Nguồn Thiền Giảng Giải

Thiền Giáo Song Hành



Nhưng gốc nhơn liễu đạt mới biện các giáo nghĩa, nên lòng tha thiết tâm tông. Lại, nhơn biện các giáo nghĩa mà hiểu tu tâm, nên chí thành giáo nghĩa.

Do nhơn ban đầu liễu đạt được tự tâm và sau ngài xem kinh hiểu rành giáo nghĩa nên lòng mới tha thiết với thiền, và cũng nhơn hiểu rành giáo nghĩa, ngài nắm vững được phương pháp tu tâm, vì vậy ngài hết sức quý trọng kinh. Ðối với ngài, Thiền và Giáo đều tu nên chủ trương của ngài gọi là Thiền Giáo song hành. Như ở đây tu thiền mà tôi đem kinh ra giảng dạy, đó cũng là đường lối Thiền giáo song hành vậy.

– Giáo là kinh luận do Phật, Bồ Tát lưu truyền. Thiền là kệ tụng do thiền sư thuật lại. Kinh Phật thì mở rộng mênh mang đến một ngàn tám trăm bộ (1800), kệ thiền thì tóm lược tùy hợp căn cơ người phương này. Mênh mang thì thênh thang khó tựa, hợp căn cơ thì chỉ thẳng dễ dùng. Nay biên soạn ý nơi đây vậy.

Giáo là kinh luận do Phật nói, Bồ Tát lưu truyền, nhưng kinh thì nhiều vì Phật nói rộng, người đọc khó lãnh hội được những điều cơ bản. Còn kệ tụng của các thiền sư thì gọn vì các ngài tùy căn cơ của mỗi người nói ra, cho nên dể ứng dụng, vì lẽ đó ngài mới biên tập bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập, nhằm vào ý gom lời của Phật Tổ lại rút ra những điều cơ bản để cho người đọc hiểu và y cứ nơi đó tu hành.

– HỎI: Nói tóm lược thì văn phải gọn, nghĩa phải đầy đủ, lẽ ra phải rút gọn nhiều nghĩa trong một ít văn. Vả lại, chư Phật nói kinh đều đủ: Pháp, nghĩa, nhơn, quả, tín, giải, tu, chứng. Tuy thế giới mỗi nơi có khác hóa nghi không đồng, nhưng chỗ lập giáo đều đủ những điều này, cho nên kinh Hoa Nghiêm mỗi hội mỗi vị đều kết: “Thế giới trong mười phương thảy đồng thuyết này”. Nay xem biên tập lời các thiền gia phần nhiều là tùy hỏi, gạn lại, vừa lập vừa phá, không có mối manh, không thấy thủy chung, đâu được gọi là tóm lược Phật giáo.

Phàm nói đến kinh Phật thì phải đủ tám điều kiện: Pháp, nghĩa, nhơn, quả, tín, giải, tu, chứng mới gọi là kinh. Như Kinh Hoa Nghiêm, mỗi Bồ Tát nói xong một thời pháp kết luận rằng: “Thế giới trong mười phương thảy đồng thuyết này”. Ở đây, ngài dẫn lời các thiền sư thì không đầu, không đuôi, không thủy, không chung làm sao đủ tám điều kiện đó mà gọi là tóm lược Phật giáo?

– ÐÁP: Phật ra đời lập giáo cùng thiền sư tùy xứ độ người, sự thể mỗi bên có khác. Phật dạy thì muôn đời lấy làm bằng cứ, lý phải hiển bày. Thiền sư dạy chính tại nhất thời độ thoát, ý ở huyền đạo (đạo nhiệm mầu). Huyền đạo ắt phải quên lời, nên nói ra không lưu dấu vết, dứt dấu vết nơi đất ý thì lý hiện ra ở nguồn tâm; tức là tín, giải, tu, chứng không làm mà tự nhiên thành tựu. Kinh, luật, luận, sớ không học tập mà tự nhiên thầm thông.

