Phổ Đà Sơn Dị Truyện

* Lời Tựa Của Tinh Vân Pháp Sư



Tôi còn nhớ, vào mùa Đông năm ngoái (1952), tạp chí hàng tháng “Cây Bồ Đề” do cư sĩ Chu Bùi chủ biên, có nhờ Chử Vân Pháp sư viết bài cho tạp chí. Pháp sư có nói với tôi nên viết một bài nói về Phổ Đà Sơn, lúc ấy tôi cho rằng đó là một công việc tổn sức mà chẳng ăn nhằm gì, tôi bèn khuyên Pháp sư không nên tốn giấy mực vào đấy làm gì.

Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi nghĩ rằng: thứ nhất viết về Phổ Đà Sơn tất yếu phải đề cập đến nhiều nhân vật, phong cảnh, sơn thủy, mà theo ý tôi, người Trung Hoa chúng ta hiện nay đang chịu ảnh hưởng nếp sống Âu Tây, suốt ngày lăn lộn đắm chìm trong dòng thác của vật dục, làm sao có thể tin được rằng: “Phong cảnh núi non, suối nước có thể hun dúc tín tình tốt dẹp lương tri của con người”. Nếu bài viết in ra, rồi họ cũng chẳng thích thú gì mà thưởng thức. Thứ hai là, viết bài về Phổ Đà Sơn, đương nhiên là không thể không phát huy thánh tích và cảm ngộ linh thiêng của đức Bồ tát Quán Thế Âm, như vậy thì tránh sao khỏi bị người ta chê bai, nếu không phải là loại “Một Ngàn Một Đêm Lẻ” của nước người thì cũng là loại “Liêu Trai Chí Dị” của Trung Quốc mà thôi. Vì hai lý do đó, tôi không thể không có một lời khuyên đối với ông bạn già của tôi rằng: không nên phí công giấy mực vào đó. Song, Chử Vân Pháp sư chưa tiếp thu ý kiến của tôi, tôi hiểu rõ tính tình của Pháp sư, làm việc gì, Pháp sư cũng có lòng tự trọng, và thường là ít nghe theo ý kiến khuyên nhủ của người khác, miễn sao không hổ thẹn với lương tâm, cho nên khi thấy Pháp sư quyết tâm cầm bút viết bài, tôi cũng không nói gì thêm nữa.

Bài viết của Pháp sư được đăng trên “Cây Bồ Đề” số 3, khi đọc cái tiêu đề “Phổ Đà Sơn Dị Truyền Kỳ Dị Văn Lục” (Ghi lại những điều kỳ lạ ở núi Phổ Đà), tôi cảm thấy cái tiêu đề thật là lý thú, nhưng, phải nói rằng, tôi rất có lỗi với Chử Pháp sư, bởi vì, thú thực, nội dung bài viết nói gì, tôi chưa hề đọc. Thế rồi, Cây Bồ Đề số 4, số 5, ngày qua tháng lại, Đông qua Xuân tới, cứ nối tiếp nhau ra mắt bạn đọc, tôi đi vân du khắp nơi, gặp rất nhiều người đề cập đến bài viết của Chử Pháp sư, họ đều nói rằng bài viết rất lý thú, sinh động, hoạt bát, bất kỳ ai, dù chỉ biết ít chữ cũng có thể đọc hiểu, người này nói thế, người kia cũng nói y như thế, nhiều người nói, tôi cũng phải nghĩ, và có lẽ, đến lúc này tôi phải xem lại cách nhìn của mình đối với bài viết của Chử Pháp sư.

Một hôm tôi bèn lần dỡ đọc hết trước tác lớn đó của Pháp sư đăng trên “Cây Bồ Đề”, và lúc ấy, cái hứng thú thực sự mới bật ra trong tôi.

Chử Vân Pháp sư vốn là đông môn đồng đạo thân tình với nhau từ hơn chục năm trước đây, khi tôi chủ biên tờ nguyệt san “Nộ Đào” (Sóng Dữ) và tờ tuần san (mười ngày một số) “Hà Quang” (Ánh Bình Minh, Ráng Hồng). Pháp sư là một trong những số người viết bài thường kỳ của chúng tôi, bài của Pháp sư tất nhiên tôi đã đọc nhiều. Sau khi đến Đài Bắc, tôi là người phụ trách một thời trong ban biên tập của tờ tạp chí “Nhân Sinh” về việc đặt bài, tất nhiên tôi không thể bỏ qua danh sách Pháp sư, sau này Tâm Ngộ Pháp sư chủ trì việc biên tập tờ “Nhân Sinh”, ngài thường nói, trong Phật giáo, tuy có một nền văn hóa, có một chân lý tối cao, nhưng phải nói, ít ai đã viết bài phát huy được điều đó, tôi có giới thiệu với ngài nên cố đặt nhiều bài viết ở Chử Vân Pháp sư.

