Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám

Chương 37: Phát Nguyện Hồi Hướng



∗ Giải thích Sám văn

Trong Kinh Địa Tạng Phật giảng giải có đủ loại công đức và nhấn mạnh tầm quan trọng của hồi hướng: “Nếu có thể đem thiện sự hồi hướng cho pháp giới, thì công đức người này trăm ngàn đời thọ an vui vi diệu. Nếu chỉ hồi hướng cho gia đình quyến thuộc và lợi ích của bản thân, thì chỉ hưởng có ba đời”.

Theo lời Phật khai thị, chúng ta có thể nhận ra: Người tu cần có tâm quảng đại, làm việc thiện không nên tham cho mình mà hồi hướng cho pháp giới, thì phúc kia không gì có thể sánh kể.

Nếu bạn bố thí hành thiện rồi hồi hướng cho phúc báu nhân thiên… mặc dù thực tế bạn có quyền “chuyển khoản” hết về “kho phúc báu nhân thiên”, nhưng xét theo cứu cánh thì việc này dễ gây ra nhân duyên chướng đạo! Bởi từ xưa đã có câu: “Phú quý khó tu”. Được phú quý mà không có trí tuệ soi đường dẫn lối thì rất dễ tạo ác, cuối cùng lại bị đọa vào ác đạo, biến thành: “Tam thế oán” như trong “Tạp Thí Dụ Kinh” đã kể ra câu chuyện thế này:

“Có một trưởng giả ham phú quý nên dốc sức cúng dường chúng Tăng, gặp một vị La hán không những chẳng khen ngợi chi, mà còn bảo ông là: “Có tội”. Bởi vì trồng phúc thì sẽ được hưởng phúc báo khoái lạc nhân thiên, chính ngay lúc hưởng thụ sẽ phát sinh tâm kiêu ngạo tự cao, bất kính Phật Pháp Tăng, khởi niệm tham lam phóng dật, do vậy mà sau sẽ bị đọa ác đạo”.

Vì vậy, chỉ có phát tâm Bồ đề, quyết chí cầu giải thoát sinh tử, hồi hướng cho thành tựu vô thượng Phật đạo, mới là chánh lộ.

∗ Vì Sao Lễ Sám Không Linh?

Hiện nay trong nước lẫn ngoài nước, có rất nhiều người thắc mắc, hỏi tôi: Họ bái Lương Hoàng Bảo Sám rồi, song bệnh vẫn như xưa, phiền não còn y nguyên, vì sao như vậy?

Tôi đáp:

– Có hai tình huống:

1. Do họ không trì giới, chưa bỏ mặn ăn chay. Đây gọi là: Ngay nền tảng tu hành đã không tốt.

2. Tâm không tu đàng hoàng, từ đầu đến cuối chỉ vì lợi ích nhất thời mà tạm đến “ôm chân Phật” chứ không thật lòng sám hối.

Tôi bảo bọn họ hãy tự kiểm, suy xét cho kỹ xem? Đa số thường đáp là: Có!

Thực ra Lương Hoàng Bảo Sám luôn khuyên chúng ta nên hành đúng theo lời Phật dạy, biết lỗi hồi đầu, buông hết ân oán, quay về nhà mình. Nhưng nhiều người (trước và sau khi sám hối), tâm hoàn toàn không có chút tỉnh ngộ hay bất kỳ cải sửa nào, vẫn cứ như xưa: Tật đâu còn đó “chỉ thấy lỗi người, ai cũng sai, cũng không đúng, còn riêng mình thì rất tốt!”. Làm vậy chẳng khác chi đã xem bản đồ kỹ càng nhưng không chịu cất bước, hoặc đi sai lạc, nên chẳng thể tìm ra lối về nhà. Như vậy có đáng tiếc không? Thật giống như kẻ ngồi trong ngân hàng đếm tiền, nhưng toàn là tiền của người ta!

Hành trì Lương Hoàng Sám là phải “đại xả bỏ… vô minh”. Bất kể là ai, bất kể có bao nhiêu người, cứ y theo pháp sám này mà cải hối, sửa đổi, ắt sẽ tìm được đường về nhà, xa lìa sợ hãi âu lo, chắc chắn được an lạc.

