Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám

Lời Đầu Sách



∗ Lời Người Dịch

Theo như tôi được biết, bộ sách “Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám” này là soạn phẩm cuối cùng của Quả Khanh, vì khi dịch sách “Báo Ứng Hiện Đời” của ông, thỉnh thoảng nghe nhiều nhân vật (vai chính) trong sách nhắc đến, ca ngợi nhờ bộ “Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám” này mà họ được vô vàn lợi ích, nên tôi đã cất công săn lùng, truy tìm… phải mất mấy năm mới gặp được. 

Nhưng sau khi đọc xong nguyên bản, tôi lại ngần ngại không muốn dịch ra, bởi những tình tiết huyền bí trong kinh điển tương đối dễ chấp nhận, vì đó là lời Phật giảng, là kinh được chư Thánh kết tập, ghi lại. Nhưng nếu những tình tiết huyền hoặc xuất hiện trong đời cho dù là dưới sự chứng kiến và thuật lại của Quả Khanh thì rất dễ khiến người hoài nghi, khó chấp nhận.

Vì vậy tôi đã đắn đo, e ngại… không muốn dịch. Nhưng rồi những cú điện thoại của độc giả gọi tới làm tôi đổi ý.

Một nam sinh viên điện tới, vừa khóc vừa tâm sự:

– Nhờ đọc sách nhân quả cô dịch mà con hiểu ra mình đã ngu muội tạo lỗi, vô tình phạm tội rất nhiều. Từ rày con nguyện tu sửa thân tâm, giữ gìn phẩm hạnh thật tốt…

Một cô gái 17-18 tuổi đã hớn hở thổ lộ:

– Nhờ bộ sách nhân quả của cô mà con e dè không tạo ác, con mừng là mình được sớm biết mọi điều khi còn trẻ, từ nay con sẽ cẩn thận giữ gìn thân tâm và nguyện sống thật tốt, không uổng phí kiếp người…

Có những vị đọc sách chấn động, bật khóc nức nở, nguyện từ đây đoạn ác tu thiện, thệ giữ giới như giữ tròng con mắt…

Có những người chuyên rải đinh trên đường thức tỉnh hồi đầu…

Có nhiều người muốn tự tử nhờ đọc sách mà tỉnh ngộ, kịp thời lưu lại mạng sống…

Rất nhiều những tâm sự chân tình khiến tôi xúc động, cảm thấy được khích lệ thật nhiều. Thế là tôi quyết định dịch tiếp. Do tác phẩm này quá dày, nên tôi phải chia ra thành hai cuốn và cũng xin phép giản lược, chỉ dịch những đoạn cần thiết liên quan đến các chuyện nhân quả, cố gắng giảm thiểu sự trùng lập tối đa. Thế nên vị nào muốn xem toàn bộ sám văn có thể tìm đọc trong cuốn “LƯƠNG HOÀNG SÁM”.

Tuy Quả Khanh là cư sĩ nhưng ông vừa gặp Hòa thượng Diệu Pháp thì đã “một nghe ngàn ngộ”, nghiêm cẩn tu trì, khai mở đại trí huệ. Dù ông không tự xưng chứng đắc, nhưng suốt quá trình dịch các tác phẩm của ông, tôi cảm nhận rằng ông và con trai, con gái đều nhìn thấu các kiếp, các cõi… hiểu rõ nhân quả quá khứ vị lai, nhưng ông chỉ gọi khả năng này là “khai phát trí huệ” và dùng đây để gỡ rối cứu độ rất nhiều người, thậm chí kẻ gian manh trộm cắp khi gặp ông cũng thức tỉnh tu hành, trở thành hiền nhân, nối tiếp sự nghiệp độ sinh… Nghĩa là bất kỳ ai gặp qua ông, sau khi nghe ông giảng pháp rồi, đa số đều thệ nguyện dứt ác tu thiện, bỏ mặn ăn chay, nghiêm trì giới luật, thay đổi cả cuộc đời và sống hạnh phúc.

Ngay cả ngài Tuyên Hóa từ đất Mỹ xa xôi cũng xuất tiền mua vé mời ông và con gái là Quả Lâm sang Mỹ, giao pháp tòa để hai cha con thay ngài giải đáp, giảng dạy… gỡ rối cho đại chúng từ khắp nước trên thế giới đến nghe (suốt hai năm cuối đời ngài luôn có ông sát cánh túc trực kề bên, cùng đi khắp nơi hoằng pháp)… đủ thấy vị trí ông rất quan trọng. Tôi thầm đoán có thể ông cũng là một vị mật hạnh “ứng thân” dưới hình dáng cư sĩ.