Và nhiều bài diễn giảng của Pháp sư trong khi đi hoằng pháp ở các nơi đã được ra mắt bạn đọc. Cũng như các độc giả khác, tôi cũng cảm thấy bài viết của Pháp sư lời lẽ cởi mở tự nhiên, tế nhị sâu sa, nôm na dễ hiểu. Giáo lý đạo Phật vốn uyên thâm, không dễ gì thấu hiểu, nhưng với lối trình bày khéo léo giản dị, nên ai đọc cũng thấy sáng tỏ, chỉ riêng cái đó cũng khiến mọi người tấm tắc thán phục.

Tuy vậy, lúc đầu chính bản thân tôi cũng không ngờ “Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ Dị Văn Lục” lại giành được sự yêu thích của đông đảo độc giả đến thế, viết đến đây, tôi mới hiểu rằng ở Trung Hoa, không phải người nào cũng đang chìm đắm trong cơn xoáy của vật dục cả, quả thực họ đều rất hâm mộ cảnh núi non tuyệt đẹp của tổ quốc mình. Tôi càng hiểu rằng, chỉ có một số ít người cho rằng sự hiển thánh và cảm ngộ linh thiêng của Quán Thế Âm Bồ tát là cuộc kỳ ngộ tiêu biểu của “Một Ngàn Một Đêm Lẻ” hoặc là ma quỷ hiện hình trong “Liêu Trai Chí Dị”. Do đó, tôi thực sự vui lòng bộc bạch tất cả những cảm nghĩ khiếm khuyết của mình trước đây.

Giờ đây tôi lại rất may mắn được Chử Pháp sư giao cho toàn bộ những bài viết đã đăng và chưa đăng trên tờ “Cây Bồ Đề”, đưa sang Đài Bắc (Thủ phủ Đài Loan) để in thành sách, để tôi có dịp được đọc lại một lượt từ đầu chí cuối, quả thực là cái phúc cho tôi được toại nguyện, tăng thêm cho tôi biết bao nhiêu hiểu biết. Song Chử Pháp sư lại bảo tôi phải viết cho ngài vài lời tựa đề, điều ấy quả lại làm khó dễ cho tôi, từ chối mãi chẳng được, thôi cũng đành cứ viết đôi dòng gọi là cảm nghĩ đối với cuốn sách ra mắt bạn đọc vậy.

Là một trí thức của Trung Hoa, chúng tôi đều biết Trung Hoa có hai trước tác lớn về văn học, đó là “Thủy Hử Truyện” và “Tây Du Ký”, được Kim Thánh Thán coi là “Tài Tử Chi Thư”. Bộ Thủy Hử đã miêu tả một trăm linh tám vị anh hùng hảo hán trên Lương Sơn Bạc một cách sinh động. Họ là những người cùng hội cùng thuyền,tập hợp lại với nhau, lưu vong bốn biển, họ cướp của nhà giàu cứu tế cho người nghèo, thay trời hành đạo, sư miêu tả đó của bộ sách đã đánh vào tâm cảnh của biết bao con người, khích động lòng dũng cảm, không cam chịu sự trói buộc của hoàn cảnh. Câu chuyện, tuy trong Tống Sử chỉ vỏn vẹn ghi lại một câu “Lương Sơn Bạc thủy khấu Tống Giang gồm ba mươi sáu người bị Trương Thúc Dạ một đêm dẹp sạch”, thế là được phát triển thành một tác phẩm văn học vĩ đại nhất, nhưng sự ảnh hưởng của nó còn hơn nhiều so với bất kỳ một cuốn sách thuyết giáo nào. Tây Du Ký ghi lại câu truyện Đường Tăng Huyền Trang dẫn đám Tôn Ngộ Không sang Tây Trúc thỉnh kinh, tuy nhiên bộ sách viết thành câu truyện thần kỳ quái dị khôn lường, quả là khác xa hàng vạn dặm so với chính sử chép “Đại Đường Tam Tạng Huyền Trang Pháp Sư Truyện”, nhưng tinh thần khổ hạnh, chí lớn kiên cường, vượt mọi gian nguy hiểm trở,tấm lòng từ bi bác ái vị tha của Pháp sư Huyền Trang được mô tả trong bộ sách, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của mọi người. Truyện Huyền Trang trong chính sử (đã từng được Lương Khải Siêu tán dương là một bộ truyện ký vĩ đại nhất của thế giới), nhân vật Huyền Trang tuy có vĩ đại hơn đôi chút, nhưng đó chỉ là để cho một số trí thức trong giới sĩ đại phu đọc mà thôi, hoàn toàn không liên quan gì đến đám đại chúng đông đảo thông thường cả.

