Phổ Đà Sơn Dị Truyện

01. Vài Lời Bộc Bạch



Trước khi viết cuốn sách này, xin có đôi lời thanh minh, kẻ cầm bút này không thuộc dòng họ con cháu gì của Phổ Đà Sơn (tức là người cắt tóc xuất gia, trụ tại núi này), đồng thời cũng chưa bái pháp thụ ký ở đây (trên núi có Pháp phái, tức là Tiền Sơn Pháp pháp và Hậu Sơn Pháp phái, nghe nói Pháp tử của Pháp phái còn lớn hơn hơn cả tử tôn phái, phải tôn một vị trưởng lão làm Pháp Hòa thượng, đó là Gia phong của Phổ Đà), tôi chẳng qua chỉ là người trú khách được ghi tên vào bản danh sách của Phổ Đà Sơn vài năm, chứ không có chức quyền gì. Sau này vì được nhận vai Tri khách (ngoại giao, thù tiếp du khách) ở nhà khách chùa trước, cho nên đối với tình hình ở Phổ Đà Sơn có quen thuộc hơn đôi chút so với người chưa đến đây mà thôi.

Hai năm trước đây tôi có dịp đến bái phỏng Sư Đầu Sơn (núi Đầu Sư Tử), một thánh địa Phật giáo, danh thắng của tỉnh nhà, ở chùa Nguyên Quang, hang đá Sư Tử, tôi có dịp kể qua những truyện truyền kỳ ở Phổ Đà Sơn với các tăng chúng ở đó, và may được Tuệ Phong Pháp sư sau đó có ghi lại và định đăng lên tạp chí Giác Sinh, chẳng may Tuệ Phong Pháp sư gặp một trở ngai nhỏ, là bị mất toàn bộ bản thảo, đối với việc này, đến nay Pháp sư vẫn lấy làm tiếc. Lần này, cư sĩ Chu Phỉ, người sáng lập tạp chí “Cây Bồ Đề” có gửi thư cho tôi nói rằng: “… Tạp chí đang định làm phim và viết bài kỷ yếu về thắng tích và phong cảnh của bốn danh sơn, những truyện ở Phổ Đà Sơn, tất nhiên Pháp sư là người biết rõ, rất mong Pháp sư giới thiệu cho thắng tích Phổ Đà Sơn và những kỳ tích hiển thánh của Bồ tát, truyện dài có thể chia ra đăng liên tục trong nhiều số”. Cư sĩ Chu Phỉ muốn tôi cùng mọi người kết nghĩa pháp duyên, giới thiệu cổ tích danh thắng Phổ Đà Sơn và đại loại những truyện kỳ dị về Bồ tát hiển hóa ở núi. Về lý mà nói, tôi là một tín đồ Phật giáo, đối với danh sơn, đặc biệt đối với Quán Thế Âm Bồ tát đại từ đại bi cứu thế, đó là một việc phải làm, không có lý do gì để khước từ được. Song vì tôi sang Đài Loan với hai bàn tay trắng, những sách tham khảo về Phổ Dà Sơn hầu như không có đến một cuốn nào, nên không hạ bút được. Nếu chỉ dựa vào đôi điều trong trí nhớ, nói vài câu thần dị ly kỳ, e rằng tổn hại đến tôn nghiêm của danh sơn. Vả lại, các bậc Đại dức sang Đài Loan cũng có nhiều vị Pháp sư tu hành ở Phổ Đà Sơn như Ấn Thuận Pháp sư và Khánh Duy Đại đức, nhất là Khánh Quy Đại đức đã từng trụ trì ở đó mấy chục năm, mọi điều tai nghe mắt thấy ở đó, Đại đức tất nhiên biết khá cặn kẽ, biết nhiều hơn tôi hàng ngàn vạn lần, nếu tôi viết chẳng ra gì, sao tránh khỏi bị chê cười? Điều đó không phải là tôi “lo trời sập” như người nước Kỷ xưa kia mà chỉ e rằng sau đó sẽ mang tiếng cho sơn môn, người ta sẽ nói rằng: “Sao lại coi thường người Đại Đường đến thế, đất này hết người rồi sao? Người ở Phổ Đà được mấy năm mà cũng dám khua môi múa mép về danh sơn thắng địa này của chúng ta, thật vô lý!” Bởi vì đó là thói cũ của người Trung Hoa chúng ta: “Khi làm thì chẳng thấy ai, làm xong thì lại chê bai hết lời”.

Thổ lộ đôi câu bộc bạch, cũng là để có lời thưa trước với các bậc Đại đức tiên tiến, những lời thô thiển trong cuốn sách của kẻ cầm bút này chỉ là để bạn đọc tiêu sầu, giải muộn lúc trà dư tửu hậu mà thôi, chứ chưa phải là một luận tác gì khảo cứu điển xưa, mà là những thứ “dây dưa hạt cải”, “vọng thinh vọng ngôn” quả là mạo muội! Có điều gì sai sót, những mong các vị Thượng tọa, Đại đức thứ lỗi bỏ qua. Về nội dung, tôi cũng phân môn biệt loại, trình tự trước sau, nhớ điểm nào ghi lại điểm ấy, biết điều gì viết điều ấy, phần lớn theo thể tài kể truyện, cố tránh búa lớn đao to, cao đàm khoát luận viễn vông, để kể rõ lai lịch của Phổ Đà Sơn, những mẫu truyện về kỳ tích đã được truyền tụng hoặc còn ghi lại trong thư tịch, những truyện cảm ứng Bồ tát hiển hóa, những điều thần dị, đưa đăng từng số trên tờ nguyệt sang “Cây Bồ Đề”, nhằm giới thiệu với các đạo hữu chưa từng đến đại lục, và các độc giả đã từng đến Phổ Đà nhưng chưa được nghe truyện, để mọi người có dịp hiểu rõ thêm về Phổ Đà Sơn đất Nam Hải, một thánh địa Phật giáo, một trong bốn danh sơn của đất nước.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.