Do các vị mới phát tâm học Phật định lực ít, lúc rảnh cần tranh thủ xem kinh sách, giúp tăng trưởng trí huệ. Nếu cần bàn luận gì thì nên thân cận với những Phật tử có chánh kiến, nói nín chi cũng phải theo đúng như pháp Phật dạy: “Thốt lời Phật, hành hạnh Phật, tin sâu nhân quả”… được vậy mới giúp cho đạo tâm mình tăng kiên cố. Nếu thường cùng ngoại giáo hay người chẳng tin Phật bàn chuyện phiếm, nói nhảm, phê bình chỗ hay dở, bới móc lỗi người, thích nói lời tục (xổ toàn ô ngôn xú ngữ)… thì phải hiểu sơ phát tâm giống như lửa mà lời xú uế tựa như nước, và ta đã tạo cảnh: Lửa yếu nước mạnh, ắt lửa phải tắt!

Vì vậy, quý vị phải tránh xa Ác tri thức, hằng thân cận Thiện tri thức, phải thường cảnh tỉnh mình luôn. Ác tri thức bao gồm cả những văn hóa đồi trụy: Những sách, truyện, băng đĩa, phim ảnh tuyên truyền giết chóc, bạo lực, tình dục dâm uế trên net và chung quanh mình, nghĩa là tất cả người và vật nào thuộc dạng này, quý vị phải tuyệt đối tránh xa! Nếu quý vị tu được: “Mắt thấy sắc tướng lòng không vướng, tai nghe mọi sự tâm chẳng vương”… thì mới không cần xa lánh…

Một người nếu chân thành “đoạn ác tu thiện, thì dù có tụng kỉnh, trì chú, tham thiền, niệm Phật chi… cũng sẽ chiêu công đức… Nếu có thể hồi hướng cho tất cả chúng sinh thì diệu lạc ấy vô cùng, còn nếu chỉ hồi hướng cho quyến thuộc và bản thân mình, thì quả diệu lạc này chỉ hưởng ba đời, bởi: Xả một thì thu được vạn báo.

Công đức chiêu phúc lớn hay nhỏ, là tùy vào cách chúng ta lựa chọn hòi hướng như thế nào mà thôi.

Lục căn của phàm phu quen truy cầu lục trần, nhưng người tu thì phải luôn hành ngược lại thế nhân, thường phát nguyện giữ lục căn thanh tịnh, dần dần tâm đạt thanh tịnh bất nhiễm, đi vào đường giải thoát…

∗ Phát Nguyện Về Khẩu Nghiệp

Nguyện từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật, miệng không hủy báng Tam bảo; không hủy báng người hoằng đạo, không nói việc xấu ác của người…

Nguyện không bao giờ nói: “Làm lành chẳng được quả tốt; làm ác không bị quả khổ”; không hề nói: “Chết là hết, không có chuyển sinh luân hồi chi”. Nguyện không nói vô ích, không nói lời gây tổn hại người. Không tuyẽn truyền kinh sách tà hay ngoại đạo; không dạy người làm thập ác, không xúi người phạm tội ngũ nghịch; không tán dương làm ác; không a dua hùa theo thói tục; không dạy người tin thờ thầy tà, quỉ thần, đồng bóng… Miệng không bình xấu tốt; không giận hờn mắng nhiếc cha mẹ, Sư trưởng, Thiện tri thức; không ngăn cấm người làm phước…

Nguyện miệng con thường tán thán Tam bảo; nêu cao công đức truyền giáo; luôn giảng quả báo thiện ác lành dữ cho người. Thường nói lời giác ngộ, lời thiện lành, giúp chúng sinh được lợi; thường thuyết kinh Phật, xác nhận “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh, có thể tu thành”… Nguyện miệng thường dạy người hiếu dưỡng cha mẹ, qui y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới, hành Thập thiện, tu thanh tịnh. Miệng luôn khuyên người phải gấp làm việc thiện như cứu lửa cháy đầu…

Giải thích:

Chúng ta sống đến hôm nay, chỉ một lỗi phóng túng khẩu nghiệp, không cần ngôn, không thận trọng giữ gìn, mà tạo ra nghiệp ác bất tận. Nếu chẳng sám hối, thì địa ngục bạt thiệt ắt sẽ có phần.

Sau khi sám hối rồi, thì lúc bàn luận có nói gì cũng phải thận trọng, cẩn ngôn. Tu khẩu đức chính là gìn giữ miệng thật tốt. Điều này đối với người tu rất quan trọng! Phải nhớ: Khi không bàn chuyện thì im lặng, tĩnh tâm tu (thầm niệm Phật hoặc trì chú để giữ chánh niệm tùy theo pháp môn tu của mình). Lúc nào cũng nhớ lời Phật dạy, tâm thường an trụ nơi đạo, vượt thoát tam giới…

