Muôn Kiếp Nhân Sinh

Tập 2 Phần 8 Ba Tư Chinh Phạt Và Tình Yêu



Cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Ba Tư khởi sự với trận đánh bên bờ sông Granicus. Lúc đó, quân Ba Tư đã tập hợp lực lượng, quy tụ cả những phản quân từ Athens chạy sang đầu quân để chống lại Alexander, nên binh lực hai bên chênh lệch rõ rệt. Khi dàn trận, tướng Parmenion điều nghiên, quan sát thế trận hai bên rồi đề nghị Alexander cho giữ vững vị trí, chờ quân Ba Tư tấn công trước. Alexander lắc đầu, quả quyết:

– Không được, cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Phải bất ngờ đánh trước. Đánh trước thì mới thắng được.

Ngay đêm hôm đó, quân lệnh truyền xuống cho toàn quân sẵn sàng khai chiến. Khởi đầu trận đánh, quân đội Hy Lạp được hỗ trợ bởi kèn đồng, trống trận và các bản nhạc hùng tráng giúp cho đội quân bừng bừng khí thế, binh sĩ hừng hực nhuệ khí như thế họ đang tham gia một cuộc thánh chiến vĩ đại và việc được chết dưới màu cờ của binh đoàn Alexander là một vinh dự thiêng liêng, không có gì phải tiếc nuối.

Trong một cuộc chiến mà một phía là đội quân không sợ chết thì sự sợ hãi thường ở phía đối phương. Không như những người chỉ huy thông thường, chỉ ở phía sau ra lệnh, Alexander mặc áo giáp, cưỡi ngựa, rút kiếm vượt lên dẫn đầu đoàn quân xung phong, tiến về phía trước. Đây là một hành động mạo hiểm hiếm có, vì những vị tướng dạn dày kinh nghiệm chiến trường thường chẳng bao giờ làm như thế. Vừa thấy Alexander phóng ngựa xông lên trước, các tướng Ba Tư lập tức nhắm vào Alexander, vì giết được nhà vua thì kể như trận chiến sẽ ngã ngũ. Vị vua trẻ ngay lập tức bị bao vây bởi bốn viên tướng Ba Tư, nhưng ngài không tỏ ra nao núng dù chỉ một chút. Alexander chiến đấu anh dũng, đâm chết được hai tướng lĩnh Ba Tư, nhưng cũng bị trúng một cán thương vào đầu. May nhờ chiếc mũ sắt dày nên nhà vua chỉ bị chấn động nhẹ. Khi kiếm của Alexander bị gãy, không còn vũ khí nào trong tay và bị một tướng lĩnh Ba Tư tấn công quyết liệt thì may thay Cleitus đã liều mình xông đến tiếp ứng. Cleitus chém đứt cánh tay viên tướng kia, rồi đưa ngay thanh kiếm của mình cho Alexander, có lại vũ khí, Alexander tiếp tục xông lên tấn công. Thấy nhà vua quả cảm, liều mình như thế, toàn quân Hy Lạp đều hết lòng chiến đấu, phá vỡ các mắt xích trong thế trận của Ba Tư. Trước khí thế và lòng cảm tử của quân Hy Lạp, tướng chỉ huy Ba Tư rốt cuộc phải ra lệnh cho quân sĩ rút lui. Quân Ba Tư tổn thất nặng nề, phía Hy Lạp ít thương vong và đã chiếm phần thắng. Ngoài thu được nhiều khí giới, họ còn bắt được nhiều tù binh. Alexander ra lệnh cho xử tội tất cả những ai là phản quân Hy Lạp đã gia nhập quân Ba Tư. Vị hoàng đế sau đó còn ra lệnh:

– Hãy loan báo cho tất cả mọi nơi được rõ, bất cứ người Hy Lạp nào phản bội đất nước đều phải chịu số phận như bọn phản quân này.

Mặc dù không trực tiếp tham dự trận chiến, nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc hành quyết tàn bạo này và không khỏi kinh hãi. Những tiếng kêu la, những lời van xin vang vọng khắp doanh trại. Nhìn những người lính xứ Athens chết dưới lưỡi gươm của lính Macedonia, lòng tôi lại trào dâng cảm giác thương xót lạ lùng như khi xưa chứng kiến cuộc tàn sát tại thành Thebes. Tên chỉ huy quân đội Athens trước kia là Memnon, kẻ cầm đầu lực lượng phản quân, thì đã cao chạy xa bay cùng các tướng lĩnh Ba Tư, còn những binh sĩ dưới trướng hắn, chỉ vì trung thành nghe lệnh tướng chỉ huy mà nay đầu rơi máu chảy.

Sau chiến thắng tại Granicus, Alexander kéo quân xuống miền Nam, tiến đánh dọc theo bờ biển để chiếm lấy các hải cảng, ngăn chặn Ba Tư tấn công Hy Lạp bằng đường biển. Trước mỗi trận đánh, Alexander và quân sĩ cùng nhau hát vang những bản nhạc hùng tráng, hòa cùng tiếng trống trận, kèn đồng khiến quân Ba Tư, phần lớn là binh sĩ địa phương, đều sợ hãi trước khí thế hung mãnh của quân Hy Lạp. Chỉ một thời gian ngắn, các hải cảng như Miletus, Halicarnassus đều thất thủ.

Từ đó, Hy Lạp làm chủ vùng duyên hải miền Tiểu Á, cắt đứt mọi đường vận chuyển hàng hải của thủy quân Ba Tư. Alexander ra lệnh cho Ptolemy mang đội chiến thuyền tấn công ồ ạt những hải đảo của Hy Lạp đã bị Ba Tư chiếm đóng. Quân Ba Tư đóng trên các đảo đó đều xin hàng. Kể từ đó, Địa Trung Hải được giải phóng, các thuyền đánh cá của Hy Lạp được tự do ra khơi, không lo sợ gì nữa.

Chiến thắng Granicus đã tạo tiếng vang lớn khắp Hy Lạp và những quốc gia xung quanh đó. Đây là lần đầu dân Hy Lạp được nếm mùi chiến thắng sau bao nhiêu năm sống trong lo lắng, sợ hãi. Những người lính Hy Lạp tử trận đều được chôn cất cẩn thận theo đúng nghi thức, gia đình họ cũng được hưởng tiền tử tuất và được miễn đóng thuế trong ba năm. Thấy quân sĩ Hy Lạp được đãi ngộ hậu hĩnh, lương bổng cao, rất đông thanh niên các nước quanh đó cũng tình nguyện gia nhập đoàn quân viễn chinh. Nhờ các lính đánh thuê này, quân số Hy Lạp gia tăng đáng kể, tuy nhiên nó cũng làm hao hụt ngân quỹ triều đình, khiến tôi bắt đầu lo lắng, tự hỏi nếu cuộc chiến kéo dài thì lấy đâu kinh phí để trang trải cho chiến tranh? Tôi lo sợ tình trạng buôn bán nô lệ sẽ lại tái diễn.

Alexander kéo binh qua Lydia, Ionia, Armenia và các vùng quanh đó, đều không gặp sức kháng cự nào đáng kể. Các tướng lĩnh địa phương không chống nổi đội quân tinh nhuệ được huấn luyện bài bản của Hy Lạp. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, quân Hy Lạp đã làm chủ Tiểu Á, một miền đất rộng lớn, trù phú, đủ lương thực để dưỡng quân qua mùa đông năm đó. Vì Địa Trung Hải đã được giải phóng, nên tôi có thể di chuyển về Pella bằng thuyền, nhanh hơn khi đi trên đất liền. Tôi tiếp tục là người đưa thư cho Leonidas và Melissa, cũng được nghe những khúc nhạc tình tứ của hai người soạn cho nhau.

Khi đến các địa phương, Alexander ra lệnh cho Timotheus sưu tầm sách vở, tài liệu gửi về cho Aristotle nghiên cứu. Là người phụ trách quân lương, thường di chuyển giữa Pella và những nơi đóng quân, tôi được lệnh mang các tài liệu thu thập được này về Mieza. Nhờ thế, tôi gặp Timotheus thường xuyên, theo thời gian, tình bạn giữa chúng tôi trở nên gắn bó hơn. Thật may mắn vì giữa cảnh binh đao loạn lạc, máu đổ đầu rơi khắp nơi, tôi có được một người bạn thông tuệ, hiểu biết để tâm sự. Trong một buổi chuyện trò, khi cả hai cùng uống rượu say, tôi vô tình buông lời oán thán:

– Tại sao có người sinh ra đã sung sướng trong khi người khác phải làm nô lệ? Tôi không hiểu tại sao có sự phân biệt giai cấp như thế?

Timotheus trả lời với giọng nói hơi lè nhè vì đã ngà ngà say:

– Khi sinh ra con người đã không giống nhau. Người thông minh biết suy luận, có kiến thức cao nên được làm chủ. Người không có khả năng, chỉ biết tuân lệnh thì làm nô lệ. Nô lệ cần thiết cho xã hội vì lực lượng này đảm bảo hoạt động cho một trật tự xã hội đã được thiết lập từ trước. Đây là sự thu xếp hợp lý, nếu không có nó, xã hội sẽ trở nên hỗn loạn. Nhờ có người chủ nên nô lệ mới được nuôi ăn, có chỗ ở, do đó, họ phải tuân phục và làm những gì chủ nhân muốn. Đây là việc đôi bên cùng có lợi và nô lệ phải phụ thuộc vào chủ nô vì họ không có khả năng suy nghĩ độc lập.

Dĩ nhiên là tôi không chấp nhận cách nói này, nhưng không muốn căng thẳng với bạn mình, tôi nhẹ nhàng phản đối:

– Nhưng ai có quyền quyết định người nào có khả năng và người nào không cơ chứ? Làm sao biết đứa bé mới sinh này thông minh hơn đứa bé kia?

Timotheus không nao núng, trả lời dứt khoát:

– Luật lệ từ xưa ghi rõ nếu cha mẹ là nô lệ thì con cái cũng phải làm nô lệ. Nô lệ vốn không có khả năng suy nghĩ độc lập thì không thể sinh ra con cái thông minh được. Khả năng thông minh tùy thuộc vào huyết thống gia đình.

Tôi càng không thể chấp nhận cách lý giải này, nên lập tức phản ứng:

– Nói vậy thì trong chiến tranh, bên thua trận có nhiều người bị bắt làm nô lệ, dù họ vốn không thuộc tầng lớp nô lệ, họ cũng thông minh và có học thức, rồi con cái của họ cũng phải làm nô lệ thì giải thích vấn đề thông minh theo huyết thống như thế nào?

Timotheus khựng lại, suy nghĩ một lúc rồi gật đầu nói:

– Kyros, cậu nói cũng có lý. Đây là điều trước giờ ta chưa từng nghĩ đến. Việc phân chia giai cấp nô lệ đã thành truyền thống, tồn tại từ lâu, không biết từ lúc nào, và không biết ai đã đặt ra sự phân chia này. Ngay như thầy của ta, Platon và Aristotle, đều dạy ta như thế. Hiện nay ta không trả lời được thắc mắc này của cậu, nhưng rồi ta sẽ tìm ra câu trả lời.

Mặc dù cuộc nói chuyện xảy ra trong lúc cả hai chúng tôi đều đã ngà say và sau đó, tôi không nhắc đến nữa, nhưng không ngờ câu hỏi này đã làm Timotheus phải suy nghĩ rất nhiều về sau.

Được sống gần vị vua trẻ và những học giả tháp tùng cùng ngài, tôi dần nhận thấy Alexander không những là một nhà chỉ huy tài năng trên chiến trường mà còn là một hoàng đế có lối sống vô cùng bình dị. Trên sa trường, ngài sống trong lều vải y hệt như các binh sĩ. Mỗi buổi sáng, ngài dậy sớm, chọn ngẫu nhiên một đội binh để cùng thao luyện. Các hoạt động có thể rất phong phú, từ tập thể thao, luyện võ nghệ, đến bắn cung, ném lao, đánh gươm; sau khi thao luyện, ngài sẽ cùng binh sĩ ăn uống, hoàn toàn không có cách biệt giữa một hoàng đế và những người lính tầm thường. Sau mỗi trận đánh, nhà vua đi ủy lạo, hỏi thăm thương tích của binh sĩ và không ngần ngại cho họ xem những vết thương trên thân thể của chính mình, vì thế ngài được binh sĩ hết lòng kính phục. Đến tối, vị vua trẻ còn la cà khắp doanh trại, vừa uống rượu, vừa ca hát với binh sĩ. Đi cùng ngài là đám bạn thân như Perdicas, Hephaestion, Ptolemy, Antigonus, là những người chơi với ông từ nhỏ. Do cùng học và cùng lớn lên với nhau, họ cũng thích ca hát và uống rượu như Alexander. Ngoài ra, mỗi ngày Alexander đều dành thời giờ để học hỏi thêm với các học giả Hy Lạp hoặc bàn luận với họ về việc điều hành những nơi mà ngài vừa chinh phục. Alexander là một chiến lược gia sáng suốt, đi đến đâu ngài cũng cho người thăm dò địa thế trước để chọn nơi đóng quân và cho vẽ bản đồ của khu vực với chi tiết sông ngòi, đồi núi, đường sá cẩn thận.

Về phần triều đình Ba Tư, ban đầu, khi hay tin Hy Lạp tấn công, triều đình vẫn cho rằng các tướng lĩnh địa phương đủ sức đối phó nên không gửi quân tiếp viện. Khi bị mất những vùng đất lớn cùng các hải đảo quan trọng thì vua Ba Tư Darius đệ tam mới triệu tập tướng sĩ và đích thân mang quân đến đối phó. Ông chủ trương chặn đường thoái lui từ Tiểu Á về Hy Lạp của Alexander để tiêu diệt quân Hy Lạp ngay trên đất mình. Với hàng trăm chiến xa, hàng ngàn kỵ binh thiện chiến và số binh sĩ gấp ba lần quân Hy Lạp, Darius tin tưởng đã cầm chắc phần thắng trong tay.

