(Kinh Ma Ha Bát Nhã ghi: Phẩm Đại Sự Khởi Thành Biện)
KINH: Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy vì việc lớn nên sanh khởi, vì việc không thể nghĩ bàn nên sanh khởi; vì việc không thể cân nên sanh khởi, vì việc không thể lường nên sanh khởi, vì việc không ngang bằng nên sanh khởi.
Phật bảo Tu-bồ-đề: “Như vậy, như vậy! Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, vì việc lớn nên sanh khởi, cho đến vì vô đẳng đẳng sự nên sanh khởi, vì cớ sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật ấy hàm chứa năm Ba-la-mật; trong Bát-nhã ba-la-mật hàm chứa nội không (adhyātma-śūnyatā) cho đến vô pháp hữu pháp không (abhāva-svabhāva-śūnyatā); hàm chứa bốn niệm xứ (catvāri smṛty-upasthānāni) cho đến tám thánh đạo phần (āryāṣṭāṅgika-mārga), hàm chứa mười trí lực (daśa-balāni) của Phật cho đến trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna). Thí như vua Quán đảnh là tôn quý nhất trong nước, các việc quan đều ủy thác cho đại thần, còn quốc vương an vui vô sự. Như vậy, Tu-bồ-đề, pháp Thanh văn, Bích-chi Phật, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Phật hết thảy đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, thành biện được các việc ấy. Thế nên, Bát-nhã ba-la-mật vì việc lớn nên sanh khởi cho đến vì không ngang bằng nên sanh khởi.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, vì Bát-nhã ba-la-mật không thủ không trước sắc, nên có thể thành biện; không thủ không trước thọ, tưởng, hành, thức nên có thể thành biện, cho đến không thủ không trước trí Nhất thiết chủng nên có thể thành biện; không thủ không trước quả Tu-đà-hồn cho đến quả A-na-hàm, Bích-chi-Phật đạo cho đến không thủ không trước Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên có thể thành biện.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bát-nhã ba-la-mật không thủ không trước sắc nên có thể thành biện thế nào? Bát-nhã ba-la-mật không thủ không trước thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttarā-saṃyak-saṃbodhi) nên có thể thành biện thế nào?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, vả chăng thấy sắc ấy khả thủ khả đắm?
Tu-bồ-đề thưa: Không, Bạch đức Thế Tôn.
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, vả chăng thấy thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttarā-saṃyak-saṃbodhi) khả thủ, khả đắm ư ?
Tu-bồ-đề thưa: Không, Bạch đức Thế Tôn!
Phật dạy: Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề! Ta cũng không thấy sắc ấy khá thủ khá đắm; vì không thấy nên không thủ, không thủ nên không đắm; ta cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttarā-saṃyak-saṃbodhi) và trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna) khả thủ khả đắm; vì không thấy nên không thủ, vì không thủ nên không đắm. Ta cũng không thấy Phật pháp (buddhadharma), Như Lai pháp, pháp người Tự nhiên, pháp người Nhất thiết trí khá thủ khá đắm; vì không thấy nên không thủ, không thủ nên không đắm. Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát ma-ha-tát đối với sắc cũng không nên thủ cũng không nên đắm; đối với thọ, tưởng, hành, thức cho đến Phật pháp, Như Lai pháp, pháp người Tự nhiên, pháp người Nhất thiết trí cũng không nên thủ, cũng không nên đắm.
Bấy giờ, các Thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật ấy thâm sâu, khó thấy khó hiểu, không thể tư duy, suy loại biết được, chỉ người có trí tuệ tịch diệt, vi diệu, thiện xảo có thể biết được. Người tin được Bát-nhã ba-la-mật ấy nên biết đó là Bồ-tát đã cúng dường Phật nhiều, gieo trồng căn lành nhiều, đi theo thiện tri thức nên có thể tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu.
Bạch đức Thế Tôn, nếu chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới, đều làm hạng người tín hành, pháp hành, bát nhơn, Tu-đà-hồn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, hoặc trí hoặc đoạn, đều chẳng bằng Bồ-tát ấy trong một ngày tu thâm sâu, hoặc tín nhẫn, ham muốn, tư duy trù lượng Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, vì cớ sao? Hạng người tín hành, pháp hành, bát nhơn, Tu-đà-hồn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, hoặc trí, hoặc đoạn tức là Bồ-tát ma-ha-tát vô sanh pháp nhẫn (anutpattika-dharma-kṣānti).
