Nguồn Thiền Giảng Giải

Đối Chiếu Tam Tông, Tam Giáo



Ngay thuật tập sách này đâu muốn riêng vì một bản, hợp lại để thông hội, cốt tại chữ “Y” (...) đầy đủ ba điểm, ba điểm mỗi chấm một nơi thì không thành chữ “Y”; ba tông nếu trái thì đâu thể thành Phật. Nên biết, muốn hiểu truyền trao thuốc, bịnh, phải thấy ba tông không trái, phải hiểu ba thứ Phật giáo.

Ngài Khuê Phong dạy: Muốn làm thầy dạy người tu đúng chánh pháp, phải hiểu ba tông không trái, hiểu rành ba thứ Phật giáo thì hướng dẫn người không sợ sai tông chỉ. Như vị lương y giỏi biết bịnh, biết thuốc không sợ lầm.

– Từ trước đến đây sắp bày mười ý rõ ràng, nhưng đối chiếu minh bạch thì Thiền có ba tông, Giáo có ba thứ, như phải trải qua sự đo lường mới quyết định sâu cạn. Trước trình bày về Thiền môn sau lấy kinh Giáo chứng minh.

Thiền có ba tông:

1.- Tông dứt vọng tu tâm.

2.- Tông dứt bặt không nương.

3.- Tông chỉ thẳng tâm tánh.

Giáo có ba thứ:

1.- Giáo mật ý y tánh nói tướng.

2.- Giáo mật ý phá tướng hiển tánh.

3.- Giáo hiển bày chơn tâm tức tánh.

Dùng ba giáo này thứ lớp đồng ba tông trước, mỗi mỗi chứng minh. Trước trình bày về ba tông.

Ngài Khuê Phong nêu cho chúng ta thấy nếu đối chiếu rõ ràng thì Thiền chia làm ba tông, kinh Phật chia làm ba giáo. Sau đây ngài trình bày từng tông, từng giáo để chúng ta so sánh mới biết được sự sâu cạn.

1.- Tông dứt vọng tu tâm: Nói chúng sanh tuy vốn có Phật tánh vì bị vô minh từ vô thủy che lấp không thấy, nên luân hồi sanh tử. Chư Phật đã đoạn vọng tưởng nên thấy tánh rõ ràng, ra khỏi sanh tử được thần thông tự tại. Nên biết phàm thánh công dụng không đồng, ngoại cảnh nội tâm mỗi cái có phần hạn, cần phải y nơi thầy chỉ dạy trái cảnh quán tâm dứt bặt vọng niệm, niệm hết thì giác ngộ không đâu chẳng biết. Như gương bị bụi lấp cần phải siêng năng lau chùi, bụi hết ánh sáng hiện, tức không đâu chẳng chiếu.

Kinh nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng vì vô minh che lấp nên phải chịu luân hồi sanh tử. Chư Phật đã đoạn vọng tưởng, nên ra khỏi sanh tử luân hồi, được thần thông tự tại. Như vậy, phàm thánh chỉ khác nhau ở chỗ còn vọng tưởng hay hết vọng tưởng. Phàm vì còn vọng tưởng nên mê, Thánh hết vọng tưởng nên giác ngộ, do chỗ dụng công không đồng. Ngoại cảnh ở bên ngoài, nội tâm ở bên trong, nên mỗi cái có phần hạn. Cần phải y nơi thầy chỉ dạy phương pháp trái cảnh quán tâm để vọng niệm lần lần dứt bặt. Niệm hết thì giác ngộ, không đâu chẳng biết, ví như tấm gương bị bụi đóng được lau sạch bụi thì không chỗ nào nó chẳng chiếu. Câu “Trái cảnh quán tâm” hay gọi là “Bội trần hiệp giác” . Trái cảnh là biết hư giả không theo, quán tâm là quay trở về nội tâm nhìn kỹ thấy vọng tưởng rõ ràng.

– Lại phải hiểu rõ phương tiện tiến vào cảnh thiền, xa lìa chỗ ồn náo, yên ở chỗ vắng vẻ điều thân, điều hơi thở, ngồi kiết già yên lặng, lưỡi để lên ổ gà, tâm chú một cảnh.