Riêng hàng cư sĩ tại gia, xin quý vị đừng để chuyện mưu sinh kiếm sống làm ảnh hưởng đến việc tu… Phải biết Quỷ thần, Thiên địa… luôn ngầm trợ giúp những ai chịu tu trì, vì vậy công việc, sự nghiệp bạn sẽ phát thuận lợi, nếu bạn tu chân chính đúng pháp: Tâm chẳng đắm tham kim ngân, bảo ngọc, thấy tuấn nam, mỹ nữ… lòng không đắm nhiễm vấn vương, luôn thanh tịnh vô nhiễm, hằng nghiêm trì giới luật…

Lúc Phật Thích Ca mới thành đạo, Ma vương phái ma nữ đến phá, nhưng bị thất bại nên xấu hổ biến thành phẫn nộ. Ma vương ở trước Phật phát lời thệ rằng: Hiện giờ Phật pháp đang lên nên ta không thể cản ngăn, đành cam chịu các đệ tử của ta đều bị hóa độ thành đệ tử Phật.

Nhưng đến đời mạt pháp trong tương lai, ta sẽ sai các đệ tử, ma con, ma cháu… của ta, cho chúng trà trộn vào đám đệ tử Phật, mặc y phục Phật giáo, hòng phá hoại đạo Phật, biến giáo thuyết ngươi thành điên đảo, để dẫn dụ đệ tử ngươi vào ma đạo! Đến lúc đó, thử xem ngươi làm thế nào?

Phật nghe xong lời này, đôi mắt rưng lệ vì thương xót…

Phật tuy có thần thông cao tột, nhưng cũng vô phương ngăn cảnh tối tăm khi “bóng ngả về tây, lúc thái dương chìm lặn”. Vì ngay lúc này những loài sợ ánh sáng sẽ thừa cơ xuất hiện làm hại chúng sinh. Đệ tử Ma vương có tham, sân, si sâu nặng, thích làm chuyện xấu ác tối tăm. Một khi chúng trà trộn vào Phật môn, sẽ phá hoại giới luật Phật ngay từ trong nội bộ: Chúng đem tà thuyết ô trược trộn vào giáo lý Phật, như vậy thì mức độ nguy hại có thể tưởng tượng được.

Lúc Phật giảng Kinh Lăng Nghiêm, đã thông báo rằng: Khi thời mạt pháp tới, thì Phật sẽ phái chúng đệ tử là các hàng Bồ tát, chư vị La-hán của ngài… cùng “ứng thân” giáng nhập vào thời mạt pháp, “ứng thân” tức là: Dùng thân do cha mẹ sinh ra. Các ngài sẽ đầu sinh vào các gia đình giai cấp không đồng nhau, sau khi những đứa bé (hóa thân) này lớn lên, có thể làm Sa môn hay giữ nguyên hình thức thế tục, có thể là Vua một nước hay Lãnh đạo cao cấp của một vùng, họ có thề là Thủ tướng, Đại quan hay đồng nam đồng nữ… Những bé trai, bé gái này, sau khi trưởng đại rồi sẽ kết hôn hoặc không kết hôn, thậm chí có vị còn làm… xã hội đen, du côn, dâm nữ hay quả phụ…

Có vị còn thị hiện là bà vợ hay ông chồng xấu nết, phạm lỗi thông gian hoặc mang thân phận “ô nam, uế nữ”… để có thể hóa độ tất cả hạng ti tiện hèn kém trong xã hội. Thực sự trong khắp các hạng người, đều có Bồ tát, A-la-hán đầu sinh, ứng thân hóa độ…

Tại sao chư Bồ tát, A-la-hán không ngồi trên tòa sen uy nghi hiển hách giáng hạ xuống phàm trần để độ người? Bởi nếu làm vậy thì những hạng phàm phu sẽ sinh tâm kính sự và hoàn toàn không tin là bản thân họ có thể tu “Xuất tam giới thẳng đến thành Phật”. Hiện giờ đang bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ Mạt pháp. Kinh Đại Bi chia pháp vận ra ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp. Chánh pháp một ngàn năm, Tượng pháp một ngàn năm, Mạt pháp một vạn năm.

Chư Phật, Bồ tát, A-la-hán… đầu nhập nhân gian là vì chúng sinh mê muội mà dẫn đường chỉ lối, đồng thời thị hiện sự tu hành đạo tâm kiên định.

Ngài Tuyên Hóa giảng: Khi nghe ai có chút trí tuệ, thần thông, bạn đừng vội nói họ là ma! Muốn biết có phải là ma không thì bạn hãy nhìn, hãy quan sát xem: Họ có còn tham tài, tham sắc, tham danh lợi hay không? Và nhớ lấy đây làm tiêu chuẩn để phân biệt.