Phật bảo các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc: “Như vậy, như vậy! Các Thiên tử! Nếu hạng người tín hành, pháp hành, bát nhơn, Tu-đà-hồn cho đến A-la-hán, Bích-chi-Phật tức là Bồ-tát ma-ha-tát vô sanh pháp nhẫn. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này mà biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng thời thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy mau được Niết-bàn hơn thiện nam tử, thiện nữ nhơn cầu Thanh văn, Bích-chi-Phật thừa, mà xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu để theo các kinh khác tu hành, hoặc một kiếp, hoặc non một kiếp, vì cớ sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy nói rộng pháp thượng diệu, hạng người tín hành, pháp hành, bát nhơn, Tu-đà-hồn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-Phật nên học, Bồ-tát ma-ha-tát cũng nên học, học rồi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttarā-saṃyak-saṃbodhi).
Khi ấy, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc đều cất tiếng thưa rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy gọi là Ma-ha ba-la-mật, gọi là không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể lường, Vô đẳng đẳng ba-la-mật. Hạng người tín hành, pháp hành, bát nhơn, học Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy thời được thành Tu-đà-hồn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật; còn học Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy được thành Bồ-tát ma-ha-tát; học Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, cũng không thêm, không bớt.
Khi ấy các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh Phật rồi đi, đi chưa bao xa, bỗng nhiên không hiện, đều trở về chỗ cũ.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật ấy tức thời tin hiểu. Các Bồ-tát ấy mệnh chung từ chỗ nào mà sanh đến đây?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, tức thời tin hiểu, không thối thất, không khiếp sợ, không khó khăn, không nghi ngờ, không hối hận, hoan hỷ, ưa nghe, nghe rồi nhớ rõ trọn không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy; hoặc đi, hoặc ở, hoặc ngồi, hoặc nằm, trọn không quên mất, thường theo pháp sư, ví như trâu nghé mới sanh, không lìa mẹ nó. Bồ-tát ma-ha-tát cũng như vậy, vì muốn nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, nên trọn không xa lìa pháp sư, cho đến khi miệng đọc, tâm hiểu, chánh kiến, thông đạt Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy. Này Tu-bồ-đề, nên biết Bồ-tát ấy từ trong cõi người mệnh chung, trở lại sanh trong cõi người này, vì cớ sao? Vì muốn cầu Phật đạo, đời trước khi nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, biên chép, thọ trì, cúng dường, tôn trọng, tán thán, cúng dường hương hoa, phan lọng. Do nhân duyên ấy khi mạng chung trong cõi người, trở lại sanh trong cõi người, nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy liền tin hiểu.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Vả chăng có Bồ-tát ma-ha-tát thành tựu công đức như vậy, đi đến thế giới phương khác cúng dường chư Phật, ở thế giới đó mệnh chung, sanh trở lại cõi này, nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, liền tin hiểu viết chép, giữ gìn, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng, có việc như vậy chăng?
Phật đáp: Có, Bồ-tát thành tựu công đức như vậy, đi đến thế giới phương khác cúng dường chư Phật, ở thế giới đó mệnh chung, sanh đến cõi này nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu liền tin hiểu viết chép, giữ gìn, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng, vì cớ sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát ấy, từ chỗ chư Phật ở phương khác, nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, tin hiểu, viết chép, giữ gìn, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ. Ở phương kia mệnh chung sanh đến cõi này. Nên biết người ấy thành tựu công đức như vậy.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, có Bồ-tát từ nơi Bồ-tát ma-ha-tát Di-lặc nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, nhờ nhân duyên thiện căn đó nên sanh đến cõi này.
Tu-bồ-đề, Lại có Bồ-tát ma-ha-tát đời trước tuy nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu mà chẳng hỏi đúng nghĩa lý, nên khi sanh đến cõi người nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, tâm nghi ngờ hối hận, khó ngộ.
Tu-bồ-đề, Bồ-tát như vậy nên biết đời trước tuy có nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, vì không hỏi nên đời nay tiếp tục sanh nghi ngờ khó ngộ. Nếu Bồ-tát đời trước tuy nghe Thiền ba-la-mật, không hỏi đúng nghĩa lý, đời nay nghe Bát-nhã ba-la-mật, vì không hỏi nên tiếp tục sanh nghi ngờ, hối hận.
Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát đời trước tuy nghe Tinh tấn ba-la-mật không hỏi đúng nghĩa lý, đời nay nghe Bát-nhã ba-la-mật, vì không hỏi nên lại tiếp tục nghi ngờ hối hận.
Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát đời trước tuy nghe Nhẫn nhục ba-la-mật, không hỏi đúng nghĩa lý, đời nay nghe Bát-nhã ba-la-mật, vì không hỏi nên lại tiếp tục nghi ngờ, hối hận.
Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát đời trước tuy nghe Giới ba-la-mật, không hỏi đúng nghĩa lý, đời nay nghe Bát-nhã ba-la-mật, vì không hỏi nên lại tiếp tục nghi ngờ, hối hận.
Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát đời trước tuy nghe Bố thí ba-la-mật, không hỏi đúng nghĩa lý, đời nay nghe Bát-nhã ba-la-mật, vì không hỏi nên lại tiếp tục nghi ngờ hối hận.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát đời trước tuy nghe nội không (adhyātma-śūnyatā), ngoại không (bahirdhā-śūnyatā), nội ngoại không (adhyātma-bahirdhā-śūnyatā), cho đến vô pháp hữu pháp không (abhāva-svabhāva-śūnyatā), không hỏi đúng nghĩa lý, khi sanh đến cõi người, nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, vì không hỏi nên lại tiếp tục nghi ngờ, khó ngộ.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát đời trước tuy nghe bốn niệm xứ cho đến tám thánh đạo phần, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông, mười trí lực của Phật cho đến trí Nhất thiết chủng, không hỏi đúng nghĩa lý, khi sanh đến cõi người, nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, vì không hỏi nên lại tiếp tục nghi ngờ, khó ngộ.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát đời trước nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, hỏi đúng nghĩa lý mà không thực hành, khi mệnh chung sanh đến đây nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày tâm họ kiên cố không thể phá hoại, nhưng nếu khi lìa pháp được nghe liền bị thối thất, vì cớ sao? Vì đời trước khi nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, tuy có hỏi đúng nghĩa lý mà không tu hành đúng như pháp. Người ấy hoặc có khi muốn nghe, hoặc có khi không muốn nghe, tâm mỏng manh không bền chắc, chỉ rối loạn không định, thí như lông nhẹ bay theo gió.
Tu-bồ-đề, nên biết Bồ-tát ấy, phát tâm không lâu, không theo cùng thiện tri thức, cúng dường chư Phật không nhiều; đời trước không viết chép Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, không đọc tụng, không nhớ nghĩ đúng, không học Bát-nhã ba-la-mật, không học Thiền ba-la-mật, không học Tấn ba-la-mật, không học Nhẫn ba-la-mật, không học Giới ba-la-mật, không học Thí ba-la-mật, không học nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, không học bốn niệm xứ, cho đến tám Thánh đạo phần, không học bốn thiền, bốn tâm vô lượng, năm thần thông, mười trí lực của Phật, cho đến không học trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
Như vậy, Tu-bồ-đề, nên biết Bồ-tát ấy mới phát tâm Đại thừa vì ít tin, ít vui nên không thể viết chép Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, không thể thọ trì, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng.
Tu-bồ-đề, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn cầu Phật đạo, không viết chép Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, không thọ trì, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, cũng không được Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu hộ trì, cho đến không được trí Nhất thiết chủng hộ trì; người ấy cũng không tu hành đúng như Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu như đã nói, cho đến không tu hành đúng như trí Nhất thiết chủng như đã nói; người ấy hoặc rơi vào Nhị địa, hoặc Thanh-văn địa, Bích-chi-Phật địa, vì cớ sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy không viết chép Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, không đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng; người ấy cũng không được Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu hộ trì; cũng không tu hành như đã nói. Vì thế nên thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy sẽ rơi vào một trong hai địa.
LUẬN: Hỏi: Từ trước lại đây, thường nói nhân duyên Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, nay vì sao nói lập lại?