Do trong Kinh Địa Tạng Phật từng nói: “Chúng sinh cõi Ta bà ương bướng khó độ, niệm ác nhiều, niệm thiện ít, quen huân thói xấu, thiện hạnh mỏng manh, nên ta và chư Bồ tát từ đó đến nay luôn phân thân khắp trăm ngàn, từng “ứng thân” vào các cõi để hóa độ họ, thậm chí còn biến thành sông nước, ao hồ, cây cỏ… để tùy duyên hóa độ. Và Phật cũng từng “phú giao” chúng sinh cõi Ta bà cho Bồ tát Địa Tạng, dặn dò Ngài lo hóa độ họ tu giác ngộ, đừng để họ mê muội bị đọa vào ba cõi ác.

Nhưng chư Phật, Bồ tát khi vào cõi trần độ sinh (trong thời này) không hề ngồi trên tòa sen, hay núp dưới danh Phật, Bồ tát, vì vậy sẽ khiến những phàm nhân tự ti luôn cho rằng mình xuất thân vốn thấp hèn ngu muội, không dám tin rằng mình có khả năng giác ngộ tu thành như chư Phật, Bồ tát… Vì vậy mà các ngài phải “ứng thân”: nghĩa là sinh vào nhân gian qua hình hài phàm nhân, có cha mẹ bình thường, mang đủ thân phận giai cấp bất đồng, thậm chí khoác cả hình dáng kỹ nữ, đạo tặc… để có thể đồng sự, ngang hàng hòng độ đủ tầng lớp chúng sinh, gieo cho họ niềm tin “mình có khả năng tu chứng”…

Nếu ngày xưa có cả nhà Bàng Long Uẩn khai ngộ Thiền cơ ra đi tự tại, thì ngày nay cũng không lạ gì khi cả gia đình Quả Khanh (thậm chí bạn bè và đệ tử ông) đều khai ngộ, có trí tuệ và khả năng phi phàm. Tất cả không dùng đó để khoe khoang, phô trương bản ngã, mà chỉ nhắm vào việc tháo gỡ mê muội của chúng sinh, giúp họ hiểu và tin sâu nhân quả, tin rằng: Bất kỳ ai cũng có thể tu chứng nếu hành đúng theo lời Phật dạy. Quả Khanh thường tuyên bố rằng: “Muốn người không phạm tội, tránh đọa lạc… thì phải giúp họ hiểu biết nhân quả”. Do ông giữ giới rất nghiêm nên không nói dối. Vì vậy những chuyện ông kể, ghi trong đây không hề bịa đặt.

Quả Khanh cũng nhắc mãi: Muốn tìm ngài Diệu Pháp xin hãy tìm trong kinh. Muốn gặp họ xin hãy hành trì đúng như Phật dạy… “Hòa thượng Diệu Pháp” chỉ là hóa danh tạm đặt cho một vị cao tăng, không phải tên thật. Chuyện thì hoàn toàn có thật, nhưng tên và địa danh của tất cả nhân vật trong sách Quả Khanh bắt buộc phải thay đổi.

Xin nhắc lại: Bản thân tôi chỉ là dịch giả, không phải là người trung gian có thể giúp quý vị gặp Hòa thượng Diệu Pháp hay Quả Khanh (xin quý vị đừng tưởng lầm và cứ hỏi mãi… Do tôi bế quan không tiếp khách nên quý vị có nhu cầu cần liên lạc, xin vui lòng gọi cho người đại diện tôi qua số phone 0938.422.977).

Như Quả Khanh từng nói: “Chúng ta phải cảm tạ chính phủ và tri ân ban thẩm duyệt đã cho phép Phật pháp và sách nhân quả được lưu truyền, nhờ vậy mà chúng ta mới được xem những bộ sách tuyệt hay và được dịp nếm trải những kinh nghiệm hi hữu… Thế nên mỗi người Phật tử chúng ta nên báo ân bằng cách: Nguyện làm một công dân tốt, tuân thủ quốc pháp, hằng giữ gìn phẩm hạnh sạch trong, luôn nghĩ đến và làm những điều có ích cho xã hội, quốc gia”…

Xin cảm ơn những người đã âm thầm hỗ trợ khích lệ tôi. Dịch phẩm này được thành tựu là nhờ sự giúp đỡ lặng lẽ và cổ vũ chân tình của bao người. Xin hồi hướng phước điền dịch thuật này đến tất cả chúng sinh trong pháp giới, mong rằng tác phẩm này tiếp tục đem đến cho quý vị thật nhiều lợi ích.