Nghe tin Vua Darius đích thân mang quân đến đóng tại Damascus, Alexander họp tướng sĩ lại, xem bản đồ địa thế để chuẩn bị đối phó. Nghe báo cáo về quân số áp đảo cùng số chiến xa của Ba Tư, Parmenion dè dặt:

– Ba Tư nổi tiếng về chiến thuật sử dụng chiến xa để phá vỡ mặt trận đối phương, theo sau là lực lượng bộ binh đông đảo, có thể bằng lợi thế số đông để càn quét, giành chiến thắng…

Alexander ngắt lời:

– Đừng lo, ta đã nghiên cứu chiến lược của Ba Tư và biết cách đối phó. Darius là vua nhưng chưa từng cầm quân ra trận, việc gì chúng ta phải sợ bầy sư tử cầm đầu bởi một con cừu non.

Sau khi nghiên cứu địa thế, thay vì dàn trận trên đồng bằng rộng lớn, Alexander ra lệnh rút quân về đèo Issus chờ quân Ba Tư kéo đến. Đây là một vùng địa thế chật hẹp, bên là núi, bên là biển, quanh đó có rất nhiều đá nhấp nhô, lởm chởm, do đó, khi vào trận, các chiến xa Ba Tư không thể chạy nhanh mà phải lượn quanh để tránh những bãi đá. Vì địa thế gập ghềnh, một số chiến xa vấp đá bị lật nhào, không những mất khả năng chiến đấu mà còn cản trở các chiến xa khác, vì vậy, ngay từ đầu Ba Tư đã đánh mất lợi thế tấn công bằng chiến xa. Theo sau chiến xa là đoàn kỵ binh và bộ binh xông lên tấn công. Quân sĩ Hy Lạp sử dụng những cây giáo rất dài, chia ra theo đội hình Phalanx[1] giữ vững vị trí, trong khi quân sĩ Ba Tư sử dụng những vũ khí ngắn như gươm đao để tấn công theo kiểu hành quân dựa vào số đông nên bất lợi khi đối phó với những cây giáo dài. Binh sĩ Hy Lạp được che chở bởi giáp trụ kiên cố, đứng sau chiếc khiên chắn, sử dụng những cây giáo sarissa dài sáu mét, di chuyển từng bước theo tiếng trống trận oai hùng. Đoàn kỵ binh Ba Tư tinh nhuệ, được coi là nỗi khiếp đảm của tất cả mọi chiến địa khắp vùng Tiểu Á, Lưỡng Hà, nay cũng không vượt qua nổi hàng rào của những cây giáo đặc biệt dài chuyên dùng đối phó kỵ binh này. Gặp phải hàng ngũ kỷ luật vững chắc, chỉ tiến từng bước một theo nhịp trống trận của quân Hy Lạp, người này ngã xuống lập tức có người khác thay vào, hàng hàng, lớp lớp như khối rào sắt với những ngọn giáo dài nhọn hoắt, nên quân Ba Tư dẫu có đông và thiện chiến cũng sớm tan rã đội hình và bị áp đảo về khí thế.

Sau vài đợt tấn công, quân đội Ba Tư tổn thất nặng nề. Cũng như trận đánh trước, Alexander dẫn đầu đội kỵ binh thiện chiến xông lên tấn công vào cánh phải của quân Ba Tư. Vị vua trẻ rút kiếm thúc ngựa lao như bay về phía trước, dũng mãnh hét lớn: “Lấy mạng Darius!” . Đoàn kỵ binh Hy Lạp thét lớn hòa cùng tiếng trống trận rền vang như sấm, xông tràn lên như vũ bão khiến quân Ba Tư không cản nổi, hàng ngũ rối loạn. Alexander điều binh xông thẳng vào vị trí trung quân, tiến đến chỗ Vua Darius đang chỉ huy. Trước sức tấn công như vũ bão của đoàn kỵ binh Hy Lạp, Vua Darius hoảng sợ quay ngựa bỏ chạy. Thấy nhà vua rời mặt trận, các tướng lĩnh hộ vệ vội vã chạy theo, làm cho quân sĩ Ba Tư mất hết nhuệ khí chiến đấu. Thấy vậy, Parmenion tấn công mạnh qua cánh trái, dồn vây quân Ba Tư vào giữa, rồi ra lệnh đội cung nỏ thẳng tay tiêu diệt. Bị bao vây giữa rừng người hỗn loạn với tên bắn như mưa, quân Ba Tư đại loạn, giẫm đạp lên nhau tìm đường thoát thân, nhưng giữa trận mưa tên trùng trùng, cùng hàng hàng lớp lớp những mũi giáo dài của bộ binh Hy Lạp phong tỏa tứ phía, gần như toàn quân Ba Tư đã tử trận. Một lần nữa, quân Hy Lạp đại thắng. Thay vì dừng lại, Alexander ra lệnh kéo thẳng vào doanh trại của Ba Tư ở Damascus. Các quân sĩ trấn thủ ở đó nhìn thấy chủ tướng và đại quân đã tháo chạy cũng vội vã bỏ trại, tan tác tìm đường thoát thân.

Khi quân Hy Lạp kéo đến Damascus thì doanh trại quân Ba Tư gần như đã trống không. Tại đây, quân sĩ tìm được nhiều văn kiện của triều đình bỏ lại, Alexander ra lệnh cho Timotheus và các học giả Hy Lạp đến xem xét thu giữ toàn bộ, còn ngài bình thản đi tắm trong bồn nước tại lều của vua Ba Tư.

Alexander cho kiểm soát các chiến lợi phẩm bỏ lại trong lều của Vua Darius. Là người trông coi sổ sách tài chính, tôi được lệnh kiểm kê kỹ lưỡng mọi thứ và báo cáo về số vàng hơn 3.000 ta-lăng[2] thu được tại đây. Alexander ra lệnh cho tôi chuyển số vàng đó về Pella để đúc tiền lương cho binh lính. Do đó, tôi phải trở về Hy Lạp, vắng mặt trong các trận chiến tại Syria và Ai Cập.

Khi tôi báo cáo về số vàng thu được thì Timotheus cũng tường thuật về các văn kiện của triều đình Ba Tư bị bỏ lại. Ông lưu ý nhà vua rằng pháp luật xứ này ghi rõ tội nặng nhất là nói dối, sẽ bị tử hình, trong khi các tội khác như giết người, cướp của, chỉ bị chặt tay, cắt mũi, cắt tai, khắc chữ lên trán, hay tù đày mà thôi.

Alexander ngạc nhiên:

– Ta không ngờ Ba Tư lại có luật pháp nghiêm khắc như thế. Nếu người xứ này không nói dối, thì ta cũng phải đối xử tử tế với họ.

Timotheus chỉ vào bộ luật của Cyrus[3], người sáng lập nên triều đại Achaemenid, trên bộ luật ghi rõ: “Các quan trong triều, hay tướng lĩnh phạm tội thì phải trừng trị nặng gấp đôi người dân. Ngoài án lệnh cho người phạm tội, gia đình của họ còn phải sống vĩnh viễn ngoài sa mạc, không bao giờ được trở về thành nữa”.

Alexander xem kỹ bộ luật của Cyrus rồi tấm tắc khen:

– Cyrus giỏi thật, ta cần phải học hỏi cách cai trị này.

Alexander dành thời gian tại Damascus học hỏi, xem xét các văn kiện luật pháp của Ba Tư. Ngài bàn bạc với các học giả Hy Lạp về đường lối cai trị mà ngài thấy có giá trị.

Ba Tư là đế quốc vô cùng rộng lớn, dân cư phức tạp, với nhiều sắc tộc khác nhau, phong tục và ngôn ngữ của họ cũng khác nhau. Triều đại Achaemenid đã tồn tại hơn hai trăm năm nên việc điều hành được tổ chức chặt chẽ, hệ thống pháp luật được ghi chép rõ ràng. Khi xưa, sau khi chinh phục Assyria, Babylon và Ai Cập để dựng lên Đế quốc Ba Tư, Vua Cyrus phân chia quốc gia thành nhiều vùng, mỗi vùng có thống đốc (Satrap) điều hành, với lực lượng quân đội riêng, vì mỗi vùng đều có phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo riêng nên các thống đốc được quyền thay đổi cách cai trị cho thích hợp với phong tục địa phương, miễn là vẫn tuân theo hệ thống pháp luật của triều đình. Nhà vua nắm quyền hành nhưng không tuyệt đối mà vẫn phải dựa theo luật pháp đã được ghi chép từ trước. Triều đình thu thuế hàng năm từ các vùng, tùy theo thời tiết, mùa màng mà tiền thuế tăng hay giảm. Các vùng được nối với nhau bởi một hệ thống đường sá có các trạm tiếp vận lương thực dự trữ cho ngựa và lạc đà, giúp cho việc đi lại, thông thương, trao đổi hàng hóa vô cùng nhanh chóng và thuận lợi.

Người Ba Tư theo Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism), phủ nhận chế độ nô lệ. Khi Vua Cyrus chinh phục Ai Cập, Babylon, Lydia, Iona và Assyria, các xứ này đều có nô lệ nên ông ban hành đạo luật bảo vệ quyền làm người, thả tự do cho nô lệ, cấm không ai được sở hữu “con người”. Dân Do Thái làm nô lệ tại Babylon, Ai Cập được cho về quê hương Jerusalem. Khác với Hy Lạp, phụ nữ Ba Tư được coi ngang hàng với nam giới, được quyền đi học, được tự do đi lại, buôn bán và sở hữu tài sản. sử gia Plutarch ghi nhận phụ nữ Ba Tư có học thức cao, thông minh và biết làm thơ văn không thua phái nam, họ cũng tháo vát trong việc buôn bán, một số còn giữ chức vụ trong triều hay địa phương, khác hẳn phụ nữ Hy Lạp bị cấm đoán mọi thứ và bị giới hạn trong bổn phận làm vợ.

Từ trước đến nay, người Hy Lạp vẫn tự hào mình là văn minh và coi người Ba Tư là man rợ nên khi xem các văn kiện triều đình xứ này, những học giả đi theo đoàn quân viễn chinh phải ngạc nhiên trước sự tổ chức điều hành tiến bộ tại đây. Không những thế, đời sống dân chúng xứ này còn tốt hơn Hy Lạp, một phần vì địa thế rộng lớn, đất đai trù phú, đường sá thuận tiện, cùng với luật pháp nghiêm minh. Ngay cả vùng sa mạc khô cằn, không thể canh tác cũng được sự trợ giúp của triều đình. Vua Cyrus cho đào rất nhiều giếng lấy nước, xây cất các kho chứa nước và cho phép dân chúng nơi đó không phải đóng thuế cao như vùng đồng bằng.

Timotheus kể với tôi rằng càng xem xét các văn kiện triều đình và các bộ luật của Vua Cyrus, Alexander và các học giả Hy Lạp càng thán phục. Sau khi bàn luận về phương pháp chinh phục xứ này, Alexander đi đến quyết định, thay vì sử dụng quân lực, ngài sẽ cho người thông báo đến các thống đốc địa phương rằng nếu quy hàng, họ sẽ được giữ địa vị như cũ, không phải nộp thuế lại cho triều đình nhưng không được có quân đội riêng. Được giữ quyền hành và tiền thuế là mối lợi lớn nên đa số các thống đốc địa phương đều chấp nhận đề nghị của Alexander. Nhờ chính sách khôn khéo này, chỉ một thời gian ngắn, Alexander đã kiểm soát trọn vùng Phoenicia[4] mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Các vùng Aradus, Marathus, Byblos, Sidon, Sardis đều lần lượt quy hàng. Chỉ riêng xứ Tyre đứng ra chống đối. Alexander ra lệnh tấn công thành Tyre, tàn sát và thiêu rụi nơi này thành bình địa như đã làm với Thebes. Ngài cũng cho phép quân sĩ tự do cướp phá và bắt người bán làm nô lệ để làm gương cho những nơi khác.

Sau khi chinh phục Phoenicia, Alexander kéo quân vào Ai Cập. Các thống đốc Gaza, Memphis đều xin hàng. Khi đến Memphis, theo lời khuyên của Timotheus, Alexander cho gỡ bỏ các pho tượng thần linh của Assyria, khôi phục nền tôn giáo của Ai Cập. Ngài đích thân đến làm lễ trong đền thờ thần Thái Dương Amun Ra và được giới giáo sĩ đón tiếp nồng hậu. Họ suy tôn ngài làm Pharaoh Ai Cập. Alexander chấp nhận rồi ban hành một đạo luật dành đặc ân cho giới giáo sĩ tại đây. Do đó, ngài được giới giáo sĩ và dân chúng Ai Cập ủng hộ hết lòng. Lúc đầu Alexander cho các học giả đến đền thờ, cổ mộ Ai Cập sao lục các tài liệu để mang về cho Aristotle. Sau đó, ngài đổi ý, ra lệnh xây một thư viện lớn tại hải cảng Pharos, để chứa các văn bản tài liệu này, rồi đổi tên nơi đó là Alexandria. Alexander muốn nơi đây sẽ là trung tâm văn hóa của thế giới, tập trung mọi tài liệu khoa học, triết học, tôn giáo để cho các học giả đời sau có thể đến đó nghiên cứu[5].

***

Khi tôi mang vàng về Pella thì tin Alexander thắng lớn tại Ba Tư, kiểm soát một nửa đế quốc này đã lan truyền khắp Hy Lạp. Thay vì vui mừng, một số nước bị Alexander chinh phục trở thành các tỉnh của Macedonia, đã nổi dậy đòi độc lập. Khi mối đe dọa của Ba Tư không còn thì dân chúng Hy Lạp không chấp nhận việc thống nhất dưới sự cai trị của Macedonia nữa.

Được tin này, Alexander tức giận gửi ngay cho Antipater thông điệp: “Dẹp ngay đám phản loạn, nếu không ta sẽ cho người khác làm việc đó”. Vì đa số tướng lĩnh và quân đội Macedonia đều đã theo đoàn quân viễn chinh của Alexander nên lực lượng còn lại ở Pella tương đối mỏng. Nhưng nhờ có số vàng tôi mang về để đúc tiền, Antipater đã thành lập ngay được một binh lực lính đánh thuê hùng hậu từ quân lực của các vùng Thrace, Scythian, Illyria và Epirus. Antipater tiêu diệt nhóm phản loạn, thiết lập một hệ thống cai trị vô cùng nghiêm khắc, áp dụng lên toàn Hy Lạp để việc này không tái diễn nữa.

