Phổ Đà Sơn Dị Truyện

02. Tên Gọi Của Phổ Đà Sơn Và Khảo Chứng Phật Điển



Phật giáo Trung Quốc có bốn thánh dịa danh sơn, là đại bản doanh (tức căn cứ địa) của bốn vị Bồ Tát Ma Ha Tát (tức đại Bồ tát trong Bồ tát), quảng hóa quần sinh. Bốn danh sơn là: Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây, là đạo tràng của Đại Trí Văn Thù Bồ tát; Nga My Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên, là đạo tràng của Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát; Cửu Hoa Sơn ở tỉnh An Huy, là đạo tràng của Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát; Phổ Đà Sơn ở Nam Hải Triết Giang, là đạo tràng của Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát. Trong bốn danh sơn lớn và bốn vị Đại Bồ tát đó, nếu nói nhà nhà đều biết, người người đều biết, từ già trẻ gái trai, thì phải nói là Quán Thế Âm Bồ tát Đại Từ, Đại Bi, Cứu Khổ, Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm, Phổ Đà Sơn Nam Hải. Tục ngữ có câu: “Nhà nhà Di Đà Phật, hộ hộ Quán Thế Âm”, nhất là trong xã hội ngày nay, mây đen chiến tranh bao phủ, thiên tai nhân họa “chúng sinh bị khốn ách, vô lượng khổ bức thân”, thì ngài “Quán Âm Diệu Trí Lực” luôn luôn với con mắt từ bi theo dõi chúng sinh, tầm thanh cứu khổ, viên mãn vô ngại ra, hỏi còn ai có khả năng cứu độ chúng sinh trong cõi thế gian này ra khỏi khổ đau phiền não và tội ác? Điều mà tôi muốn nói giờ đây cũng chính là Phổ Đà Sơn và Quán Thế Âm Bồ tát đó.

Phổ Đà là cách gọi tắt của tiếng Ấn Độ, nói cho đủ là Phổ Đà Lạc Già, Bổ Đát La Già, hoặc Bổ Đát Lạc Ca v.v… Tiếng Trung Quốc dịch nghĩa là Tiểu Bạch Hoa Sơn. Phổ Đà Lạc Già vốn là tên của một quả núi, bởi vì người Trung Quốc có thói quen thích gọi tắt, có khi chỉ gọi là Phổ Đà, cũng có khi gọi là Lạc Già, lâu ngày tự nhiên thành tên hai ngọn núi riêng biệt. Phổ Đà Sơn sở dĩ được coi là đạo tràng của Quán Thế Âm Bồ tát là bởi vì trong kinh điển Phật giáo có ghi rõ. Hồi đó, Ấn Độ có mấy cái tên Bổ Đát Lạc Ca. Trong quyển 68 kinh Hoa Nghiêm, có một đoạn kinh văn như sau: Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La nói với Thiện Tài rằng: Hỡi thiện nam tử, ở phía Nam này có ngọn núi, tên là Bổ Đác Lạc Ca, ở đó có Bồ tát Quán Tự Tại, ngươi hãy đến đó hỏi Bồ tát xem học hạnh Bồ tát và tu Bồ tát đạo như thế nào. Nói xong bèn đọc một bài tụng rằng:

Hải Thượng hữu sơn đa Thánh hiền
Chúng bảo sở thành cực thanh tịnh
Hoa quả thụ lâm giai biến mãn
Tuyên lưu trì chiếu tất cụ túc
Dũng mãnh trượng phu quán tự tại
Vì lợi chúng sinh trụ thử sơn
Nhữ ưng vãn vấn chư công đức
Bỉ đương thị nhữ đại phương tiện.

(Mặt biển có núi lắm hiền thánh
Mọi báu xây thành cõi thanh tịnh
Hoa quả cây rừng đầy khắp chốn
Suối chảy, ao sen chẳng thiếu gì
Dũng mãnh trượng phu quán tự tại
Vì lợi chúng sinh ở núi này
Nếu ai muốn hỏi việc công đức
Phổ Đà sẽ chỉ rõ cho hay).

Lúc đó, Thiện Tài đồng tử cứ theo đường chỉ dẫn của cư sĩ Tỳ Sắc Chi La mà đi, một hôm đến chân núi Phổ Đà, tìm kiếm đại Bồ tát khắp nơi, chỉ thấy cảnh vật xung quanh, bốn bề hang cốc, suối chảy quanh co, rừng cây rậm rì xanh tốt, cỏ thơm mền mại tỏa hương. Thiện Tài đi rẽ sang phía bên phải, trên một khoảnh đất bằng phẳng, thấy ngài Quán Tự Tại đang ngồi kiết già trên tảng đá Kim Cương Bảo (nay tảng dó đó tục gọi là Thuyết Pháp Đài, vẫn còn ở phía Tây núi). Xung quanh có vô lượng Bồ tát cùng ngồi trên bảo thạch, cung kính nghe Bồ tát Quán Tự Tại nói pháp Đại Từ Bi… Bồ tát nói: “Ta đạt được pháp môn Bồ tát Đại Bi Hạnh, bình đẳng giáo hóa cho mọi chúng sinh, liên tục chẳng dừng… Hoặc ta dùng bố thí, nhiếp hộ chúng sinh, hoặc dùng ái ngữ, hoặc dùng lợi hành, hoặc dùng đồng sự nhiếp hộ chúng sinh, hoặc hiện sắc thân để nhiếp hộ chúng sinh, hoặc ta biến hiện thành các loại lưới bất tư nghì sắc tịnh quang minh mà nhiếp phục chúng sinh… Hoặc bằng âm thanh, hoặc bằng uy nghi mà thuyết pháp, hoặc dùng thần biến để tâm họ tỏ ngộ, mà được thành tựu… Ta nguyện tất cả chúng sinh ở khắp cõi Ta Bà, nếu niệm danh hiệu ta, nhớ kỹ đến ta, nếu thấy thấy thân ta, thì đều được lìa khỏi mọi sự sợ hãi. Sau khi lìa khỏi mọi sự sợ hãi, bèn lại dạy họ phát tâm A Nốc Đa La Tam Điểu Tam Bồ Đề, trọn chẳng thoái chuyển”. Đó là chuyến đi cầu đạo lần thứ 28 trong 53 cuộc trải thân cầu đạo Bồ tát của Thiện Tài đồng tử, được gặp Quán Thế Âm Bồ tát và được nghe pháp yếu của ngài ở trong núi này, đại để như vậy… Lại nói, Quán Thế Âm Bồ tát là chính Pháp Minh Như Lai trước đây, sớm thành chính giác, vì có nhân duyên lớn với thế giới Ta Bà chúng ta, cho nên ngài muốn cưỡi con thuyền Từ Bi, quay lại tầm thanh cứu khổ, ba mươi hai ứng hiện, thị hiện Phổ môn, cũng là chỉ nhắm khiến mọi chúng sinh thoát lìa khổ hải, sang bên bờ giác mà thôi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.