Tông này nghiêng về tiệm tu nên phải có phương tiện để trụ tâm. Nào là chọn cảnh vắng vẻ, ngồi kiết già, điều thân, điều hơi thở v.v… Phương tiện này là để dạy cho người chưa thấy tánh, mà chỉ tin mình có Phật tánh, nương phương tiện tiến tu dần dần dứt được vọng niệm và ngộ được bản tánh.

– Môn đệ Nam Săn, Bắc Tú, Bảo Ðường, Tuyên Thập… đều thuộc loại này. Ngưu Ðầu, Thiên Thai, Huệ Trù, Cầu Na… phương tiện tiến vào hình thức đại đồng, chỗ kiến giải có khác.

Những vị kể trên đều tiệm tu, phương tiến tiến vào thì giống, nhưng kiến giải có khác nhau. Ở đây, tôi cũng dạy quý vị phải ngồi thiền, phải từ từ buông bỏ vọng tưởng, nhưng chỗ kiến giải thì khác. Vì tôi chủ trương phải nhận ra nơi mình có “Cái bất sanh bất diệt”, y nơi đó mà tu thì mới nhanh. Nếu nhận ra “Cái đó” tức là đốn ngộ, nhận không ra buộc lòng phải tiệm tu rồi sau mới ngộ.

2.- Tông dứt bặt không nương: Nói pháp phàm thánh đều như mộng huyễn trọn không thể có, xưa nay không lặng chẳng phải đến nay mới không, tức là cái trí đạt “Không” này cũng không thể được, pháp giới bình đẳng, không Phật, không chúng sanh, pháp giới cũng là giả danh, tâm đã không, có cái gì nói pháp giới, không tu chẳng tu, không Phật chẳng Phật; “Dù có một pháp vượt hơn Niết Bàn, tôi cũng nói như mộng huyễn”, không pháp có thể bám, không Phật có thể làm, phàm có làm đều là mê vọng.

Tông này chủ trương dùng trí Bát nhã để phá các chấp tướng, nên nói phàm thánh cũng như mộng huyễn. Danh từ thánh đối với phàm mà lập, chỉ là những giả danh. Thể tánh của chúng ta xưa nay vẫn không lặng, chẳng phải đợi đến nay mới không. Biết nó xưa nay không lặng nhưng trí đạt không cũng buông luôn, nên kinh Bát Nhã nói “Vô trí diệc vô đắc”. Nếu thấy trí đạt Không này là thật, đó là còn sở đắc và chưa đến chỗ cứu cánh của Bát Nhã. Trên thể tánh bình đẳng không có danh từ Phật và chúng sanh, nên nói “Không tu chẳng tu, không Phật chẳng Phật”. Chúng ta nghe những câu này đừng hiểu lầm, không chịu tu hành ấy là tai họa. Lại nói “Dù có pháp vượt hơn Niết Bàn tôi cũng nói là không”, đó là lời của ngài Tu Bồ Ðề nói trong kinh Ðại phẩm Bát Nhã. Chủ yếu của tông này là dứt hết mọi chỗ gá nương, nên phá tất cả phàm thánh, công phu, cho đến Niết bàn v.v… Vì đứng trên mặt thể tánh thì cái gì lập ngôn đều là giả danh không thật. Cái đó không có tên, có tên là do vọng tưởng đặt ra.

Một hôm, Lục Tổ ra giữa đại chúng nói:

– Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không họ, không lưng, không mặt, các ông biết là vật gì?

Ngài Thần Hội lúc đó khoảng mười hai, mười ba tuổi, ngài lanh lẹ bước ra nói;

– Dạ, đó là bản nguyện của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ quở:

– Ðã nói không tên, không họ mà ông lại kêu là bản nguyện, Phật tánh. Ông lại đi lấy tranh che đầu, cũng chỉ thành tông đồ của hàng trí giải.