Không còn phải lo về nội loạn tại quê hương, Alexander cho các bạn là Lysimachus, Antigonus và Ptolemy làm phó vương cai trị Tiểu Á, Phoenicia và Ai Cập, còn ngài và tướng Parmenion kéo binh tiến sâu vào lãnh thổ Ba Tư.

Trước sự xâm lăng của Hy Lạp, Vua Darius triệu tập binh sĩ khắp nước, quyết chiến đấu đến cùng. Rút kinh nghiệm thất bại tại Issus vì địa thế bất lợi, lần này Darius dàn quân tại Gaugamela, một khu vực rộng rãi, bằng phẳng, các chướng ngại vật đều được dọn dẹp sạch sẽ, là địa hình có thể khai thác hết sức mạnh của các chiến xa và đội kỵ binh thiện chiến nhất Ba Tư lúc đó, được cầm đầu bởi tướng Bessus. Tuy tôi không có mặt trong lần đối đầu này nhưng được nghe Timotheus kể lại trận đánh một cách tỉ mỉ.

Alexander điều nghiên địa thế mặt trận, biết quân số Ba Tư nhiều gấp năm lần quân Hy Lạp nên lần này ngài ra lệnh cho đội kỵ binh chia làm hai nhánh cùng nhau tấn công từ hai phía. Ngài nói: “Đánh rắn phải đánh vào đầu, hai đoàn kỵ binh phải cùng xông lên tấn công thẳng vào chỗ Vua Darius chỉ huy thì mới mong đoạt lấy phần thắng”. Nhà vua phóng ngựa đi đầu, dẫn đoàn kỵ binh tấn công theo cánh phải trong khi Parmenion tấn công vào cánh trái. Thấy kỵ binh Hy Lạp chia làm hai nhánh tấn công, Vua Darius ra lệnh cho các chiến xa Ba Tư tấn công thẳng vào đội hình Phalanx của bộ binh, nhằm phá vỡ mặt trận này. Trên cánh đồng lớn, sự tấn công như vũ bão của chiến xa có thể áp đảo bộ binh, bất chấp các ngọn giáo sarissa. Nếu đội hình Phalanx của bộ binh, lực lượng nòng cốt, bị tiêu diệt thì quân Ba Tư cầm chắc phần thắng trong tay. Hàng trăm chiến xa được lệnh xông lên như vũ bão. Lúc này, phía Hy Lạp sử dụng những cỗ máy bắn ra những bó rơm tẩm dầu đã được châm lửa khiến đoàn ngựa kéo của quân Ba Tư hoảng loạn, các chiến xa đâm vào nhau, gãy nát. Trên chiến trường rộng lớn, hàng trăm chiến xa bốc cháy di chuyển loạn xạ, khói bay mù mịt, tạo ra tình trạng hỗn loạn cho cả đoàn bộ binh Ba Tư ở phía sau. Ngay lúc đó, đoàn bộ binh Hy Lạp, theo nhịp trống oai hùng, di chuyển vững chắc theo đội hình, xông lên tấn công.

Cũng như trận đánh trước, Alexander liều mình phóng ngựa lao thẳng vào chỗ Vua Darius đang chỉ huy, ngài vừa chiến đấu vừa la hét kêu gọi tướng sĩ xông lên theo mình. Mặc dù có kỵ binh và nhiều xe ngựa vây quanh bảo vệ nhưng thấy Alexander dũng mãnh xông về phía mình như chỗ không người, Vua Darius hoảng hốt hét lớn:

– Thằng giặc này điên rồi! Giết hắn ngay!

Các tướng hộ vệ quanh Vua Darius bắn liên tiếp những mũi tên thép về phía Alexander. Nhưng bất chấp làn mưa tên, Alexander vẫn xông lên, vung gươm tứ phía. Thấy cỗ xe lớn có cờ quạt rực rỡ, biết đó là xe của Vua Darius, Alexander trên lưng ngựa rướn người phóng thẳng ngọn giáo của mình về phía Vua Darius, cây giáo không trúng đích nhưng cắm ngập vào thành xe, rung bần bật khiến Vua Darius hoảng loạn, vội vã bỏ xe, nhảy lên ngựa chạy trốn. Các tướng hộ vệ quanh đó cũng kéo nhau chạy theo. Alexander và Perdicas thúc ngựa định truy đuổi nhưng thấy đoàn kỵ binh của Parmenion đang bị vây khốn bởi đoàn quân thiện chiến nhất của xứ Bactria, cầm đầu bởi tướng Bessus, nên cả hai phải quay lại giải vây. Hai bên giao chiến dữ dội, Alexander vừa đánh vừa hét lớn: “Tên vua hèn nhát của các ngươi đã tháo chạy rồi”. Các tướng sĩ quanh đó đều hô lớn theo nhà vua, khiến quân Ba Tư thật sự nao núng. Khi tin vua Ba Tư tháo chạy khỏi hàng ngũ được loan truyền trên chiến trường, tướng Bessus hoảng hốt ra lệnh cho quân sĩ rút lui. Một lần nữa, quân Hy Lạp lại thắng lớn.

Timotheus còn giải thích thêm rằng trong hai trận chiến đối đầu trực tiếp với Vua Darius, tuy quân Ba Tư đông áp đảo, với lực lượng chiến xa và kỵ binh tinh nhuệ nhưng Alexander chiến thắng vì ngài biết tận dụng địa thế, khí hậu và hiểu rõ cơ chế chiến đấu của các loại vũ khí, lấy dài chống ngắn, trong khi quân Ba Tư vẫn chỉ sử dụng chiến thuật lấy số đông đàn áp số ít.

Trong trận Issus, nhờ biết tận dụng địa thế nhỏ hẹp, quanh co, đá tảng lởm chởm, Alexander đã vô hiệu hóa chiến thuật dùng chiến xa của Ba Tư. Binh sĩ Ba Tư sử dụng vũ khí ngắn như gươm đao, mạnh ai nấy đánh không theo chiến thuật hay đấu pháp nào, không thể chống lại những cây giáo  sarissa  dài  của  lực  lượng  bộ  binh  di  chuyển  theo  đội hình Phalanx vững chãi, chỉ tiến từng bước theo nhịp trống trận, càng đánh càng áp đảo đối phương.

Trận Gaugamela diễn ra tại đồng bằng rộng lớn, mục đích của quân Ba Tư là tận dụng sức mạnh của các chiến xa lao thẳng vào đoàn quân Hy Lạp để phá tan đội hình. Nhưng lợi dụng khí hậu nóng và khô của sa mạc, Alexander cho chuẩn bị những bó rơm tẩm dầu và các máy bắn đá được sửa chữa để bắn những bó rơm cháy ngùn ngụt vào các chiến xa, khiến kế hoạch tấn công này của quân Ba Tư cũng trở nên vô hiệu. Trong khói lửa mịt mù, quân Ba Tư vẫn cậy vào số đông xông tới, nhưng mạnh ai nấy tiến lên, không nhìn rõ bạn hay thù nên hàng ngũ rối loạn. Trong khi quân Hy Lạp với đội hình Phalanx, giữ kỷ luật theo hàng lối, chỉ tiến từng bước theo nhịp trống nên khắc chế được quân Ba Tư và giành phần thắng. Mặc dù quân số ít nhưng Alexander biết dùng kỵ binh chia thành hai nhánh tấn công như vũ bão thẳng vào trung tâm, nơi Vua Darius chỉ huy. Khi ông vua này bỏ chạy, Alexander biết dùng đòn tâm lý ra lệnh cho quân sĩ loan tin này làm tướng sĩ và quân Ba Tư nao núng, mất hết tinh thần chiến đấu. Nhờ đó, Alexander đã lần nữa giành chiến thắng.

Sau chiến thắng tại Gaugamela, thay vì truy đuổi Darius, Alexander kéo quân vào thành Babylon, kinh đô của Ba Tư. Alexander gửi cấp tốc tối hậu thư đến thành Babylon: “Mở cổng thành ngay, nếu không, ta sẽ thiêu hủy tất cả!” . Quan thượng thư Mazaeus vội vã mở cổng thành xin hàng, đồng thời, đem vàng bạc, châu báu trong kho dâng cho đoàn quân chiến thắng. Nhìn thấy số vàng bạc, châu báu chứa trong hàng trăm hòm gỗ lớn, mọi người đều kinh ngạc trước sự giàu có của Ba Tư, một sự giàu có vượt quá mọi sức tưởng tượng của người xứ Macedonia. Khi xưa, trong trận Issus, Alexander đã thu được nhiều vàng nhưng chưa bao giờ chứng kiến tài sản khổng lồ và quý giá như thế này. Khi vào cung điện của vua Ba Tư, vị vua trẻ này còn ngạc nhiên hơn khi thấy những vật dụng bằng vàng bạc, còn ngọc ngà châu báu thì bày biện khắp nơi.

Nhìn các quan triều đình Ba Tư quỳ mọp trước mặt, Alexander hỏi:

– Các ngươi muốn được ta đối xử như thế nào?

Mazaeus run rẩy trả lời:

– Hoàng đế muốn xử chúng tôi thế nào cũng được. Nhưng xin ngài khoan hồng, đừng cho quân lính xâm phạm tính mạng dân chúng.

Vì đã xem qua văn kiện triều đình và khâm phục việc tổ chức, điều hành hiệu quả nơi đây nên Alexander vốn đã tôn trọng những người này. Ngài gật gù, nói:

– Các ngươi không nghĩ đến bản thân mà biết lo nghĩ cho người dân như vậy thì thật xứng đáng giúp ta cai trị nơi đây.

Alexander lập tức truyền lệnh cho quân sĩ giữ vững kỷ luật, không được cướp bóc, đốt phá hay sát hại dân lành. Ngài lệnh cho Parmenion đóng quân ở ngoại thành để tránh làm dân chúng hoảng sợ.

Sau khi nghỉ ngơi tại Babylon, biết Darius đã chạy về Susa, Alexander kéo quân truy đuổi, nhất quyết bắt kỳ được ông vua này. Khi đuổi đến nơi thì Darius đã chạy về Persepolis. Tại Susa, Alexander mở ngân khố, tìm được hơn hai trăm thùng vàng nặng khoảng 120.000 ta-lăng. Ông giao cho Harpalus trông nom số vàng rồi tiếp tục truy đuổi Vua Darius. Sau nhiều trận đánh lớn với các tướng lĩnh Ba Tư cai trị vùng núi Zagros, nơi được gọi là cửa ngõ của Ba Tư, Alexander tiến vào Persepolis, nhưng Vua Darius đã chạy đến Bactria.

Persepolis vốn là kinh đô của Đế quốc Ba Tư đầu tiên dưới thời Vua Cyrus, người đã dựng lên Đế quốc Ba Tư. Thành phố này được xây dựng vô cùng hoành tráng, được xem là một công trình kiến trúc vĩ đại của Ba Tư lúc đó. Các vua chúa thuộc dòng dõi hoàng gia Achaemenid đều được chôn cất nơi đây. Mặc dù sau này Vua Darius đệ nhất đã dời đô về Babylon để thuận tiện hơn trong giao thương, nhưng Persepolis vẫn được coi là cái nôi của Đế quốc Ba Tư. Alexander cho quân nghỉ ngơi tại đây. Trong lúc uống rượu cùng binh sĩ, ngài nghe một người phàn nàn rằng khi xưa Ba Tư đốt phá Athens, cày xới lăng mộ của các vị anh hùng Hy Lạp, hiện nay chúng ta đến lăng mộ của tổ tiên chúng mà chỉ lo rượu chè ăn mừng, chẳng làm gì thì coi sao được, sẵn trong men rượu, lại bị khiêu khích, Alexander, vị chiến thần vĩ đại nhất lịch sử, nổi giận đùng đùng ra lệnh thiêu rụi cả kinh thành này. Ngọn lửa bùng cháy, rực sáng ngày đêm, ám đỏ cả một vùng trời, đến hơn ba tuần lễ mới tắt hẳn. Tiếng kêu khóc vang dậy khắp vùng. Khi tỉnh rượu, Alexander vô cùng hối hận vì hành động lạm sát này nhưng việc đã rồi, không cứu vãn được nữa.

Biết tâm trạng của nhà vua, Perdicas khuyên Alexander truyền tin cho dân Hy Lạp, báo cho họ biết rằng ông đã trả được mối thù xưa cho dân tộc Hy Lạp. Dân chúng Hy Lạp mừng vui ca tụng vị hoàng đế bách chiến bách thắng của mình.

***

Alexander kéo quân về Babylon nghỉ ngơi. Đối với Hy Lạp, cuộc chiến với Ba Tư là để dẹp hiểm họa xâm lăng, nay mục tiêu ấy đã hoàn tất. Babylon là một thành phố giàu có huy hoàng với những cung điện nguy nga. Khi xưa, đây là kinh đô của Đế quốc Assyria và cũng là nơi tập trung mọi việc giao thương buôn bán miền Trung Đông. Alexander cho Mazaeus và các quan triều đình tiếp tục chức vụ như cũ để điều hành mọi việc.

Sau nhiều chiến công vang dội, thành công chinh phục Ba Tư, Alexander được suy tôn làm “Vua của Á Châu” (Lord of Asia). Theo truyền thống của Babylon, họ mở tiệc khoản đãi kéo dài bảy ngày. Cho đến lúc đó, Alexander và tướng sĩ Hy Lạp mới kinh ngạc trước sự hoành tráng của những bữa tiệc vô cùng thịnh soạn của xứ này. Hàng trăm hũ rượu ngon được mang ra đãi khách cùng với vô vàn các loại sơn hào hải vị. Đặc biệt hơn nữa là những điệu múa xuất thần của các nữ vũ công xinh đẹp xứ này khiến mọi người đều say mê.