Đáp: Nơi nơi nói Bát-nhã thâm sâu, thời có được lợi ích nhiều. Kẻ phàm phu không hiểu cho là nói lặp lại. Thí như vua nước lớn, chưa có đích tử, cầu đảo thần kỳ, nhiều năm không ứng. Trong lúc vua xuất hành, phu nhân sanh con trai, khiến báo tin vua biết, phu nhân sanh con trai, vua nghe vui mừng mà không trả lời cho đến mười phen sứ giả tâu: Tôi thưa nảy giờ vua có nghe chăng? Vua đáp: Ta có nghe. Lâu lắm ta mới được mãn nguyện, trong tâm rất vui mừng, muốn nghe mãi không thôi, liền sắc cho quan hữu ty, ban cho người ấy 100 vạn lượng vàng; cứ một câu nói mười vạn lượng vàng. Vua nghe sứ giả nói trong mỗi câu, mỗi câu đều có lợi ích chứ không nói lặp. Người không biết cho là nói lặp. Nơi nơi nói Bát-nhã thâm sâu cũng như vậy. Phật và Bồ-tát Tu-bồ-đề biết có lợi ích lớn. Tu-bồ-đề nghe Phật nói Bát-nhã thâm sâu, không thể hiểu thấu, trở thành cảm giác thâm sâu; người nghe ở nơi nơi nghe nói thâm sâu, được lợi ích thiền định và trí tuệ. Còn kẻ phàm phu chê là nói lặp.
* Lại nữa, sâu cạn không nhất định, tùy theo chúng sanh, kẻ hiểu thì không sâu, kẻ không hiểu cho là sâu. Bát-nhã ba-la-mật, trừ Phật không ai biết khắp được nên nói là thâm sâu. Thế nên, Phật vì chúng sanh nên nói thâm sâu, chứ không có tướng thâm sâu nhất định, nếu có thâm sâu nhất định thời không ai tu được, nên nói Bồ-tát cho Bát-nhã thâm sâu, vì không tu hành Bát-nhã ba-la-mật. Nhân duyên của thâm sâu là vì việc lớn nên sanh khởi, cho đến vì Vô đẳng đẳng sự nên sanh khởi. Nghĩa của việc lớn v.v… như trước đã nói.[1] Trong đây, Phật tự nói nhân duyên của việc lớn v.v… đó là Bát-nhã ba-la-mật hàm chứa năm Ba-la-mật v.v…
Hỏi: Năm Ba-la-mật đều có tướng khác nhau, sao nói hàm chứa trong Bát-nhã ba-la-mật?
Đáp: Ở đây, nói hàm chứa trong quyển kinh Bát-nhã. Lại nữa năm Ba-la-mật v.v… vì cùng với Bát-nhã ba-la-mật hòa hợp, phương tiện hồi hướng nên năm Ba-la-mật được đạt đến Phật đạo.
Vua Quán đảnh ví như Phật, mọi quốc sự là phép độ chúng sanh, còn đại thần (mahāmātra) là ví như Bát-nhã ba-la-mật. Phật ủy thác Bát-nhã ba-la-mật thành biện mỗi mỗi pháp nên Phật an ở thiền định, khối lạc, vô sự. Lại như, muốn trừ cây cỏ, củi khô, lấy lửa ném vào thời lửa đốt cháy hết, còn người thì vô sự.
* Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật vì không thủ, không đắm sắc v.v… nên gọi là hàm chứa, mới nhiễm gọi là thủ, sanh ưa thích gọi là đắm.
Tu-bồ-đề hỏi: Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật, vì không thủ, không đắm sắc v.v… nên gọi là hàm chứa?
Trong bốn cách đáp, Phật dùng cách đáp phản vấn:
“Ý ông nghĩ sao, dùng mắt trí tuệ thấy sắc pháp v.v… khả thủ, khả đắm chăng”?
Ý Tu-bồ-đề nghĩ rằng: “Nếu con mắt trí tuệ thời chỉ thấy không, vô tướng, vô tác, vô lượng, tướng bất khả tư nghì chứ làm sao đáp sắc v.v… có định tướng khả thủ, khả đắm”.