Lời Phật dạy là mẫu mực cho muôn đời, bộ kinh nào cũng có đủ: Giáo, lý, hạnh. Còn các thiền sư chỉ nhắm vào việc:”Nhứt thời độ thoát” cho người. Như người đang mê chấp, thì thiền sư chỉ nhắm vào chỗ mê chấp của người mà phá chấp. Sở dĩ các ngài làm thế, là muốn cho người buông bỏ chấp trước mà nhận ra chỗ huyền đạo. Huyền đạo là chỉ cho bản thể thanh tịnh của mỗi người. Thiền sư không cho người hỏi mắc kẹt trên ngôn ngữ, chỗ ấy là phải quên lời nên nói: “Dứt dấu vết nơi đất ý thì lý hiện ở nguồn tâm”.

Có người đến hỏi một thiền sư:

– Thế nào là đạo?

Ngài đáp:

– Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu?

Ngài trả lời không dính dáng gì với câu hỏi. Tại sao vậy? Nếu trả lời đạo là thế này hay thế kia thì người nghe duyên theo lời giải thích sẽ khởi niệm suy nghĩ. Các ngài muốn người hỏi bặt hết suy tư, huyền đạo là ở chỗ đó. Trả lời mà không trả lời. Ai có nếm thiền vị rồi mới thấy được chỗ này, còn không thì thấy lạ lùng khó hiểu. Có khi lầm cho các ngài là người mất trí nữa.

Khi bắt đầu ra hướng dẫn tu thiền, tôi có nghĩ đến điều đó. Nếu tôi nói như các thiền sư, chắc người đời cho tôi điên và chẳng ai dám tới học đạo. Do đó, tôi đem kinh, luận giảng dạy, nhờ nghe kinh quý vị tỏ được lý thiền. Thiền sư Trường Sa có nói lời này: “Nếu ta một bề nêu cao tông giáo thì pháp đường cỏ lên tới một trượng”.

Vì vậy, các thiền sư tùy phương tiện nói đông, vẽ tây cho người hiếu học ham tu, chứ thật ra chỗ cứu cánh của thiền là không thể dùng ngôn ngữ diễn tả.

– Vì thế, có hỏi phương pháp tu hành, liền đáp: “Không tu”, có cầu giải thoát, liền gạn lại: “Ai trói buộc”. Hỏi con đường thành Phật, liền bảo: “Không có phàm phu”, hỏi khi sắp chết được an tâm, liền bảo: “Xưa nay không có việc”; hoặc cũng bảo đây là vọng, đây là chơn, dụng tâm như thế, dứt nghiệp như thế. Tóm tắt nói: chỉ là tùy việc đương thời ứng hợp cơ đương thời, đâu có pháp nhứt định tên A Nậu Bồ Ðề, đâu có hạnh nhứt định tên Ma Ha Bát Nhã, chỉ cốt tình không khởi ý, ý không suy tính, tâm không pháp sanh, huệ không có chỗ trụ, tức là chơn tín, chơn giải, chơn tu, chơn chứng”

1. Hỏi phương pháp tu hành, liền đáp: “Không tu”.

Một hôm, có quan đại phu họ Mã, đến hỏi ngài Triệu Châu:

– Hoà thượng gần đây tu hành thế nào?

Ngài đáp:

– Nếu nói tu là tai họa.

2. Cầu giải thoát, liền gạn lại: “Ai trói buộc”.

Tứ Tổ Ðạo Tín khi còn là Sa di, gặp ngài Tam Tổ Tăng Xán, ngài thưa:

– Xin Hòa thượng dạy cho con pháp giải thoát.

Tam Tổ nhìn thẳng vào mặt ngài hỏi:

– Ai trói buộc ngươi?

Tứ Tổ liên ngộ đạo.