Sau thời gian tiệc tùng, Alexander bắt tay vào việc triều chính, bắt đầu bằng việc cho kiểm kê tài sản triều đình. Là người phụ trách tài chính, tôi được gọi đến để lập danh sách vàng bạc, châu báu mang về cho ngân quỹ Pella. Tôi lập tức lên đường đi Babylon ngay vì đã hơn một năm không được gặp các bạn mình. Sau khi kiểm kê các chiến lợi phẩm và số vàng bạc chứa trong kho, tôi được gọi vào cung, báo cáo lên nhà vua.

Vừa bước vào cung, tôi đã choáng ngợp bởi sự sang trọng của cung điện và vẻ đẹp của lối kiến trúc ở Ba Tư. Đa số cung điện Hy Lạp đều xây cất theo lối kiến trúc giản dị, cân đối, phản ánh trật tự hài hòa. Cung điện Ba Tư thì hoàn toàn khác hẳn. Tường vách, cột kèo đều được sơn màu sắc sặc sỡ, dưới sàn thì được trải các tấm thảm dệt vô cùng sang trọng. Alexander không ngồi trên ngai mà dựa vào chiếc gối bằng lông thú đặt trên tấm thảm dày, các tướng sĩ ngồi quanh đó cùng với rất nhiều thiếu nữ Ba Tư xiêm y lộng lẫy, kiểu cách. Ở  một góc cung điện là một nhóm các nhạc công đang chơi các nhạc cụ lạ lùng mà tôi chưa từng trông thấy. Thấy tôi bỡ ngỡ, Seleucus bật cười giải thích:

– Khi vào đến đây, bọn ta đều hoa mắt trước sự nguy nga tráng lệ của cung điện xứ này. Ta không ngờ người xứ này lại sống sung sướng đến thế. Này Kyros, ngươi hãy nhìn xem, biết bao rượu ngon, biết bao món ăn đặc biệt mà chúng ta chưa từng thử qua. Ngoài ra, phụ nữ xứ này đẹp vô cùng, đã thế họ còn hiểu biết nghệ thuật ái ân, giỏi chiều chuộng. Trong hậu cung này có hàng trăm phụ nữ xinh đẹp sẵn sàng nhiệt tình phục vụ. Chúng ta tha hồ lựa chọn.

Nhìn những người bạn từng lớn lên cùng tôi đang hưởng thụ sự phục vụ của những mỹ nữ Ba Tư với vẻ ngạo nghễ, tôi hốt nhiên nhận ra có lẽ vinh quang chiến tranh, vàng bạc và phụ nữ đã làm thay đổi bản chất cao thượng của họ. Họ đã có lòng tham, muốn hưởng thụ, đã rời xa những lý tưởng cao đẹp khi xưa là bảo vệ Hy Lạp khỏi nạn ngoại xâm. Hành động hiện nay của họ có khác gì một đội quân xâm lược đâu.

Tôi gật đầu, mỉm cười lịch sự nhưng không đáp lời Seleucus mà tiến đến trước mặt nhà vua, cung kính trình lên danh sách vàng bạc, châu báu đã được kiểm kê và niêm phong cẩn thận để chuyển về Hy Lạp. Hoàng đế Alexander xem xong có vẻ hài lòng nên ra hiệu cho tôi được phép ngồi vào bàn tiệc. Tôi đưa mắt tìm Leonidas, thấy anh đang ngồi ôm một thiếu nữ gần đó nên tôi bước về phía đó. Thấy tôi, Leonidas không còn tỏ vẻ hồ hởi, vui mừng như xưa. Với giọng hờ hững, Leonidas hỏi:

– Kyros đấy à, có chuyện gì không?

– Tôi vừa ở Pella đến đây và có gặp…

Tôi chưa nói hết câu đã thấy Leonidas cau mày, tỏ ra khó chịu. Tôi cảm thấy ngay một sự xa cách giữa mình và người bạn này. Cố dằn cảm giác khó chịu xuống, tôi nói tiếp:

– Tôi có mang theo thư của…

Thay vì sốt sắng nhận thư rồi mở ngay ra xem như mọi khi, lần này Leonidas miễn cưỡng nhận thư rồi để ngay xuống bàn. Cô gái ngồi kề bên tiếp tục rót rượu, Leonidas vui vẻ uống.

Tôi cố chen vào những câu đùa cợt nhã của hai người:

– Tôi còn ở đây mấy ngày nữa mới về Pella. Anh cứ viết thư hồi âm cho Melissa, trước khi về tôi sẽ đến lấy…

Leonidas dằn ly rượu xuống bàn, cắt ngang:

– Thôi đừng nói gì đến Melissa nữa. Tôi bận lắm, không có thì giờ viết thư đâu và từ nay cũng không muốn phiền cậu nữa.

Tôi sững người, bất ngờ trước thái độ lạ lùng của Leonidas, vừa lúc đó Seleucus bước đến, kéo tay tôi, giọng hào hứng:

– Này Kyros, hãy uống rượu với bọn ta. Chắc chưa bao giờ cậu được dự bữa tiệc linh đình với rượu ngon và gái đẹp như thế này.

Tôi quay sang Leonidas, thấy anh ta vẫn đang tiếp tục say sưa cùng cô gái kia. Tôi thở dài rồi bước theo Seleucus. Về chỗ ngồi, tôi lập tức hỏi Seleucus:

– Này Seleucus,… làm sao thế?

Seleucus bật cười, ra chiều sành sỏi:

– Suốt mấy tuần nay, nó chỉ quanh quẩn với đám nhạc công và con bé vũ công đẹp nhất đám đó thôi, cậu có thích gái Ba Tư không, để bọn này chọn cho cậu vài đứa phục vụ cho vui?

Tôi cười với Seleucus cho qua chuyện, cả buổi tiệc hôm đó, dù xung quanh náo nhiệt tiếng cười và đầy không khí hưởng thụ, nhưng lòng tôi tràn ngập nỗi buồn và chỉ mong sao được sớm rời khỏi.

Mấy hôm sau, tôi theo lệnh mang chiến lợi phẩm chuyển về Hy Lạp.

Ngoài hàng chục xe chở vàng bạc, châu báu, vải lụa, còn có hàng trăm nô lệ, phần lớn là phụ nữ và nhạc công, được mang về làm quà cho triều đình. Để bảo đảm an ninh, Alexander cho Philiteus dẫn một toán quân theo hộ tống. Tôi rất mừng khi gặp lại Philiteus nhưng không hiểu sao trong suốt chuyến đi Philiteus luôn lầm lì, không nói chuyện. Lần cuối cùng tôi gặp anh, anh vẫn là một thanh niên hoạt bát, rất thông minh và cũng rất nhiệt tình. Tại sao giờ đây anh trở nên lầm lì, ít nói như thế. Mãi về sau, nhớ lại chuyến đi hôm đó, tôi mới hiểu, Philiteus đã bị chiến tranh bào mòn. Như thi sĩ Homer đã nói trong sử thi Iliad, không ai đi qua chiến tranh mà vẫn như xưa.

Trở về Hy Lạp, tôi lập tức đến gặp Antipater, người hiện đang thay mặt Alexander trông coi toàn thể Hy Lạp. Khi xem các văn kiện tôi trình lên, ông ngạc nhiên về số chiến lợi phẩm quá lớn, vượt ngoài sự tưởng tượng. Hàng chục hòm gỗ chứa vàng bạc, châu báu và hàng trăm nô lệ, phần lớn là phụ nữ trẻ đẹp, được mang về làm quà cho các gia đình quý tộc. Antipater lập tức cho mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Để giúp vui, ông cho những vũ công được đưa từ Ba Tư về ra biểu diễn. Chưa bao giờ triều đình Hy Lạp được chứng kiến những vũ điệu lạ mắt với những giai điệu hấp dẫn lạ lùng như vậy. Nghe kể về những bữa tiệc thịnh soạn kéo dài cả tuần lễ của xứ Ba Tư, triều đình Hy Lạp cũng học theo và tổ chức những bữa tiệc tùng linh đình tương tự. Các loại rượu ngon nhất, các món sơn hào hải vị mới lạ được mang đến. Nhạc Ba Tư và Babylon với giai điệu lạ lẫm, kích động, khiến người ta say mê vì sự mới lạ và lôi cuốn của chúng. Những bữa tiệc như thế giúp âm nhạc Ba Tư và Babylon dần trở nên thịnh hành ở Hy Lạp. Chẳng bao lâu sau, nhạc truyền thống với điệu Doria oai hùng dần trở nên mờ nhạt, không còn được coi trọng. Kết hợp với âm nhạc đầy màu sắc khoái lạc của Ba Tư là những nữ nô lệ trẻ đẹp với nghệ thuật chiều chuộng ái ân của miền Trung Đông đã biến hoàng cung Hy Lạp trở thành nơi chìm đắm trong nhục dục và sự hưởng thụ xa hoa. Nô lệ nữ Ba Tư giỏi múa hát và nghệ thuật phòng the trở thành những món hàng vô cùng đắt giá mà giới quý tộc Hy Lạp săn đón.

Tôi mang vàng về ngân khố Pella để lo việc đúc tiền. Mặc dù Antipater đã ban hành những chính sách kiểm soát nghiêm khắc nhưng thỉnh thoảng vẫn có những cuộc nổi loạn. Bề ngoài thì Hy Lạp đã thống nhất thành một quốc gia nhưng tinh thần chia rẽ giữa các địa phương vẫn còn rất mạnh. Đa số dân Hy Lạp vẫn không chấp nhận sự cai trị của Macedonia mà họ vốn coi là xứ man rợ, do đó, Antipater cần duy trì lực lượng quân sự tại đây và việc đó tiêu tốn rất nhiều tiền.

Sau khi lo liệu xong công việc ở ngân khố, tôi tranh thủ chút thời gian đến thăm Melissa vì biết cô đang mong, vừa nhìn thấy tôi, Melissa đã hỏi ngay:

– Kyros, cậu đã đưa thư cho Leonidas chưa?

Tôi gật đầu, nhưng tránh không nhắc đến thái độ của Leonidas. Nhớ lại vẻ hờ hững khi nhận thư rồi không hỏi thăm gì đến vợ của Leonidas mà tôi không khỏi bất mãn. Khi tôi nói rằng Leonidas không gửi thư hồi âm, chẳng những Melissa không nghi ngờ gì mà còn tỏ ra thông cảm:

– Ta biết Leonidas bận lắm, trong chiến tranh mấy ai có thì giờ viết thư nữa. Nhưng biết được chồng ta vẫn mạnh khỏe là tốt rồi. À phải rồi, cậu đi xa nên chắc không biết, Isidora cũng vừa lập gia đình. Tiếc là cậu về trễ quá, không dự đám cưới được.

Tôi sững người, lồng ngực đau đớn như ngàn vạn mũi tên xuyên qua. Dù đã không hy vọng gì được Isidora để mắt đến nhưng bất ngờ nghe tin người trong mộng của mình đã thuộc về người khác, tôi cũng không khỏi bàng hoàng. Không biết tình cảm của tôi dành cho Isidora nên Melissa vô tư kể tiếp. Lần đó, Cassander bãi hôn với Isidora, việc này đã bị coi là mối nhục cho gia đình của Dimitris và bị dư luận đàm tiếu trong một thời gian dài. Không còn hy vọng gả Isidora cho các gia đình quý tộc trong triều đình nên Dimitris thu xếp cho Isidora lấy Deasius, một người bạn đồng liêu lớn tuổi, góa vợ, cùng làm công việc quản lý tài chính triều đình với ông. Tôi lặng người, không biết nói gì nên đành viện cớ phải đi kiểm tra việc đúc tiền để rời khỏi trang trại của Dimitris. Trên đường, tôi cứ nghĩ về hy vọng hão huyền nay đã tan biến của mình mà cảm thấy cay đắng, tự trách mình đã không biết ý thức thân phận hèn mọn, còn mơ mộng trèo cao.

Khi việc đúc tiền hoàn tất, năm sau tôi trở lại Babylon thì Alexander đã rời nơi đó đến Bactria để truy đuổi Darius. Harpalus được lệnh duy trì một số quân tại Babylon để đảm bảo an ninh. Các buổi tiệc tùng vẫn tiếp tục, rượu, phụ nữ và âm nhạc Ba Tư vẫn có mặt khắp chốn đóng quân.

Vì công việc, tôi cũng đi theo những nơi đóng quân, tôi nhận thấy một sự thay đổi lớn đang diễn ra tại Ba Tư. Mặc dù cuộc chiến chưa chấm dứt, nhưng vì việc cai trị vẫn được giữ như xưa, các quan triều đình cũng như các thống đốc được giữ địa vị cũ, an ninh nhanh chóng vãn hồi, đời sống người dân cũng trở lại bình thường nên các đoàn thương buôn khắp nơi bắt đầu kéo đến Ba Tư để mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng đông. Ba Tư là xứ rộng lớn, đất đai trù phú, đời sống tương đối dễ dàng nên rất nhiều người, lúc đầu là các thương buôn, sau là các người Hy Lạp nghèo, đã tìm đến đây để mưu sinh, vì mọi nơi đều đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Hy Lạp, những người Hy Lạp di cư này được ưu đãi đặc biệt. Chỉ một thời gian ngắn, Đế quốc Ba Tư đã trở thành Đế quốc Hy Lạp, biên giới trải rộng từ Hy Lạp xuống Ai Cập rồi kéo dài sang cả Babylon. Khi số người Hy Lạp sang đây sinh sống ngày một đông hơn thì họ cho đổi tên các thành phố Ba Tư thành Alexandria, có hơn ba mươi thành phố được mang tên của vị vua trẻ này.

Về phía Alexander, ngài đã kéo quân đến Bactria và để tướng Parmenion ở lại Ecbatana để kiểm soát mọi việc trong ngoài. Trên đường, tuy gặp sự kháng cự của các thống lĩnh địa phương xứ Ba Tư nhưng lần nào Alexander cũng chiến thắng dễ dàng. Khi truy đuổi đến Damghan thì quân sĩ tìm thấy xác Vua Darius, ông đã bị Bessus giết rồi bỏ xác lại ở dọc đường. Alexander vô cùng tức giận, bởi ngài muốn bắt sống Darius chứ không phải giết ông ta. Sau đó Alexander đã đưa xác Darius về lại Persepolis và tổ chức tang lễ trọng thể theo nghi thức tang lễ của các vua Ba Tư khác.