Tuy nói như vậy, không hề có ý hạ thấp giá trị một bộ Thánh điển mà được mọi người tôn là khuôn vàng thước ngọc, mà tôi muốn nói rằng số đông của chúng ta cần những tác phẩm đại chúng, cần những món ăn tinh thần mà họ có thể tiêu hóa được!

Một cuốn sách nhỏ như “Bạch Xà Truyện” đề cao một đạo lực thần thông của Pháp Hải thiền sư, làm cho người đọc hiểu được ngay Hòa thượng là người hàng phục được yêu quái ma quỷ, trợ giúp người lương thiện, một cuốn sách bằng thể thơ bảy chữ “Vương Thị Nữ Đối Kim Cương” và “Mục Liên Cứu Mẫu” đã phân biệt rạch ròi cái công đức tụng kinh niệm Phật với tội báo khinh mạn Tam Bảo. Tác giả của những cuốn sách đó chưa hẳn đã là do tín đồ Phật tử viết ra, ngày nay chúng ta cũng chẳng cần quan tâm đến việc nó có được ghi chép trong sử sách hay không, và cũng không cần truy cứu nó có nằm trong cứ liệu của bộ Thánh điển nào không, nhưng trong dân gian, ai cũng hiểu đó là sự báo ứng nhân quả của cái Thiện và cái Ác. Điều đó đâu phải là vị học đã từng đọc “Tam Tạng thập nhị bộ”, hoặc đã được nghe lời truyền giáo của một vị cao Tăng Đại đức nào đó! Mà, chính là vì họ đã chịu ảnh hưởng của những quyển sách nhỏ trên đây. Đó là một sự thực hiển nhiên không thể chối cãi được. Chúng ta không thể coi thường những quyển sách nhỏ đó, tác dụng giáo hóa của nó thực sự còn hơn cả sự giáo dục nào do nhà trường, rất nhiều, rất nhiều!

Trong công việc hoằng pháp ở trong nước, nhiều tín đồ Phật tử của chúng ta thường thích kể những truyện ly kỳ huyền ảo, dẫn kinh này điển nọ. Khi nói đến Phật pháp, hình như nếu không nói đến vài lần câu “Sắc bất dị không, không bất dị sắc” thì cho là không thể hiện được cái học vấn cao siêu của mình, còn khi viết văn không đưa câu “Duy thức sở biến, duy tâm sở hiện” vào bài thì chỉ sợ rằng người đọc không biết được tài năng của mình. Kết quả là chưa đạt được gì, mà những giáo lý nhiệm mầu thực sự cần giới thiệu với đông đảo quần chúng, lẽ ra ta phải làm, thì vô tình hay hữu ý, đã nhường chỗ cho các tác giả của những cuốn sách nhỏ nói trên rồi! Là những người có thiện tâm làm công việc đẩy mạnh đại chúng hóa Phật pháp như chúng ta sao chẳng lấy đó làm hổ thẹn!

Chử Vân Pháp sư thấy được điều đó, cho nên khi nói Phật pháp hay viết về Phật pháp, ngài đều cố nói cho dễ hiểu, viết sao cho thật đại chúng, tất cả hướng về đông đảo người đọc. “Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ…” quả thực là một tư liệu vô cùng quý giá, giới thiệu cho đại chúng một cách thông dụng một nền Phật giáo ứng cơ của chúng ta.