Phật chấp thuận lời đó, ông chưa được Nhất thiết trí (sarvajña), chẳng thấy sắc v.v… Ta là người Nhất thiết trí cũng chẳng thấy sắc v.v…; thế nên Ta tán thán “Lành thay”. Khi ấy, các Thiên tử tán thán Bát-nhã ba-la-mật và người tu hành Bát-nhã ba-la-mật rằng: Nếu chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới, hoặc là hạng người tín hành, pháp hành, cho đến Bích-chi-Phật hoặc trí hoặc đoạn. Trí là mười trí; Đoạn có hai thứ: đoạn có dư tàn, đoạn không có dư tàn. Hàng hữu học (śaikṣa) đoạn có dư tàn, hàng vô học (aśaikṣa) đoạn không có dư tàn, không bằng Bồ-tát trong một ngày tu Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, vì cớ sao? Vì trí và đoạn của Thánh hiền đều là vô sanh pháp nhẫn của Bồ-tát.
Hỏi: Nếu trí và đoạn của Thánh hiền tức là vô sanh pháp nhẫn thì cớ gì nói “chẳng bằng”?
Đáp: Người tín hành v.v… vì không có tâm đại từ bi, rời bỏ chúng sanh nên chẳng bằng. Không có sức phương tiện, thời không thể từ Niết-bàn trở lại độ sanh. Thí như muôn dòng nước dồn về sông Hằng đều vào biển cả. Khi muốn vào biển, thế nước xoáy lốc, chúng sanh ở trong đó không thể lội ngược lại, chỉ người có sức mạnh mới ra khỏi được.
* Lại nữa, các Thánh hiền khác, thành tựu trí và đoạn, Bồ-tát mới được vô sanh nhẫn mà sức có thể vượt qua cho nên Bồ-tát hơn. Công đức trí và đoạn tuy thành tựu mà không sánh kịp Bồ-tát sơ nhẫn. Thí như đại thần, công nghiệp tuy lớn, không sánh kịp Thái-tử.
* Lại nữa, pháp nỗn (uṣmā)), đảnh (mūrdha), nhẫn (kṣānti) là pháp môn ban đầu của Tiểu thừa. Pháp nhẫn của Bồ-tát là pháp môn ban đầu của Đại thừa. Thanh văn, Bích-chi-Phật tuy thành đạt trọn vẹn còn không sánh kịp Bồ-tát mới vào cửa đạo huống gì thành Phật.
Hỏi: Pháp của Thanh-văn (śrāvaka), Bích-chi-Phật (pratyeka-buddha) là Tiểu thừa, Bồ-tát là Đại thừa, làm sao nói trí và đoạn của Nhị thừa tức là vô sanh nhẫn của Bồ-tát?
Đáp: Vì sở duyên đồng, như như, pháp tánh (dharmatā), thực tế cũng đồng, chỉ trí tuệ lợi và độn khác nhau. Lại vì có vô lượng công đức và tâm đại bi thủ hộ nên thắng. Các cách nói khác đều là tán thán Bát-nhã ba-la-mật.
Người hành Bát-nhã ba-la-mật có thượng, trung, hạ. Hạ là khi nghe Bát-nhã ba-la-mật liền lãnh thọ, tin ngay, không hỏi đúng nghĩa lý; Trung là đã nghe rồi hỏi nghĩa lý đúng mà không thực hành; Thượng là nghe hiểu và thực hành. Hạ tuy được làm thân người, nghe Bát-nhã cứ nghi ngờ, hối hận khó ngộ, vì phước mỏng, căn độn. Trung là được thân người nghe Bát-nhã nhất tâm tin vui, hiểu biết nghĩa lý, từ một ngày đến bốn năm ngày, tâm rất kiên cố, quá ngày đó không thể tin vui; hoặc muốn nghe, hoặc không muốn nghe vì đời trước, tuy hiểu nghĩa mà không thực hành, phước mỏng, căn độn. Thượng là được thân người nghe Bát-nhã, tâm liền thâm hiểu tin, vui không bỏ, thường theo pháp sư. Hai hạng Bồ-tát trên không thể được thượng địa, sẽ rơi vào Nhị thừa, vì không được Bát-nhã thủ hộ. Vì muốn làm rõ nghĩa ấy lần nữa, nên ở phẩm sau Phật nêu thí dụ. Như ở giữa biển cả, thuyền bị vỡ, nếu được chỗ nương thời lội qua được, không được chỗ nương thời không lội qua được.
***
Trang trước | Mục lục | Trang sau |