Hạnh Đoan

30 tháng 8 năm 2015

∗ Lời Tác Giả

18 năm trước tôi tình cờ xem cuốn “Giác Hải Từ Hàng”, nhờ đấy mà tiến vào biển Phật pháp và thay đổi cả đời mình.

Lần đầu đến chùa, tôi thỉnh về cuốn “Tuyển Tập Khai Thị” của ngày Tuyên Hóa. Đây là cuốn sách hướng dẫn dễ hiểu, giúp tôi phân biệt rành rẽ thiện – ác, biết làm một người tốt là thế nào, am tường lục đạo luân hồi và cách thoát ly tam giới ra sao. Cuốn sách này giống như ngọn đèn phá tan mọi u ám trong tâm tôi, khiến tôi như kẻ mù được sáng mắt, tâm được khai thông như vừa dọn dẹp xong rừng cỏ mịt mù.

Tôi rất thích xem các kinh sách của ngài Tuyên Hóa giảng. Tôi xem say mê, vô cùng phấn chấn, thường đọc thâu đêm suốt sáng, ngày ngày tận hưởng pháp hỉ sung mãn.

Khi đó tôi mới hiểu đạo nên khoái lắm. Hễ gặp ai, có bàn gì cũng toàn nói về Phật pháp, tôi kể lể vì sao mình từ bỏ hút thuốc, uống rượu… thệ dứt ăn mặn và sốt sắng khuyên người mau nghiêm trì giới luật, ăn chay trường. Cho dù ở đâu: trên máy bay hay hỏa xa… bất cứ nơi nào, tôi cũng say sưa bàn luận kinh pháp thao thao bất tuyệt. Tôi giống như kẻ vừa phát hiện ra kho báu cực quý, quýnh quáng rủ người cùng khui lấy để chung hưởng…

Ngày mồng 8 tháng 12 năm 1993, quá nửa đêm, lúc đó không giờ mười phút. Tôi đang chăm chú xem kinh sách của ngài Tuyên Hóa giảng và đăm chiêu, tư lự nghiền ngẫm… thì ngài Tuyên Hóa bỗng gọi điện đến nhà tôi, điều này bất ngờ đến tôi phải thú nhận rằng dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Lần đầu tiên được hóa thân Bồ-tát Quan Thế Âm gọi điện tới; cũng là lần đầu cùng được hầu chuyện cùng ngài (ở cách xa nhau nửa vòng trái đất), tôi xúc động đến không thể dùng ngôn từ nào để diễn tả. Hơn thế nữa, tôi còn được vinh hạnh nghe ngài ngỏ lời mời mình và con gái Dương Văn, pháp danh Quả Lâm đến Vạn Phật Thành.

Suốt thời gian ra nước ngoài, hằng ngày sớm tối tôi luôn được kề cận ngài, theo ngài đến khắp các “Tổng hội Đạo tràng Phật giáo” trên thế giới. Ân sư nhân thân mẫu mực, chúng xuất gia tôn nghiêm, giới luật thanh tịnh, khiến chúng tôi cung kính đảnh lễ… Bản thân tôi một lần nữa được mở rộng tầm mắt và bước vào con đường mới mẻ của kiếp nhân sinh.

Năm 1995 ngài Tuyên Hóa viên tịch, tôi và con gái quay về Đại Lục, thầm cảm ngộ sâu sắc lý vô thường, chữ tử càng hằn sâu nơi tâm. Dù không níu giữ được những gì đã trôi qua, nhưng do tại Đại Lục và Mỹ quốc tôi đã có cơ may chứng kiến rất nhiều câu chuyện nhân quả kỳ diệu sống động, vì vậy mà không cam tâm để chúng bị mai một, nên tôi mạnh dạn viết ra bộ sách “Nhân Quả Báo Ứng Hiện Đời” cho mọi người tham khảo, hy vọng khi xem xong, độc giả sẽ minh bạch lý nhân quả Phật thuyết và biết tỉnh giác, tự kiểm điểm bản thân, phát tâm bước vào con đường học Phật, trì giới ăn chay, tịnh hóa bản tâm, hưởng được pháp vị, lìa khổ được vui.

Vì lý do tế nhị, tôi bắt buộc phải giấu đi tên họ, địa điểm của nhân vật. Nhưng xin khẳng định: Những chuyện tôi kể hoàn toàn có thực, chỉ có tên người và địa danh tạm đổi thôi.

Tôi kể lại những câu chuyện nhân quả này với hi vọng là có thể cảnh tỉnh người, xin quý vị hiểu ý tôi, không nên bôn ba đi khắp nơi tìm Hòa thượng Diệu Pháp, đừng hướng ngoại tìm cầu.