Cái chết của Darius chấm dứt triều đại của dòng tộc Achaemenid, chính thức đưa Alexander lên địa vị lãnh đạo tối cao nơi đây. Tuy nhiên, vị vua trẻ vẫn chưa hài lòng vì chưa kiểm soát được Bactria. Phần lãnh thổ này hiện vẫn do tướng Bessus chiếm đóng, vì vậy, nhà vua nhất quyết truy đuổi Bessus đến cùng.

Một hôm, trong lúc đi phát quân lương, tôi tình cờ gặp Philotas đang ngồi ủ rũ một góc. Nhìn thấy tôi, Philotas thở dài rồi than:

– Ta không hiểu, đã thắng rồi thì trở về Hy Lạp thôi, còn ở lại đây làm gì? Hiện giờ Ba Tư không còn là mối đe dọa nữa, chẳng phải mục đích đã thành hay sao. Truy đuổi một kẻ đã bỏ chạy xa như thế có ý nghĩa gì chứ?

Tôi vỗ vai bạn mình, bày tỏ sự đồng cảm và cả động viên, nhưng không dám bàn gì thêm. Philotas thở dài:

– Nếu cuộc chiến cứ tiếp diễn như vậy, biết bao giờ chúng ta mới được trở về Hy Lạp?

Không chỉ có Philotas mà một số người khác trong quân ngũ cũng đã có thái độ bất mãn với cuộc chiến. Điều này cũng dễ hiểu, cuộc chiến đã kéo dài quá lâu và binh sĩ chỉ mong được về đoàn tụ với gia đình.

Sau cuộc gặp với Philotas không lâu, mấy ngày trước khi tôi trở về Hy Lạp, một biến cố lớn xảy ra. Một nhóm binh sĩ Hy Lạp âm mưu ám sát Alexander nhưng đã bị vạch trần. Các binh sĩ này đều là thủ hạ của Philotas nên Alexander ra lệnh bắt ngay viên tướng này để tra hỏi. Philotas là bạn của Alexander từ nhỏ, cùng ngài theo học với Aristotle và đã theo ngài kể từ ngày đầu của cuộc viễn chinh, đã lập nhiều công trạng lớn. Philotas khăng khăng là mình không có tội nhưng vẫn bị tra tấn đến chết. Philotas cũng là chồng của Sophia và con trai của đại tướng Parmenion, phó chỉ huy quân lực viễn chinh Hy Lạp. Sợ cái chết này có thể tạo ra sự chia rẽ trong hàng ngũ quân sĩ vì một nửa quân đội đang nằm dưới quyền chỉ huy của Parmenion nên Alexander lập tức gửi công văn hỏa tốc cho tướng Cleander ra lệnh giết Parmenion trước khi tin tức Philotas đã chết đến tai ông ta. Cleander hoàn tất nhiệm vụ và được phong chức chỉ huy quân đội thay cho Parmenion.

Cái chết của hai vị tướng chỉ huy của Macedonia đã giúp tôi nhận ra một khía cạnh khác của Alexander mà trước đây tôi không nghĩ tới. Tuy ngài là nhà quân sự lỗi lạc, là một chiến binh thiện chiến, là nhà chỉ huy giỏi, thân thiện với quân sĩ, có tình nghĩa với bạn bè, nhất là những người lớn lên cùng mình, nhưng ngài cũng là một ông vua, một ông vua tham vọng, đa nghi, hung bạo và thiếu tự chủ khi say rượu, vì có tham vọng lớn nên những trận đánh bách chiến bách thắng đã khiến ngài trở nên kiêu căng, hống hách và có phần tàn bạo hơn xưa. Quả đúng là không ai đi qua chiến tranh mà vẫn giữ được mình như trước.

Alexander tiếp tục truy đuổi Bessus qua sa mạc và núi non hiểm trở của xứ Bactria, xứ sở mà chính là Vua Cyrus, người dựng nên Đế quốc Ba Tư, đã mất rất nhiều công sức mới chinh phục được. Cyrus đã viết rằng đây là miền đất lạ lùng, dân xứ này có tính phản phúc, sáng hàng, tối đánh, rất khó cai trị. Do đó, tuy vẫn thuộc lãnh thổ Ba Tư nhưng ở đây Cyrus cũng phải để cho một số bộ lạc được tự trị rồi triều cống hằng năm, chứ không cắt cử quan cai trị.

Khi xem các văn kiện của Cyrus về xứ này, Timotheus đã nói:

– Vua Cyrus cho rằng người Bactria không thể tin cậy nhưng nếu nhìn theo góc độ khác thì người dân xứ này quả là có tinh thần bất khuất, thà chết chứ không chịu nhượng bộ, không để ai xâm chiếm quê hương của họ. Do đó, chúng ta cần cẩn trọng, không nên coi thường.

Alexander cười lớn:

– Nếu Cyrus đã không làm được thì ta càng phải làm cho được.

Nói là làm, Alexander tiến sâu vào lãnh thổ Bactria, băng qua những rặng núi cao, vượt qua tuyết lạnh và không để tình trạng thiếu thốn lương thực gây ảnh hưởng, trong vòng hai năm, ngài chinh phục được hơn bốn chục thành phố lớn, đổi tên tất cả thành Alexandria[6]. Sau cùng ngài bắt được tướng Bessus và trừng phạt theo luật pháp Ba Tư, dùng luật hình dành cho kẻ giết vua: cắt tai, xẻ mũi, cho dân ném đá đến chết.

Đối với đa số quân sĩ Hy Lạp, cái chết của Vua Darius và việc giết được Bessus đã là chiến thắng cuối cùng, chấm dứt cuộc viễn chinh. Chiến thắng này đã chính thức đưa Alexander lên địa vị tối cao với danh xưng Vua của Á Châu, vì vậy một số tướng sĩ đã đề xuất nhà vua cho rút quân về. Tuy nhiên, Alexander chưa hài lòng với vinh quang này mà nhất định phải đánh đến tận cùng thế giới.[7]

Alexander đến Sogdiana, vùng lãnh thổ nằm cạnh rặng Hindu Kush. Điều lạ là nhà cửa và các công trình của vùng này được xây theo kiến trúc Hy Lạp, chữ viết cũng sử dụng mẫu tự Hy Lạp. Vào thế kỷ trước, khi Ba Tư xâm lăng Hy Lạp, bắt được nhiều tù binh nhưng thay vì giam giữ họ, vua Ba Tư đày họ đến vùng đất hoang vu này để khẩn hoang. Theo thời gian, những tù nhân Hy Lạp này lập gia đình với dân địa phương, biến vùng núi non biệt lập này thành vùng đất tự trị riêng của họ. Khi quân Alexander kéo đến, tộc trưởng Oxyartes không chịu đầu hàng vì ỷ vào địa thế hiểm trở, vách núi cao, khó xâm nhập. Alexander xem xét kỹ địa thế rồi chờ đêm tối, cho một toán quân sĩ tinh nhuệ dùng dây thừng, móc sắt leo núi, đột nhập căn cứ của Oxyartes, bắt sống ông ta và toàn bộ gia đình.

Khi nhìn thấy Oxyartes, Alexander đã rất ngạc nhiên vì thấy ông có nhiều nét giống người Hy Lạp, tóc nâu, mắt xanh, và đặc biệt là nét mặt cương nghị. Do đó, thay vì hành hình như thường lệ, Alexander đã tha mạng và còn nhận Oxyartes là đồng hương, cảm kích đức vua, Oxyartes xin hàng, mời Alexander vào thành, mở tiệc tiếp đãi trọng thể.

Giữa buổi tiệc, Alexander rời bàn, bước xuống bậc thềm đá định nâng ly chúc mừng thì chợt để ý thấy bên dưới có một thiếu nữ thân hình diễm lệ, ăn mặc kín đáo, chỉ để lộ đôi bàn tay trắng ngần. Ngài bước xuống một bước, muốn nhìn rõ khuôn mặt cô gái thì nhận ra cô đang che mặt nhưng qua đôi mắt to tròn, lấp lánh vẻ thơ ngây kia, có thể đoán được cô là một thiếu nữ nhan sắc. Nhà vua quay lại hỏi Oxyartes, chỉ về cô gái:

– Tại sao cô gái kia phải che mặt?

Oxyartes nhìn về phía cô gái, thoáng giật mình rồi giải thích rằng theo phong tục xứ này thì những người con gái dòng dõi quý tộc nếu chưa lập gia đình thì phải luôn che mặt và chỉ được bỏ khăn ra khi đã lấy chồng.

Trong hơi say của men rượu, Alexander bước tới, chỉ tay vào cô gái, dõng dạc tuyên bố rằng ngài muốn nhìn thấy gương mặt cô gái, nếu dung nhan cô đẹp như thân hình thì ngài sẽ lấy cô gái làm vợ. Timotheus ngồi gần đó vội bước tới nhắc nhà vua phải cẩn trọng lời nói, vì tuyên bố trước triều đình không phải chuyện đùa – một khi đã gỡ mạng che mặt của cô gái là nhà vua phải thực hiện lời hứa dù nhan sắc cô gái ra sao. Alexander nâng cao ly rượu khẳng định lời tuyên bố của mình trước mọi người. Ai cũng bất ngờ, còn Oxyartes thì bối rối, bởi thiếu nữ đó chính là Roxana, cô con gái yêu quý của ông.

Ngay lập tức Roxana được gọi đến triệu kiến nhà vua. Alexander bước xuống, kéo khăn che mặt của cô gái. Gương mặt sáng ngời, xinh đẹp tuyệt trần của cô gái lập tức khiến Alexander cùng toàn thể tướng sĩ Hy Lạp trong điện sững sờ. Trước hàng trăm ánh mắt đổ dồn về phía mình, Roxana xấu hổ, lùi lại một bước. Alexander lặng người một lúc, đắm đuối nhìn cô gái rồi thốt lên rằng đây chính là món quà của thần Aphrodite[8] ban cho mình. Hôn lễ của Alexander lừng danh ở tuổi hai mươi tám và Roxana – người con gái đẹp nhất xứ Bactria, vừa tròn mười sáu tuổi, được cử hành ngay sau đó.[9]

Đó là một cuộc hôn lễ xa hoa cổ kim hiếm thấy, kéo dài suốt ba ngày ba đêm. Alexander đã truyền lệnh mang rất nhiều rượu quý, sơn hào hải vị và chiến lợi phẩm đến để phục vụ cho hôn lễ. Các tài liệu thời cổ còn ghi nhận hôn lễ của Alexander Đại đế và Roxana hoành tráng còn hơn cả những điển lễ dành cho thần linh thời bấy giờ. Những vò rượu quý được chất cao thành từng dãy, từng hàng, các món mỹ thực bản địa quý hiếm được tiến cống liên tục, khắp cung điện và toàn thành tràn ngập trong tiếng hoan ca, say sưa bất tận.

Không chỉ xiêu lòng trước nhan sắc kinh tâm động phách của Roxana, Alexander còn bị cuốn hút và cảm thấy bị thách thức trước vẻ quý phái, lạnh lùng trong ánh mắt của thiếu nữ quý tộc xứ Bactria. Dường như trong một khoảnh khắc, Alexander đã nhận ra đây chính là người hoàng hậu trong giấc mơ của mình. Người mang khí chất của một nữ thần cao quý này xứng đáng cùng ngài cai trị đế quốc vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Thế nên, vị vua hùng mạnh của Á Châu đã biến hôn lễ này thành một điển lễ vĩ đại, vừa để tôn vinh quyền lực của ngài vừa thể hiện sự tự hào về hoàng hậu đẹp nhất thế gian của mình. Điều vị Đại đế không ngờ là cuộc hôn nhân với nàng tiểu thư xứ Bactria đã gieo một hạt mầm khác lạ vào suy nghĩ của ngài, phần nào khiến cơ đồ của ngài về sau đổi khác. Rất lâu về sau, chính Timotheus trong một buổi uống rượu cao hứng đã kể với tôi câu chuyện khác thường trong đêm tân hôn của nhà vua.

Dưới màn đêm xứ Bactria huyền diệu, bữa tiệc hoành tráng nhất xứ Ba Tư kéo dài đến nửa khuya mới kết thúc, Alexander cuối cùng cũng đến chỗ Roxana, vị chiến thần từng khiến mọi quốc gia run sợ trước vó ngựa viễn chinh của mình nay bỗng trở nên dịu dàng trước đôi mắt trong veo, thăm thẳm, ngời lên vẻ đẹp trí tuệ của cô gái. Alexander thốt lên, mắt không rời gương mặt khả ái của Roxana:

– Hỡi Roxana, tiểu thư xinh đẹp của xứ Bactria! Những vì tinh tú và ánh trăng trên bầu trời đêm nay cũng cảm thấy hờn ghen với nhan sắc của nàng!

Roxana từ tốn, bình thản đáp:

– Em chỉ là một vì sao nhỏ như chính cái tên mà cha em đã đặt khi em chào đời. Lời khen của ngài, em không dám nhận[10].

Sau chuỗi ngày binh đao chinh chiến, lần đầu tiên, vị hoàng đế trẻ tuổi cảm nhận một dư vị chiến thắng lạ thường và cả một cảm giác bình an hiếm có.

Nhưng khi Alexander vừa định kéo Roxana về phía mình thì nàng nhẹ nhàng đẩy ngài ra. Roxana cầm lấy hai tay nhà vua, nhìn thẳng vào mắt ngài, cất giọng nhẹ nhàng, bình thản, không thể hiện thái độ gì:

– Ngài có biết em có thể cảm nhận được mùi máu tanh trên đôi tay ngài không? Có thể thấy cả những tòa thành lửa cháy và nghe được những tiếng kêu rên, khóc than của hàng vạn người dân trong đôi mắt ngài nữa?