Nói như vậy, không phải “Cái đó” không có, không là không cái giả danh giả tưởng, nó sờ sờ nơi thấy, nghe, hiểu biết của chúng ta, nào ở đâu xa! Có người không hiểu cho rằng kinh Bát Nhã nói cái gì cũng không: không Phật, không Niết bàn, vậy tu để làm gì? Phật dạy dùng trí Bát nhã phá tất cả là cốt cho chúng ta không có chỗ bám. Vì nếu chúng ta còn bám vào một giả danh giả tưởng nào là còn kẹt trong vòng sanh diệt đối đãi, không thể thấy được cái chơn thật nơi mình. Nên đây nói: “Không pháp có thể bám, không Phật có thể làm, phàm có làm đều là hư vọng”.

– Như thế, thấu suốt được xưa nay là vô sự, tâm không có chỗ nương mới khỏi điên dảo, mới gọi là giải thoát.

Người thấu suốt được bản tánh bất sanh bất diệt gọi là vô sự, bèn chấp vào lời này tha hồ ăn rồi ngủ, rong chơi không chịu tu hành và làm việc gì hết. Ðó có phải là vô sự không? Hay lấy từ ngữ để che đậy cái bịnh buông lung, lười biếng của mình? Vô sự là trong tâm không còn một tí vọng niệm nào hết, dù là ở giữa đám đông, hay là tất cả mà tâm nhất như, không dính mắc trần cảnh, ấy mới là vô sự.

Chúng ta bây giờ dù ở chỗ vắng vẻ, ngồi một mình mà tâm loạn tưởng lăng xăng, tạp niệm dấy khởi liên tục, có khi còn loạn động hơn ở giữa chợ, như vậy là hữu sự chớ không phải vô sự, hữu sự thì điên đảo, nếu không tu thì biết bao giờ làm người vô sự, hết điên đảo và được giải thoát.

– Thạch Ðầu, Ngưu Ðầu, sau đến Cảnh Sơn đều hiển bày lý này.

Các ngài chủ trương dùng trí Bát nhã quán chiếu tự tánh của các pháp là không, để dẹp hết các chấp trước của người học đạo. Như Ngài Thạch Ðầu chủ trương loại ra: “Thấy tất cả các pháp đều là hư vọng” để tâm không còn kẹt trên danh tướng.

– Dạy tâm hạnh cùng lớp này hợp nhau, không cho ý dính vào một pháp, lâu ngày công thành thì trần tập tự mất, tức đối với kẻ oán người thân, khổ vui tất cả đều không ngại.

Lúc nào chúng ta cũng thấy các pháp như huyễn hóa, thì tâm đâu còn dính mắc với trần cảnh, lâu ngày như vậy tập nhiễm lần lần tự dứt. Sống được với tâm thể nhất như thì đối với người chửi và người khen mình đều coi như nhau; khổ vui đều là mộng, thương ghét như thoáng mây bay, không chán sanh tử, không ưa Niết bàn, ở giữa cõi đời này tự tại thong dong. Cho nên Bồ Tát đối với chúng sanh bình đẳng, làm lợi ích cho mọi người không lười mỏi. Tâm chúng ta chưa nhất như nên đối với người khi khen, lúc chê, đối với cảnh khi ưa khi chán, chê Ta bà khổ, cầu sanh Cực lạc v.v… đủ thứ chuyện lộn xộn. Nên tôi thường khuyên quý vị hằng dùng trí Bát nhã quán chiếu để thấy thân cảnh như huyễn hầu bớt đi những tâm niệm mê lầm chấp trước.

– Nhơn đây nẩy sanh một thứ đạo sĩ, nho sanh, nhàn Tăng đến tham học lý thiền đều nói lời này cho là cùng tột, không biết được ý chỉ của tông này, chỉ lấy lời này làm pháp. Môn đệ Hà Trạch, Giang Tây, Thiên Thai cũng nói lý này, nhưng không phải là tông chính.