Bởi vì đã có nhiều người giả danh mạo nhận là Hòa thượng Diệu Pháp để gạt lường, trục lợi. Việc này xảy ra ở khắp nơi như: Ngũ Đài, Bắc Kinh, Thạch Gia Trang, Giang Tô v.v…

Quý vị phải biết rằng: Người tu chân chánh thì không hề đi khắp nơi xin tiền bất luận là nhân danh gì. Tôi đặt tên “Diệu Pháp” là hàm ý rằng: “Phật pháp là Diệu Pháp, chỉ những ai chân chánh tu hành đúng theo giáo lý Phật dạy mới là Đại sư”.

Chỉ cần quý vị y theo pháp Phật phụng hành, trì giới thực tu, không hướng ngoại tìm cầu, tức là đi đúng chánh đạo. Tôi xin cam đoan những nhân vật trong “Báo ứng hiện đời” hoàn toàn có thực, chỉ khi nào nhân duyên hội đủ, chín muồi, thì bạn mới có thể gặp.

Theo giáo lý Phật, pháp sám hối giúp tiêu trừ nghiệp chướng rất mạnh, là diệu pháp giải thoát sinh tử. Trong Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có nói: “Nếu người tạo trọng tội, biết ăn năn tự trách, tha thiết sám hối, nguyện chẳng phạm lại, có thể bạt trừ các nghiệp tội căn bản”… Còn kinh Kim Quang Minh nói: “Ngàn kiếp tạo ra vô biên tội nghiệp, một phen sám hối liền được thanh tịnh”. Phật đối với pháp môn sám hối luôn khai thị, hướng dẫn chúng ta cách tu hành thiết thực, Lương Hoàng Bảo Sám là đại diện cho pháp sám hối thù thắng trong Phật môn.

Cuối năm 1994, tôi và Quả Lâm ở tại Thánh Tự Mỹ Quốc, tham gia pháp hội lạy Lương Hoàng Sám. Lúc đó tôi xúc động vô cùng, khi nghe lời văn sám kể ra đầy đủ các tội, chữ chữ câu câu giống như roi cảnh tỉnh quất vào tâm, khiến tôi bừng tỉnh cơn mê, bắt đầu nhận ra mình đã tạo vô lượng tội, đồng thời cũng khấp khởi mừng vì cuối cùng trong cuộc đời này mình đã hữu phúc được gặp Phật pháp, có cơ may cải tà quy chánh… và tôi thành tâm sám hối túc nghiệp như núi cao của mình.

Sau khi về nước không lâu, tôi tiếp tục lạy Lương Hoàng Sám tại nhà, âm thanh Phật hiệu bỗng trầm, du dương, ngày ngày sung mãn nơi tiểu Phật đường nhà tôi, lúc này tôi như mê như say, quên hết tất cả, toàn thân tâm dung nhập vào sám văn và Phật hiệu. Có lúc người nhà cũng tháp tùng lễ bái theo, việc lễ sám khiến cho toàn gia cảm thấy pháp hỉ sung mãn, nghiệp tiêu huệ tăng.

Do mấy năm gần đây tôi nghe nhiều bạn đồng tu kể rằng: Tuy họ có bái mấy bộ Lương Hoàng Sám, nhưng không hưởng được lợi ích, vì đa số không hiểu ý tứ trong kinh văn, cứ cho rằng “Chỉ cần lễ bái là được công đức, có thể diệt tội”… Tôi cảm thấy quan niệm như vậy là quá sai! Bởi khi bái sám bạn cần hiểu rõ câu văn, thâm nhập ý nghĩa trong đó mới là đúng pháp.

Vì vậy tôi nảy ý đem những điều tâm đắc trong lúc mình từng lễ sám, viết hết ra để chia sẻ. Hy vọng bạn đồng tu xem xong, thu được nhiều lợi ích, cũng mong có thể giúp cho hàng sơ học tham khảo.

Nguyên văn trong Lương Hoàng Sám đa số không khó hiểu, do số trang có hạn, nên tôi không lập lại danh hiệu Phật và đối với những sám văn dễ hiểu cũng không nhắc lại làm chi, tôi chỉ giải thích những câu khó hiểu và phụ chú bằng những câu chuyện nhân quả để làm rõ nghĩa thêm. Tôi xin phép giấu tên, hoặc đổi tên những nhân vật có thực trong chuyện kể, dù chuyện đã được đương sự đồng ý cho phép đăng, song những địa danh và tên người đa phần tôi đều dùng hóa danh để tránh gây phiền lụy cho vai chính trong chuyện. Mong quý vị thông cảm lượng thứ.