Có một điều tôi cần phải nêu lên ở đây là, “Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ…” là một cuốn sách tuyệt nhiên không thể đem so sánh với những cuốn truyện nhỏ như “Bạch Xà Truyện”, “Vương Thị Nữ Đối Kim Cương” hay “Mục Liên Cứu Mẫu” đã nói ở trên được. Bởi vì những cuốn sách nhỏ đó đều do một cố văn nhân hỏng thi ở thời Minh Thanh tùy hứng mà viết ra, rất ít có cứ liệu thật sự. Còn như cuốn “Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ…” ở đây, tên sách tuy là “Truyền Kỳ Dị Văn”, nhưng đều là truyện có thực, đáng tin cậy, có thể khảo chứng được, về điểm này chúng ta không thể không đặc biệt lưu ý.

Chỉ có một điều rất đáng tiếc và rất lấy làm lạ là lòng người thời nay, cứ nói đến sự cảm ngộ linh nghiệm của Bồ tát là thấy đôi phần nghi hoặc, nói đến sự hiện thân của Bồ tát thì bao giờ cũng cho đó là truyện thần thoại. Người không tin Phật giáo như vậy đã đành, mà cả những người tín ngưỡng Phật giáo cũng phạm những sai lầm đó. Một điều không thể tha thứ được, đó là những người tín ngưỡng Phật giáo và đã nghiên cứu khá sâu về Phật pháp thế mà từ lời nói đến bài viết, họ cũng không dám đề cập đến sự hiện thân vô hình hoặc hữu hình trong sự cảm ứng của Phật, Bồ tát, chính họ cũng sợ người ta cười là truyện thần thoại, điều đó quả thực là một sai lầm vô cùng to lớn.

Khi chúng ta cần đọc tạng kinh, nhất là đọc đến Hiền Ngu Nhân Duyên kinh, Bách Dụ kinh, Kinh Luật Dị Tướng, Lục Độ Tập kinh v.v… trong đó chẳng đã ghi lại một số sự việc rất kỳ lạ đó sao? Nếu coi tất cả những truyện đó là thần thoại, thì quả thực, tôi không thể hiểu nổi chứng ta đặt trên cơ sở nào mà xây dựng lòng tin đối với tôn giáo và sự ngưỡng mộ lý tưởng tôn giáo.

Nói đến thần thoại, thì trong thế gian này, việc gì mà chẳng là thần thoại? Anh em Oai Tơ, khi chưa phát minh ra máy bay, nếu như có người nói rằng, một cái thứ nặng mấy ngàn cân như vậy mà lại có thể bay được trên không trung, lẽ nào chẳng bị người ta cho là thần thoại? Fran-kơ-rin khi chưa phát minh ra điện thoại, nếu nói rằng, người thân và bạn hữu của mình ở xa nhau hàng vạn dặm mà có thể nói chuyện với nhau được, lẽ nào chẳng bị người ta nói đó là truyện thần thoại? Vậy cho nên, có thể nói rằng, thần thoại tức là những việc ta chưa biết hoặc chưa nhìn thấy, nhưng không thể nói là không có!

Bom khinh khí được thí nghiệm ở Đại Tây Dương, đó là việc ta chưa trông thấy, nên mọi người đều tin rằng nước Mỹ có bom khinh khí; Quán Thế Âm Bố tát hiện thân hiển thánh ở Phổ Đà Sơn (thực ra trên toàn vũ tru đều có sự hiện thân của Bồ tát), đó là hiện tượng rất nhiều người từng thấy từng nghe, nhưng những người chưa thấy, chưa nghe thì nói rằng đó là thần thoại, đó chẳng phải là không hiểu gì cả đó sao?

Nhân duyên và phương tiện của Quán Thế Âm Bồ tát cứu nhân độ thế vốn có kinh sách chứng minh, trong đạo Phật có một bộ kinh điển vĩ đại gọi là “Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, Phẩm thứ 25 “Quán Thế Âm Bồ tát Phổ Môn Phẩm” là một phẩm hoàn toàn nói về Quán Thế Âm Bồ tát. Tiếc rằng phẩm này chỉ lưu truyền và thịnh hành trong tín đồ Phật tử đã bước vào cửa Phật, còn đại đa số quần chúng chưa được biết Quán Thế Âm Đại Từ Đại Bi qua Phẩm Phổ Môn này.

Tuy họ chưa hiểu được Quán Thế Âm qua Phẩm Phổ Môn, nhưng ai ai cũng đều biết Quán Thế Âm, nói đến nguyên nhân nào của nó thì nhiều lắm, không cần nói gì khác, chỉ riêng cuốn sách “Quán Âm Đắc Đạo” được lưu truyền trong dân gian mà tôi cần nêu ra đây cũng đủ thấy rằng qua cuốn sách nhỏ “Quán Âm Đắc Đạo” này, mọi người đều có thể biết câu truyện về Quán Âm Bồ tát, mặc dầu những điều họ hiểu chưa hẳn là đã chính xác cả.