Có một số đạo sĩ, nho sanh, nhàn Tăng (Tăng làm biếng) tham học thiền, nghe nói “Không phàm thánh, không công phu, không Phật, không chúng sanh v.v…” bèn chấp cho là cứu cánh, không chịu tu hành chỉ lo thụ hưởng, đó là chấp thuốc thành bịnh, tai họa biết dường nào! Người thời nay học Phật cũng có nhiều trường hợp na ná như vậy. Học không thấu đáo, không thông lý sự, nghe lõm bõm vài ba bài giảng về Bát nhã, cho rằng Bát nhã dạy cái gì cũng không: không tội phước, không tu chứng… tha hồ buông lung nói trên mây xanh mà sống quá tầm thường, thua người chưa tu có nhân cách. Tôi thường nhắc quý vị, học Phật phải học cho thấu suốt để khỏi lầm lẫn là vậy.

Môn đệ của ngài Thần Hội v.v… cũng nói lý này, nhưng tông này không phải là tông chính của họ.

Tóm lại, chủ yếu của tông này là phá tướng để cho người học đạo ngộ được tánh.

3.- Tông chỉ thẳng tâm tánh: Nói tất cả pháp hoặc có hoặc không đều là chỉ chơn tánh. Chơn tánh vô tướng, vô vi, thể nó phi tất cả. Nghĩa là phi phàm thánh, phi nhơn quả, phi thiện ác… Nhưng, tức cái dụng của thể lại hay tạo tác các thứ. Nghĩa là hay tạo phàm thánh, hiện sắc tướng… Ở trong đó chỉ bày tâm tánh, lại có hai loại:

Chủ yếu của tông này là chỉ thẳng nơi chơn tánh của chúng ta tất cả đều phi, nhưng trên diệu dụng tất cả đều thị. Ngài Hoài Nhượng khi mới đến Lục Tổ, Lục Tổ hỏi:

– Ông đến có đem vật gì theo không?

Ngài trả lời không được, mãi đến sáu tháng sau ngài mới đáp:

– Nói một vật cũng chẳng trúng.

Lục Tổ gật đầu.

Trên thể tánh chẳng có hình tướng nên nói một vật chẳng trúng, ngộ thì nói có, nói không cũng đúng, không ngộ thì nói gì cũng sai. Tông này chỉ bày tâm tánh có hai loại:

a.- Hiện nay nói năng, động tác, tham sân, từ nhẫn, tạo thiện ác, thọ khổ vui… túc là Phật tánh của ông, cái này xưa nay là Phật, trừ cái này không có Phật khác. Rõ được thiên chơn tự nhiên này thì không thể khởi tâm tu tập đạo, đạo tức là tâm; không thể đem tâm trở lại tu tâm; ác cũng là tâm, không thể đem tâm trở lại đoạn tâm, không đoạn không tu, mặc tình tự tại mới gọi là giải thoát. Tánh như hư không, không tăng giảm đâu cần phụ thêm, chỉ tùy thời tùy chỗ dứt nghiệp, dưỡng thần, tăng trưởng thánh thai, hiển phát thần diệu tự nhiên. Ðây tức là chơn ngộ, chơn tu, chơn chứng.

Phần đầu, tông này chỉ thẳng “Nói năng, động tác…” đó là Phật tánh của chúng ta. Ngoài những điều này không tìm đâu ra Phật tánh. Bởi vì tất cả đều từ chơn tâm hiện. Mã Tổ Ðạo Nhất y tông này nên chủ trương thu vào “Hiện nay sớm chiều phân biệt tất cả đều chơn”. Biết rõ được trong chúng ta đều có thiên chơn này thì không cần phải leo núi, leo non để cầu Phật, cũng không khởi tâm tu tập đạo, vì đạo tức là tâm. Tất cả pháp ở thế gian đều từ tâm biến, tướng của nó là hư giả, thể của nó là chơn tâm. Như vậy, không thể đem chơn tâm cầu chơn tâm, không thể đem tâm đoạn tâm. Cũng như toàn thân đều là mình, thì ngón tay trỏ đâu nỡ đánh ngón cái. Tất cả đều là mình thì đâu nỡ chuyển mình. Tất cả đều từ chơn tâm hiện, thì khi gặp cảnh không còn phân biệt mình, người, không khen chê tốt xấu, hay dỡ, không khởi niệm thủ xả v.v… nghĩa là khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, tâm không còn dính mắc thì không cần đoạn, không cần tu, mặc tình tự tại. Thời bây giờ có một số người nghe câu này liền vin vào đó rồi mặc tình ăn ngủ, đi đây đi kia chơi, tu làm gì cho cực, ngồi thiền chi cho đau chơn, toát mồ hôi v.v… đó là lầm lớn. Mặc tình tự tại là khi nào đối cảnh tâm không khởi niệm chạy theo cảnh, Chúng ta, tâm còn chạy theo cảnh thì phải ngồi lại tu.