3. Hỏi con đường thành Phật, liền bảo: “Không có phàm phu” v.v…

Ðó là lối đáp có truyền thống hẳn hòi. Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Phẩm Chúc Lụy, Lục Tổ dạy đệ tử sau này nếu có ai hỏi đạo thì cứ theo từng cặp đối đãi mà đáp. Hỏi “Có”, đáp “Không”, hỏi “Tối”, đáp “Sáng” v.v… Ví dụ hỏi: Thế nào là tối? Ðáp: Không sáng. Trả lời hết sức gọn, người nghe không hiểu, nhưng người nào lanh lẹ sẽ nhận ra ý chỉ. Vì tối nhơn sáng mà có, ấy là pháp đối đãi không thật, hai cái đuổi nhau. Không sáng ắt là tối. Nếu thấy được các pháp không thật thì chúng ta ngộ được lý: “Các pháp duyên sanh như huyễn”. Còn nếu xác định nghĩa của nó, càng làm cho người thấy nó thật và chìm trong si mê. Theo thói quen, cái gì chúng ta cũng muốn định danh, giải nghĩa cho rành rẽ, càng rành rẽ là càng hay. Hỏi thế nào là cái đồng hồ? Chúng ta liền giải thích: cái đồng hồ là vật chỉ thời gian, nó hình tròn hoặc vuông, có ba kim v.v… Giải thích như vậy, người nghe cứ tưởng cái đồng hồ là vật thiệt có. Phật Tổ dạy: “Thấy các pháp không đúng như thật là si mê”.

Vì không muốn cho chúng ta kẹt trong si mê, nên các ngài chủ trương, thà để cho chúng ta không hiểu, chứ không cam cho chúng ta si mê. Học đạo khác hơn học thế gian ở chỗ đó. Nhưng không phải một bề các ngài nói vậy, có khi vì phương tiện, các ngài cũng nói đây là chơn, kia là vọng và tu phải dụng tâm như thế nào để dứt nghiệp. Chỉ tùy việc đương thời ứng hợp với căn cơ của chúng sanh. Nên ở đây ngài Khuê Phong dẫn: “Không có pháp nhất định tên A Nậu Bồ Ðề, không có hạnh nhất định tên Ma Ha Bát Nhã”.

Chỉ cần bặt ý, hết suy tư, tâm không khởi vọng tình, không trụ ở một pháp nào, ấy là chơn tín, chơn giải, chơn tư, chơn chứng.

– Nếu người không rõ tự tâm, chấp kinh điển muốn cầu Phật đạo, chỉ thông hiểu chữ nghĩa để xem kinh, trọn không chứng ngộ; thông văn, giỏi nghĩa chỉ nuôi thêm lớn tham sân. Ngài A Nan học rộng nhớ nhiều mà lâu năm vẫn không lên quả Thánh. Người dứt duyên phản chiếu, tạm thời liền chứng vô sanh. Nên biết sự lợi ích của thừa giáo và phương pháp độ người mỗi cái có nguyên do riêng, không nên căn cứ văn tự chỉ trích.

Nếu người không tỏ ngộ tự tâm, chỉ y cứ vào kinh điển để cầu Phật đạo, gọi là người hiểu nghĩa theo kinh, trọn không chứng ngộ. Tại sao vậy? Trong kinh Phật có dạy: “Lời ta nói là ngón tay chỉ mặt trăng, nếu chấp ngón tay là mặt trăng thì trọn không thấy mặt trăng thật”.

Nhưng chúng ta bây giờ học Phật, đa số ôm kinh điển, học đến đau đầu loạn tưởng, mà không đem ý Phật dạy trong kinh ra áp dụng tu hành. Ở đây ngài Khuê Phong quở:

– Văn tự giỏi, nghĩa lý hay chỉ nuôi thêm lớn tham sân.

Ngài dẫn chứng ông A Nan học rộng nhớ giỏi, theo Phật nhiều năm nghe pháp nhớ không sót một lời, như nước rót từ bình này sang bình kia không rơi ra ngoài một giọt. Ða văn như vậy nhưng đến khi Phật nhập Niết bàn, ông vẫn chưa chứng quả. Trong cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhứt, ngài Ca Diếp mời những vị A La Hán vào hội kết tập, ông chưa chứng quả Thánh nên không được dự, buồn tủi, ra ngoài rừng ngồi tham thiền đắc quả A La Hán mới được mời vào. Chúng ta nên biết, thấy đạo không phải do ở chỗ nhớ giỏi, mà do tâm không dính mắc các duyên bên ngoài, tự quay lại mình thật kỹ, đây gọi là “Dứt duyên phản chiếu”. Lời Phật dạy trong kinh điển là thừa giáo, phương pháp độ người chỉ thẳng là của các thiền sư, mỗi bên đều có ý nghĩa và lợi ích tùy theo căn cơ của từng người. Do đó, ngài Khuê Phong khuyên người sau không nên cố chấp vào văn tự chỉ trích lẫn nhau.