“Quán Âm Đắc Đạo”, hay còn có tên là “Đại Hương Sơn” là câu truyện kể rằng Diệu Trang Vương có ba nàng công chúa, nàng công chúa cả thích văn nên với một chàng phò mã văn quan, nàng công chúa thứ hai ưa võ, nên với một chàng phò mã võ tướng, còn nàng công chúa thứ ba thì lại thích tu hành học Phật, từ bi ái vật, xả kỷ vị nhân, sau thành được chánh quả ở Đại Hương Sơn. Cuốn sách nhỏ mang tính chất răn đời đó tuy khác rất xa với Quán Thế Âm trong Kinh văn, nhưng cuốn sách này sau đó được chuyển thành thể kịch nói, rồi quay thành phim ảnh, quả thực là khá nhiều người dù ngu si mù quáng cũng bị câu chuyện cảm hóa, vậy ai có thể phủ nhận giá trị đem lại lợi ích cho đời của nó?

Về Quán Thế Âm Bồ tát, không phải chỉ riêng Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa đề cập đến mà trong các kinh sách Phật điển khác như Bát Nhã Kinh, Chân Ngôn Nghi Quỹ, Bi Hoa Kinh, Quán Âm Thụ Ký kinh, thậm chí cả trong kinh điển Tịnh Độ Tông, Mật Tông đều sùng phụng và tôn kính Quán Thế Âm Bồ tát, nhưng tại sao đa số người đều biết tên của Quán Thế Âm Bồ tát là Diệu Thiện công chúa, mà không biết Quán Thế Âm Bồ tát còn có nhiều tên khác nhự Tịnh Thánh, Đại Hỉ Thí Vô Úy, Chánh Pháp Minh Như Lai, Kim Cương Bồ tát? Như vậy nghĩa là “Quán Âm Đắc Đạo” là cuốn sách đại chúng, còn kinh Phật là loại cổ dành cho các nhà học giả nghiên cứu, kiến thức của đám đại chúng là do các cuốn sách đại chúng cung cấp, công việc lưu truyền hoằng dương Phật giáo ngày nay rõ ràng là cần phải viết ra những cuốn sách đại chúng chính tri chính kiến! Sự ra mắt bạn đọc của cuốn “Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ…” quả thực có thể nói là một sự bổ khuyết cho các thiếu sót nói trên.

Thời đại ngày nay, quả thực là hỗn loạn rối ren đến cực điểm, ma quỷ múa may, tà thuyết lộng hành, nhân tâm không chốn quy y, tinh thần chẳng nơi ký thác, biển khổ mênh mông, rồi con người sẽ đi về đâu? Thiên tại nhân họa, làm sao giải thoát cho được? Đó là một vấn đề đang nung nấu trăn trở trong lòng mỗi người. Có cách nào giải quyết vấn đề này chăng? Duy nhất chỉ có một câu trả lời, đó là hãy tin vào Quán Thế Âm Bồ tát! Hãy đem tất cả bản thân mình quy y, gửi gắm vào Quán Thế Âm Bồ tát, hiểu rõ Quán Thế Âm Bồ tát là sự thị hiện của Đại Từ Đại Bi, Đại Trí Tuệ, Đại Dũng Mãnh, dù trước mắt chúng ta là những gì đau khổ, tai họa, phiền não, chỉ cần chúng ta nhất tâm bất nhị, thực lòng tín ngưỡng, xưng niệm, lễ bái, nếu chúng ta có được lòng từ bi, trí tuệ và dũng mãnh của Quán Thế Âm Bồ tát, thì Quán Thế Âm Bồ tát nhất định sẽ giải cứu cho chúng ta.