Bản thể chơn tâm thênh thang như hư không, không tăng giảm, nên không cần thêm cái gì cho nó, chỉ tùy chỗ dứt nghiệp. Ngài Lâm Tế có nói:

ùy duyên tiêu cựu nghiệp,

hậm vận trước y xiêm.

Tạm dịch:

ùy duyên tiêu nghiệp cũ,

ồn nhiên mặc áo xiêm.

Tuy nói không tu không đoạn, nhưng các ngài tùy duyên dứt nghiệp cũ bằng cách không gây thêm nghiệp mới, và nghiệp cũ có đến thì xem như huyễn hóa, như vậy các ngài có tu không? – Có.

Kinh Phật thường lấy hư không dụ cho chơn tâm. Vì hư không thênh thang không hình tướng, chúng ta lấy một vật hình vuông để trong hư không, thì thấy nó chiếm một khoảng hư không vuông, vật hình tròn thì hư không tròn; chứ hư không nào có tướng mạo vuông tròn, dài ngắn và không có giới hạn bờ mé. Chơn tâm cũng vậy, thênh thang không tướng mạo, nhưng tùy duyên có đủ thứ. Ðó là điểm giống nhau. Nhưng chúng ta nên nhớ hư không thì vô tri, thể tánh của chúng ta thì thường tri. Ðó là điểm khác nhau.

Dưỡng thần tăng trưởng thánh thai nghĩa là: trưởng dưỡng tinh thần càng ngày càng sáng suốt, tăng trưởng thánh thai là trí huệ càng ngày càng mở rộng, càng ngày càng hiển pháp thần diệu tự nhiên của mình.

b.- Các pháp như mộng, chư Thánh đồng nói, cho nên vọng niệm vốn vắng lặng, trần cảnh vốn rỗng không, tâm không lặng linh tri không mờ. Từ cái biết không lặng này là chơn tánh của ông, mặc mê mặc ngộ tâm vẫn tự biết, không nhờ duyên sanh, không nhơn cảnh khởi. Một chữ “Biết” này là cửa các thứ nhiệm mầu.

Phần hai, chủ yếu của tông này là xem các pháp như mộng, nên thấy bên trong vọng niệm vốn vắng lặng, bên ngoài trần cảnh rỗng không. Khi tâm vắng lặng thì linh tri không mờ. Tôi thường nhắc quý vị khi ngồi thiền điều quan trọng nhất là tâm không vọng tưởng mà vẫn tỉnh sáng là đúng, còn nếu gục là bị hôn trầm, suy nghĩ lung tung là vọng tưởng, hai bịnh đó làm mờ linh tri của chúng ta. Tuy nhiên trong mê, trong ngộ chúng ta đều biết, mê biết theo mê, ngộ biết theo ngộ, người ngu có cái biết của người ngu, người trí có cái biết của người trí v.v… Ngài Thần Hội nói: “Tri chi nhất tự chúng diệu chi môn”, một chữ “Biết” này là cửa các thứ nhiệm mầu. Như trước nói chơn tánh (cái biết) của chúng ta tuy đồng với hư không, nhưng hư không thì rỗng không bất động, cái biết này không hình tướng mà linh động chớ không phải không ngơ.

– Bởi mê từ vô thủy vọng chấp thân tâm làm ngã (ta), khởi niệm tham, sân… nếu được bạn lành vạch bày liền đốn ngộ “cái biết” không lặng. Cái “Biết” không có niệm, không hình thì cái gì là tướng ngã nhơn. Giác ngộ các tướng không, tâm tự không niệm. “Niệm vừa khởi liền biết, biết nó liền không”, diệu môn tu hành chính tại nơi đây vậy.