Alexander sững người, không tin được vào tai mình. Trước giờ chưa từng có ai dám nói những lời như vậy trước mặt ngài. Nay những lời lẽ có phần oán trách này lại được thốt ra từ miệng người thiếu nữ sắp trở thành hoàng hậu của đế quốc mà ngài tốn nhiều công sức gây dựng nên. Nếu là trước đây, có lẽ Alexander đã nổi cơn thịnh nộ, nhưng Roxana nói ra điều đó quá nhẹ nhàng, quá hồn nhiên khiến Alexander cảm thấy thú vị hơn là tức giận. Alexander chậm rãi đáp lời:

– Cuộc chiến tranh nào rồi cũng sẽ có người chiến thắng và kẻ chiến bại. Để phân định thắng thua làm sao tránh được cảnh máu chảy đầu rơi. Xưa kia, đất nước Hy Lạp của ta cũng đã từng chịu nhiều đau thương, mất mát bởi quân xâm lăng. Nàng nên biết, mở rộng bờ cõi, thống nhất thiên hạ là sứ mệnh cao cả thiêng liêng mà các vị thần Hy Lạp đã trao cho ta, ta không thể làm khác được. Không có mất mát thì không có vinh quang.

Roxana hỏi tiếp, vẫn với giọng điệu bình thản:

– Nhưng tại sao phải có chiến tranh? Tại sao ngài phải đánh chiếm Ba Tư? Tại sao ngài lại phải chinh phạt các nước khác? Tại sao phải thiêu rụi những tòa thành và tàn sát những kẻ yếu hơn ngài? Chẳng lẽ việc thiêu hủy, giết chóc cũng là sứ mệnh của ngài? Việc đó khiến ngài thấy vui hơn sao?

– Ta chinh phạt Ba Tư là để đảm bảo cho sự bình yên và hùng mạnh của Hy Lạp. Chẳng phải chính Ba Tư trước đây đã gây chiến với Hy Lạp đó sao? Không có sự bình yên nào mà không phải trả giá, không có một đế chế vĩ đại nào được xây dựng mà không cần đến máu và sinh mạng. Ta nhận lãnh sứ mệnh vĩ đại là phải thống nhất mọi quốc gia và mang đến sự thịnh vượng cho tất cả. Mọi cái giá trả cho mục đích cao cả đó đều là xứng đáng.

Đến nàng mà cũng có ý oán trách ta như vậy sao? Ta chẳng phải đã tha chết cho cha nàng và đồng bào của nàng đó sao?

Roxana nhỏ nhẹ trả lời:

– Ngài có thể tha chết cho cha em và đồng bào em, sao ngài không làm điều đó với những xứ khác? Chính vì ngài đã hạ đồ đao nên mới có đám cưới này của chúng ta, chẳng phải vậy sao? Vậy giết chóc có thật sự cần thiết không?

Alexander thoáng giật mình, ngài suy nghĩ rồi chậm rãi trả lời:

– Vinh quang nào cũng phải trả giá, ít hay nhiều mà thôi. Đúng là có những cuộc tàn sát, phá hoại không cần thiết đã khiến ta phải suy nghĩ. Thôi được, ta sẽ lưu ý lời nàng nói, trong những trận chiến tiếp theo, ta sẽ cân nhắc để giảm bớt thương đau, giảm bớt hận thù sau này.

Roxana ngạc nhiên:

– Nghĩa là sau khi thu phục Ba Tư, ngài vẫn tiếp tục chinh phạt những nơi khác? Ngài cho rằng mình có thể đánh đến tận cùng thế giới sao?

Alexander gằn giọng:

– Ta hoàn toàn có thể. Nàng có muốn chứng kiến ngày ta trở thành vị vua vĩ đại nhất, thống trị toàn thế gian này không? Đó là vinh quang của sứ mệnh mà thần linh đã giao cho ta. Ta phải hoàn thành, và vinh quang đó không chỉ dành cho ta, mà còn dành cho Hy Lạp vĩ đại và sau này cũng sẽ dành cho nàng. Nàng có hiểu và nhìn thấy được tương lai đó không?

Roxana khẽ lắc đầu nhưng không nói gì thêm. Chính thái độ bất phục này của Roxana khiến Alexander canh cánh trong lòng. Ngài đem chuyện này kể với Timotheus, hy vọng vị quân sư, cũng là người bạn thông thái này, giúp ngài giải được khúc mắc trong lòng. Timotheus kể với tôi rằng khi đó tham vọng bá chủ của Alexander vẫn rất mãnh liệt nên rốt cuộc Timotheus chỉ khuyên nhà vua sau này nên suy xét kỹ càng trước khi ra lệnh tàn sát, thiêu hủy một xứ sở nào đó.

***

Sau hôn lễ với Roxana, một quý tộc người bản xứ, Alexander cũng khuyến khích các tướng sĩ lập gia đình với phụ nữ địa phương và đích thân tổ chức đám cưới tập thể cho hàng trăm sĩ quan và binh sĩ. Seleucus, Perdicas và cả Leonidas cũng chọn các cô gái xinh đẹp để lấy làm vợ.

Hôm đó, tôi đang ở Babylon, chuẩn bị lên đường chuyển vàng bạc và chiến lợi phẩm về Hy Lạp, thì gặp Antigenidas. Antigenidas giận dữ nói:

– Cậu đã biết tin Alexander lập gia đình với một cô gái bản xứ chưa?

– Tôi có nghe nói. Hẳn nhiều người Hy Lạp sẽ không vui.

Antigenidas tỏ ra khó chịu:

– Ta không hiểu, tại sao những anh hùng như chúng ta lại có thể lấy những đứa mọi rợ như thế làm vợ. Bọn chúng chỉ có thể làm nô lệ mua vui thôi. Làm sao chúng ta chấp nhận một kẻ mọi rợ làm hoàng hậu của mình được chứ.

Tôi ý thức được thân phận mình, không dám bàn về các quyết định của Alexander nên chỉ im lặng. Thấy vậy, Antigenidas lắc đầu, vung tay vẻ tức tối:

– Đã thế, Alexander còn khuyến khích quân sĩ lập gia đình với dân bản xứ nữa. Ta không hiểu thằng Leonidas nghĩ thế nào mà lấy con vũ công đó chứ, nó đã có Melissa rồi mà.

Tôi biết Antigenidas đang giận Leonidas vì đã hắt hủi em gái Melissa của mình. Tôi cũng bất mãn vì những thay đổi của Leonidas, cảm thấy thật sự đã mất đi người bạn thân thiết ngày nào.

Khi trở về Pella, tôi biết Antigenidas đã báo cho Melissa việc Leonidas lấy vợ khác. Khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, dĩ nhiên người đàn bà nào cũng giận chồng bạc tình và thù ghét người phụ nữ đã xen vào gia đình mình.

Biết thế nên tôi tránh không gặp Melissa vì không muốn dính dáng thêm vào việc này. Hơn nữa, tôi vốn là người đưa thư cho hai người từ lúc chuyện tình cảm của họ mới bắt đầu, tôi nghĩ việc gặp tôi chỉ khiến Melissa không vui mà thôi. Tuy nhiên, trước khi tôi lên đường đi Ba Tư vì một chuyến công vụ mới thì Melissa đã đến tìm tôi. Vừa gặp tôi cô liền hỏi:

– Kyros này, khi đến Babylon, cậu có gặp Leonidas không?

Tôi gật đầu, không tiện nói gì thêm. Melissa hỏi tiếp:

– Vậy Leonidas có khỏe mạnh không?

Tôi thấy vô cùng khó xử chỉ muốn chấm dứt câu chuyện cho nhanh nhưng lạ là Melissa không tỏ ra giận dữ mà vẫn dịu dàng:

– Đi xa đã lâu, chắc Leonidas cô đơn lắm. Ta nghe nói người vợ mới của Leonidas rất đẹp. Ta mừng đã có người chăm sóc cho Leonidas nơi xứ lạ quê người. Khi trở lại Babylon, phiền cậu cầm giùm lá thư của ta gửi cho Leonidas.

Tôi ngạc nhiên, buột miệng:

– Cô vẫn còn muốn viết thư cho Leonidas?

Melissa gật đầu:

– Ta không trách Leonidas đâu. Ta hiểu sự cô đơn của những người chinh chiến quá lâu. Do đó, ta chỉ muốn hỏi thăm chồng ta thôi.

Vì quá bất mãn với Leonidas, tôi tìm cách thoái thác:

– Leonidas ở trong đoàn quân tiên phong của Hoàng đế Alexander tại Bactria. Còn tôi chỉ vận chuyển chiến lợi phẩm tại Babylon, chưa biết có gặp được Leonidas không.

Melissa nài nỉ:

– Hiện giờ chỉ có cậu là có thể đến nơi đóng quân. Ta muốn cho Leonidas biết rằng ở đây mọi sự yên ổn và mong chồng ta giữ gìn sức khỏe.

Tôi đành nói thẳng:

– Leonidas đã không như xưa nữa. Gặp tôi, cậu ta còn không thèm nói chuyện. Lần trước tôi giao thư cho cậu ta, cậu ta cũng không muốn đọc.

Melissa lắng nghe nhưng không tức giận mà vẫn kiên nhẫn:

– Nhưng ta vẫn muốn biết Leonidas sống ở Ba Tư như thế nào. Có dễ chịu không, có còn soạn nhạc không… Ta muốn nghe những sáng tác mới của Leonidas. Ta nghe nói âm nhạc Ba Tư lạ lùng lắm nên muốn biết ý kiến của Leonidas về những giai điệu này. Hãy giúp ta chuyển thư cho Leonidas.

Không thể thoái thác nữa, tôi ngần ngại cầm lá thư. Tự hỏi không biết Melissa viết gì trong đó. Cô có giận chồng hay than trách gì không? Nếu cô khóc lóc, trách móc thì tôi có thể hiểu được nhưng thái độ điềm tĩnh của cô thật lạ lùng. Làm sao một người vợ có thể bình tĩnh như thế khi chồng mình đã phản bội và lấy vợ khác? Tại sao cô vẫn có thể hỏi về âm nhạc khi tình nghĩa vợ chồng đã nhạt phai? Phải chăng cô vẫn tin Leonidas còn yêu cô hay cô còn nuôi hy vọng Leonidas sẽ trở về với mình?

Khi vừa đến Babylon tôi được lệnh phải đi Bactria ngay vì Alexander cho gọi. Chuyến đi này vất vả hơn chuyến trước vì đường sá xa xôi, phải mất gần hai tháng mới đến nơi. Khi đến nơi, tôi lập tức vào cung và ngạc nhiên thấy Alexander không mặc y phục Hy Lạp như trước mà đang mặc trang phục sặc sỡ như người Ba Tư. Nhà vua xem qua các văn kiện do triều đình Hy Lạp gửi đến và cả lá thư của Antipater yêu cầu gửi thêm vàng bạc và nô lệ. Ngài trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu:

– Bắt đầu từ nay, ta không muốn chuyển vàng bạc về Pella nữa. Việc đúc tiền sẽ được thực hiện tại Babylon. Trước đây, ngươi đã mang vàng tại Babylon và Susa về Pella, bây giờ, ta muốn mang tất cả vàng bạc tại ngân khố ở Pella về Babylon.

Điều này quá bất ngờ, tôi cứ thế đứng ngây ra, chưa biết nên đáp lời nhà vua thế nào. Alexander không để ý đến vẻ sửng sốt của tôi, ngài ra lệnh:

– Chuyến đi này, ngươi hãy mang thư của ta gửi cho Antipater. Ta muốn gọi hắn đến đây vì nghe nói hiện giờ hắn đang cai trị Hy Lạp như một ông vua. Ta cũng muốn xem lại tất cả sổ sách của Dimitris về ngân khố triều đình.

Rời khỏi cung, tôi không ngừng hoang mang về những yêu cầu của nhà vua. Tôi vội tìm đến Timotheus để hỏi về sự thay đổi này. Timotheus giải thích:

– Cậu đừng lo, đây chỉ là sự thay đổi trong việc điều hành triều chính thôi. Nhà vua đang có ý định đặt kinh đô tại Babylon, xứ này rộng lớn, đất đai màu mỡ, giao thông thuận tiện, có đầy đủ mọi thứ, hợp với ngai vị Vua của Á Châu. Trở về một nơi nhỏ bé, đất đai khô cằn như Pella làm gì?

Tôi ngạc nhiên:

– Dù xứ này lớn đến đâu thì cũng là đất Ba Tư, còn chúng ta vẫn là người Hy Lạp, làm sao nhà vua có thể thay đổi như thế được?

Timotheus thong thả nhìn tôi rồi ôn tồn giải thích:

– Có lẽ cậu cũng thấy hiện nay đa số người Hy Lạp vẫn giữ quan niệm chia rẽ và bất hòa như xưa. Người dân Athens tự hào là hiểu biết, thanh lịch, coi khinh người Thessaly tham lam. Dân xứ Thebes coi thường người xứ khác ngu dốt, còn người Sparta thì không phục tùng bất cứ ai. Hầu hết các xứ này đều coi dân Macedonia là man di, mọi rợ. Làm sao họ có thể chấp nhận một ông vua người Macedonia được? Sở dĩ họ tuân phục Alexander vì họ sợ Ba Tư xâm lăng. Một khi nỗi sợ này không còn thì việc cai trị sẽ không còn dễ dàng như trước, cậu không thấy đã có những cuộc nổi loạn, chống lại nhà vua hay sao? Alexander là người thông minh, ngài biết dù Hy Lạp đã thống nhất nhưng không dễ gì thay đổi được thành kiến phân hóa đã có từ xưa. Tuy nhiên, ngài vẫn tin những người trẻ có thể thay đổi. Sở dĩ ngài có được địa vị ngày nay đều nhờ bằng hữu và các binh sĩ trẻ. Do đó, thông qua hôn nhân giữa người Hy Lạp và người Ba Tư, Alexander có ý tạo ra một thế hệ tương lai cho Hy Lạp, một thế hệ trung thành với ngài.

Tôi ngạc nhiên:

– Alexander nghĩ xa đến thế sao?

Timotheus mỉm cười:

– Cậu không thấy Alexander đã lập gia đình với người bản xứ hay sao? Ngay như Seleucus, Perdicas, Leonidas cũng đều lấy vợ Ba Tư. Hiện nay, nhiều binh sĩ cũng lập gia đình tại đây. Việc này đã bắt đầu rồi.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi này đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều về một Hy Lạp mà Alexander có ý xây dựng, một Hy Lạp với thế hệ công dân mới. Tuy nhiên, lúc đó, tôi vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vì ý tưởng đó quá mới lạ.

