Phổ Đà Sơn Dị Truyện

03. Đức Quán Âm Không Chịu Sang Cõi Phù Tang - Sư Tổ Tuệ Ngạc Sáng Lập Phổ Đà



Kể rằng, vào khoảng năm thứ 2 niên hiệu Minh Trinh đời Lương, sau thời Ngũ Đại, Phật giáo Trung Quốc truyền sang Nhật Bản vào đời Đường, hồi đó có rất nhiều nhà tu hành xuất gia Nhật Bản du học cầu pháp, sang nước Trung Hoa để phỏng đạo tìm thầy, trong đó có Tuệ Ngạc hòa thượng. Ông vượt qua muôn dặm trùng dương, đến đại quốc Trung Hoa, một mặt để tầm sư học đạo, một mặt đi hành hương tham lễ thánh địa Phật giáo ở khắp nơi. Một hôm, ngài đến Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây, trước hết ngài đến triều bái đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, rồi đi thăm cảnh đẹp, danh lam, ông thấy một bức Thánh tượng của đức Quán Âm Đại Sĩ, thanh tịnh trang nghiệm, trong lòng bỗng sinh thèm muốn, ước gì có được bức tượng đó mang về Nhật Bản để thờ cúng, lúc đầu dịnh bạch với thầy Tăng trụ trì ở đó ước vọng của mình, nhưng dự đoán làm như vậy chẳng chắc đã đạt ý muốn, cho nên ông đã chọn biện pháp cuối cùng là “Bất Dữ Nhi Thủ” (không cho mà lấy). Ông cho rằng, đó cũng là xuất phát từ một mối thiện tâm, muốn cho người Nhật Bản được nhìn thấy tượng mà sinh lòng kính tín. “Người quy y phúc tăng vô lượng, kẻ lễ niệm tội diệt hà sa”, làm như vậy chắc chắn không phải là phạm vào “giới trộm cắp không cho mà lấy” trong luật của Phật chế. Ông nghĩ vậy rồi đi đến quyết định lấy lén luôn bức thánh tượng mang đi.

Tuệ Ngạc hòa thượng lấy được bức thánh tượng là vật báu vô giá rồi, tất nhiên không dám ở lâu trên Ngũ Đài Sơn nữa, vội vàng nai nịt hành trang lên đường, sắm thuyền vượt biển, thẳng hướng về phía Đông. Khi thuyền đến quần đảo Chu Sơn, thuộc huyện Định Hải tỉnh Chiết Giang ngày nay, nơi đây còn gọi là vùng Đá Ngầm Tân La, bỗng giữa mặt biển hiện ra hàng loạt những búp sen bằng sắt (nay vùng này có tên gọi là “Thiết Liên Hoa”), thuyền không sao vượt qua được, suốt ba ngày đêm như vậy, thuyền cứ loanh quanh ở tại chỗ vùng núi Phổ Đà, thuyền cứ định quay sang hướng Đông, thì những búp sen đó lại hiện ra trên mặt biển ngăn đường. Lúc này Tuệ Ngạc hòa thượng bắt đầu thấy kinh hãi, lòng dạ rối bời. Tục ngữ có câu: “Không làm điều trái lương tâm, dù nghe sét đánh sấm gầm chẳng sao”. Lúc này ông mới ngồi tĩnh tâm xét lại xem mình có sự sai lầm gì không, ông thấy, bình sinh chưa làm điều gì thất đức, ám muội, tại sao hôm nay lại bị tai ách trở ngại trên mặt biển này? Tín đồ Phật giáo một khi gặp việc gì khó không biết giải quyết bằng cách nào, thì có một pháp bảo duy nhất là quỳ trước tượng Phật, xin cầu sám hối. Khi ông quỳ trước tượng Bồ tát, bỗng nghĩ ra bức tượng Bồ tát này là vật “Bất Dữ Nhi Thủ”, lúc này ông mới vỡ nhẽ, cảm thấy hổ thẹn, vội vàng quỳ trước tượng mà khấn rằng: “Kính tôn đại sĩ, kẻ đệ tử này vì thấy thánh tượng Bồ tát trang nghiêm, ở nước đệ tử, Phật pháp còn chưa rộng khắp, ít được nhìn thấy tượng thánh, đệ tử muốn thỉnh tượng thánh Bồ tát về Nhật để thờ cũng. Nếu chúng sinh trên đất nước của đệ tử không có nhân duyên được ngưỡng trông tượng ngài, thì đệ tử xin ở lại vùng núi này, xây dựng tịnh xá, thờ cúng thánh tượng”. Khấn xong thuyền lại tiếp tục đi, đến một cửa hang, hang này có tên là Triều Âm Động (động tiếng thủy triều), ông bèn cho thuyền cặp bến và ở lại nơi đây.

Hồi đó Phổ Đà Sơn còn là một hòn đảo hoang vu không một bóng người, tuy nhiên, đời Hán, cũng đã có người bạn thân của Hán Quang Vũ hoàng đế là Mai Tử Chân tiên sinh, nhạc phụ của Nghiêm Tử Lăng tiên sinh đến ẩn cư ở núi này để tu chân dưỡng tính (tức là am Mai Phúc ngày nay, trong am có giếng luyện đan của Mai Phúc tiên nhân, vì vậy mà Phổ Đà Sơn còn có tên là núi Mai Sâm, chính là chỉ nơi này). Nhưng rất ít có người biết giữa biển lại có ngọn núi này, cho đến đời Lương Minh Trinh vẫn còn là một hòn đảo hoang vu, chỉ có vài ngư ông làm nghề đánh cá, dựng ra mấy túp lều cỏ ở hẻm núi để ở. Lúc đó Tuệ Ngạc Tổ sư cho thuyền cặp bến, lên bờ đi tìm, tìm mãi xa xa thấy một túp lều cỏ bên cạnh hang Triều Am, đến lều, ngài gặp được người chủ túp lều là cụ già họ Trương, làm nghề dánh cá, khi nghe hòa thượng Tuệ Ngạc kể lại đầu đuôi câu chuyện, ông chài nghe xong vô cùng cảm động, đồng thời trong lòng cũng vui mừng khôn xiết, thấy Bồ tát không muốn sang đất nước Nhật Bản mà lại muốn ở lại cái chốn hoang sơn cùng cốc này, phải nói nơi đây quả thực có nhân duyên to lớn với Bồ tát rồi đó, dân chài gần đây chắc cũng có phúc đức và thiện căn lớn lắm cho nên mới được Quán Thế Âm hiển hóa ở núi này. Nghĩ dến đây, ông già nói với Tuệ Ngạc hòa thượng, với giọng khẳng khái, rằng: “Thưa Sư phụ! Dân của quý quốc đã không có duyên gặp Phật, thì xin mời Sư phụ cùng Bồ tát cùng ở lại núi này với chúng tôi, chúng tôi sẽ nhường lại nhà cửa đất đai để Sư phụ có thể dựng am thờ phụng Bồ tát, tôi ra biển mời bà con cùng về đây, lễ Phật và cúng dường Sư phụ, Sư phụ đừng về Nhật nữa”. Thế là Tuệ Ngạc thiền sư bèn lập am an trụ ở núi này và không về Nhật nữa, đặt cho am một cái tên “Bất khẳng khứ Quán Âm viện” (nghĩa là “Am Quán Âm không chịu đi”). Ngài Tuệ Ngạc từ đó trở thành sáng lập Tổ thứ nhất của Phổ Đà Sơn. Đó là lai lịch của Phổ Đà Sơn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.