Từ vô thủy chúng ta mê nên quên cái “Biết” này, chấp thân tâm giả dối cho là thật, do đó khởi niệm tham, sân, tạo ba nghiệp ác, chịu khổ sanh tử luân hồi. Nếu gặp thiện tri thức chỉ cho, chúng ta nhận ra nơi mình có cái “Biết” không có hình tướng mà an nhiên lặng lẽ. Chúng ta hằng sống với nó, thì không còn thấy nhơn ngã, dứt ba nghiệp, không còn luân hồi đau khổ. Hơn nữa, khi biết các pháp tự tánh là không, tâm không dấy niệm, nếu dấy niệm liền biết, biết nó liền không. Ðó là gốc của sự tu hành. Ngài Vĩnh Gia nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Ngài Khuê Phong cũng nói: “Biết vọng tức tu”.

– Cho nên, tuy tu đủ muôn hạnh chỉ lấy không niệm làm tông. Chỉ được cái “thấy biết” không niệm thì yêu mến, ác độc tự nhiên nhẹ nhàng, bi và trí tự nhiên tăng trưởng, tội nghiệp tự nhiên đoạn trừ, công hạnh tự nhiên tăng tiến. Ðã rõ các tướng phi tướng, tự nhiên không tu mà tu, khi phiền não hết thì sanh tử dứt. “Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt hiện tiền”, ứng dụng vô cùng gọi đó là Phật.

Phật dạy bao nhiêu pháp môn cho chúng ta tu hành đều không ngoài chủ ý này “Lấy không niệm làm tông”. Lục Tổ nói: “Tông của ta lấy vô niệm làm gốc”. Vô niệm là không có vọng niệm mà hằng nhớ mình có linh tri. Lục Tổ gọi là niệm chơn như. Người được cái thấy biết không vọng thì được nhẹ nhàng, giải thoát khỏi sự ràng buộc khổ đau, từ bi trí huệ tăng trưởng. Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tri tức Niết bàn”, thấy biết lập thấy biết là gốc vô minh, thấy biết không lập thấy biết đó là Niết bàn.

Ví dụ chúng ta thấy cành hoa cúc liền khởi niệm phân biệt đẹp xấu; đẹp thì khởi tâm tham, ưa thích, xấu thì khởi tâm sân, chán ghét. Ðó là gốc của vô minh phiền não. Nếu thấy cành hoa cúc, biết là hoa cúc màu vàng, không khởi niệm đẹp xấu, ưa ghét… Ðó là thấy biết vô niệm hay “Tri kiến, vô kiến”, thấy biết đó là chơn tánh. Người thấy biết như vậy thì hưởng Niết bàn ngay trong hiện tại, Và khi Niết bàn hiện tại thì từ chơn tâm khởi ra muôn ngàn diệu dụng.

– Hai nhà trên đều hội tướng quy tánh nên đồng một tông.

Trong ba tông trên, lại có theo giáo (tôn trọng kinh) và khinh giáo (coi thường kinh), tùy tướng và hủy tướng. Chống kẻ vấn nạn ở cửa ngoài, chỗ khéo léo dẫn chúng ta nghi uỷ dạy đệ tử mỗi mỗi không đồng đều là hai môn lợi hành, mỗi môn tùy chỗ tiện cũng không có mất. Nhưng lý tôn trọng không có hai, nên phải nương nơi Phật để hòa hội.

Ở đây, chúng ta đã áp dụng đủ ba tông của thiền. Vì căn cơ khác nhau, có kẻ lãnh hội, người chưa lãnh hội. Người chưa lãnh hội cần phải ngồi thiền tu sổ tức v.v… Ðó là theo tông thứ nhất, dùng hình thức để tu dần dần mới thấy tánh. Người thấy tánh rồi, tu theo Bát nhã, đó là tông thứ hai. Nhận ra nơi mình có thể tánh tròn sáng,vọng niệm vốn vắng lặng, vọng dấy không theo, đó là tông thứ ba.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.