Phàm những ai ham tiền, xin tiền, vòi tiền đều là giả. Đã minh bạch lý này rồi, thì sẽ không bị lừa. Hễ còn Kinh Lăng Nghiêm hiện diện thì chánh pháp không bị diệt và lời răn dạy trong”Tứ chủng thanh tịnh minh hối” chính là bài thi trắc nghiệm đo lường mức độ tu chứng… Xin các pháp lữ mỗi người hãy tự nỗ lực, tự khảo thí…

Trong “Phật Thuyết Pháp Diệt Tận Kinh” có giảng một số hiện tượng (mà thời nay đã thấy xuất hiện trong đạo lẫn ngoài đời): Toàn thế giới dường như đều phóng túng, thích quảng bá dâm dục, sắc tình… Loài vật bị giết dã man tràn lan đề ăn. Khắp nơi xảy ra dối lừa, bịp bợm, cướp trộm, hạ độc, giết người v.v… vì lợi riêng mà người ta không từ thủ đoạn tồi tệ nào, Thập ác tăng đến đỉnh điểm, người ta giở đủ mánh khóe để tạo ác, thậm chí nói năng, hành xử… toàn là thô tục, giả trá. Luôn tận dụng cơ hội để gạt tiền, kiếm tiền, cái ác mỗi lúc một tăng không ngừng nghỉ…

Lúc Phật Thích Ca giảng “Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Diệt Tận”… Ngài đã tiên đoán và mô tả các sự kiện này sẽ xảy ra vào thời Mạt pháp, vì vậy Ngài mới phái chư Bồ tát, A-la-hán trở lại nhân gian, dùng đủ thân phận để hóa độ đủ hạng người.

Tổng kết:

Hễ ai chịu cực khổ lễ Lương Hoàng Bảo Sám và học Kinh Lăng Nghiêm, nhất định là thời quá khứ đã cùng Phật có duyên sâu nặng, trong số này cũng có người là: “Tạm ghé bến tam giới, ứng thân trở lại nhân gian để độ người – Là “Bồ tát A-la-hán tái lai”. Chư vị này tuy cũng tu xuất tam giới, vừa tu vừa độ sinh, song cũng phải dùng bản thân mình, tùy duyên bồi đền túc trái (nợ cũ).

Tất nhiên họ vẫn phải trải qua khảo thí (thử thách). Chúng ta hiện tại rất cần hoàn thành quá trình “làm tiêu nghiệp cũ” và lo thanh toán, trả cho xong các món nợ quá khứ. Mà chủ nợ chính là quyến thuộc bên cạnh chúng ta và tất cả những thiện duyên, ác duyên mà ta tiếp xúc… Nếu sống trong nhân gian, ta có thể làm: “Người đi ngược lại” dòng đời, thì sẽ giải quyết dứt điểm những nợ nghiệp xa xưa từ vô thỉ. Hễ hoàn thành thử thách, vượt qua ải thi cuối cùng thì xem như là thi đậu, tốt nghiệp.

Lạy xong bộ Lương Hoàng Bảo Sám này tất nhiên rất gian khổ, thậm chí là khó thể kham thọ, huống nữa là lễ ba bộ hay nhiều hơn nữa…

Chúng ta giống như người (vì mê lầm) lỡ nuốt độc dược, phải lo tẩy độc gấp bằng cách nôn, ói hết ra…. Nhưng bạn vĩnh viễn không thể nhờ bụng ai nôn ra giúp cho mình. Bởi cái chuyện nhờ người làm thay, tu thay… hoàn toàn không có cửa!

Chúng ta đều biết: “Muốn được kết quả vĩ đại thì phải lao động gian khổ”… cổ nhân từng nói: “Trời muốn giao trọng trách cho ai, thì trước phải rèn chí, mài luyện họ tơi bời”… vì vậy nếu ta không nhẫn giỏi thì khó thể thành công.

Vì sao người tu hành phải trải qua nhiều cuộc mài dũa gian lao khổ nhọc? Bởi vì tương lai họ phải làm đại sự, phải gánh vác và hoàn thành những trọng trách sứ mệnh rất lớn, nên trước tiên cần phải hứng chịu sự mài luyện sắt thép, khiến tất cả tính tật gai góc xù xì của bản thân đều được dũa mòn, mài bằng… và còn phải học rành rẽ những điều chưa biết, chưa hiểu… Đại sứ mệnh to lớn kia chính là: Giúp chúng sinh giác ngộ, hỗ trợ việc “lấy giới làm sư”, dùng pháp Phật hướng dẫn người, chỉnh lại Ma thuyết đang gieo rắc hoành hành, nhằm biến Phật pháp thành điên đảo…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.