Hôm sau, tôi đến doanh trại tìm Leonidas. Gặp tôi, Leonidas ngượng ngùng không vui, tôi định trao thư thật nhanh rồi rồi khỏi. Nhưng Leonidas đọc thư xong suy nghĩ một lúc rồi nhờ tôi ở lại đợi hắn viết thư hồi âm. Một lần nữa, tôi lại đóng vai người đưa thư cho hai người. Khi trở về Pella, tôi mang theo bức thư của Leonidas. Xong việc công, tôi tranh thủ chút thời gian mang thư đến cho Melissa. Melissa đọc xong thư thì vui mừng nói với tôi:

– Kyros ơi, Leonidas cho ta biết Yasamin đã có con. Ta muốn gửi ít quà cho đứa bé sắp sinh này.

Yasamin là cô vợ mới của Leonidas. Tôi ngạc nhiên quá đỗi trước thái độ điềm nhiên lạ lùng của Melissa. Tại sao cô không hề giận dữ hay thù ghét kẻ đã phụ bạc mình?

Tại sao cô còn muốn gửi quà cho đứa con của người phụ nữ đã cướp chồng mình? Tôi nhớ khi hai người họ mới yêu nhau, Leonidas đã viết:

“Aristotle dạy rằng đối với mọi sự, cần đặt câu hỏi “Tại sao” để tìm hiểu căn nguyên, vì mọi sự trên thế giới này đều được sắp đặt theo logic mà người ta có thể giải thích”, vậy làm sao giải thích việc lạ lùng, “trái logic” này đây?

Mặc dù đã trở thành hoàng đế của đế quốc lớn nhất thế giới nhưng Alexander vẫn quan tâm đến những cuộc nổi dậy đòi độc lập tại Hy Lạp mà Antipater phải mất công đánh dẹp. Để duy trì an ninh, Antipater đã cho ban hành nhiều đạo luật nghiêm khắc và hành xử như một hoàng đế, do đó, ông làm mất lòng Thái hậu Olympias. Bà gửi thư cho Alexander phàn nàn về sự chuyên quyền của viên tướng này. Đó là lý do Alexander cho gọi Antipater đến gặp mình ngay lập tức. Sau khi xem thư, Antipater biết nếu không cẩn thận thì cũng có thể bị giết như Philotas và Parmenion nên ông lấy cớ bận rộn, cho con trai là Cassander thay mình đến gặp Alexander. Cassander là chồng của Thessalonike, em gái của Alexander, nên có thể tránh được cơn thịnh nộ của hoàng đế.

Hôm đó, Cassander vào triều và ngạc nhiên khi thấy Alexander không mặc y phục Hy Lạp mà đã chuyển sang mặc y phục của Ba Tư. Nhà vua ngồi trên ngai vàng trong khi các quan, tướng đều quỳ mọp dưới đất. Phong tục Ba Tư ghi rõ trong triều, các quan đều phải quỳ, cúi đầu sát đất, chỉ khi gọi mới được ngẩng đầu lên (nghi lễ Proskynesis). Đây là điều không thể chấp nhận với người Hy Lạp. Nhìn thấy cảnh các quan bò lê dưới đất như thế, Cassander ngạc nhiên rồi bật cười ha hả. Thái độ này khiến Alexander nổi giận đùng đùng, nhà vua xông đến ghì chặt Cassander, liên tiếp đập mạnh đầu hắn ta vào tường, máu tuôn xối xả. Nhà vua trẻ quát lớn:

– Tại sao Antipater không đến mà để một thằng oắt con đến làm loạn triều đình của ta? Nếu không nể mặt Thessalonike thì hôm nay, ta sẽ giết ngươi.

Khi xem xét sổ sách ngân khố tại Pella của Dimitris trình lên, Alexander ra lệnh cho mang văn kiện tại Babylon ra so sánh và thấy hao hụt một số vàng lớn. Nhà vua nổi giận:

– Tại sao có sự sai lệch này? Kyros đã kiểm kê mọi thứ tại đây và ghi chép rõ ràng. Tại sao sổ sách Pella lại khác đi?

Philiteus, người chỉ huy quân sĩ hộ tống chuyển vận số vàng được gọi đến. Philiteus xác nhận dấu niêm phong trong các thùng vàng đều nguyên vẹn khi về đến Pella và cũng đã được Dimitris xác nhận trước khi mở niêm phong, vì vậy, Alexander ra lệnh cho Harpalus phải thân hành về Pella để điều tra.

***

Tuy đã chinh phạt các nơi, được suy tôn là Vua của Á Châu nhưng đối với dân chúng xứ Ba Tư, Alexander vẫn là người ngoại quốc. Muốn được dân chúng chấp nhận, Alexander cần kết thân với hoàng tộc xứ này. Vì vậy, nhà vua đã xin cưới Barsine, thường gọi là Stateira (Stateira II), con gái lớn của Vua Darius. Sau đó, ông xin cưới luôn cả Parysatis, cô con gái ít tuổi nhất của Vua Ochus[11]. Qua hai cuộc hôn nhân, làm rể của hai vị cựu hoàng đế, Alexander chính thức trở thành người của dòng họ Achaemenid, dòng họ đã cai trị Ba Tư hơn hai trăm năm. Dòng họ Achaemenid đã cai trị Ba Tư nhiều đời, người trong gia tộc này đều nắm giữ các vị trí quan trọng nên khi là người thuộc dòng họ này, Alexander không sợ bị phản bội. Những người bạn thân tín của Alexander như Hephaestion, Simonides và trước đó là Seleucus, cũng đã lần lượt lập gia đình với những người thuộc dòng họ quý tộc Ba Tư.

Từ đó, triều đình của Đế quốc Hy Lạp tại Babylon bắt đầu chuyển qua một sắc thái mới mẻ, hài hòa, với quan quân, tướng sĩ bao gồm cả hai sắc tộc. Bên ngoài tốt đẹp là thế nhưng trong hậu cung thì khác. Khi Alexander có hai người vợ mới, thì địa vị của Roxana trở nên thua kém. Cô chỉ là con gái tộc trưởng biên thùy xứ Bactria, không thể so sánh với hai công chúa dòng dõi hoàng gia của tiền triều được. Là một hoàng đế oai hùng đánh Đông dẹp Bắc, bách chiến bách thắng trên sa trường và cai trị đế quốc lớn nhất thế giới lúc đó nhưng Alexander không thể giải quyết việc cãi vã, ghen tuông giữa các bà vợ. Do đó, ngài thường tìm cách lánh mặt đi giám sát, kiểm tra quân sĩ khắp nơi để có thể tự do ca hát, uống rượu với binh sĩ. Tuy nhiên, vị hoàng đế cũng không thể trốn tránh mãi, ngài vẫn phải trở về triều để điều hành việc triều chính và vẫn thường phải đứng ra giải quyết những tranh chấp, cãi vã, ghen tuông giữa ba người vợ. Stateira và Parysatis đều là công chúa, biết rõ lễ nghi cũng như quy tắc trong phòng the của hoàng gia, còn Roxana dẫu là con nhà quý tộc nhưng lớn lên ở biên thùy, tính tình cương cường, bất khuất, không thích hợp với luật lệ trong cung. Sau cùng, Alexander phải đưa Roxana về cung điện riêng tại Susa và để hai người vợ kia tại Babylon.

***

Một hôm, Alexander gọi Cleitus vào triều, phong cho viên tướng này làm thống đốc vùng Bactria. Trong số các bạn thân của Alexander, Cleitus là người đã từng theo Vua Philip đi dẹp loạn, lập nhiều công trạng và là người huấn luyện bộ binh theo đội hình Phalanx nên rất được lòng binh sĩ. Trong cuộc viễn chinh, Cleitus luôn theo sát Alexander trong mọi cuộc chiến và từng cứu mạng nhà vua trong trận Granicus.

Không muốn phiền phức với các nghi thức triều đình cũng như tránh phải đối phó với các bà vợ hay những than phiền trong hậu cung nên Alexander lợi dụng cơ hội tiễn chân Cleitus lên đường, bèn rủ các bạn đến doanh trại cách xa Babylon, tổ chức một buổi tiệc mừng, ca hát với nhau như khi xưa. Đã lâu không được tự do uống rượu nên trong bữa tiệc mọi người đều uống đến quên trời quên đất. Rượu vào lời ra, những điều chất chứa trong lòng anh em tướng sĩ đều theo men rượu mà tuôn ra hết. Tuy được phong làm thống đốc nhưng Cleitus cho rằng đang làm tướng mà không được chỉ huy quân đội hay tham gia trận mạc, bị đưa đi làm quan cai trị nơi hẻo lánh chính là dấu hiệu thất sủng. Trong lúc say, Cleitus than rằng với công lao vào sinh ra tử của mình mà chỉ được chức thống đốc tại miền biên thùy hoang vu, nơi các bộ lạc thường nổi loạn, với vài ngàn binh lính già yếu thì không công bằng. Alexander lúc đó cũng đã say, bèn quát:

– Ta đã chinh phục Bactria, dẹp tan các phần tử phản loạn. Đâu còn gì để ngươi phải lo. Ngươi may mắn nhờ ta mới được chức thống đốc, nếu vẫn ở yên tại Pella thì cũng chỉ là tay luyện binh quèn chứ làm sao lên được địa vị này.

Cleitus lúc đó cũng đã bị men rượu dẫn dắt, lớn tiếng cãi lại:

– Nếu không có đội hình Phalanx do tôi huấn luyện thì làm sao ngài thắng được quân Ba Tư. Là người Macedonia mà ngài dám mặc quần áo Ba Tư, lấy vợ Ba Tư, cư xử như một người Ba Tư, thật không biết xấu hổ…

Alexander nổi trận lôi đình, ném bình rượu đang uống vào mặt Cleitus rồi gọi quân sĩ bắt Cleitus lại để hành hình ngay nhưng mọi người vội vã can ngăn. Tất cả tướng lĩnh trong buổi tiệc đó đều là bạn thân, chơi với nhau từ nhỏ, trải bao trận chiến cùng nhau nên không ai muốn sự việc đi xa hơn. Alexander gọi người cho mang vũ khí đến để ngài xử tội kẻ hỗn xược. Perdicas và Philiteus vội vã kéo Cleitus ra khỏi lều nhưng Alexander lập tức đuổi theo, giằng lấy cây giáo của một lính canh gần đó, xông đến đâm thẳng vào Cleitus. Trong lúc giằng co, Cleitus vừa quay lại thì lưỡi giáo đã xuyên qua ngực.

Cái chết của Cleitus gây ra sự hoang mang lớn trong quân đội Macedonia. Mặc dù khi tỉnh rượu Alexander đã rất hối hận, cho chôn cất tử tế và ra lệnh mang một số vàng lớn về cho gia đình của Cleitus nhưng binh sĩ, nhất là đội quân Phalanx vốn trung thành với người chỉ huy của mình đã tỏ ra vô cùng bất mãn. Từ lâu những người lính Macedonia không chấp nhận việc hoàng đế của họ thay đổi lễ nghi triều đình, ăn mặc như người Ba Tư, bắt các quan phải quỳ lạy khi vào triều. Sự bất mãn lan rộng hơn khi Alexander phong cho Philiteus lên làm chỉ huy đội hình Phalanx thay cho Cleitus, một số binh sĩ đã nổi loạn. Một trận giao tranh xảy ra trong nội bộ các binh sĩ Macedonia. Nhờ có lực lượng hộ vệ thân tín của Perdicas và Hephaestion, nên những binh sĩ này rốt cuộc đều bị bắt. Thế nhưng, trong trận giao tranh, Leonidas đã bị thương nặng. Được tin, tôi lập tức đến ngay khu bệnh xá và nhìn thấy người bạn cũ nằm đó, khắp thân mình đều là máu. Nhìn thấy tôi, Leonidas thều thào:

– Tôi biết mình khó sống tiếp, tôi hy vọng cậu nghĩ đến tình bạn khi xưa giữa chúng ta mà giúp tôi một việc.

Tôi đặt tay lên trán Leonidas:

– Anh cứ nói đi, tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

Leonidas thều thào:

– Tôi lo cho Yasamin… Nàng sắp sinh con, không thể sống ở nơi loạn lạc thế này được. Alexander đang chuẩn bị tiến quân chinh phục các vương quốc mới. Nếu quân Hy Lạp rời khỏi chỗ này, tôi không an tâm để Yasamin ở lại đây. Liệu cậu có thể đưa vợ tôi về Hy Lạp và bảo vệ cho nàng không?

Đây là một trọng trách nặng nề, hơn nữa sự việc quá bất ngờ, khiến tôi có phần do dự. Tuy nhiên, nhìn thấy thân thể đẫm máu của Leonidas, tôi không muốn người bạn thân phải lo lắng trước khi nhắm mắt nên đã miễn cưỡng gật đầu. Leonidas vui mừng nắm chặt lấy tay tôi, yếu ớt nói lời cảm ơn. Hôm sau, Leonidas qua đời. Sau khi chôn cất bạn mình, tôi đến tìm Yasamin nói về đề nghị của Leonidas nhưng cô từ chối, quyết không chịu rời Babylon.

Cái chết của Leonidas và sự nổi loạn của quân sĩ Hy Lạp, đã khiến Alexander vô cùng tức giận. Ngài ra lệnh cho Perdicas phải kiểm soát quân đội chặt chẽ hơn và cho giải ngũ một số binh sĩ Hy Lạp, để họ trở về quê quán.

Với số quân tuyển được từ những nơi đầu hàng trước vó ngựa của ngài, ngài không cần nhiều binh sĩ Hy Lạp nữa.