– HỎI: Ðã chú trọng đắc ý, không quý văn tự thì cần gì biên tập những câu kệ này?

– ÐÁP: Biên tập có hai ý:

1. Có những vị đọc kinh được ngộ mà không quyết chắc, lại không gặp thiện tri thức, mỗi chỗ gạn hỏi để ấn chứng, khi xem khắp quyển này thấy lời nói ý nghĩa của các thiền sư, được tâm thông suốt, các niệm dứt sạch.

2. Vì những vị đã giải ngộ muốn làm thầy người, giúp họ kiến văn được rộng, thiện xảo thêm nhiều, y chỗ hiển thông suốt tất cả, dùng vấn đáp để truyền dạy. Như trước nói: “Mênh mông thì thênh thang khó nương, hợp căn cơ tức chỉ thẳng dễ dùng”

Sở dĩ ngài Khuê Phong biên tập bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập là có hai lý do:

1. Có những vị tu thiền do đọc kinh ngộ bản tâm nhưng không tin chắc chắn, vì không gặp được thầy ấn chứng. Khi xem quyển này, nhờ ý nghĩa lời nói của các thiền sư, tâm được thông suốt và dứt sạch vọng niệm.

2. Vì những vị đã giải ngộ, tức là nhờ nghe lời nói của một vị thiền sư, hay nhờ xem kinh mà nhận ra nơi mình có chơn tánh bất sanh bất diệt, muốn đem cái thấy biết của mình để dạy cho người, nhưng chưa có kiến giải sâu rộng. Ngài muốn giúp cho họ mượn lời của các thiền sư làm phương tiện dạy cho người thông suốt. Như trước đã nói: Kinh Phật thì quá rộng, còn lời nói các thiền sư thì gọn và chỉ thẳng dễ dùng.

Nhưng, không chỉ giúp cho môn quên lời (thiền) mà cũng gồm bày chỗ lợi ích của kinh giáo, chẳng những khiến ý hợp với Phật, mà cũng muốn văn hợp với kinh. Văn ( của các thiền gia) in tuồng như trái mà khiến cho phù hợp với kinh, thật là việc không phải dễ, phải phán xét hết tạng kinh Ðại thừa, Tiểu thừa, quyền, thật, lý liễu nghĩa, không liễu nghĩa, mới có thể ấn định chỉ thú của mỗi tông trong thiền môn không trái với ý Phật. Nghĩa là tạng kinh, luận quy hợp lại làm ba thứ, lời dạy trong thiền môn quy hợp làm ba tông, phối hợp với nhau cho đúng mới thành cái thấy viên mãn.

Kinh Phật thì chỉ bày quá rộng, còn lời Tổ thì vì phá chấp cho người nên gọn và khó hiểu. Ðem lời Tổ phối hợp với kinh Phật thì khó! Vì vậy ngài Khuê Phong phải đọc hết ba tạng kinh, luật, luận mới phối hợp được. Như hỏi: “Thế nào là giải thoát”. Ðáp: “Ai trói buộc ngươi?”. Mới nghe qua câu này chúng ta thấy nó không dính dáng gì với kinh, nhưng xét kỹ thấy có liên hệ. Kinh Ðại thừa thường nói: “Nghiệp chướng không thật, vì do vọng tưởng, nên thân miệng mới tạo nghiệp, thân miệng không thật thì nghiệp đâu có thật, nghiệp không thật thì có thể đổi được”.

Nếu cho nghiệp thật trói buộc chúng ta thì vô tình chúng ta đã đeo mang một sự lầm lẫn không gỡ ra được. Khi nghe hỏi: “Ai trói buộc ngươi?”. Giật mình nhìn lại thấy nghiệp không thật nên ngay đó liền giải thoát. Như vậy lời nói của ngài rất là công phu. Rất tiếc, chúng ta không có đủ bộ một trăm quyển để học, mà chỉ học được bài tựa này.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.