Tôi chỉ mong cuốn sách này sẽ giúp mọi người hiểu sâu nhân quả và thu được lợi ích.

Mong rằng sau này sẽ có chư đại đức giải thích Lương Hoàng Sám đầy đủ hơn, giúp mọi người hiểu thêm về pháp môn sám hối, đem lại nhiều lợi ích tu hành cho chúng sinh.

Tháng 8 năm 2007

Quả Khanh hổ thẹn kính ghi.

∗ Lý Do Có Lương Hoàng Bảo Sám

Cuốn sám này bắt nguồn từ thời vua Lương Võ Đế. Tính vua ưa hành thiện, thích tu hành, ông bái cao tăng Chí Công làm Quốc sư, trị vì 46 năm, thọ 86 tuổi (463 – 549).

Do Hoàng hậu Hy Thị là vợ vua Lương Võ Đế, lòng nhiều tật đố, khinh khi Tam bảo, tính dữ như độc xà, thấy vua Lương Võ Đế ưa học Phật tu hành bà rất ghét, từng xé kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, luôn tìm cách phá hoại giới hạnh thanh tịnh của các tu sĩ, hay ác khẩu cuồng ngôn, hủy thanh quy Phật. Do bà sống không biết tích phúc, chẳng tin báo ứng nhân quả, ngày ngày tạo ác nghiệp dẫy đầy, vì vậy mà yểu mệnh, mới ba mươi tuổi đã lìa đời. Bà chết rồi thì đọa làm mãng xà, chịu đói khát, toàn thân luôn bị côn trùng rúc rỉa đau đớn, chẳng lúc nào được an.

Bà bèn báo tin cho vua Lương Võ Đế hay, cầu ông cứu mình. Vua vội bái hỏi Hòa thượng Chí Công:

– Hy Thị do đâu bị đọa làm mãng xà?

Chí Công đáp:

– Do bà sống bất kính Tam bảo, tật đố lục cung, chẳng chịu tạo thêm phúc mà chỉ biết tận hưởng, cứ tưởng vương cung là thiên đường, không tin nhân quả, chẳng sợ báo ứng, gây ra quá nhiều nghiệp ác.

Vua hỏi:

– Làm sao để siêu độ bà?

Chí Công đáp:

– Nếu muốn siêu độ, bệ hạ cần thiết trai phạn thỉnh cao tăng cúng dường, lập Đại đàn tràng sám hối tuyên dương Phật pháp. Ngài cần nghiên cứu kinh tạng, đích thân lễ bái, tụng niệm sám hối…

Vua làm theo lời dạy và thỉnh ngài Chí Công soạn ra áng văn sám hối này.

Sau đó, chúng tăng lập đàn tràng lễ sám, cầu cho Hy Thị. Khi bộ “Lương Hoàng Sám” vừa tụng xong, thì thấy một vị trời dung nhan xinh đẹp bảo vua Lương rằng:

Tôi nhờ Phật lực nên thoát kiếp mãng xà, được sinh thiên, nên nay đến lễ tạ ân.

Qua câu chuyện đó, đủ biết bản sám này có thể khiến ác tiêu lành đến, tội diệt phúc sinh.

Do lúc Ngài Chí Công biên soạn, đã được Bồ-tát Di Lặc ứng mộng ban tên là: “Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp”, lại bắt nguồn từ vua Lương Võ Đế, nên gọi là “Lương Hoàng Bảo Sám”.

Lúc bái sám, có Sư hướng dẫn đại chúng hành theo, ý nghĩa sám là: Dùng hình thức này giúp mọi người đồng tu, hằng giữ chính niệm, giờ giờ khắc khắc luôn phản tỉnh kiểm soát bản thân, nhờ chí thành sám hối, dẹp trừ chướng ngại mà được thanh lương.

Bộ “Lương Hoàng Bảo Sám” này sau khi siêu độ được hoàng hậu Hy Thị thu được kết quả vi diệu rồi, thì trải qua nhiều đời, vẫn tiếp tục phát huy uy lực, chiêu nhiều cảm ứng thần kỳ. Do vậy mà được tôn là Bảo Sám – Bắt nguồn từ chữ “Sám”, bởi nếu không chân chính sám hối thì không là “Đạo Tràng Từ Bi” mà cũng không thể gọi là “Bảo”.

Vì vậy “Lương Hoàng Bảo Sám” chứa ân huệ vạn ngàn, đức trùm thiên thu”, công đức sám hối, tán thán không sao hết được.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.