Khi trở về Pella, tôi báo cho Dimitris biết việc con trai ông đã qua đời nhưng không nói gì về việc Leonidas ủy thác. Dimitris vô cùng đau khổ, bao nhiêu kỳ vọng ông đặt ở đứa con trai duy nhất đã tan thành mây khói. Sophia, người con gái mà ông đã thu xếp cho lấy Philotas, nay cũng trở thành góa phụ. Tài sản của gia đình Parmenion cũng đã bị tịch thu. Quá đau buồn, Dimitris gửi thư cho Antipater xin từ chức và giao mọi việc lại cho Deasius, chồng của Isidora. Trước khi tôi lên đường trở lại Ba Tư, Melissa đã tìm đến gặp tôi, trông cô tiều tụy hơn trước, cô hỏi:

– Ta biết Leonidas đã được Hoàng đế Alexander cho chôn cất cẩn thận. Nhưng Yasamin ra sao? Ai sẽ lo cho đứa con của Leonidas?

Một lần nữa, thái độ điềm nhiên và tâm hồn thánh thiện của Melissa khiến tôi ngỡ ngàng. Hiển nhiên, cái chết của Leonidas là nỗi đau rất lớn với cô, nhưng tại sao lúc này cô còn quan tâm đến người phụ nữ kia? Tôi đành thuật lại với Melissa lời trăng trối của Leonidas và cả việc Yasamin từ chối rời Babylon. Melissa liền nói:

– Cậu đã hứa sẽ giúp Leonidas, vậy tại sao không đưa cô ấy về đây?

Tôi trả lời:

– Yasamin không muốn rời Babylon. Tôi đâu thể ép cô ta được.

Melissa im lặng một lúc rồi nói:

– Ta đã sống cô đơn trong bao năm nay nên hiểu tâm trạng của những người cô đơn là như thế nào. Yasamin không thể sống tại nơi loạn lạc kia mà không có ai bảo vệ được, xin cậu hãy cố gắng đưa cô ấy về đây.

Tôi ngạc nhiên quá đỗi, liền hỏi:

– Nhưng… chẳng phải cô ta là người đã cướp chồng của cô sao?

Melissa thong thả nói:

– Leonidas muốn đưa Yasamin về sống tại đây thì ta cũng muốn vậy. Chính cậu cũng đã hứa với Leonidas như thế mà. Hơn nữa, ta cũng phải lo cho đứa con của Leonidas. Nó không thể sống tại một nơi bất an, loạn lạc như thế được.

Khi tôi trở lại Babylon thì Yasamin đã sinh được một đứa bé gái. Tôi cố thuyết phục nhưng cô nhất định không chịu rời khỏi đó. Tôi đem sự việc bàn với Antigenidas. Anh ấy suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Yasamin không muốn đi thì thôi vậy. Nhưng đứa con của Leonidas thì khác, dù nó là con của Leonidas với người phụ nữ khác, nhưng trên danh nghĩa vẫn là cháu ta. Không thể để nó sống vất vưởng nơi đây được, cậu mang đứa bé về đây, ta có thể tìm trong đám nô lệ một người đàn bà vừa sinh con để trông nom đứa bé.

Tôi không nhẫn tâm làm việc đó nên đã tìm cách thoái thác. Nhưng Antigenidas thì đã quyết.

Vì tôi vẫn phải đi phát lương cho binh sĩ ở các nơi khác nhau nên không có mặt tại Babylon thường xuyên. Nhưng trên đường về Hy Lạp, đến hải cảng Issus, tôi mới biết Antigenidas đã cho người bắt đứa con của Leonidas và sai một nô lệ trông nom để giao lại cho Melissa. Trong lần gặp nhau kế tiếp, chúng tôi cãi nhau một trận kịch liệt về việc này. Cuối cùng, Antigenidas nổi giận:

– Ngươi chỉ là một đứa nô lệ trong khi ta chỉ huy binh sĩ, có toàn quyền trong tay. Ta muốn làm gì là việc của ta, ngươi không có quyền phản đối. Nếu không phải vì tình bạn trước nay giữa chúng ta thì lưỡi gươm này đã cắm vào ngực ngươi rồi.

Câu nói đó khiến cho tình bạn của chúng tôi bị sứt mẻ nặng nề. Từ đó, tôi tránh không gặp Antigenidas nữa. Vì Leonidas đã qua đời, không còn thư từ qua lại, nên tôi không trở về Pella mà tìm cách ở hẳn tại Athens. Tôi được biết Melissa trở thành người mẹ trông nom đứa con mới được mấy tháng của Leonidas.

***

Trong cuộc nói chuyện của tôi với Thomas, ông cho biết ngày nay gần như tất cả tài liệu về Alexander đều do người Hy Lạp thời cổ viết nên có nhiều định kiến. Phần lớn đều ca tụng Alexander như một anh hùng vĩ đại và coi việc chinh phục Ba Tư là sự chiến thắng của người Châu Âu đối với các quốc gia Châu Á. Phần lớn sử liệu thường đề cao nền văn minh của Hy Lạp và coi Ba Tư là xứ man rợ, hung ác, lạc hậu và thiếu văn minh. Điều này cũng tạo ảnh hưởng cho các thế kỷ về sau, khi các quốc gia Châu Âu tự coi mình là trung tâm văn minh của thế giới và coi thường các nền văn minh khác. Khi xâm lăng các quốc gia Châu Á và Châu Phi, họ đã gọi cuộc chiến này là sự khai phóng các dân tộc thiếu văn minh.

Thomas kể rằng mặc dù văn minh Hy Lạp đã tiến bộ rất cao với sự có mặt của các triết gia như Pythagore, Platon, Socrates, Aristotle… nhưng Đế quốc Ba Tư lúc đó cũng đã phát triển rất mạnh về kinh tế, canh nông và thương mại. Trong khi Hy Lạp còn là một tập hợp nhiều thành bang nhỏ thì Đế quốc Ba Tư đã bành trướng khắp nơi, chạy dài từ Ai Cập đến Ấn Độ. Từ xưa, người Ba Tư đã đi khắp nơi buôn bán, qua con đường tơ lụa (Silk Road), sang đến tận Trung Hoa. Văn chương, thơ phú, âm nhạc của Ba Tư cũng đạt vị trí quan trọng và phổ biến khắp Trung Đông nên không thể kết luận rằng Đế quốc Ba Tư là thiếu văn minh được.

Một dữ kiện khác cho thấy lúc đó luật pháp Hy Lạp chỉ giới hạn trong việc phân chia giai cấp, quyền sở hữu đất đai để thu thuế. Các việc khác đều do triều đình quyết định, trong đó, nhà vua có quyền hành tuyệt đối. Trong khi đó, Ba Tư đã có hệ thống pháp trị với các bộ luật được ghi chép rõ ràng chứ không tập trung quyền hành vào cá nhân vua chúa. Tôn giáo của Ba Tư (Bái Hỏa giáo) phân biệt rất rõ về quan niệm thiện ác, đúng sai. Kinh Avesta mở đầu với câu: “Chỉ nghĩ điều thiện, nói điều thiện, làm điều thiện vì mọi hành động sẽ được đấng Ahura Mazda phán xét.”  Tôn chỉ không nói dối, luôn nói lời thật đã được ghi rõ vào bộ luật của Vua Cyrus. Bái Hỏa giáo phân chia mọi việc rất rõ ràng, không chấp nhận chế độ nô lệ, không kỳ thị các tôn giáo khác như Do Thái giáo hay tôn giáo của Ai Cập và Assyria.

Hầu hết các sử gia viết rằng Alexander mải mê chinh phục thế giới, không trở về Hy Lạp và chết sớm nên giấc mộng chưa hoàn thành. Thomas nói rõ với tôi rằng Alexander không hề có ý trở về Hy Lạp, ngài đã thành lập một triều đình mới tại Babylon để cai trị đế quốc rộng lớn mà mình chinh phục được nên không cần trở về Pella làm gì. Đó là lý do Alexander ra lệnh chuyển ngân khố về Ba Tư, phát triển một thế hệ công dân mới, hòa hợp hai dòng máu Hy Lạp và Ba Tư cho đế quốc này. Ngài cưới Stateira, con gái của Vua Darius và cưới Parysatis con gái của Vua Ochus, là bằng chứng cho việc muốn kết thân với người xứ này. Thay vì dùng người Hy Lạp trong việc triều chính, ngài vẫn để Mazaeus làm thượng thư, và các quan lại Ba Tư điều hành mọi việc trong nước.

Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm được các đồng tiền vàng được đúc tại Babylon thời đó, có hai mặt, một mặt in hình Alexander, mặt kia in hình Mazaeus như minh chứng lịch sử về việc sáp nhập hai dòng máu, hai nền văn minh này làm một. Đây là dữ kiện lịch sử Hy Lạp mà một số sử gia có lẽ không muốn nhắc đến.

Thomas nói với tôi rằng ước mơ vĩ đại về việc thống nhất thế giới của Alexander Đại đế dường như là điều viển vông, ngông cuồng nhất mà một con người có thể nghĩ ra. Làm sao có thể khiến mọi người trên thế giới không còn khoảng cách, không còn thù hằn và chung sống hòa bình với nhau được? Lịch sử và văn minh nhân loại được viết nên bằng những cuộc chiến đẫm máu và chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt. Đó phải chăng là một lời nguyền không thể hóa giải? Hay đó chính là bản chất của con người – giống loài tiến hóa nhất hành tinh này và ngạo mạn coi mình là chủ nhân địa cầu?

Nếu thế giới này không còn những khoảng cách về sắc tộc, màu da, tôn giáo, chính trị thì liệu con người có chấm dứt sự chia rẽ, thù hằn, xâm chiếm và chém giết lẫn nhau? Liệu có một phép màu nào đó có thể khiến con người ở mọi quốc gia đều coi nhau như người cùng xứ sở và chiến tranh, giết chóc, bạo lực sẽ chấm dứt vĩnh viễn trên hành tinh này? Chẳng phải khi vượt thoát khỏi bầu khí quyển, tiến vào vũ trụ bao la và nhìn về hành tinh trái đất, chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta nhỏ bé ra sao giữa vũ trụ này và tất cả đều có chung một quê hương đó sao?

Liệu có một phép màu nào có thể khiến cho con người thôi phá hủy sự sống muôn loài, thôi hủy diệt màu xanh trên quê hương địa cầu này không? Liệu có cách nào ngăn không cho hành tinh này đếm ngược về ngày tận thế? Những gì đã và đang xảy ra trên thế giới này là cơn thịnh nộ của Đấng sáng thế hay chỉ đơn giản là những báo ứng tuần hoàn theo luật Nhân quả của vũ trụ?

Nếu chúng ta đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ Thành – Trụ – Hoại – Diệt, thì có cách nào để ngăn chặn sự hủy diệt đó không, khi chính chúng ta mới là nguyên nhân cho mọi sự phá hủy khủng khiếp nhất đối với sự sống và tương lai của muôn loài?

Những câu hỏi đó cứ xoay vần trong tâm trí tôi khi nghĩ đến Alexander và những cuộc chiến bất tận của ngài. Con người luôn mơ ước và hướng đến một thế giới hòa bình nhưng cho đến tận ngày hôm nay, khi nhân loại đang tự hào về nền văn minh và sự phát triển khoa học, công nghệ đỉnh cao của mình, thì hành tinh này vẫn chưa ngày nào ngừng xung đột, biến động.

Nếu người ta chỉ chạy theo sự ganh đua, tranh giành quyền lực hòng thống trị nhau thì cái chúng ta gọi là văn minh có thực sự xứng đáng là một nền văn minh không?

***********

[1] Phalanx (Phương trận) là đội hình quân sự với số đông binh sĩ dàn trận thành hình chữ nhật, giữ nguyên đội hình khi di chuyển, được trang bị những ngọn giáo dài, là đội hình khắc chế kỵ binh cực kỳ hiệu quả. Đây là chiến thuật chiến đấu theo đội hình được áp dụng trong lực lượng bộ binh Macedonia.

[2] Talent: đơn vị trọng lượng thời cổ.

[3] Bộ luật của Cyrus được khắc trên tường tại kinh đô Persepolis vẫn còn tồn tại đến nay. Một phần của luật này được khắc trên đá (Cyrus Cylinder) hiện trưng bày tại viện bảo tàng Anh Quốc.

[4] Khu vực này ngày nay là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng, Israel và Syria.

[5] Ghi chú: Đây chính là khởi nguồn để một trong bảy kỳ quan thế giới sau này được ra đời – Thư viện Alexandria. Theo sử liệu, công trình xây cất mất hơn bốn mươi năm mới hoàn thành. Đây là thư viện lớn nhất lúc đó, chứa hơn 750.000 sách, công trình khoa học, thơ ca, triết học… được kết tập và đánh dấu thứ tự cẩn thận. Ngoài ra, còn có một đài thiên văn để quan sát tinh tú và một vườn cây sưu tầm các loại kỳ hoa dị thảo khắp nơi được mang về trồng để cho các nhà thảo mộc học nghiên cứu. Thư viện vĩ đại này đã bị hủy hoại sau một trận hỏa hoạn gần 2000 năm trước. Năm 2003, Thư viện Alexandria phiên bản mới được khánh thành tại gần vị trí cũ, với kinh phí xây dựng lên đến 220 triệu USD, sức chứa khoảng 8 triệu cuốn sách.

[6] Đây là các khu vực thuộc Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan ngày nay.

[7] Lúc đó người Hy Lạp chưa biết gì nhiều về Ấn Độ mà tin rằng rặng Hindu Kush là nơi tận cùng thế giới.

[8] Nữ thần Hy Lạp cổ đại, bảo hộ tình yêu, sắc đẹp, niềm vui và sự sinh nở.

[9] Có rất nhiều giai thoại ca ngợi vẻ đẹp của Roxana, các sử gia sau này còn tôn xưng cô là người phụ nữ đẹp nhất Châu Á. Các thi sĩ Hy Lạp cũng tốn rất nhiều giấy mực về mối tình vừa thấy mặt đã phải lòng ngay này. Nhiều ý kiến cũng cho rằng Alexander, cũng như cha ông là Vua Philip, đều sử dụng hôn nhân như chính sách ngoại giao khôn khéo, lập gia đình với con gái những người có quyền lực, cho họ duy trì địa vị như cũ, tránh những mầm mống phản loạn về sau.

[10] Roxana hay Roxane, tiếng Ba Tư cổ là Roxauna, nghĩa là ngôi sao nhỏ.

[11] Vua Artaxerxes III Ochus, cai trị Ba Tư từ năm 359 tới 338 TCN.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.