỗng nhớ ra một câu chuyện về Chùa Trước cần phải nói đến, xin bổ sung thêm, bởi vì truyện này ít ai đề cập, cho nên cũng dễ lãng quên. Đó là cửa Sơn môn Chùa Trước không bao giờ mở, khác hẳn với các chùa khác. Các chùa khác thì mở thường xuyên, còn cửa chùa này thi im ỉm đóng suốt ngày. Đào Uyên Minh đã từng viết một câu rằng: “Cửa tuy có, nhưng thường đóng kín”, có lẽ chính là để nói cảnh nơi đây chăng? Hồi tôi mới đến núi Phổ Đà, ngao du khắp chốn, bảy tám chục ngôi chùa lớn am nhỏ, không có nơi nào là không mở cửa, chỉ riêng có cửa Sơn môn Chùa Trước là không bao giờ mở. Tôi đã từng hỏi rất nhiều người, kể cả những người xuất gia từ núi này cũng đều trả lời rằng: “Biết như vậy, nhưng không tường lắm!” Vậy thì tại sao? Lý do gì? Hỏi hết người này đến người khác, chẳng ai nói cho ra nhẽ. Có một cụ già nói với tôi rằng: “Cửa Sơn môn này chỉ khi nào nhà vua ngự giá thân chinh tới chùa thì mới mở để nghênh tiếp Thánh giá, ngày thường không ai được phép mở”. Cụ già tên là Đông Hồng, quả là cụ như người nằm trong trống, chưa tỉnh giấc mê, cụ cứ tưởng là còn có Thiên tử, con rồng cháu tiên nào nữa xuất thế, thật là nực cười và đáng thương. Tôi nói: “Hiện nay là thời đại dân chủ rồi, làm gì còn có vua chúa nào xuất thế. Nếu ngàn vạn năm nữa không có vua ra đời thì cửa chùa cũng cứ đóng chặt hàng ngàn vạn năm ư? Xin hỏi thêm cụ, tại sao cứ phải có vua đến thì mới mở cửa!” Cụ gia tu hành này chỉ biết một mà không biết gì thêm hai, người ta nói sao thì cụ cũng cứ nói vậy, nên cuối cùng cũng chẳng hỏi rõ thêm được điều gì hơn. Sau này tôi nhận chức Tri khách ở Chùa Trước, thường phải tiếp chuyện với du khách, nhiều khi khách muốn biết lịch sử của chùa hoặc thắc mắc điều này điều kia, thôi thì cứ có câu hỏi gì là họ vô Chùa Trước để đòi giải đáp. Có người hỏi tôi: “Xin hỏi thầy, tại sao ở đây không bao giờ mở cửa?” Họ cứ hỏi đúng vào câu hỏi mà tôi không biết, thật là khó xử! Tôi cũng không thể lấy lời cụ già trả lời tôi để giải đáp cho khách. Do đó, đã bí thì thôi đành cứ đánh bài lờ, giả tảng là không nghe thấy, “nhìn xung quanh nói lãng sang chuyện khác”. Song đó không phải là cách giải quyết vấn đề một cách căn bản, dù sao cũng phải tìm ra đáp án thì mới được, sau này thế nào chẳng còn nhiều du khách hỏi cho bằng được! Về lịch sử chùa Phổ Đà, tôi có đọc tư liệu, nhưng cũng chưa tìm ra căn cứ, nên đành mượn chuyện thần thoại được truyền tụng để giải đáp vấn đề: các danh sơn ở Trung Quốc đều có lịch sử thần thoại lưu truyền lâu đời, đồng thời cũng là những câu truyện lý thú, nay tôi thu thập những truyện có liên quan đến Chùa Trước tại sao đóng cửa, để viết ra đây, cung cấp cho độc giả tham khảo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.