Thói đời ngày càng sa sút, nhân tâm chẳng giữ nền xưa, trong một xã hội tình đời đen bạc này, quả thực phải nhờ vào tinh thần Quán Thế Âm Bồ tát mới có thể cứu vãn nổi. Xã hội của chúng ta từ xưa đến nay, ngoài chốn thị thành ngày nay có một số nhân viên cảnh sát gọi là để duy trì trị an ra, còn các thị trấn khác và các vùng thôn xã hàng mấy chục vạn dặm, có lẽ không có đến một người lính cảnh binh nào, trật tự và an ninh xã hội đều dựa vào một vài đình chùa miếu mạo, vài bức Thánh tượng Phật, Bồ tát, vài câu giáo lý nhân quả thiện ác để duy trì, con người với con người, nếu có điều gì oan ức bất bình, có việc gì đem ra kiện cáo, thì chỉ một nắm hương, quỳ trước tượng Phật, Bồ tát thế là xong, cùng với mây bay khói tỏa, Ở đây ý tôi muốn nói rằng chỉ dựa vào chính trị, luật pháp và quân cảnh thì không thể duy trì được luân lý, đạo đức và an ninh xã hội được, phải làm cho mọi người có tín ngưỡng tôn giáo, đều hiểu ró báo ứng nhận quả thiện ác, đều quy y về Phật, Bồ tát, đó mới là yếu tố lớn nhất để ổn định xã hội.

Cho nên, đứng trước tình hình như vậy, mỗi người đều cần phải tin tưởng vào Quán Thế Âm Bồ tát!

Nhưng việc đã quá lâu rồi, thôi thì chẳng nói làm gì, ngay như hiện tại đây, nữ sĩ Trương Tinh Anh, phu nhân của tướng quân Tôn Lập Nhân, tổng tư lệnh quân đội Đài Loan, bà đã kể rằng chính gia đình bà đã được Quán Thế Âm Bồ tát cứu độ hộ trì, điều đó lẽ nào lại không đủ để chúng ta giữ vững lòng tin hay sao!

Đúng vậy, nhân dân ta, đại đa số là tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ tát từ hai câu “Nhà nhà A Di Đà, hộ hộ Quán Thế Âm”, thường nói trong dân gian cũng đủ thấy điều đó, song những người thực sự hiểu rõ ý nghĩa của việc tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ tát và sự tích hiển thành của Quán Thế Âm Bồ tát, thì cũng không nhiều. Đọc xong cuốn “Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ…”, tôi nghĩ chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, nhận thức thêm một bước về Quán Thế Âm Bồ tát.

“Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ…” này không chỉ giới thiệu uy đức cảm ngộ của Bồ tát, mà có thể nói, cuốn sách còn như dẫn chúng ta đi thăm một chuyến Phổ Đà Sơn. Phổ Đà Sơn là một trong bốn danh sơn của Phật giáo, núi thuộc huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang, xưa có tên là Nam Hải (cho nên tên cuốn sách, trước dòng chữ “Phổ Đà Sơn Truyền Kỳ Dị Văn Lục”, có ghi thêm hai chữ “Nam Hải”), nằm ở phía ngoài eo Tiền Đường, sông Dương Tử (tức sông Trường Giang ngày nay), đại để ở vào kinh tuyến Đông 6 độ 37′, vỹ tuyến Bắc 30 độ 10′, cách đảo Chu Sơn 60 dặm về phía Đông, nối liền một giải uốn lượn như mình rồng, dài 12 dặm, ngang trên 6 dặm, chu vi uốn khúc, trăm dặm có dư. Phía Đông giáp xứ Phù Tang (Nhật Bản), phía Bắc nối với Đăng Lại, phía Nam tiếp liền Mân Việt (Phúc Kiến, Quảng Đông), phía Tây thông sang Ngô Cối (Giang Chiết Cối Kê), sừng sững như tấm bình phong ở phía Đông Nam nước ta, và cũng là nơi trọng yếu của vùng hải cảng. May mắn sao, chúng ta được là người Trung Hoa, nếu không biết một chốn danh sơn kỳ thú như vậy trên mảnh đất thần châu này, thì thật là uổng phí! Giờ đây, đọc cuốn sách này, người đã có dịp đến Phổ Đà Sơn, có thể tăng thêm hiểu biết, người chưa từng đến, cũng có thể gọi là đem lại duyên phúc cho đôi mắt chăng!

Được sự ủy thác của Chử Vân Pháp sư, tôi đã rườm rà khá nhiều rồi, chiếm nhiều trang sách, chỉ làm bạn đọc thêm sốt ruột, bởi vì mục đích chính là để mọi người đọc truyện, để trực tiếp lãnh hội những điều viết trong cuốn sách này thì có lẽ tốt hơn, vậy xin dừng bút ở đây.

Dân Quốc năm thứ 12, Tiết Trung Thu, tại Nghi Lan.

Tinh Vân


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.